Mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ GS, TS. Nguyễn Hùng Hậu - Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có nhiều chỗ nói về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Chẳng hạn, ở mục Tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo con đường xã hội chủ nghĩa, tr. 187 có nói về cần đặc biệt chú trọng xử lý và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Ở một chỗ khác có nói: để thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, phải quán triệt quan điểm, mà quan điểm thứ tư là phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao; đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tr.30-31). Ở tr.70 có đề cập đến một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội có nền kinh tế phát triển cần dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Vậy phải chăng, những cách nói khác nhau này là thực sự khác nhau? Đối với lực lượng sản xuất thì hầu hết tất cả đều nói là cần phải phát triển lực lượng sản xuất, có chỗ cụ thể hơn như phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao, có chỗ nói đến lực lượng sản xuất hiện đại. Thực ra lực lượng sản xuất hiện đại phải là lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao. Tất cả những cách nói đó không có gì mâu thuẫn, trái lại còn thống nhất, phù hợp với nhau. Còn đối với quan hệ sản xuất thì có chỗ nói xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; có chỗ nói hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có chỗ lại nói quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Ở đây cũng vậy, những cách nói khác nhau này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau mà thống nhất, phù hợp nhau; bởi lẽ, xã hội xã hội chủ nghĩa thực sự trên đất nước ta vẫn chưa có, do đó quan hệ sản xuất nước ta hiện nay là quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang hướng tới quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, bởi vậy, chúng ta phải từng bước xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất này, và trong quá trình này, theo quy luật, chúng ta phải xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Điểm cần lưu ý ở đây là tiến bộ nhưng phải phù hợp, nếu không sẽ dễ rơi vào chủ quan duy ý chí như trước kia: tiên tiến đi trước mở đường. Ngược lại, nếu không có từ ''tiến bộ'' thì chúng ta lại bỏ rơi tính năng động, tích cực, sáng tạo của con người; rơi vào trạng thái tự nhiên, từ đó tạo ra tính thụ động, ỷ lại, ngồi chờ, thiếu tính sáng tạo. Vừa qua, trong lúc thảo luận, có người cho rằng ta bỏ cụm từ ''chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu'' như vậy là bỏ mất một trong những đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội? Thực ra không phải như vậy. Như chúng ta đã biết, chế độ công hữu, một trong những đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, nhưng chế độ công hữu chỉ là sự biểu hiện của quan hệ sở hữu, đến lượt mình quan hệ sở hữu lại chỉ là một yếu tố, mặc dù là yếu tố quan trọng nhất, của quan hệ sản xuất. Bởi vậy, nói như Đại hội XI là bao quát hơn, khái quát hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn.

Vậy, phát triển lực lượng sản xuất là phát triển cái gì? Như chúng ta đã biết lực lượng sản xuất biểu thị mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, bao gồm con người, tư liệu sản xuất; nó thể hiện năng lực của con người trong việc chinh phục giới tự nhiên, là nội dung của phương thức sản xuất, cơ sở của lịch sử.

Trong lực lượng sản xuất, con người là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng con người không phải là cái nhất thành bất biến mà trong mỗi thời đại kinh tế, với tư cách là yếu tố quan trọng nhất trong lực lượng sản xuất nó cũng có sự thay đổi. Chẳng hạn, trong thời kỳ công trường thủ công, trong các khía cạnh của con người tham gia vào lực lượng sản xuất thì khía cạnh sức lực cơ bắp có vẻ nổi trội; trong thời kỳ cơ khí máy móc thì khía cạnh năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm lao động lại nổi trội hơn; trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay (hàm lượng tri thức trong sản phẩm chiếm đến 70%) thì khía cạnh tri thức lại nổi trội. Như vậy, cái quan trọng có tính chất quyết định trong lực lượng sản xuất hiện nay không phải là sức lực cơ bắp, không phải là kỹ năng, kinh nghiệm sử dụng, vận hành máy móc, mà là tri thức, là đầu óc của con người. Một yếu tố nữa của lực lượng sản xuất là tư liệu sản xuất hay tư liệu lao động bao gồm công cụ lao động và đối tượng lao động. Trong lực lượng sản xuất, nếu con người là yếu tố quan trọng nhất thì công cụ lao động là yếu tố động nhất. Trình độ phát triển của công cụ lao động thể hiện trình độ hay thước đo việc chinh phục giới tự nhiên của con người. Sự thay đổi một cách căn bản công cụ lao động theo nghĩa nào đó đã góp phần quyết định kéo theo sự thay đổi của các thời đại kinh tế. Theo nghĩa đó, C.Mác nói: ''Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp'' (C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.187). Trong lịch sử, trình độ của công cụ lao động nhìn chung đã trải qua ba giai đoạn sau chủ yếu: thủ công, cơ khí, máy móc và tự động hóa. Cái cối xay hiện nay không phải quay bằng tay không phải chạy bằng hơi nước mà là tự động hóa.

Ngay đối tượng lao động hiện nay cũng khác trước rất xa. Nếu trong nền văn minh nông nghiệp, đối tượng lao động chủ yếu là ruộng đất; trong văn minh cơ khí, đối tượng lao động lại được mở rộng ra, ngoài ruộng đất đối tượng lao động chủ yếu của thời kỳ này là các nguyên vật liệu như than đá, chất đốt, dầu khí, các nguyên liệu hóa thạch, các hầm mỏ,... nói chung là các nguyên vật liệu cần cho các ngành công nghiệp như sắt, thép, sợi, dệt vải, ô tô, cơ khí chế tạo máy, ..., thì đối tượng lao động trong thời đại ngày nay ngoài những đối tượng trên, chủ yếu lại là thông tin.

Trong tư liệu sản xuất còn bao gồm cả phương tiện sản xuất như đường xá, cầu cống, xe cộ, bến cảng, kho chứa, ...

Hiện nay khoa học kỹ thuật cũng đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp theo nghĩa nó là nguyên nhân trực tiếp của nhiều biến đổi trong sản xuất; nó ngày càng được áp dụng rộng rãi trong sản xuất và trở thành một nhân tố không thể thiếu được của quá trình sản xuất; nó thâm nhập vào các yếu tố của lực lượng sản xuất và đem lại sự thay đổi về chất của lực lượng sản xuất; nó làm cho quá trình sản xuất chính là quá trình ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật; nó có ý nghĩa sống còn đối với nhiều quá trình sản xuất. Nếu con người là yếu tố quan trọng nhất xuyên suốt trong lịch sử của lực lượng sản xuất thì khoa học kỹ thuật, theo Đặng Tiểu Bình, hiện là lực lượng sản xuất số một, còn theo Giang Trạch Dân, là biểu hiện tập trung, tiêu chí chủ yếu của lực lượng sản xuất tiên tiến. Hiện nay, tri thức, thông tin cũng là của cải. Theo đà phát triển của sản xuất, khối lượng và chất lượng của cải xã hội sẽ được quyết định bởi ứng dụng khoa học vào sản xuất. Từ đó một số học thuyết của các nhà tư tưởng tư sản đã đi đến chỗ tuyệt đối hóa, thổi phồng, khuếch đại vai trò của khoa học kỹ thuật, chẳng hạn như học thuyết các nền văn minh, học thuyết xã hội hậu công nghiệp, xã hội thông tin, học thuyết kỹ trị,... nhằm mục đích thay thế học thuyết học thuyết hình thái kinh tế xã hội của C.Mác.

Nhưng như chúng ta đã biết dù có trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, khoa học kỹ thuật cũng chỉ là một bộ phận của lực lượng sản xuất. Trong lực lượng sản xuất, yếu tố quyết định vẫn là con người, mặc dù khoa học kỹ thuật nâng cao địa vị, vị thế, vai trò, sức mạnh của con người. Những máy vi tính có thể tính nhanh và chính xác gấp triệu lần con người; những rô bốt người máy có thể làm được những việc mà con người không thể làm nổi. Nhưng những cái đó suy cho cùng đều do con người chế tạo ra, nếu thiếu con người, thì tự bản thân chúng cũng không thể phát huy tác dụng, cũng không thể làm gì được. Khoa học kỹ thuật muốn phát triển, tác động phải thông qua con người, chịu sự chi phối bởi con người.

Lực lượng sản xuất tồn tại một cách khách quan, “người ta không được tự do lựa chọn lực lượng sản xuất cho mình... vì mọi lực lượng sản xuất là lực lượng đã đạt được, tức là một sản phẩm của một hoạt động đã qua... không phải do họ tạo ra, mà do thế hệ trước tạo ra... Mỗi thế hệ sau đã có sẵn những lực lượng sản xuất do những thế hệ trước xây dựng lên và được thế hệ mới dùng làm nguyên liệu cho sự sản xuất mới, ...'' (Thư C.Mác gửi P.V.Annencốp 28.1.1846).

Lực lượng sản xuất trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay, nó không chỉ được xã hội hóa như trước kia, mà nó ngày càng được toàn cầu hoá, quốc tế hoá. Toàn cầu hoá kinh tế trước hết là toàn cầu hoá lực lượng sản xuất, cái mà thời C.Mác gọi là quá trình tư bản hóa. Ông viết :''Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục. Nó buộc các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư bản, nếu không sẽ bị tiêu diệt'' (C.Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, T.4, tr.598-562).

Trình độ của lực lượng sản xuất thể hiện ở trình độ của công cụ lao động, trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ của người lao động (kinh nghiệm, kỹ năng, tri thức, trình độ tổ chức, quản lý, phân công, trình độ ứng đụng khoa học kỹ thuật).

Như vậy, phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay là phải phát triển khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, cải tiến công cụ lao động, mở rộng đối tượng lao động, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Đảng ta chủ trương phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao là hoàn toàn đúng đắn, là cái lõi quan trọng của sự phát triển lực lượng sản xuất hiện nay ở nước ta.

Muốn phát triển sản xuất ở nước ta hiện nay, chúng ta không chỉ phát triển lực lượng sản xuất, phát triển sức sản xuất, mà phải còn xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; tức phải từng bước xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đó. Hai mặt đó không tách rời nhau, mà liên hệ mật thiết với nhau, thống nhất với nhau trong cái gọi là phương thức sản xuất.

Quan hệ sản xuất, đó là quan hệ giữa con người và con người trong quá trình sản xuất; nó là hình thức của lực lượng sản xuất, là cơ sở kinh tế, cơ sở sâu xa của đời sống tinh thần. Theo các nhà kinh điển, xã hội là sản phẩm có sự tác động qua lại lẫn nhau giữa người với người. Quan hệ giữa người với người tạo nên cái gọi là quan hệ xã hội, trong đó quan hệ sản xuất là cơ sở, cơ bản, nền tảng, ban đầu và có ý nghĩa quyết định. Sản xuất bao gồm sản xuất vật chất sản xuất tinh thần và sản xuất ra bản thân con người. Ba quá trình này không tách rời nhau, trong đó sản xuất vật chất đóng vai trò là cơ sở của sự tồn tại là phát triển xã hội. Như vậy, ''Trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, ông đã làm nổi bật riêng lĩnh vực kinh tế, bằng cách là trong tất cả mọi quan hệ xã hội, ông đã làm nổi bật riêng những quan hệ sản xuất, coi đó là những quan hệ cơ bản, ban đầu và quyết định tất cả mọi quan hệ khác”1.

Quan hệ sản xuất bao gồm quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ tổ chức quản lý và quan hệ phân phối sản phẩm. Ba yếu tố đó liên quan khăng khít với nhau, thống nhất với nhau tạo nên một hệ thống mang tính ổn định tương đối so với lực lượng sản xuất, nhưng trong đó yếu tố thứ nhất đóng vai trò quyết định, nó qui định hai yếu tố sau. Tính chất của quan hệ sản xuất trước hết được qui định bởi quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất - biểu hiện thành chế độ sở hữu đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất, qui định vị trí của từng tập đoàn người, từng giai cấp trong hệ thống sản xuất. Quan hệ tổ chức quản lý qui định trực tiếp qui mô, tốc độ, hiệu quả, xu hướng của mỗi nền sản xuất. Quan hệ phân phối sản phẩm có tác dụng như chất xúc tác, kích thích (kìm hãm), thúc đẩy (hạn chế) tốc độ, nhịp điệu của sản xuất.

Vậy, thế nào là xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ? Trước hết, như chúng ta đã biết, thời kỳ quá độ là thời kỳ mà xã hội cũ đã qua, nhưng xã hội mới chưa đến, tức xã hội xã hội chủ nghĩa thực sự vẫn chưa có, do đó, trong thời kỳ này Đảng ta chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; vừa vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội; trong đó, cơ chế thị trường được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vậy, cơ sở lý luận của chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa này là chỗ nào?

Hiện nay, nhìn chung, trình độ của lực lượng sản xuất ở nước ta là khá đa dạng, không đồng đều, nhiều trình độ. Điều này thể hiện ở chỗ:

- Công cụ lao động hiện nay ở nước ta cũng rất đa dạng. Công cụ lao động thủ công chiếm phần lớn trong nông nghiệp, còn trong công nghiệp chiếm đến 60% lao động giản đơn. Nhưng bên cạnh đó ta cũng đã có công cụ lao động ở trình độ cơ khí hóa, hiện đại hóa, tự động hóa. Những công cụ lao động này thậm chí đan xen nhau trong một cơ sở sản xuất, trong một nhà máy. Nếu như phương Tây nhìn một cách đại thể đi từ lao động thủ công lên máy móc cơ khí, rồi lên tự động hóa, thì ở ta hiện nay có tất cả. Điều này nói lên tính chất nhiều trình độ của công cụ lao động nước ta hiện nay.

- Thích ứng với nhiều loại trình độ của công cụ lao động sản xuất như vậy, kinh nghiệm và kỹ năng lao động của con người Việt Nam hiện nay cũng rất khác nhau, có kinh nghiệm và kỹ năng của người lao động thủ công, giản đơn; có kinh nghiệm và kỹ năng của người lao động cơ khí, máy móc; có kinh nghiệm và kỹ năng của người lao động đối với những máy móc hiện đại, tự động hóa. Từ đó, trình độ tổ chức và phân công lao động, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở Việt Nam hiện nay ở những cơ sở sản xuất khác nhau cũng rất khác nhau.

- Về khoa học kỹ thuật ở nước ta hiện nay, nhìn chung là thấp, chậm phát triển, nhưng cũng có những yếu tố hiện đại, đi trước, đón đầu. Từ đó, ta thấy trình độ khoa học kỹ thuật nước ta hiện nay cũng rất đa dạng.

Tóm lại, trình độ của lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay khá đa dạng, không đồng đều, tức nhiều trình độ. Theo qui luật, muốn cho sản xuất phát triển thì quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay đa dạng, không đồng đều nhiều trình độ như vậy; do đó, một lôgíc tất yếu đối với quan hệ sản xuất, hay trong quan hệ sản xuất cũng phải đa dạng. Đa dạng nghĩa là chúng ta phải xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Cụ thể hiện nay chúng ta có năm thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này khiến chúng ta càng nhìn nhận một cách rõ nét tính chất chủ quan duy ý chí của thời kỳ 1975- 1986 với hai thành phần kinh tế là nhà nước và tập thể.

Đa dạng ở chỗ chúng ta cần phải có nhiều hình thức sở hữu, nhiều hình thức tổ chức quản lý, nhiều hình thức phân phối. Khác với trước kia (hai hình thức sở hữu là toàn dân và tập thể), ngày nay chúng ta có ba hình thức sở hữu là toàn dân, tập thể và tư nhân. Nếu như trước kia chúng ta phân phối theo chủ nghĩa bình quân, cào bằng thì ngày nay phân phối theo nhiều cách khác nhau như theo lao động (tức theo khả năng, năng lực, sức lực, trí tuệ của từng người), theo hiệu quả kinh tế, theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn khác, thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ những công việc sau:

1. Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường;

2. Phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp;

3. Phát triền đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường;

4. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Qua đó ta thấy mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ là mối quan hệ biện chứng, liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau; một mặt, chúng ta phải phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao; nhưng mặt khác, chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ, tức là chúng ta phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này đã được trình bày một cách rõ ràng, khúc triết, chính xác trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XI của Đảng./.

___________

1. V. I. Lênin: Toàn tập. Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1974, t.1, tr.159.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website