Công tác xây dựng Đảng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội X

(ĐCSVN) - Dưới chủ đề “Trí tụệ, đổi mới đoàn kết và phát triển bền vững”, Đại hội X của Đảng đã thành công tốt đẹp. Quyết tâm đó không chỉ là ý chí của Đại hội, của toàn Đảng, mà còn là ý nguyện của toàn thể dân tộc Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, phải làm gì để biến quyết tâm của Đảng thành những thắng lợi trong thực tiễn xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc. 

Những vấn đề đặt ra cần có lời giải đáp 

Bám sát những động thái của quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội, đồng thời đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, có thể thấy, vấn đề trọng điểm và then chốt mà Đảng ta phải tập trung mọi nỗ lực để thực hiện tốt là phải xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, ở cả hai khâu xây dựng tổ chức đảng (đặc biệt là tổ chức cơ sở) và rèn luyện đội ngũ đảng viên. Song, đây là công việc có nhiều nội dung với hàng loạt các vấn đề cần giải quyết. Vậy phải bắt đầu từ đâu? Vấn đề nào là khâu đột phá, có tác động làm chuyển biến toàn bộ sợi dây chuyền của công tác xây dựng Đảng hiện nay? 

Xuất phát từ những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, bám sát những nội dung của công tác xây dựng Đảng, trên cơ sở những yếu kém của công tác này đã được Đại hội X kết luận, vấn đề có ý nghĩa cơ bản và cấp thiết hiện nay là phải tập trung nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của chính công tác xây dựng Đảng. Đặt vấn đề như vậy là xuất phát từ các lí do sau: 

Thứ nhất, về mặt lý luận, những nguyên lý về xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lênin và quan điểm của Đảng ta đều khẳng định rằng, sứ mệnh của chính đảng vô sản là lãnh đạo quần chúng tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội vĩ đại nhất, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng phải được xây dựng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Đảng chỉ mạnh khi các mặt về chính trị, tư tưởng và tổ chức, các khâu về xây dựng tổ chức đảng và rèn luyện đội ngũ đảng viên đều được thực hiện tốt. Thế nhưng việc xây dựng đó như thế nào đối với một đảng ra đời ở một quốc gia phương Đông, với đặc điểm nổi bật là nền kinh tế tiểu nông, và thành phần đội ngũ đảng viên đa số không phải xuất thân từ giai cấp công nhân, chủ yếu là nông dân. Công tác xây dựng Đảng lại đặt trong bối cảnh phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang trong bước thoái trào và điều kiện trong nước là nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng. Đảng ta đã dành nhiều công sức cho công việc này, song thực tiễn cho thấy còn phải tiến hành nhiều việc nữa. 

Thứ hai, về tình hình thực tiễn, những năm qua cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai đúng tiến bộ, chỉ đạo hết sức chặt chẽ, nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng quan liêu, lãng phí trong Đảng được triển khai, mạnh mẽ nhưng tại sao kết quả thu được lại thấp? Những gì diễn ra ở Bộ Giao thông - Vận tải, trực tiếp là tại PMU 18 tuy chưa phải là tất cả, nhưng đã nói lên rất nhiều điều đòi hỏi Đảng phải có quyết tâm hơn nữa, biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. 

Tại Đại hội X, nói về chất lượng của công tác xây dựng Đảng ở khâu tổ chức cán bộ, nhiều đại biểu nói đến nạn “chạy”, với những dạng, loại khác nhau, nhưng suy đến cùng đều nhằm đến quyền và tiền, hai biểu hiện đặc trưng của hai lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có những yếu kém từ chính ngay công tác nghiên cứu lí luận và tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng. Nếu không tại sao “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng”? Tại sao: “Nhiều tổ chức cơ sở đảng bị tê liệt, thiếu sức chiến đấu…”? Tương tự như vậy, vì sao cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng tuy được triển khai tích cực và mạnh mẽ, thậm chí quyết liệt nhưng kết quả đạt được lại không tương xứng với công sức bỏ ra! Trong khi mục đích của cuộc vận động đã quá rõ ràng, song thực tế lại “chưa đạt yêu cầu đề ra”. Vậy nguyên nhân của mọi nguyên nhân là gì? Câu trả lời không gì khác hơn là sự yếu, kém của công tác xây dựng Đảng. Mọi thành công của cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng. Khi “Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm được đổi mới”, “Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đổi mới”, thì sự yếu kém của công tác xây dựng Đảng là điều khó tránh và đúng như Báo cáo cáo Chính trị đã xác định “Những khuyết điểm yếu kém trước hết thuộc về Ban Chấp hành trung ương..”. Để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng phải được xây dựng vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ, muốn vậy, phải bắt đầu từ công tác nghiên cứu lí luận, tổng kết thực tiễn, coi đây là khâu đột phá, biện pháp trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng hiện nay bởi ý nghĩa tiên quyết của nó. Thực tiễn cho thấy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng ta “còn thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao, chưa tạo được nhận thức thống nhất cao, và thông suốt đối với một số vấn đề trong đường lối, chủ trương của Đảng”. Do đó, nếu không nâng cao được chất lượng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác xây dựng Đảng sẽ khó có cơ sở để tiến hành xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, việc xây dựng tổ chức đảng và rèn luyện đội ngũ đảng viên khó có bước chuyển biến tích cực trước đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn. 

Lời giải cho vấn đề tiên quyết. 

Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới cần đổi mới chính công tác nghiên cứu lí luận về xây dựng Đảng. Theo đó, nội dung về công tác xây dựng Đảng cần bao gồm cả những vấn đề chung và những vấn đề cụ thể. Có những vấn đề tưởng như đã cũ, đã rõ nhưng thực tiễn cho thấy vẫn cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu làm rõ. 

Về những vấn đề chung của công tác xây dựng Đảng, cần tập trung nghiên cứu làm rõ tính đặc thù và những vấn đề mang tính quy luật của công tác xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản trong điều kiện một quốc gia phương Đông, với những nét văn hoá đặc thù. C. Mác đã từng chỉ rõ vấn đề này khi ông nghiên cứu về khả năng nổ ra cách mạng vô sản ở các nước phương Đông – nơi tàn dư của cái gọi là “chế độ chuyên chế phương đông”, và “chế độ công xã nông thôn” còn tồn tại khá dai dẳng trong đời sống xã hội với những tập tục “phép vua, lệ làng”, với cách nghĩ cách làm của người tiểu nông “co mình trong cái vỏ bọc công xã” và lề thói làm ăn tuỳ tiện, phân tán manh mún, lối suy nghĩ thiển cận và đố kỵ…Xây dựng một chính đảng vô sản kiểu mới ở một đất nước với những tàn dư như vậy lại trong điều kiện nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường, chắc chắn có sự khác biệt nhiều so với những gì chúng ta hoặc các đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã tiến hành. 

Từ những đặc trưng đó, làm xuất hiện một vấn đề khác cần nghiên cứu làm rõ, đó là với một đảng cộng sản mà thành phần đội ngũ đảng viên đại bộ phận không phải là giai cấp công nhân, chủ yếu là nông dân (hơn nữa đó lại là nông dân ở một nước có nền văn hoá mang tính đặc thù của một quốc gia phương Đông) thì khâu then chốt trong công tác giáo dục và rèn luyện đảng viên phải giải quyết những vấn đề gì ? 

Cả lí luận và thực tiễn đều cho thấy, những người xuất thân không phải từ giai cấp công nhân, khi xin gia nhập Đảng, chính họ đã tự nguyện từ bỏ lập trường giai cấp cũ của mình, rèn luyện theo lập trường giai cấp của Đảng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hiện trong đội ngũ đảng viên, vẫn tồn tại một khuynh hướng có những người miệng nói từ bỏ lập trường giai cấp cũ nhưng cách nghĩ, cách làm lại hiện nguyên hình là lối tư duy thiển cận của người sản xuất nhỏ, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân thay vì phải hành xử theo những chuẩn mực của chủ nghĩa tập thể. Những kẻ như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến và những kẻ còn ẩn danh, chưa lộ diện không phải là “thứ hiếm hoi” trong đội ngũ đảng viên của Đảng. Hiện tượng đó nói lên rằng, các biện pháp giáo dục và rèn luyện đảng viên hiện có chưa đủ để làm cho những đảng viên nói chung, những người xuất thân không phải từ giai cấp công nhân nói riêng, luôn giữ vững tính giai cấp và tính tiền phong của Đảng trong điều kiện hiện nay. 

Xung quanh vấn đề tổng kết thực tiễn, cần tập trung vào hai vấn đề hiện đang là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. 

Một là, cần có câu trả lời đúng đắn và chính xác vì sao cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng không đạt yêu cầu đề ra, đâu là trở ngại chính. Có phải trong đội ngũ đảng viên của Đảng hiện nay có nhiều người chỉ còn là đảng viên trên danh nghĩa nhưng lại nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, như kiểu ở đảng bộ PMU 18, nên họ đã tìm cách vô hiệu hoá ý nghĩa của cuộc vận động, mặc dù về hình thức, cũng triển khai đủ các nội dung, các bước theo quy trình? Thế thì có cần một cuộc vận động bổ sung làm trong sạch đội ngũ của Đảng không? Hay tổ chức triển khai thêm một lần nữa việc thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá VIII) lần hai? 

Hai là, làm thế nào để chống lại sự suy thoái đạo đức của đội ngũ đảng viên hiện có nguy cơ ngày càng gia tăng và làm gì, làm như thế nào để đội ngũ đảng viên là cán bộ, công chức không vướng vào tham nhũng. Đây là hai câu hỏi nhưng thực chất chỉ là hai mặt của một vấn đề phản ánh chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Muốn nâng cao chất lượng của đội ngũ thì không thể nào khác hơn là phải có lời giải đồng bộ cho cả hai câu hỏi đó. Để trả lời câu hỏi này lại phải trở lại trả lời câu hỏi vì sao và từ lí do gì cán bộ, đảng viên của Đảng suy thoái đạo đức và vướng vào tham nhũng? Phải chăng yếu kém của một số tổ chức, cá nhân trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, không nhận được sự phản biện từ xã hội, từ nhân dân vì những yếu kém đó không được công khai. Khi nói về các loại “bệnh” của đảng viên và tổ chức Đảng, chính Bác Hồ đã phê phán hiện tượng tổ chức và cá nhân đảng viên vì sợ mất uy tín, thể diện của mình mà không dám tự phê bình, song lại được nguỵ biện là “nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta”. Nói như vậy là hết sức sai lầm. Theo Hồ Chí Minh: “một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng”. Để có thể nhận được sự phản biện từ xã hội về uy tín của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, cần có sự công khai trước tổ chức đảng và nhân dân về những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Có tham nhũng không, có lãng phí không, có chạy chức, chạy quyền, chạy tội không? Có kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo chống suy thoái đạo đức, chống tham nhũng không?…Công khai những khuyết điểm cần phải sửa chữa, những ưu khuyết điểm của những người dự định bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước. Dân cần được biết, để được kiểm tra giám sát, giúp cho Đảng chọn được đúng người đủ đức, đủ tài vào các cương vị đó. 

PGS.TS Lại Ngọc Hải

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website