Nghị quyết Hội nghị Trung ương, tháng 9 năm 1956 về kế hoạch chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ III

I- Ý nghĩa mục đích của Đại hội

1. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã quyết định triệu tập Đại hội Đảng lần thứ III. Chương trình công tác của Trung ương nǎm nay đã ấn định triệu tập Đại hội vào khoảng mùa xuân nǎm 1958.

Từ Đại hội lần thứ II đến Đại hội lần thứ III là vừa đúng bảy nǎm. Theo nguyên tắc sinh hoạt đảng, chúng ta cần phải triệu tập Đại hội lần thứ III, không nên để trễ hơn nữa.

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trải qua những biến chuyển lớn lao và đang bước vào một giai đoạn mới gay go, phức tạp nhưng rất vẻ vang. Đại hội Đảng họp lần này có một tầm quan trọng rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Đại hội sẽ xác định tình hình, nhiệm vụ và đường lối của Đảng để đoàn kết toàn Đảng và toàn dân, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đồng thời sẽ kiện toàn sự lãnh đạo của Đảng, trước hết là của Ban Chấp hành Trung ương để đủ sức đảm đương trách nhiệm nặng nề ấy.

2. Với những ý nghĩa nói trên, Đại hội Đảng lần thứ III nhằm mục đích:

- Kiểm điểm công tác và sinh hoạt của Đảng trong khoảng thời gian giữa hai kỳ đại hội, đồng thời kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng từ Cách mạng Tháng Tám đến sau này, trên một số vấn đề lớn, nhằm thống nhất tư tưởng và nâng cao trình độ lãnh đạo của toàn Đảng lên một bước.

- Định đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, gồm: đường lối củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và đường lối đấu tranh thực hiện thống nhất, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc và dân chủ trong cả nước.

- Bầu Ban Chấp hành Trung ương mới.

II- Nội dung chính của Đại hội

1. Có ba bản báo cáo chính:

- Báo cáo chính trị,

- Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng và dự thảo Điều lệ mới của Đảng,

- Báo cáo đề nghị về kế hoạch dài hạn đầu tiên.

Báo cáo chính trị cần kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu trong khoảng thời gian từ Đại hội lần thứ II đến Đại hội lần này, vạch ra nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, vạch ra đường lối củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, và đường lối đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Trong phần kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, cần tổng kết một số kinh nghiệm lớn trong thời gian từ Cách mạng Tháng Tám đến sau này, như: vấn đề xây dựng đảng trong đó có vấn đề Đảng rút vào bí mật (nǎm 1945), vấn đề đường lối quân sự trong đó có chủ trương chuẩn bị tổng

phản công (nǎm 1949) vấn đề chính sách ruộng đất, vấn đề chính sách mặt trận trong đó có chính sách tôn giáo và chính sách dân tộc. Do khả nǎng chuẩn bị hạn chế, chúng ta chưa thể tổng kết một cách đầy đủ các vấn đề, nhưng cần có những kết luận khái quát về một số vấn đề quan trọng nhất. Đó là một yêu cầu cấp thiết trong công tác tư tưởng và công tác lý luận của Đảng ta hiện nay.

Phần đường lối củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà là phần quan trọng nhất của bản Báo cáo chính trị, vì đó là yêu cầu trọng tâm của Đại hội. Việc kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng phải nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu đường lối của Đảng lần này. Cần tập trung sức nghiên cứu, nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm của các nước anh em, thực tiễn cách mạng, và đặc điểm tình hình của nước ta để có thể vạch ra đường lối cách mạng của giai đoạn mới một cách sáng tạo chính xác.

Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng cần kiểm điểm tình hình sinh hoạt và xây dựng đảng từ Đại hội Đảng lần thứ II đến sau này, vạch ra đường lối phương châm xây dựng đảng ở miền Bắc trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, và đường lối, phương châm xây dựng đảng ở miền Nam trong cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giải quyết một số vấn đề lớn trong công tác xây dựng đảng và giới thiệu bản dự thảo Điều lệ mới của Đảng trình ra Đại hội.

Báo cáo đề nghị kế hoạch dài hạn đầu tiên sẽ dựa vào dự thảo đường lối chung của Đảng ở miền Bắc nhằm phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, vạch ra đường lối phát triển kinh tế và vǎn hoá ở miền Bắc trong thời kỳ quá độ, đề nghị các nhiệm vụ của kế hoạch dài hạn đầu tiên ở miền Bắc, vạch ra các phương hướng lớn, các chỉ tiêu và các biện pháp chính của các ngành hoạt động.

2. Ngoài các báo cáo chính, cần có những đề án, báo cáo bổ sung tham luận, chủ yếu nhằm trình bày sâu hơn một số vấn đề quan trọng trong bản Báo cáo chính trị.

- Có thể có ba bản đề án: kết luận khái quát về một số kinh nghiệm lớn của Đảng từ Cách mạng Tháng Tám đến sau này; đường lối chung của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đường lối đấu tranh thực hiện thống nhất, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc và dân chủ trong cả nước.

- Có thể có những báo cáo bổ sung và những tham luận về các vấn đề: củng cố quốc phòng, công tác nhà nước (hiến pháp, dân chủ và chuyên chính, bộ máy nhà nước...), chính sách mặt trận và công tác dân vận, chính sách dân tộc, chính sách vǎn hoá và giáo dục, v.v..

- Có một số báo cáo tài liệu để tham khảo

III- Kế hoạch tổ chức chuẩn bị Đại hội

1. Tổ chức chuẩn bị Đại hội

- Bộ Chính trị thay mặt Trung ương, phụ trách việc chuẩn bị Đại hội. Ban Bí thư phụ trách thường trực để đôn đốc, phối hợp các bộ phận tiến hành công tác chuẩn bị Đại hội.

- Giúp việc Bộ Chính trị có bốn ban sau đây: mỗi ban có thể có một số tiểu ban cần thiết:

Ban báo cáo chính trị có nhiệm vụ khởi thảo bản luận cương về Báo cáo chính trị để đưa xuống các cấp bộ đảng thảo luận, rồi tổng hợp tài liệu để viết bản Báo cáo chính trị. Bản Báo cáo chính trị do đồng chí Hồ Chí Minh phụ trách, có đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp giúp .

Để giúp tài liệu cho bản Báo cáo chính trị và để xây dựng đề án riêng về từng vấn đề lớn liên quan đến Báo cáo chính trị, Ban Báo cáo chính trị gồm có ba tiểu ban:

Tiểu ban tổng kết kinh nghiệm do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Tiểu ban các vấn đề lịch sử dựa vào các ngành có liên quan như: Tổng Quân uỷ, Ban Tổ chức và Ban Tuyên huấn, Ban Mặt trận, Đảng tổ Uỷ ban cải cách ruộng đất Trung ương, v.v. để xây dựng báo cáo và đề án.

Tiểu ban đường lối củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội do đồng chí Trường Chinh phụ trách.

Tiểu ban đường lối đấu tranh thống nhất do đồng chí Phạm Hùng phụ trách.

+ Ban sửa đổi Điều lệ Đảng, có nhiệm vụ dự thảo bản Điều lệ mới của Đảng và làm bản báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng. Do đồng chí Lê Đức Thọ phụ trách.

+ Ban báo cáo đề nghị kế hoạch dài hạn có nhiệm vụ dự thảo bản báo cáo đề nghị về kế hoạch dài hạn đầu tiên. Do đồng chí Phạm Vǎn Đồng phụ trách.

Các đồng chí phụ trách ban và tiểu ban đồng thời phụ trách viết các báo cáo và đề án.

Tham gia các ban và tiểu ban, có một số các đồng chí uỷ viên Trung ương và một số cán bộ cao cấp nắm được vấn đề.

Ban tổ chức Đại hội, có nhiệm vụ: nghiên cứu việc tổ chức thảo luận bản Luận cương về Báo cáo chính trị và bản Luận cương về Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng ở các cấp bộ đảng từ dưới lên trên để chuẩn bị Đại hội (Ban Báo cáo chính trị và Ban Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng liên hệ để theo dõi); nghiên cứu nguyên tắc cử đại biểu dự Đại hội và theo dõi việc cử đại biểu (sau này khi Đại hội họp, Ban Kiểm tra của Đại hội sẽ kiểm tra tư cách các đại biểu); nghiên cứu việc mời đại biểu các đảng anh em đến dự Đại hội; tổ chức về vật chất phục vụ Đại hội, bảo vệ Đại hội do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm trưởng ban, và một số cán bộ phụ trách các ngành có liên quan tham gia.

2. Lịch tiến hành công tác chuẩn bị Đại hội

Tháng 4:

- Bộ Chính trị bàn dự án kế hoạch chuẩn bị Đại hội.

- Hội nghị Trung ương bất thường thông qua kế hoạch chuẩn bị Đại hội.

Tháng 5, 6 và 7:

- Lập các ban và tiểu ban, trao nhiệm vụ.

- Các ban và tiểu ban bước đầu chuẩn bị xong các vǎn kiện chủ yếu (nhất là hai bản luận cương về Báo cáo chính trị và về Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng) sẽ đưa xuống các cấp bộ đảng thảo luận.

- Trao đổi với các đồng chí bạn.

Tháng 8 và 9:

- Viết lại các vǎn kiện.

- Bộ Chính trị duyệt các vǎn kiện.

Tháng 10:

- Họp Hội nghị Trung ương lần thứ 15 để thông qua các vǎn kiện chuẩn bị cho Đại hội.

- Họp Hội nghị cán bộ để thảo luận các bản luận cương sẽ đưa xuống các cấp thảo luận.

Tháng 11 và 12-1957 và tháng 1-1958:

- Tổ chức việc thảo luận ở các cấp bộ đảng.

- Các cấp bộ đảng cử đại biểu dự Đại hội.

Từ tháng 2 đến trung tuần tháng 3-1958.

- Tổng kết kết quả thảo luận ở các cấp bộ đảng; viết lại các vǎn kiện lần cuối cùng; dịch và in các vǎn kiện.

- Họp Đại hội trù bị.

Vào cuối tháng 3-1958:

- Họp Đại hội.

(Thời gian chuẩn bị Đại hội tương đối ít, chương trình công tác chung của Trung ương rất nặng, lịch tiến hành công tác chuẩn bị Đại hội rất chặt, cho nên cần phải hết sức cố gắng, quyết tâm để giữ đúng thời gian. Theo tinh thần ấy, tuỳ theo tình hình, nếu cần, Bộ Chính trị có thể xê xích lịch công tác chuẩn bị Đại hội trên đây trong khoảng một tháng).

3. Mấy vấn đề cần giải quyết để đảm bảo cho công tác chuẩn bị Đại hội

- Tǎng cường chỉ đạo công tác sửa sai, đồng thời nghiên cứu giảm bớt một số công tác kết hợp, cố hết sức tranh thủ không kéo dài thời gian để khỏi ảnh hướng đến việc chuẩn bị Đại hội.

- Cần họp các cuộc Hội nghị Trung ương lần thứ 13 và 14 đúng thời gian đã quy định và làm có kết quả tốt để kết hợp chuẩn bị Đại hội.

- Trong chương trình công tác của Trung ương từ nay đến Đại hội, nhất là trong mấy tháng cuối nǎm 1957 - đầu nǎm 1958, cần nắm những công tác chính, giảm bớt những vấn đề có thể giảm để dành thì giờ cần thiết cho việc chuẩn bị Đại hội.

- Những đồng chí cần có thì giờ chuyên trách công việc chuẩn bị Đại hội cần được giảm bớt một số việc hằng ngày, do mỗi cơ quan thu xếp.

- Kết hợp việc bầu cử các cấp uỷ đảng ở các địa phương với việc cử đại biểu đi dự Đại hội để khỏi phải họp đại hội đại biểu hai lần ở các địa phương.

- Nghiên cứu kế hoạch phương pháp thảo luận các vǎn kiện chuẩn bị Đại hội ở các cấp bộ đảng nhằm tập trung được ý kiến rộng rãi, nâng cao trình độ tư tưởng và chính trị của cán bộ, đảng viên và tranh thủ sự nhất trí trong toàn Đảng trên những vấn đề lớn sẽ đưa ra hội nghị. Nghiên cứu kế hoạch tuyên truyền chuẩn bị Đại hội trong Đảng và trong nhân dân.

 

Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website