Phần thứ nhất
Tình hình công tác xây dựng Đảng từ sau ký kết hiệp định Pari (từ ngày 28-1-1973 đến tháng 6-1974)
I- Đặc điểm tình hình
Đế quốc Mỹ là kẻ thù xâm lược của nhân dân ta và của cả loài người trên thế giới, là tên đế quốc đầu sỏ, có nhiều tiềm lực chiến tranh, có nhiều âm mưu thủ đoạn tàn bạo, dã man, phát xít, xảo quyệt, thâm độc nhất trên thế giới, đã cùng với bọn tay sai bán nước xâm lược miền Nam nước ta trong 20 năm qua, nhưng chúng đã bị thất bại, buộc phải ký kết Hiệp định Pari, rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng âm mưu cơ bản của Mỹ vẫn là tiếp tục thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Chúng chuyển từ sử dụng quân viễn chinh Mỹ làm chính sang sử dụng lực lượng quân ngụy, cộng với viện trợ cố vấn quân sự, chính trị, kinh tế và tài chánh của Mỹ để tiếp tục chiến tranh. Biện pháp chiến lược chủ yếu là "bình định", lấn chiếm, giành dân lấn đất với ta. Chúng dùng quân sự để đàn áp phong trào, tàn sát bắt bớ, bắn giết nhân dân ta, đi đôi với dùng chính trị lừa mị, chiến tranh tâm lý chia rẽ, ly gián nhân dân ta, đánh vào quần chúng cách mạng, đánh vào cơ sở, cốt cán của ta ở xã, thôn, hòng làm vô hiệu hoá tổ chức hạ tầng của ta đi đến tiêu diệt Đảng ta. Nhưng đế quốc Mỹ và tay sai là phi nghĩa, bản chất của chúng là phát xít, tàn bạo cho nên chúng không thể dùng chính trị "nhân đạo" lừa mị đối với nhân dân ta được, vì vậy mà hành động của chúng vẫn dùng quân sự phát xít, tàn bạo làm chính. Thực tế trong 20 năm qua, địch không thể thắng ta bằng quân sự và sau Hiệp định Pari đến nay chúng đã bị nhân dân ta đánh khắp nơi làm cho chúng bị thiệt hại nặng, lấn chiếm bị thất bại, kế hoạch "bình định" và các thủ đoạn đóng chốt, dồn dân bị tấn công phá từng mảng, làm cho thế và lực của địch yếu xuống một bước, đẩy địch vào thế bị động lúng túng.
Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta nói chung là tốt. Hiệp định Pari được ký kết, nhân dân ta rất phấn khởi, thấy ta thắng, Mỹ thua, ta chính nghĩa, địch phi nghĩa, càng tin tưởng ở cách mạng. Nhưng trước tình hình địch liên tiếp "bình định", lấn chiếm bằng nhiều thủ đoạn, từng nơi, từng lúc có số ít quần chúng tạm thời bị nao núng là do nơi đó thiếu sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng có khó khăn nên họ đâm ra lo ngại chiến tranh sẽ trở lại, sợ như hồi sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, nhất là trong mấy tháng đầu năm 1973. Đến khi ta chống lấn chiếm có kết quả, địch co lại và nhất là sau chiến dịch Hè Thu năm nay nhân dân đã thấy rõ sự suy yếu của địch và khả năng sức mạnh của ta nên quần chúng vùng ta rất phấn khởi, quần chúng vùng địch đồng tình. Do đó mặc dù địch còn giở nhiều thủ đoạn rất thâm độc khống chế kìm kẹp, cưỡng bức quần chúng "tố cộng", chống cộng, xuyên tạc nói xấu ta, nhưng quần chúng vẫn tin ở Đảng và sẵn sàng đứng lên đấu tranh giành quyền làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh bại từng bước âm mưu thủ đoạn của địch. Nhưng mặt khác, trong nhân dân còn tồn tại một số mặt tiêu cực như số đông quần chúng vùng địch có dính líu với bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, bị lệ thuộc về đời sống, ảnh hưởng chiến tranh tâm lý của địch nên có người chưa rõ chính sách của ta, còn lo ngại... Nhưng nói chung quần chúng rất cách mạng, tin tưởng Đảng, yêu mến cán bộ, nơi nào có Đảng bám phát động, lãnh đạo thì quần chúng hành động theo ta, chống trả quyết liệt mọi âm mưu thủ đoạn của địch và sẵn sàng đi với Đảng, đi với cách mạng.
Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, cuộc cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, toàn Đảng bộ đã được học tập và nhất trí về phương hướng, nhiệm vụ, phương châm của Đảng trong thời kỳ này là đấu tranh chống địch, buộc địch thi hành Hiệp định Pari, đưa phong trào cách mạng tiến lên thực hiện mục tiêu của cách mạng miền Nam. Thời gian đầu tuy tình hình có nhiều phức tạp nhưng các mặt công tác đều được triển khai, vừa chuyển hướng tư tưởng, tổ chức, phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, vừa theo dõi những âm mưu hành động của địch, nâng dần sự chỉ đạo chống "bình định" lấn chiếm lên từng bước; đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận, để tạo ra thế tương đối ổn định tranh thủ thời gian xây dựng củng cố ta. Ngay từ đầu, Khu uỷ có chuẩn bị tư tưởng chống ảo tưởng hoà bình, quán triệt quan điểm bạo lực, nắm chắc lực lượng vũ trang để tấn công địch, nhưng chưa dự kiến hết âm mưu thủ đoạn, phản ứng lấn chiếm của địch sau ngày 28-1. Đến tháng 7-1973, Thường vụ Khu uỷ đặt công tác chống "bình định", lấn chiếm thành nhiệm vụ trung tâm, đề ra vấn đề vận dụng phương hướng, phương châm đấu tranh cụ thể cho phù hợp với từng vùng. Từ đó đến nay phong trào chuyển biến tốt, nhiều địa phương quyết tâm đánh bại "bình định", lấn chiếm của địch giành giữ dân thu thắng lợi, nhất là trong chiến dịch Hè Thu đã giành thắng lợi lớn, đánh bại một bước âm mưu bình định, lấn chiếm của địch. Với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới vừa qua có rất nhiều thuận lợi cho công tác xây dựng Đảng nhưng cũng rất phức tạp, công tác tư tưởng và tổ chức tuy có đạt được số kết quả nhưng cũng có nhiều vấn đề tồn tại cần đi sâu nghiên cứu kỹ để có chủ trương, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức, bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị sắp đến.
II- Công tác xây dựng Đảng
1. Đảng bộ ta đã coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, lấy công tác chính trị, tư tưởng làm hàng đầu, là chìa khóa cho mọi công tác của Đảng bộ và hành động của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ cách mạng mới. Trước khi ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam có chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho Đảng bộ, làm nhất trí và phấn khởi với chủ trương của Đảng, thấy rõ thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và việc ký kết Hiệp định Pari, toàn Đảng bộ quyết tâm và kiên trì đấu tranh buộc địch thi hành hiệp định, đồng thời không thoả mãn thắng lợi, chống ảo tưởng hoà bình, quán triệt quan điểm bạo lực, liên tục đánh địch lấn chiếm giữ vững thành quả cách mạng đã giành được và tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên giành thắng lợi lớn hơn.
Trước tình hình mới diễn biến rất phức tạp, qua thực hiện, địch ngày càng ngoan cố vi phạm hiệp định, phá hoại ngừng bắn, lấn chiếm vùng ta, đẩy mạnh "bình định", tiếp tục gây tình hình chiến tranh ác liệt ở nhiều khu vực, tư tưởng phổ biến trong Đảng bộ là hoà bình chủ nghĩa, lãnh đạo không thấy hết bản chất và âm mưu địch, cán bộ, đảng viên muốn nghỉ ngơi, dừng lại, dãn ra phía sau, nặng phòng ngự, nhẹ tấn công, ngại lâu dài, suy tính cá nhân, giảm sút ý chí chiến đấu. Đảng bộ đã kịp thời rút kinh nghiệm, đề ra yêu cầu của công tác tư tưởng nhằm đánh giá đúng bản chất, âm mưu của địch, quán triệt quan điểm bạo lực và tư tưởng chiến lược tấn công, kiểm điểm những biểu hiện nói trên của tư tưởng hữu khuynh. Toàn Đảng bộ đều nhất trí với chủ trương của Khu uỷ, trước mắt tập trung thực hiện nhiệm vụ trung tâm là đánh bại "bình định", lấn chiếm của địch. Qua học tập Nghị quyết 21 của Trung ương và Nghị quyết của Hội nghị đại biểu Đảng bộ Khu lần thứ ba, tiếp đó ta chống địch lấn chiếm có kết quả, toàn Đảng bộ càng phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, phương hướng, nhiệm vụ cách mạng của Đảng trong giai đoạn mới, tinh thần và khí thế trong Đảng bộ vươn lên mạnh mẽ, đoàn kết nhất trí trong nội bộ và có quyết tâm mới.
Tóm lại, sau gần hai năm đấu tranh trong thời kỳ cách mạng mới, tư tưởng của Đảng bộ lại tiến thêm một bước mới, biểu hiện trên các mặt cần nắm và vận dụng đường lối, phương châm của Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn, lập trường, ý chí chiến đấu ngày càng kiên định vững vàng hơn, trình độ lý luận (gắn liền với thực tiễn) ngày càng được nâng lên, trình độ công tác của cán bộ, đảng viên ngày càng tiến bộ, Đảng bộ đoàn kết nhất trí, nhất là vấn đề đánh giá địch, ta càng về sau càng rõ và chính xác hơn, là do trên cơ sở đường lối, phương hướng đúng đắn của Trung ương và Bộ Chính trị, Đảng bộ hết sức coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, luôn luôn đi sát thực tế, gắn chặt công tác chính trị, tư tưởng với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của Khu mà tiến hành công tác tư tưởng thường xuyên liên tục.
Trong quá trình tiến hành công tác chính trị, tư tưởng, Đảng bộ đã dùng các hình thức như chỉnh huấn từ trên xuống dưới, hội nghị học tập ở các cấp, sinh hoạt chính trị, truyền đạt và học tập các chỉ thị của Đảng, mở những cuộc hội nghị sơ kết, tổng kết công tác, rút và học tập kinh nghiệm. Kết hợp từng đợt với thường xuyên liên tục, lấy sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt các cấp uỷ làm chính, luôn luôn rà đi, rà lại nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, công tác chính trị, tư tưởng vừa qua có lúc, có nơi còn giản đơn, một chiều, chưa theo kịp yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, thiếu sát thực tế, sát cơ sở, nhất là vấn đề đánh giá địch, ta lúc đầu không thấy hết âm mưu địch, thiếu tư tưởng chiến lược tấn công, không thấy hết bản chất hiếu chiến của địch, sau Hiệp định Pari có lúc, có ý lợi dụng tạm ổn định nhanh chóng tăng cường lực lượng để vài năm tấn công địch mạnh hơn đưa cách mạng tiến lên một bước mới, tách xây dựng với tấn công, không thấy thực tế là phải vừa xây dựng vừa tấn công, qua tấn công mà xây dựng, nỗ lực giữ và chống lấn chiếm. Sau đó lại đánh giá địch cao, không thấy rõ sức mạnh tổng hợp của ta trong thế vận động, qua chiến dịch Hè Thu mới thấy rõ sự suy yếu, thế đi xuống của địch, thế và lực ngày càng phát triển của ta. Những biểu hiện hữu khuynh, hoà bình chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa vẫn còn khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo tư tưởng trong xây dựng kinh tế chưa được chú ý đúng mức.
2. Về tổ chức cơ sở, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, tình hình ở xã, thôn lúc đầu cũng có gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ đã kịp thời ổn định và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng tổ chức cơ sở Đảng cả ba vùng, đặc biệt nhấn mạnh và chú trọng nhiều đến vùng địch nên đã đạt được một số kết quả.
a) Đảng bộ rất quan tâm đến công tác phát triển đảng viên mới nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt và chuẩn bị cho nhiệm vụ lâu dài của Đảng, đã đặt công tác phát triển đảng viên mới làm nhiệm vụ thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Trong 18 tháng sau Hiệp định Pari, toàn Khu đã phát triển 7.315 đảng viên mới (nữ chiếm 29%, trẻ (18 - 30) chiếm 81%, thành phần cơ bản chiếm 80% và trên 45% ở cơ sở xã, thôn đồng bằng và miền núi; đảng viên sống hợp pháp chiếm 11% trong số đảng viên mới phát triển ở xã, thôn).
Vừa qua tuy cũng có những khó khăn mới, nhưng việc vận dụng phương châm, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục không có gì sai phạm lớn. Nhiều nơi đã thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và phong trào quần chúng mà phát triển, lựa chọn người tốt để bồi dưỡng, tuyên truyền giáo dục, giác ngộ về Đảng để kết nạp vào Đảng. Những đảng viên được kết nạp vào Đảng nói chung đều trải qua các lớp học tập về Đảng, hầu hết đều qua thử thách trong công tác, chiến đấu, sản xuất. Việc tiến hành kết nạp đảng viên có thận trọng, bảo đảm thủ tục, tiêu chuẩn và được cấp trên chuẩn y.
Đi đôi với phát triển đảng viên mới, các cấp uỷ đã chú ý xét chuyển đảng viên hết hạn dự bị lên đảng viên chính thức và xét phục hồi cho đảng viên bị bắt, bị tù do địch trao trả.
Tuy vậy, so với yêu cầu, chỉ tiêu và nhiệm vụ chính trị của Đảng, khả năng của phong trào cũng như thực lực cách mạng hiện có thì số lượng đảng viên mới phát triển còn quá thấp, nhất là ở vùng địch (thành phố, thị xã, khu dồn) và vùng tranh chấp, những nơi chưa có hoặc ít đảng viên chưa được chú ý đúng mức. Nhìn chung mới đạt trên dưới 1/2 của năm 1972 và số mới phát triển không đủ bù lại số giảm. Hiện nay còn 137 xã ở đồng bằng và 32 xã ở miền núi chưa có chi bộ, chiếm trên 18%, và còn nhiều thôn chưa có đảng viên, nhất là trong vùng địch, vùng tranh chấp. Công tác phát triển Đảng vừa qua nhiều nơi chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phong trào quần chúng, chưa thật chú ý đến lực lượng nữ, trẻ, hợp pháp và trong lực lượng bán vũ trang ở địa phương, trong các đơn vị trực tiếp chiến đấu, sản xuất, ở xã, thôn, lực lượng trẻ, nữ ở miền núi. Chọn đối tượng nhiều nơi thường nhìn mặt hăng hái bề nổi, ít chú ý sự giác ngộ về giai cấp và mục tiêu lý tưởng, động cơ vào Đảng, phát triển rồi thiếu kế hoạch bồi dưỡng nâng lên, phát triển không đi đôi với củng cố. Việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, có nơi, có lúc còn tuỳ tiện, vi phạm Điều lệ Đảng.
Nguyên nhân:
- Các cấp uỷ chưa thật quan tâm và quán triệt đúng mức yêu cầu, phương hướng, phương châm công tác phát triển đảng viên mới, thiếu kế hoạch hướng dẫn cho dưới và kiểm tra đôn đốc không thường xuyên.
- Tình hình sau ký kết có sự diễn biến, xáo trộn, một số nơi lực lượng bất hợp pháp bật ra ngoài, lực lượng hợp pháp nằm bên trong không biết làm tốt công tác quần chúng, không đẩy phong trào lên, lơi công tác phát triển thực lực cách mạng (cơ sở, cốt cán, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng).
- Nhiều cán bộ (cả huyện uỷ viên), đảng viên chưa thạo công tác này, nhất là đảng viên sống hợp pháp chưa biết làm công tác phát triển đảng viên mới, thiếu trách nhiệm, ngại khó, sợ bể vỡ, hẹp hòi, thiếu tích cực và vướng mắc vấn đề liên quan với địch. Chưa chú trọng đúng mức công tác tuyên truyền Đảng, xây dựng cốt cán quần chúng rộng rãi để làm nòng cốt và tạo cơ sở để phát triển những người thật tốt vào Đảng.
- Bộ phận giúp cấp uỷ (nhất là ở cơ sở) làm công tác này phần nhiều là yếu, cấp trên thiếu kế hoạch hướng dẫn cho dưới, ít sát cơ sở, kiểm tra đôn đốc không thường xuyên.
b) Số lượng đảng viên toàn Khu từ sau Hiệp định Pari đến tháng 6-1974 tăng 10.556 đồng chí (bao gồm mới phát triển 7.315 đồng chí, phục hồi 256 đồng chí và đảng viên đi chữa bệnh về, đảng viên miền Bắc vào 2.985 đồng chí), nhưng cũng trong 18 tháng đã giảm 6.334 đồng chí (khai trừ khỏi Đảng 351, hy sinh 1.510, bị bắt 263, đầu hàng địch 95, đau chết 209 và chuyển đi miền Bắc). Đảng số hiện nay có 46.959 đồng chí (tăng hơn cuối năm 1972 là 10%), trong đó: đảng viên ở xã, thôn chiếm 35,5%, đảng viên nữ chiếm 24,6%, đảng viên thuộc thành phần cơ bản chiếm 73%, đảng viên trẻ (18-30) chiếm 51%, đảng viên sống hợp pháp ở xã, thôn và vùng tranh chấp chiếm 13,34%, đảng viên quê miền Bắc chiếm 8%, đảng viên dân tộc chiếm 27%. Riêng đảng viên trong lực lượng vũ trang chiếm 42,7% quân số (cả chủ lực).
Nhìn chung đội ngũ đảng viên vừa qua tuy tình hình địch, ta có những diễn biến rất phức tạp do địch có nhiều âm mưu thâm độc đánh vào Đảng ta và đánh cả vào quần chúng cách mạng gây cho ta nhiều khó khăn và qua chiến đấu có hy sinh tổn thất nhưng đảng số vẫn tăng; cấu tạo đội ngũ đảng viên có những tiến bộ đáng kể, tỷ lệ thành phần cơ bản, trẻ, nữ cao hơn trước; hướng phát triển đảng viên bước đầu có chú ý đến vùng yếu, nơi quan trọng và các mặt công tác. Về chất lượng đảng viên tuyệt đại đa số là tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, căm thù địch sâu sắc, dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu và công tác, liên hệ tốt với quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, trình độ chính trị, tư tưởng, vai trò tiền phong lãnh đạo của đảng viên từng bước được nâng lên. Nhờ vậy, mà sau Hiệp định Pari được ký kết, cuộc cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, nhất là những tháng đầu năm 1973 tình hình địch, ta có diễn biến phức tạp, nhiều nơi địch đánh phá, nống lấn rất ác liệt, tư tưởng đảng viên có diễn biến mặt này mặt khác, nhưng sau đó nói chung tất cả đảng viên vẫn đứng vững trên vị trí chiến đấu của mình, có nơi có lúc dãn ra nhưng sau đó trụ bám lại để phát động quần chúng, lãnh đạo đấu tranh giữ đất, giữ dân, buộc địch thi hành Hiệp định Pari; đảng viên cơ quan, đơn vị, đảng viên ở vùng ta tình hình có ổn định hơn và có sự lãnh đạo chặt chẽ hơn nên nói chung là ra sức công tác, sản xuất, chiến đấu đã góp phần tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, công tác đảng viên còn nhiều mặt yếu, số lượng đảng viên phân bổ không đều, tỷ lệ đảng viên ở thôn, xã còn quá ít, nhất là ở những vùng địch kiểm soát, vùng tranh chấp, thị xã, thị trấn, khu dồn, ấp chiến lược nhiều nơi chưa có đảng viên hoặc có rất ít, các ngành quan trọng trong ba mũi giáp công, các đoàn thể quần chúng nhiều nơi chưa có đảng viên làm nòng cốt. Việc quản lý đảng viên về số lượng chưa chặt, thuyên chuyển đảng viên từ nơi này sang nơi khác, sử dụng đảng viên mới ra tù, đảng viên sống hợp pháp bên trong có nơi chưa bảo đảm thủ tục đã quy định. Công tác giáo dục chính trị giải quyết tư tưởng cho đảng viên nói chung còn yếu, nhất là việc giáo dục, giác ngộ động cơ lý tưởng cho đảng viên chưa đúng mức, bồi dưỡng về năng lực công tác, khả năng chuyên môn nghiệp vụ và công tác dân vận cho đảng viên làm chưa thường xuyên, trình độ văn hoá của đảng viên phần nhiều còn yếu. Việc tu dưỡng rèn luyện của đảng viên chưa thành nền nếp và tự giác, một số đảng viên chấp hành chỉ thị, nghị quyết còn lỏng lẻo, ý thức tổ chức kỷ luật kém, chấp hành các chính sách của Đảng chưa tốt, vai trò tiền phong gương mẫu, ý chí chiến đấu bị giảm sút, lập trường quan điểm không đầy đủ, năng lực công tác yếu. Toàn Đảng bộ có khoảng 50% đảng viên phấn đấu khá - tốt, đảng viên phấn đấu chưa tốt còn nhiều, còn khoảng 5 - 10% đảng viên phấn đấu kém, cá biệt có đảng viên đầu hàng, mất phẩm chất.
Nguyên nhân chính là do công tác đảng viên nhiều nơi làm quá yếu.
- Việc giáo dục về mục tiêu lý tưởng và những vấn đề cơ bản về Đảng cho một đối tượng trước khi vào Đảng cũng như trong quá trình phấn đấu của đảng viên không sâu, không thường xuyên, làm cho vai trò, vị trí của một số đảng viên dần dần bị lu mờ.
- Công tác giáo dục chính trị nâng cao chất lượng đảng viên chưa gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và không thường xuyên liên tục.
c) Từ sau Hiệp định Pari, nhất là mấy tháng đầu năm 1973, tổ chức cơ sở xã, thôn trong vùng địch, vùng tranh chấp và vùng giải phóng bị địch lấn chiếm có nhiều biến động, do âm mưu phá hoại Hiệp định Pari của địch. Ta đã sắp xếp tổ chức cho phù hợp với tình hình mới lúc bấy giờ (chuyển bớt đảng viên bất hợp pháp ra phía sau, số còn lại tổ chức hoạt động theo phương thức vùng địch, thành lập chi bộ hợp pháp bên trong). Từ tháng 7-1973 trở lại đây, trước âm mưu địch lấn chiếm "bình định" ngày càng ác liệt, trắng trợn phá hoại Hiệp định Pari, ta đã tăng cường lực lượng cho các đội công tác đã có và thành lập thêm nhiều đội mới bám vào vùng địch, ra sức xây dựng tổ chức cơ sở theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đã phát triển thêm nhiều cốt cán và đảng viên mới. Do đó số lượng chi bộ xã, thôn tăng nhiều hơn trước, hình thành thêm nhiều chi bộ xí nghiệp. Hiện nay toàn khu có 3.836 chi bộ, so với cuối năm 1972 nay tăng 183 chi bộ. Đảng bộ đã đặt công tác xây dựng củng cố chi bộ là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng.
- Chi bộ, đảng bộ cơ sở xã, thôn vùng giải phóng đồng bằng nhiều nơi đã xác định được nhiệm vụ chính trị của mình trong giai đoạn cách mạng mới, đã bám được dân, bám phong trào lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch lấn chiếm, "bình định", lãnh đạo sản xuất, góp công của phục vụ cách mạng. Nhiều chi bộ đã gắn chặt được việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với công tác xây dựng Đảng, đã chú trọng lãnh đạo giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chính trị, học tập thời sự, chủ trương, chính sách và nghị quyết của Đảng. Nhiều chi bộ đã phát huy được tập thể dân chủ, kiện toàn cấp uỷ, đẩy mạnh sinh hoạt chi bộ, tổ đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình có tiến bộ hơn. Nhờ đó mà mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhiều chi bộ đã bám lãnh đạo quần chúng chống địch lấn chiếm, "bình định", ra sức xây dựng vùng ta, phát triển thực lực cách mạng đưa phong trào lên một bước mới.
- Chi bộ xã, thôn vùng địch, lúc đầu có gặp khó khăn, có nơi mất chi bộ, số đảng viên còn lại có làm được một số việc như tuyên truyền gây dư luận trong nhân dân, tranh thủ tề ngụy, phát triển cơ sở, diệt ác, lãnh đạo nhân dân, chống di dân, dồn dân, đấu tranh chính trị, binh vận nhưng không đều. Đến nay phong trào nhiều nơi có chuyển biến, công tác xây dựng chi bộ cũng có những tiến bộ mới.
- Đối với chi bộ vùng căn cứ miền núi, đã có tiến bộ trong việc lãnh đạo thực hiện các chính sách của Đảng, xây dựng căn cứ, đẩy mạnh các phong trào vòng công hợp tác, đưa dân xuống vùng thấp làm ruộng, làm nà, cải tiến một bước phong tục tập quán, mê tín dị đoan, vận động quần chúng đi dân công, thanh niên xung phong làm đường, nạn đói, đau, lạt, rách nhiều nơi căn bản được chấm dứt, công tác xây dựng chi bộ có nhiều tiến bộ.
- Đối với chi bộ cơ quan, nói chung thời gian qua được ổn định hơn, chi bộ đã chú trọng công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng đảng viên, đã làm cho đảng viên quán triệt được tình hình, nhiệm vụ chính trị của Đảng và của cơ quan trong giai đoạn mới. Nhờ vậy, công tác chuyên môn, sản xuất tự túc, đoàn kết nội bộ, xây dựng cơ quan có nhiều tiến bộ.
- Chi bộ lực lượng võ trang, thời gian đầu, sau khi ký kết hiệp định, tư tưởng đảng viên cũng có những diễn biến phức tạp như muốn nghỉ ngơi, ngại chiến đấu, thiếu tinh thần cảnh giác, chủ quan, thoả mãn, dãn chiến trường. Nhưng qua học tập xây dựng, củng cố đã kịp thời khắc phục sai lầm khuyết điểm trên, tiếp tục nâng cao lập trường chiến đấu, ghì bám chiến trường đánh địch nống lấn, hỗ trợ quần chúng đấu tranh bảo vệ vùng giải phóng, giành giữ dân, thu thắng lợi.
Tuy vậy, tình hình chi bộ, đảng bộ cơ sở, nhất là ở xã, thôn vừa qua và hiện nay còn yếu về nhiều mặt, phổ biến là trình độ lãnh đạo của chi bộ còn non kém, chưa xác định rõ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của chi bộ mình. Tổ chức chưa thật chặt chẽ, tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng. Nhiều nơi trong vùng địch chi bộ không chủ động phát huy sự lãnh đạo tập thể, vai trò tác dụng của chi bộ bị hạn chế, một số nơi chi bộ mất thế không bám được trong dân. Việc xây dựng vùng ta chi bộ lãnh đạo chưa toàn diện, chưa thật chú ý đến đời sống nhân dân. Bộ máy chi uỷ, xã uỷ chưa được kiện toàn đúng mức, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, thôn nhiều nơi có đồng chí chưa gương mẫu nòng cốt, việc quản lý đội ngũ đảng viên về tư tưởng và tổ chức không chặt chẽ, sinh hoạt chi bộ không được giữ vững và bảo đảm đúng tính chất, nội dung. Một số nguyên tắc thủ tục về xây dựng Đảng chưa được chấp hành nghiêm túc, có nơi vi phạm Điều lệ Đảng. Nhiều nơi chưa quan tâm xây dựng các tổ chức quần chúng, nhất là Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng và cốt cán trong quần chúng. Theo sự đánh giá chung toàn khu có khoảng 50% chi bộ phấn đấu tốt, 5 - 10% chi bộ phấn đấu kém.
Nguyên nhân tồn tại khuyết nhược điểm do:
- Các cấp uỷ chưa thật quan tâm và quán triệt đầy đủ công tác xây dựng tổ chức cơ sở là khâu then chốt, trung tâm thường xuyên, gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng.
- Trong xây dựng thì khâu công tác chính trị, tư tưởng nhiều nơi làm không sâu, không kịp thời, nhất là giáo dục động cơ lý tưởng, Điều lệ Đảng và những vấn đề cơ bản về Đảng (chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần quốc tế vô sản, nguyên tắc tập trung dân chủ, quan hệ quần chúng, đoàn kết nội bộ, tự phê bình và phê bình) cho đảng viên chưa thật tốt.
- Nhiều nơi chưa thấy hết âm mưu thủ đoạn rất nham hiểm của địch đối với tổ chức cơ sở ta nên chưa có biện pháp tích cực xây dựng Đảng để kịp thời tấn công địch và củng cố ta.
- Cán bộ làm công tác xây dựng phần nhiều là yếu chưa có kinh nghiệm, một số biết làm nhưng vì sức khoẻ có bị hạn chế việc đi sát cơ sở kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn cho dưới.
3. Về công tác cán bộ, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng trong giai đoạn mới, cấp uỷ đã tích cực đặt vấn đề đối với công tác cán bộ là khâu quan trọng có tính chất quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Trong thời gian qua, công tác đào tạo cán bộ nói chung có những cố gắng mới. Các trường đảng, trường nghiệp vụ của các ngành, khu, tỉnh, huyện đều tiến hành mở lớp đào tạo cán bộ để kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng trong giai đoạn mới và chuẩn bị cho lâu dài. Đặc biệt là sau ký kết Hiệp định Pari, chú trọng mở lớp cấp tốc đào tạo cán bộ cốt cán xã, thôn, cán bộ huyện, tỉnh làm công tác vùng địch. Đồng thời có quan tâm đến việc củng cố, chỉnh đốn các trường lớp nghiệp vụ chuyên môn các ngành. Nội dung đào tạo vừa qua có được cải tiến, chú ý về phương pháp học tập thực tế rút ra từ kinh nghiệm sống trong phong trào. Kết quả toàn khu có 13.949 cán bộ được đào tạo bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ, 1.830 cán bộ đang theo học các lớp bổ túc văn hoá cấp I, II. Riêng ba huyện miền núi của Bình Định có 85 lớp bổ túc văn hoá, 1.245 học viên phần nhiều là cán bộ xã, thôn. Trong năm 1973 có 1.677 thiếu nhi ra Bắc đào tạo cho sau này. Tuy nhiên, với số lượng cán bộ được bồi dưỡng đào tạo chưa đủ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, nhất là cán bộ xã, thôn, cán bộ làm công tác vùng địch, cán bộ hoạt động hợp pháp còn thiếu và yếu nhiều; cán bộ lãnh đạo các ngành tỉnh, huyện còn nhiều đồng chí chưa được bồi dưỡng, cán bộ làm công tác kinh tế chưa có bao nhiêu, cán bộ dân vận có lúc dừng lại, chất lượng đào tạo vừa qua có lớp chưa gắn với thực tiễn nên kết quả vận dụng vào thực tế phục vụ phong trào còn hạn chế, cần nghiên cứu thêm, nhất là nội dung công tác vùng địch. Những lớp đào tạo dài hạn của các ngành chuyên môn, kỹ thuật chưa thành quy củ, phần nhiều chất lượng không bảo đảm yêu cầu. Đào tạo bằng biện pháp kèm cặp bồi dưỡng tại chỗ trong công tác thực tế chưa thành nền nếp.
Đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng, đã chú ý đề bạt cấp bậc và cất nhắc cán bộ tăng cường các cấp lãnh đạo của Đảng, các ban ngành phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, nhưng việc tiến hành có chậm, chưa thành nền nếp thường xuyên, do quản lý cán bộ không chặt, kế hoạch không sát, phân công phân nhiệm không rõ. Kết quả đề bạt nói chung là đã động viên được tinh thần phấn khởi của cán bộ, nhưng cũng có trường hợp đề bạt gượng ép, đề bạt không đi đôi với bồi dưỡng và sắp xếp, dìu dắt công tác nên có trường hợp hạn chế phát huy tác dụng. Trong việc sắp xếp cấp bậc, đang khẩn trương thực hiện chủ trương của Thường vụ Khu uỷ sắp xếp cấp bậc theo khung bậc như miền Bắc cho hợp lý hơn.
Đội ngũ cán bộ dân chính Đảng toàn khu hiện nay có 18.693 đồng chí, nói chung là tốt, nhất trí tin tưởng vào đường lối, nhiệm vụ cách mạng, tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật cơ bản là tốt, đạo đức phẩm chất đại bộ phận đều có nhiệt tình cách mạng cao, tác phong cần cù giản dị, khiêm tốn, lập trường kiên định, có quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng giao và có tinh thần trách nhiệm trước phong trào trong khu. Qua đấu tranh chống Mỹ, cứu nước lâu dài, cán bộ ta nói chung đã tích luỹ được kinh nghiệm trong đấu tranh quân sự, chính trị và có số cán bộ bước đầu có kinh nghiệm xây dựng kinh tế vùng ta. Tuy nhiên đi sâu vào từng loại cán bộ, từng cấp, từng ngành, nghề trong đội ngũ cán bộ cũng còn nhiều nhược điểm cần phải có kế hoạch khắc phục. Về số lượng chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, nhất là cán bộ phong trào, cán bộ làm công tác vùng địch, cán bộ làm công tác vùng dân tộc, cán bộ xã, huyện, cán bộ chủ chốt các cấp cũng đang thiếu và chưa có lực lượng dự trữ tiếp nối, cán bộ làm công tác kinh tế, cán bộ khoa học kỹ thuật cho cơ sở rất ít. Đội ngũ cán bộ ta nói chung là trình độ và khả năng tổ chức thực hiện yếu, không theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhất là ở huyện, xã, đặc biệt là cán bộ xã, thôn làm công tác vùng địch, cán bộ xã, thôn công tác vùng dân tộc yếu về lãnh đạo toàn diện, kém văn hoá. Việc quản lý cán bộ chưa chặt, và do chưa nắm chặt cán bộ nên việc sắp xếp, bồi dưỡng, sử dụng các loại cán bộ cũng chưa thật hợp lý. Chưa có quy hoạch và biện pháp đào tạo cán bộ cho lâu dài, thường hay chắp vá.
Về nuôi dưỡng cán bộ trong năm qua cũng có nhiều cố gắng. Đảng bộ rất quan tâm đến vấn đề tổ chức điều trị, điều dưỡng tại chỗ cho cán bộ đau yếu để đủ sức làm việc, hạn chế đưa đi Bắc, nhưng kết quả chỉ mới giải quyết được một phần, còn phần lớn cán bộ mắc bệnh cũng phải cho ra Bắc. Sắp đến cần phải có sự nỗ lực nhiều mới có thể giải quyết tại chỗ phần lớn số cán bộ đau yếu.
4. Kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp, trong năm 1973 các cấp uỷ từ huyện đến khu đã tiến hành đại hội bầu cử Ban Chấp hành, tăng cường và củng cố sự lãnh đạo của Đảng ở các cấp là một thắng lợi rất lớn trong sinh hoạt chính trị của toàn Đảng bộ. Cấu tạo các cấp uỷ huyện, tỉnh, nói chung có nhiều tiến bộ, nhất là về số lượng (tỉnh uỷ ít nhất là 22 đồng chí, nhiều nhất là 29 đồng chí, huyện uỷ có nơi từ 6 đến 22 đồng chí, có nơi từ 12 đến 18 đồng chí) và đều qua dân chủ bầu cử, hầu hết cấp uỷ viên là những đồng chí đã qua thử thách trong chiến đấu, công tác, được sự tín nhiệm của tập thể, có nhiều đồng chí đã qua lãnh đạo nhiều năm có kinh nghiệm làm nòng cốt cho Đảng bộ. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công phụ trách cũng đã dần dần đi vào nền nếp. Nhưng tình hình các cấp uỷ vừa qua nhiều nơi, có số ít đồng chí sau khi bầu cử vào cấp uỷ chưa được thực sự tiêu biểu, khả năng yếu, nhất là về phẩm chất thiếu gương mẫu. Ban Chấp hành huyện uỷ, thị uỷ có nơi số lượng quá đông không tương xứng với tình hình Đảng bộ nơi đó, có nhiều đồng chí khả năng yếu, lớn tuổi nên có hạn chế mặt xông xáo.
Tình hình cấp uỷ xã nhìn chung nhiều nơi đã được chú ý kiện toàn vững hơn trước, đã thực hiện bầu cử tăng cường những đồng chí có kinh nghiệm và hăng hái, gương mẫu, nòng cốt lãnh đạo phong trào ở địa phương. Nhưng nhược điểm hiện nay có số cán bộ xã, thôn nhất là vùng giải phóng chưa tiêu biểu về mặt phẩm chất, đạo đức, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo quần chúng. Có số đồng chí bí thư, phó bí thư xã uỷ, chi uỷ lớn tuổi quá nên bám chốt trong vùng địch, vùng tranh chấp rất hạn chế, số anh chị em trẻ xông xáo, hăng hái tích cực nhưng có số đồng chí mới quá, ít kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm vận động quần chúng, trình độ văn hoá nói chung còn yếu, có một số tác phong quan liêu mệnh lệnh, xa rời quần chúng, nhất là vùng giải phóng.
Tình hình biên chế bộ máy toàn khu hiện nay có 28.267 người, so với cuối năm 1972 tăng 2.107 người, phần nhiều tăng biên chế sự nghiệp, do cán bộ, nhân viên, thương binh đi Bắc chữa bệnh về và Trung ương chi viện cán bộ, công nhân kỹ thuật vào (trong 18 tháng vào 3.417 đồng chí). Ngoài ra, anh chị em bị bắt, bị tù địch trao trả về hai đợt (tại B31) và Khâm Đức) 2.355 người, đã chọn một số đưa vào biên chế các ngành, các cấp. Hiện nay có nhiều ngành đang phát triển theo yêu cầu ngày càng tăng, số lượng biên chế ngày càng đông, việc quản lý chưa chặt chẽ, chưa có sự quy định cụ thể của cấp uỷ về nhiệm vụ và số lượng biên chế nên đang gặp khó khăn trong việc giải quyết biên chế, nhưng vấn đề tồn tại hiện nay là chất lượng của tổ chức bộ máy chỉ đạo của các cấp uỷ bao gồm nhiều vấn đề như lề lối làm việc, tác phong công tác chưa được cải tiến, tổ chức thực hiện yếu. Hội đồng biên chế của khu đang nghiên cứu biên chế các ngành, các cấp để có kế hoạch giúp cấp uỷ sắp xếp biên chế, cải tiến lề lối làm việc... theo tinh thần nghị quyết của khu uỷ đã đề ra là "tinh, gọn, nhẹ, mạnh" bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng trước mắt và chuẩn bị cho lâu dài.
5. Đảng bộ luôn đặt công tác bảo vệ Đảng là khâu quan trọng trong công tác xây dựng, củng cố Đảng, nhằm bảo đảm tính chất trong sạch của Đảng. Thời gian qua, các cấp uỷ cũng đã chú ý, thận trọng trong việc kết nạp người vào Đảng, trong công tác cán bộ nên nói chung có làm hạn chế và ngăn ngừa được những phần tử xấu chui vào Đảng để phá hoại tổ chức, gây tổn thất lớn cho ta. Tuy nhiên, công tác bảo vệ Đảng vừa qua các cấp uỷ chưa quan tâm đúng mức, số lượng đảng viên thoái hoá, mất phẩm chất, đầu hàng địch vừa qua tương đối nhiều (trong năm 1973 có 5%, sáu tháng đầu năm 1974 có 10% so với số lượng đảng viên phát triển trong thời gian ấy), nguyên nhân do tuyên truyền giáo dục, chọn đối tượng kết nạp vào Đảng chưa chu đáo, có những trường hợp quan hệ lịch sử bản thân, gia đình không tốt mà ta không phát hiện trước được. Bộ phận làm công tác bảo vệ Đảng ở các cấp chưa đủ người làm việc và chưa có kế hoạch cụ thể.
6. Công tác kiểm tra giữ gìn kỷ luật của Đảng trong thời gian qua đã có một số tiến bộ, góp được một phần trong việc giữ gìn kỷ luật phục vụ công tác xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Nhưng bên cạnh đó, do việc tu dưỡng rèn luyện của bản thân và do công tác giáo dục làm chưa tốt, chưa theo kịp với nhiệm vụ chính trị, nên trong một số cán bộ, đảng viên còn những biểu hiện tiêu cực đưa đến phạm sai lầm, khuyết điểm, có ảnh hưởng đến việc chấp hành kỷ luật của Đảng, làm cho nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở một số nơi chưa được chấp hành một cách nghiêm chỉnh, có ảnh hưởng đến sự thống nhất ý chí, hành động và sức chiến đấu của đảng viên, đến việc hoàn thành nhiệm vụ của Đảng. Với những sai lầm, khuyết điểm vừa qua của cán bộ, đảng viên trong năm 1973, theo báo cáo chưa đầy đủ đã có 548 vụ bị thi hành kỷ luật. Có nơi cán bộ, đảng viên bị kỷ luật chiếm tỷ lệ rất cao (riêng trong quân đội số đảng viên phạm kỷ luật năm 1972 chiếm 2,4%, năm 1973 chiếm 2,2% tổng số đảng viên).
Nguyên nhân của những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên chủ yếu là do sự giác ngộ về Đảng còn yếu, mục tiêu lý tưởng chưa được xác định thật rõ ràng, lập trường quan điểm chưa thật vững, những tư tưởng phi vô sản chưa được giải quyết triệt để; công tác xây dựng Đảng còn nhiều khuyết điểm, công tác quản lý giáo dục đảng viên của chi bộ còn yếu, công tác kiểm tra, giáo dục đảng viên giữ gìn kỷ luật không kịp thời.
Tóm lại:
Kể từ ngày Hiệp định Pari được ký kết đến nay, Mỹ - nguỵ ngoan cố tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh, tiến hành "bình định" lấn chiếm, dùng mọi thủ đoạn đánh phá cơ sở Đảng và lực lượng cách mạng ở xã, thôn, gây cho ta một số khó khăn mới. Đảng bộ đã có chủ trương kiên quyết đấu tranh, đánh trả mọi âm mưu của địch, đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Nhất là từ tháng 7-1973 lại đây, dưới ánh sáng Nghị quyết 21 của Trung ương với Nghị quyết Hội nghị đại biểu Đảng bộ khu lần thứ ba và các nghị quyết của Khu uỷ, Thường vụ Khu uỷ, các cấp đã tiến hành công tác xây dựng Đảng về các mặt đạt được một số kết quả nhất định.
- Đảng bộ đã kịp thời lãnh đạo chuyển tiếp tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, làm cho anh chị em thấy được bản chất và âm mưu của địch, khắc phục những biểu hiện tư tưởng hữu khuynh, nhất là vấn đề đánh giá địch, ta càng về sau càng rõ và kiên định hơn, đồng thời những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa cũng được khắc phục dần.
- Tích cực phát triển được một số đảng viên mới, củng cố xây dựng được một số chi bộ, nhiều nơi chi bộ, đảng viên ở cơ sở đã phát huy được truyền thống cách mạng, cần cù chịu đựng gian khổ, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn trong chiến đấu, công tác, sản xuất, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng giao. Nhiều đồng chí kiên cường bám trụ lãnh đạo nhân dân trong vùng địch kiểm soát, vùng tranh chấp chống bình định, xây dựng thực lực cách mạng, kiên trì lãnh đạo quần chúng tấn công và nổi dậy chống địch lấn chiếm, giành giữ dân thu thắng lợi, ra sức xây dựng vùng giải phóng, căn cứ, gương mẫu nòng cốt trong các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh công tác chuyên môn, sản xuất tự túc có nhiều tiến bộ.
- Công tác cán bộ trong thời gian qua có những cố gắng mới. Đã tích cực đào tạo, bồi dưỡng nhiều cán bộ, nhất là cán bộ xã, thôn vùng địch, vùng tranh chấp có được chú ý hơn; tích cực kiện toàn các cấp lãnh đạo của Đảng, mở đại hội bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ từ huyện đến khu, tăng cường thêm nhiều cán bộ vào các cấp uỷ, các ban ngành các cấp; vấn đề biên chế tổ chức, quản lý cán bộ bước đầu được nghiên cứu điều chỉnh dần những trường hợp bất hợp lý, việc thực hiện chính sách, sắp xếp cấp bậc cho cán bộ có những bước tiến bộ mới.
Tuy nhiên, tình hình tư tưởng, tổ chức của Đảng bộ, nhất là ở cơ sở xã, thôn vừa qua và hiện nay có một số biểu hiện tiêu cực cần phải nhanh chóng khắc phục.
- Về tư tưởng, lập trường và phẩm chất của đảng viên có một số đồng chí biểu hiện ý chí chiến đấu giảm sút, những biểu hiện sợ hy sinh, ngán lâu dài, mệt mỏi, ảo tưởng hoà bình, nghỉ ngơi, dãn chiến trường (phổ biến là đảng viên vùng sau lưng địch), thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật kém, tính toán cá nhân, cục bộ địa phương, nặng gia đình, bỏ nhiệm vụ, quan liêu mệnh lệnh, hách dịch, xa rời quần chúng, tham ô, hủ hoá vẫn còn xảy ra (phổ biến là đảng viên vùng ta), có một số ít có biểu hiện ỷ lại miền Bắc chi viện, muốn nghỉ ngơi hoặc về quê (phổ biến là đảng viên ở cơ quan lãnh đạo các cấp). Nói chung, nhận thức về Đảng của nhiều đảng viên còn yếu, chưa nắm vững và quán triệt Điều lệ Đảng, chất lượng đảng viên thấp, vai trò tiền phong gương mẫu của nhiều đảng viên trên mọi lĩnh vực công tác, chiến đấu, sản xuất có nơi bị lu mờ, biểu hiện tập trung nhất là hữu khuynh và cá nhân chủ nghĩa.
- Về tổ chức cơ sở của Đảng, nhất là ở xã, thôn vùng địch, vùng tranh chấp, vùng ta bị lấn chiếm nhiều nơi chi bộ chưa chủ động phát huy sự lãnh đạo tập thể, vai trò tác dụng của chi bộ. Còn nhiều thôn, xã trong vùng địch (thành phố, thị xã) chưa có chi bộ, có nơi chưa có đảng viên, cốt cán quần chúng rất ít. Việc xây dựng vùng ta chi bộ lãnh đạo chưa toàn diện, chưa thật chú ý đến đời sống nhân dân; bộ máy xã uỷ, chi uỷ chưa được kiện toàn đúng mức, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, thôn, nhiều nơi có đồng chí chưa gương mẫu nòng cốt; việc quản lý đội ngũ đảng viên về tư tưởng, tổ chức không chặt, sinh hoạt chi bộ, tổ đảng không đều, không đúng tính chất, nội dung, một số nguyên tắc thủ tục về xây dựng Đảng chưa được chấp hành nghiêm túc, có nơi vi phạm Điều lệ Đảng, công tác kiểm tra Đảng chưa được chú ý đúng mức.
- Công tác cán bộ còn nhiều vấn đề xung quanh việc quản lý, sử dụng, thực hiện chính sách đối với cán bộ cần phải được nghiên cứu giải quyết sớm. Chưa có quy hoạch cán bộ lâu dài để có kế hoạch thực hiện từng bước, nói chung về công tác cán bộ còn chắp vá.
Phần thứ hai
Phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng đảng sắp đến
Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là "tiếp tục chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ, đoàn kết toàn dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giai cấp tư sản mại bản và bọn địa chủ phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ và tập đoàn thống trị tư sản mại bản, quan liêu, quân phiệt, phát xít, tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ, đang thống trị trong vùng địch kiểm soát, đẩy lùi và thắng địch từng bước đi đến xoá bỏ chính quyền tay sai của Mỹ, xoá bỏ chế độ thực dân mới, thiết lập một chính quyền dân tộc dân chủ thật sự, thực hiện hoà hợp dân tộc, thoát ly hẳn sự lệ thuộc Mỹ, thực hiện miền Nam Việt Nam hoà bình, độc lập, dân chủ, trung lập, phồn vinh, tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà".
Kẻ thù chính của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là đế quốc Mỹ, tập đoàn thống trị mại bản, quan liêu, quân phiệt, phát xít, tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ, đại diện quyền lợi cho giai cấp tư sản mại bản và bọn địa chủ phong kiến thân Mỹ phản động nhất. Đế quốc Mỹ là kẻ thù chủ mưu và là chỗ dựa của bọn tay sai. Tập đoàn thống trị tư sản mại bản, quan liêu, quân phiệt, phát xít là công cụ đắc lực của Mỹ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, là kẻ thù trực tiếp mà cách mạng miền Nam phải nhằm vào đánh đổ.
- Nhiệm vụ chung của Đảng bộ sắp đến là: "kết hợp ba thứ quân, đẩy mạnh ba mũi giáp công, tấn công địch trên cả ba vùng chiến lược, phát huy ba quả đấm nhằm đánh bại "bình định" lấn chiếm của địch, đẩy địch vào thế suy yếu hơn nữa, thu hẹp vùng kiểm soát của địch, giữ vững và phát huy thành quả đã giành được, mở rộng vùng giải phóng và vùng ta làm chủ, từng bước hoàn chỉnh căn cứ miền núi (bao gồm cả vùng giáp ranh đồng bằng) chuyển phong trào vùng địch, nhất là thành thị lên mạnh, đưa đến khủng hoảng chính trị sâu sắc ở thành thị; ra sức xây dựng tăng cường thực lực ta về mọi mặt, xây dựng vùng ta, nhất là xây dựng kinh tế tiến lên một bước mới, tạo ra điều kiện và thời cơ giành thắng lợi lớn".
- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị đại biểu Đảng bộ khu lần thứ ba, Nghị quyết Hội nghị Khu uỷ lần thứ nhất và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Khu uỷ lần thứ hai này và phương hướng, nhiệm vụ, công tác xây dựng Đảng là: "Ra sức xây dựng Đảng thật vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đoàn kết nhất trí để bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới của Đảng. Trong xây dựng Đảng phải bảo đảm tính chất giai cấp, tính chất tiền phong và nguyên tắc tổ chức của Đảng, gắn liền với quần chúng, gắn liền với nhiệm vụ chính trị, trên xu thế phát triển mới của tình hình và thời cơ mới chưa từng có, với phong trào quần chúng và bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, sâu sắc khắp ba vùng, trên mọi lĩnh vực công tác và sát cơ sở".
- Xuất phát từ tình hình thực tế về tư tưởng, tổ chức của Đảng bộ hiện nay và yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ sắp đến, công tác xây dựng Đảng cần làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng của Đảng bộ, đánh giá đúng địch, ta, quán triệt phương hướng, nhiệm vụ và quyết tâm mới của Đảng, gắn chặt với việc chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức của Đảng, lấy việc nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở vững mạnh làm khâu trung tâm, đồng thời phải tăng cường công tác cán bộ và cải tiến tổ chức chỉ đạo thực hiện từ cấp huyện trở lên là những biện pháp mấu chốt; đẩy mạnh phát triển cơ sở, đảng viên xây dựng tổ chức cơ sở đều khắp các vùng, hướng chính là thành phố, thị xã và vùng địch kiểm soát ở nông thôn đồng bằng và đất bằng Tây Nguyên, đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, kiện toàn các cấp lãnh đạo, đặc biệt chú trọng xây dựng cấp xã vững mạnh, đi đôi với kiện toàn cấp huyện, bảo đảm lãnh đạo tấn công nổi dậy ở vùng địch và xây dựng, giữ vững vùng ta, chú ý xây dựng, củng cố các ngành xây dựng kinh tế theo yêu cầu phát triển ngày càng lớn.
Công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới cần nỗ lực khẩn trương đẩy mạnh các mặt sau đây:
I- công tác chính trị, tư tưởng
Tăng cường hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng trong Đảng bộ, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng trong thời gian tới. Kết chặt nâng cao lý tưởng cách mạng, lập trường và quan điểm cách mạng làm cơ sở quán triệt và chấp hành tốt nhiệm vụ chính trị trước mắt. Tiếp tục giáo dục chính trị, giải quyết tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhằm đạt các yêu cầu sau đây:
1. Quán triệt tình hình và phương hướng, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng
- Đánh giá đúng lực lượng so sánh địch - ta, quán triệt đường lối, phương hướng, phương châm của Trung ương và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Nhận rõ ta tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh nhân dân đánh bại cuộc chiến tranh "Việt Nam hoá" của địch, nhận rõ tính chất và các quy luật của cuộc chiến tranh hiện nay.
- Một mặt thấy rõ âm mưu và bản chất cực kỳ phản động của địch, không bao giờ được chủ quan và mơ hồ, ảo tưởng, mặt khác thấy rõ sự suy yếu, thế đi xuống và con đường thất bại của chúng; thấy rõ thắng lợi, thế và lực ngày càng lớn mạnh của ta, thấy rõ xu thế tình hình rất có lợi cho ta, bất lợi cho địch, ta có đủ khả năng đánh bại địch.
- Nắm vững phương hướng, mục tiêu của giai đoạn hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ và nhiệm vụ trước mắt là đánh địch, chống "bình định" giành dân và ra sức xây dựng kinh tế vùng ta. Phải nắm vững chỉ có con đường bạo lực tiến hành chiến tranh cách mạng với nội dung kết hợp đấu tranh trên ba mặt trận, kết hợp tấn công và nổi dậy, kết hợp hai chân ba mũi giáp công, kết hợp ba vùng chiến lược, thực hiện tốt ba quả đấm để đánh thắng địch, lật đổ chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu và phe cánh trở ngại chính cho việc giải quyết các vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam hiện nay, thành lập ở miền Nam một chính quyền tán thành hoà bình, hoà hợp dân tộc, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pari, chỉ có chính quyền như thế mới có hoà bình, mới thi hành được hiệp định, không thể có con đường nào khác. Trên cơ sở quán triệt quan điểm lâu dài, phải hết sức nỗ lực khẩn trương tạo thời cơ để giành thắng lợi lớn nhất trên tinh thần tự lực tự cường, dựa sức mình là chính.
2. Nắm vững mục tiêu lý tưởng cách mạng, quán triệt các quan điểm, các nguyên tắc cơ bản của Đảng và tư tưởng chiến lược tấn công
- Bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên một số vấn đề về lý luận cơ bản thiết thực, trước hết là quán triệt các quan điểm đấu tranh giai cấp, quan điểm bạo lực, quan điểm cách mạng triệt để, cách mạng không ngừng, quan điểm quần chúng, quan điểm thực tiễn, quan điểm lao động.
- Nâng cao lập trường giai cấp, mục tiêu lý tưởng, ý chí chiến đấu, tinh thần tấn công địch, tiếp tục chống những biểu hiện tư tưởng hữu khuynh, ngại ác liệt, ngán lâu dài, ảo tưởng hoà bình, nghỉ ngơi, tính toán cá nhân, cục bộ địa phương.
- Quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, chống tính tản mạn, tự do chủ nghĩa.
- Kết hợp học tập với tổng kết thực tiễn của phong trào mà nâng cao trình độ và năng lực công tác cho cán bộ, đảng viên, nâng cao trình độ chỉ đạo chuyên môn của các cấp uỷ, nhất là vấn đề chỉ đạo kinh tế.
- Tiến hành các đợt chỉnh huấn và mở các đợt sinh hoạt chính trị, động viên tư tưởng, đồng thời duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Phát huy dân chủ, đẩy mạnh phê bình, tự phê bình trong nội bộ Đảng. Chỉnh đốn việc giảng dạy và nội dung chương trình ở các trường Đảng, trường nghiệp vụ và học tập tại chức, v.v. cho phù hợp.
II- công tác đảng viên và xây dựng
tổ chức cơ sở
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ sắp đến, nhất là yêu cầu cho công tác lãnh đạo nhân dân chống "bình định", chống lấn chiếm, mở rộng vùng giải phóng, làm chủ cả nông thôn và thành thị, ra sức xây dựng vùng ta vững mạnh (nhất là sự phát triển mạnh các ngành kinh tế). Với tình hình tư tưởng và tổ chức hiện nay của Đảng bộ như đã kiểm điểm ở phần trên, yêu cầu công tác xây dựng tổ chức cơ sở sắp đến là:
1. Phát triển đảng viên mới
Đi đôi với tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng đảng viên hiện có phải đẩy mạnh việc phát triển đảng viên mới đều khắp bảo đảm phương châm, yêu cầu, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục đã quy định, bảo đảm chất lượng phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Đảng. Tiêu chuẩn kết nạp đảng viên không có gì thay đổi nhưng cần phải nắm vững và phải chú trọng về giác ngộ giai cấp, giác ngộ mục tiêu lý tưởng, có động cơ vào Đảng đúng đắn, kết hợp với mặt hăng hái tích cực trong công tác, chiến đấu, sản xuất, cấp uỷ cấp trên của tổ chức cơ sở phải có kế hoạch hướng dẫn phát triển đảng viên cho cấp dưới, phải căn cứ yêu cầu và khả năng thực tế từng nơi, chi bộ, tổ Đảng phải có kế hoạch phân công đảng viên kèm cặp đối tượng, giao công tác thử thách, kết hợp với bồi dưỡng, giáo dục. Đồng thời có những lớp tuyên truyền giáo dục về nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, về mục tiêu lý tưởng của Đảng cho cơ sở, cốt cán và quần chúng.
+ Đối với vùng địch kiểm soát ở nông thôn và thành thị:
- Cần nắm vững nguyên tắc gọn, nhẹ, giữ vững bí mật, chú trọng chất lượng đi đôi với phát triển số lượng, lấy chất lượng làm chính. Tất cả đảng viên phải tích cực đào tạo, bồi dưỡng một số cốt cán (trong quần chúng), vừa giao công tác thử thách, vừa giáo dục về Đảng, rèn luyện đạo đức khí tiết và ý thức tổ chức kỷ luật, qua thử thách và giáo dục, sử dụng tốt cốt cán (chưa phải là đảng viên) để làm những việc của Đảng mà che giấu lực lượng Đảng và tạo điều kiện để phát triển Đảng vững chắc.
- Cần tăng cường củng cố đội vũ trang công tác về số lượng, chất lượng, phương pháp công tác, phương thức hoạt động, tạo mọi điều kiện trụ bám bên trong để phát động quần chúng diệt ác, phá kìm, xây dựng, phát triển cốt cán đều khắp, bồi dưỡng cốt cán, thành lập ban cán sự quần chúng thôn, ấp lãnh đạo quần chúng đấu tranh thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng. Tích cực xây dựng Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng các tổ cốt cán (tự vệ, an ninh mật...) để làm nòng cốt cho phong trào, ngoài ra cần chú ý các tổ chức biến tướng nửa hợp pháp trong các từng lớp nhân dân, trong các gia đình có người thân làm việc cho địch để phát hiện người tốt xây dựng thành cốt cán.
- Trong những xã đã có cơ sở nhưng chưa đều, phấn đấu đến xuân 1975 các thôn, ấp, phường hiện nay chưa có cốt cán (trong quần chúng) phải có ít nhất là 20 cốt cán và mỗi cốt cán nắm cho được nhiều quần chúng tốt; nơi đã có cốt cán phải xây dựng thật nhiều hơn và có ban cán sự từ ba đến năm người; phát triển đoàn viên, thành lập chi đoàn tiến lên phát triển đảng viên vững chắc. Những xã trắng cơ sở cố gắng phấn đấu đến xuân năm 1975 cho có cơ sở cốt cán hình thành ban cán sự ở xã.
- Đến nửa năm 1975, tất cả các thôn, ấp, phường hiện nay đã có nhiều cốt cán mà chưa có đảng viên đều phải cố gắng phấn đấu có đảng viên, tiến đến hình thành chi bộ ít nhất ba đảng viên, chú trọng là hướng trọng điểm tấn công và nổi dậy sắp đến, những xã hiện nay chưa có cốt cán phấn đấu đến thời gian đó phải có ban cán sự xã và ở nhiều thôn trong xã. Để bảo đảm đạt yêu cầu trên phải chú ý rút kinh nghiệm về phương pháp xây dựng cơ sở hợp pháp để phát triển cơ sở từ xã này qua xã khác, hình thành được bộ phận cốt cán quần chúng để Đảng có thể dựa vào đó mà lãnh đạo phát triển thực lực và đưa phong trào của quần chúng lên, qua đó mà phát triển Đảng. Phát triển đảng viên trong vùng địch cần chú ý số sống hợp pháp, nắm vững và vận dụng đường lối giai cấp, tiêu chuẩn chính trị (quan hệ địch, ta) cho đúng.
+ Đối với vùng giải phóng, căn cứ:
- Thông qua phong trào thi đua xây dựng vùng ta và trong đấu tranh chống lấn chiếm mà xây dựng Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh, các tổ chức quần chúng, các tổ chức đổi công hoặc tổ chức làm ăn (do Đảng chủ trương) và qua sinh hoạt, thử thách chu đáo mà chọn đối tượng giáo dục, bồi dưỡng giác ngộ về Đảng để phát triển vào Đảng, chú ý phát triển đảng viên trong thanh niên. Bảo đảm trong các tổ chức quần chúng, trong các ngành đều có đảng viên làm nòng cốt và đến cuối 1973 những thôn hiện nay chưa có hoặc có ít đảng viên đều phải có chi bộ, chi đoàn và các tổ chức quần chúng.
- Riêng ở miền núi cần phải có biện pháp giáo dục cụ thể, thích hợp để nâng cao giác ngộ về giai cấp và mục tiêu lý tưởng cho đảng viên và cho đối tượng Đảng trước khi kết nạp vào Đảng, phải hết sức chú ý thanh niên, mạnh dạn phát triển trong nữ thanh niên, phải tạo điều kiện cho phụ nữ sau khi vào Đảng phát huy được vai trò tác dụng của người đảng viên và phải tham gia tổ đổi công hoặc tổ hợp tác tương trợ lao động.
+ Đối với cơ quan, đơn vị, công nông lâm trường, tình hình phát triển của các ngành xây dựng kinh tế, văn hoá, xã hội... ngày càng lớn, số lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật và lao động ngày càng đông, yêu cầu sự lãnh đạo của Đảng sát cơ sở sản xuất, công tác ngày càng nhiều. Do đó công tác phát triển đảng viên cần hết sức quan tâm chú ý đối với trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lao động. Trước hết phải củng cố xây dựng Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng và tổ chức công đoàn thật vững, nâng cao giác ngộ giai cấp, mục tiêu lý tưởng, đặc biệt xác định động cơ vào Đảng đúng đắn cho đoàn viên và những đối tượng Đảng, đồng thời giao công tác thử thách, nhưng chủ yếu phải trên cơ sở nâng cao giác ngộ giai cấp, mục tiêu lý tưởng, tổ chức kỷ luật của Đảng, năng lực cách mạng, hiệu suất công tác và động cơ vào Đảng mà lựa chọn đối tượng phát triển vào Đảng, không xuê xoa, cảm tình, không chạy theo số lượng, phát triển phải đi đôi với củng cố.
+ Trong lực lượng vũ trang, cần tích cực xây dựng nòng cốt phát triển đoàn viên tiến đến phát triển đảng viên để lãnh đạo chiến đấu, cố gắng bảo đảm mỗi tiểu đội có nhiều đảng viên, trung đội có tổ đảng, đại đội có chi bộ mạnh về số lượng, bảo đảm chất lượng.
2. Nâng cao chất lượng đảng viên
- Phải lấy nâng cao chất lượng đảng viên làm nhiệm vụ trung tâm trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở, phải có yêu cầu, kế hoạch cụ thể cho từng loại đảng viên, cán bộ của Đảng từng vùng, từng ngành khác nhau, có yêu cầu tu dưỡng chung và yêu cầu tu dưỡng riêng, nâng cao về chính trị, tư tưởng, năng lực công tác, tác phong sinh hoạt, quan điểm lao động đúng đắn.
- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng, củng cố chi bộ vững mạnh. Ra sức giáo dục làm cho mỗi đảng viên phải thật sự là một chiến sĩ trung thành, dũng cảm, một lòng, một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Tất cả đảng viên dù là đồng chí lâu năm hay đồng chí mới vào Đảng, là cán bộ hay đảng viên thường đều phải phấn đấu thực hiện đạt các yêu cầu cụ thể sau đây:
a) Nhận rõ và thấm nhuần Điều lệ Đảng, có nhiệt tình cách mạng cao, có tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, quyết vượt qua mọi gian khổ ác liệt, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng giao, luôn luôn gương mẫu trong công tác, chiến đấu và sản xuất.
b) Nghiêm chỉnh chấp hành mọi chính sách của Đảng, pháp luật của chính quyền cách mạng, nội quy bảo mật, phòng gian của cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, bảo vệ và tiết kiệm của công, chống tham ô, lãng phí.
c) Thực sự hoà mình vào quần chúng, thông cảm và quan tâm đời sống quần chúng, không động chạm cây kim, sợi chỉ của dân, làm tốt công tác dân vận, chấp hành đúng kỷ luật dân vận của Đảng, không quan liêu mệnh lệnh, hách dịch, xa rời quần chúng, phải thật sự thể hiện là người đầy tớ trung thành của quần chúng.
d) Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cách mạng dũng cảm, cần kiệm giản dị, khiêm tốn, ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ tốt, tích cực học tập để nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, chăm lo bảo vệ Đảng, tuyên truyền phát triển Đảng.
Biện pháp:
- Trong cuộc vận động này tất cả đảng viên cũ và mới đều phải học tập tốt và thấm nhuần Điều lệ Đảng và học tập các tài liệu theo chương trình quy định cho từng loại đảng viên do Ban Tuyên huấn khu, tỉnh biên soạn, nhằm tăng cường giáo dục đảng viên về mục tiêu lý tưởng, về đường lối, chính sách, nguyên tắc tổ chức kỷ luật của Đảng, làm cho đảng viên hiểu và nắm được những vấn đề cơ bản về Đảng, nâng cao giác ngộ về Đảng. Tích cực bồi dưỡng cho đảng viên về lý luận và công tác thực tiễn, tổ chức đảng viên học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, làm cho đảng viên quán triệt và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng.
- Đẩy mạnh sinh hoạt tổ đảng, chi bộ, tự phê bình và phê bình là một biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đảng viên, mỗi đảng viên phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu thực hiện tốt bốn yêu cầu đã nêu trên. Sau mỗi đợt công tác, sau ba tháng, sáu tháng, một năm đều có sơ kết, tổng kết đánh giá thành tích chung của chi bộ và kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi đảng viên, bình chọn đảng viên phấn đấu tốt, chưa tốt và kém. Trong đảng viên phấn đấu tốt chọn ra những đồng chí phấn đấu xuất sắc, nổi bật.
- Tăng cường công tác quản lý đảng viên về tư tưởng, tổ chức, đề cao trách nhiệm của mỗi đảng viên trong việc quản lý, kiểm tra lẫn nhau để giữ gìn kỷ luật của Đảng, kịp thời phát hiện những mặt tiêu cực, sai sót trong việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể được phân công, hoặc vi phạm nguyên tắc Điều lệ Đảng của đảng viên để có biện pháp tích cực giáo dục kịp thời.
- Thông qua việc hoạt động của đảng viên trong các tổ chức quần chúng để nâng cao chất lượng đảng viên. Mỗi đảng viên phải sinh hoạt trong các tổ chức quần chúng để tuyên truyền, giáo dục xây dựng và lãnh đạo quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, của chi bộ và bản thân đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng, qua đó quần chúng sẽ tham gia ý kiến đối với đảng viên. Mỗi đảng viên sống hợp pháp trong vùng địch phải làm tốt công tác quần chúng, tuyên truyền, tổ chức lãnh đạo đấu tranh, phải xây dựng và nắm ít nhất năm cốt cán quần chúng, qua đó mà nắm các tổ chức hợp pháp quần chúng.
3. Tăng cường củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở
- Ra sức củng cố, xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở ở xã, thôn, cơ quan, đơn vị công nông trường, chú trọng và tập trung sức xây dựng chi bộ, đảng bộ xã, thôn, phường, ấp, chú ý cả ba vùng chiến lược. Đặc biệt chú ý vùng địch kiểm soát nông thôn và thành phố. Củng cố, xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở thật vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng, làm cho chi bộ, đảng bộ cơ sở thật sự là "dinh luỹ", là "pháo đài" chiến đấu, là bộ tham mưu và hạt nhân lãnh đạo trực tiếp quần chúng.
Tất cả các loại chi bộ đều phải phấn đấu để đạt được bốn yêu cầu sau đây:
a) Nhận thức đúng và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị cụ thể đối với địa phương, cơ quan, đơn vị mình để thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của Đảng.
b) Quán triệt, nghiêm chỉnh chấp hành và lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của chính quyền cách mạng. Vùng căn cứ giải phóng phải xây dựng chính quyền cách mạng thật tốt và chính quyền phải chăm lo đời sống quần chúng, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
c) Thật sự gắn với quần chúng, hoà mình trong quần chúng, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và chăm lo đời sống quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng để tuyên truyền, tổ chức, tập hợp quần chúng xung quanh mình, phát động quần chúng và lãnh đạo quần chúng, chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, hách dịch, vi phạm kỷ luật dân vận.
d) Đoàn kết đấu tranh xây dựng nội bộ, thực hiện tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công phụ trách, tự phê bình và phê bình có nền nếp, chăm lo việc học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực tổ chức thực hiện của chi bộ, xây dựng nền nếp lãnh đạo toàn diện, nắm vững trọng tâm công tác của chi bộ; rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Làm tốt công tác bảo vệ Đảng, công tác phát triển đảng viên mới.
Mỗi chi bộ đều phải nắm vững và quán triệt nhiệm vụ chính trị, phương hướng, mục tiêu phấn đấu cụ thể của mình và biết tổ chức thực hiện cho được, đồng thời tổ chức xây dựng lãnh đạo các ngành và đoàn thể (hoặc cơ sở nòng cốt) thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của chi bộ.
Nhiệm vụ chính trị của chi bộ xã, thôn vùng ta và vùng địch sắp đến như sau:
1) Chi bộ vùng ta (cả đồng bằng và miền núi) ra sức phát huy tinh thần và khí thế cách mạng phấn khởi sôi nổi của cán bộ, đảng viên và quần chúng, đẩy mạnh xây dựng vùng giải phóng và căn cứ về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, xã hội trở thành hậu phương vững chắc phục vụ tấn công địch, làm ngọn cờ hiệu triệu quần chúng trong vùng địch. Nhiệm vụ chủ yếu là đẩy mạnh sản xuất, ổn định và cải thiện từng bước đời sống nhân dân, xây dựng lực lượng du kích, an ninh, giữ vững trật tự trị an, bố phòng và sẵn sàng đánh địch, chống chiến tranh tâm lý, gián điệp, biệt kích, thám báo bảo đảm an toàn vùng giải phóng, căn cứ về mọi mặt; phát triển văn hoá, giáo dục, thực hiện nếp sống mới, thực hiện các chính sách của Đảng, xây dựng nội bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, tổ chức vòng đổi công hợp tác tương trợ làm ăn, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, kiên quyết đánh bại âm mưu lấn chiếm của địch.
2) Nhiệm vụ chính trị của chi bộ vùng địch kiểm soát (cả nông thôn và thành thị) và vùng tranh chấp: Đẩy mạnh "ba mũi giáp công", chống "bình định", "tố cộng" của địch, phá rã phòng vệ dân sự, phá lỏng kìm rộng rãi, tranh thủ nắm lính, nắm tề, giành quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Tích cực xây dựng thực lực cách mạng về mọi mặt trong quần chúng. Chuẩn bị tích cực cho tấn công và nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân.
- Trước mắt, cần đưa phong trào đấu tranh chính trị từ thấp lên cao, đòi quyền lợi dân sinh dân chủ (từ đòi bán và hạ giá gạo, xăng dầu, đòi tự do đi lại làm ăn, về làng cũ sản xuất đến chống di dân, chống cướp bóc vơ vét, chống khủng bố, chống đôn quân, bắt lính...). Đồng thời phải chuẩn bị cho các đợt đấu tranh với quy mô lớn hơn, có phối hợp nhiều địa phương.
- Về binh vận, cần hình thành phong trào chính trị của binh sĩ Sài Gòn và gia đình họ, chống Mỹ - Thiệu ngoan cố phá hoại hiệp định, tiếp tục chiến tranh gây đau thương tang tóc; phản đối hành động dã man của bọn ác ôn, chống lệnh đi càn quét lấn chiếm...
- Từng bước phát triển phong trào du kích chiến tranh, đẩy mạnh diệt ác phá kìm, vây ém đồn bốt, đánh phá giao thông, kho tàng, cơ quan đầu não của địch, làm rối loạn hậu phương địch, làm cho địch hoang mang dao động, hỗ trợ cho phong trào quần chúng. Cần phát triển tự vệ mật, du kích và an ninh mật.
- Đối với vùng tranh chấp, cần đưa phong trào "hai chân ba mũi giáp công" mạnh mẽ hơn, nhất là chân đấu tranh vũ trang, bao vây, diệt và bức rút đồn bốt; đưa lên thế làm chủ hoặc giải phóng mạnh hơn, nhất là nơi vùng tranh chấp nối liền với vùng giải phóng.
Trong tình hình hiện nay, để xây dựng chi bộ - tổ chức cơ sở Đảng bảo đảm các yêu cầu trên hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng trong vùng địch kiểm soát, cần phải tích cực tăng cường các đội võ trang công tác bám vào bên trong. Mỗi xã vùng địch lập một đội võ trang công tác có từ 10 đến 20 đồng chí. Mỗi đội cần có một số đồng chí có trình độ tương đối khá, được bồi dưỡng kinh nghiệm về công tác vùng địch, nhất là về công tác quần chúng (ba bước công tác). Các đồng chí này chịu trách nhiệm trước huyện uỷ việc bồi dưỡng giáo dục cán bộ, đảng viên, cốt cán sống hợp pháp, hướng dẫn việc xây dựng chi bộ bên trong đạt được các yêu cầu xây dựng chi bộ ở vùng địch như đã nói phần trên.
Nhiệm vụ của đội vũ trang công tác là:
- Đánh địch (trong đó có diệt ác) phá kìm kẹp của địch.
- Tuyên truyền vận động quần chúng, đưa quần chúng đấu tranh và nổi dậy.
- Xây dựng thực lực cách mạng, chú trọng xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực đào tạo, bồi dưỡng nhiều cốt cán cán bộ hợp pháp, hình thành tổ chức chỉ đạo nằm trong quần chúng.
Trách nhiệm chính của đội vũ trang công tác là phải xây dựng cho được chi bộ sống hợp pháp bám trụ trong quần chúng ở vùng địch kiểm soát. Đội vũ trang công tác phải giúp các chi bộ này có khả năng lãnh đạo toàn diện theo các yêu cầu nói trên vì chỉ có chi bộ bên trong mới bám được trong quần chúng ở mọi tình huống để lãnh đạo quần chúng đứng lên chống địch.
Đối với những nơi chưa có đảng viên, mà cốt cán cơ sở còn yếu thì đội vũ trang công tác có trách nhiệm móc nối cơ sở, cốt cán, xây dựng, giáo dục và bồi dưỡng ban cán sự quần chúng làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng phát triển cơ sở đưa phong trào đấu tranh của quần chúng từng bước đi lên; qua đó mà phát triển đảng viên mới, tiến đến hình thành chi bộ.
Trong vùng địch, vai trò đội vũ trang công tác là rất quan trọng, nhất là những nơi mà tổ chức cơ sở của Đảng và đội ngũ cốt cán quần chúng chưa có hoặc còn yếu. Cần phải chú ý đúng mức đến việc tăng cường cán bộ cho các đội vũ trang công tác. Các địa phương cần khẩn trương xây dựng và kiện toàn các đội vũ trang công tác, đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng, kịp phục vụ cho các đợt hoạt động sắp đến. Cần kiên quyết rút cán bộ, nhân viên cơ quan các cấp, các ngành từ khu đến huyện để bổ sung cho các đội vũ trang công tác.
Về chỉ đạo, huyện uỷ trực tiếp theo dõi chỉ đạo chặt chẽ các đội vũ trang công tác ở các xã trong huyện. Các đảng viên trong đội vũ trang công tác sinh hoạt trong chi bộ đội, trực thuộc huyện uỷ. Đối với việc truyền đạt chủ trương công tác của huyện cho chi bộ bên trong và việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ hướng dẫn công tác cho cán bộ, đảng viên, cốt cán sống hợp pháp thì huyện uỷ uỷ nhiệm cho một số cán bộ có trách nhiệm trong đội vũ trang công tác đảm nhận.
Cần phân rõ trách nhiệm giữa chi bộ đội vũ trang công tác với chi bộ bên trong, tránh tình trạng đội vũ trang công tác bao biện làm thay mọi việc; phải thường xuyên bồi dưỡng phát huy hết trách nhiệm và khả năng của chi bộ bên trong và của cán bộ, đảng viên cốt cán sống hợp pháp đối với phong trào tại địa phương mình.
Về nhiệm vụ cụ thể của chi bộ vùng địch kiểm soát hay vùng giải phóng phải căn cứ vào sự lãnh đạo của huyện uỷ đề ra cho từng xã tuỳ theo từng thời gian.
Nhiệm vụ chính trị của chi bộ lực lượng vũ trang, cơ quan, công nông lâm trường, xí nghiệp: căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung, nhiệm vụ của đơn vị mà xác định nhiệm vụ chính trị cụ thể của chi bộ, để lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, sản xuất, chiến đấu, xây dựng đơn vị theo yêu cầu đã nêu trên.
Biện pháp tiến hành xây dựng tổ chức cơ sở:
- Phải làm cho chi bộ quán triệt vai trò, vị trí và bốn yêu cầu đã nêu trên và nhiệm vụ chính trị của chi bộ; căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mà định kế hoạch chỉ tiêu cụ thể từng mặt công tác, tư tưởng, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ mình trong từng thời gian ngắn. Tất cả đảng viên trong chi bộ tham gia ý kiến thảo luận, bàn bạc và quán triệt đầy đủ chương trình kế hoạch công tác của chi bộ, phân công đảng viên phụ trách làm nòng cốt lãnh đạo quần chúng thực hiện.
- Giữ vững nền nếp sinh hoạt tổ chức đảng, chi bộ thường kỳ và bất thường, nâng cao chất lượng sinh hoạt đúng nội dung, tính chất.
- Kiện toàn bộ máy chỉ đạo của chi bộ, đảng bộ cơ sở (chi uỷ, xã uỷ), tổ đảng. Tạo điều kiện để thực hiện dân chủ bầu cử cấp uỷ đúng nguyên tắc, thủ tục, khắc phục tình trạng chỉ định.
- Cải tiến lề lối, tác phong công tác sâu sát, nhạy bén, sinh hoạt tăng cường kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, báo cáo, thỉnh thị kịp thời, trung thực và chính xác.
- Tích cực củng cố, xây dựng các ngành, các đoàn thể mạnh mẽ, vững chắc, đặc biệt chú trọng xây dựng Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng.
- Ra sức đào tạo bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ cơ sở số lượng đông, chất lượng tốt, đúng đường lối giai cấp, tiêu chuẩn chính trị.
- Tiến hành nhận xét, phân loại chi bộ phấn đấu xuất sắc, chi bộ phấn đấu tốt, chưa tốt và kém sau ba tháng, sáu tháng, một năm.
- Để nâng cao chất lượng của chi bộ tổ chức cơ sở Đảng trước tiên phải nâng cao chất lượng của chi uỷ, đảng uỷ.
- Tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt chú ý những chi bộ, đảng bộ cơ sở phấn đấu kém.
- Tăng cường công tác bảo vệ Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành tốt Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, thủ tục trong việc xét kết nạp đảng viên, lựa chọn bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, đẩy mạnh công tác kiểm tra kỷ luật của Đảng.
III- Công tác cán bộ
Yêu cầu công tác cán bộ sắp đến nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng trên cả ba vùng chiến lược, tấn công nổi dậy trong vùng địch ở nông thôn và thành phố, xây dựng vùng ta, cả trước mắt và lâu dài. Cấp bách trước mắt là tăng nhanh đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là trong vùng địch kiểm soát, đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ sống hợp pháp trong vùng địch, nhất là trong thành phố. Phải chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ cán bộ có khả năng hoạt động trong thành phố khi tình hình biến chuyển thuận lợi. Đồng thời phải nghiên cứu sắp xếp hợp lý cán bộ có khả năng quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật phục vụ tốt cho xây dựng vùng ta. Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chính trị, lãnh đạo các cấp, bảo đảm yêu cầu nội dung thiết thực đáp ứng với nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới sắp đến, nhất là trong năm 1975-1976, đồng thời phải dự kiến yêu cầu cán bộ cho năm - bảy năm sau để có phương hướng, kế hoạch nắm tình hình, bồi dưỡng, đào tạo, sắp xếp, đề bạt, sử dụng cán bộ cho trước mắt và phải nghĩ đến triển vọng tương lai.
1. Về bồi dưỡng, đào tạo
- Mở trường, lớp liên tục đào tạo cán bộ xã, thôn, cán bộ công tác vùng địch. Khu và tỉnh phải đảm nhận huấn luyện hết số cán bộ chủ chốt và cốt cán ở xã, bảo đảm đủ số lượng cần thiết cho mỗi xã đồng bằng, miền núi và mỗi đội công tác (chủ yếu cán bộ phụ trách công tác Đảng, chính quyền, kinh tế, quân sự và dân vận, cán bộ công tác vùng địch). Cần cố gắng tổ chức riêng các trường đào tạo cán bộ xã, thôn vùng địch, thành phố, cán bộ dân tộc.
- Tăng cường công tác trường Đảng, bảo đảm yêu cầu, nội dung và chất lượng đào tạo. Trường Đảng khu bảo đảm đào tạo tỉnh uỷ viên, thường vụ huyện uỷ, trưởng phó ngành ở tỉnh và một số cán bộ trung, sơ cấp quanh khu; tỉnh đào tạo hết chi uỷ, xã uỷ, huyện uỷ viên mới, trưởng phó ngành ở huyện và một số cán bộ sơ cấp ở tỉnh. Huyện có trường đào tạo cán bộ các ngành, xã, thôn và đảng viên.
- Chỉnh đốn lại hệ thống trường đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ các ngành từ khu đến tỉnh cho phù hợp, bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. ở khu củng cố lại bốn trường trung cấp: y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải, sư phạm. Ngoài ra chủ yếu đào tạo công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ sơ cấp. Bảo đảm cuối năm 1975 mỗi xã giải phóng ở đồng bằng và miền núi có một số cán bộ sơ cấp trồng trọt, chăn nuôi, một y sĩ, một kế toán sơ cấp.
- Chỉnh đốn và tăng cường công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ, thanh toán nạn mù chữ cho cán bộ xã, nhất là cán bộ miền núi. Tỉnh và huyện bảo đảm bổ túc văn hoá cho cán bộ xã và các ngành xung quanh huyện, tỉnh. Khu chủ yếu bổ túc văn hoá cấp I và cấp II cho cán bộ, công nhân viên các ngành xung quanh khu. Nghiên cứu tổ chức trường văn hoá công nông cho cán bộ và trường đào tạo thiếu niên cho sau này.
- Xây dựng nền nếp học tập tại chức về chính trị, nghiệp vụ văn hoá cho cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ.
- Mở những cuộc hội nghị học tập, sơ kết, tổng kết kinh nghiệm.
- Có kế hoạch phân công kèm cặp bồi dưỡng cán bộ tại chỗ.
2. Thực hiện tốt các chính sách cán bộ của Đảng: sắp xếp, bổ sung, đề bạt cất nhắc, điều động, chữa bệnh, nuôi dưỡng
- Giữ vững nền nếp nhận xét cán bộ theo định kỳ hằng năm.
- Soát xét lại đội ngũ cán bộ, điều chỉnh, phân phối, sắp xếp, sử dụng, quản lý tốt đội ngũ cán bộ hiện có, sử dụng hợp lý số cán bộ trung ương chi viện, nhất là cán bộ chuyên môn, kỹ thuật. Lập quy hoạch cán bộ để có kế hoạch xin Trung ương chi viện cho các ngành chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ (riêng công nhân lao động do chính quyền).
- Hoàn thành việc sắp xếp cấp bậc mới cho cán bộ, công nhân viên trong biên chế theo chủ trương của Thường vụ Khu uỷ, qua đó nghiên cứu đề bạt theo cấp bậc mới cho hợp lý và có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo về văn hoá, chính trị, chuyên môn.
- Cùng với các ngành hữu quan nghiên cứu từng bước cải tiến chế độ sinh hoạt phí cho cán bộ, công nhân viên trong biên chế cho phù hợp với cấp bậc mới theo khả năng của Đảng và yêu cầu về đời sống cán bộ, công nhân viên.
- Nghiên cứu chính sách đối với cán bộ hoạt động miền núi, hoạt động trong vùng địch, cán bộ phụ nữ, cán bộ dân tộc và các chế độ hưu trí, thôi việc cho phù hợp với tình hình hiện nay và sắp đến.
- Nghiên cứu chế độ tổ chức nuôi dưỡng cán bộ, công nhân viên tại chỗ và tổ chức đưa đi Bắc chữa bệnh cho phù hợp hơn, nhằm bình thường hoá hai miền, giảm bớt khó khăn cho Trung ương. Trước mắt phải có kế hoạch phòng bệnh, tổ chức tốt các bệnh viện, bệnh xá để chữa bệnh và nơi an điều dưỡng cho cán bộ, công nhân viên. Có kế hoạch tích cực diệt trừ muỗi sốt rét khu vực đóng cơ quan.
3. Về quản lý cán bộ
- Nghiên cứu điều chỉnh việc phân cấp quản lý cán bộ, công nhân viên đúng theo nguyên tắc đã quy định và phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, ổn định ngành nghề của cán bộ chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ, các đoàn thể.
- Thường vụ Khu uỷ quản lý cán bộ từ cán sự 5 trở lên, chánh, phó bí thư huyện uỷ, phó ban ngành tỉnh trở lên, cán bộ cao cấp kỹ thuật nghiệp vụ. Ban Tổ chức Khu uỷ có trách nhiệm nghiên cứu giúp Thường vụ Khu ủy quản lý tốt các loại cán bộ trên.
- Thường vụ Khu uỷ uỷ nhiệm Ban Tổ chức Khu uỷ quản lý cán bộ sơ cấp chính trị, trung cấp kỹ thuật xung quanh khu.
- Thường vụ tỉnh uỷ quản lý cán bộ từ cán sự 1 trở lên (bao gồm có huyện uỷ viên), cán bộ trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ, công nhân kỹ thuật từ bậc 5 trở lên.
- Số cán bộ, công nhân viên còn lại thuộc các ngành chính quyền ở khu do ngành quản lý có sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng đoàn chính quyền khu và có sự phối hợp chặt chẽ với ngành dọc cấp dưới để nắm chắc đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật của ngành mình. Số cán bộ, công nhân viên còn lại thuộc phạm vi của tỉnh do Thường vụ tỉnh uỷ uỷ nhiệm cho Ban Tổ chức tỉnh và Thường vụ huyện uỷ quản lý.
IV- Kiện toàn tổ chức chỉ đạo, xây dựng bộ máy
1. Kiện toàn các cấp uỷ, căn cứ tình hình, nhiệm vụ và yêu cầu lãnh đạo của mỗi cấp, mỗi nơi và tăng cường cấp uỷ vững mạnh về số lượng và chất lượng để đủ sức lãnh đạo toàn diện, nhất là cấp huyện và xã, nên tăng cường cán bộ chuyên môn và cấp uỷ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng. Hướng tăng cường là cấp xã, huyện có tầm quan trọng đặc biệt, tỉnh dồn sức giúp huyện, chỉnh đốn các ngành đi đôi với sửa đổi lề lối làm việc, xây dựng chế độ công tác bảo đảm tăng hiệu suất công tác và sát cơ sở, sát quần chúng.
2. Biên chế tổ chức
- Củng cố sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý, bảo đảm biên chế mạnh, gọn nhằm tăng cường cho cấp cơ sở, nâng cao hiệu suất công tác, tổ chức thực hiện (chú ý các ngành và các cấp huyện đến cơ sở).
- Cần nghiên cứu quy định trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền để giao bớt một số việc thuộc phạm vi chính quyền mà lâu nay các ngành dân đảng đảm nhận như: thông tin, văn hoá, văn nghệ, ấn loát, quản lý công nhân lao động, các chế độ chính sách lao động, bảo hiểm xã hội, biên chế, v.v..
- Cần nghiên cứu nhanh chóng xác định hệ thống tổ chức các ngành xây dựng kinh tế (ban hay ty, sở) và định rõ phương hướng, nhiệm vụ để ổn định biên chế sự nghiệp và doanh nghiệp, tiến đến ổn định biên chế chung các cấp, bảo đảm song trùng lãnh đạo đối với các ngành chuyên môn.
- Cần giữ nguyên biên chế hành chánh hiện nay và nghiên cứu giảm dần, chuyển người sang biên chế sản xuất kinh doanh.
- Củng cố các ngành sản xuất công doanh, từng bước tiến tới hạch toán kinh tế.
- Hội đồng biên chế khu tiếp tục nghiên cứu giúp cấp uỷ thực hiện chủ trương đã đề ra.
V- Tăng cường công tác bảo vệ Đảng
Trong tình hình trước mắt hiện nay cần đặt mạnh vấn đề bảo vệ Đảng. Trong công tác bảo vệ Đảng có hai vấn đề lớn là bảo vệ tư tưởng, chính trị và bảo vệ tổ chức, trước hết là bảo vệ tư tưởng, chính trị.
Yêu cầu công tác bảo vệ Đảng là:
- Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng và nguyên tắc thủ tục đã quy định trong việc kết nạp đảng viên mới, thuyên chuyển tiếp nhận đảng viên từ nơi này sang nơi khác.
- Có kế hoạch quản lý tốt đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Công tác bảo vệ Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, của các cấp uỷ. Do đó các cấp uỷ phải có trách nhiệm theo dõi chỉ đạo chặt chẽ công tác này và làm cho các cấp, các ngành quán triệt để tích cực tham gia.
Trước hết cần củng cố bộ phận bảo vệ Đảng nằm trong Ban Tổ chức khu, tỉnh do đồng chí uỷ viên ban phụ trách để giúp cấp uỷ theo dõi chỉ đạo. ở huyện do đồng chí huyện uỷ viên phụ trách tổ chức chịu trách nhiệm. Bộ phận bảo vệ Đảng nghiên cứu kế hoạch cụ thể giúp Ban Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho cấp dưới.
VI- Đẩy mạnh công tác kiểm tra giữ gìn kỷ luật
của Đảng
Qua tình hình chấp hành kỷ luật của Đảng như trên, việc tăng cường công tác kiểm tra giữ gìn kỷ luật của Đảng là rất bức thiết và đang trở thành một trong những yêu cầu cấp bách nhất của công tác xây dựng Đảng, nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị to lớn của toàn Đảng bộ trong thời gian sắp đến.
Phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra sắp đến là: đẩy mạnh công tác kiểm tra giữ gìn kỷ luật, góp phần tích cực vào việc giáo dục đảng viên, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật và tinh thần chấp hành nghị quyết, nguyên tắc của Đảng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất của đảng viên, bảo đảm tăng cường tính giai cấp, tính tiền phong của Đảng, tăng cường sức chiến đấu và sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng trong giai đoạn mới.
VII- Kiện toàn bộ máy Đảng các cấp
Kiện toàn bộ máy Đảng các cấp (tổ chức, tuyên huấn, kiểm tra) để đủ sức giúp cấp ủy chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và đủ sức tổ chức thực hiện các mặt công tác của ngành, nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này.
Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.
1) B3: gồm các tỉnh ở Tây Nguyên và Khu V (B.T).