Hội nghị Bộ Chính trị họp ngày 13 tháng 3 nǎm 1957, sau khi nghe báo cáo về tình hình thị trường hiện nay, nhận định rằng từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đến nay, tình hình thị trường vẫn chưa được ổn định, chỉ số vật giá tiếp tục lên, nạn đầu cơ vẫn phát triển. Tình hình đó ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân, đến sản xuất và xây dựng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước nǎm 1957, dần dần ổn định thị trường đi đôi với ổn định tiền tệ. Hội nghị đã quyết nghị những điểm như sau:
1. Ban Kinh tế Trung ương cùng các đồng chí phụ trách Bộ Thương nghiệp cǎn cứ vào yêu cầu cụ thể của việc ổn định thị trường và lực lượng thực tế của mậu dịch để định những mặt hàng cần bình ổn và giá chỉ đạo bình ổn trong nǎm 1957 trình Ban Bí thư thông qua.
2. Để tǎng cường lực lượng hàng hoá của mậu dịch quốc doanh:
a) Cần tiến hành gấp các biện pháp đẩy mạnh sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trong nước, đồng thời cần vận động và hướng dẫn nhân dân tiết kiệm tiêu dùng đối với những hàng hoá mà hiện nay cung không đủ cầu.
b) Cần tranh thủ nhập khẩu kịp thời hàng tiêu dùng và nguyên liệu, vật liệu cần thiết (đặc biệt chú ý làm nhanh các đơn hàng với Liên Xô, Trung Quốc).
c) Đối với các nông sản, nǎm nay có thể nghiên cứu việc Chính phủ cho thống nhất thu mua một số loại thật cần thiết mà ta có điều kiện lãnh đạo (như gỗ, chè...). Đối với loại không thống nhất thu mua, phải chú trọng giáo dục nông dân bán nông sản phẩm cho Nhà nước, tǎng cường tổ chức thu mua của mậu dịch và hợp tác xã và các biện pháp sử dụng thương nhân thu mua.
3. Thi hành các biện pháp cần thiết để chống đầu cơ tích trữ làm hỗn loạn giá cả thị trường.
Cần đề nghị Chính phủ ban bố các sắc luật chống đầu cơ gian lận và quy định việc niêm yết giá. Khi thi hành cần có kế hoạch, thận trọng từng bước, từng thứ, có thí điểm, có trọng điểm, cần tuỳ theo khả nǎng thực tế về lực lượng hàng hoá và tổ chức quản lý của ta mà định phạm vi, mức độ thi hành cho sát.
Ban Kinh tế Trung ương có trách nhiệm nghiên cứu chủ trương và biện pháp cụ thể trình Ban Bí thư thông qua trước khi thi hành.
Các đồng chí phụ trách các Bộ và các ngành có liên quan ở trung ương và địa phương (công thương, mậu dịch, thuế vụ, ngân hàng, công an, hải quan, tuyên huấn...) cần phối hợp chặt chẽ, các cấp uỷ Đảng và Đảng đoàn trong Uỷ ban hành chính địa phương cần tǎng cường lãnh đạo các ngành, nhằm đảm bảo thi hành đúng đắn và khẩn trương chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ về quản lý thị trường, chống đầu cơ, gian lận.
4. Cần phải làm cho nhân dân, trước hết là công nhân và nông dân ủng hộ và thi hành chính sách, biện pháp của Đảng và Chính phủ quản lý thị trường chống đầu cơ tích trữ. Muốn thế, phải tuyên truyền, giải thích rộng rãi, thống nhất tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân về vấn đề đó. Ban Tuyên huấn cần coi trọng công tác này.
5. Ngoài ra, về mặt tổ chức của mậu dịch quốc doanh cần phải dần dần chuyên nghiệp hoá những công ty nào hiện nay còn bao biện nhiều ngành. Cần kiện toàn những tổng công ty còn yếu.
Cần phát triển một cách vững chắc các hợp tác xã mua bán cơ sở.
Đảng tổ Bộ Thương nghiệp và Tiểu ban Hợp tác xã mua bán Trung ương nghiên cứu việc phân công hợp lý giữa mậu dịch và hợp tác xã trình Ban Bí thư thông qua.
Trong khi phát triển mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán phải đồng thời chú ý sử dụng tư thương.
T/M Ban Bí thư
Nguyễn Duy Trinh