Nghị quyết Hội nghị Xứ uỷ Nam bộ lần thứ V, tháng 7 năm 1960

Phần thứ nhất

Đặc điểm tình hình Nam bộ từ Hội nghị xứ uỷ lần thứ IV đến nay

A- Những thắng lợi của ta và thất bại của địch:

1. Từ hội nghị Xứ uỷ lần thứ IV (9-1959) đến nay, do chúng ta chấp hành đúng đắn chủ trương của Trung ương Đảng: đẩy mạnh đấu tranh chính trị có kết hợp với hoạt động võ trang, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu, tình hình chung ở nông thôn Nam Bộ đã biến chuyển có lợi cho cách mạng. Uy thế quần chúng lên cao, tương quan lực lượng giữa ta và địch có những thay đổi quan trọng:

- Từ chỗ bị kìm kẹp chặt chẽ, quần chúng ở nhiều nơi, nhất là vùng căn cứ kháng chiến cũ, đã phấn khởi, sôi nổi vùng lên chống lại các chính sách đàn áp, khủng bố của địch mạnh mẽ, làm cho uy thế giả tạo của địch bị sụt xuống, làm cho các tổ chức đàn áp như bộ máy tề xã, ấp, dân vệ, do thám, các tổ chức phản động hoặc bị tan rã, sứt mẻ, hoặc bị khập khễnh.

- ở những vùng đó quần chúng nhân dân ta giành được nhiều quyền lợi về kinh tế và dân chủ quan trọng, như quyền lợi ruộng đất, xâu, tô, thuế má, thoát khỏi thế kìm kẹp, v.v..

- Phong trào không phải chỉ có ở vùng căn cứ, mà lan rộng đến các vùng từ trước ta không có cơ sở hay phong trào đấu tranh rất yếu, như vùng tôn giáo, vùng đồng bào Miên. Tình hình chung ở nông thôn đã tác động mạnh mẽ tình hình đô thị. Phong trào ở nông thôn đã được sự hoan nghênh ủng hộ hoặc đồng tình của quần chúng rộng rãi ở đô thị, kể cả khá đông các tầng lớp bên trên. Phong trào ấy được hỗ trợ nhiệt liệt của nhân dân miền Bắc nước ta, của phe xã hội chủ nghĩa và đã gây được ảnh hưởng tốt trên thế giới.

2. Những thắng lợi của ta đồng thời cũng là những thất bại của địch. Nói chung, trong thời gian qua, địch càng thất bại nặng nề hơn nữa về chính trị. Chính sách khủng bố ác liệt và quân sự quy mô của chúng không thể làm cho quần chúng chùn bước. Mặc dầu chúng cố gắng xuyên tạc tình hình thực tế ở nông thôn, cố lừa bịp quần chúng và nội bộ chúng, gian xảo đổ lỗi cho bọn tay sai bên dưới, nhưng chúng cũng không thể che giấu bộ mặt thật. Dư luận rộng rãi trong và ngoài nước chẳng những kết án chính sách tàn bạo của chúng mà ngày càng thấy rõ chúng đang suy yếu và nhất định bị sụp đổ. Dư luận bàn bạc trong nhân dân và trong hàng  ngũ địch về sự thất bại của Mỹ - Diệm đã trở thành dư luận công khai. Chế độ gia đình trị và lệ thuộc Mỹ ngày càng bị cô lập. Mâu thuẫn nội bộ địch thêm sâu sắc, đã buộc chính quyền miền Nam tiến hành nhiều đợt thanh trừng nội bộ và dĩ nhiên biện pháp ấy không thể làm dịu bớt mâu thuẫn, mà trái lại, càng làm cho nó trầm trọng thêm lên.

Trước phong trào quần chúng, trong thời gian qua, địch đã phô bày tất cả những nhược điểm không thể khắc phục được:

- Ngoài những phần tử ác ôn, ngoan cố ra, chúng không có một cơ sở chính trị nào vững chắc và hạ tầng tổ chức của chúng cũng hết sức bấp bênh.

- Tinh thần nhân viên chính quyền địch và binh sĩ, trừ một thiểu số ác ôn quyết chống với cách mạng đến cùng, còn nói chung thì bạc nhược, ngay cả trong chủ lực quân là chỗ dựa chính của chúng và bọn cán bộ bên trên. Chính quyền Trung ương của địch và bản thân Diệm đã tỏ ra rất lúng túng. Hiện tượng chạy dài, đầu hàng, bi quan, thất bại chủ nghĩa khá phổ biến trong hàng ngũ địch.

Trong thời gian qua, các biến cố dồn dập trên thế giới càng làm cho địch thêm bối rối, suy yếu, nhất là tình hình Nam Triều Tiên.

Chẳng những địch bị động và thất bại về chính trị mà chúng còn bị động và thất bại từng nơi, từng lúc về quân sự, về tổ chức và cả về chiến thuật đánh phá phong trào.

- Bộ máy kìm kẹp của chúng ở nhiều nơi trong nông thôn bị tan rã hoặc sứt mẻ đã làm cho địch không còn đủ phương tiện để thi hành các chính sách của chúng ở những nơi đó như trước kia. ở nhiều nơi, địch phải tạm thời đình chỉ, trì hoãn hoặc tiến hành chậm chạp việc lập các khu trù mật, gặp nhiều khó khăn về mặt vơ vét, bóc lột, bắt xâu, bắt lính, v.v.. Nói chung, trong thời gian qua, chúng bị thất thâu.

- Do chỗ bọn Dân vệ, Bảo an nhiều nơi không thể đàn áp nổi quần chúng, địch phải phân tán chủ lực đóng cập với Bảo an Dân vệ làm nhiệm vụ càn quét hàng ngày.

- Do bọn Tề và do thám nhiều nơi ở nông thôn bị đánh tan rã hay khập khiễng, chúng xử dụng chiến thuật biệt kích không hiệu quả như trước, mà ở nhiều vùng, cả các vùng sát thị xã, thị trấn, chúng phải tăng cường hành quân quy mô, vừa thất nhân tâm, thất chính trị, vừa khó đánh trúng đích.

- Một mặt khác, địch bị tiêu hao một phần sinh lực, nhất là bọn ác ôn, nòng cốt ở các đơn vị và các địa phương, làm cho chúng thêm khó khăn, lúng túng.

3. Trên đà thuận lợi chung, công tác xây dựng cơ sở của ta cũng thu được kết quả tốt. Đảng, Đoàn, hệ thống nòng cốt, tích cực được khôi phục và phát triển nhanh chóng, lan rộng vào nhiều vùng bấy lâu ta chưa có cơ sở. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang, từ lực lượng tự vệ xã đến các đơn vị tập trung, nói chung đều tiến hành thuận lợi.

Nói chung, tinh thần, tư tưởng Đảng viên, đoàn viên tiến chuyển tốt. Đại đa số các đồng chí bị địch bắt đều giữ được khí tiết.

- Sự thiệt hại về cán bộ, đảng viên, đoàn viên ở nông thôn ít hơn thời gian trước (về mặt bị địch bắt cũng như tiêu hao về cầu an, chạy dài).

4. Công tác lãnh đạo của các cấp đã có nhiều tiến bộ. Nhiều đảng bộ đã mạnh dạn phát động quần chúng, đưa quần chúng ra đấu tranh bằng mọi hình thức với địch, đưa phong trào tiến lên mạnh mẽ. Nhiều đảng bộ đã biết dựa vào quyền lợi của quần chúng nông dân, phát động phong trào đấu tranh cho các quyền lợi thiết thân của nông dân, chủ yếu là quyền lợi ruộng đất, mà đưa phong trào lên. Nói chung, các Đảng bộ đã kịp thời xây dựng các đội tự vệ xã, có võ trang, để trừng trị bọn ác ôn trong địa phương, để bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, có tác dụng hạ uy thế địch và phát động quần chúng. Một số địa phương, trong khi đưa hình thức đấu tranh vũ trang ra đúng mức, đã khéo léo tranh thủ được thế hợp pháp cho quần chúng, đã đưa ra nhiều cuộc đấu tranh chính trị mạnh mẽ, tập hợp thật đông đảo quần chúng.

5. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích vừa nói trên, phong trào qua còn có một số thiếu sót, lệch lạc đáng kể:

a) Nói chung chúng ta chưa chú trọng đúng mức việc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phát động một cuộc tấn công chính trị mạnh mẽ, dồn dập, trong tình hình rất thuận lợi vừa qua. Trong các hoạt động, chúng ta chưa nêu cao các khẩu hiệu chính trị chĩa vào chế độ gia đình trị, lệ thuộc Mỹ và chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam, nhằm tập hợp quần chúng rộng rãi hơn nữa bao gồm mọi giới, mọi từng lớp từ thành thị đến nông thôn vào một mặt trận thống nhất, phất cao ngọn cờ chính nghĩa của ta, cô lập địch triệt để. Chúng ta chưa chú trọng việc hướng dẫn dư luận quần chúng, tập trung dư luận vào những mục tiêu chính trị từng lúc của ta. Các khẩu hiệu đấu tranh nêu ra chưa xoáy vào những trọng tâm và yêu cầu trước mắt, chưa thể hiện được sách lược linh hoạt của chúng ta.

b) ở một số nơi, chúng ta chưa chú trọng sách lược của Đảng nhắm vào bọn ác ôn đầu sỏ, nhắm vào gia đình Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ, mà mở diện đả kích quá rộng. Có nơi không phân biệt đối xử đối với các phần tử địa chủ. Nói chung, trong công tác, chúng ta nặng về mặt đe doạ và trừng trị làm cho địch hoảng sợ hơn là tranh thủ làm sáng tỏ chính nghĩa của ta, giành lấy sự đồng tình của ngay nhân viên và binh sĩ địch. Công tác binh vận và chính quyền vận còn yếu, chính sách của ta chưa được phổ biến trong đông đảo binh sĩ và nhân viên chính quyền địch.

c) Các đảng bộ chưa quan tâm đúng mức đến công tác đô thị, các vùng yếu, vùng tôn giáo, di cư, công nhân cao su, v.v.. Mặc dầu phong trào các vùng này có nhích lên so với thời gian trước, nhưng nói chung vẫn còn yếu. Do đó, mà phong trào ở Nam Bộ chưa được đồng đều. Chúng ta chưa biết nhân cơ hội thuận lợi là phong trào ở nông thôn mạnh mà đẩy phong trào ở đô thị và các vùng yếu tiến lên. Công tác chỉ đạo còn bó hẹp trong các vùng căn cứ cũ.

d) ở nhiều nơi, ta không mạnh dạn kịp thời làm tan rã bộ máy Tề, do thám, dân vệ, mặc dầu ta có điều kiện, nhiều nơi rụt rè, không dám phát động quần chúng đứng lên chống địch, không dám để cho một bộ phận quần chúng dùng bạo lực hay võ trang chống địch, bảo vệ tính mạng và tài sản, khi tình thế bắt buộc quần chúng phải làm như vậy. Ngược lại, có nơi lại không chú trọng tranh thủ đúng mức thế hợp pháp và khả năng hợp pháp của quần chúng. Trong khi ta còn có khả năng, có quan niệm cố định cho rằng hễ cứ hoạt động võ trang mạnh, tề tan rã, thì không còn có khả năng giữ thế hợp pháp cho quần chúng nữa. Đó là quan niệm sai lầm. Hơn nữa, có nơi vì không nắm vững phương châm sách lược hiện nay nên đã đưa quần chúng đông đảo vào thế bất hợp pháp.

đ) Nhiều nơi, ta chưa chú trọng đúng mức việc mở rộng cơ sở Đảng, Đoàn và hệ thống nòng cốt tích cực, nhất là ở đô thị, các vùng xung yếu, trong tôn giáo, di cư, công nhân cao su. Số lượng đoàn viên thanh niên lao động còn ít so với khả năng và nhu cầu phát triển. ở đô thị, do chúng ta chấp hành phương châm không đúng, nên cơ sở Đảng, Đoàn vẫn còn bị thiệt hại.

e) Nói chung, chúng ta chưa quan niệm và chưa có kế hoạch cụ thể sử dụng mâu thuẫn nội bộ địch để phân hóa hàng ngũ chúng hơn nữa.

f) Về hoạt động vũ trang, có nơi chưa chú ý đúng mức xây dựng các đội tự vệ vũ trang ở xã là nền tảng và nguồn bổ sung của lực lượng vũ trang cách mạng và là tổ chức có trách nhiệm hàng ngày bảo vệ quần chúng, phát động phong trào, phá thế kìm kẹp của địch. ý thức ỷ lại vũ khí hiện đại còn nặng, coi thường tác dụng các loại vũ khí thô sơ.

Về tác chiến, một số nơi không nắm vững phương châm, phạm chủ quan, bị động và vài trường hợp bị tiêu hao trong chiến đấu.

Trình độ chính trị, nhất là trình độ chiến, kỹ thuật của các lực lượng vũ trang còn cần phải được chú ý nâng cao hơn nữa.

6. Những thắng lợi trong thời gian qua quả là do tinh thần cách mạng của đông đảo quần chúng, theo đường lối đấu tranh chính trị có kết hợp võ trang của Đảng và lòng hăng hái hy sinh kiên quyết bám quần chúng, bám địa phương của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên. Tình hình ấy chứng minh đường lối, chính sách của Đảng ta hoàn toàn chính xác.

Những thiếu sót lệch lạc trong thời gian qua là do đông đảo đảng viên cán bộ chưa nắm vững đường lối chính sách của Đảng, chưa đo lường hết những biến chuyển của tình hình, trình độ chấp hành công tác nói chung còn thấp. Về mặt tư tưởng, bên cạnh tư tưởng cầu an, hữu khuynh đang còn tồn tại trong Đảng, thì tư tưởng nôn nóng, chủ quan cho rằng chúng ta sắp khởi nghĩa, cho rằng địch hoàn toàn yếu, thích ăn to đánh lớn, không chú trọng đến chính trị là những tư tưởng biểu hiện phổ biến hiện nay và cũng là nguyên nhân của các lệch lạc nói trên.

b- Những âm mưu sắp tới của địch

Âm mưu bao trùm của địch trong thời gian sắp tới là: cố gắng giành thế chủ động, cố gắng lập lại thế kìm kẹp ở nông thôn và thiết lập thế kìm kẹp ở đô thị. Để thực hiện âm mưu ấy, một mặt chúng dùng lực lượng quân đội tấn công vào quần chúng, Đảng và lực lượng vũ trang cách mạng, một mặt chúng sẽ tích cực gây chia rẽ giữa cách mạng và các tôn giáo, gieo nghi ngờ trong nội bộ nhân dân, đánh lạc hướng căm thù của quần chúng. Đồng thời, đế quốc Mỹ sẽ can thiệp sâu hơn nữa vào tình hình miền Nam, tạo mọi cách để cột miền Nam vào khối quân sự Đông - Nam á.

Cụ thể:

1. Chúng tiếp tục đuổi nhà, cướp đất, tập trung dân vào các khu trù mật. Chúng cố bám vào chính sách khu trù mật mà chúng xem là quốc sách.

2. Tăng cường hành quân đánh phá phong trào, tấn công các lực lượng vũ trang và các vùng căn cứ. Thiết lập hệ thống dinh điền, đường xá để bao vây, chia cắt các vùng căn cứ, phòng thủ và phá hoại kinh tế vùng căn cứ. Tăng cường những hành động giết chóc điển hình. Tăng cường hoạt động cơ giới.

3. Tích cực tổ chức và hoạt động do thám gián điệp, tích cực phòng và phản vận. Tăng cường hoạt động biệt kích, tăng cường và sử dụng các lực lượng bán quân sự.

4. Tích cực khôi phục lại bộ máy tề xã, ấp, các tổ chức phản động

5. Xúc tiến việc tái vũ trang các giáo phái.

6. Tiếp tục chính sách vơ vét, bóc lột, cướp giật.

Tóm lại, địch tiếp tục thi hành chính sách quân sự quy mô và độc tài phát xít với mức độ gay gắt hơn nữa và tùy nơi tùy lúc còn tạm thời gây cho phong trào khó khăn, cản trở (nhất là nếu ta chủ quan). Nhưng trước phong trào đấu tranh đang mỗi ngày phát triển, địch không thể nào khắc phục được khó khăn và nhược điểm căn bản của chúng.  Sự cố gắng tuyệt vọng của địch chỉ có một kết quả là làm cho lòng căm thù của mọi tầng lớp nhân dân càng sâu sắc, phong trào cách mạng càng nâng cao và chúng càng suy yếu, cô lập, càng lao đầu mau lẹ vào chỗ sụp đổ hoàn toàn.

c- Những thuận lợi căn bản và những khó khăn hiện tại của ta

Về thuận lợi căn bản:

1. Các tầng lớp nhân dân gồm cả đồng bào di cư, tôn giáo, thiểu số, các phần tử có tinh thần dân tộc trong tư sản ngày càng chống lại chính sách vũ lực, chính sách độc tài phát xít của Mỹ - Diệm một cách mạnh mẽ và rộng khắp. Sự bất mãn và mất tin tưởng lan sâu trong nội bộ địch. Trước phong trào của quần chúng, nhiều phần tử, phe phái thân Mỹ,  Pháp ra mặt chống đối Diệm. Phong trào chung ở Nam Bộ lại được phong trào vững chắc ở nông thôn làm nòng cốt. Phong trào đô thị cũng có những tiền đề thuận lợi để tiến lên.

2. Nội bộ kẻ thù, trước phong trào cách mạng, sẽ càng phân hóa, lục đục. Thế lực của tập đoàn thân Mỹ phản động nhất, chế độ gia đình trị nhất định càng bị cô lập nặng nề hơn nữa.

Tinh thần binh sĩ địch nói chung suy nhược và sẽ càng suy nhược hơn nữa, mặc dầu một thiểu số sẽ ác ôn hơn.

Địch sẽ tiếp tục bị động về mặt chính trị, tổ chức, quân sự, và kinh tế.

Khả năng đánh phá phong trào của chúng tuy còn, nhưng nếu chúng ta chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, sẽ  bị hạn chế nhiều và càng dẫn địch đến chỗ thất bại lớn hơn, lúng túng lớn hơn.

3. Lực lượng cách mạng, tổ chức Đảng đoàn, tổ chức quần chúng và lực lượng võ trang của ta không ngừng lớn mạnh về số lượng cũng như về chất lượng, trình độ lãnh đạo và công tác của cán bộ không ngừng tăng tiến là đảm bảo rất lớn cho cách mạng.

4. Ta đã có đủ điều kiện để hình thành một mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam, bao gồm cả lực lượng cơ bản và lực lượng bên trên. Đồng thời, các từng lớp tư sản, trí thức cách mạng cũng tương đối đã có đủ điều kiện thành lập các tổ chức chính trị thay mặt cho giai cấp, từng lớp của mình tham gia vào một mặt trận đấu tranh chung.

5. Tình hình miền Bắc và thế giới phát triển có lợi cho ta, nhất là phong trào chống Mỹ ở những nước bị Mỹ nô dịch.

6. Đại hội lần thứ III của Đảng sẽ càng soi sáng thêm đường lối đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Sự chỉ đạo luôn luôn kịp thời và chính xác của Trung ương Đảng là yếu tố rất quan trọng bảo đảm thắng lợi cho phong trào cách mạng miền Nam.

Về khó khăn hiện tại của ta:

1. Phong trào và cơ sở ở vùng đô thị, một số vùng thôn quê, trong di cư và trong lòng địch còn yếu. Phong trào nói chung không đều. Căn cứ cách mạng chưa được vững.

2. Các ngành các cấp rất thiếu cán bộ.

3. Sự phát triển mau lẹ của tình hình có làm cho cán bộ, đảng viên của ta bỡ ngỡ, lúng túng. Đường lối, chính sách của Đảng lại chưa được phổ biến sâu rộng trong Đảng viên. Trình độ chấp hành chính sách của cán bộ, đảng viên nói chung còn kém, chưa vững và chưa linh hoạt. Trình độ chỉ huy và tác chiến của các lực lượng võ trang của ta nói chung còn thấp.

4. Số lượng đảng viên, đoàn viên, nòng cốt, tích cực vẫn còn ít so với nhu cầu lãnh đạo phong trào. Lực lượng võ trang của ta cũng mới bắt đầu xây dựng, số lượng chưa đáp ứng với sự cần thiết của công tác.

5. Ưu thế về quân sự của Mỹ - Diệm đối với ta và sự can thiệp ngày càng sâu của đế quốc Mỹ vào miền Nam cũng gây cho ta nhiều khó khăn.

Những khó khăn nói trên chỉ là tạm thời, chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được, nếu toàn thể Đảng bộ nỗ lực và quyết tâm, nếu chúng ta nắm vững đường lối căn bản và sách lược linh hoạt của Đảng.

*
*      *

Đánh giá chung tình hình trong thời gian qua, chúng ta thấy phong trào cách mạng ở Nam Bộ phát triển mau chóng và trên cơ sở vững chắc. Tình hình ấy đã thay đổi thế tương quan ta địch ở nông thôn. Phong trào đã thâu được những thắng lợi căn bản và mở ra một triển vọng tốt đẹp.

Mặc dầu trong thời gian qua, chúng ta còn vấp một số sai lầm, và bị một số tổn thất đáng kể, nhưng xét chung, thắng lợi là căn bản, sai lầm và tổn thất là cục bộ và tạm thời.

Tuy nhiên, đánh giá chung tương quan lực lượng ở miền Nam hiện nay, chúng ta thấy rằng chúng ta đã mạnh, nhưng chưa phải mạnh hẳn. Phong trào và cơ sở còn cần phải có thời gian để khôi phục và phát triển. Cũng cần phải qua một thời gian kiên trì vận động, chúng ta mới có thể lôi cuốn vào mặt trận đấu tranh ở miền Nam tuyệt đại đa số nhân dân, nhất là nhân dân ở đô thị, các tầng lớp bên trên, tôn giáo, di cư, v.v.. Phong trào ở nông thôn hiện nay khá mạnh, nhưng cũng còn chưa đều khắp vả lại chỉ với phong trào nông thôn không, chúng ta vẫn chưa có thể đánh đổ được kẻ thù, mà cần phải có phong trào đều và rộng khắp các vùng, nhất là ở đô thị và phải có vùng căn cứ vững chắc.

Về kẻ địch, tuy chúng suy yếu rõ rệt, ngày càng xuống dốc, nhưng cũng chưa phải đã đến lúc chúng tan rã toàn bộ. Hiện nay, trong khi về mặt chính trị, chúng kém hẳn ta, chúng vẫn còn giữ ưu thế trên một chừng mực rất lớn về mặt quân sự đối với ta. Chúng vẫn còn nắm được và sử dụng được những bộ phận ngoan cố trong bộ máy của chúng làm nòng cốt thối động các lực lượng khác chống lại cách mạng.

Về tình hình thế giới, mặc dầu thế ta đã hơn hẳn phe đế quốc, nhưng cá biệt nơi này hay nơi khác, mặt này hay mặt khác đế quốc nhất là đế quốc Mỹ, vẫn còn giữ ưu thế. Miền Nam nước ta nằm trong khu vực Đông - Nam á là nơi tuy có nhiều nước theo chính sách trung lập, nhưng cũng là nơi Mỹ còn giữ nhiều vị trí. Các nước theo chính sách trung lập, chính quyền thuộc về giai cấp tư sản, tuy cũng chống đế quốc nhưng cũng không thích - thậm chí còn chống lại - phe xã hội chủ nghĩa và thái độ căn bản và còn lâu dài của bọn này là dựa cả vào hai phe và lợi dụng cả hai phe.

Tình hình giằng co ấy trên thế giới không thể không ảnh hưởng đến tương quan lực lượng ở miền Nam Việt Nam.

Chính vì vậy, chúng ta thấy rằng cuộc đấu tranh hiện nay ở miền Nam còn ở trong thế giằng co chứ chưa phải đã bước vào thời kỳ trực tiếp cách mạng. ở thời kỳ giằng co, trong thế lên của ta, ta vẫn còn có thể bị địch lấn lướt từng nơi, từng lúc nhất định. Trong thời kỳ giằng co, nhiệm vụ chủ yếu của đảng bộ chúng ta là xúc tích và phát triển lực lượng, củng cố phong trào, tấn công địch từng bước vững chắc, khéo léo, giữ đại bộ phận quần chúng trong thế hợp pháp. Để thực hiện điều đó, vấn đề chấp hành sách lược của Đảng là vấn đề quan trọng nhất. Hiện nay, chúng ta chẳng những phải mạnh dạn phát động quần chúng tấn công địch mà còn phải biết nuôi dưỡng, duy trì phong trào, hướng lòng hăng hái cách mạng của quần chúng vào cuộc đấu tranh chính trị, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, củng cố lực lượng cách mạng rộng mạnh hơn nữa, để đủ sức đảm bảo cho phong trào cách mạng một khi có thời cơ, vùng lên khởi nghĩa là nhất định nắm được thắng lợi hoàn toàn.

Dĩ nhiên, giai đoạn giằng co hiện nay có những đặc điểm của nó. Chúng ta giằng co với địch trong khi nhân dân ta đã trải qua cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến 5 năm và cuộc đấu tranh chính trị 6 năm, trong khi Đảng bộ miền Nam đã có uy thế lớn lao và tổ chức khá vững mạnh, trong khi kẻ thù đang thất bại liên miên, trong thế phong trào cách mạng hiện tại đang lên mau chóng, và trong hoàn cảnh thuận lợi của tình hình miền Bắc và thế giới. Chính vì thế mà giai đoạn giằng co hiện nay sẽ không phải quá lâu dài và tiền đồ của cách mạng không phải quá xa lơ xa lắc.

Trong một thời gian ngắn, từ cuối năm 1959 đến nay, bao nhiêu biến chuyển trọng đại đã xảy ra. Qua những biến chuyển ấy, chúng ta càng thấy rõ khả năng cách mạng vô cùng của quần chúng, càng thấy rõ đường lối đúng đắn của Đảng, để vững lòng tiếp tục nhiệm vụ cách mạng trong thời gian trước mắt.

Phần thứ hai

Phương hướng công tác trước mắt của đảng bộ

Căn cứ vào những đặc điểm của tình hình trong thời gian qua, chúng ta đã xác định là cuộc đấu tranh của chúng ta hiện nay còn ở trong giai đoạn giằng co. Yêu cầu của chúng ta hiện nay, nói chung là tích cực biến chuyển tương quan lực lượng có lợi cho chúng ta hơn nữa, làm suy yếu địch hơn nữa. Các nhiệm vụ và công tác dưới đây nhằm đạt yêu cầu ấy. Nói một cách khác, các nhiệm vụ và công tác của chúng ta đề ra là để chấp hành Nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ 15 và các chỉ thị khác của Trung ương trong tình hình cụ thể hiện nay.

A- Nhiệm vụ bao quát trước mắt của chúng ta

1. Phát động các từng lớp nhân dân ở nông thôn cũng như ở thành thị một phong trào đấu tranh rộng rãi mạnh mẽ để giữ vững những thắng lợi và tiếp tục tấn công chính trị làm cho địch càng thất bại và bị động hơn nữa trên mọi mặt, nhằm đánh lùi từng bước âm mưu chính sách của địch, đưa phong trào tiến lên từng bước, dần dần tạo điều kiện và thời cơ cho cuộc khởi nghĩa đánh đổ toàn bộ chính quyền Mỹ - Diệm.

Cụ thể trước mắt nhằm chống các chính sách của địch như: chống chính sách vũ lực khủng bố tàn bạo giết hại nhân dân, chống bắt xâu, dồn dân lập khu trù mật dinh điền, chống can thiệp và lệ thuộc Mỹ, chống độc quyền kinh tế và độc tài chính trị, chống bóc lột vơ vét, đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống, bảo vệ quyền lợi ruộng đất, đòi hủy bỏ Luật 10/59 và giải tán các toà án quân sự đặc biệt; đòi thủ tiêu chế độ độc tài phát xít gia đình trị Ngô Đình Diệm, thành lập một chính quyền dân chủ tiến bộ, thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình trung lập, tiến tới thực hiện thống nhất đất nước theo tinh thần của Hội nghị Giơnevơ.

2. Ra sức tích cực xây dựng lực lượng vũ trang và bố trí rộng khắp để đủ sức ứng phó với mọi tình thế. Tích cực xây dựng căn cứ cách mạng.

3. Tích cực đẩy mạnh công tác dân vận. Ra sức xây dựng củng cố phát triển Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác binh vận trên cơ sở công nông binh liên hiệp để hạn chế khả năng đàn áp của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng đấu tranh chống khủng bố, chống áp bức bóc lột. Tích cực khẩn trương xây dựng củng cố phát triển Đảng, đoàn và tổ chức quần chúng.

B- Các công tác cụ thể:

1. Tích cực đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị có kết hợp vũ trang đúng mức để tiếp tục phá thế kìm kẹp, giữ vững và mở rộng thế chủ động ở nông thôn, đồng thời phải hết sức chú trọng đẩy mạnh phong trào đô thị:

Để thực hiện yêu cầu trên cần chú trọng những điểm sau đây:

ở nông thôn:

- Phải hết sức kiên trì đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống bắt lính, chống tập trung dân vô các khu trù mật một cách rộng rãi và quyết liệt hơn nữa. Cần nhận rõ đúng mức tầm quan trọng và tính chất giằng co quyết liệt với địch của cuộc đấu tranh này. Đồng thời phải tích cực đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống khủng bố, đòi đảm bảo tính mạng tài sản, đảm bảo an ninh trật tự, chống cưỡng bách nhân dân vô các tổ chức phản động và bán quân sự; đòi thực hiện dân chủ ở nông thôn, chống những luật lệ hà khắc ràng buộc nhân dân, chống bọn làng lính và cường hào gian ác, đòi bầu cử chính quyền xã trong những vùng tương quan ta yếu (ở những vùng ta mạnh chính quyền xã của địch bị tan rã, tê liệt, địch không rún ép nhân dân lập lại tề được thì ta không cần nêu). Phải hết sức chú trọng đấu tranh cho các khẩu hiệu ruộng đất, chống bóc lột vơ vét kết hợp với chống khủng bố tố cộng.

- Kiên quyết làm tan rã tề ấp, liên gia, các tổ chức phản động và do thám gián điệp, dân vệ trong các vùng nông thôn rộng lớn. Đối với tề xã thì nói chung là ta chưa chủ trương xoá bỏ, ở vùng căn cứ cũng như vùng xôi đậu, để giữ thế hợp pháp cho quần chúng, nhưng phải làm cho tề xã khập khễnh, sứt mẻ, bất lực hình thức và tổ chức của địch, mà nội dung thì ngán sợ uy thế quần chúng, không dám và không thể thi hành triệt để chủ trương của địch, thậm chí còn làm lợi cho quần chúng.

Muốn có một phong trào mạnh mẽ và bền bỉ đấu tranh chống địch, căn bản phải phát động quần chúng nông dân. Phát động quần chúng là tuyên truyền, giáo dục ý thức giai cấp và lòng yêu nước và căm thù địch của quần chúng, đưa quần chúng ra đấu tranh chống địch.

Bên cạnh đẩy mạnh hình thức đấu tranh chính trị mạnh mẽ với địch còn phải biết kết hợp hoạt động vũ trang đúng mức và hình thức bạo lực của quần chúng trong những trường hợp cần thiết (vận dụng phương châm hình thức đấu tranh phải hết sức linh hoạt, tuỳ theo tình hình cụ thể của từng nơi, từng lúc mà chỉ đạo cho thích ứng).

ở vùng nông thôn đông dân, vì tương quan ta địch hiện nay, nên cần phải kiên quyết giữ vững phong trào quần chúng bền bỉ đấu tranh với địch, trên cơ sở đó đưa phong trào tiến lên từng bước vững chắc. Do tính chất giằng co tương đối lâu dài ở những vùng ấy, nên căn bản phải giữ vững phong trào ở thế hợp pháp. Phải ra sức xây dựng và xúc tích lực lượng, phải tích cực và bền bỉ đấu tranh, khéo công tác, khéo che giấu lực lượng, đồng thời phải biết kết hợp đúng đắn và linh hoạt các hình thức đấu tranh. Đảm bảo chi bộ không bị lộ mặt, tồn tại vững chắc và gắn chặt trong quần chúng.

Hiện nay tuy các hình thức đấu tranh ở nông thôn có cao hơn và quyết liệt hơn ở đô thị nhưng phong trào nông thôn hiện nay cũng phải nêu cao những khẩu hiệu chính trị đòi địch phải chấm dứt chính sách tàn bạo bóc lột vơ vét khủng bố tàn sát, đòi địch phải thay đổi chính sách, đòi phải có chế độ dân chủ, v.v. tức là dầu cho dùng bất cứ hình thức đấu tranh nào, đến cả hình thức đấu tranh võ trang tự vệ, thì cũng phải nhằm tấn công chính trị địch, làm cho địch bị động hơn nữa.

ở đô thị:

Biết nắm lấy cơ hội trong lúc phong trào nông thôn đang chuyển lên và tình hình chính trị có nhiều thuận lợi mà cố gắng hơn nữa để đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho các khẩu hiệu kinh tế, văn hóa, chính trị thiết thân trước mắt hiện nay. Phải hết sức chú trọng khẩu hiệu kinh tế thiết thân như đòi công ăn việc làm, chống sa thải, đòi tăng lương giảm thuế, chống thuế, chống phạt, chống giá sanh hoạt đắt đỏ, đồng thời liên kết chống các chính sách kìm kẹp của địch (liên gia, khủng bố, v.v.), v.v.. Trong các từng lớp học sinh, sinh viên, trí thức chú trọng về yêu sách văn hóa.

- Về yêu sách trước mắt nói chung là đòi cải cách dân sinh dân chủ nhưng hình thức đấu tranh càng có tính chất cách mạng mạnh mẽ thì càng có lợi, để thúc đẩy phong trào đấu tranh chung. ở đô thị, nhất là ở S/C1), cần kết hợp khéo léo các mặt đấu tranh hợp pháp với bất hợp pháp và bán hợp pháp, đặc biệt là phải lấy sức đấu tranh của quần chúng mà tranh thủ lợi dụng các tổ chức công khai (như nghiệp đoàn, v.v.) để hoạt động.

- Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào đấu tranh dân sinh dân chủ với những khẩu hiệu bức thiết trước mắt, còn phải biết nhân tình hình chính trị có lợi hiện nay để tiến công chính trị địch, nhằm chống các chính sách của Mỹ - Diệm và đòi phải thay đổi các chính sách kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa hiện hành, đòi huỷ bỏ Luật 10/59 và giải tán các toà án quân sự đặc biệt, đòi đình chỉ và huỷ bỏ việc thành lập các khu trù mật dinh điền, phản đối sự can thiệp và lệ thuộc Mỹ, đòi tống cổ cố vấn Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, đòi hòa bình thống nhất đất nước theo tinh thần Hiệp nghị Giơnevơ, đòi thủ tiêu chế độ độc tài phát xít gia đình trị, thành lập một chính quyền dân chủ tiến bộ, v.v..

- Phải gây một phong trào dư luận ủng hộ đồng tình với phong trào nông thôn, đòi chấm dứt những cuộc hành quân bắn giết nhân dân nông thôn.

- Những khẩu hiệu chính trị trên đây, bước đầu nhằm gây thành dư luận bàn tán rộng rãi và mạnh mẽ. Đó cũng là yêu cầu trước mắt và rất quan trọng hiện nay đối với đô thị. Trên đà dư luận mạnh mẽ sôi nổi ấy, biết kịp thời lãnh đạo biến thành hành động đấu tranh cho các khẩu hiệu chính trị nêu trên. Làm cho các từng lớp nhân dân ở đô thị thấy những thắng lợi của phong trào nông thôn để tăng thêm phấn khởi và quyết tâm đấu tranh chống địch trong đô thị.

- Để mở rộng mặt trận đấu tranh ở đô thị, phải dựa chặt chẽ vào phong trào công nhân và quần chúng lao động nghèo, liên hiệp với học sinh, sinh viên, tiểu tư sản và các từng lớp bên trên. Phải ra sức tranh thủ những phe phái, những phần tử có ít nhiều khuynh hướng chống Mỹ - Diệm, triệt để lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ địch, phải hết sức tranh thủ binh lính và cảnh sát để trung lập hoặc đồng tình ủng hộ đấu tranh, làm cho phong trào đấu tranh có tính chất mặt trận rộng rãi, nhằm đẩy lùi từng bước một những chính sách độc tài phát xít của Mỹ - Diệm, đánh đổ chính quyền phản động thân Mỹ từng phần.

- Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, trong phong trào đô thị cần phải hết sức bảo toàn cơ sở cách mạng hiện có, ra sức củng cố phát triển lực lượng cách mạng. Phải tích cực xây dựng chi bộ nhỏ, gọn, ở các xí nghiệp, các khu lao động, các chợ, các trường học, đường phố, v.v..

- Cần đặc biệt chú ý đến công tác ở các vùng nông thôn quanh đô thị. Phong trào cách mạng các vùng này mạnh mẽ có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt phong trào trong đô thị.

Tóm lại:

Để thực hiện yêu cầu đẩy mạnh phong trào nông thôn và đô thị, trong chỉ đạo cần chú trọng những điểm sau đây:

1) Phải hết sức đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, thực hiện mặt trận đấu tranh rộng rãi. Phải ra sức lợi dụng từng thời cơ để chiến thắng từng bước một, kiên trì vững vàng vươn lên. Phải biết nuôi dưỡng, duy trì tinh thần cách mạng của quần chúng, hướng lòng hăng hái cách mạng của quần chúng vào phong trào đấu tranh tấn công chính trị địch một cách quyết liệt hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và củng cố lực lượng cách mạng.

Một mặt khác cần nhận rõ phong trào nông thôn là trung tâm cách mạng, là lực lượng thúc đẩy phong trào chung, nhưng phong trào đô thị hết sức quan trọng và khi chuyển lên mạnh thì có tác dụng rất cơ động. Nếu phong trào ở nông thôn mạnh và đô thị yếu thì không thể khởi nghĩa giành chính quyền được.

2) Đặc biệt chú trọng việc phát động quần chúng và tổ chức quần chúng nhất là trong số quần chúng lạc hậu và quần chúng các tôn giáo, di cư, thiểu số, v.v.. Phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng, kịp thời bẻ gãy những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và lừa bịp của địch và của bọn đầu cơ chính trị. Phải làm cho quần chúng giác ngộ sâu sắc và đầy đủ rằng, tất cả những tội ác đang gây ra hiện nay đều do các chính sách của Mỹ - Diệm và nuôi dưỡng khơi sâu lòng căm thù ấy, kiên quyết giành thắng lợi hàng ngày về mặt tư tưởng và chính trị trong quần chúng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào đấu tranh thắng lợi của nhân dân miền Nam, phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự lớn mạnh của phe ta, của phong trào cộng sản, công nhân, hòa bình, dân chủ và độc lập dân tộc trên thế giới trong các từng lớp nhân dân.

3) Chú trọng đẩy mạnh mọi mặt công tác trong ba vùng. Nắm vững phương châm ba vùng, đứng vững ba chân trên ba vùng mà tích cực hơn nữa việc xây dựng lực lượng cách mạng và phát triển đấu tranh. Cần nhận rõ mỗi vùng có một vị trí khác nhau nhưng quan hệ chặt chẽ với nhau. Do đó trong chỉ đạo phải chú trọng đúng mức cả ba vùng để có sự hỗ trợ giữa ba vùng trong quá trình phát triển.

4) Kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và võ trang một cách chặt chẽ và linh hoạt để phù hợp với tình hình cụ thể của từng nơi từng lúc, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phong trào tiến lên. Trước mắt hiện nay đẩy mạnh hoạt động vũ trang nhằm hỗ trợ thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị. Đấu tranh chính trị so với đấu tranh võ trang là hình thức thấp hơn, nhưng trước mắt lại là hình thức đấu tranh chủ yếu, là thế mạnh của phong trào để tấn công địch. Nếu chỉ nặng về đấu tranh võ trang, nhẹ đấu tranh chính trị trong lúc này là biểu lộ thế tự vệ nhiều hơn thế tấn công của phong trào. Do chỗ địch giữ ưu thế về quân sự, và ta giữ ưu thế về chính trị, nếu ta chỉ chú trọng về võ trang, chuyển biến cuộc đấu tranh hiện tại thành đấu tranh võ trang là chủ yếu thì ta sẽ đứng về chỗ yếu nhất mà chống lại mặt mạnh nhất của địch.

Trước mắt hiện nay một số vùng trong nông thôn có xuất hiện hình thức đấu tranh võ trang tự vệ của một số quần chúng, nhưng không vì thế mà không tranh thủ hình thức đấu tranh chính trị và thế hợp pháp là hình thức và thế đấu tranh chủ yếu hiện nay.

Trong chỉ đạo phải nắm vững đường lối, phương châm, sách lược của Đảng. Phải biết kiên trì linh hoạt, sáng tạo, tích cực khẩn trương nhưng phải thận trọng khéo léo. Đề phòng tư tưởng chủ quan, phiêu lưu, cục bộ; chống cố thủ chần chờ, thiếu tích cực khẩn trương làm hạn chế phong trào, đồng thời phải khắc phục những khuynh hướng tư tưởng đơn thuần võ trang xem nhẹ đấu tranh chính trị, hoặc coi như khởi nghĩa đã đến, những tư tưởng nóng vội, chủ quan khinh địch, thiếu cảnh giác, v.v..

5) Nắm vững sách lược của Đảng. Tăng cường việc mở rộng mặt trận. Trong phong trào, phải biết dựa vào lực lượng công nông là nền tảng của mặt trận, đoàn kết với tiểu tư sản và tư sản dân tộc là hai lực lượng cách mạng để lôi kéo các phần tử, lực lượng khác. Trong đấu tranh chính trị cũng như trong hoạt động vũ trang phải biết phân hóa, cô lập, tranh thủ từng tên, từng bộ phận một. Không phân hóa tranh thủ thì đấu tranh sẽ gặp khó khăn, ngược lại, không đấu tranh đúng mức thì không phân hóa được tốt. Cần hết sức chú ý công tác binh vận, chính quyền vận và kịp thời lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ địch, lợi dụng bọn thân Pháp, thân Mỹ chống Diệm để mở rộng phong trào.

6) Tích cực khẩn trương xây dựng củng cố phát triển Đảng trong các vùng. Đảm bảo cơ sở Đảng tồn tại và bám sát quần chúng để lãnh đạo phong trào. Phải xúc tích lực lượng bảo tồn cơ sở. Tích cực phát triển Đoàn, hệ thống bí mật và các tổ chức quần chúng khác.

7) Để gây dư luận mạnh mẽ ở Sài Gòn - Chợ Lớn ngoài khả năng của Đảng bộ S/C, các tỉnh cần hỗ trợ bằng cách sử dụng những quan hệ sẵn có để hướng dẫn dư luận dồn về đô thị và hỗ trợ cho S/C về mặt xây dựng tổ chức.

2. Tích cực xây dựng lực lượng võ trang lớn mạnh và bố trí rộng khắp để đủ sức ứng phó với mọi tình thế;

- Tích cực xây dựng căn cứ

- Về xây dựng và hoạt động võ trang:

Cần chú trọng mấy điểm:

1) Xây dựng phải tích cực khẩn trương nhưng tiến hành phải có kế hoạch từng bước và vững chắc. Xây dựng lực lượng lớn mạnh không có nghĩa là chỉ tập trung quy mô, làm mất tác dụng hỗ trợ cho phong trào mà còn bị động về nhiều mặt khác. Cần nhận rõ yêu cầu của địa phương để giải quyết vấn đề trang bị. Những hoạt động của tự vệ xã phải theo đúng đường lối phương châm của Đảng. Chú trọng xây dựng lực lượng ngầm trong các vùng xung yếu chiến lược. Kết hợp hoạt động võ trang ở vùng đô thị, tôn giáo, v.v. phải hết sức thận trọng cân nhắc kỹ.

2) Tích cực tăng cường chất lượng chính trị và tư tưởng cũng như về kỹ, chiến thuật để bảo đảm chiến đấu. Phải làm cho cán bộ và đội viên thông suốt tính chất cách mạng quân đội công nông và là lực lượng võ trang của Đảng, do Đảng lãnh đạo và giáo dục, và nắm vững đường lối phương châm sách lược của Đảng, cũng như nhận rõ nhiệm vụ, phương châm hoạt động, phương châm tác chiến của lực lượng võ trang trong cuộc đấu tranh hiện tại.

Đặc biệt chú trọng tăng cường công tác Đảng, đề cao vai trò Chi bộ trong đơn vị, đề cao hơn nữa tính dân chủ và tập thể trong các đơn vị để phát huy hết khả năng lực lượng vũ trang của Đảng. Các cấp Đảng bộ phải lãnh đạo chặt chẽ về mọi mặt các lực lượng võ trang. Phải tích cực xây dựng Chi đoàn Thanh niên Lao động trong các đơn vị võ trang.

Ngoài ra cần chú trọng tăng cường công tác Tham mưu, hậu cần, y tế, công xưởng, v.v., đặc biệt chú trọng công tác địch tình quân báo.

3) Về mặt hoạt động và tác chiến: để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị trước mắt, các lực lượng võ trang cần mở rộng địa bàn hoạt động và tạo thế liên hoàn hỗ trợ lẫn nhau. Diện hoạt động phải được mở rộng và thọc sâu ra vùng ngoài, vừa để thực hiện hỗ trợ phong trào và tạo điều kiện để xây dựng phát triển lực lượng, vừa tạo trận thế linh động và chủ động trong hoạt động cũng như tác chiến.

Về tác chiến hiện nay cũng cần nhằm bọn ác ôn các cấp và bọn cố vấn Mỹ, đồng thời trong những trường hợp nhất định, phải biết lợi dụng sơ hở và các nhược điểm của địch mà tấn công tiêu diệt địch để bồi dưỡng ta. Có tiêu diệt được bọn bên trên (nhất là các đội công an, bảo an, biệt kích và các đội biệt kích) thì mới thối động phong trào và làm mất chỗ dựa của bọn bên dưới, đồng thời phải tiếp tục uy hiếp bọn bên dưới (tề, dân vệ, do thám, gián điệp xã) thì mới làm cho bọn bên trên mất cơ sở tai mắt, mất phương tiện. Phải hết sức thận trọng đối với các đơn vị vũ trang mang danh nghĩa tôn giáo do địch lập ra (TN thánh nghiệp, v.v.). Đánh bọn này phải dựa trên cơ sở nhận thức và giác ngộ của tín đồ, phải có công tác tuyên truyền giáo dục trong tín đồ. Đối với các đồn bốt đóng trong chùa, nhà thờ cũng vậy.

Công tác trừ gian phải thận trọng, nhất là trong các vùng tôn giáo, di cư, thiểu số.

Trong tác chiến phải hết sức tránh tiêu hao lực lượng, đánh chắc ăn thì đánh, không chắc kiên quyết không đánh, tránh đánh những trận lớn trong những trường hợp bị động, phải thường xuyên di chuyển, ăn ở bí mật, đề phòng biệt kích.

4) Phải kiên quyết và kịp thời khắc phục tư tưởng chủ quan, khinh địch, ham ăn to đánh lớn, phiêu lưu, quân sự đơn thuần, tác phong lộ liễu, phô trương lực lượng, ăn ở bừa bãi, hoạt động không thận trọng, đẩy đông đảo quần chúng vào thế bất hợp pháp, v.v. của các lực lượng vũ trang. Đồng thời phải đề phòng các tư tưởng cá nhân, anh hùng, tư tưởng quân phiệt, biệt phái, cục bộ, lấn lướt hoặc qua mặt Đảng, tự do vô kỷ luật, sanh hoạt bừa bãi trong các cán bộ chỉ huy quân sự.

5) Phải biết phát huy ảnh hưởng chính trị của tác chiến, phải nắm vững yêu cầu của hoạt động võ trang hiện nay để tạo thêm điều kiện thuận lợi đưa uy thế phong trào tiến lên.

Do đó, càng đánh mạnh thì càng phân hóa địch, vừa đánh vừa tuyên truyền kêu gọi binh lính địch.

Chú trọng đúng mức hơn nữa chính sách tù hàng binh. Nói chung tù binh được khoan hồng phóng thích sau khi tuyên truyền giáo dục; nhưng đối với những tên ác ôn có nhiều nợ máu phải trừng trị, và những tội ác của chúng phải được giải thích cho binh lính và sĩ quan khác hiểu rõ chánh sách ta để phân hóa trong bọn chúng.

Về xây dựng căn cứ:

Cần quan niệm đầy đủ ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng căn cứ trong cuộc đấu tranh cách mạng hiện nay để ra sức đẩy mạnh mọi mặt công tác trong những vùng có khả năng chuyển thành căn cứ. Đặc biệt xây dựng và mở rộng vùng rừng núi là vùng căn cứ có tính chất chiến lược.

Cần quan niệm rõ xây dựng căn cứ không có nghĩa chỉ chú trọng những vùng không dân hoặc bảo vệ bằng cách phòng thủ một cách thụ động. Do đó, việc xây dựng và bảo vệ căn cứ không thể tách rời việc đẩy mạnh mọi mặt công tác, đẩy mạnh phong trào ở các vùng khác, phải tạo thành thế dính liền giữa các vùng căn cứ với nhau.

Trong những vùng căn cứ, phải hết sức chú trọng lãnh đạo sản xuất và bảo vệ sản xuất cũng như bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân.

ở vùng căn cứ rừng núi, cần chú trọng công tác vận động thiểu số và vấn đề lương thực. Thực hiện khẩu hiệu "đi đâu sản xuất đó, có đất có ăn, không người tăng người".

Những vùng đồng bằng đông dân có khả năng chuyển thành vùng căn cứ phải có kế hoạch cụ thể và tiến hành từng bước. Kế hoạch chuyển những vùng này trở thành căn cứ không thể tách rời kế hoạch đẩy mạnh phong trào nông thôn hiện nay và tùy thuộc ở sự lớn mạnh và trưởng thành của lực lượng quần chúng, cơ sở Đảng và lực lượng vũ trang nữa; ngoài ra lại còn phải tùy theo tình hình tương quan chung. Tránh chủ quan nôn nóng.

Chú trọng công tác vùng biên giới Khơme. Cố tranh thủ và giữ quan hệ tốt với chính quyền trung lập Khơme.

3. Tích cực đẩy mạnh công tác mặt trận:

Tình hình hiện nay có nhiều thuận lợi để mở rộng mặt trận tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cách mạng. Do đó ngoài việc củng cố khối công nông liên minh, các cấp còn phải đặc biệt chú trọng đúng mức công tác vận động các từng lớp bên trên, trong các tôn giáo, di cư và thiểu số, trong ngoại kiều, nhất là Hoa kiều. Cần tranh thủ rộng rãi đến cả những phần tử địa chủ, những phe phái, những cá nhân có ít nhiều chống Mỹ - Diệm, có xu hướng hòa bình hoặc chỉ có nguyện vọng cải cách dân chủ.

Trong quá trình vận động phải dựa hẳn vào lực lượng công nông, nếu coi nhẹ việc củng cố công nông liên minh thì sẽ không có cơ sở để tranh thủ mặt trận, nhưng nếu chỉ bó hẹp trong lực lượng công nông mà xem thường công tác mặt trận thì sẽ tạo thêm khó khăn cho cách mạng.

Tóm lại, cần phải nắm vững sách lược nông thôn và sách lược mặt trận của Đảng. Kịp thời uốn nắn những lệch lạc thiếu sót về công tác mặt trận trong thời gian qua.

Về công tác mặt trận sắp tới, có một số vấn đề cụ thể như sau:

1) Cần tranh thủ thành lập mặt trận bên trên và công bố bản Cương lĩnh Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam để có danh nghĩa hiệu triệu các từng lớp. Trước khi thành lập và công bố danh sách của Uỷ ban Mặt trận toàn miền Nam, mỗi khu chọn những người tiêu biểu trong các giới thành lập ban vận động và đi tuyên truyền vận động cho Mặt trận.

Các cấp cần có kế hoạch cụ thể trong việc hướng dẫn nghiên cứu học tập để thông suốt các chính sách trong bản Cương lĩnh Mặt trận. Ngoài ra có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong các vùng và các giới, kể cả trong hàng ngũ chính quyền quân đội địch.

2) Tích cực đẩy mạnh công tác vận động tư sản, học sinh sinh viên, trí thức. ở Sài Gòn - Chợ Lớn cần đặc biệt có kế hoạch xúc tiến công tác này. Đảng Dân chủ cần nhận thấy vai trò của mình trong công tác này, cố gắng nâng đỡ những nhóm tư sản tiến bộ để tiến tới thành lập những Đảng của tư sản. Có được như thế công tác tư sản vận mới được rộng rãi và có kết quả.

(Các tỉnh cần sử dụng những khả năng sẵn có để hỗ trợ S/C theo yêu cầu trên).

3) Đẩy mạnh công tác vận động các tôn giáo nói chung nhưng đặc biệt chú trọng Cao đài, Hòa hảo để chống âm mưu tái võ trang Cao đài, Hòa hảo của Mỹ - Diệm.

Để chống tái võ trang Cao đài, Hòa hảo, cần chú trọng tiến hành những công tác cụ thể sau đây:

a- Tích cực giáo dục trong quần chúng tín đồ Cao đài, Hòa hảo, vạch trần âm mưu tái lập võ trang. Phải nắm vững chính sách tôn giáo của Đảng trong công tác vận động. Phải nắm chặt bên dưới, hết sức phân hóa tranh thủ bên trên, cô lập những tên cầm đầu làm tay sai cho Mỹ - Diệm và các lực lượng do Mỹ - Diệm xây dựng với danh nghĩa giáo phái.

b- Đẩy mạnh phong trào quần chúng tín đồ đấu tranh cho các quyền lợi thiết thân về đời sống hàng ngày và quyền lợi về tôn giáo. Đẩy mạnh phong trào căn bản là giáo dục phát động ý thức giai cấp của quần chúng tín đồ và đấu tranh cho quyền lợi giai cấp.

c- Phải hết sức kiên trì, tỉnh táo đề phòng âm mưu khiêu khích chia rẽ của địch.

d- Chú trọng tăng cường cán bộ trong các vùng tôn giáo, gấp rút đào tạo cán bộ, đào tạo quần chúng nòng cốt trong các tôn giáo để tiến hành vận động nắm rộng rãi quần chúng.

e- Những vùng Hòa hảo, Cao đài cơ sở ta mạnh, cần xây dựng lực lượng võ trang tự vệ, xây dựng lực lượng võ trang tự vệ trong vùng Hòa hảo, Cao đài cũng dựa trên cơ sở giáo dục phát động quần chúng nông dân Hòa hảo, Cao đài sử dụng võ trang tự vệ trong đấu tranh hiện tại cũng như các vùng khác. Do đó xây dựng lực lượng võ trang trong vùng Hòa hảo, Cao đài không có nghĩa thành lập bộ đội Hòa hảo, Cao đài riêng, hoặc đề cao danh nghĩa riêng, sẽ gây ảnh hưởng thất lợi.

4) Đẩy mạnh công tác vận động các dân tộc thiểu số:

a- Đối với các dân tộc thiểu số ở miền Đông:

Đẩy mạnh công tác vận động các dân tộc thiểu số ở miền Đông để thực hiện chính sách đoàn kết đấu tranh chống Mỹ - Diệm và để xây dựng mở rộng căn cứ chiến lược hiện nay là một công tác cần được đặc biệt chú trọng.

Tiến hành công tác cần chú ý những điểm sau đây:

- Tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức giác ngộ chính trị phải đi đôi với việc hướng dẫn đoàn kết tương trợ sản xuất và công tác văn hóa xã hội. Làm cho quần chúng nhận thấy cách mạng đưa lại cho họ những tiến bộ về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Thực tế ấy sẽ làm cho họ giác ngộ chính trị và tăng thêm nhiệt tình đối với cách mạng và quyết tâm đoàn kết đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Cán bộ đi công tác phải thực sự thâm nhập trong quần chúng, phải thực hiện phương pháp "ba cùng" để vận động quần chúng, khắc phục những tác phong chính trị suông, xa rời quần chúng, hoặc khinh thường dân tộc thiểu số.

- Tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc. Nắm chặt các lãnh tụ tiêu biểu. Tích cực đào tạo cán bộ người thiểu số và có kế hoạch bảo vệ số lãnh tụ tiêu biểu của các dân tộc mà ta đã nắm được. Tích cực phát triển Đảng, Đoàn rộng khắp trong các vùng dân tộc để đảm bảo lãnh đạo quần chúng, lãnh đạo phong trào. Chú ý xây dựng võ trang tự vệ của quần chúng trong các vùng có điều kiện.

- Trừ gian phải hết sức thận trọng và hạn chế. Kiên quyết không làm thay quần chúng.

b- Đối với đồng bào thiểu số (người Khơme) cần phải làm cho đồng bào người Khơme nhận rõ vị trí và nhiệm vụ của họ đối với công cuộc cách mạng dân tộc giải phóng ở miền Nam, đối với Tổ quốc Việt Nam.

...

Ngoài ra, trước mắt hiện nay cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đoàn kết Miên - Việt đấu tranh chống các chính sách của Mỹ - Diệm. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc Khơme bị Mỹ - Diệm chà đạp. Ngoài ra, người Khơme ở miền Nam; đại bộ phận cũng là nông dân, họ cùng chung quyền lợi, số phận như người nông dân và người dân Việt Nam. Do đó phải đứng về quyền lợi giai cấp nông dân, quyền lợi ruộng đất, chống khủng bố, chống bóc lột, vơ vét, đòi hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, chống Mỹ, chống Diệm mà vận động họ.

Tích cực tranh thủ nắm sư sãi, trí thức. Tích cực đào tạo cán bộ người Khơme trong các giới. Tích cực phát triển Đảng, Đoàn rộng khắp trong các vùng.

5) Chú trọng công tác vận động ngoại kiều, nhất là Hoa kiều. Đặc biệt chú trọng số Hoa kiều đã bị chính quyền miền Nam cưỡng ép nhập Việt tịch, họ cũng bị mọi áp bức bóc lột như đồng bào Việt Nam. Chú ý đến công tác tuyên truyền giáo dục, giới thiệu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong Hoa kiều.

6) Chú trọng công tác di cư. Đặc biệt đồng bào di cư Quảng Nam, Quảng Ngãi (Liên khu V nói chung) có truyền thống và ý thức đấu tranh rất mạnh, để tuyên truyền và phát động.

4. Tích cực khẩn trương củng cố phát triển Đảng, Đoàn. Gấp rút đào tạo cán bộ:

- Về củng cố phát triển Đảng, Đoàn:

a) Trước tình hình thuận lợi cần ra sức xây dựng phát triển Đảng rộng khắp trong các vùng. Ra sức khôi phục những chi bộ tan rã, chú trọng xây dựng chi bộ những vùng quan trọng như đô thị, vùng có tính chất chiến lược, vùng tôn giáo, di cư, thiểu số.

Mạnh dạn phát triển đảng viên mới trong phong trào, đặc biệt chú trọng phát triển đảng viên phụ nữ. Tích cực phát triển Đoàn thanh niên lao động, cần nhận thức đầy đủ đoàn là lực lượng hậu bị, là cánh tay đắc lực của Đảng, kịp thời khắc phục những thiên hướng lệch lạc vừa qua trong việc xây dựng phát triển Đoàn.

b) Phải có kế hoạch cụ thể củng cố chi bộ trong từng đợt đấu tranh và trong từng vùng một. Chi bộ phải được gọn nhẹ, gồm những phần tử trung kiên nhất trong phong trào, đảm bảo cho mỗi chi bộ thực sự trở thành một dinh lũy chiến đấu của Đảng. Làm cho chi bộ bám chặt vào quần chúng và tiến tới có khả năng tự động công tác.

Tổ chức Đảng phải được chặt chẽ. Đề phòng sự xâm nhập của bọn gián điệp, bọn đầu hàng phản bội chui vô chi bộ. Phải hết sức đề cao và nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc bí mật từ việc ăn ở, đi lại, giấy tờ, tổ chức cơ quan, tổ chức giao thông liên lạc. Việc thu nhận nhân viên cũng như lấy thanh niên đưa vô lực lượng vũ trang phải được thẩm tra lý lịch kỹ lưỡng. Phải có kế hoạch bảo vệ tài liệu và chủ trương của Đảng.

c) Chấn chỉnh lề lối tác phong làm việc của hai thứ chi bộ (Chi bộ lộ mặt và chi bộ không lộ mặt) để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ công tác. Xác định rõ vai trò của hai thứ chi bộ trong mỗi vùng. Trong vùng đã chuyển thành căn cứ thì vai trò của chi bộ lộ đảm trách mọi công tác lãnh đạo, còn chi bộ không lộ thì là dự bị; trong vùng xôi đậu chi bộ lộ mặt chỉ đóng vai trò hỗ trợ tiếp sức cho chi bộ không lộ mặt lãnh đạo phong trào.

d) Tăng  cường củng cố các cấp uỷ về tổ chức cũng như tác phong lề lối. Tăng cường bộ máy chuyên môn của các cấp để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ công tác.

e) Tăng cường việc giáo dục tư tưởng, đường lối, chính sách và nhiệm vụ cho đảng viên. Làm cho toàn thể đảng viên thông suốt và nắm vững đường lối, phương châm, sách lược hiện tại của Đảng để tin tưởng và tuyệt đối chấp hành. Phải luôn luôn bồi dưỡng tinh thần bền bỉ chiến đấu gan góc chịu đựng. Đề phòng tư tưởng chủ quan phiến diện, cục bộ; chống khuynh hướng tư tưởng cố thủ chần chờ thiếu tích cực khẩn trương; kịp thời khắc phục những khuynh hướng đơn thuần võ trang xem nhẹ đấu tranh chính trị, tư tưởng nóng vội chủ quan khinh địch, v.v..

- Gấp rút đào tạo cán bộ:

Tích cực đào tạo bồi dưỡng cán bộ các ngành các cấp bằng nhiều cách:

- Mỗi cấp có kế hoạch mở lớp liên tục, mở nhiều lớp, đào tạo được nhiều người. Nội dung chương trình phải thiết thực, cốt yếu nhằm giáo dục nhiệm vụ, đường lối, phương châm, sách lược cách mạng của Đảng. Đối với cán bộ cơ sở cần chú trọng giáo dục các công tác cách mạng cơ bản.

- Có kế hoạch hướng dẫn học tập tại nghiệp (học tập lý luận cũng như kinh nghiệm công tác).

- Mạnh dạn đề bạt cán bộ và sử dụng số cán bộ cũ. Đề bạt chú trọng thành phần công nông, đặc biệt chú trọng cán bộ phụ nữ.

- Có kế hoạch bảo vệ cán bộ, nhất là trong vùng tạm chiếm và đô thị.

- Chú trọng đào tạo cán bộ quân sự, chủ yếu là lấy cán bộ chính trị có trình độ và lập trường vững bồi dưỡng thành cán bộ quân sự. Trước hết là đào tạo cán bộ trung, tiểu đội và các cán bộ thuộc binh chủng chuyên môn và hậu cần.

5. Đẩy mạnh công tác binh vận:

Gây một phong trào quần chúng rộng rãi làm công tác vận động binh lính để thực hiện khối công nông binh liên hiệp khi khởi nghĩa cướp chính quyền và trước mắt hiện nay để hạn chế công cụ đàn áp của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng đấu tranh chống khủng bố, chống áp bức bóc lột.

Tiến hành công tác tới, cần chú trọng những điểm sau đây:

1) Cần thông suốt đường lối công nông binh liên hiệp trong công tác vận động binh lính. Đường lối ấy phải được giáo dục rộng rãi trong quần chúng bên ngoài cũng như quần chúng binh lính trong hàng ngũ quân đội địch. Phải nắm vững mục đích yêu cầu công tác binh vận là vận động binh lính đứng lên làm cách mạng và làm tan rã hàng ngũ địch.

Đẩy mạnh công tác binh vận căn bản là ở xã. Trong công tác tuyên truyền chú trọng tuyên truyền sâu rộng chính sách ta. Chú trọng vận động sĩ quan.

2) Tích cực đẩy mạnh phong trào đào, giải ngũ trong các binh chủng. Gây ý thức đầu hàng rộng khắp trong binh lính và sĩ quan và làm binh biến chống lại địch, chạy sang hàng ngũ cách mạng. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh phong trào chống bắt lính và tổ chức giáo dục đưa thanh niên chui vô hoạt động trong hàng ngũ địch và mai phục chờ thời cơ.

3) Tích cực củng cố và nắm chặt những cơ sở đã có. Ra sức xây dựng phát triển cơ sở trong các đơn vị xung yếu và các vị trí chiến lược. Đặc biệt chú trọng vận động cảnh sát và các đơn vị bảo vệ Thủ đô, chú trọng đề phòng phản vận.

Phải nắm vững phương châm hoạt động của nội tuyến là trường kỳ tồn tại, mai phục chờ đợi thời cơ. Nên phân biệt yêu cầu đề ra cho nội tuyến với yêu cầu vận động quần chúng binh lính rộng rãi (nói điểm 2 ở trên) có khác nhau. Tuy nhiên, trong lúc cần tấn công một số vị trí, đồn bốt để lấy vũ khí trang bị và hỗ trợ thối động phong trào, trong những trường hợp ấy phải xử lý nội tuyến phục vụ cho tác chiến và tìm mọi cách để mai phục cơ sở trở lại được càng tốt.

4) Đẩy mạnh công tác vận động gia đình binh sĩ, có kế hoạch nắm và sử dụng đúng mức để tiến hành công tác vận động và nắm chồng con họ.

6. Về tổ chức quần chúng:

Căn cứ tình hình biến chuyển vừa qua, trong một số vùng nhất là vùng căn cứ cũ, địch co lại, phong trào quần chúng lên cao. Tình hình ấy đòi hỏi quần chúng tích cực trong nông thôn phải được tập hợp thành tổ chức để đảm bảo cho phong trào đấu tranh hiện tại cũng như sẽ tới.

Nhưng, căn cứ vào tình hình hiện nay tổ chức quần chúng phải tiến hành từng bước. Trước nhất, tổ chức trong vùng căn cứ, trong những vùng địch co lại. Bước đầu cũng chỉ tổ chức nông hội, không nên đặt nhiều tổ chức rườm rà. Tổ chức nông hội cũng phải chặt chẽ, trọng chất hơn lượng. Vì còn trong thế tương quan giằng co nên tổ chức nông hội cũng phải gọn, nhẹ và bí mật, không nên phô trương bộc lộ sẽ làm mất tác dụng làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh công khai với địch. Chi bộ sử dụng tổ chức nông hội để nắm đông đảo chặt chẽ quần chúng nông dân và phát động nông dân đấu tranh về ruộng đất cũng như chống địch.

Về hệ thống tổ chức, bước đầu nơi nào có điều kiện thì thành lập Ban chấp hành Nông hội xã và Ban cán sự.

Trong các đồn điền cao su, các khu vực di cư, các vùng tôn giáo, ta chưa có cơ sở Đảng và nòng cốt (hay có mà còn quá yếu), thì nên lựa những người quần chúng tích cực nhất mà giáo dục, tổ chức họ lại và giao nhiệm vụ cho họ đi tuyên truyền giáo dục, động viên quần chúng khác đấu tranh.

7. Vấn đề ruộng đất và sách lược nông thôn:

Để giành giật và đảm bảo quyền lợi ruộng đất của nông dân, cần đẩy mạnh phong trào đấu tranh ruộng đất trong các vùng, đặc biệt chú trọng các vùng tôn giáo.

Những chủ trương cụ thể về ruộng đất như sau:

a) Tích cực đấu tranh đòi giảm tô, giữ nguyên canh, chống xáo canh tăng tô, giựt đất, giữ sở hữu trên đất Tây, khai hoang, công điền, đất tạm cấp trong thời kỳ kháng chiến.

Những nơi trong thời kỳ kháng chiến chưa thực hiện giảm tô, hoặc trong kháng chiến đã giảm nhưng nay tăng thì đấu tranh thực hiện giảm tô theo mức quy định của thời kỳ kháng chiến (mức này tùy theo mỗi vùng).

b) Những tên địa chủ gian ác làm tay sai cho Mỹ - Diệm khủng bố giết hại nông dân đã bị trừng trị thì ruộng đất của chúng, nông dân vẫn tiếp tục làm nhưng khỏi phải đóng tô và san sẻ cho những nông dân không ruộng cày trên tinh thần đoàn kết tương trợ, ta không tuyên bố tịch thu ruộng đất của những tên này. Quyền lợi của vợ con những tên này được chiếu cố phần nào.

c) Đối với ruộng đất của những địa chủ trong thời kỳ kháng chiến đã bị tịch thu đem chia cho nông dân nhưng từ khi hòa bình đến nay có thái độ trung lập hoặc chống Mỹ- Diệm thì quyền lợi về ruộng đất của họ khi cải cách ruộng đất sau này sẽ được chiếu cố như trong tinh thần Cương lĩnh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Còn hiện nay những ruộng đất ấy nông dân vẫn giữ quyền sở hữu.

d) Cần phải nắm vững sách lược ở nông thôn hiện nay là: đoàn kết chặt chẽ khối bần cố trung nông liên hiệp phú nông, lôi kéo trung lập những phần tử địa chủ có ít nhiều mâu thuẫn với chính sách độc tài phát xít của Mỹ - Diệm, cô lập và đánh đổ những tên địa chủ thật gian ác làm tay sai cho Mỹ - Diệm.

Do yêu cầu cách mạng hiện nay chưa phải thời kỳ đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ, cho nên trong đấu tranh với giai cấp địa chủ có phân hóa, có phân biệt đối xử. Hình thức phương pháp phát động nông dân không giống như phương pháp phát động cải cách ruộng đất. Không nên tạo tình hình căng thẳng bất lợi, không nên nêu yêu cầu thoái tô trong đấu tranh hiện tại.

Phải kịp thời giải quyết ổn thoả những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân trên nguyên tắc thương lượng và đoàn kết tương trợ. Cố tránh tình trạng mất đoàn kết giữa bần cố trung nông.

Các đồng chí!

Trước tình hình có nhiều thuận lợi, nhưng cũng còn nhiều gay go, phức tạp, Hội nghị Xứ uỷ lần thứ V kêu gọi toàn thể Đảng bộ hãy quyết tâm nỗ lực phấn đấu hơn nữa, để khắc phục khó khăn nhược điểm và phát huy ưu điểm, tranh thủ đưa phong trào tiến lên vững chắc, hoàn thành nhiệm vụ công tác tới, lấy thành tích ấy chúc mừng Đại hội Đảng lần thứ III.

Tháng 7 năm 1960

Hội nghị toàn thể Ban chấp hành xứ đảng bộ Nam bộ lần thứ V

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.

 



1) S/C: Sài Gòn - Chợ Lớn (B.T).  

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website