Quốc phòng hùng mạnh - quốc thái dân an

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã nêu "Về quốc phòng và an ninh, cần thực hiện mọi biện pháp cần thiết, có hiệu quả để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa..." 

Quan điểm của Đảng trong thời kỳ đổi mới đã chỉ rõ xây dựng nền Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân hùng mạnh, không chỉ để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà còn là bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ và cuộc sống yên bình của nhân dân ta. 

Lịch sử chứng minh, không có quốc gia nào và cũng không có thời đại nào, trong quá trình chăm lo xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội, lại không đi đôi với kế sách củng cố quốc phòng, an ninh để bảo vệ sự tồn vong của chế độ đó. Với dân tộc Việt Nam, bài học về dựng nước phải đi đôi với giữ nước, luôn luôn là bài học thời sự nóng hổi, xuyên suốt chiều dài lịch sử. Lịch sử của dân tộc ta, trước hết và trên hết là lịch sử chống giặc ngoại xâm. Thời buổi nào cũng vậy, cả quá khứ và hiện đại, đều cho thấy, nhân dân ta luôn luôn mong muốn có độc lập, khát khao hòa bình để dựng xây đất nước, nhưng các thế lực thù địch lại luôn lăm le dòm ngó để âm mưu cướp nước ta hoặc để lái con đường của dân tộc đi theo quỹ đạo của họ. 

Ra khỏi cuộc trường chinh suốt 30 năm, đổ biết bao hy sinh xương máu để chiến thắng kẻ thù, giành toàn vẹn độc lập tự do cho Tổ quốc, nhiều người trong chúng ta tưởng sẽ không bao giờ đất nước phải đối đầu với âm mưu phá hoại thù địch, để bình yên xây dựng cuộc sống. Nhưng thực tế đã chứng tỏ ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chúng ta phải đối phó với hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, cùng với chính sách mở cửa thân thiện, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của chúng ta, với xu thế hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế không thể cưỡng lại được, chúng ta lại phải đối mặt từng ngày, từng giờ với mọi toan tính thâm độc của các thế lực thù địch chống phá quyết liệt sự nghiệp phục hưng đất nước của nhân dân ta, nhằm xóa bỏ chế độ XHCN của chúng ta. 

Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, hệ thống XHCN lâm vào thoái trào, thì các nước XHCN còn lại, hiển nhiên là mục tiêu tiến công trực tiếp của các thế lực thù địch. Trong đó Việt Nam là một trong những mục tiêu hàng đầu. Không nhận rõ điều đó thì cực kỳ nguy hiểm. Chiến lược "diễn biến hòa bình" từng làm tan vỡ Liên Xô-thành trì phe XHCN, làm sụp đổ cả một hệ thống chính trị thế giới, mà đối phương gần như không tốn một viên đạn, đủ cho thấy tính hiệu quả của chiến lược cực kỳ thâm độc này, như cựu tổng thống Mỹ Ních-xơn từng ngạo mạn tiên đoán: Năm 1999 chiến thắng không cần chiến tranh! 

Đáng nói là chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch được tiến hành trong môi trường hòa hoãn quốc tế, trong sự bắt tay hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa. Nó không trực diện như đối mặt ở chiến trường, nên hoặc là không nhận thấy hoặc là nhận thấy nhưng không thấy hết tính nguy hiểm của nó. Cái khó nhất là thời bình, toàn Đảng, toàn dân lại phải tập trung trí tuệ, công sức cho cuộc bứt phá chống nghèo nàn, thì việc lơ là phòng thủ, coi nhẹ chăm lo củng cố quốc phòng là điều thường dễ xảy ra. 

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng X đã chỉ rõ: "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân... Xây dựng thế trận lòng dân làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc". 

Để làm tốt chủ trương thực hiện mọi biện pháp cần thiết, có hiệu quả, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân hùng mạnh, thì điều quan trọng đầu tiên là phải tập trung tuyên truyền, giáo dục để toàn dân hiểu rõ những âm mưu thủ đoạn chống phá của địch, những thách thức đang rình rập từng ngày, hiểu rõ tầm quan trọng của ý thức cảnh giác, chăm lo củng cố nền quốc phòng; xây dựng thế trận phòng thủ, xây dựng LLVT nhân dân hùng mạnh để Tổ quốc không thể bị bất ngờ. Bồi đắp được ý thức cảnh giác, ý thức phòng vệ, phòng thủ đất nước của toàn dân, chính là xây dựng được "thế trận lòng dân", yếu tố sâu xa bền vững nhất của thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. 

Chúng ta đã có những bài học vô giá về kinh nghiệm xây dựng thế trận lòng dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thấm nhuần quan điểm "dù đốt cháy dãy Trường Sơn cũng quyết giành tự do độc lập",nên nhân dân ta mới có quyết tâm "cả nước là chiến trường, toàn dân là lính", mới hy sinh "nhà tan cửa nát cũng ừ, quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau". Ngày ấy, một người lính sợ gian khổ quay trở về, thì chỉ với nỗi đau tinh thần của gia đình, với lời khuyên chí tình của làng xóm, hầu hết họ lại tự giác quay trở lại chiến trường đầy hy sinh gian khổ. Sức mạnh của thế trận lòng dân chính là ở đấy. Chúng ta không được để mai một bài học vô giá đó, chúng ta không thể vì bất cứ lý do gì, để người dân lơ là mất cảnh giác. Một dân tộc mất cảnh giác thì không thể đổ lỗi cho con em mình cầm súng thiếu cảnh giác sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc lâm nguy. 

Báo cáo chính trị cũng nêu rõ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, trong hoàn cảnh thời bình, chính là xây dựng thế trận bố phòng với các khu vực phòng thủ tỉnh huyện, xã. Sao cho việc bố trí lực lượng, thế trận, công tác cơ động, ứng cứu, công tác bảo đảm hậu cần, vận tải, cứu thương... phải được tập dượt hoàn chỉnh, để mỗi làng xã là một pháo đài kiên cường trong pháo đài của huyện, mỗi huyện là một pháo đài kiên cường trong pháo đài của tỉnh. Địch đổ bộ ở bất cứ đường nào, hướng nào, thì nơi ấy, địa phương ấy phải là trận đồ bát quái để tiêu diệt địch tại chỗ. Đó chính là thế trận phòng thủ của chiến tranh nhân dân. Chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế: cấp ủy Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự làm tham mưu. Các cuộc diễn tập ở nhiều địa phương cho thấy, mỗi năm, cơ chế này ngày một hoàn thiện, đặc biệt là sự “vào cuộc” thật sự của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Tuy nhiên qua một số cuộc diễn tập lớn cấp tỉnh, cũng còn bộc lộ không ít hạn chế, mang tính hình thức, nhất là sự phối hợp thiếu đồng bộ, thiếu ăn ý của các ban, ngành, đoàn thể, trong hệ thống chính trị của địa phương, cơ sở. 

Chăm lo phát triển kinh tế đang là nhiệm vụ trọng tâm của cả nước, của từng địa phương. Đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, phân bổ lại các vùng chuyên canh, đất đai, dân cư. Bất cứ một chủ trương, giải pháp nào đều phải được tính đến yếu tố bảo đảm ưu tiên cho quốc phòng khi có tình huống chiến tranh. Mải lo phát triển kinh tế mà coi nhẹ, thậm chí không đếm xỉa đến việc kết hợp với yếu tố phòng thủ thì cũng ví như xây nhà cao tầng, chỉ chăm lo bề nổi mà không quan tâm đến nền móng chìm sâu dưới đất. Và như thế thì hoặc là công trình đồ sộ làm xong có khi phải dỡ ra làm lại bảo đảm chiến lược phòng thủ khi có tình huống, hoặc sẽ có tội với lịch sử do việc phát triển kinh tế không kết hợp, không đi đôi với việc xây dựng thế trận bố phòng. 

Không phải là không có cán bộ chủ chốt cấp Bộ, ngành, địa phương đã không đặt lên bàn cân về quốc phòng và kinh tế, về phát triển và phòng thủ. Cũng không phải không có người tìm mọi giải pháp để thu hồi đất quốc phòng, mặc dù biết đó là đất sân bay, là trường bắn, bãi tập huấn luyện, nhưng vẫn nhìn từ góc độ kinh tế. Trước mắt có thể không thấy hại hoặc không có gì xảy ra, nhưng di họa thì các thế hệ con cháu sẽ phải gánh chịu. 

Về việc này, chỉ xin dẫn ra hai ví dụ nhỏ. Một trận địa cao xạ ở huyện H, do sự phát triển của các dãy nhà cao tầng của khu dân cư, đã "vô hiệu hóa" tầm ngắm của trận địa. Sân bay T của một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, do địa phương quy hoạch chia đất cho dân xây dựng, đã khiến đường bay dã chiến quân sự hoàn toàn mất khả năng hạ cánh. Như vậy, câu nói "kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế" nghe thật dễ hiểu, nhưng thực tế chứng minh đây còn là điều rất xa vời. Có thể nói nó là tiêu biểu nhất cho khoảng cách xa vời giữa lý luận và thực tiễn, giữa chủ trương và hành động, giữa lời nói và việc làm, trong quá trình phát triển kinh tế ở nhiều địa phương, mà chúng ta không thể không kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. 

Trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, những năm gần đây, hàng loạt mô hình các khu kinh tế quốc phòng của quân đội được triển khai ở nhiều địa bàn, đặc biệt là các vùng trọng điểm, vùng biên giới là thật sự có hiệu quả, cả về trước mắt và lâu dài. Chính phủ cần tạo điều kiện để Bộ Quốc phòng tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình này. 

Đương nhiên, chăm lo xây dựng thế trận phòng thủ phải đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là Quân đội nhân dân hùng mạnh. Nói đến quân đội, là nói đến niềm tin yêu của toàn Đảng, toàn dân ta. Sau chiến thắng vĩ đại năm 1975, đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng nói:"Thành quả vĩ đại nhất trong 30 năm qua là chúng ta đã xây dựng được một Quân đội nhân dân cách mạng, anh hùng". 

Thời bình, quân đội nước nào cũng tinh giản biên chế, tổ chức gọn nhẹ, coi đó là vấn đề có tính quy luật. Quân đội ta cũng vậy. Sự tinh giản biên chế, tổ chức trang bị, sắp xếp lại lực lượng, trong 20 năm đất nước đổi mới, cho thấy là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và sức mạnh quân đội ngày càng được tăng cường, đặc biệt là nhân tố chính trị, tinh thần của quân đội ngày càng được thử thách rèn luyện và nâng cao. Việc khôi phục chế độ chính ủy-chính trị viên gắn với chế độ một người chỉ huy, càng bảo đảm cho sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với quân đội được coi trọng và tăng cường. 

Tình hình chính trị thế giới nhiễu nhương, đất nước rình rập nhiều hiểm họa, sự kiên định vững vàng về bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm tác chiến của quân đội là một bảo đảm không gì thay thế được về niềm tin của toàn dân đối với việc bảo vệ chế độ XHCN của chúng ta. Những năm đổi mới, với sự bức xúc của dân tình tại nhiều điểm nóng, với sự giật dây của kẻ phá hoại gây ra các vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên, và với thiên tai bão lũ dồn dập, trong những hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng ấy, nổi bật nhất là vai trò của bộ đội lăn lộn hòa giải cùng dân, đi đầu xông pha trong cứu hộ, cứu nạn... đã làm cho sau 30 năm chiến tranh, hình ảnh cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ một lần nữa lại tỏa sáng trong dân. 

Cùng với việc chăm lo xây dựng quân đội về chính trị là yếu tố quan trọng hàng đầu, chúng ta cũng còn phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong việc nâng cao sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội. Đó là việc ngăn chặn tình trạng vi phạm kỷ luật, là chất lượng huấn luyện với dự báo chiến tranh công nghệ cao, là việc đầu tư kinh phí cần thiết cho mua sắm trang bị, là chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng... 

Và một điều cũng đang là một thực trạng cần phải được các cấp, các ngành chức năng nhìn nhận thấu đáo, để có quyết sách lâu dài. Đó là việc ưu tiên, chăm lo cho đời sống cán bộ, chiến sĩ, dù được ưu ái vẫn đang còn là khoảng cách xa so với sự phát triển của thực tiễn. Có thể nói, với đa số cán bộ trong quân đội đồng lương thực tế đã không thể bảo đảm để họ chu cấp cho cuộc sống gia đình. Chúng ta không thể chỉ nhìn nhận đời sống sĩ quan, chiến sĩ quân đội ở các trung tâm thành phố. Họ chỉ là một phần nhỏ trong tổng số sĩ quan, chiến sĩ quân đội đang có mặt ở tất cả những nơi xung yếu, những nơi khó khăn gian khổ nhất của Tổ quốc. 

Nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, không chỉ nói về bộ đội chủ lực, còn một lực lượng khổng lồ, trùng trùng điệp điệp, đó là quân dự bị động viên và dân quân tự vệ. Với chế độ nghĩa vụ 18 tháng, tỷ lệ thanh niên đến tuổi được rèn luyện qua "trường học lớn" quân đội là vô cùng lớn. Họ là những người lính hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, có mặt ở tất cả các ngành, các địa phương cơ sở. Đó là nguồn bổ sung cán bộ vô cùng quý báu cho mọi cấp. 

Song điều đặc biệt quan trọng, nhìn ở góc độ phòng thủ quốc gia, họ chính là đạo quân chinh chiến, là những người lính được "gửi" vào dân, là đạo quân "ngụ binh ư nông" trong kế sách giữ nước của cha ông ta. Tuy nhiên, nhận thức và giải quyết vấn đề này còn chưa được coi trọng, chưa thật thấu đáo, "đạo quân" gửi trong dân này đang "bay nhảy" tứ phương để tìm kế mưu sinh. Việc quản lý họ đúng chuyên ngành quân sự, tổ chức tập trung để huấn luyện theo định kỳ, tuy có làm được nhưng còn là một tỷ lệ rất thấp và với nguồn kinh phí èo ọt, động viên quân dự bị, chỉ như là "ví dụ". 

Với lực lượng dân quân tự vệ cũng có tình trạng tương tự, trừ những trung đội dân quân tự vệ thường trực được tổ chức ở địa phương, số đông còn lại chưa được coi trọng tổ chức, tập huấn và phát huy tác dụng đúng mức. Hầu hết các cuộc tập trung học tập, huấn luyện của dân quân, tự vệ còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả thấp. 

Chưa bao giờ, đất nước đứng trước thời cơ lớn để cất cánh bay xa như hôm nay. Nhưng chúng ta cũng thấy rõ, những thách thức về sự tồn vong của chế độ cũng cận kề. "Cần thực hiện mọi biện pháp cần thiết có hiệu quả để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện". Đó là quan điểm tư tưởng lớn của Đảng tại đại hội Đảng X. Đó là trách nhiệm không chỉ của riêng lực lượng quân đôi, công an. Đó phải là trách nhiệm chung của Đảng, Nhà nước, của các Bộ, Ban ngành, đoàn thể, của địa phương, cơ sở. Đó là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. 

Theo Quang Thống, báo Quân đội nhân dân ngày 2/8/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website