Thế trận tổng lực các thành phần kinh tế

Chưa bao giờ trên đất nước ta lại có cuộc ra quân hào hùng đến như vậy của tất cả các thành phần kinh tế. Bằng chính cảm nhận từ thực tiễn hằng ngày, có thể thấy những sản phẩm và dịch vụ ngày càng phong phú, gần hơn với nhu cầu cuộc sống. Nếu có nhu cầu cho dù là khá riêng tư, tinh tế thì doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã hoặc tư nhân sẽ có sản phẩm, dịch vụ đáp ứng khá kịp thời. 

Người tiêu dùng có thể lựa chọn những gì phù hợp với khả năng tài chính, thói quen, ý thích của mình và gia đình. Và chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm và dịch vụ ấy được hoàn thiện, đưa đến người tiêu dùng bởi các cách thức khuyến mãi, của nhiều loại doanh nghiệp khác nhau. Điều này mười, hai mươi năm trước nằm mơ cũng không có. Ấy là đối với cuộc sống thường ngày. Còn với nền kinh tế quốc gia, cơ cấu thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng và đan xen nhiều hình thức sở hữu của nhiều thành phần kinh tế. Khu vực kinh tế nhà nước đang được tổ chức lại, đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt, tập trung hơn vào những lĩnh vực chủ yếu. Kinh tế dân doanh phát triển khá nhanh, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển khá đa dạng. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thương quốc tế…Những kết quả đó góp phần quan trọng vào thành tựu đưa nền kinh tế vượt qua thời kỳ suy giảm, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và phát triển tương đối toàn diện. 

Đó là bằng chứng sinh động của quá trình liên tục đổi mới tư duy: Ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã chủ trương "phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần". Qua mỗi kỳ Đại hội, chủ trương đó lại được đánh giá khẳng định lại và bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa hơn. Đến Đại hội X, một trong những bài học của thành tựu đổi mới được khẳng định: điều có ý nghĩa quyết định là phải có chính sách phù hợp để phát huy tối đa khả năng về vật chất, trí tuệ và tinh thần của mọi người dân, của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân - một nguồn lực giàu tiềm năng của dân tộc ta - để góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế- xã hội. 

Mặc dù vậy, dễ nhận thấy rằng các thành phần kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Có thể đó là cái cớ cho những ý kiến rằng không thể đi lên chủ nghĩa xã hội bằng một nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần mà chỉ có thể bằng nền kinh tế đặc thù của chủ nghĩa xã hội, với hai thành phần chủ lực là quốc doanh và tập thể…Loại ý kiến này là cũ kỹ nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng vì đánh thẳng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nếu không tiếp tục khẳng định rõ con đường đi lên thì dễ dẫn đến sự chệch hướng, chông chênh quan điểm từ tả sang hữu hoặc ngược lại, từ hữu sang tả, là mầm mống của sự thất bại. 

Có lẽ, bất kỳ ai trên đất nước này, kể cả bạn bè quốc tế hiểu rõ tình hình thì cũng hiểu rằng Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, xã hội tiền tư bản, có những yếu tố giai đoạn đầu tư bản chủ nghĩa với nền sản xuất nhỏ là phổ biến, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Từ điểm xuất phát này mà nội dung, hình thức, bước đi và thời gian đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta có đặc điểm riêng. Chúng ta phải thực hiện kiểu "quá độ gián tiếp" lên chủ nghĩa xã hội với nhiều khâu trung gian, bước quá độ, hình thức tổ chức kinh tế - xã hội có tính chất quá độ, đan xen nhau. Đó là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, với nhiều chặng đường. Cương lĩnh năm 1991 nêu 7 phương hướng cơ bản chỉ đạo quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhờ thực tiễn 20 năm đổi mới, Đảng ta đã bổ sung, phát triển, cụ thể hóa những phương hướng đó. Đại hội Đảng X khẳng định: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất sáng tạo của Đảng ta, là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó, có việc phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. 

Như vậy thì không cần bàn cãi gì thêm nữa về sự phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần trên con đường đi lên. Chúng ta đồng tình với Nghị quyết Đại hội Đảng X, rằng: Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. 

Vai trò của kinh tế nhà nước thể hiện chủ yếu thông qua doanh nghiệp quốc doanh. Đây là một điểm nóng mà lắm ý kiến chĩa mũi dùi vào để nêu ý kiến rằng, không nên xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nó không đủ sức đảm đương vai trò đó lại tạo sự không bình đẳng cùng cạnh tranh không lành mạnh với các thành phần kinh tế khác. 

Dù còn nhiều ý kiến chê bai nhưng thực tiễn đã khẳng định rằng kinh tế nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục được đổi mới, phát huy vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Trong giai đoạn 2001-2005, kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ trọng và có tốc độ tăng trưởng cao trong cơ cấu và tốc độ tăng trưởng được tính theo thành phần kinh tế. Năm 2005, doanh nghiệp nhà nước đóng góp 39% GDP và một nửa tổng ngân sách nhà nước. 

Do đó, phải tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, theo hướng hình thành loại hình công ty nhà nước đa sở hữu, chủ yếu là các công ty cổ phần. Thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có ngành chính; có nhiều chủ sở hữu, sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối. Đẩy mạnh và mở rộng diện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tổng công ty, nhằm tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động, để vốn nhà nước được sử dụng có hiệu quả và ngày càng tăng lên, đồng thời thu hút mạnh các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển. Thu hẹp tối đa diện Nhà nước độc quyền kinh doanh, xóa bỏ đặc quyền kinh doanh của doanh nghiệp. 

Cũng không ít người phủ nhận vai trò của kinh tế tập thể, trong đó có hợp tác xã và tổ hợp tác. Cái ấn tượng về mô hình kinh tế tập thể thời bao cấp còn ám ảnh về một kiểu tổ chức sản xuất kinh doanh không mang lợi, khép kín, “góp gạo nấu cơm chung” còn dai dẳng đến ngày nay. Rồi lại qua bước trầm suốt thời gian qua, khiến một số người cho rằng không nên để tồn tại loại hình này. Thế nhưng họ cũng không đủ cơ sở để bác bỏ thành phần kinh tế tập thể. Bởi vì, về cả lý luận và thực tiễn, hợp tác xã và tổ hợp tác vẫn là những hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu của kinh tế tập thể, không chỉ từng phát huy vai trò quan trọng trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở nước ta mà đã và sẽ tiếp tục có vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường, nhất là ở khu vực nông thôn. Chúng ta thừa nhận còn những bất cập của mô hình hợp tác xã và tổ hợp tác trong cơ chế thị trường, song không vì vậy mà xoá bỏ hoặc mặc nó tồn tại một cách tự phát. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, hợp tác xã là hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh thực thụ, phù hợp và trở thành một bộ phận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn trong thực tế thì sao? Có thể trả lời như sau: Hàng loạt hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu cũ đã được chuyển đổi thành hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, đứng vững và phát triển trong kinh tế thị trường, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển đất nước. Nó đã chứng tỏ được rõ hơn vai trò, vị trí đối với kinh tế hộ trong sản xuất hàng hoá và đang có chiều hướng phục hồi. Năm 2005, kinh tế tập thể đã đóng góp 8% GDP. Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, tạo động lực phát triển có hiệu quả các loại hình kinh tế tập thể. Đổi mới chính sách để khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình kinh tế tập thể với những hình thức hợp tác đa dạng, tự nguyện, đáp ứng nhu cầu của các thành viên, phù hợp với trình độ phát triển của các ngành, nghề, trên các địa bàn. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở tổng kết các đơn vị làm tốt để tăng sức hấp dẫn, tạo động lực cho kinh tế tập thể, nhất là đối với nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp. Đa dạng hóa hình thức sở hữu trong kinh tế tập thể (có sở hữu pháp nhân, thể nhân). Phát triển các loại hình doanh nghiệp trong hợp tác xã và các hình thức liên hiệp hợp tác xã. 

Có ý kiến cho rằng cần tư nhân hoá hoạt động kinh tế, chỉ có kinh tế tư nhân là đủ khả năng thúc đẩy nền kinh tế vươn lên hội nhập và phát triển đất nước. Không thể phát triển trong thời kỳ mới nếu không tư nhân hoá mạnh mẽ nền kinh tế…Câu trả lời của chúng ta là không coi nhẹ nhưng cũng không tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân. Đó là một thành phần kinh tế năng động, có hiệu quả đáng kể đối với sự phát triển của xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng. Đảng ta khẳng định: Tiếp tục phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân. 

Ông Giô - na - than Pin - cớt chuyên gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá: Báo cáo Chính trị đề cập việc đảng viên làm kinh tế tư nhân là một thông điệp cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam rất cởi mở. Đó cũng là một bước tiến nữa tiến tới chế độ pháp quyền, theo đó tất cả mọi người, không kể đảng viên hay không phải là đảng viên, đều phải tuân thủ pháp luật. Nhiều người khác cũng hoan nghênh chủ trương này. Đó cũng là điểm rất mới trong xây dựng Đảng. Nhưng lại nảy sinh băn khoăn trong chính cán bộ, đảng viên và nhân dân ta là: Làm như vậy sẽ có thể dẫn đến sự tha hóa, biến chất trong Đảng? Sự phát triển của kinh tế tư nhân tất yếu tích tụ những nguy cơ chệch hướng sang tư bản chủ nghĩa… 

Cần phải thấy rằng, Đảng ta không coi kinh tế tư nhân gắn với chủ nghĩa tư bản, mà lãnh đạo kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quyết định cho đảng viên làm kinh tế tư nhân, nhưng phải gương mẫu chấp hành luật pháp, chính sách của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương là đúng đắn và sáng suốt. Nhờ vậy mà vừa phát huy khả năng làm kinh tế của đảng viên vừa giữ được tư cách của đảng viên, không làm biến chất Đảng. Chế tài cũng đề ra rõ ràng, minh bạch: Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải là những người không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh công chức và Luật phòng, chống tham nhũng; đảng viên không ở trong biên chế của hệ thống chính trị, không tại ngũ quân đội và công an. Họ cũng phải trực tiếp tham gia lao động: lao động chân tay, lao động quản lý, lao động điều hành sản xuất, lao động kỹ thuật ở doanh nghiệp do đảng viên làm chủ... 

Nhưng ngay từ khi Đảng ta chưa cho đảng viên làm kinh tế tư nhân thì thành phần kinh tế này đã được khuyến khích phát triển mạnh, nhất là sau khi có Luật doanh nghiệp năm 2000. Sau gần 5 năm, cả nước có gần 108.300 doanh nghiệp mới đăng ký, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký lên khoảng 150.000, tăng gấp gần 2 lần so với 9 năm trước (1991-1999). Chỉ trong một thời gian không dài, đến nay lao động làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp tư nhân gần bằng tổng số lao động trong các doanh nghiệp nhà nước. Họ đang tích cực sản xuất, kinh doanh, đem lại việc làm và thu nhập cho mình và xã hội, tạo sức sống mới cho toàn bộ nền kinh tế. Năm 2005, kinh tế tư nhân đã đóng góp 37,7% GDP, tốc độ tăng GDP luôn cao nhất so với các thành phần kinh tế khác. 

Trong thời gian tới, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình kinh tế tư nhân đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử; bảo đảm thực sự bình đẳng, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh được tiếp cận các nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng của Nhà nước, kể cả quỹ hỗ trợ phát triển; được đáp ứng thuận lợi nhu cầu sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp lớn của tư nhân, các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều chủ sở hữu với hình thức công ty cổ phần. Tổng kết và có chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển. 

Theo tinh thần đổi mới, cuộc ra quân tổng lực của các thành phần kinh tế được triển khai mạnh mẽ, tạo nên sự bứt phá của nền kinh tế tiến nhanh vào thời kỳ mới. Không chỉ đơn thuần mang lại cơm áo gạo tiền nhiều hơn, cuộc tiến quân này tạo thêm thế và lực cho đất nước thoát khỏi tình trạng của một nước kém phát triển, hoà chung bước tiến thời đại, đưa dân tộc ta: sánh vai với các cường quốc năm châu, như lời dặn của Bác Hồ, cũng là ý Đảng-lòng dân Việt Nam. 

Theo báo Quân đội nhân dân ngày 25/7/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website