Khi đã đề cập mối quan hệ của bất kì yếu tố nào trong xã hội (con người với con người, con người với tự nhiên, con người với tổ chức, các tổ chức với nhau...) trước hết cần nhận rõ những yếu tố có tính độc lập của từng yếu tố khách quan về: chức năng, nguồn gốc, xuất xứ, cơ chế tác động, mục đích tổ chức (chỉ có trong các yếu tố chủ quan), cơ sở hình thành mối quan hệ...
Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước ở Việt Nam thuộc loại quan hệ giữa đảng chính trị với bộ máy công quyền. Đảng là tổ chức của một lực lượng trong một quốc gia (với một số người trong dân cư). Hiện chưa có đảng chính trị nào mà toàn bộ dân cư nước đó đều là đảng viên của đảng đó cả. Và cũng chưa có công trình nào nghiên cứu, tác giả nào dự báo rằng có thể xảy ra tình trạng là có bao nhiêu dân cư trong một nước thì bấy nhiêu người đều là đảng viên của một đảng chính trị. Theo chỗ tôi biết, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không có tham vọng như thế trong khi rất có nhu cầu và mở rộng điều kiện, sao cho có ngày càng nhiều người muốn tham gia trong hàng ngũ của Đảng. Tôi muốn nhấn mạnh chỗ này đã thấy sự khác biệt của hai ''cá thể'': chính trị thuần túy (đảng) và công quyền đích thực (nhà nước).
Trong quá trình ra đời, hình thành và phát triển, quan điểm của Đảng cũng đã nhấn mạnh sự khác biệt này ở nhiều giác độ khác nhau. Trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI vừa qua không thiếu những chỗ, những đoạn nêu ra và quán triệt trong Đảng bằng biểu quyết và nhất trí cao: Đảng cầm quyền, còn nhà nước quản lý (trực tiếp); Đảng không làm thay nhà nước...
Hơn nữa nếu còn có sự chưa phân định rõ, minh bạch trong mối quan hệ đương nhiên là vẫn còn. Mà đã còn thì sẽ chưa khoa học về thể chế, chưa minh định được chức năng của mỗi chủ thể. Hậu quả xã hội (kinh tế, chính trị, xã hội, quốc tế ...) đương nhiên sẽ xuất hiện và cần phải nhận thức và khắc phục. Ví dụ như văn kiện Đảng đã chỉ rõ được là ''...Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền”1.
Vậy ai nghiên cứu và ai sử dụng các công trình nghiên cứu? Theo tôi người sử dụng và người nghiên cứu đều rõ cả. Người sử dụng chủ yếu Đảng và nhà nước (cũng là những tinh hoa trong Đảng). Người nghiên cứu thì đương nhiên là các trí thức. Mà tri thức nước ta hiện nay đa số đều là đảng viên cả. Có điều họ là trí thức thì chức năng là tạo ra các sản phẩm khoa học. Nhưng tình trạng cần phải khắc phục là sự ''bao biện làm thay” của Đảng trong công việc điều hành của nhà nước (cá nhân và tổ chức trong Đảng) thì rõ ràng người khắc phục là Đảng và đảng viên. Người phát hiện ra nó là đảng viên, nhân viên nhà nước. Đây là tình trạng không tốt, đã biết từ nhiều năm nay (thậm chí mấy thập kỷ). Lần này Văn kiện vẫn dành chỗ để chỉ rõ ''yếu điểm'' này (chữ của tác giả NHK). Nghĩa là nó vẫn chưa bị loại bỏ.
Từ nhận thức trên xin trình bày mấy ý kiến xung quanh quan hệ giữa hai chủ thể quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.
Cơ sở nhận thức mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng chính trị. Đảng chính trị là một khái niệm của khoa học chính trị. Cụ thể là của Chính trị học. Nó nói về việc tập hợp của những người cùng chí hướng (nhất là chí hướng lợi ích) lấy trung tâm là lực lượng của một giai tầng xã hội cụ thể mà khoa học mácxit xác định là một giai cấp nhất định. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không phải những người Việt Nam tự nghĩ ra mà nó gắn liền với hoạt động của Hồ Chí Minh, Người đi tìm đường để cứu nước đã tiếp thu và tổ chức ra. Cách thức của Người là đến thẳng các nước đế quốc mà trực tiếp là đế quốc Pháp đang xâm lược nước ta để xem họ tuyên truyền khai hóa ở Việt Nam thì chính xã hội Pháp sống như thế nào. Chỉ có ở phương Tây, Hồ Chủ tịch mới, và đã nhận thức được thế nào là chế độ dân chủ: người dân có quyền gì, đấu tranh đòi những quyền đó như thế nào, các đảng thành lập ra và hoạt động ra sao. Hồ Chủ tịch đã thấy một số đảng khác nhau họ tranh luận một vấn đề nào đó với những thái độ, lập trường quan điểm khác nhau và Người đã chọn một đảng trong số đó để tham gia. Theo tôi đảng Xã hội Pháp kết nạp Hồ Chủ tịch do Đảng này chấp nhận Cụ là người cùng chí hướng chứ không phải cùng giai cấp (vì họ cũng không điều tra nguồn gốc, lai lịch lí lịch mà chủ yếu là thái độ chính trị của Người).
Đã là đảng chính trị thì đảng nào cũng thể hiện mấy điểm sau đây, mà Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không phải ngoại lệ:
Tổ chức ra một đảng và xây dựng mục tiêu tổ chức hành động để trở thành đảng cầm quyền (nắm lấy bộ máy công quyền, qua đó điều hành chính sách quốc gia). Những hoạt động khác của đảng suy cho cùng cũng chỉ xoay quanh mục đích chiến lược đó. Đảng không làm kinh tế (không lập doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh). Nhưng đảng phải có chủ kiến về phát triển kinh tế đất nước. Chủ kiến đó người dân ủng hộ thì tín nhiệm chính trị được bảo đảm và phát huy. Đảng không làm văn hóa với nghĩa biểu diễn, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật và kinh doanh văn hóa. Nhưng chủ kiến về phát triển văn hóa xã hội là trách nhiệm của đảng cầm quyền. Nếu không phản ánh đúng xu thế, nguyện vọng của người dân thì tín nhiệm chính trị sẽ ảnh hưởng. Ở những nước nhiều đảng, đảng cầm quyền đi chệch định hướng phát triển của xã hội thì sẽ mất vai trò và nhường lại vị trí cầm quyền cho chủ thể chính trị khác. Đảng Cộng sản Việt Nam ở một nước theo thể chế nhất nguyên nhưng không có nghĩa là mọi chủ trương đều đúng cả. Khi chưa đúng thì việc thừa nhận thiếu sót mà tự điều chỉnh không những là cần thiết, mà còn là vận mệnh chính trị của Đảng. Hồ Chủ tịch đã không ít lần nhấn mạnh yêu cầu một đảng tự phê bình quan trọng như thế nào. Thậm chí Người còn nói không biết sai, sai không sửa ''là một đảng hỏng''.
Vị trí của đảng thay đổi trước và sau cách mạng đối với xã hội:
Đảng đã được trên tám mươi năm. Nhưng vai trò, vị thế của Đảng trong xã hội hoàn toàn không giống nhau qua các giai đoạn.
Khi chưa có nhà nước, xã hội sống trong ách thống trị của thực dân, Đảng chỉ như một lực lượng chính trị với mục tiêu thu hút sự tín nhiệm, lòng tin của người dân, của xã hội. Khi đó đảng chỉ đóng vai trò người định hướng.
Ngoài vị trí của Đảng như một lực lượng chính trị, xã hội còn có những lực lượng xã hội khác. Với cương lĩnh chính trị rành mạch về con đường phát triển của xã hội, về vai trò sứ mệnh của mỗi công dân, xã hội đã chọn con đường theo chỉ dẫn của Đảng mà từ bỏ các lực lượng chính trị khác. Khi đó Đảng chỉ là một lực lượng chính trị chưa có sự bảo đảm bằng một thiết chế công quyền. Xã hội tin đảng, đã đi theo đảng, hành động theo sách lược, chỉ huy chỉ đạo của đảng. Nhiều hoạt động, chỉ đạo của đảng viên trực tiếp từng việc, từng ngày, từng địa điểm... Về hình thức nó như sự điều hành của nhà nước.
Khi Cách mạng thành công người điều hành trực tiếp xã hội là nhà nước cơ quan công quyền và là công cụ của nhân dân. Đảng trở thành đảng cầm quyền và xã hội Việt Nam trở thành nhà nước dân chủ mang định hướng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng mácxít về chủ nghĩa xã hội cho đến nay vẫn chỉ là những phỏng đoán khoa học. Mà phỏng đoán cần có thực tiễn chứng minh. Một việc cần nhiều thời gian, thậm chí rất nhiều thời gian thì một đời người chưa làm được gì nhiều nếu không nói là chưa được bao nhiêu. Mác đã để lại những tiên đoán khoa học quan trọng. Nhưng nó phải được chứng minh qua thực tiễn. Trong học thuyết của mình Mác, Ăngghen cũng chưa khi nào trình bày khoa học về đảng cầm quyền nói chung và đảng cộng sản cầm quyền nói riêng ở giai đoạn của chủ nghĩa. Lênin thì quá bận bịu những công việc của nhà nước Xôviết non trẻ cũng không có “quĩ” thời gian cho bộ óc vĩ đạt giành toàn tâm cho lý luận về đảng cầm quyền.
Chính vì chưa có tiền lệ, học thuyết cần được chứng minh nên khi chính quyền, nhất là những năm sau này, đã bộc lộ những sự lẫn lộn chức năng giữa cơ quan công quyền và tổ chức chính trị là quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Điều đó thể hiện trong sự đánh giá hoạt động của Đảng trong những nhiệm kì Đại hội gần đây (cho đến tận Văn kiện Đại hội XI vừa rồi) về tình trạng ''đảng làm thay nhà nước”.
Nhà nước là tổ chức công quyền duy nhất trong hệ thống chính trị. Công quyền là quyền lực công. Quyền lực công trong nền dân chủ là quyền lực của nhân dân, khác căn bản với xã hội phong kiến khi quyền lực công trong tay một người. Vì vậy quyền lực công ở nước ta chính là quyền của nhân dân trao cho nhà nước với những con người cụ thể, với những vị trí khác nhau trong bộ máy. Chính do nguồn gốc này mà Hồ Chủ tịch đã nói với người dân rằng khi chính phủ của những con người cụ thể điều hành mà không tốt thì có thể thay bằng một chính phủ khác. Ngụ ý rằng những người yếu kém thì phải bị thay thế (thậm chí Người còn dùng chữ ''phế bỏ nó đi''). Đây chính là bản chất dân chủ cơ bản, khác về bản chất, về văn hóa và sự tiến bộ của lịch sử xã hội.
Bộ máy công quyền của các nền dân chủ hiện luôn luôn có sự can thiệp chính trị thể hiện qua một đảng được xã hội tín nhiệm, trở thành đảng cầm quyền. Khi trở thành đảng cầm quyền, tất cả những vị trí quan trọng, chủ chốt đều do đảng cầm quyền nắm giữ. Đó chính là trật tự của nền chính trị của các thiết chế dân chủ. (Thực ra những nền dân chủ còn thấp thì tranh chấp quyền lực là triền miên, có bầu cử nhưng không tôn trọng kết quả, lập ra các lực lượng phá hoại lẫn nhau...Tình trạng đó hiện nay rải rác vẫn còn, nhưng không nhiều). Đảng cầm quyền thực chất là đảng đã hoạt động bằng nhà nước để lãnh đạo xã hội. Những hoạt động cụ thể của đảng (sinh hoạt, đại hội, hội nghị...) chỉ là việc của nội bộ trong đảng. Đảng lãnh đạo xã hội bằng nhà nước khi đã trở thành đảng cầm quyền. Chính vì các nước tổ chức hệ thống chính trị như vậy nên họ không bao giờ mắc phải tình trạng ''đảng làm thay nhà nước'' như nước ta.
Vậy bộ máy công quyền làm gì? Ai cũng biết, là bộ máy công quyền nhà nước làm những việc căn bản sau đây: phân chia lãnh thổ thành các cấp hành chính, đặt ra pháp luật, xây dựng bộ máy, điều hành xã hội trực tiếp, hàng ngày những lĩnh vực pháp luật đặt ra. Nhà nước đặt ra các luật thuế, tổ chức thanh tra kiểm tra bằng quyền lực công. Nhà nước tổ chức cưỡng chế những hành vi của cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của xã hội và công dân. Nhà nước phán xét bằng tòa án, theo luật công những hành vi nguy hiểm của các cá nhân...
Những việc làm đó đều trên tinh thần của đảng cầm quyền. Nếu đảng nào mất vị trí cầm quyền thì những việc làm đó vẫn diễn ra nhưng do một lực lượng chính trị khác chi phối. Đây là khía cạnh rất căn bản, sớm muộn cũng phải nhận thức một cách chính xác và đúng đắn. Như thế là rất rõ sự khác nhau về chức năng.
Mối quan hệ giữa đảng và nhà nước là thế nào. Quan hệ là sự liên đới tác động giữa hai chủ thể (trở lên). Mà hai chủ thể thì chức năng, đặc điểm, tính chất của tồn tại là khác biệt. (Đến gan nằm liền với mật nhưng không lẫn lộn chức năng). Nó chỉ có thể tác động theo cách khác nhau nhưng không lẫn lộn chức năng bằng những vận hành cụ thể. Đảng và nhà nước là hai thực thể chính trị và công quyền khác biệt. Vậy tồn tại những biểu hiện nào của quan hệ. Theo tôi đó là những biểu hiện sau:
Thứ nhất đó là quan hệ giữa lực lượng chính trị và bộ máy công quyền. Lực lượng chính trị là một nhóm người trong dân cư và nó đại diện cho những người đó. Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện cho hơn ba triệu đảng viên của Đảng. Nhà nước là cơ quan công quyền đại diện cho toàn dân. Nói cách khác nó là công bộc của dân (làm những gì vì lợi ích cho dân). Giữa đảng và nhà nước là quan hệ mục đích nắm quyền (mục đích của Đảng) và hoạt động quản lý xã hội (của nhà nước). Nếu một đảng cầm quyền, họ sẽ ''thâu tóm” mọi thực quyền của nhà nước bằng chính những người của Đảng nắm các vị trí trong bộ máy công quyền. Nhà nước là công cụ quản lý đại diện cho công dân nhưng chịu sự chi phối của đảng cầm quyền. Chi phối bằng chủ trương, quyết sách, định hướng, hành động đưa chúng vào đời sống qua luật pháp, điều hành hoặc phán quyết của tòa án.
Như thế trong điều kiện một đảng nào đó cầm quyền, họ không có lý do gì phải ''làm thay nhà nước'' cả, vì họ nắm hết các vị trí quan trọng rồi. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam có biểu hiện làm thay thì phải tìm cho được. Quyết khắc phục thì có thể khắc phục được.
Như vậy có quan hệ mật thiết nhưng không có lý do dẫn đến việc lẫn lộn chức năng.
Thứ hai, có sự đan xen chức năng trong một cá nhân giữ vị trí trong bộ máy nhà nước một khi họ là đảng viên của đảng cầm quyền. Đó là sự chuyển tải tinh thần chính trị qua điều hành xã hội. Họ làm việc của công quyền nhưng phải quán triệt tinh thần chính trị của đảng cầm quyền. Thông qua những người này đảng cầm quyền nhà nước và định hướng đối với xã hội.
Nếu họ làm kém, tùy từng mức độ mà họ bị trừng phạt ở những mức khác nhau như khiển trách, cách chức... (ở những nước đa đảng chính trị, bộ máy của đảng cầm quyền yếu kém, làm mất lòng tin của xã hội thì khả năng mất vị trí cầm quyền là rất lớn như chúng ta đã biết). Như thế cũng không có quan hệ nào để dẫn đến lẫn lộn chức năng. Liệu Tổng thống Mỹ đương nhiệm mà yếu kém thì liệu nay mai Đảng dân chủ còn tín nhiệm ông ta nữa hay không. Đây cũng chính là điều đã được nói lên trong văn kiện Đại hội XI rằng ''Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền. Vì vậy các nhà khoa học cần làm rõ qua phân tích, đánh giá, ''mổ xẻ'' căn nguyên và lý giải một cách thoả đáng và trách nhiệm để cùng tìm ra giải pháp hiệu quả và khoa học, khả thi nhất.
Chất lượng của công quyền phản ánh năng lực chính trị của đảng cầm quyền. Một bộ máy công quyền yếu kém, năng lực không hoàn thành được nhiệm vụ, tham nhũng, mắc lỗi tác phong trong điều hành (hách dịch, chây lười, cẩu thả) thì đảng cầm quyền không thể ''vô can” được. Tất nhiên đó là trách nhiệm chính trị của đảng (uy tín với xã hội, cơ hội và niềm tin trong nhân dân...). Bộ máy công quyền đưa xã hội phát triển, tình hình ổn định thì vị thế chính trị của đảng được củng cố.
Phân tích hiện trạng và một số đề xuất. Trong văn kiện của Đảng có quan điểm cần ''Tổng kết việc thực hiện ''nhất thể hóa'' một số chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước''. Vậy thực chất việc nhất thể hóa là gì? Như chúng ta biết khi chưa nhất thể hóa, sự lẫn lộn chức năng, chồng chéo công việc, cồng kềnh thủ tục thường xuyên xảy ra trong quản lý nhà nước. Như thế hiệu quả xã hội là có vấn đề. Nếu ta có nhất thể hóa cũng không phải là sáng tạo gì với vị trí của đảng cầm quyền. Vì các nước họ không xảy ra sự song trùng quyền lực. Hơn nữa, khi chưa nhất thể hóa chắc chắn là không tốt mới đặt ra việc nghiên cứu này. (Nếu tốt thì đã không thí điểm làm gì cả). Ta thường đưa ra nhận định có tính chủ quan, đại loại là: dân trí chưa cao, trình độ cán bộ còn hạn chế, điều kiện Việt Nam chưa cho phép (không hiểu là điều kiện gì?); rồi không khéo thì ''để tuột vai trò của đảng''...Toàn bộ lý do như thế là đồng hành với tư duy níu kéo mô hình song trùng. Thực chất mô hình này là sản phẩm của thời kỳ chiến tranh lạnh, của hệ thống cũ, mô phỏng từ Liên Xô cũ, ai cũng đã biết. Theo tôi, không nên nhận định dân Việt Nam ta là yếu kém về học thức, cán bộ của ta còn yếu về trình độ. Người Việt thông minh ai cũng đã rõ và tự hào. Vậy cán bộ yếu chắc chắn là không lấy được người ''khỏe'' trong xã hội mà thôi (học hành nghiêm chỉnh, tuyển dụng khách quan, giao việc đúng chuyên môn và năng lực...).
Vậy tại sao các nước họ không xuất hiện tình trạng này (đảng làm thay). Là vì, một là những vị trí chủ chốt của nhà nước đều do các đảng viên của đảng cần quyền nắm giữ. Thứ hai họ không có những bộ phận của đảng cầm quyền làm những việc ''giống với công việc của nhà nước'', trong khi ở nước ta hiện tượng này là có. Đã có lúc thiết kế bộ máy trong hệ thống chính trị nước ta theo mô hình ''ban bố song hành'' giữa đảng và nhà nước, như kiểu bộ nông nghiệp và ban nông nghiệp. Việc này đã được xử lý qua nhiều lần. Đến nay còn lại một số ban và sự trùng lắp công việc do nhận thức chưa có giải pháp xử lý tốt. Theo tôi đây là sự thiết kế có hướng cồng kềnh trong tổ chức đảng. Nghĩa là có cần hay không việc tổ chức ra những việc để thanh tra, kiểm tra, xử lý lỗi, tuyên truyền, vận động trong Đảng, trong khi những chức năng này có đầy đủ trong các cơ quan của bộ máy nhà nước. Các cơ quan này đều do các đảng viên thuộc lớp tinh hoa của đảng đảm nhiệm? Về nguyên tắc và tâm lý chủ quan của người ta, không người nào, khi được giao một việc nào đó mà họ tự thấy rằng là không nên, không cần thiết. Trái lại họ còn cho rằng là ''rất cần thiết và rất quan trọng''!
Từ thực kinh nghiệm thực tiễn của xã hội nước ta trong mấy chục năm. Từ kinh nghiệm của các thể chế đã ổn định trong các nền dân chủ, theo tôi nếu muốn giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng và nhà nước, chúng ta cần có đổi mới mạnh dạn. Xin đề xuất mấy điểm sau đây:
Một là về khoa học, phải nghiên cứu và có câu trả lời rằng tại sao các nước lại không có lẫn lộn chức năng, chồng chéo công việc như ở nước ta. Theo tôi nguyên nhân cơ bản là do nhận thức về thiết kế tổ chức trong hệ thống chính trị. Theo đó đặt những thể chế tách rời trong khi vị thế của nó có thể thống nhất như kiểu ''hai trong một'' vậy.
Hai là nên tổ chức sớm việc nhất thể hóa, tiến tới cả hệ thống. Nhưng trước mắt những vị trí chi phối vận hành của hệ thống chính trị nói chung và hệ thống quản lý xã hội nói riêng, bảo đảm thống nhất hệ thống trong điều kiện chỉ có một đảng cầm quyền. Quyền đó của Đảng cơ bản phải (và chỉ được) thông qua cơ quan nhà nước do những nhân vật do Đảng cử ra và dân đã lựa chọn. Nếu không hậu quả sẽ là: không khắc phục được tình trạng (mà đã gọi là tình trạng có nghĩa là sai, là chưa khoa học, là cần phải thay đổi). Tôi mạnh dạn đề nghị nên sớm hợp nhất các chức vụ giao cho một đảng viên đủ năng lực giữ vị trí chủ tịch và bí thư các cấp tỉnh, huyện, xã. Tình hình này cũng giống như thống nhất cơ bản trong các cơ quan sự nghiệp vốn vận hành thuận lợi. Theo đó chức vụ cao nhất của Đảng (ở các quốc gia là chủ tịch đảng ở nước ta là Tổng bí thư) đồng thời đảm nhiệm chức vụ nguyên thủ quốc gia. Đây là qui định xử lý đáp ứng cả thông lệ quốc tế, cả khía cạnh hiến pháp (liên quan đến vai trò thống lĩnh vũ trang của người đứng đầu quốc gia). Thật khó để khắc phục sai sót ''đảng làm thay nhà nước'' mà lại cùng tồn tại quá lâu sự song hành thể chế như hiện nay. Nếu thấy còn chưa chín muồi cũng cần có định hướng cụ thể ngay từ bây giờ: có làm không và nếu làm thì khi nào có thể. Để tránh tình trạng mỗi văn kiện lại phải nhắc lại sự khắc phục căn bệnh trên.
Kết luận ngắn
Một đảng cầm quyền, ở bất cứ đâu cũng phải thâu tóm quyền lực công. Đó là mục đích cơ bản mà sinh ra đảng chính trị. Vì thế những lực này mới là lực lượng chính trị. Nếu không sẽ chỉ dừng lại như một tổ chức phi nhà nước bình thường khác mà thôi. Mối quan hệ giữa đảng và nhà nước thực chất là quan hệ đảng cầm quyền và bộ máy công quyền./.
____________
1. Những chữ trong “” trong bài này là lấy ra từ Văn kiện Đại hội XI của Đảng.