Nghị quyết số 02/ NQ-TW, Hội nghị lần thứ 11 mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam

Hội nghị lần thứ 11 (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, sau khi nghe báo cáo tình hình và công tác kinh tế tài chính, sơ bộ nhận định về khó khǎn, thuận lợi, thành tích và khuyết điểm trong hai nǎm khôi phục kinh tế, xác định nhiệm vụ, phương châm công tác kinh tế tài chính nǎm 1957 và đề ra một số biện pháp cần thiết để khắc phục khó khǎn trước mắt.

I- Chúng ta bắt tay vào khôi phục kinh tế trong những điều kiện khó khǎn, phức tạp:

Chế độ thực dân nửa phong kiến và 15 nǎm chiến tranh để lại một nền kinh tế lạc hậu, lại bị tàn phá nặng nề.

Trong vùng mới giải phóng, thôn quê tiêu điều, xơ xác, đời sống nông dân khổ cực; thành thị sống dựa vào đế quốc, vào chiến tranh, mang nặng tính chất tiêu phí và phồn vinh giả tạo, sản xuất công nghiệp đã rất ít, nay phần bị phá hoại, phần bị đình đốn; tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trước đây bị chèn ép, trong chiến tranh càng sa sút, một số nghề bị mất hẳn; số người buôn quá đông, thất nghiệp nhiều.

Ở vùng tự do cũ, công nghiệp hình thức nhỏ bé; nông nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, tuy được Đảng và Chính phủ khuyến khích giúp đỡ, chỉ phát triển phần nào, về cǎn bản vẫn lạc hậu và phân tán; các công trình thuỷ lợi, đường giao thông vận tải bị phá hoại hoặc hư hỏng nặng; nhiều thị xã bị san phẳng.

Trong thời gian đối phương rút quân, chúng đã cưỡng ép di cư hàng chục vạn người, đem theo một số vốn, hàng hoá, máy móc, nguyên vật liệu khá lớn, hòng làm cho guồng máy kinh tế của ta tê liệt.

Đi đôi với cơ sở kinh tế lạc hậu và bị tàn phá đó, trình độ vǎn hoá của nhân dân nói chung thấp, số công nhân chuyên nghiệp ít, cán bộ thiếu, kinh nghiệm xây dựng kinh tế ít, trình độ tổ chức, quản lý và kỹ thuật kém, những cǎn cứ để xây dựng kế hoạch kinh tế còn thiếu, hoặc có mà không chính xác.

Chúng ta còn gặp khó khǎn lớn trong việc chuyển từ kinh tế chiến tranh sang kinh tế hoà bình, từ chế độ kinh tế cũ sang chế độ kinh tế mới.

Nước ta tạm thời chia làm hai miền cũng gây khó khǎn là kinh tế miền Bắc và miền Nam trước vẫn bổ sung lẫn cho nhau, nay mối liên hệ đó tạm thời bị gián đoạn.

Từ sau hoà bình lập lại, miền Bắc bị thiên tai liên tiếp. Cuối nǎm 1954, nhiều nơi bị mất mùa, nạn đói xảy ra và kéo dài suốt sáu tháng đầu nǎm 1955, làm cho tình hình kinh tế khó khǎn thêm.

Ngoài ra, sai lầm trong cải cách ruộng đất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc khôi phục kinh tế.

Tất cả những khó khǎn trên đây, chúng ta không thấy hết ngay từ đầu.

Nhưng mặt khác, chúng ta có nhiều thuận lợi cǎn bản: tài nguyên nước ta phong phú; sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và công nghiệp nước ta có nhiều khả nǎng tiềm tàng; nhân dân ta cần cù lao động có truyền thống đoàn kết, anh dũng; cán bộ ta tận tuỵ hy sinh; Đảng ta lãnh đạo cách mạng và kháng chiến thắng lợi, được nhân dân tin tưởng vững chắc; chính quyền dân chủ nhân dân thành lập đã lâu và có uy tín. Sau khi hoà bình được lập lại, nhất là sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tinh thần nhân dân rất phấn khởi, ta có thêm điều kiện thuận lợi để khôi phục và xây dựng kinh tế; khu vực kinh tế quốc doanh, đã có cơ sở phần nào từ trong kháng chiến, nay có điều kiện phát triển để giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân. Cải cách ruộng đất, mặc dầu có sai lầm nghiêm trọng, nhưng đã giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, thúc đẩy toàn bộ kinh tế phát triển. Chúng ta đứng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh, được các nước anh em hết lòng giúp đỡ về mặt kinh nghiệm, kỹ thuật, máy móc, nguyên liệu, hàng hoá.

Chúng ta cũng không nhận thấy hết những thuận lợi trên đây để sử dụng cho đầy đủ.

*

*   *

Trong hai nǎm qua, nhờ lòng yêu nước và sức lao động sáng tạo của nhân dân, nhờ sự cố gắng của cán bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cộng thêm sự giúp đỡ của các nước anh em, chúng ta đã phát huy thuận lợi, khắc phục được nhiều khó khǎn, và đạt được nhiều thành tích lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế mà Bộ Chính trị đề ra từ tháng 9-1954.

Chúng ta đã tiếp quản tốt các vùng mới giải phóng, duy trì được sinh hoạt bình thường ở các vùng đó.

Đi đôi với việc xoá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến ở nông thôn, chúng ta đã khôi phục tương đối nhanh sản xuất lương thực, thuỷ lợi, giao thông vận tải; khôi phục các cơ sở công nghiệp sẵn có, xây dựng thêm một số cơ sở công nghiệp mới; khôi phục một phần thủ công nghiệp và công nghiệp tư doanh; giải quyết dần nạn thất nghiệp; đã nắm vững ngoại thương và giữ được giá một số hàng chính, v.v..

Một thành tích rất quan trọng là chúng ta đã xây dựng và phát triển mạnh khu vực kinh tế quốc doanh về các mặt công nghiệp, thương nghiệp, vận tải, ngân hàng, nắm vững những mấu chốt của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Nhà nước đối với các khu vực kinh tế khác; đồng thời đã xây dựng và phát triển phần nào khu vực kinh tế hợp tác xã; đã thông qua các hình thức gia công đặt hàng, kinh tiêu, đại lý... để tǎng cường sự lãnh đạo của khu vực kinh tế quốc doanh đối với công thương nghiệp tư doanh.

Do những kết quả đạt được trên đây, ta đã làm được phần lớn nhiệm vụ cǎn bản khôi phục kinh tế và bước đầu phát triển vǎn hoá, củng cố và phát triển dần dần chế độ kinh tế dân chủ nhân dân. So với khi hoà bình mới lập lại, chúng ta đã làm giảm bớt khó khǎn về đời sống của nhân dân về mặt nào đó, đã bước đầu cải thiện một phần đời sống của nông dân, và công nhân, bộ đội, cán bộ, viên chức kháng chiến.

Những thành tích chung đó thể hiện rõ rệt trong công tác của các ngành.

Về nông nghiệp: thành tích lớn nhất là đã đẩy mạnh sản xuất lương thực một cách có kết quả. Đi đôi với cải cách ruộng đất, Đảng đã nắm vững công tác cǎn bản là sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lương thực. Đảng đã huy động lực lượng hùng hậu của nông dân vào việc khôi phục 85% ruộng đất bỏ hoang vì chiến tranh, sửa chữa lại tất cả 14 công trình thuỷ nông bị phá huỷ, làm thêm nhiều tiểu, trung thuỷ nông, đắp thêm trên 30 triệu thước khối đất để củng cố đê điều, chống hạn, chống lụt, chống úng thuỷ, cứu đói, cứu bão, ra sức tǎng vụ canh tác, tǎng nǎng suất lúa và hoa màu. Nhờ đó, nông dân đã thu hoạch được tốt liền ba vụ. Nǎm 1956, sản lượng lúa và hoa màu đã vượt mức trước chiến tranh (4.130.000 tấn). Đến nay trừ ở một số vùng núi cao, một số vùng đồng chiêm bị úng thuỷ, vùng biển bị bão nặng, đời sống của nông dân ở miền xuôi cũng như miền ngược, nói chung đã được cải thiện một phần, không bị thiếu đói trong vụ giáp hạt vừa qua. Sản xuất lương thực đã khá hơn, là điều kiện để phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Sức mua của nông dân tǎng, thị trường nông thôn được mở rộng là cơ sở để phát triển kinh tế, trước hết là công thương nghiệp và phát triển vǎn hoá.

Về công nghiệp: Nhà nước đã duy trì được hoạt động hoặc khôi phục những xí nghiệp quan trọng do địch để lại (như nhà máy điện, nước Hà Nội, Hải Phòng, mỏ than Hòn Gay, Nhà máy dệt Nam Định, nhà máy xi mǎng, Sở xe điện Hà Nội); duy trì nhiều xí nghiệp sẵn có trong kháng chiến; đã xây dựng và đang xây dựng 18 cơ sở công nghiệp mới (đáng chú ý nhất là mỏ thiếc Tĩnh Túc, nhà máy diêm, nhà máy chè, một số nhà máy điện, nước...). Trị giá sản lượng công nghiệp quốc doanh đã từ 17 tỷ nǎm 1955 lên 131 tỷ nǎm 1956. Đối với thủ công nghiệp và công nghiệp tư doanh, tuy trong chính sách và biện pháp cụ thể, còn nhiều thiếu sót, nhưng đã khuyến khích, giúp đỡ cho nhiều ngành khôi phục, và một số ngành phát triển. Trị giá sản lượng thủ công nghiệp và công nghiệp tư doanh đã từ trên 73 tỷ nǎm 1955 lên 171 tỷ nǎm 1956. Những thành tích về việc khôi phục công nghiệp và thủ công nghiệp trên đây đã góp phần duy trì sinh hoạt của những thành thị mới giải phóng, giải quyết một phần nạn thất nghiệp, cung cấp một số hàng cho nhân dân và cho xuất khẩu, tập hợp và đào tạo được một số cán bộ và công nhân.

Về giao thông vận tải: đã khôi phục 526 cây số đường sắt (không kể 76 cây số đường phụ các ga) trong số 1.039 cây số đường chính bị phá huỷ; sửa chữa lại hầu hết các đường bộ và cầu quan trọng, làm thêm 201 cây số đường mới; nạo vét một số đường sông; khôi phục các cửa biển, quan trọng nhất là cửa biển Hải Phòng; sửa sang một số sân bay, mở đường hàng không với Trung Quốc; khôi phục và cải tiến hệ thống thông tin liên lạc.

Về việc tổ chức lực lượng vận tải quốc doanh, đã phát triển nhanh quốc doanh vận tải đường sắt, xây dựng và phát triển quốc doanh vận tải ôtô, bắt đầu xây dựng quốc doanh vận tải thuỷ.

Thành tích của giao thông vận tải đã làm cho mạch máu kinh tế lưu thông.

Về thương nghiệp: mậu dịch quốc doanh đã phát triển mạnh, doanh số về buôn bán ở trong nước đã tǎng từ 65 tỷ nǎm 1954 lên tới 523 tỷ nǎm 1956, đã nắm vững được một số hàng hoá và nguyên liệu chính, nắm được phần lớn việc bán buôn những thứ hàng chính, đồng thời tổ chức một phần lưới bán lẻ. Do đó đã cung cấp được một số thực phẩm và hàng hoá tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân thành thị và thôn quê, cung cấp vật liệu xây dựng cho Nhà nước; đã kết hợp với công tác thuế để điều chỉnh giá cả ở vùng mới giải phóng; đã giữ được giá một số hàng chính trên những thị trường chính. Việc gia công, đặt hàng, cung cấp nguyên liệu, thu mua sản phẩm tuy còn nhiều thiếu sót, song đã góp phần khôi phục thủ công nghiệp và công nghiệp tư doanh. Việc khai thác và thu mua nông lâm thổ sản được đẩy mạnh đã làm tǎng thêm thu nhập cho nông dân, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số.

Hợp tác xã mua bán được xây dựng và phát triển: đến cuối 1956, đã có 136 cơ sở ở 21 tỉnh và thành phố, gồm gần một triệu xã viên, đã đem một phần quyền lợi thiết thực cho nông dân, góp sức vào việc bình ổn vật giá.

Về ngoại thương, đã phát triển buôn bán với tám nước anh em và một số nước khác, trong đó mậu dịch quốc doanh đã nắm ưu thế tuyệt đối.

Do những thành tích trên, đã dần dần khôi phục và mở rộng phần nào giao lưu giữa thành thị và thôn quê, giữa miền xuôi và miền ngược, giữa trong nước và ngoài nước, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và công nghiệp.

Về lao động: đã huy động trên 80 triệu ngày công để làm các công tác thuỷ lợi, đê điều, đường sá...; đã giải quyết việc làm lâu dài hoặc tạm thời cho phần lớn người thất nghiệp do địch để lại ở các thành thị; đã sắp xếp đời sống và công tác cho hàng chục vạn đồng bào miền Nam và bộ đội phục viên trong phạm vi khả nǎng hiện nay; đã củng cố và phát triển cơ sở công nhân trong khi khôi phục và xây dựng các xí nghiệp quốc doanh.

Về tài chính và ngân hàng: Trong điều kiện Nhà nước phải chi tiêu ngày càng nhiều, đã cố gắng thu để bảo đảm chi; đã thống nhất mau và gọn tiền tệ sau khi ta tiếp quản các thành thị; trong hai nǎm 1955 - 1956, đã cho vay tới trên 350 tỷ đồng để mở rộng sản xuất và lưu thông hàng hoá.

Hợp tác xã cho vay đã được xây dựng ở một số xã.

*

*   *

Bên cạnh những thành tích đó, công tác kinh tế tài chính cũng có nhiều khuyết điểm sai lầm.

Đường lối, phương châm chung khôi phục kinh tế do Bộ Chính trị vạch ra từ tháng 9-1954 cǎn bản là đúng. Nhưng, trong việc lãnh đạo thực hiện, vì chưa quán triệt đường lối phương châm ấy, chưa nhận thức sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới, chính trị, xã hội nước ta, chưa nắm hết nhu cầu và khả nǎng của nhân dân, thiếu tinh thần tự lực cánh sinh, cho nên đã chủ quan để yêu cầu hoàn thành khôi phục kinh tế trong hai nǎm; chưa thấy ngoài sản xuất lương thực là cǎn bản, còn cần ra sức khôi phục và phát triển các ngành công nghiệp khác, cũng như công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng; chưa phát huy hết khả nǎng tiềm tàng của thủ công nghiệp và nghề phụ gia đình ở nông thôn; chưa sử dụng đúng mức khả nǎng tích cực của công thương nghiệp tư doanh.

Dưới đây là khuyết điểm của từng ngành kinh tế tài chính:

Về nông nghiệp: việc chỉ đạo chưa toàn diện. Việc lãnh đạo và tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật để tǎng nǎng suất còn kém. Chưa đạt đúng mức và kịp thời việc khôi phục và phát triển cây công nghiệp, chǎn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu tǎng nhanh về nguyên liệu công nghiệp, thủ công nghiệp, về hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng của nhân dân.

Về cây công nghiệp, chậm khôi phục khi đã có điều kiện; thiếu chính sách cụ thể để khuyến khích, việc định giá và tổ chức thu mua nhiều thứ chưa hợp lý, việc chuẩn bị giống chưa đầy đủ.

Về chǎn nuôi, đặt vấn đề chậm và nhiều chỗ không sát thực tế; thiếu chính sách và kế hoạch cụ thể để khuyến khích, hướng dẫn.

Về lâm nghiệp, việc khai thác gỗ và các lâm sản phụ chưa đủ thoả mãn nhu cầu của Nhà nước và nhân dân, việc khai thác gỗ chưa đi đôi với bảo vệ và trồng rừng.

Nghề đánh cá bị xem nhẹ. Cải cách ở miền biển có sai lầm, khiến cơ sở đánh cá bị giảm sút. Ngư dân gặp nhiều khó khǎn, đời sống thiếu thốn, chưa được giúp đỡ đúng mức về thuyền, lưới, tiền vốn. Tổ chức đoàn thể ngư dân đến nay vẫn chưa được nghiên cứu quy định cho thích hợp.

Việc xây dựng nông trường, lâm trường quốc doanh có khuyết điểm lớn là xây dựng trong khi chưa nghiên cứu kỹ, chưa chuẩn bị đủ cán bộ quản lý và kỹ thuật, điều kiện ǎn, ở, vệ sinh cho công nhân; việc quản lý rất kém, tiêu tốn nhiều mà kết quả ít.

Tổ chức đổi công rất quan trọng, đã phát triển nhanh nhưng nhiều nơi đã tổ chức một cách gò ép, hình thức, nên dễ bị tan rã. Sai lầm trong cải cách ruộng đất cũng đã ảnh hưởng không tốt đến phong trào đổi công, hạn chế một phần tác dụng của nó trong việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

Về công nghiệp: việc xây dựng công nghiệp quốc doanh đã đi chệch hướng Bộ Chính trị đề ra là "cần chú ý khôi phục và xây dựng ngay một số công xưởng thuộc công nghiệp nhẹ, bỏ vốn ít mà hiệu quả nhanh, để giải quyết những nhu cầu cấp thiết của đời sống nhân dân". Đầu nǎm 1956, đã chủ quan, nóng vội, đề ra kế hoạch xây dựng quá khả nǎng, có chỗ chưa hợp với nhu cầu thực tế hiện nay; chưa chú ý xây dựng ngay một số cơ sở công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng. Kế hoạch này về sau phải rút bớt. Trong các xí nghiệp, tuy cán bộ và công nhân có cố gắng nhiều và đã tiến bộ, nhưng nói chung việc tổ chức và quản lý sản xuất còn kém. Đến nay, việc tính giá thành ở nhiều nhà máy, hầm mỏ chưa chính xác, nhiều nơi chưa tính được. Chế độ phụ trách chưa rõ ràng, kỷ luật lao động còn lỏng lẻo, nǎng suất lao động còn thấp, tỷ lệ nhân viên gián tiếp quá cao, chất lượng hàng làm ra chưa tốt, giá thành cao.

Thủ công nghiệp ở nước ta nuôi sống hàng chục vạn người và cung cấp hàng hoá cho hàng triệu người. Từ sau hoà bình lập lại, ta có khuyến khích giúp đỡ một số ngành thủ công nghiệp khôi phục, nhưng chính sách khuyến khích chưa được thực hiện đầy đủ; việc giúp đỡ về nguyên liệu và kỹ thuật còn thiếu sót; việc định giá gia công nhiều thứ chưa hợp lý; về thuế, có chỗ chưa chiếu cố thích đáng. Nhiều nghề trước đây bị mất đi đến nay cũng chưa được khôi phục lại, đời sống của thợ thủ công nói chung còn gặp khó khǎn. Hợp tác xã sản xuất thủ công rất quan trọng, đã có mầm mống trong nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa được khuyến khích, giúp đỡ.

Công nghiệp tư doanh ở nước ta hiện nay lực lượng tuy ít, nhưng có khả nǎng góp phần nhất định vào việc khôi phục kinh tế. Ta chưa chú ý sử dụng đúng mức khả nǎng ấy. Việc cung cấp cho họ hoặc giúp đỡ họ tìm nguyên vật liệu, hướng dẫn cho họ về tổ chức quản lý kinh doanh và cải tiến kỹ thuật, còn thiếu sót. Việc chấp hành chính sách giá cả, chính sách thuế khoá, chính sách lao tư và chế độ hợp đồng còn có chỗ chưa đúng mức. Mặt khác, chưa tích cực đấu tranh với những thói xấu của nhiều nhà sản xuất (như ǎn bớt nguyên liệu, giao hàng xấu, khai tǎng giá thành để đòi nâng giá thu mua và bớt thuế...).

Về thương nghiệp: do chưa dự tính đúng sức mua, chưa nắm vững nhu cầu thiết yếu của các từng lớp nhân dân sau khi hoà bình lập lại, và nhất là sau cải cách ruộng đất, cho nên đã chuẩn bị hàng tiêu dùng và nguyên liệu sản xuất không đầy đủ. Mặt khác chưa có biện pháp cụ thể để hướng dẫn việc tiêu thụ, chưa có kế hoạch tổ chức bán thích hợp đối với một số loại hàng không đủ thoả mãn nhu cầu của nhân dân. Do đó, trừ mấy thứ hàng chính, thị trường đang có tình trạng khan hàng (kể cả hàng công nghiệp và hàng thủ công nghiệp, cả nguyên liệu sản xuất và vật liệu xây dựng), vật giá còn bấp bênh, nạn đầu cơ phát triển, ảnh hưởng đến tài chính, tiền tệ, sản xuất, xây dựng và đời sống nhân dân.

Trong việc chỉ đạo giá cả, chưa luôn luôn dựa vững chắc trên cơ sở điều tra thực tế tình hình sản xuất và cung cầu ở thị trường, nhiều khi chỉ đạo thiếu linh hoạt thích hợp với hoàn cảnh kinh tế phân tán và điều kiện sản xuất khác nhau ở các vùng; giá cả chỉ đạo một số sản phẩm chưa có tác dụng thực sự thúc đẩy sản xuất.

Trong việc quản lý thị trường, có nhiều trường hợp dùng biện pháp hành chính quá khắt khe, có nơi thi hành sai chính sách, do đó phần nào đã làm trở ngại cho việc đẩy mạnh lưu thông hàng hoá. Mặt khác, chưa có những biện pháp cụ thể để chống đầu cơ tích trữ.

Phương thức thu mua và bán hàng của mậu dịch chưa hợp lý, tổ chức yếu, nhưng lại ôm đồm, cho nên tuy cán bộ và nhân viên mậu dịch có cố gắng, nhưng vẫn chưa phục vụ đầy đủ sản xuất và tiêu thụ.

Tài sản của mậu dịch rất lớn, nhưng kho tàng thiếu, bảo quản kém, sổ sách kế toán không rành mạch, đã để xảy ra nạn lãng phí nghiêm trọng và nạn tham ô.

Việc phát triển hợp tác xã mua bán không đi đôi với việc sắp xếp đời sống cho người buôn bán nhỏ. Hợp tác xã đã không sử dụng họ, lại có thái độ miệt thị đối với họ.

Giữa mậu dịch và hợp tác xã chưa kịp thời đề ra việc phân công rõ ràng, nên chưa phát huy hết tính tích cực của cả hai tổ chức đó.

Việc điều chỉnh thương nghiệp tư nhân còn ít kết quả. Đối với những người buôn bán nhỏ, mậu dịch và hợp tác xã chưa chú ý lãnh đạo và sử dụng, số có thể đưa vào các cơ sở sản xuất chưa được giúp đỡ thiết thực để chuyển nghề. Đối với những người buôn bán hạng trung và hạng lớn, chưa chú ý sử dụng hết khả nǎng về vốn, và kinh nghiệm kinh doanh của họ trong việc đẩy mạnh lưu thông hàng hoá trong nước, trong việc buôn bán với miền Nam và trong việc xuất nhập khẩu; chưa vận động liên tục và hướng dẫn, giúp đỡ số người có điều kiện chuyển sang sản xuất. Đồng thời, chưa có biện pháp tích cực ngǎn ngừa và chống những hành động của những người buôn đã tìm mọi cách để đầu cơ tích trữ, trốn thuế, lậu thuế, lung lạc cán bộ thuế và cán bộ công thương, mậu dịch.

Về ngoại thương, các ngành chuẩn bị thiếu chu đáo, nên việc đàm phán thường bị chậm, nhiều khi không phục vụ kịp thời cho sản xuất và bình ổn vật giá. Trong việc sử dụng tiền viện trợ, đã nhập một số máy móc vật liệu chưa cần thiết, ảnh hưởng đến việc dành tiền nhập hàng tiêu dùng và nguyên liệu sản xuất. Trong việc xuất khẩu, nhiều thứ hàng giao chậm, số lượng không đủ, phẩm chất quy cách kém, ảnh hưởng một phần đến kế hoạch của nước bạn.

Về giao thông vận tải: trong việc làm các đường sá, kỹ thuật còn kém, chưa bảo đảm về chất lượng, phải chữa đi chữa lại nhiều, gây ra lãng phí lớn.

Do tư tưởng muốn cơ giới hoá nhanh, nhiều ngành đã coi thường việc sử dụng phương tiện thô sơ và muốn xây dựng nhanh lực lượng vận tải cơ giới riêng của mình. Khả nǎng vận tải tư nhân chưa được sử dụng đầy đủ, chưa được khuyến khích phát triển. Việc lãnh đạo giá cước nói chung chưa hợp lý. Việc quản lý kế hoạch vận tải còn kém.

Về lao động: chưa quan tâm đúng mức đến việc bồi dưỡng lao động về vật chất, tinh thần, nghiệp vụ và kỹ thuật. Việc giáo dục quan điểm lao động mới, tinh thần kỷ luật lao động và ý thức trách nhiệm trong sản xuất chưa được chú trọng, chưa có kế hoạch cụ thể. Chế độ tiền công còn chưa hợp lý về nhiều mặt, có tính chất bình quân, ít tác dụng khuyến khích sản xuất. Nhiều chế độ lao động và chế độ xã hội cần thiết chưa được ban hành. Chế độ dân công có nhiều điểm không thích hợp nữa, nhưng chậm sửa đổi. Việc chấp hành các điều lệ và chính sách lao động sẵn có phần nhiều không nghiêm chỉnh nhất là ở nông trường và công trường, nhưng việc thanh tra lao động chưa được thường xuyên để kịp thời sửa chữa khuyết điểm đó. Tác dụng của công đoàn và Đoàn Thanh niên Lao động chưa được chú ý phát huy đầy đủ.

Về tài chính: chính sách thuế hiện nay cǎn bản là đúng, nhưng có một số điểm chưa hợp lý cần được xét lại và sửa đổi. Về công tác thuế, phần đông cán bộ đã cố gắng, nhưng có nhiều khuyết điểm trong việc tính thuế, thu thuế cũng như trong việc xử phạt, có chỗ ảnh hưởng không tốt đến sản xuất, lưu thông hàng hoá và gây khó khǎn một phần cho việc làm ǎn của người buôn bán và sản xuất nhỏ.

Quản lý tài chính nói chung còn kém, việc quản lý sử dụng tiền viện trợ chưa chặt chẽ, việc quản lý cấp phát kiến thiết cơ bản chưa thành chế độ. Công tác thanh tra tài chính còn thiếu sót. Tình trạng lãng phí, tham ô, nhất là lãng phí hiện trầm trọng và phổ biến, nhưng chưa có biện pháp ngǎn ngừa một cách có hiệu quả.

Về ngân hàng, chưa quản lý tiền mặt chặt chẽ; việc huy động vốn của tư nhân còn ít kết quả; chính sách và thể thức cho vay có chỗ chưa hợp lý.

Đối với miền núi: chính sách kinh tế tài chính chưa đầy đủ và toàn diện ǎn khớp với chính sách khu tự trị. Trong những chính sách cụ thể hiện có, còn nhiều chỗ cần bổ sung để giúp đỡ thiết thực cho kinh tế miền núi phát triển. Việc khuyến khích, giúp đỡ sản xuất, tổ chức thu mua lâm thổ sản, cung cấp hàng công nghiệp và thực phẩm cần thiết cho đồng bào thiểu số còn thiếu sót. Chưa chú ý sử dụng hết và phát triển thêm phương tiện thô sơ để vận chuyển hàng hoá trong điều kiện giao thông ở miền núi. Việc sử dụng khả nǎng của người buôn trong việc cung cấp và thu mua ở miền núi chưa được chú trọng đúng mức.

Đối với miền Nam: trong chính sách và công tác kinh tế tài chính, còn coi nhẹ việc tranh thủ miền Nam. Các ngành kinh tế tài chính có liên quan trực tiếp đến việc đấu tranh lập lại quan hệ Bắc - Nam chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa chính trị của vấn đề đó, chưa có chính sách và biện pháp cụ thể thích hợp để khuyến khích, giúp đỡ nhân dân hai miền duy trì và mở rộng quan hệ buôn bán, nhất là ở vùng giới tuyến. Một khó khǎn lớn là thiếu hàng trao đổi với miền Nam; khó khǎn đó chưa được tích cực khắc phục. Vấn đề tiền tệ ở giới tuyến cũng chưa được giải quyết thoả đáng.

Tóm lại, công tác kinh tế tài chính hai nǎm qua đã đạt được những thành tích cǎn bản, song cũng có nhiều khuyết điểm, sai lầm. Nếu chúng ta không phạm những khuyết điểm đó, thì đến nay các khó khǎn có thể giảm bớt hơn.

Từ tháng 7-1956, chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, các ngành kinh tế tài chính đang tích cực sửa chữa khuyết điểm và đã đạt được một số kết quả. Tuy vậy, khuyết điểm còn nhiều, tình hình kinh tế tài chính còn gay go, phức tạp.

*

*   *

Hội nghị sơ bộ nhận định: sở dĩ công tác kinh tế tài chính có những khuyết điểm một phần do nguyên nhân khách quan, nhưng phần quan trọng là do những nguyên nhân chủ quan sau đây:

1. Về tư tưởng chỉ đạo: không nắm vững đặc điểm tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nước ta, nhất là trong khi chuyển từ chiến tranh sang hoà bình, từ chế độ kinh tế còn mang nặng tính chất thực dân nửa phong kiến, sang chế độ kinh tế dân chủ nhân dân. Mặt khác, chưa quán triệt tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9-1954 và của hai Hội nghị Trung ương lần thứ bảy và thứ tám.

Do đó mà có tư tưởng chủ quan, nóng vội, ỷ lại vào viện trợ tưởng có thể khôi phục và xây dựng kinh tế mau chóng, có thể cải thiện đời sống dễ dàng, tham muốn làm to ngay, muốn cơ giới hoá nhanh, coi nhẹ khả nǎng của thủ công nghiệp, không chú ý sử dụng đúng công thương nghiệp tư doanh.

ý thức quan tâm đến đời sống của nhân dân nhất là nhân dân lao động chưa đầy đủ.

Tư tưởng kinh doanh đơn thuần, nhiệm vụ đơn thuần còn khá phổ biến.

2. Về tổ chức thực hiện, việc định những chính sách và biện pháp cụ thể, chế độ và tiêu chuẩn cần thiết chậm, thiếu, có chỗ chưa chính xác.

Việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra thực hiện kế hoạch ở các ngành các cấp kém. Nhiều việc đề ra rồi không làm. Có khi tập trung vào công tác trọng tâm thì bỏ lơi nhiều việc quan trọng khác. Việc phối hợp công tác giữa các ngành kinh tế tài chính với nhau và với các ngành khác chưa chặt chẽ. Việc nắm tình hình, tổng kết kinh nghiệm kém.

Tác phong quan liêu, thiếu dân chủ, xa thực tế, cấp trên ít lắng nghe ý kiến của cấp dưới, cán bộ ít quan tâm đến thắc mắc và nguyện vọng chính đáng của quần chúng nên chậm phát hiện khuyết điểm để sửa chữa kịp thời.

Lề lối làm việc tập thể, sự phân công rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa các ngành, các cơ quan kinh tế tài chính còn thiếu sót. Chế độ báo cáo và xin chỉ thị của địa phương đối với trung ương, của các ngành chuyên môn ở địa phương với các cấp uỷ đảng và uỷ ban hành chính chưa được quy định rõ ràng và thi hành nghiêm chỉnh.

Bộ máy kinh tế tài chính xộc xệch, nhiều ngành và cơ quan kinh tế tài chính quan trọng còn yếu, nhưng chưa được kiện toàn đúng mức, việc bồi dưỡng cán bộ kinh tế tài chính về chính sách và nghiệp vụ chưa đầy đủ. Việc bố trí cán bộ còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Việc lãnh đạo tư tưởng rất quan trọng nhưng đã bị xem nhẹ, chưa làm cho cán bộ và nhân dân hiểu biết tình hình, khó khǎn và thuận lợi, thông suốt chính sách; việc uốn nắn những tư tưởng lệch lạc nhất là trong khi tình hình có khó khǎn không được kịp thời. Khi tuyên truyền cho công tác kinh tế tài chính thường chỉ nói một chiều, chỉ nói mặt tốt, mặt thuận lợi.

Những khuyết điểm trên đây của các ngành kinh tế tài chính phản ánh sự lãnh đạo của Trung ương và các cấp uỷ địa phương chưa được chặt chẽ, đúng mức. Đối với công tác kinh tế tài chính, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa theo dõi tình hình kinh tế tài chính một cách đầy đủ, nên chưa kịp thời lãnh đạo các ngành kinh tế tài chính và các địa phương sửa chữa những khuyết điểm, nhất là trong các vấn đề thuộc về nhiệm vụ phương châm và chính sách lớn.

II- Sau gần hai nǎm khôi phục kinh tế, đã đến lúc Đảng cần xác định đường lối chung của thời kỳ quá độ ở miền Bắc để vạch hướng tiến lâu dài cho công tác kinh tế tài chính, và dựa vào đó lập kế hoạch dài hạn cho những nǎm tới. Đó là một việc cần thiết và cǎn bản, cần chuẩn bị để làm.

Hiện nay, cần xuất phát từ tình hình và công tác kinh tế như đã kiểm điểm sơ bộ trên đây, từ đặc điểm và yêu cầu của tình hình trước mắt, liên hệ với yêu cầu cơ bản của việc xây dựng chế độ kinh tế dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, để xác định nhiệm vụ, phương châm công tác kinh tế tài chính nǎm 1957 và đề ra một số biện pháp cần thiết nhằm khắc phục khó khǎn trước mắt.

Nhiệm vụ chung về kinh tế tài chính nǎm 1957 là

Cǎn bản hoàn thành khôi phục kinh tế củng cố và phát triển chế độ kinh tế dân chủ nhân dân. Cụ thể là: khôi phục và phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng; củng cố, phát triển khu vực kinh tế quốc doanh, đặc biệt là về công nghiệp và thương nghiệp, ra sức phát huy khả nǎng tiềm tàng của thủ công nghiệp và tận dụng tác dụng tích cực của công thương nghiệp tư doanh. Trên cơ sở đó, thực hiện dần dần từng bước việc cải thiện đời sống nhân dân, góp phần củng cố quốc phòng, chuẩn bị điều kiện cho kinh tế và vǎn hoá phát triển, nhằm củng cố miền Bắc thêm một bước, làm hậu thuẫn vững chắc cho việc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Phương châm chung cho công tác kinh tế tài chính nǎm 1957 là

1. Mọi chính sách và công tác kinh tế tài chính phải nhằm khuyến khích và đẩy mạnh sản xuất với tinh thần tự lực cánh sinh là chính, tuy rằng sự giúp đỡ của các nước anh em vẫn rất quan trọng. Việc đẩy mạnh sản xuất phải dựa trên cơ sở thực hiện tốt công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất, chủ yếu là xác định quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, củng cố và phát huy thành tích của cải cách ruộng đất, hoàn thành tốt cách mạng phản phong, thúc đẩy toàn bộ kinh tế quốc dân phát triển. Phát triển sản xuất phải gắn liền với bình ổn vật giá. Sản xuất phải luôn luôn đi đôi với tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

2. Giữa các khu vực kinh tế, cần thực hiện sự phân công phối hợp một cách hợp lý để tận dụng mọi khả nǎng phát triển sản xuất dưới sự lãnh đạo của kinh tế quốc doanh và của Nhà nước. Củng cố và phát triển có kế hoạch khu vực kinh tế quốc doanh; củng cố và xây dựng dần dần trong phạm vi cần thiết và có thể khu vực kinh tế hợp tác xã; củng cố và xây dựng dần dần khu vực kinh tế tư bản nhà nước; ra sức phát huy mọi khả nǎng tiềm tàng của thủ công nghiệp và nghề phụ ở nông thôn, chú trọng tận dụng khả nǎng tích cực đồng thời ngǎn ngừa mặt tiêu cực của công thương nghiệp tư doanh. Cần làm tốt những việc kể trên để bảo đảm con đường tiến lên vững chắc và đúng hướng của nền kinh tế quốc dân.

3. Trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, cần bảo đảm cho các ngành phát triển theo tỷ lệ thích hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế nước ta hiện nay. Sản xuất nông nghiệp vẫn là cǎn bản, sản xuất công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp (sản xuất hàng tiêu dùng) là mấu chốt hiện nay, thương nghiệp giữ vai trò rất trọng yếu để thúc đẩy mọi mặt hoạt động kinh tế.

Trong nông nghiệp, sản xuất lương thực vẫn là chủ yếu, song việc trồng cây công nghiệp là rất quan trọng, đồng thời việc chǎn nuôi, ngư nghiệp, lâm nghiệp cũng cần được tiếp tục khôi phục và phát triển.

Trong công nghiệp, xây dựng và phát triển công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng là chủ yếu, song không quên củng cố và mở rộng trong phạm vi cần thiết và có thể các cơ sở công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công cụ sản xuất, và hàng xuất khẩu.

4. Mọi chính sách và công tác kinh tế tài chính phải thể hiện phương châm củng cố miền Bắc đồng thời tranh thủ miền Nam, thể hiện chính sách mặt trận và chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ.

5. Trong việc lãnh đạo kinh tế tài chính phải coi trọng cả ba mặt: lãnh đạo tư tưởng, lãnh đạo chính sách, và lãnh đạo tổ chức (cần chú trọng cải tiến công tác quản lý sản xuất và kinh doanh).

Dựa vào nhiệm vụ và phương châm chung trên đây, nhiệm vụ và phương châm cụ thể của các ngành kinh tế tài chính xác định như sau:

Về nông nghiệp: trên cơ sở thực hiện tốt công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất, chủ yếu là xác định quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, củng cố và phát huy thành tích của cải cách ruộng đất, củng cố và phát triển dần dần các tổ đổi công, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực, đồng thời bảo đảm sự phát triển toàn diện của ngành nông nghiệp, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh trồng cây công nghiệp.

Tǎng sản lượng lúa và hoa màu bằng cách đẩy mạnh tǎng nǎng suất và tǎng vụ là chính, chỉ khai hoang trong phạm vi cần thiết và có thể; nghiên cứu việc tổ chức khai hoang nhỏ ở vùng trung du và một số nơi ở miền ngược. Ra sức vận động, tổ chức nhân dân chống hạn, chống úng thuỷ, phòng lụt, bão, sâu, chuột...

Quy định và thực hiện đầy đủ hơn những chính sách về giá cả, thu mua, cho vay và những biện pháp hướng dẫn kỹ thuật (chú trọng phân, giống), để khuyến khích nông dân trồng các cây công nghiệp cần thiết; khôi phục lại những cơ sở trồng cây công nghiệp sẵn có trước kia; hết sức khuyến khích giúp đỡ việc trồng dâu, nuôi tằm.

Sửa chữa sai lầm trong cải cách ở miền biển, hết sức giúp đỡ ngư dân về vốn và phương tiện để khôi phục sản xuất, khuyến khích cả nghề lộng lẫn nghề khơi. Nghiên cứu việc đưa ngư dân vào tổ chức đoàn thể dưới hình thức thích hợp.

Ban hành và thực hiện chính sách cụ thể khuyến khích chǎn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt, cá. Thi hành mọi biện pháp cần thiết để đẩy mạnh khai thác gỗ, tre, nứa, lá và các lâm sản phụ khác đi đôi với bảo vệ rừng và trồng cây, gây rừng.

Củng cố, chấn chỉnh các nông trường quốc doanh sẵn có.

Củng cố và chấn chỉnh các lâm trường quốc doanh sẵn có.

Củng cố và phát triển dần dần các tổ đổi công, coi đó là một việc rất quan trọng để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống cho nông dân, đưa nông dân đi dần vào con đường hợp tác tương trợ. Củng cố những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã xây dựng, chỉ xây dựng thêm dần dần một số ít hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện.

Về công nghiệp: Đối với quốc doanh cần phải ưu tiên phát triển công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời chú trọng đúng mức đến các ngành công nghiệp khác, hết sức hướng dẫn giúp đỡ thủ công nghiệp; thiết thực khuyến khích giúp đỡ công nghiệp tư doanh sản xuất có lợi cho kinh tế quốc dân.

Củng cố và cải tiến các cơ sở công nghiệp quốc doanh sẵn có về mặt thiết bị và quản lý sản xuất, hoàn thành tốt những xí nghiệp đang xây dựng, xây dựng một số cơ sở mới về công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng. Cương quyết rút bớt hoặc hoãn việc xây dựng một số cơ sở đã đề ra từ đầu nǎm 1956 nhưng đến nay xét ra chưa cần thiết.

Hết sức coi trọng việc hướng dẫn, giúp đỡ thủ công nghiệp ở nông thôn và thành thị khôi phục và phát triển một cách có kế hoạch. Hết sức khuyến khích các nghề phụ gia đình ở nông thôn. Chú ý bổ khuyết những thiếu sót hiện nay trong việc gia công, cung cấp nguyên liệu và thu thuế đối với các cơ sở thủ công nghiệp. Ban hành chính sách hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp, bước đầu xây dựng dần dần các hình thức hợp tác sản xuất hoặc mua bán trong sản xuất thủ công nghiệp; khuyến khích giúp đỡ thiết thực các tập đoàn sản xuất thủ công nghiệp sẵn có đã tổ chức đúng hướng.

Thiết thực khuyến khích, hướng dẫn, giúp đỡ công nghiệp tư doanh sản xuất có lợi cho kinh tế quốc dân. Sửa chữa những thiếu sót trong việc cung cấp và giúp đỡ tìm kiếm nguyên vật liệu, trong việc chấp hành chính sách giá cả, thuế khoá, vật tư và chế độ hợp đồng hiện nay đối với công nghiệp tư doanh. Đồng thời, ngǎn ngừa và chống mọi hành động trái chính sách, trái pháp luật của họ.

Hết sức giúp đỡ dân làm muối về vốn và vật liệu, sửa chữa ô, nề nuối, những cống và đê muối cần thiết để bảo đảm tǎng sản lượng muối trên các đồng muối đã khôi phục, có kế hoạch phát triển thêm diện tích làm muối ở những nơi cần thiết. Củng cố và phát triển các tập đoàn sản xuất muối.

Về thương nghiệp: Củng cố và phát triển đúng mức mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán, bảo đảm ưu thế và vai trò lãnh đạo của mậu dịch quốc doanh. Chú ý sử dụng những người buôn bán nhỏ; sử dụng đúng mức đi đôi với hạn chế thích đáng thương nghiệp tư nhân. Tất cả những việc trên phải nhằm bảo đảm cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân và Nhà nước về hàng hoá và nguyên vật liệu; bình ổn giá những thứ hàng chính, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Củng cố và phát triển có kế hoạch tổ chức mậu dịch quốc doanh. Tǎng cường lực lượng hàng hoá đi đôi với cải tiến lề lối kinh doanh của mậu dịch, tránh ôm đồm tập trung quá đáng; chấn chỉnh chế độ sổ sách, kế toán và công tác quản lý tài sản. Cần nắm vững việc bán buôn và lãnh đạo việc bán lẻ những thứ hàng chính và một số hàng quan trọng khác.

Điều tra kỹ để dự tính nhu cầu của thị trường, cung cấp hàng hoá thiết yếu cho đời sống nhân dân, nguyên liệu cho sản xuất, vật liệu cho xây dựng. Đồng thời cần có cách bán thích hợp với từng loại hàng, cần hướng dẫn việc tiêu thụ của các cơ quan, xí nghiệp, bộ đội, cán bộ và nhân dân.

Cố gắng bình ổn giá cả những thứ hàng chính như: gạo, muối, thịt, vải, giấy, đường, sữa, một số nguyên liệu cho sản xuất, xǎng, dầu, dầu hoả, sǎm lốp và đồ phụ tùng ôtô, mấy loại thuốc thông dụng, một số vật liệu xây dựng chủ yếu...

Cần có kế hoạch thu mua thóc để giữ giá cho nông dân nhất là trong lúc đầu mùa; cải tiến công tác bảo quản thóc gạo; tích cực tìm cách bán gạo để thu tiền về cho tài chính, khi đã bảo đảm số dự trữ cần thiết.

Tǎng cường công tác chỉ đạo giá cả. Điều chỉnh lại những giá chỉ đạo chưa hợp lý nhằm khuyến khích sản xuất. Quy định rõ việc phân công chỉ đạo giá giữa các cơ quan kinh tế tài chính ở trung ương, giữa trung ương và địa phương.

Tǎng cường công tác quản lý thị trường.

Củng cố các tổ chức hợp tác xã mua bán sẵn có, phát triển dần dần một số hợp tác xã mua bán ở những nơi cần thiết và ta có sự lãnh đạo; giữa mậu dịch và hợp tác xã cần có sự phân công kinh doanh rõ ràng, phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp và thu mua, bình ổn vật giá.

Giúp đỡ các người buôn bán nhỏ bằng cách mạnh dạn sử dụng họ trong việc thu mua nông lâm thổ hải sản; khuyến khích và giúp đỡ một số có điều kiện chuyển sang sản xuất; chú ý không nên khuyến khích việc tǎng thêm người buôn bán nhỏ.

Sử dụng đúng mức khả nǎng của thương nghiệp tư nhân trong việc đẩy mạnh lưu thông hàng hoá trong nước, trong việc buôn bán với miền Nam và buôn bán với nước ngoài. Dành cho họ một phần thích đáng trong việc bán buôn và bán lẻ. Định mức chênh lệch giữa giá buôn và giá lẻ cho hợp lý. Đặt thêm đại lý bán hàng và uỷ thác mua... Vận động và giúp đỡ thiết thực một số người buôn lớn và trung bình chuyển sang sản xuất và kinh doanh vận tải. Đồng thời, dùng mọi biện pháp giáo dục, kinh tế, hành chính, chống đầu cơ tích trữ một cách kiên quyết.

Về ngoại thương, buôn bán với các nước anh em là chính và phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ, hai bên đều có lợi; đồng thời tranh thủ buôn bán với các nước khác. Tǎng cường hoạt động của mậu dịch quốc doanh là chủ yếu, mặt khác sử dụng đúng mức tư thương bỏ vốn kinh doanh xuất nhập khẩu, dưới sự quản lý của cơ quan ngoại thương. Lãnh đạo chặt chẽ việc sử dụng tiền viện trợ, và việc lập kế hoạch xuất nhập khẩu của mậu dịch. Cần chuẩn bị sớm kế hoạch xuất nhập khẩu để đàm phán với các nước, tranh thủ nhập khẩu kịp thời những nguyên vật liệu và hàng hoá thiết yếu cho nhân dân để phục vụ việc đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và bình ổn vật giá hiện nay. Tìm mọi cách tǎng mặt hàng xuất khẩu, nhất là về nông lâm thổ hải sản và hàng thủ công, mỹ nghệ; khắc phục khó khǎn để thực hiện đầy đủ kế hoạch xuất gạo và ngô. Cố gắng giảm bớt nhập siêu.

Về giao thông, vận tải, bưu điện: Về đường sá, thì lấy việc củng cố các đường đã sẵn có là chính. Về phương tiện vận tải, thì đối với phương tiện cơ giới lấy củng cố là chính, đối với phương tiện thô sơ, thì khôi phục và phát triển có hướng dẫn. Củng cố vận tải quốc doanh, tận dụng khả nǎng vận tải tư nhân.

Cải tiến công tác quản lý vận tải, nghiên cứu để định lại các giá cước cho hợp lý. Quản lý kế hoạch vận tải cho tốt để tận dụng được mọi khả nǎng vận tải.

Về bưu điện, củng cố là chính, chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm chính xác, nhanh chóng và bí mật.

Về xây dựng cơ bản: Thực hiện đúng phương hướng chính của việc đầu tư là đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nhẹ và nông nghiệp; ra sức cải tiến kỹ thuật xây dựng, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, bảo đảm hoàn thành các công trình đúng thời hạn.

Ưu tiên và chủ yếu đầu tư vào việc phát triển công nghiệp nhẹ, coi trọng việc đầu tư vào thuỷ lợi và xây dựng kho tàng; củng cố và phát triển vững chắc, hợp với yêu cầu và khả nǎng các sự nghiệp vǎn hoá xã hội, hạn chế việc xây dựng các cơ sở không sản xuất. Trong công tác xây dựng, cần cố gắng khắc phục những khó khǎn còn lâu dài về thiết kế; củng cố các đội xây dựng; phân biệt công trình chủ yếu và thứ yếu, tiến hành xây dựng có trọng điểm để hoàn thành xây dựng nhanh và tốt; cần chuẩn bị chu đáo khi mở công trường. Sử dụng hợp lý nhân lực và nguyên vật liệu, tận dụng các thiết bị cũ sẵn có. Hết sức chống lãng phí để giảm giá thành xây dựng.

Về lao động và tiền công: kiên quyết bồi dưỡng lao động về vật chất, tinh thần, kỹ thuật, nghiệp vụ, đi liền với việc phát triển sản xuất, nâng cao nǎng suất lao động và hiệu suất công tác. Phát huy tác dụng của công đoàn và Đoàn Thanh niên Lao động trong việc sản xuất và xây dựng.

Tiếp tục thu xếp công tác và giải quyết đời sống cho đồng bào miền Nam và bộ đội phục viên. Tìm mọi cách giải quyết dần dần nạn thất nghiệp ở thành thị. Thu hút lao động thừa ở nông thôn vào việc khôi phục thủ công nghiệp và nghề phụ gia đình.

Nghiên cứu gấp để sửa lại chế độ lương bổng và các mức tiền công hiện nay, nhất là đối với công nhân, dựa trên nguyên tắc hướng theo lao động để khuyến khích sản xuất. Đồng thời, quy định tiêu chuẩn lao động và kỷ luật lao động, nghiên cứu để áp dụng rộng rãi chế độ làm khoán.

Cải tiến điều kiện làm việc, tǎng cường thêm thiết bị bảo đảm an toàn lao động ở các nhà máy, hầm mỏ, công trường. Ban hành và thực hiện một số chế độ do xã hội cần thiết.

Thi hành chế độ thưởng tǎng nǎng suất và sáng chế phát minh. Chú trọng khuyến khích và bồi dưỡng các cán bộ kỹ thuật cao cấp.

Nghiên cứu sửa lại chế độ dân công hiện hành cho thích hợp. Quản lý chặt chẽ việc huy động và sử dụng nhân lực; hết sức tránh lãng phí.

Đẩy mạnh sản xuất làm cơ sở cho việc cải thiện đời sống, cần đặc biệt chú trọng giáo dục cho công nhân, cán bộ, nhân viên có ý thức đầy đủ đối với phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm, trau dồi quan điểm lao động mới, tinh thần kỷ luật lao động, ý thức trách nhiệm, ý thức tǎng nǎng suất, hạ giá thành, bảo đảm chất lượng công tác và phẩm chất hàng hoá. Chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu xây dựng kinh tế.

Cần phát huy tác dụng của chi bộ, công đoàn và Đoàn Thanh niên Lao động trong việc sản xuất, xây dựng ở các xí nghiệp, công trường.

Cần nghiên cứu kế hoạch điều hoà và chấn chỉnh biên chế cho hợp lý, nhằm giảm bớt thành phần không sản xuất. Cần định rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, nhà máy, hầm mỏ, công trường để định mức biên chế cho thích hợp. Sắp xếp lại cán bộ cho hợp với nhu cầu công tác và với khả nǎng của mỗi người.

Về tài chính và ngân hàng: ra sức tǎng thu đúng chính sách, hết sức giảm chi, kiên quyết chống lãng phí, tham ô, thực hành tiết kiệm, chấn chỉnh biên chế có kế hoạch. Tǎng cường quản lý tiền mặt, tích cực huy động vốn của tư nhân, mở rộng việc cho vay để đẩy mạnh sản xuất.

Nghiên cứu sửa đổi những điểm chưa hợp lý, bổ sung một số điểm còn thiếu sót trong chính sách thuế hiện nay; cải tiến công tác thu thuế, vừa nhằm bảo đảm thu, vừa khuyến khích sản xuất và thúc đẩy giao lưu hàng hoá.

Tǎng cường quản lý thu chi. Thu thuế vẫn là nguồn thu quan trọng hơn cả, cần tích cực thu đúng chính sách; chống thất thu; cần bảo đảm thực hiện đầy đủ kế hoạch thu xí nghiệp. Triệt để tiết kiệm chi, cắt bỏ tất cả những khoản chi có tính chất phô trương hoặc không thật cần thiết, hoãn những khoản chi có thể hoãn, giảm tất cả những khoản chi có thể giảm. Ban hành và thực hiện đúng các chế độ quản lý sử dụng tiền viện trợ, quản lý tài vụ xí nghiệp, quản lý cấp phát kiến thiết cơ bản,... Chuẩn bị điều kiện để thực hiện từng bước chế độ hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp và doanh nghiệp nhà nước.

Nghiên cứu kế hoạch chấn chỉnh biên chế.

Tǎng cường công tác thanh tra tài chính. Tiến hành việc kiểm kê tài sản của Nhà nước. Đối với hàng viện trợ, đặc biệt chú trọng chấn chỉnh các công tác tiếp nhận, bảo quản, phân phối, sử dụng. Nghiên cứu và thực hiện một số biện pháp cụ thể và thiết thực để chống lãng phí, tham ô.

Tǎng cường quản lý tiền mặt; thi hành triệt để việc trả tiền bằng chuyển khoản ở các ngành, các cấp. Sửa đổi những điểm còn thiếu sót hoặc chưa hợp lý trong chính sách cho vay.

Nghiên cứu để ban hành chế độ tập trung việc cho vay và thanh toán của các quốc doanh và hợp tác xã qua ngân hàng.

Nghiên cứu và thi hành những biện pháp tích cực huy động vốn của tư nhân.

Củng cố hợp tác xã cho vay ở nông thôn, phát triển dần dần một cách vững chắc ở những nơi có đủ điều kiện.

Đối với miền núi: Đẩy mạnh việc tǎng gia sản xuất lúa và hoa màu, giúp đỡ nông cụ và giống, hướng dẫn kỹ thuật để tǎng nǎng suất và tǎng vụ. Có chính sách và biện pháp cụ thể khuyến khích việc chǎn nuôi trâu, bò, lợn, gà. ở những vùng hẻo lánh có khả nǎng sản xuất nhiều nông sản, cần nghiên cứu tình hình cụ thể từng nơi để hướng dẫn sản xuất theo tỷ lệ thích đáng giữa lương thực và những thứ có điều kiện tiêu thụ dễ dàng hơn.

Khuyến khích, hướng dẫn việc khai thác lâm thổ sản, đi đôi với việc đặt giá cả thu mua hợp lý, và tổ chức cung cấp hàng công nghiệp và thực phẩm cần thiết cho đồng bào. Sử dụng khả nǎng của tư nhân trong việc buôn bán ở miền núi. Nghiên cứu việc tổ chức hợp tác xã mua bán dưới hình thức thích hợp ở một số vùng miền núi mà đồng bào yêu cầu và có điều kiện tổ chức.

Tận dụng các phương tiện thô sơ để vận chuyển hàng hoá ở miền núi. Nói chung, các chính sách và công tác kinh tế tài chính ở miền núi cần thể hiện chính sách khu tự trị của Đảng và Chính phủ.

Đối với miền Nam: Cần giáo dục cho cán bộ các ngành nhận rõ ý nghĩa chính trị của việc lập lại quan hệ đi lại, buôn bán giữa nhân dân hai miền, góp phần tích cực đấu tranh thống nhất nước nhà, phá âm mưu chia cắt lâu dài nước ta của Mỹ - Diệm.

Việc buôn bán với miền Nam phải được khuyến khích, nhưng phải quản lý chặt chẽ. Các ngành kinh tế tài chính cần có chính sách và biện pháp cụ thể để giúp đỡ về mọi mặt cho nhân dân hai miền (nhất là ở vùng giới tuyến) đi lại, trao đổi dễ dàng. Muốn thế, cần tích cực giải quyết vấn đề hàng bán vào miền Nam hiện nay, và nghiên cứu giải quyết vấn đề tiền tệ ở giới tuyến cho thoả đáng.

*

*    *

Những nhiệm vụ và phương châm nêu ra trên đây phải được thể hiện đầy đủ trong kế hoạch nhà nước nǎm 1957, và phải được các ngành, các cấp nghiêm chỉnh chấp hành.

Để bảo đảm đi tới kết quả đó, cần tǎng cường sự lãnh đạo kinh tế tài chính của Đảng và Nhà nước theo các hướng sau đây:

1. Thực hiện sự lãnh đạo thống nhất và chặt chẽ của Trung ương Đảng, Chính phủ và các cấp uỷ đảng, các cấp uỷ ban hành chính đối với công tác kinh tế tài chính. Cần nhận rõ từ nay về sau, công tác kinh tế tài chính là công tác trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ở miền Bắc. Và trước mắt, cần kết hợp chặt chẽ với công tác trung tâm đột xuất lúc này là sửa sai trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.

Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư cần nắm vững sự lãnh đạo về tư tưởng, chính sách và tổ chức đối với công tác kinh tế tài chính, tức là:

- Bảo đảm thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, trong cán bộ và nhân dân, bảo đảm đường lối phương châm được thấm nhuần và thực hiện đúng đắn, uốn nắn kịp thời các tư tưởng lệch lạc.

- Kịp thời định ra những chính sách cụ thể để bảo đảm thực hiện đường lối, phương châm chung của Đảng.

- Nắm vững công tác trọng tâm của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, của từng ngành hoạt động, đồng thời phải chú ý đúng mức các mặt công tác khác. Kết hợp chặt chẽ công tác kinh tế tài chính với việc thực hiện các chính sách khác của Đảng.

- Theo dõi sự thực hiện, thường xuyên nghe báo cáo và tổ chức kiểm tra chu đáo để bổ khuyết kịp thời cho những thiếu sót trong công tác kinh tế tài chính. Lãnh đạo việc tổng kết kinh nghiệm.

Các cấp uỷ đảng và các uỷ ban hành chính địa phương cần lãnh đạo chặt chẽ công tác kinh tế tài chính để bảo đảm đi đúng đường lối, chấp hành đúng chính sách của Đảng, giúp Trung ương xây dựng hoặc bổ sung đường lối chính sách cho sát đúng, kịp thời. Quy định và thi hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo và xin chỉ thị của các cơ quan kinh tế tài chính đối với cấp uỷ đảng và uỷ ban.

2. Chấn chỉnh và tǎng cường bộ máy kinh tế tài chính của Nhà nước, nhất là trong các ngành quan trọng như thương nghiệp, nông lâm, công nghiệp và các cơ quan trực tiếp giúp Trung ương lãnh đạo kinh tế tài chính. Định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan kinh tế tài chính ở trung ương và địa phương, quan hệ giữa các ngành trong bộ máy kinh tế tài chính, giữa các cấp uỷ ban với các ngành chuyên môn.

Tǎng cường lề lối làm việc tập thể, dân chủ và sát thực tế từ trên xuống dưới. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất và tập trung về mặt đường lối, chính sách và kế hoạch chung, đi đôi với việc phân cấp quản lý cho thích hợp với hoàn cảnh sản xuất phân tán ở nước ta; mở rộng đúng mức quyền hạn và đề cao trách nhiệm của các ngành, các địa phương.

Thành lập và lãnh đạo chặt chẽ các tổ chức như hội liên hiệp công thương... Nghiên cứu dùng nhiều hình thức tổ chức khác để thắt chặt quan hệ giữa quốc doanh, hợp tác xã và tư nhân; thông qua các tổ chức đó để tập hợp ý kiến của tư nhân, đồng thời để giáo dục và lãnh đạo họ.

Tǎng cường công tác điều tra, nghiên cứu tình hình, tổng kết kinh nghiệm. Tổ chức chu đáo việc giáo dục lý luận, chính sách và nghiệp vụ cho cán bộ kinh tế tài chính, giáo dục bổ túc cho cán bộ tại chức và có kế hoạch đào tạo cán bộ mới.

3. Tiến hành sâu rộng việc tuyên truyền giáo dục về tình hình và chính sách kinh tế tài chính trong Đảng và trong nhân dân, làm cho mọi người nhận rõ khó khǎn và thuận lợi, thành tích và khuyết điểm, nhằm thống nhất tư tưởng trong Đảng và nhân dân, nâng cao tin tưởng đoàn kết mọi lực lượng, phát huy mọi khả nǎng tích cực để giải quyết khó khǎn trước mắt.

Chú trọng uốn nắn những tư tưởng lệch lạc hiện nay như:

Tư tưởng chủ quan, tưởng có thể khôi phục và xây dựng kinh tế nhanh chóng, cải thiện đời sống dễ dàng; ỷ lại vào viện trợ; không thấy lúc này ta còn có nhiều khó khǎn cần phải chịu đựng gian khổ để khắc phục.

Tư tưởng muốn cơ giới hoá nhanh, coi nhẹ việc sử dụng khả nǎng của thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư doanh, thiếu quan tâm đến đời sống và việc làm ǎn của nhân dân... Mặt khác, đấu tranh chống tư tưởng bi quan, thụt lùi, chỉ thấy khó khǎn không thấy hết thuận lợi và khả nǎng của nhân dân; muốn thu hẹp lực lượng kinh tế quốc doanh, thả lỏng cho kinh tế tư bản chủ nghĩa tự do phát triển, v.v..

Cần phải giáo dục cho toàn thể đảng viên, cán bộ và nhân dân có quan niệm đúng về lao động, động viên mọi người ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm để xây dựng nước nhà, đồng thời luôn luôn cảnh giác đề phòng mọi âm mưu của địch phá hoại kinh tế ta, đề cao ý thức bảo vệ bí mật kinh tế.

III- Sau gần hai nǎm khôi phục kinh tế, chúng ta đã đạt được những thành tích cǎn bản, song tình hình kinh tế tài chính trước mắt đang có nhiều khó khǎn, cần phải nhận thức đúng tính chất và mức độ của những khó khǎn đó để định biện pháp khắc phục. Hiện nay, sản xuất chưa cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng và xây dựng ngày một tǎng, hàng hoá thiếu, vật giá lên, nạn đầu cơ phát triển; chỉ tiêu nhiều, biên chế đông, thóc gạo có nhiều nhưng chưa bán được... Những chỗ mất cân đối đó tác động lẫn nhau, đã ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành, đến đời sống của các từng lớp nhân dân, đến tình hình chính trị chung. Khó khǎn lớn nhất hiện nay đã đẻ ra nhiều khó khǎn khác là sản xuất và tiêu dùng không cân đối. Đó là khó khǎn lâu dài do nhiều nguyên nhân khách quan, cộng với những khuyết điểm chủ quan của chúng ta gây nên.

Hội nghị thấy cần thi hành một cách khẩn trương những biện pháp sau đây:

1. Ra sức đẩy mạnh sản xuất trong nước đi đôi với việc tranh thủ nhập kịp thời một số hàng thiết yếu và nguyên liệu sản xuất mà trong nước chưa có hoặc còn thiếu.

a) Về sản xuất: Đẩy mạnh sản xuất than, ximǎng, thiếc để có thêm hàng xuất khẩu đổi lấy hàng tiêu dùng. Đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp, nghề phụ nông thôn và công nghiệp tư doanh về các loại hàng cần cho nông thôn và thành thị. Chú ý vải, đồ rét, nông cụ, đồ dùng gia đình, chiếu, vật liệu xây dựng (gỗ, gạch, ngói...). Muốn thế cần giải quyết vấn đề nguyên liệu và sửa chữa những thiếu sót của các ngành thuế, mậu dịch và lao động như đã kiểm điểm trên.

Cần phổ biến rộng rãi và thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp, tập trung nǎng lực lãnh đạo nông dân chống hạn, cải tiến kỹ thuật, bảo đảm vụ chiêm thắng lợi.

Các cấp uỷ và các cấp chính quyền địa phương ở các vùng trung du và miền núi có trách nhiệm vận động nhân dân đẩy mạnh khai thác tre, nứa, lá, củi để cung cấp cho nhu cầu xây dựng của Nhà nước và nhân dân ở đồng bằng. Bộ đội cần tự túc một phần về vật liệu xây dựng.

Tập hợp và tìm mọi cách vận chuyển gỗ ở các cửa rừng về xuôi.

Vận động, giúp đỡ nông dân khôi phục và phát triển chǎn nuôi gà, vịt... và có kế hoạch vận chuyển thực phẩm tiếp tế cho các thành thị tập trung, các đơn vị bộ đội và các công trường, xí nghiệp ở các vùng xa. Vận động nhân dân chung quanh các thành phố phát triển trồng rau. Định kế hoạch cho bộ đội, cơ quan, công trường, xí nghiệp, nông trường, tự túc một phần rau và thịt ở tất cả những nơi có điều kiện trồng và chǎn nuôi.

Cơ quan mậu dịch cần cung cấp gai, đay, dem buồm, gỗ; ngân hàng cần giúp đỡ đóng thuyền, làm lưới cho ngư dân khôi phục nhanh sản xuất trong vụ cá này. Khuyến khích tư nhân bỏ vốn làm nước mắm...

b) Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất, cần cố gắng thực hiện đầy đủ và kịp thời kế hoạch nhập hàng tiêu dùng và nguyên liệu, vật liệu cần thiết cho các hợp đồng đã ký với các nước, tranh thủ nhập thêm một số từ các thị trường gần nước ta để giải quyết các nhu cầu cấp bách. Khi hàng về, cần phải có kế hoạch tiếp nhận chu đáo.

2. Mở một cuộc vận động sản xuất và tiết kiệm, giảm bớt chi tiêu trong Đảng, trong bộ đội, cán bộ và nhân dân. Giải thích cho mọi người hiểu rõ tình hình khó khǎn hiện nay, để giữ vững tác phong giản dị, tự nguyện giảm bớt những nhu cầu không cần thiết, tránh tâm lý mua hàng để cất giữ; tránh đổ xô ra thị trường mua các loại hàng hoá đang khan hiếm để cho bọn đầu cơ lợi dụng đẩy giá lên.

Việc mua hàng tiêu dùng và nguyên liệu xây dựng của các cơ quan, đơn vị, công trường, xí nghiệp phải theo nguyên tắc: thứ gì chưa cần dùng thì chưa mua; việc gì có thể hoãn thì hoãn; thứ gì có tính chất phô trương, thì cương quyết cắt bỏ; thứ gì có thể thay hàng nước ngoài bằng hàng trong nước thì thay thế; loại gì nhu cầu quá nhiều mà khả nǎng ít thì phải có kế hoạch phân phối.

3. Tǎng cường quản lý thị trường.

Nghiên cứu kỹ để áp dụng cách bán thích hợp một số loại hàng mà đông đảo nhân dân cần dùng. Mậu dịch và hợp tác xã cần tǎng cường tổ chức bán, bố trí lại các cửa hàng, đặt thêm nhà đại lý và kinh tiêu, giao hàng có kế hoạch và kiểm soát chặt chẽ việc bán hàng của họ. Thực hiện việc cung cấp theo đơn mua hàng tập thể một số hàng tiêu dùng thiết yếu cho bộ đội, công nhân, cán bộ, nhân viên.

Kiên quyết thi hành một số biện pháp cần thiết, kể cả biện pháp hành chính, để chống đầu cơ tích trữ.

Thực hiện việc kiểm tra các kho tàng của mậu dịch để nắm vững tình hình hàng hoá, cải tiến việc bảo quản hàng để tránh hư hỏng.

4. Tǎng cường quản lý tài chính, chống lãng phí, tham ô. Triệt để tiết kiệm chi, thực hiện giảm chi, hoãn chi đối với tất cả các công tác chưa cấp thiết. Bảo đảm thực hiện đầy đủ kế hoạch thu thuế công thương nghiệp và nông nghiệp. Kết hợp với đợt 2 sửa sai để thu thuế nông nghiệp vụ đông 1956 nhanh, gọn. Đẩy mạnh việc bán hàng ra để thu hút tiền về. Tài chính, ngân hàng, mậu dịch cần phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý tiền mặt. Tích cực vận động tư nhân bỏ vốn ra sản xuất, hoặc gửi vào ngân hàng. Vận động bộ đội, cán bộ, nhân viên gửi tiền tiết kiệm.

5. Giải quyết một số việc cấp bách trong vấn đề lao động và tiền lương. Chú ý thu xếp việc làm cho những người ở các công trường đã hoàn thành việc xây dựng và những người thất nghiệp từ lâu; tiếp tục bố trí công việc cho bộ đội phục viên và một số anh chị em miền Nam.

Lãnh đạo tư tưởng chặt chẽ để thực hiện đúng mức việc điều chỉnh ngạch bậc.

Tǎng cường kiểm tra để bảo đảm thực hiện những biện pháp cải thiện đời sống đề ra từ Hội nghị Trung ương lần thứ 10. Nghiên cứu kịp thời chế độ lương mới trình Trung ương xét định.

Trên cơ sở giải quyết những yêu cầu chính đáng của công nhân, bộ đội, cán bộ, nhân viên, giáo dục cho anh chị em tư tưởng chịu khó, chịu khổ, ra sức lao động và sản xuất, tǎng hiệu suất công tác và nǎng suất lao động, giảm giá thành, đi đôi với thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

IV- Nhiệm vụ kinh tế tài chính đang ngày một nặng nề. Tình hình kinh tế tài chính hiện nay đang gặp nhiều khó khǎn. Mấu chốt để giải quyết khó khǎn đó là toàn Đảng, toàn dân phải đoàn kết nhất trí, ra sức đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm.

Hội nghị kêu gọi toàn thể đảng viên, cán bộ và nhân dân, trước hết là công nhân, nông dân hãy nâng cao tin tưởng, siết chặt hàng ngũ chung quanh Đảng và Chính phủ, thấm nhuần ý thức "lao động là quang vinh", phấn khởi "thi đua sản xuất và tiết kiệm", "tǎng nǎng suất, nâng phẩm chất và hạ giá thành", "chống lãng phí, tham ô", luôn luôn nêu cao "tinh thần tự lực cánh sinh" song hết sức "quý trọng sự giúp đỡ của các nước anh em", nhận thức đúng đắn rằng chỉ có tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì mới có điều kiện vật chất để cải thiện đời sống một cách chắc chắn, không ngừng; đồng thời đề cao cảnh giác cách mạng đề phòng mọi âm mưu và hành động của địch phá hoại kinh tế ta.

Hội nghị nhắc nhở toàn thể cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng ở các ngành, các cấp, phải luôn luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Kiên quyết trừ bỏ tệ quan liêu, mệnh lệnh, đi đúng đường lối quần chúng và sát thực tế trong mọi công tác.

Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải tǎng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ công tác kinh tế tài chính, phát huy tác dụng chủ chốt của chính quyền trong việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện mọi đường lối chính sách kinh tế tài chính của Đảng, phát huy tác dụng rất quan trọng của công đoàn và nông hội trong việc tổ chức, giáo dục động viên công nhân và nông dân ra sức sản xuất và tiết kiệm, phát huy tác dụng tích cực của Đoàn Thanh niên Lao động trong việc tổ chức và động viên thanh niên xung phong thực hiện mọi nhiệm vụ kinh tế tài chính của Đảng và Chính phủ, nhất là về mặt sản xuất và xây dựng.

Hội nghị tin rằng với tinh thần đoàn kết nhất trí, tin tưởng và cố gắng của toàn Đảng và toàn dân ta, với sự giúp đỡ hết lòng của các nước anh em, nhất định chúng ta sẽ vượt được mọi khó khǎn trước mắt, hoàn thành tốt những nhiệm vụ kinh tế tài chính nǎm 1957 nhằm phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tiến thêm một bước trong việc củng cố miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

 

 Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website