Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1982 (trình Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá IV)
Phần một : Tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1981 

Kế hoạch nhà nước năm 1981 thực hiện trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: Hậu quả của chiến tranh biên giới năm 1979 chưa hết, vụ mùa năm 1980 ở miền Bắc lại thất thu nặng, lương thực nhập khẩu giảm nhiều, nguồn vay các nước tư bản không còn, nợ đến hạn phải trả lớn, lại thiếu nguồn thanh toán, năm nay là năm đầu tiên chúng ta thực hiện thanh toán với các nước xã hội chủ nghĩa theo giá khối SEV, v.v.. Do vậy, những khó khăn và mất cân đối lớn của nền kinh tế bộc lộ ra gay gắt hơn nhiều so với các năm trước, chủ yếu về các mặt: vật tư, nguyên liệu, năng lượng, vận tải, xuất nhập khẩu và trả nợ, lương thực, tài chính, tiền tệ, ... 

Trước tình hình đó, các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở đã có nhiều cố gắng, đã quán triệt hơn tinh thần tự lực tự cường, và khẩu hiệu hành động mà Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra là "Với phương tiện vật tư, tiền vốn do Nhà nước cung ứng bằng hoặc ít hơn, phải sản xuất tốt hơn, làm ra nhiều của cải vật chất hơn". Đồng thời việc thực hành một số chủ trương, chính sách mới, bước đầu chú ý sử dụng đòn bẩy kinh tế, khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với người lao động, như ổn định nghĩa vụ lương thực, khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp, mở rộng quyền chủ động của các xí nghiệp, trả lương theo sản phẩm, thưởng năng suất... trong công nghiệp; mở rộng xuất khẩu cho các địa phương, điều chỉnh giá, trợ cấp lương, v.v. đã có tác dụng động viên tính tích cực lao động sản xuất của nhân dân, thúc đẩy các đơn vị cơ sở phát huy tính năng động trong sản xuất kinh doanh, tính toán hiệu quả kinh tế, khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng về lao động, vật tư, nguyên liệu, tiền vốn để phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống. Công tác chỉ đạo thực hiện cũng có những chuyển biến nhất định. Nhờ vậy, trên một số mặt, có những thành tích và tiến bộ đáng kể: 

1. Nông nghiệp thắng lợi toàn diện, cả sản xuất lương thực, cây công nghiệp và chăn nuôi 

Trong điều kiện vật chất kém các năm trước (phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu,...), nông nghiệp được mùa, nhờ tác dụng tích cực của chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực, khoán sản phẩm trong hợp tác xã, và thời tiết năm nay nói chung thuận. Trong nông dân xã viên đã dấy lên một phong trào thi đua sôi nổi, tận dụng các khả năng lao động, đất đai, mở rộng diện tích, tăng vụ và thâm canh tăng năng suất cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong khâu giống. Sản lượng lương thực đạt gần 15 triệu tấn, xấp xỉ kế hoạch, tăng trên 40 vạn tấn so với năm 1980, là năm đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay (miền Bắc tăng trên 90 vạn tấn), trong đó thóc 12,3 triệu tấn, tăng 66 vạn tấn. Nếu miền Nam không giảm gần nửa triệu tấn thóc (do không cấy được gần ba mươi vạn ha), sản lượng hoa màu không giảm 23 vạn tấn, thuốc trừ sâu rầy cung cấp đủ hơn, thì thắng lợi còn lớn hơn nữa. Nhu cầu lương thực trong nông thôn được bảo đảm tốt hơn các năm trước, kể cả những nơi thường gặp khó khăn nhất như Nghệ-Tĩnh, Thanh Hoá, Bình - Trị - Thiên... Nông dân khắp nơi, nhất là miền Bắc, rất phấn khởi và tin tưởng. 

Diện tích cây công nghiệp hằng năm tăng 1,8% so với năm 1980. Sản lượng một số cây tăng khá. Chăn nuôi gia súc, gia cầm đều tăng, riêng đàn lợn tăng 4%, đàn bò tăng 2%. 

2. Công tác huy động lương thực và thu mua nông sản có tiến bộ 

Thu mua được gần 2,5 triệu tấn (tương đương 1,7 triệu tấn quy gạo), đạt 78% kế hoạch, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 1979 và tăng 45 vạn tấn so với năm 1980 (năm nay là năm số lượng lương thực nhập khẩu thấp nhất trong 6 năm qua. Trong 5 năm 1976 - 1980 bình quân mỗi năm nhập khẩu trên 1 triệu tấn quy gạo, năm 1981 chỉ còn 53 vạn tấn). Đó là một cố gắng lớn của cán bộ và nhân dân ta, để vượt qua tình hình khó khăn lớn về lương thực. 

So với năm 1980, thu mua lạc tăng 14%, mía tăng 74%, thuốc lá tăng 15%, đay tăng 2%, cói tăng 4%, thịt lợn tăng 36%, rau quả tăng 7%... 

3. Sản xuất công nghiệp có nhiều cố gắng. Sản lượng một số sản phẩm quan trọng tăng khá: thiếc tăng 9%, xàlan vận tải tăng 83%, ca nô, tàu kéo tăng 44%, đường mía (phần trung ương quản lý) tăng 81%, đồ hộp tăng 23%, thuốc lá điếu tăng 37%, muối tăng 14%, cá biển đạt kế hoạch và tăng một ít so với năm 1980... Đặc biệt, nhiều xí nghiệp công nghiệp đã chủ động tìm, khai thác nguyên liệu từ nông, lâm, hải sản và tận dụng phế liệu, phế phẩm; tiểu, thủ công nghiệp phát triển hơn năm 1980. Các địa phương phát triển khá là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang, Tiền Giang... 

Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chủ yếu đạt thấp. Sản lượng điện 3,8 tỷ kwh, đạt 94% kế hoạch, than 5,7 triệu tấn, đạt 95% kế hoạch, thép 3,7 vạn tấn - 74% kế hoạch, giảm 38% so với năm 1980, máy kéo Bông Sen 1.200 cái - 75% kế hoạch, giảm 33%; phân đạm 1,2 vạn tấn -30% kế hoạch, giảm 8%; sơn hóa học 3.800 tấn -76% kế hoạch, giảm 24%; ximăng 60 vạn tấn - 48% kế hoạch, giảm 4%; gạch 1,1 tỷ viên - 60% kế hoạch, giảm 46%; ngói 215 triệu viên - 58% kế hoạch, giảm 56%; gỗ 1,4 triệu m3 - 89% kế hoạch, giảm 8%. 

Đặc biệt, các hàng tiêu dùng quan trọng đang có yêu cầu cấp thiết, đạt kế hoạch thấp, thậm trí có thứ giảm so với năm 1980: vải 160 triệu mét, đạt 73% kế hoạch, giảm 11%; các mặt hàng dệt, sợi khác cũng đều đạt kế hoạch thấp; chiếu cói 8 triệu chiếc - 57% kế hoạch, giảm 6%; giấy 4,2 vạn tấn - 75% kế hoạch, giảm 11%; lốp xe đạp 5,3 triệu cái - 71,5% kế hoạch; đồ sứ 80% kế hoạch, giảm 19%; đồ dùng thủy tinh 87% kế hoạch, giảm 9%; diêm 60% kế hoạch, giảm 21%; xà phòng 2,2 vạn tấn - 88% kế hoạch, giảm 10%... 

Tình hình trên, một phần do nguyên nhân khách quan (thiếu nguyên liệu, vật tư, năng lượng), song một phần không nhỏ là do chỉ đạo thực hiện kém, đã gây khó khăn lớn cho việc đáp ứng các yêu cầu bức thiết của sản xuất và đời sống nhân dân, cho việc cân đối hàng hoá và tiền tệ, cho việc cố gắng ổn định dần thị trường, giá cả, tài chính và lưu thông tiền tệ. 

4. Xuất, nhập khẩu: Xuất khẩu ước đạt 350 triệu rúp/đôla, 87% kế hoạch (nếu kể cả xuất khẩu của các địa phương ước đạt 370 - 380 triệu rúp/đôla), nhưng do giá thị trường quốc tế tăng (cũng có thứ giảm như đường...) nên thực tế chỉ xấp xỉ bằng năm 1980. Xuất khẩu đạt thấp, không thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với các nước xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch nhập khẩu từ thị trường tư bản về một số vật tư, nguyên liệu tối cần thiết cho các ngành kinh tế. Trong số 120 triệu đôla nhập khẩu năm 1981, chỉ có 40 triệu đôla là hàng của kế hoạch năm 1981, còn lại là hàng của năm 1980 về tiếp và hàng viện trợ của các tổ chức quốc tế. 

Việc phân công thu mua không rõ ràng, có tình trạng tranh chấp giữa các ngành, giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau. Việc xuất khẩu của địa phương còn bị hạn chế vì chưa được hướng dẫn và chỉ đạo thống nhất. 

5. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện 2.850 triệu đồng, trong đó xây lắp 1.510 triệu đồng, đạt 91% về tổng số và 95% về xây lắp. Với việc thực hiện bước đầu chủ trương tập trung ưu tiên cho các công trình trọng điểm, tiến độ thi công của một số công trình trọng điểm như thủy điện Hoà Bình, ximăng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, phân lân Lâm Thao, giấy Vĩnh Phú, sợi Hà Nội, Nha Trang... được đảm bảo. Tuy nhiên, số vốn thực hiện đạt cao như trên có phần do yếu tố giá mới, nhưng khối lượng công trình thì đạt thấp. Đến tháng 9 mới hoàn thành được 16 công trình trong số 66 công trình dự kiến hoàn thành trong năm. Tình trạng đầu tư phân tán, xây dựng kéo dài vẫn chưa được khắc phục. 

6. Khối lượng hàng hoá vận tải chỉ đạt 83% về tấn và 78% về tấn/km so với kế hoạch. Khối lượng hàng nhập khẩu đưa về nước được 4,2 triệu tấn, phải bỏ lại ở ngoài nước khoảng 30 vạn tấn (tương đương 70-80 triệu rúp). Vận tải than Quảng Ninh hai năm nay chỉ dừng lại ở mức 3,4- 3,5 triệu tấn (năm 1977-1978 đã đạt 4,2 -4,3 triệu tấn). Tuy đã huy động 13 vạn tấn tàu (lúc cao nhất 18- 19 vạn tấn, trong đó có 11 vạn tấn tàu biển loại lớn), nhưng chỉ vận chuyển được 40 vạn tấn lương thực từ miền Nam ra (đường biển 27 vạn tấn, đường sắt 13 vạn tấn), bằng 50% kế hoạch. Tình trạng ách tắc của ngành vận tải đã thực sự gây trở ngại lớn đối với các ngành sản xuất, xây dựng và sinh hoạt của nhân dân. 

7. Phân phối lưu thông vẫn mất cân đối nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Nghị quyết 26 và Chỉ thị 109 của Bộ Chính trị đang được triển khai thực hiện một cách toàn diện, bước đầu phát huy tác dụng của các đòn bẩy kinh tế, khắc phục một bước cơ chế phân phối mang nặng tính chất bao cấp, chuyển sang cơ chế phân phối mới và quản lý kinh doanh xã hội chủ nghĩa. 

- Việc nắm nguồn hàng vào tay Nhà nước về lương thực, thực phẩm, nông sản, có tiến bộ rõ rệt, nhờ chính sách giá cả về thu mua mới, nhưng nắm hàng công nghiệp và một số nông sản nguyên liệu còn yếu. Một số xí nghiệp quốc doanh không chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật giao nộp sản phẩm cho Nhà nước. Trong đợt kiểm kê ngày 1-5, nhiều hàng hoá trong kho nhà nước bị tiêu tán phi pháp. 

Việc quản lý vật tư, hàng hoá chưa chặt chẽ, có nhiều sơ hở, để thất thoát không ít. 

Tình hình quỹ hàng hoá thiếu hụt làm cho nhà nước bị động, thiếu lực lượng vật tư, hàng hoá để làm chủ thị trường, làm cho cung cầu mất cân đối nặng hơn năm 1980, làm phức tạp thêm công tác phân phối vốn đã căng thẳng, tác hại xấu đến cân đối hàng - tiền, đến giá cả và đời sống nhân dân. 

- Giá cả đang trong giai đoạn điều chỉnh bắt đầu từ giữa năm 1981 đến nay đang diễn biến và chưa ổn định 

Giá thu mua nông sản và tỷ giá nông sản - công nghệ phẩm cơ bản là phù hợp và đang phát huy tác dụng. 

Việc chỉ đạo giá bán lẻ chưa thật chặt chẽ, một số ngành và địa phương điều chỉnh giá một cách tuỳ tiện, không theo đúng chính sách và giá chuẩn của Nhà nước, có xu hướng chạy theo giá thị trường tự do, việc điều chỉnh giá nhiều lần trong một thời gian ngắn, nhiều nơi mua, bán cao hơn giá quy định, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là công nhân, viên chức. 

Việc điều chỉnh giá bán buôn là cần thiết, nhưng trong một thời gian quá ngắn, chúng ta thay đổi hầu như toàn bộ hệ thống giá cả; việc chuẩn bị chưa được đầy đủ, việc tính toán còn sai sót, việc chỉ đạo thực hiện không đồng bộ và ăn khớp, nhất là giữa giá cả, kế hoạch, tài chính. Do đó, gây khó khăn nhất định cho hoạt động của một số ngành sản xuất, xây dựng, lưu thông. Để giữ được hệ thống giá bán lẻ và giá thu mua nông sản không bị xáo trộn, gần đây đã điều chỉnh hạ một số giá (kim loại, gỗ, cước vận tải...). Như vậy là Nhà nước phải chịu lỗ. Tình hình kinh tế - tài chính, và tình hình thị trường, giá cả chưa ổn định. Phải tiếp tục nghiên cứu và theo dõi sát sự diễn biến của tình hình. 

- Về phân phối thu nhập và đời sống công nhân, viên chức. Việc cung cấp những mặt hàng thiết yếu, ở nhiều nơi, không bảo đảm đủ định lượng, giá bán lẻ một số mặt hàng quan trọng của thương nghiệp quốc doanh tăng hơn mức giá chỉ đạo và do giá thị trường tự do tiếp tục biến động nên phần phụ cấp tăng thêm của công nhân viên chức đến nay đã bị điều tiết hết, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. 

Một số địa phương tự đề ra những chế độ riêng, trợ cấp và bù giá một số mặt hàng ngoài diện Nhà nước quy định. Do đó, hiện nay, thu nhập của công nhân, viên chức giữa các ngành nghề và giữa một số địa phương có những chênh lệch không hợp lý. 

Trong lúc đời sống cán bộ, công nhân có khó khăn, thì ngược lại bọn gian thương, đầu cơ, những kẻ làm ăn phi pháp... thu được những khoản lời lớn do ta không làm tốt việc cải tạo và quản lý thị trường. Một số nhân viên nhà nước, mất phẩm chất cũng có những nguồn thu bất chính. 

Tình hình tài chính quốc gia thiếu hụt nghiêm trọng, phản ảnh nền sản xuất giảm sút và hiệu quả rất thấp, phân phối tiêu dùng quá khả năng. 

Ngân sách bội chi ít nhất 3,5- 4 tỷ đồng (tính theo giá mới), gấp ba lần tổng số bội chi trong 5 năm (1976- 1980). 

Tiền mặt bội chi 4 - 4,5 tỷ đồng (tính toán sơ bộ, khoảng 2 tỷ đồng phải phát hành thêm cho nhu cầu lưu thông do thay đổi giá), số còn lại là lạm phát, bằng năm 1980. Giá trị đồng tiền giảm sút nghiêm trọng (theo ước tính của Ngân hàng, một đồng hiện nay bằng 0,13 đồng năm 1975). Điểm nổi bật trong năm nay là những vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp của nền kinh tế quốc dân tập trung chủ yếu trên lĩnh vực phân phối - lưu thông. 

8. Các hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển nặng nề thêm, an ninh kinh tế, an ninh chính trị có lúc, có nơi không bảo đảm (nhiều vụ phá hoại kinh tế nghiêm trọng, đã xẩy ra nhiều vụ ăn cắp, kể cả ăn cướp tài sản nhà nước). 

Tình hình sản xuất, phân phối và đời sống trên đây đã có phần gây nên những diễn biến xấu cả về tư tưởng và đạo đức. Trong thực tế, đang diễn ra sự phân hoá xã hội mới. Điều rất đáng chú ý là một số tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa đã bị biến chất, thực sự trở thành một sức phá hoại ta từ bên trong. 

Tóm lại, tình hình kinh tế năm 1981 có những chuyển biến đáng kể trên một số mặt, nhất là về sản xuất nông nghiệp, huy động lương thực và nông sản, tiểu thủ công nghiệp ở một số tỉnh, thành phố... Các chủ trương, chính sách mới về quản lý, về phân phối lưu thông, vận dụng các đòn bẩy kinh tế... bước đầu phát huy tác dụng tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Nhiều nhân tố mới, kinh nghiệm sáng tạo mới của các ngành, địa phương và cơ sở càng khẳng định sự cần thiết cấp bách phải đổi mới cách suy nghĩ, đổi mới cách làm ăn, cách quản lý để phá bỏ chế độ quan liêu bao cấp, mở đường cho lối làm ăn chủ động, sáng tạo, có tính toán. Đương nhiên trong quá trình thực hiện chính sách mới, không tránh khỏi những chệch choạc; chỉ cần chúng ta bình tĩnh tổng hợp các thông tin, kịp thời xử lý các mặt lệch lạc, đưa công tác quản lý sản xuất kinh doanh tiến lên một bước mới, ngày càng đúng đắn hơn. 

Tuy nhiên, nhiều mặt kế hoạch đạt thấp: sản xuất công nghiệp, vận tải, xây dựng cơ bản...; công tác phân phối, lưu thông đang có nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, tình hình kinh tế - tài chính hiện nay mất cân đối nghiêm trọng và đang diễn biến theo chiều hướng không bình thường, ảnh hưởng không tốt cả về chính trị, xã hội. 

Trong các khó khăn lớn cần đặc biệt chú ý đến mấy vấn đề sau đây: đời sống nhân dân, chủ yếu là công nhân, viên chức giảm sút, nhiều mặt không bảo đảm mức tối thiểu cần thiết; năng lượng, nguyên liệu, phụ tùng sửa chữa thiếu nghiêm trọng; năng lực vận tải quá yếu kém; xuất khẩu dẫm chân tại chỗ và nhập khẩu phải hạn chế dưới mức nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bình thường của nền kinh tế; nợ nước ngoài đến hạn trả lớn; xây dựng cơ bản vẫn rất phân tán; ngân sách, tiền mặt bội chi quá nhiều... 

Tình hình trên đây bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Về khách quan: nền kinh tế nước ta vốn lạc hậu, lại chậm phát triển và đã sống dựa vào bên ngoài quá nặng. Ngay đến năm 1981, một phần quỹ tiêu dùng và toàn bộ quỹ tích luỹ vẫn còn phải dựa vào bên ngoài. Có thể nói: chúng ta chưa thật sự sống bằng sức của ta, bằng của cải của ta làm ra, nền kinh tế quốc dân không bảo đảm tái sản xuất giản đơn. 

Nhưng về chủ quan, nhận thức cũng như việc làm còn nhiều mặt không theo kịp tình hình và nhiệm vụ đòi hỏi. 

- Về công tác kế hoạch. Trong năm 1981, ta đã mạnh dạn bố trí kế hoạch sát với thực tế hơn, chúng ta đã bước đầu thay đổi cách làm kế hoạch, phát huy tính chủ động và sáng tạo của cơ sở và địa phương. Nhờ đó, tuy vật tư nhà nước cung cấp ít hơn trước, mức thực hiện kế hoạch cũng không quá giảm sút. Tuy vậy ta vẫn chưa đánh giá thật đúng tình hình, trên một số mặt vẫn cân đối kế hoạch vượt quá khả năng của nền kinh tế. Vẫn còn trông chờ vào khả năng không chắc chắn từ bên ngoài (lương thực, xăng, dầu, phân bón,...). 

Chúng ta thấy rõ tiềm năng hơn nhưng chưa tính đầy đủ đến các điều kiện khai thác tiềm năng, mà trước hết là khả năng tổ chức, chỉ đạo thực hiện đang rất yếu và chuyển biến chậm. 

Chúng ta đã không xử lý một cách kiên quyết các mất cân đối lớn ngay từ khi xây dựng kế hoạch: vấn đề lương thực, ngoại tệ tư bản và trả nợ, xăng, dầu, điện, than, xây dựng cơ bản, vận tải... 

Chúng ta cần tiếp tục mạnh dạn tạo điều kiện cho các ngành, các địa phương và cơ sở chủ động phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chúng ta phải nắm vững yêu cầu thống nhất tập trung của kế hoạch nhà nước, không thể làm yếu vai trò kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Trong năm qua hiệu lực của kế hoạch bị giảm sút, hạch toán kinh tế bị rối loạn, công tác thông tin, thống kê không đủ điều kiện để bảo đảm chính xác. 

Chúng ta có đề ra việc điều chỉnh, sắp xếp lại sản xuất, xây dựng cơ bản, phân phối và tiêu dùng, nhưng thực tế đã không làm tốt từ xây dựng kế hoạch cho đến chỉ đạo thực hiện. 

Về các chính sách và đòn bẩy kinh tế. Việc sử dụng chưa tốt các đòn bẩy kinh tế, việc xử lý chưa tốt công tác phân phối - lưu thông làm cho tình hình kinh tế - tài chính càng không ổn định. 

Đương nhiên muốn khắc phục các mất cân đối lớn của nền kinh tế và các mặt tiêu cực trong sản xuất, đời sống, chúng ta phải có phương hướng đúng và liên tục phấn đấu trên các mặt trong một thời gian. 

- Về công tác quản lý chỉ đạo 

Năm 1981, công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Hội đồng Bộ trưởng và các ngành, các địa phương đã có những chuyển biến, tiến bộ. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những biểu hiện trì trệ, khuyết điểm. 

Chưa kiên quyết tập trung bám sát các mục tiêu quan trọng nhất của nền kinh tế: chậm sắp xếp lại nền kinh tế, không kịp thời chỉ đạo điều hành đối với sản xuất điện, than, giao thông, vận tải, xuất khẩu và sản xuất một số mặt hàng quan trọng nhất (vải, sợi...); điều chỉnh xây dựng cơ bản làm chậm; chưa giải quyết tốt sự thiếu hụt ngoại tệ tư bản, nhất là việc trả nợ; công tác tiết kiệm, trước hết là tiết kiệm các vật tư chiến lược chưa nghiêm ngặt. Tính pháp lệnh của kế hoạch không được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh. 

Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của các ngành, các địa phương đã có những chuyển biến mới, tiến bộ mới, song cũng còn nhiều khuyết điểm trong chỉ đạo sản xuất kinh doanh, như chỉ đạo việc kiểm kê hàng hoá và thay đổi giá cả, chỉ đạo sản xuất của ngành dệt, của ngành điện (để tỷ lệ điện tự dùng và tổn thất đường dây quá cao), của ngành than (chất lượng than xấu), của ngành vận tải (hệ số quay vòng phương tiện quá cao và nhiều hiện tượng tiêu cực tiếp tục phát triển), của ngành lâm nghiệp (để gỗ ứ đọng tại bãi I lớn...), của ngành y tế (trong việc quản lý và phân phối thuốc), v.v.. 

Tư tưởng ỷ lại, trông chờ bên trên, bên ngoài vẫn chưa được khắc phục trong các ngành, các cấp. 

Một vấn đề lớn nữa là quan hệ ngành và cấp, giữa trung ương và địa phương không được xác định rõ, đang là một cản trở trong quản lý, gây ra nhiều mắc mứu trong điều hành công việc. 

Kỷ luật mọi mặt chưa được đề cao, pháp chế xã hội chủ nghĩa chưa được coi trọng, hợp tác xã hội chủ nghĩa còn yếu, lề lối làm việc vẫn chưa được cải tiến, chưa tập trung thảo luận và xử lý các vấn đề cụ thể. Việc chuẩn bị quyết định có thiếu sót, do đó quyết định thiếu chính xác; chậm kết luận những vấn đề khi có ý kiến khác nhau. 

Tình hình kinh tế không bình thường hiện nay đòi hỏi sớm có các biện pháp đặc biệt, kiên quyết để nhanh chóng lập lại trật tự kinh tế, ổn định tình hình sản xuất và đời sống, đưa nền kinh tế từng bước tiến lên. Những kinh nghiệm mới, nhân tố mới trong sản xuất, kinh doanh, trong quản ký kinh tế năm 1981 khẳng định khả năng to lớn của chúng ta khắc phục khó khăn giành những thắng lợi mới. 

Nắm vững và cụ thể hoá đường lối phát triển kinh tế của Đảng, tập trung sức vào mặt trận quan trọng hàng đầu là nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao ý thức làm chủ tập thể của nhân dân lao động, kiên quyết xoá bỏ quản lý hành chính - bao cấp, chuyển sang quản lý kinh doanh, có hạch toán, phát động phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng ở khắp các ngành, các địa phương và cơ sở, nhất định chúng ta sẽ tạo ra một chuyển biến lớn trong nền kinh tế quốc dân ngay trong năm 1982 và những năm tới. 

Phần hai: Phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước năm 1982 

A- Các điều kiện vật chất và các nhân tố mới của năm 1982
 

Năm 1982 có vị trí đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng và của đại hội đảng bộ các cấp, là năm thứ hai của kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985), là năm phát huy những nhân tố mới, những kinh nghiệm mới, nhưng cũng phải tiếp tục khắc phục những khó khăn và mất cân đối lớn từ những năm trước dồn lại và khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý, chỉ đạo. 

Bước vào năm 1982, chúng ta có những khả năng và nhân tố mới cần được khai thác tốt: 

- Sự nhất trí ngày càng cao về thực trạng nền kinh tế, nguyên nhân của tình hình, sẽ đưa tới sự thống nhất cao về phương hướng, chủ trương, biện pháp cho thời gian tới, là một sức mạnh để khắc phục khó khăn, ổn định kinh tế, đưa nền kinh tế từng bước đi lên. Đại hội Đảng lần thứ V sẽ là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thi đua phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), tạo ra các điều kiện cần thiết khai thác tốt các tiềm năng sẵn có. 

- Chúng ta có những năng lực sản xuất chưa được sử dụng hết như lao động, đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật; những năng lực sản xuất mới đã và sẽ được tăng lên. Công suất máy móc thiết bị hiện nay mới sử dụng khoảng 50%; khả năng của việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và tập trung đồng bộ những nguồn năng lượng, vật tư hiện có, như điện, than, xăng dầu, phân bón; khả năng thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích trong nông nghiệp,.. còn nhiều. 

- Việc chấn chỉnh công tác cải tiến quản lý và chỉ đạo thực hiện (đã bắt đầu trong năm 1981 theo hướng coi trọng các đòn bẩy kinh tế, khuyến khích kinh tế, thống nhất ba lợi ích, chú trọng đến kinh doanh hạch toán, đề cao tinh thần tự lực...) sẽ được đẩy mạnh là một yếu tố mang tính quyết định đến việc hoàn thành các kế hoạch do Đảng và Nhà nước đề ra. 

- Mối quan hệ hợp tác, tương trợ giữa nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong Hội đồng tương trợ kinh tế, nhất là sự hợp tác và giúp đỡ của Liên Xô đối với nước ta tiếp tục được tăng cường là một nhân tố thuận lợi lớn. 

Mặt khác, cần thấy rõ những khó khăn về các điều kiện vật chất: 

- Mức tồn kho hầu hết các loại vật tư, hàng hoá quá mỏng, có những loại hầu như không còn tồn kho, tình trạng "ăn đong" vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu sẽ còn nặng nề trong năm 1982, ngay khi bước vào quý I. 

- Vật tư, nguyên liệu nhập khẩu từ các nước xã hội chủ nghĩa: trừ phân đạm tăng khá (từ 56 vạn tấn năm 1981 lên 1,1 triệu tấn năm 1982) và một số loại vật tư khác có tăng chút ít nhưng không đáng kể (thép, đồng, xút cốttích, thuốc nổ, săm lốp ôtô), còn những thứ khác chỉ bằng hoặc kém năm 1981. Riêng xăng, dầu theo hiệp định đã ký, Liên Xô chỉ cung cấp 1,43 triệu tấn, nếu không có nguồn bổ sung thì hầu hết các ngành sẽ bị cắt giảm mạnh (kể cả điện và giao thông vận tải là hai ngành cần được ưu tiên cũng không bằng năm 1981 là năm đã quá căng thẳng). Pirít sắt năm 1981 nhập của Liên Xô 4 vạn tấn, năm 1982 không còn nữa. Việc mang về hết, phân phối kịp thời đến nơi tiêu dùng các hàng hoá trên vẫn còn là một khó khăn lớn. 

- Các loại vật tư, nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường tư bản dự kiến 160 - 170 triệu đôla nhưng còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng xuất khẩu và khả năng thanh toán nợ đến hạn của ta. 

- Các loại vật tư, nguyên liệu trong nước, trừ nông sản và ximăng có thể khá hơn năm 1981 nhưng các loại nguyên liệu quan trọng khác như than, gỗ, gạch, ngói, vôi... cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn năm 1981. Riêng về điện, cố gắng cân đối để có sản lượng trên 4 tỷ kwh, nhưng vẫn còn thiếu 700 triệu kwh (riêng miền Bắc thiếu 450 triệu kwh). Tình hình cung cấp điện chưa có điều kiện cải thiện hơn năm 1981: 

- Năng lực vận tải vẫn trong tình trạng yếu kém. 

- Khả năng tiền vốn rất hạn chế và vẫn còn nhiều khó khăn. 

B - Phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch Nhà nước năm 1982 

Xuất phát từ tình hình kinh tế hiện nay, từ những thuận lợi và khó khăn, căn cứ vào mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 đã được xác định, nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước năm 1982 là: Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo của các ngành, các địa phương, nhất là của cơ sở, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, phát động phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng, thực hiện phương châm trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân cùng làm trên các lĩnh vực, quyết tâm tạo ra một sự chuyển biến mới, mạnh mẽ trong toàn bộ nền kinh tế và đời sống xã hội. 

Kế hoạch nhà nước năm 1982 phải quán triệt thực hiện một bước mạnh theo mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và những tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 (theo báo cáo của kế hoạch 5 năm). 

Theo tinh thần đó, kế hoạch nhà nước năm 1982 phải tập trung phấn đấu thực hiện cho được những nhiệm vụ chủ yếu sau đây: 

1. Tập trung cao độ sức lực của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp cho nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực và thực phẩm, cho nhiệm vụ huy động lương thực cho Nhà nước, bảo đảm nhu cầu lương thực cả nước. 

2. Phát huy mọi tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng nguyên liệu trong nước và năng lực sản xuất hiện có của công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đối với đời sống nhân dân, giảm bớt một phần tình hình căng thẳng hiện nay về các mặt hàng này. 

3. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để các ngành công nghiệp nặng (điện, than, cơ khí, phân bón, hoá chất...) phát huy tối đa năng lực sản xuất của mình tập trung phục vụ đắc lực nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, giao thông vận tải... 

4. Tận lực phát huy mọi tiềm năng của các ngành, các địa phương, các đơn vị cơ sở đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu. 

5. Làm tốt giao thông vận tải, bảo đảm tiếp nhận hết hàng nhập, vận tải Bắc - Nam, vận tải than,... 

6. Sắp xếp lại công tác xây dựng cơ bản. Tập trung ưu tiên bảo đảm các điều kiện thực hiện tốt tiến độ xây dựng của các công trình trọng điểm của Nhà nước, các công trình quan trọng của các ngành và các địa phương. 

7. Lập lại trật tự trên lĩnh vực phân phối - lưu thông theo hướng kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phục vụ tốt sản xuất và đời sống. Nhiệm vụ then chốt, cấp bách là tập trung nắm nguồn hàng vào tay Nhà nước, quản lý chặt chẽ và phân phối hợp lý vật tư, hàng hoá, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa ba lợi ích, tiếp tục xử lý các vấn đề về giá cả, tăng cường quản lý thị trường, điều tiết những thu nhập không hợp lý, tăng cường một bước mạnh thị trường xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn tình trạng lạm phát, ổn định tài chính, tiền tệ, thị trường, giá cả, ổn định đời sống nhân dân, nhất là công nhân, viên chức và bộ đội, ở các thành phố lớn và khu công nghiệp tập trung. 

8. Kết hợp kinh tế với quốc phòng 

Bảo đảm các yêu cầu cần thiết về phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh. Đi đôi với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, các lực lượng vũ trang, tuỳ theo điều kiện của mình, cần tham gia xây dựng kinh tế, trước hết là sản xuất lương thực, thực phẩm, làm đường giao thông, làm thủy lợi...; kết hợp công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng, phát huy năng lực của công nghiệp quốc phòng nhằm tăng thêm sản phẩm cho xã hội. 

9. Tiếp tục tạo ra một bước chuyển biến mạnh, từ cơ chế quản lý hành chính - bao cấp sang cơ chế quản lý và kế hoạch hoá theo hướng kinh doanh xã hội chủ nghĩa và hạch toán kinh tế. 

10. Chấn chỉnh và củng cố bộ máy quản lý nhà nước, khôi phục lại kỷ cương, kỷ luật
 trong toàn bộ hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Nêu caopháp chế xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội. Kiên quyết trừng trị bọn phá hoại, bọn đầu cơ, buôn lậu, bọn tham ô, ăn cắp tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Phát động phong trào quần chúng, nhất là ở các đơn vị cơ sở tham gia công tác bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ kinh tế, tổ chức tốt công tác kiểm tra và thanh tra nhân dân. 

c- Nhiệm vụ cụ thể của các ngành kinh tế 

I- Nông nghiệp 

a) Tập trung cao độ cho sản xuất lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh sản xuất lúa, màu, rau, đậu các loại (nhất là đậu tương), lạc, mía, đường và cá để giải quyết vấn đề ăn. 

Phấn đấu đạt cho được 16,5 triệu tấn lương thực quy thóc (13,5 triệu tấn lúa và 3 triệu tấn màu quy thóc), tăng 1,7 triệu tấn so với năm 1981 là năm có sản lượng cao nhất. 

Từ năm 1982, từng địa phương, nhất là từng huyện, phải có một cơ cấu sản xuất và tiêu dùng lương thực phù hợp với đặc điểm của mình để tự giải quyết nhu cầu lương thực. Phải cân đối lương thực trên địa bàn từng huyện. 

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Hải Hưng, Thái Bình, Hà Bắc, Nghĩa Bình, Phú Khánh, v.v. phải ra sức tăng mạnh sản xuất để cung cấp được nhiều nhất lương thực cho nhu cầu chung của cả nước. 

Các tỉnh nông nghiệp khác phải vươn lên tự giải quyết cho được nhu cầu lương thực của địa phương mình và tiến tới có đóng góp cho nhu cầu chung. Nhà nước chỉ cung cấp lương thực cho các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, bộ đội, các vùng chuyên canh cây công nghiệp, làm muối, làm cá...; bộ đội, cán bộ, công nhân ở những nơi có điều kiện phải tăng gia sản xuất để tự giải quyết một phần nhu cầu lương thực cho mình. 

Theo hướng trên, cân đối lương thực năm 1982 như sau: 

- Các tỉnh Khu V đủ ăn. 

- Các tỉnh B21) thừa 50 vạn tấn quy gạo (sẽ dành cho xuất khẩu 10 vạn tấn, điều ra Bắc 40 vạn tấn). 

- Các tỉnh miền Bắc huy động 84 vạn tấn quy gạo, cộng với 40 vạn tấn điều từ miền Nam ra sẽ có 1,27 triệu tấn quy gạo và khống chế mức tiêu dùng bình quân 11 vạn tấn/tháng, giảm 1,5 - 2 vạn tấn so với năm 1980 - 1981, nhưng phải giảm mức tồn kho cần thiết mới tạm đủ trang trải mức tiêu dùng hạn chế đó. 

Biện pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu trên: 

- Tập trung gieo cấy 7,35 triệu ha cây lương thực, tăng 50,5 vạn ha so với năm 1981, trong đó lúa 5,8 triệu ha, tăng 26 vạn ha, màu 1,55 triệu ha, tăng 25 vạn ha. 

- Phát huy tiềm năng thâm canh của vùng đồng bằng sông Hồng, để giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ, đỡ vận tải từ miền Nam ra. Coi trọng vùng đồng bằng sông Cửu Long để huy động được nhiều lương thực cho cả nước. 

- Về chỉ đạo, cần tập trung cho vùng sản xuất ổn định và các huyện, hợp tác xã có điều kiện đạt cao sản. Vụ đông-xuân cần được hết sức coi trọng vì sản xuất vụ này ổn định hơn, sẽ cấy 1,73 triệu ha lúa, tăng 10 vạn ha, chủ yếu là phục hóa ở miền Nam, sử dụng khoảng 1/3 phân đạm cả năm cho lúa, đưa năng suất lên 26 tạ/ha, sản lượng 4,6 triệu tấn, tăng 43 vạn tấn. Trong đó ưu tiên các điều kiện để thâm canh cao trên 87 vạn ha (miền Bắc 58 vạn ha), sản lượng 2,75 triệu tấn. 

- Nguồn phân đạm nhập khẩu 1,1 triệu tấn, phải đưa về trước 30-7 ít nhất 85 vạn tấn để sử dụng trong năm kế hoạch, tăng 50% so với năm 1981, trong đó tập trung cho lúa 60 vạn tấn, rau và cây công nghiệp 20 vạn tấn, số còn lại gối đầu cho năm sau; ưu tiên cung cấp cho 2 triệu ha lúa đã chủ động nước. 

- Bảo đảm cung cấp 20 vạn tấn phân lân, 9 vạn tấn phân kali; thuốc trừ sâu 6 triệu rúp và 15 triệu đôla, gấp đôi năm 1981. Cung cấp 18 vạn tấn xăng, dầu, bằng năm 1981, và 300 triệu kwh điện (riêng ở miền Bắc); 6 vạn bơm thuốc trừ sâu, tăng 71%. Tổ chức tốt công tác bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, nghiên cứu thay thế giống lúa và có biện pháp chống sâu rầy có hiệu quả cho một số tỉnh vừa qua bị sâu rầy phá hoại. 

- Về thủy lợi, tập trung sức hoàn thành các công trình có thể phát huy tác dụng trong năm 1982, đưa diện tích tưới lên 3,8 triệu ha, tăng 4,4 vạn ha (miền Bắc 2,1 vạn ha, miền Nam 2,3 vạn ha), diện tích tiêu úng tăng 1,4 vạn ha, ngăn mặn tăng 7.200 ha. 

b) Cây công nghiệp: 

- Chú trọng phát triển mạnh cây công nghiệp ngắn ngày. Tổ chức lại sản xuất ở các vùng tập trung. Sản lượng đậu tương 11,6 vạn tấn, tăng 93% so với năm 1981; lạc 13 vạn tấn, tăng 25%; mía 5 triệu tấn, tăng 32%; thuốc lá 2,8 vạn tấn, tăng 21%; đay 4,8 vạn tấn, tăng 50%; cói 8,6 vạn tấn, tăng 8%... 

- Đối với cây công nghiệp lâu năm, chủ yếu tập trung thâm canh, khai thác tốt diện tích hiện có. Càphê 2,3 vạn ha (trồng mới 2.600 ha), sản lượng 6.700 tấn, tăng 26%; caosu 9,8 vạn ha (trồng mới 1 vạn ha), sản lượng 5 vạn tấn, tăng 5%; chè 5,4 vạn ha (trồng mới 3.200 ha), sản lượng 12 vạn tấn, tăng 14%. 

Phát triển mạnh trồng dâu, nuôi tằm ở tất cả những nơi có điều kiện và những cây có sợi khác như bông, bông gòn, lanh, dứa dại... để từng bước giải quyết nhu cầu về mặc. 

c) Chăn nuôi: 

Khuyến khích phát triển mạnh chăn nuôi gia đình: trâu bò, lợn; chú trọng phát triển mạnh những loại gia súc ít dùng thức ăn tinh. Đàn lợn 11 triệu con, tăng 6% so với năm 1981; sản lượng thịt lợn hơi tăng 9%; đàn trâu tăng 4%; đàn bò tăng 4%. Cố gắng cân đối thức ăn để duy trì đàn lợn và gà công nghiệp tập trung xung quanh các thành phố lớn. 

II- Lâm nghiệp và ngư nghiệp 

- Về lâm nghiệp: Khai thác 1,5 triệu m3 gỗ, tăng 5% so với năm 1981, xuất khẩu 21 vạn m3 qua chế biến và tiêu dùng trong nước trên 1,1 triệu m3. Ưu tiên bảo đảm cho khai thác than, nguyên liệu giấy, đóng phương tiện vận tải, bán cho nông dân để thu mua nông sản,... 

Sử dụng quỹ nuôi rừng trồng 7 vạn ha rừng tập trung, chú trọng các vùng trọng điểm gỗ trụ mỏ, nguyên liệu giấy sợi và trồng rừng vùng biên giới... 

Phát động phong trào rộng khắp trong nhân dân các địa phương trồng cây lấy gỗ, củi. 

Đẩy mạnh trồng và khai thác các lâm sản quý như nhựa thông, cánh kiến, quế và các lâm sản khác như mây tre, song, lá buông, cây có dầu, cây dược liệu. 

Tăng cường bảo vệ rừng, có biện pháp phòng và chống nạn đốt, phá rừng. 

- Về ngư nghiệp: Năm 1982 khai thác 42 vạn tấn cá biển, thu mua giao nộp 18 vạn tấn, chế biến 60 triệu lít nước mắm. Xuất khẩu hải sản 18 triệu đôla. 

Tận dụng các mặt nước để nuôi cá nước ngọt, nhất là ở các vành đai thực phẩm; củng cố và phát triển các cơ sở nuôi cá giống; tổ chức quản lý, khai thác tốt cá sông, ngòi, đầm để đạt sản lượng 18 vạn tấn. 

III - Công nghiệp 

Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu đối với đời sống, như vải, giấy, thuốc chữa bệnh; ưu tiên bảo đảm các điều kiện cho các ngành công nghiệp then chốt: điện, than, dầu khí, cơ khí, phân bón, để các ngành này phục vụ đắc lực nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và giao thông vận tải. 

Năm 1982 phải thực hiện một bước việc sắp xếp lại sản xuất công nghiệp cho phù hợp với khả năng cung cấp vật tư nguyên liệu, năng lượng... Sử dụng một cách hợp lý và tiết kiệm vật tư nguyên liệu, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, nhất là nguyên liệu từ nông, lâm, hải sản. 

Khuyến khích tiểu, thủ công nghiệp, tận dụng phế liệu, phế phẩm để phát triển mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. 

Dự kiến giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 3% so với năm 1981, trong đó công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tăng 3,3%. 

1. Tận lực phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, nhất là các loại sản phẩm sản xuất bằng nguyên liệu trong nước. Có chính sách, chế độ cụ thể bảo đảm cho các cơ sở công nghiệp địa phương và tiểu, thủ công nghiệp phát huy quyền chủ động sản xuất, kinh doanh, khai thác các loại nguyên liệu nông, lâm sản... để làm ra nhiều hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. 

- Sản xuất sợi, vải: Sản lượng sợi 4,5 vạn tấn, tăng 38% so với năm 1981. Dành lượng sợi tối đa để dệt vải, ưu tiên bảo đảm điện, than và ngoại tệ nhập 6.000 tấn sợi, thuốc nhuộm và phụ tùng máy sợi, dệt ở thị trường tư bản, chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức và chỉ đạo ngành dệt để đạt sản lượng vải 260 triệu mét, tăng 62%. 

Với mức sản xuất 260 triệu mét và nhập khẩu 20 triệu mét, dự kiến cung cấp cho các nhu cầu không thể thiếu được 180 triệu mét (gồm trả gia công 85 triệu mét, bán hết theo phiếu vải đã cấp từ năm 1979: 25 triệu mét, viện trợ cho Lào và Campuchia 10,5 triệu mét, cho các lực lượng vũ trang, bảo hộ lao động...). Số còn lại 110 triệu mét phân phối cho nhân dân Tây Nguyên và các tỉnh biên giới 7,2 triệu mét (bình quân 3 mét/người), còn 103 triệu mét sẽ phân phối bình quân 2 mét/người. 

Giấy: Bảo đảm cung cấp 8.500 tấn xút cốttích, nhập khẩu 1 vạn tấn bột giấy, cung cấp và vận tải đủ tre, nứa, gỗ làm nguyên liệu, để sản xuất 5,5 vạn tấn, tăng 31% so với năm 1981, trong đó giấy viết 2 vạn tấn, tăng 33%, đủ cung cấp cho học sinh. Riêng Nhà máy giấy Bãi Bằng sản xuất 1,5 vạn tấn giấy, trong đó dành cho xuất khẩu 5.000 tấn, để nhập thêm 5.000 tấn xút. 

Thuốc chữa bệnh Trong điều kiện sản xuất hoá dược và thuốc kháng sinh còn nhỏ bé, cần vận động trồng và sử dụng rộng rãi những cây thuốc tại xã; mỗi trạm y tế xã có 1 - 2 ha đất trồng cây thuốc và vận động từng gia đình trồng có sự hướng dẫn của ngành y tế. 

Sản xuất thuốc chủ yếu sử dụng nguyên liệu trong nước, đồng thời tranh thủ đến mức tối đa nhập thuốc, nhất là thuốc kháng sinh. Năm 1982, dự kiến nhập 16 triệu rúp và 3 triệu đôla để nhập nguyên liệu và thuốc kháng sinh 

Dự kiến trên đây được thực hiện thì năm 1982 thuốc chữa bệnh đỡ căng thẳng hơn. 

Ngành y tế cần cải tiến việc quản lý và phân phối thuốc. Nghiêm trị bọn đầu cơ thuốc và sản xuất thuốc giả. 

Lốp xe đạp: Bảo đảm cung ứng đủ caosu, nhập đủ 700 tấn tanh (chủ yếu ở thị trường tư bản) để sản xuất 7 triệu chiếc lốp xe đạp, tăng 32% so với năm 1981. Dự kiến xuất khẩu 1,5 - 2 triệu cái, còn 5 - 5,5 triệu cái tiêu dùng trong nước, tăng 55% so với năm 1981. 

Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tiêu dùng quan trọng khác như đường mía 20 vạn tấn, trong đó đường do trung ương quản lý 4,5 vạn tấn, tăng 12%; thuốc lá điếu 650 triệu bao, tăng 35%; chè 2 vạn tấn, tăng 11%; rượu mùi 27 triệu lít, tăng 8%; đồ hộp 1,5 vạn tấn, tăng 11%; muối 65 vạn tấn, tăng 14%; phụ tùng xe đạp 7.000 tấn, tăng 18%... 

2. Về điện: 

Dự kiến sản lượng điện 4.035 triệu kwh, tăng 6% so với năm 1981. 

Để đạt sản lượng trên, dự kiến ưu tiên cung cấp cho ngành điện 29 vạn tấn dầu, 1,56 triệu tấn than (bảo đảm vận chuyển 5.000 tấn/ngày), 2.500 tấn bi gang, bi thép cho nghiền than... Điều về gấp số phụ tùng lò, máy đã ký nhập của các nước xã hội chủ nghĩa và giải quyết số ngoại tệ cần thiết để nhập phụ tùng sửa chữa các nhà máy điện, chú trọng Nhà máy điện Ninh Bình và các cơ sở điện miền Nam; nhập thiết bị bổ sung cho tổ tuabin khí 2 lắp đặt thêm ở Thái Bình. 

Sắp xếp lại sản xuất công nghiệp, xây dựng cho phù hợp với khả năng cung cấp nguyên liệu và năng lượng. Tiết chế nghiêm ngặt điện trong sinh hoạt. Chấn chỉnh công tác quản lý ngành điện, ban hành chính sách tiết kiệm điện. Ngành điện cần có biện pháp giảm đến mức thấp nhất điện tự tiêu dùng và điện tổn thất trên đường dây. 

Do nguồn điện ở miền Bắc rất căng thẳng, phải ưu tiên cho các cơ sở sản xuất vải, sợi, cho nông nghiệp - thủy lợi và một số công trường, xí nghiệp trọng điểm. Trong trường hợp úng, hạn đột xuất, sẽ cung cấp thêm dầu để phát thêm tuabin khí và cắt giảm nhu cầu phi nông nghiệp và ánh sáng để giữ cho sản xuất công nghiệp được tương đối bình thường. Có kế hoạch tổ chức sản xuất ca đêm để đỡ căng thẳng về điện. 

ở miền Nam, điện cho sản xuất và sinh hoạt đều dùng chung một hệ thống, cần nghiên cứu tách thành hai hệ thống riêng biệt, nơi nào có điều kiện cho tiến hành ngay, trước hết làm ở những nơi có những hộ tiêu thụ điện lớn, thuộc diện trọng điểm sản xuất phải bảo đảm. 

3. Về than: 

Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng nhập khẩu vật tư, phụ tùng cho ngành than, dự kiến sản xuất 6,1 triệu tấn than, bốc đất đá 224 triệu m3. Than dành cho xuất khẩu 1,5 triệu tấn, tiêu dùng trong nước 4,5 triệu tấn, phân phối theo thứ tự ưu tiên cho điện, dệt, giấy, thuỷ tinh xuất khẩu và y tế, sản xuất phân lân, phân đạm, chế biến lương thực, thực phẩm, vận tải, chất đốt... 

Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tuyển, rửa để tăng chất lượng than. 

Than Na Dương 8 vạn tấn, đáp ứng yêu cầu tối thiểu của sản xuất ximăng. Than mỡ Phấn Mễ 6 vạn tấn. Đẩy mạnh khai thác than của các mỏ ở các địa phương kể cả than nâu, than bùn. 

Các ngành có liên quan cùng với tỉnh Quảng Ninh, tích cực giải quyết đời sống cho công nhân mỏ, nhất là cung cấp kịp thời tiền lương, lương thực, thực phẩm, đồ dùng bảo hộ lao động. 

4. Về dầu khí: 

- Thi công giếng khoan sâu đầu tiên để tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên cấu tạo Bạch Hổ (lô 09) thuộc thềm lục địa phía Nam, theo chương trình hợp tác với Liên Xô. 

Năm 1982 phải hoàn thành xây dựng một số khu vực trong khu công nghiệp dầu khí Vũng Tàu, để bảo đảm vận chuyển dàn khoan số 1 ra xây lắp tại vị trí khoan. Bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho các chuyên gia Liên Xô, bảo đảm sự hoạt động bình thường cho xí nghiệp liên doanh. 

- Hoàn thành tìm kiếm, thăm dò, có báo cáo chính xác trữ lượng khí ở Tiền Hải C để quyết định phương hướng khai thác. Tiếp tục triển khai tìm kiếm ở các vùng Đông Quan, Tiền Hải A. 

5. Cơ khí: 

Trong tình hình vật tư, năng lượng có hạn, cần tập trung đẩy mạnh sản xuất công cụ lao động, phụ tùng sửa chữa thiết bị cho các ngành; sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, giao thông vận tải; tăng các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một số mặt hàng tiêu dùng. 

Dự kiến sản xuất 12.600 tấn phụ tùng, tăng 12% so với năm 1981, tăng mức trung, đại tu xàlan, canô, tàu kéo, toa xe, đầu máy xe lửa và ôtô lên 12-25%; sản xuất 20 triệu công cụ lao động, 4,5 vạn tấn xàlan tăng 21%; 1 vạn tấn thuyền ximăng lưới thép, tăng 25%, 6 vạn bom thuốc trừ sâu, tăng 71%... 

6. Luyện kim: 

Sản xuất 1,4 vạn tấn gang; 3,6 vạn tấn thép; 400 tấn thiếc, tăng 5%; 1,1 vạn tấn crômít, bằng năm 1981. 

7. Hoá chất: 

Sản xuất 27 vạn tấn phân lân, trong đó có 17 vạn tấn supe lân bằng năm 1981 chủ yếu là sử dụng pirít sắt tồn kho; phân đạm Urê 2 vạn tấn tăng 67%. Thuốc trừ sâu gia công 13.500 tấn, tăng 35%. Sơn hoá học 5.000 tấn, tăng 32%. Xà phòng, bột giặt 2,3 vạn tấn, tăng 5%. ắc quy, que hàn điện, xút cốttích bằng năm 1981. 

8. Vật liệu xây dựng: 

Sản xuất 96 vạn tấn ximăng, tăng 59% so với năm 1981, trong đó các nhà máy ximăng lớn 85 vạn tấn (Ximăng Hải Phòng 30 vạn tấn, Hà Tiên 20 vạn tấn, Bỉm Sơn 25 vạn tấn, Hoàng Thạch 10 vạn tấn; sản xuất 1,5 tỷ viên gạch, tăng 34%; 255 triệu viên ngói, tăng 19%; 6,5 triệu m3 đá, tăng 8,5%. 

IV - Đầu tư xây dựng cơ bản 

Kiên quyết bố trí vốn đầu tư tập trung hơn, phù hợp với khả năng thực tế hơn. Cân đối khả năng các mặt chỉ có thể dành cho xây dựng cơ bản 40 vạn tấn ximăng, 6,0 vạn tấn xăng dầu, 7,3 vạn tấn thép, 27 vạn m3 gỗ, tương ứng với khối lượng xây lắp khoảng 1.400 triệu đồng cho nên phải soát xét chặt chẽ lại toàn bộ công trình xây dựng cơ bản. Nhưng việc làm này rất khó và phức tạp, vì các công trình hiện nay đang xây dựng là những công trình quan trọng và đang ở vào giai đoạn cần đẩy mạnh thi công. Trong khi đó các bộ và địa phương yêu cầu vốn đến 2,6 tỷ đồng xây lắp. 

Sau khi cân nhắc các phương án, dự kiến bố trí vốn xây lắp 1.400 triệu đồng, vì nếu ít hơn sẽ không bảo đảm được những mục tiêu tối thiểu và sẽ gây thêm nhiều hậu quả bất lợi cho sản xuất và đời sống, không những của năm 1982 mà còn cho cả các năm sau, trước mắt phải giải quyết việc bảo quản thiết bị, số công nhân xây dựng không có việc làm,... 

Với phương án trên, dự kiến sẽ bố trí: 

Tập trung đầu tư cho các ngành then chốt của nền kinh tế như điện, than, dệt, giấy, dầu khí, phân bón, luyện kim (thiếc), vật liệu xây dựng, thực phẩm, nông nghiệp, giao thông vận tải để đạt những mục tiêu thiết yếu nhất. 

ưu tiên cho các công trình trọng điểm của Nhà nước (40% tổng số vốn xây lắp). Trước hết tập trung cho Nhà máy điện Phả Lại (120 triệu đồng xây lắp, nếu kể cả các công trình đồng bộ với nó, thì vốn xây lắp lên tới 170 triệu đồng). Bảo đảm tiến độ các công trình hoàn thành đi vào sản xuất, kho lương thực, kho thu mua nông sản; các khâu quan trọng của giao thông vận tải như khu vực cảng Hải Phòng, cảng Cửa Lò, các tuyến đường sắt phục vụ khai thác than, apatít, đường sắt Thống nhất. Đầu tư thích đáng cho nhà ở của Hà Nội (7 vạn m2), và của các công trình đã và sẽ đi vào sản xuất. 

Với mức bố trí này trong năm 1982 và 1983 những công trình lớn sau đây sẽ đi vào sản xuất: Điện Phả Lại (tổ máy 1), Ximăng Hoàng Thạch, Ximăng Bỉm Sơn, Sợi Nha Trang, Sợi Hà Nội, Đường La Ngà, ba nhà máy gỗ lạng ở Buôn Ma Thuột, Gia Lai - Kon Tum, Sông Bé. Dự kiến năm 1982 khai hoang 10 vạn ha, trong đó bằng nguồn vốn tập trung 5 vạn ha (năm 1981: 28 vạn ha) để trồng mới 1 vạn ha caosu, 2.600 ha càphê; xây dựng 10 vạn tấn kho thu mua lương thực ở miền Nam, 18 vạn m2 nhà ở cho Hà Nội và các khu công nghiệp. 

- Dự kiến vốn đầu tư của địa phương khoảng 320 - 350 triệu đồng xây lắp (giảm 1/3 so với năm 1981) chủ yếu là cho nông nghiệp. Dành vốn thích đáng cho việc khôi phục 27 huyện, thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn. Đến năm 1984 sau khi một số công trình lớn hoàn thành mới có điều kiện tăng vốn cho các địa phương. 

- Hạn chế đầu tư đối với công trình khởi công mới, các trường đào tạo; tạm dừng đầu tư cho các nông trường, các trạm, trại nông nghiệp xây dựng kéo dài, không có hiệu quả. 

V- Về vận tải 

Hai năm gần đây, do thiếu phụ tùng vật tư sửa chữa, săm lốp... nên năng lực vận tải giảm sút (hầu hết các loại phương tiện chỉ hoạt động được trên dưới 50%, nhất là ngành đường sắt giảm sút nghiêm trọng. Khả năng vận tải chỉ đáp ứng 60 - 70% yêu cầu các ngành kinh tế. 

Vì vậy phải tăng phương tiện vận chuyển, chấn chỉnh công tác tổ chức quản lý để tăng năng lực vận tải. Ưu tiên cung cấp vật tư nguyên liệu, phụ tùng để khôi phục và sửa chữa đầu máy xe lửa, canô, tàu kéo, xàlan vận tải... Điều nhanh số thép tấm đã ký nhập về, cung cấp đủ điện, que hàn, sơn... để sản xuất cho được 4,5 vạn tấn xàlan vận tải. Cố gắng tìm nguồn vốn để mua xàlan, tàu vận tải ven biển. Sử dụng rộng rãi phương tiện vận tải thủ công, cải tiến. Phát triển nhanh thuyền ximăng lưới thép, thuyền buồm đi ven biển (20 - 30 vạn tấn). 

Năm 1982, tập trung sức giải quyết cho được ba mục tiêu chính dưới đây: 

- Tiếp nhận và vận chuyển 4,2 triệu tấn hàng nhập, bằng năm 1981: 

Bộ Ngoại thương và Bộ Giao thông - Vận tải phải ký ngay với bạn lịch điều hàng về trong các quý. Thương lượng để bạn giao sớm các mặt hàng trong nước có yêu cầu bức thiết, nhất là xăng, dầu, thép đóng tầu, xàlan, phân bón, pirit sắt, có kế hoạch phân bố hàng nhập về các cảng một cách hợp lý để có thể tiếp nhận toàn bộ khối lượng hàng nhập về trong năm, đặc biệt là các mặt hàng quan trọng phải đưa về hết trong quý III-1982. 

- Vận chuyển 4,3 triệu tấn than Quảng Ninh: 

Với năng lực vận tải hiện có, chỉ vận chuyển được 3,8 triệu tấn. Vì vậy, cần bảo đảm thường xuyên sẵn sàng ở các cảng khu mỏ Quảng Ninh bình quân 15.000 tấn/ngày, xếp dỡ giải phóng xàlan nhanh để phát huy năng lực hiện có, đồng thời có biện pháp đóng gấp xàlan bổ sung cho vận tải than 2,5 vạn tấn và huy động năng lực vận chuyển của các địa phương để vận chuyển cho được 4,3 triệu tấn than. 

- Vận tải Bắc - Nam: 

Vận chuyển cho được 50 vạn tấn lương thực từ miền Nam ra Bắc, tăng 50% so với năm 1981. Có biện pháp cụ thể tổ chức tốt khâu gom hàng, giải quyết bao bì và xếp dỡ ở các cảng. Cần có biện pháp tăng thêm tàu nhỏ để các tàu lớn đi vận tải ngoài nước có hiệu quả hơn. 

VI- Xuất, nhập khẩu và cân đối ngoại tệ tư bản 

- Yêu cầu xuất khẩu năm 1982 khoảng 650 triệu rúp/đôla, trong đó để thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với các nước xã hội chủ nghĩa là 447 triệu rúp, chưa kể 90 triệu rúp nợ của năm 1981, nhập khẩu với mức tối thiểu từ thị trường tư bản 200 triệu đôla, nhưng khả năng xuất khẩu tính đến nay mới được 510 triệu rúp/đôla (350-360 triệu rúp và 150-160 triệu đôla), tăng 160 triệu rúp/đôla (chưa kể xuất khẩu của địa phương khoảng 50-60 triệu rúp/đôla). Chủ yếu là hàng nông sản và nông sản chế biến 195 triệu rúp/đôla, tăng 62%, gồm đậu tương 2 vạn tấn (năm 1981 chưa xuất); lạc 1,5 vạn tấn, tăng 15% so với năm 1981; rau quả hộp 1,3 vạn tấn, tăng 30%; quả ướp đông 8.000 tấn, tăng 60%; quả tươi các loại tăng 33%; đường 8 vạn tấn; rượu 12 triệu lít, tăng 20%; chè 1,1 vạn tấn, tăng 10%; càphê 4.000 tấn, tăng 33%; thuốc lá điếu 280 triệu bao. Than 1,5 triệu tấn, ximăng 5 vạn tấn. Hải sản 18 triệu đôla, tăng 3 triệu đôla. Quế từ 500 tấn lên 1.000 tấn. Cao sao vàng từ 80 triệu hộp lên 150 triệu hộp. Các sản phẩm gia công cơ khí cũng tăng khá. 

Phát triển mạnh hình thức kinh doanh dịch vụ, cung ứng tàu biển, du lịch, hàng không, bưu điện, văn hoá phẩm… thực hiện các biện pháp, chính sách thích hợp để thu hút các nguồn kiều hối, mở các cửa hàng kinh doanh thu ngoại tệ, … 

Cần xác định sớm các mặt hàng xuất khẩu do nhà nước quản lý. Với các mặt hàng này, các ngành và địa phương trước hết phải thực hiện nghĩa vụ giao nộp cho trung ương, phần xuất khẩu tăng thêm thì địa phương được hưởng. Các mặt hàng không do nhà nước thống nhất quản lý, địa phương có thể tự xuất để nhập các vật tư, hàng hoá cần thiết cho mình. 

Xuất khẩu là nghĩa vụ của mọi ngành, mọi địa phương, mọi cơ sở. Từng ngành, từng địa phương phải có kế hoạch cân đối xuất - nhập. Ngành nào, địa phương nào sử dụng hàng nhập thì phải bảo đảm hàng xuất để cân đối, nếu không xuất được thì phải giảm nhập. 

Về nhập khẩu: 

Chú trọng các mặt hàng quan trọng như phân bón, xăng, dầu, thép tấm… hết sức chặt chẽ trong việc nhập thiết bị. Đối với các công trình thiết bị toàn bộ đã ký kết, nhưng chưa xây dựng thì thương lượng với các nước gửi lại. Nhập khẩu ở thị trường tư bản đã bố trí 170 triệu đôla, tăng 50% so với năm 1981; chủ yếu là dựa vào nguồn xuất khẩu (150 triệu đôla), viện trợ của Thuỵ Điển (15 triệu)… 

Với mức xuất - nhập khẩu như trên, cân đối ngoại tệ tư bản còn thiếu 378 triệu đôla, trong đó nợ đến hạn phải trả trong năm là 335 triệu đôla (chưa kể 160 triệu đôla nợ của năm 1981 chưa trả được). 

Mặt khác, phải có ngay 50 triệu đôla để phục vụ cho các yêu cầu cấp bách trước mắt (24 triệu đôla để nhập 6.000 tấn sợi, 15 triệu thuốc trừ sâu, 3 triệu thuốc chữa bệnh …), chưa kể các nhu cầu quan trọng khác như nhập than mỡ, than nhựa, các loại hoá chất công nghiệp, thạch cao. 

Trong những năm tới, khả năng xuất khẩu cũng chỉ giải quyết được nhu cầu nhập khẩu vật tư nguyên liệu ở thị trường tư bản với mức rất hạn chế, nên chưa đóng góp vào việc trả nợ được. 

Mấy năm qua, Nhà nước đã huy động nguồn ngoại tệ dự trữ để trả nợ. Đến nay nguồn ngoại tệ dự trữ đã cạn. Năm 1982 số xuất khẩu sang thị trường tư bản 150 triệu đôla, đã bố trí nhập vật tư nguyên liệu. Cần có phương án vay để trả hoặc hoãn nợ ngay từ bây giờ. Đồng thời phải có phương án cụ thể về khai thác kim loại quý, đá quý, đặc sản, … để góp phần vào trả nợ. 

VII- Khoa học - kỹ thuật 

Tiếp tục triển khai 71 chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước, đồng thời tiến hành một số đề tài quan trọng của các ngành, các cấp, góp phần giải quyết các mục tiêu chủ yếu sau đây: 

- Trong sản xuất lương thực và thực phẩm: 

Đối với lúa: Hoàn chỉnh một bước hệ thống sản xuất và cung cấp giống lúa. Phổ biến rộng rãi các loại giống mới, năng suất cao, chống sâu bệnh, chịu chua mặn, thích hợp chân ruộng trũng. áp dụng quy trình tưới, tiêu khoa học cho số diện tích lúa có hệ thống thuỷ nông hoàn chỉnh. Nhanh chóng hoàn chỉnh và xây dựng hệ thống các trạm bảo vệ thực vật, các đội bảo vệ thực vật ở hợp tác xã, áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, trừ sâu bệnh hại lúa. áp dụng rộng rãi kỹ thuật bón đạm viên, quy trình chế biến phân chuồng. Mở rộng diện tích bèo dâu, điền thanh; mở rộng mô hình cải tạo đất bạc màu, đất dốc, đất phèn. 

Đối với màu: Tăng nhanh diện tích trồng các giống ngô mới TH2A số 2 năng suất tăng 5-7 tạ/ha; giống khoai tây mới VĐ1, VĐ2; phổ biến giống đỗ tương ngắn ngày ĐT74, ĐT76, năng suất tăng 3-4 tạ/ha; mở rộng diện tích vụ đông trên đất lúa xuân ở miền Bắc. 

Chăn nuôi gia súc, gia cầm: Nhân nhanh giống lợn mới đại bạch XI, giám định, bình tuyển lợn nái, tăng đàn lợn lai vỗ béo, áp dụng biện pháp tổng hợp phòng trừ bệnh cho lợn, phổ biến biện pháp tiêu diệt bệnh toi gà quy mô toàn tỉnh… 

Nuôi cá và đánh bắt cá: áp dụng tổng hợp các kỹ thuật tiến bộ về nuôi cá tăng sản, cho cá đẻ nhân tạo, phổ biến các giống cá chép lai năng suất gấp 2 lần cá thường; áp dụng kỹ thuật tiến bộ đánh bắt tôm, cá để tăng sản lượng cá, tôm xuất khẩu. 

- Giải quyết các khó khăn về nguyên liệu, năng lượng: 

Về gang thép: áp dụng công nghệ sản xuất, sửa chữa tàu, thuyền bằng ximăng lưới thép, áp dụng quy trình đúc gang tiến bộ, giảm tỷ lệ phế phẩm dưới 15%… 

Về vật liệu xây dựng: áp dụng rộng rãi các thiết kế định hình, mở rộng sản xuất gạch không nung, các chất kết dính thay thế ximăng mác thấp, gạch chịu lửa và các nguyên liệu khác như sản xuất axít phốtphoríc, sơn chống bám bẩn đáy tàu, nguyên liệu bột giặt… 

Về gỗ: áp dụng các biện pháp kỹ thuật đẩy nhanh tốc độ, chất lượng trồng rừng, vận xuất, vận chuyển gỗ, lắp đặt dây chuyền cưa xẻ tại cửa rừng, đưa hệ số sử dụng gỗ từ 40% lên 50-60%, đẩy mạnh ngâm tẩm, bảo quản gỗ. 

Về nhiên liệu, năng lượng: áp dụng bù công suất vô công cho hệ thống điện miền Bắc để tiết kiệm 30-50 triệu kwh điện, sản xuất các thiết bị sử dụng dạng năng lượng mới: khí sinh vật, động cơ gió, bơm nước. 

- Về giao thông vận tải và xuất khẩu: 

áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới để tăng năng lực phương tiện vận tải, dùng ximăng lưới thép để sản xuất và phục hồi phương tiện vận tải, cải tiến công nghệ bốc dỡ, áp dụng tổ chức khoa học trong điều độ và tổ chức lại kho bãi. 

áp dụng triệt để biện pháp bảo quản tôm, cá xuất khẩu bằng nước biển có pha hoá chất. 

- Đẩy mạnh các mặt hoạt động quản lý kỹ thuật: tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, nhằm bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Công tác thông tin khoa học - kỹ thuật cần đảm bảo phục vụ các chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật trọng điểm nhà nước, tăng cường cơ sở vật chất về thông tin cho một số bộ có yêu cầu cấp bách, v.v.. 

VIII- Lao động, và đào tạo 

1. Về dân số 

Trong những năm 1976 - 1980 tỷ lệ tăng dân số 2,55 - 2,6% (mỗi năm tăng trên 1 triệu người). Năm 1981 - 1982 tuy có giảm nhưng chưa được bao nhiêu (năm 1981: 2,37%, năm 1982 dự kiến 2,3%). Cần nghiên cứu và thực hành các biện pháp và chính sách về vấn đề này để phấn đấu đến năm 1985 giảm tỷ lệ tăng dân số xuống 1,5 - 1,7%. 

2. Về dân số phi nông nghiệp 

Năm 1981 có 16,87 triệu người, chiếm 30,7% dân số. Năm 1982, với tỷ lệ tăng tự nhiên và tăng do tuyển sinh, tuyển quân, tuyển cho các ngành kinh tế cần thiết sẽ lên đến 17,37 triệu người, dự kiến đưa xuống 17,2 triệu người, bằng các biện pháp chủ yếu: 

- Chuyển bớt số lao động dôi ra trong khu vực nhà nước về sản xuất nông nghiệp; 

- Mở cuộc vận động lớn, đi đôi với các biện pháp về kinh tế và hành chính đối với nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn, nhất là các tỉnh miền Nam, để dãn bớt dân về nông thôn và đi xây dựng vùng kinh tế mới. 

3. Về phân bố lao động 

Theo quyết định của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm (1981-1985) đưa đi vùng kinh tế mới 1 triệu lao động, thì năm 1982 sẽ phải đưa đi 25 vạn lao động với hơn 60 vạn nhân khẩu. 

Phải sử dụng một cách tiết kiệm vốn và lương thực để tổ chức nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. 

Kết hợp hình thức Nhà nước trợ cấp, địa phương và nhân dân cùng góp sức để hoàn thành nhiệm vụ to lớn này. 

Ban chỉ đạo phân bố lao động và dân cư trung ương cùng với Bộ Lao động xây dựng chỉ tiêu cụ thể và hướng dẫn các địa phương thực hiện, khuyến khích hình thức nhân dân tự đi, Nhà nước giúp đỡ một phần. Các tỉnh, huyện có điều kiện như Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh… trước mắt đi lên miền tây của tỉnh; các tỉnh Bình - Trị - Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng chủ yếu đi Tây Nguyên và Đông - Nam Bộ; các tỉnh đồng bằng sông Hồng đi đồng bằng sông Cửu Long và biên giới phía Bắc. Các biện pháp vật chất cho hình thức này do các địa phương tự cân đối theo tinh thần Nhà nước trợ cấp một phần và dân đóng góp một phần. 

4. Về lao động khu vực nhà nước 

Đầu năm 1982 có 3,5 triệu người. Phải có biện pháp thật kiên quyết để giảm mạnh biên chế hành chính khu vực nhà nước. 

Sắp xếp lại tổ chức sản xuất, xây dựng; giải thể bớt các cơ sở sản xuất không có nguyên vật liệu và tổ chức xây dựng không còn nhiệm vụ; chuyển các cơ sở sản xuất quốc doanh nhỏ, không có hiệu quả, trở lại hình thức tập thể; sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và bộ máy quản lý sản xuất, kinh doanh; đồng thời đổi mới cơ cấu lao động khu vực nhà nước, thay thế người già yếu, người không có trình độ và năng lực. 

- Vận động công nhân, viên chức về sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là số mới tuyển, số cán bộ xã điều lên huyện, tỉnh, chưa qua đào tạo. Có chính sách giải quyết về tiền lương thoả đáng. 

- Mở rộng diện nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động. 

- Buộc thôi việc đối với những người vi phạm kỷ luật lao động, tham ô, ăn cắp của công. 

- Soát xét lại bộ máy tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể ở tất cả các cấp; kiên quyết giảm bớt các đầu mối trung gian, các tổ chức không thật cần thiết; không mở thêm các tổ chức mới; thực hiện giảm biên chế ít nhất 20-30%. 

5. Chấn chỉnh công tác tiền lương, mở rộng hình thức lương khoán theo khối lượng sản phẩm trên cơ sở chấn chỉnh lại công tác định mức, chống khuynh hướng hạ thấp định mức. Điều chỉnh lại hệ thống tiền lương, khắc phục các hiện tượng quá bất hợp lý hiện nay, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động và phù hợp với tình hình giá cả thay đổi. 

6. Về giải quyết việc làm cho người lao động 

Lực lượng lao động xã hội năm 1982 tăng 1 triệu người so với năm 1981. Số lao động chưa có việc làm hiện nay lên đến 1,7 triệu người, trong đó hơn một nửa tập trung ở các thành phố lớn. 

Các địa phương, nhất là các huyện cần kết hợp tổ chức lại sản xuất, mở rộng phân công lao động tại chỗ trên địa bàn huyện, phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề để tăng nhanh sản lượng nông nghiệp và hàng tiêu dùng, giải quyết việc làm cho người lao động. ở các vùng đông dân, cần đưa mạnh dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. 

Việc giải quyết việc làm cho người lao động cần tập trung trước hết đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Ngoài việc đưa bớt dân về sản xuất nông nghiệp, cần dành nguyên liệu gia công hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng để thu hút lao động; điều cho các nhu cầu của Nhà nước (riêng Hà Nội 1,8 vạn người: tuyển sinh 8.000 người, tuyển lao động 2.000 người, hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa 5.000 người…); mở rộng các dịch vụ. 

Tuy vậy số người chưa có việc làm ở các thành phố vẫn còn nhiều, cần tiếp tục giải quyết. 

7. Tiếp tục hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời nghiên cứu mở rộng hợp tác lao động với một số nước ngoài xã hội chủ nghĩa (Trung Đông và châu Phi). Dự kiến năm 1982 đưa đi khoảng 3 vạn người. Năm 1982 và các năm tới cần xúc tiến làm tốt việc này để từ nay đến năm 1985 có thể có nguồn thu cho nhà nước khoảng 180 triệu rúp. 

8. Đào tạo cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật 

Trên cơ sở xác định quy mô đào tạo mà sắp xếp lại các trường đào tạo cho phù hợp với khả năng kinh tế - tài chính và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn trước mắt và sau này, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo; chuyển mạnh sang hình thức đào tạo chuyên tu, tại chức, trên cơ sở đó, cần: 

- Chuyển học sinh của các ngành hiện chưa có yêu cầu sang học các ngành đang còn thiếu; chỉ tuyển mới có mức độ và phải tính toán chặt chẽ. 

- Kết hợp việc tuyển sinh đào tạo theo địa phương và vùng lãnh thổ với nhu cầu sử dụng tại chỗ. Mở rộng việc đào tạo cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật cho khu vực kinh tế tập thể và do họ đóng góp kinh phí đào tạo. 

- Nghiên cứu, ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ đại học và trung học chuyên nghiệp được phân công về hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp, đi miền núi. 

Theo hướng đó, năm 1982 dự kiến tuyển vào các trường đại học và cao đẳng giảm 10% so với kế hoạch năm 1981 (trong đó dài hạn giảm 16%); tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp giảm 18% (trong đó dài hạn giảm 17%); đào tạo công nhân kỹ thuật giảm 40%. 

IX- Thương nghiệp và đời sống 

Tập trung sức nắm nguồn hàng vào tay nhà nước, nhất là các nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu, hàng tiêu dùng thiết yếu cho công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang. Dự kiến huy động 3,4 triệu tấn lương thực, tăng 38% so với năm 1981; thịt lợn 17 vạn tấn, tăng 19%; đỗ tương 4 vạn tấn, gấp 3,3 lần; rau 25 vạn tấn; lạc 3 vạn tấn, tăng 20%; mía (cho các nhà máy đường của trung ương) 80 vạn tấn, tăng 83%; thuốc lá 2,2 vạn tấn, tăng 95%; chè 10 vạn tấn, tăng 10%; đay 3 vạn tấn, tăng 20%; cói 6 vạn tấn, tăng 22%; đường sản xuất thủ công 12 vạn tấn, tăng 33%… 

Thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để nhà nước nắm cho được toàn bộ sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh và đại bộ phận sản phẩm của hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp. 

Với mức sản xuất như đã bố trí, nhà nước chỉ có khả năng giải quyết một số nhu cầu cấp thiết, trước hết tập trung sức ổn định đời sống công nhân, viên chức, các lực lượng vũ trang và các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung. 

Mỗi địa phương, mỗi vùng cần đẩy mạnh sản xuất, thu mua, nắm nguồn hàng để tự trang trải nhu cầu tại chỗ, giảm bớt căng thẳng về vận chuyển, nhất là vận chuyển từ miền Nam ra. 

- Về lương thực, thực phẩm (thịt, cá, nước mắm, nước chấm, bột ngọt) bảo đảm mức cung cấp cho công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang theo tiêu chuẩn định lượng như năm 1981. Riêng đường, do sản xuất và thu mua tăng, mức cung cấp dự kiến khá hơn năm 1981. 

- Về vải mặc, nếu đạt được sản lượng dự kiến, nhà nước sẽ cung cấp được bình quân 2m/người (chưa kể phần địa phương tự túc về mặc). 

- Về hàng tiêu dùng, lốp xe đạp, nilông đi mưa, chiếu cói khả năng cung cấp cho cán bộ, công nhân và nhân dân tăng hơn năm 1981, nhưng so với yêu cầu vẫn còn thấp. 

- Về chất đốt, dầu thắp sáng cho nhân dân và chất đốt cho Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cố gắng giữ như năm 1981. Riêng than và củi dành làm chất đốt tuy có tăng, nhưng vẫn còn căng thẳng. 

X- Tài chính - tiền tệ và giá cả 

Tình hình tài chính - tiền tệ và cân đối tiền hàng đang diễn biến phức tạp. Nếu không có các biện pháp đặc biệt và có hiệu lực, thì mức bội chi ngân sách và tiền mặt có thể còn cao hơn nhiều so với năm 1981. Nếu vậy, thì tình hình thị trường, giá cả, đời sống sẽ bị đảo lộn lớn. 

Để khắc phục tình hình đó, cần có những biện pháp mạnh bạo, kiên quyết nhằm tăng thu, hạn chế tới mức thấp nhất bội chi ngân sách và tiền mặt: 

1. Khuyến khích phát triển sản xuất hàng tiêu dùng ở tất cả các đơn vị xí nghiệp, kể cả các xí nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất, xí nghiệp quốc phòng. Đi đôi với việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa ba lợi ích trong chế độ tiền thưởng, phân phối lợi nhuận, phải chấn chỉnh việc giao nộp sản phẩm cho Nhà nước, tập trung các nguồn thu vào ngân sách nhà nước. 

2. Nghiên cứu các chính sách thuế và tổ chức tốt việc thu thuế đối với khu vực kinh tế tập thể và cá thể, nhất là đối với các hộ tư nhân kinh doanh công, thương nghiệp, tìm mọi cách thu cho được khoản thu nhập chênh lệch do tăng giá. Phải kiện toàn tổ chức chỉ đạo công tác thu thuế ở các địa phương. 

3. Nghiên cứu việc phát hành công trái và mở rộng các hình thức xổ số, cải tiến hình thức gửi tiết kiệm để huy động lượng tiền nhàn rỗi trong dân. 

4. Triệt để tiết kiệm chi tiêu ở tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, quốc phòng, an ninh; tính toán lại quy mô đào tạo. Thực hiện việc "lấy thu bù chi" đối với các đơn vị hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, các đơn vị sự nghiệp, các viện nghiên cứu khoa học - kỹ thuật... Nghiên cứu thực hiện việc khoán chi cho các địa phương, cho các ngành, các đơn vị quản lý hành chính. 

5. Tăng cường quản lý thị trường, nghiêm trị bọn đầu cơ, móc ngoặc, buôn lậu, tham ô, ăn cắp vật tư, hàng hoá của Nhà nước. 

Bằng những biện pháp này, dự tính có thể thu thêm 3,5 - 4,5 tỷ đồng, giảm bớt bội chi đến mức thấp nhất. 

Việc chỉ đạo công tác phân phối lưu thông cần phải nắm thật chắc tình hình diễn biến để kịp thời uốn nắn, khắc phục những hiện tượng lệch lạc, tiêu cực, nhằm nhanh chóng đưa tình hình kinh tế - tài chính trở lại hoạt động bình thường. 

XI- Văn hoá, giáo dục, y tế và xã hội 

Về văn hoá và thông tin: 

Hướng các hoạt động văn hoá - thông tin, nghệ thuật vào phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, nhằm thực hiện tốt kế hoạch nhà nước năm 1982, đồng thời đấu tranh mạnh mẽ chống chiến tranh tâm lý của địch; chống các tư tưởng bi quan, tiêu cực, vô tổ chức, vô kỷ luật; loại trừ văn hoá nô dịch, đồi trụy, mê tín, dị đoan đang có chiều hướng phục hồi. Đi đôi với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hoá - nghệ thuật cần phát triển mạnh, góp phần tăng nguồn thu cho Nhà nước, đồng thời tiết kiệm chi dùng trong ngành. 

- Dự kiến xuất bản 17 tỷ trang in, bằng 98% so với năm 1981, riêng sách giáo khoa phổ thông tăng 4%. Cố gắng duy trì mức phát hành các loại báoNhân dân và Quân đội nhân dân, còn các loại tạp chí, tập san, các giấy tờ khác phải soát xét lại để giảm bớt và chuyển sang hạch toán kinh doanh. 

- Nâng cao chất lượng các buổi phát thanh và truyền hình. 

- Việc sản xuất và phát hành phim cần kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị và bảo đảm kinh doanh, lấy thu bù chi, tiến tới có lãi. 

- Về giáo dục: 

Nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện từng bước cải cách giáo dục. Khuyến khích và chỉ đạo tốt phong trào các trường học tham gia lao động sản xuất, thiết thực làm ra của cải vật chất cho xã hội. Đẩy mạnh công tác bổ túc văn hóa tại chức, có kế hoạch chống mù chữ trở lại, nhất là ở các tỉnh miền núi. Tăng cường bổ túc văn hoá tập trung cho các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Nam. Củng cố các lớp mẫu giáo hiện có, bảo đảm thu nhận khoảng 33% số trẻ trong độ tuổi. 

Dự kiến số học sinh mẫu giáo năm học 1982 - 1983 khoảng 1,6 triệu cháu, bằng năm học 1981 - 1982. Số học sinh phổ thông đầu năm học 12,3 triệu, (trong đó cấp I phổ thông cơ sở 8,2 triệu em, cấp II - 3,4 triệu em, phổ thông trung học 75 vạn em, tăng 4%); số học sinh bổ túc văn hóa tập trung khoảng 5 vạn người, tăng 15%. 

- Về y tế, xã hội, thể thao thể dục: 

Đẩy mạnh cuộc vận động vệ sinh, phòng bệnh và sản xuất vắcxin để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh. Phát huy tác dụng của mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là y tế xã, để làm tốt việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Củng cố, nâng cao chất lượng các cơ sở điều trị, điều dưỡng hiện có, tranh thủ xây dựng các công trình nước ngoài viện trợ cả thiết bị và vật liệu. 

Dự kiến năm 1982 có 11.491 cơ sở điều trị và điều dưỡng với 199 nghìn giường, tăng 3% so với năm 1981. 

Nâng cao chất lượng các nhà trẻ. Dự kiến số trẻ em được thu nhận vào nhà trẻ 1,3 triệu cháu, tăng gần 2% so với năm 1981. 

- Mở rộng cuộc vận động rèn luyện thân thể trong nhân dân, phấn đấu năm 1982 có 2,6 triệu người đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, tăng 4%. 

Theo các chỉ tiêu kế hoạch đã bố trí như trên, các chỉ tiêu tổng hợp của nền kinh tế dự kiến như sau1: 

 

Đơn vị

Kế hoạch 1982

Kế hoạch 1982 so với ước thực hiện 1981 (%)

- Tổng sản phẩm xã hội

tr. đ

25.300

104,0

- Thu nhập quốc dân sản xuất

"

13.606

105,5

- Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp

"

8.811

111,2

- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

"

8.760

103,0

- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Trong đó: Xây lắp

 

"

3.294

115,5

 

1.400

93,0

- Khối lượng hàng hoá vận tải trong nước

tr. tấn

51,5

122

 

tr. t/km

5.141

117

- Giá trị hàng hóa xuất khẩu

tr. r/đôla

510

145,0

- Giá trị hàng hoá nhập khẩu

"

1.400

110,0

- Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên thị trường có tổ chức

tr. đ

33.000

-

- Tổng quỹ tiền lương

"

6.440

 





Nhìn tổng quát lại, theo các chỉ tiêu kế hoạch bố trí như trên, dự kiến tổng sản phẩm xã hội khoảng 25.300 triệu đồng, tăng 4,0% so với năm 1981, thu nhập quốc dân sản xuất 13.606 triệu đồng, tăng 5,5%. Thu ngoài nước 2.420 triệu đồng, giảm 11,4%. Từ đó thu nhập quốc dân sử dụng khoảng 16.026 triệu đồng, tăng 2,6% so với năm 1981, trong đó quỹ tích luỹ 2.035 triệu đồng, tăng 10,0%; quỹ tiêu dùng nhân dân (không kể viện trợ và phần tiêu dùng hàng hoá của quốc phòng - an ninh) 12.960 triệu đồng, tăng 2,4%. Do dân số tăng 2,3% nên mức tiêu dùng bình quân đầu người 230,6 đồng, chỉ tăng 0,2% so với năm 1981. 

Như vậy, nếu quỹ tiêu dùng (không kể một phần hàng hoá của quốc phòng) là 12.960 triệu đồng, thì thu nhập quốc dân sản xuất không những đáp ứng được yêu cầu của quỹ tiêu dùng mà còn thừa khoảng 5%. 

Nếu quỹ tiêu dùng (kể cả một phần hàng hoá của quốc phòng) là 14.090 triệu đồng, thì thu nhập quốc dân sản xuất mới bảo đảm được 96,6% quỹ tiêu dùng. Như vậy số quỹ tiêu dùng còn thiếu và toàn bộ quỹ tích luỹ, về mặt giá trị mà nói, phải dựa vào nguồn vốn vay của nước ngoài. 

Trong tình hình khó khăn của nền kinh tế, việc bố trí kế hoạch nhà nước năm 1982 đã cố gắng tập trung vào một số mục tiêu chủ yếu nhằm từng bước ổn định tình hình kinh tế, đời sống xã hội. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và mất cân đối lớn chưa giải quyết được: 

- Nguồn xăng, dầu còn rất hạn chế. 

- Lương thực khu vực nhà nước ở miền Bắc còn gay gắt. 

- Chưa có tiền trả nợ. 

- Tài chính, tiền tệ vẫn tiếp tục bội chi. 

- Năng lực vận tải vẫn yếu kém, chỉ bảo đảm khoảng 60 - 70% yêu cầu của nền kinh tế. 

- Số người lao động chưa được sắp xếp việc làm còn lớn, nhất là ở các thành phố lớn. 

Phần ba: Về tổ chức quản lý và chỉ đạo thực hiện 

Kế hoạch năm 1982 có rất nhiều khó khăn, muốn ổn định một bước kinh tế và đời sống, phải kiên quyết tập trung mục tiêu, điều chỉnh nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, thực hành triệt để tiết kiệm, kiên quyết giảm chi để mức chi tiêu cân đối với nguồn thu có thể có. Muốn vậy, phải có một loạt biện pháp, chế độ, chính sách thích hợp. Các chế độ, chính sách này phải được ban hành sớm làm cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch. 

Sau đây là một số biện pháp cấp bách chủ yếu 

A- Về quản lý kinh tế và kế hoạch hoá 

Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, khôi phục những nếp quản lý đúng đắn đã được xây dựng từ trước, sửa đổi, bổ sung những chỗ không phù hợp trong chính sách và chế độ quản lý: 

1. Đề nghị Trung ương Đảng thông qua sớm nghị quyết về cải tiến quản lý kinh tế và kế hoạch hoá, trên cơ sở đó hình thành cơ chế quản lý mới, thay đổi các chính sách cũ, định các chính sách mới; theo dõi chặt chẽ các chính sách mới đã ban hành gần đây, uốn nắn những mặt lệch lạc làm cho các chính sách này phát huy tác dụng ngày càng tốt hơn. 

2. Sớm quy định toàn diện việc phân công phân cấp giữa trung ương và địa phương. 

3. Trong công tác kế hoạch hoá: Khôi phục và bổ sung các định mức, trước hết các định mức tiêu hao vật tư chủ yếu, cụ thể hoá việc xây dựng kế hoạch, cân đối kế hoạch ở ba cấp, năm 1982 phải làm tốt trước hết ở huyện; sửa đổi, bổ sung hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh nhằm mở rộng quyền chủ động của các cấp, nhất là của cơ sở, làm cho kế hoạch gắn chặt với kinh doanh và hạch toán kinh tế, đồng thời bảo đảm tính tập trung của kế hoạch nhà nước. 

4. Tiến hành hạch toán kinh tế chặt chẽ, khôi phục các chế độ hạch toán kinh tế đúng đắn, chấn chỉnh từ việc ghi chép số liệu ban đầu, bổ sung các chế độ cần thiết nhằm xoá bỏ chế độ bao cấp, nâng dần tính chủ động, tự chịu trách nhiệm về tài chính của cơ sở, hết sức coi trọng hiệu quả kinh tế. 

Chấn chỉnh công tác thông tin kinh tế. 

5. Sớm ban hành luật ruộng đất, luật về nghĩa vụ lao động... 

6. Chấn chỉnh tổ chức và tăng cường hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, phát động phong trào quần chúng nhất là ở cơ sở, tham gia công tác thanh tra, kiểm tra. Nêu cao chức năng của các cơ quan tài chính, ngân hàng về mặt phục vụ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như về mặt kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạch toán kinh tế của các đơn vị cơ sở,... 

B- Biện pháp chỉ đạo 

1. Phải chỉ đạo tập trung, đồng bộ đối với sản xuất lương thực, huy động lương thực cho Nhà nước. Phân phối lương thực phải thật chặt chẽ. Tiết kiệm gắt gao lương thực. Nghiêm trị những kẻ đầu cơ, ăn cắp và để lãng phí lương thực. 

2. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các cơ quan tham mưu khác và các Bộ Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp thực phẩm, Điện lực, Mỏ và Than, Giao thông vận tải... chỉ đạo điều hành, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu đối với đời sống và hàng xuất khẩu. 

3. Về sắp xếp lại sản xuất công nghiệp và xây dựng 


- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với các bộ, tổng cục và địa phương, bố trí sắp xếp lại sản xuất công nghiệp và xây dựng: loại xí nghiệp công nghiệp và công trường xây dựng cần được bảo đảm ưu tiên số 1 về các điều kiện vật tư, nguyên liệu và năng lượng để sản xuất được liên tục và xây dựng đúng tiến độ theo kế hoạch; loại xí nghiệp chỉ có khả năng bố trí có mức độ các điều kiện sản xuất và loại công trình xây dựng phải dãn tiến độ thi công; và sau nữa là loại xí nghiệp phải chuyển hướng sản xuất do thiếu năng lượng và nguyên liệu. Trên cơ sở đó, cần có biện pháp giải quyết các vấn đề do việc sắp xếp này đặt ra, như phục vụ đời sống, chuyển hướng sản xuất và giải quyết việc làm đối với số lao động dôi ra,v.v.. 

- Các bộ và các địa phương xử lý thiết bị của các công trình hoãn xây dựng do mình quản lý. Xác định thiết bị nào có thể lắp đặt vào các công trình hiện có để huy động sử dụng, công trình nào phải bảo quản để khi có điều kiện có thể tiếp tục xây dựng. Có kế hoạch và biện pháp bảo quản tốt các công trình đang xây dựng dở dang, nay tạm ngừng xây dựng. 

- Bộ Nông nghiệp chủ trì cùng với các ngành có liên quan trong quý I - 1982 soát xét lại các nông trường hiện có, xác định phương án sản phẩm và hiệu quả kinh tế để có thái độ xử lý thích hợp. 

4. Về xuất khẩu 

Trong quý I - 1982 Bộ Ngoại thương trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng các vấn đề về chính sách xuất khẩu, về quan hệ giữa trung ương và địa phương và cơ sở trong việc xuất, nhập khẩu, quy định cụ thể những mặt hàng do Nhà nước nắm độc quyền xuất khẩu, những sản phẩm khuyến khích địa phương tự xuất khẩu, đề xuất kiến nghị giải quyết các vướng mắc trong việc huy động nguồn hàng xuất khẩu hiện nay, nhất là về giá cả thu mua hàng xuất khẩu, v.v.. 

5. Theo dõi sát tình hình diễn biến, tiếp tục đi sâu nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề về phân phối - lưu thông 

Có những biện pháp kiên quyết, có hiệu lực để tập trung nắm nguồn hàng vào tay Nhà nước, quản lý thị trường. Các xí nghiệp quốc doanh phải nghiêm túc thực hiện kỷ luật giao nộp toàn bộ sản phẩm cho Nhà nước, kỷ luật nộp tích luỹ, kỷ luật về tiền mặt. Nghiêm trị các trường hợp vi phạm kỷ luật, giữ sản phẩm lại để phân phối nội bộ, tuồn hàng ra ngoài. 

Xử lý gấp vấn đề giá cả, kịp thời tháo gỡ các ách tắc của sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản. Nhanh chóng tìm cách ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên. 

6. Tiết kiệm 

Triệt để giảm chi phí hành chính, tiết kiệm chi quốc phòng, an ninh. 

Ban bố chính sách tiết kiệm điện, than, xăng, dầu và các nguyên liệu chủ yếu. Công bố chỉ tiêu tiết kiệm cho mọi ngành (dự kiến 10% vốn và vật tư chủ yếu). 

Kiểm kê chặt chẽ và tìm mọi biện pháp huy động thiết bị, vật tư tồn kho, ứ đọng. 

7. Lao động và dân số 

Kiên quyết thực hiện các biện pháp có hiệu lực để giảm biên chế hành chính khu vực nhà nước và nhân khẩu phi nông nghiệp. 

Không lập ra các tổ chức mới, xóa bỏ các tổ chức trung gian không cần thiết. Đưa bớt nhân khẩu phi nông nghiệp về sản xuất nông nghiệp. 

Bộ Lao động chủ trì cùng với Ban Tổ chức Chính phủ và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trong quý I - 1982 trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về biện pháp và chính sách giảm biên chế, về điều chỉnh chế độ tiền lương cho phù hợp với tình hình giá cả tăng lên, các biện pháp dãn bớt nhân khẩu phi nông nghiệp ra ngoại thành, ngoại thị để sản xuất nông nghiệp. 

Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em chủ trì cùng với Bộ Y tế trình Hội đồng Bộ trưởng về biện pháp hạn chế sinh đẻ. 

8. Đào tạo 

Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề chủ trì cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các bộ có liên quan chuẩn bị nội dung trình Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp lại hệ thống các trường và quy mô đào tạo. 

9. Tổ chức cán bộ 

Kiện toàn gấp sự chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, kiện toàn các tổ chức yếu kém, mạnh dạn đề bạt cán bộ có phẩm chất và năng lực. 

Chấn chỉnh lề lối làm việc, hướng về cấp dưới và cơ sở, khẩn trương giải quyết khó khăn cho cơ sở. Tăng cường kiểm tra, đề cao kỷ luật, khen thưởng. 

Các biện pháp trên đây cần được nghiên cứu kỹ và sớm ban hành. 



* * 

Kế hoạch trên đây đã cố gắng bố trí gần với thực tế. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta chưa chủ động bảo đảm chắc chắn nhiều điều kiện vật chất của sản xuất, cho nên yếu tố quyết định của việc hoàn thành kế hoạch là tính năng động của chỉ đạo, tính chủ động sáng tạo của các ngành, các địa phương, các cơ sở, là phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa của những người lao động.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website