Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 đã kiểm điểm sự lãnh đạo và lề lối làm việc của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ mười (9-1956) đến nay, và đề ra chủ trương kiện toàn tổ chức Ban Bí thư và cải tiến lề lối làm việc của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nhằm tǎng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Trung ương trong giai đoạn mới của cách mạng.
Hội nghị Trung ương nhất trí nhận định rằng trong thời gian vừa qua, lề lối làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đã có nhiều tiến bộ. Các hội nghị Trung ương đã tập trung thảo luận một số vấn đề lớn; Bộ Chính trị cũng đã chú ý lãnh đạo công tác trọng tâm là kinh tế tài chính, đồng thời có chú ý lãnh đạo công tác tư tưởng và công tác tổ chức. Sinh hoạt của Bộ Chính trị đã có nền nếp, chất lượng lãnh đạo được nâng cao thêm một bước. Gần đây, các đồng chí Trung ương đã chú ý đi sâu xuống dưới tiếp xúc với cán bộ và quần chúng, kiểm tra công tác và động viên phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất.
Những tiến bộ kể trên đã có tác dụng làm cho tình hình chung chuyển biến tốt, nâng cao lòng tin tưởng của đảng viên và quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, bên cạnh những tiến bộ kể trên, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vẫn còn những thiếu sót và nhược điểm cần phải ra sức khắc phục. Những thiếu sót đó là:
1. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa nắm vững lãnh đạo đường lối, chính sách là chủ yếu và chưa coi trọng đúng mức lãnh đạo tư tưởng.
2. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa thật nắm vững lãnh đạo công tác trọng tâm, trong từng thời gian tuy có định rõ công tác trong nǎm, nhưng chưa kiên quyết tập trung và phối hợp mọi lực lượng để thực hiện công tác trọng tâm, lãnh đạo vẫn còn tình trạng phân tán vào nhiều công tác khác.
3. Sự lãnh đạo của Trung ương, chủ yếu là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn thiếu tập trung, thống nhất và kịp thời và chưa thật quán triệt nguyên tắc dân chủ tập thể.
4. Tổ chức Ban Bí thư chưa được hợp lý, các đồng chí trong Ban Bí thư kiêm nhiệm quá nhiều việc cho nên chưa làm được đầy đủ nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện, đôn đốc, kiểm tra và theo dõi việc thi hành các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, đồng thời chưa tập trung được thời giờ để tiếp xúc với cán bộ các ngành và các địa phương đặng giải quyết công việc được nhanh chóng và kịp thời.
Cǎn cứ vào những nhận định trên đây, Hội nghị Trung ương nhận thấy cần phải kiện toàn tổ chức Ban Bí thư và cải tiến lề lối làm việc của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương để đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, vì Đại hội chưa họp, số uỷ viên Trung ương còn ít, cho nên Hội nghị Trung ương quyết định trong thời gian quá độ từ nay đến Đại hội, trước mắt cần giải quyết vấn đề kiện toàn tổ chức Ban Bí thư và đề ra một số điểm nhằm cải tiến thêm một bước lề lối làm việc của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Sau Đại hội sẽ giải quyết cǎn bản và toàn bộ vấn đề tổ chức và lề lối làm việc của Trung ương với các cấp và các ngành.
I- Kiện toàn tổ chức Ban Bí thư và xác định lạicho rõ về nhiệm vụ của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương
1. Ban Bí thư: Có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị, cụ thể là đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị; giải quyết những vấn đề cụ thể về phương châm, chính sách và nguyên tắc dựa theo các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị; giải quyết công việc hàng ngày của Trung ương và chuẩn bị các vấn đề cho Hội nghị Bộ Chính trị.
Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trên, Hội nghị Trung ương quyết định cử lại Ban Bí thư, gồm nǎm đồng chí:
- Đồng chí Lê Duẩn
- Đồng chí Nguyễn Duy Trinh
- Đồng chí Phạm Hùng
- Đồng chí Hoàng Anh
- Đồng chí Tố Hữu
Hội nghị nhận thấy rằng đi đôi với kiện toàn tổ chức Ban Bí thư cần tǎng cường sự lãnh đạo của Bộ Chính trị cho nên Ban Chấp hành Trung ương quyết định: đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư của Đảng, không tham gia Ban Bí thư để có thời giờ làm việc của Bộ Chính trị được nhiều hơn. Đồng chí Lê Duẩn được uỷ nhiệm chủ trì công việc của Ban Bí thư.
Ban Bí thư sẽ phân công một số đồng chí thường trực để giải quyết công việc hàng ngày.
Hội nghị toàn Ban Bí thư cần được chuẩn bị kỹ, có đề án và sau khi thảo luận phải có biên bản, nghị quyết và Ban Bí thư sẽ báo cáo với Bộ Chính trị về những vấn đề đã giải quyết trong một phiên họp gần nhất của Bộ Chính trị.
2. Bộ Chính trị: Có nhiệm vụ dựa theo đường lối, chủ trương của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết những vấn đề về chủ trương, chính sách lớn về các mặt kinh tế, tài chính, nội chính, quân sự, vǎn hoá, giáo dục, ngoại giao, xây dựng Đảng, cho chỉ thị toàn diện cho các địa phương và các công tác lớn; bàn về kế hoạch nhà nước để chuẩn bị đưa ra Ban Chấp hành Trung ương, bàn chương trình công tác sáu tháng, ba tháng của Trung ương, bàn các vấn đề đưa ra Quốc hội, chuẩn bị cho Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và thay mặt Ban Chấp hành Trung ương giao thiệp với các đảng anh em.
Để đảm bảo nhiệm vụ trên, mỗi đồng chí trong Bộ Chính trị không nên kiêm nhiệm quá nhiều việc và phải sắp xếp dành ít nhất 50% thì giờ để làm nhiệm vụ của Bộ Chính trị: nghe báo cáo, nghiên cứu báo cáo, chuẩn bị ý kiến để thảo luận các vấn đề lớn, đi kiểm tra các địa phương, học tập lý luận, tiếp xúc với cán bộ và quần chúng.
Hội nghị Bộ Chính trị cần được chuẩn bị kỹ, tập trung thảo luận những vấn đề lớn, có kết luận dứt khoát và có nghị quyết, biên bản. Bộ Chính trị cần thông báo hàng tháng cho Trung ương về tình hình và những vấn đề đã giải quyết. Bộ Chính trị nên có một số đồng chí làm nhiệm vụ thường vụ của Bộ Chính trị để thường xuyên trao đổi ý kiến, chủ trì công việc của Bộ Chính trị, chuẩn bị các vấn đề bàn bạc trong Bộ Chính trị và kết luận trong các phiên họp của Bộ Chính trị.
Cǎn cứ vào nhiệm vụ trên đây, Bộ Chính trị sẽ phân công lại cho hợp lý.
3. Ban Chấp hành Trung ương là người lãnh đạo tập thể của Đảng. Sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải đảm bảo vai trò lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tập trung giải quyết những vấn đề về đường lối, chính sách lớn có quan hệ đến toàn Đảng, quyết định những chủ trương, phương hướng lớn về các mặt công tác trong một khoảng thời gian nhất định để làm cơ sở cho sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Giữa hai kỳ hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cần liên hệ chặt chẽ với các đồng chí Trung ương, thông báo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho các đồng chí Trung ương và đề ra các vấn đề cần hỏi ý kiến.
Về phía các đồng chí Trung ương, mỗi đồng chí cần chú ý theo dõi tình hình chung, theo dõi các công tác lớn, giữ liên hệ chặt chẽ với cán bộ và quần chúng để tập hợp rộng rãi ý kiến của nhiều người, phát hiện vấn đề nghiên cứu chủ trương, chính sách góp vào sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Mỗi đồng chí Trung ương phụ trách ngành nào cần tự mình chỉ đạo riêng một đơn vị cơ sở để xây dựng đơn vị đó trở thành gương mẫu, đặng rút kinh nghiệm bồi bổ cho sự lãnh đạo mọi mặt công tác trong ngành.
II- Mấy điểm về cải tiến lề lối làm việc
Để mở rộng dân chủ trong Đảng, thắt chặt mối liên hệ giữa Trung ương với cán bộ và quần chúng, Hội nghị Trung ương quyết định mấy điểm về cải tiến lề lối làm việc như sau:
1. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần nắm vững lãnh đạo đường lối, chính sách và nắm vững công tác trọng tâm trong từng thời gian, và mỗi khi làm xong một công tác lớn và công tác trọng tâm, cần kiểm điểm, tổng kết, thực hiện phê bình và tự phê bình một cách sâu sắc, triệt để, để thống nhất tư tưởng, lý luận.
Đối với những sự kiện xảy ra trên thế giới và trong nước hoặc những vấn đề về chủ trương, chính sách lớn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần thảo luận tập thể, có nhận định rõ ràng, dứt khoát để lãnh đạo tư tưởng toàn Đảng. Khi Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư chưa thảo luận và nhận định về những vấn đề đó thì các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa được phát biểu ý kiến trước cán bộ và quần chúng mặc dầu là ý kiến cá nhân.
Các đồng chí Trung ương cần có kế hoạch học tập lý luận và điều tra nghiên cứu thực tế để khắc phục thiếu sót về mặt lý luận và thực tiễn. Mỗi đồng chí uỷ viên Trung ương cần dành thì giờ mỗi nǎm từ hai đến ba tháng (đi làm nhiều lần) để về địa phương tìm hiểu tình hình cơ sở, kiểm tra công tác và mở rộng việc tiếp xúc với cán bộ và quần chúng.
Mỗi khi bàn những chính sách lớn, Bộ Chính trị cần về tận nơi có phong trào tiền tiến để họp hội nghị cho được sát tình hình thực tế (ví dụ khi bàn về vấn đề hợp tác hoá thì về hẳn nơi có phong trào hợp tác hoá khá để họp).
2. Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phải đảm bảo có mặt đông đủ, hoặc ít nhất quá nửa số uỷ viên trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Mỗi khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư bàn vấn đề thuộc ngành nào thì cho cán bộ phụ trách ngành ấy tham dự để phát biểu ý kiến và nhận chỉ thị. Các đồng chí phụ trách Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Báo Nhân dân, Báo Học tập và các đồng chí phụ trách công vận, thanh vận, được tham dự những phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư bàn về những vấn đề thuộc về chính sách và chủ trương, kế hoạch công tác lớn, trừ những phiên họp bàn về các vấn đề mật thì các đồng chí ấy không đến dự. Trước khi quyết định những chính sách lớn, Bộ Chính trị nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ.
3. Hàng tháng, Ban Bí thư có trách nhiệm thông báo tình hình và những chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho cán bộ phụ trách các ngành và các khu, thành, tỉnh.
4. Cán bộ các ngành, các địa phương mỗi khi có ý kiến gì về chủ trương, chính sách góp vào sự lãnh đạo của Trung ương, có thể trực tiếp gặp các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc gửi thư đến cho Ban Bí thư.
5. Sáu tháng một lần, các ban, tiểu ban, Đảng đoàn và các Khu uỷ, Thành uỷ, Tỉnh uỷ sẽ trực tiếp báo cáo với Ban Bí thư về tình hình những công tác lớn của ngành hoặc địa phương để Ban Bí thư xét và cho chỉ thị (không kể những công tác lớn hoặc những vấn đề đặc biệt thì có thể báo cáo bất kỳ lúc nào).
Mỗi khi các đồng chí phụ trách các địa phương hoặc các ngành đến báo cáo công tác thì các đồng chí trong Ban Bí thư cần cố gắng thu xếp để trực tiếp nghe báo cáo và giải quyết công việc, giảm bớt cấp trung gian.
6. Ban Bí thư thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nguyên tắc, chủ trương và những vấn đề cụ thể về chính sách, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, còn Hội đồng Chính phủ, Thường vụ Chính phủ là cơ quan chỉ đạo thực hiện những nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong phạm vi chính quyền. Các phiên họp của Thường vụ Chính phủ chỉ cần có hai đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị trong Thường vụ Chính phủ tham gia cùng với các đồng chí phụ trách các bộ, các ngành giải quyết công việc, không nhất thiết phiên họp nào cũng phải đủ các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị trong Thường vụ Chính phủ, để các đồng chí có thì giờ làm công việc của Bộ Chính trị nhiều hơn.
Chú ý: Việc kiện toàn tổ chức các ban giúp việc Trung ương và các Đảng đoàn thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu và giải quyết sau.
Lưu tại Kho lưu trữ Trung ương Đảng