Phát biểu ý kiến của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn kết luận Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch năm 1982 và kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 đã xác nhận những nhận định cơ bản của Hội nghị lần thứ 10 vừa qua, tiếp tục cụ thể hoá và làm rõ thêm một số phương hướng, chủ trương cho năm 1982. 

Hôm nay, thay mặt Bộ Chính trị, tôi phát biểu một số ý kiến kết thúc cuộc thảo luận của hội nghị chúng ta. 

I- Về tình hình năm 1981 

Năm 1981 là năm đạt thành tựu và tiến bộ trên nhiều lĩnh vực: 

1. Nông nghiệp thắng lợi toàn diện 

Đây là năm đạt sản lượnglương thực cao nhất từ trước tới nay, vượt kế hoạch và tăng 70 vạn tấn so với năm 1980 (riêng miền Bắc tăng gần 1 triệu tấn; nếu miền Nam cấy hết gần 30 vạn hécta và sản lượng màu không giảm 23 vạn tấn thì thắng lợi còn lớn hơn nữa). 

Cây công nghiệp tăng khá; đặc biệt đậu tương tăng hơn 60% về diện tích và gấp đôi về sản lượng so với năm 1980, mở ra triển vọng phát triển lớn. 

Chăn nuôi cả lợn, trâu, bò đều phát triển khá. 

Huy động lương thực được 2,5 triệu tấn, đó là mức cao nhất đạt được trong những năm qua. Thu mua các loại nông sản thực phẩm như đậu tương, thịt lợn, cá nước ngọt, đường, v.v., đều tăng nhiều so với các năm trước. 

2. Sản xuất công nghiệp đạt kế hoạch và tăng một ít so với năm 1980; riêng công nghiệp địa phương vượt kế hoạch 7,5%, trong đó tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp vượt kế hoạch 10%. Sản lượng một số sản phẩm quan trọng như thiếc, xàlan, canô, tàu kéo, đường mía, đồ hộp, thuốc lá... tăng khá. Tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm được bảo đảm. 

3. Điều cần nhấn mạnh là những thành tích, tiến bộ nói trên đạt được trong khi điều kiện vật chất như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, năng lượng, vật tư, nguyên liệu đều kém sút nhiều so với những năm trước. 

Nhưng do bước đầu thực hiện một số đổi mới trong cơ chế quản lý như ổn định nghĩa vụ lương thực, khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động, điều chỉnh giá thu mua nông sản, thực hiện quyền chủ động sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp công nghiệp, tăng tỷ lệ tiền thưởng năng suất, mở rộng quyền cho các địa phương kinh doanh xuất - nhập khẩu, v.v. đã phát huy những nhân tố tích cực mới trong phong trào lao động sản xuất. Đặc biệt những chủ trương đó đã bước đầu thúc đẩy các địa phương, các cơ sở đi vào làm ăn có tính toán, cố gắng tìm mọi cách khai thác tiềm năng để phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện từng bước đời sống của công nhân, viên chức và người lao động. Thực tiễn nói trên khẳng định: 

- Nền kinh tế của ta đang có những khó khăn và mất cân đối nghiêm trọng, nhưng bên cạnh đó cũng có những khả năng tiềm tàng rất to lớn, trong đó có những khả năng trong tầm tay chưa được khai thác tốt. 

- Chúng ta hoàn toàn có thể khai thác được các khả năng đó nếu nắm vững và biết vận dụng các vấn đề có tính quy luật trong đường lối chung và đường lối kinh tế do Đại hội lần thứ IV đề ra mà Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương đã khẳng định là đúng đắn. Trước hết là thực hiện việc chuyển mạnh từ cơ chế quản lý hành chính, bao cấp sang cơ chế quản lý mới, bảo đảm chế độ làm chủ ở ba cấp cơ bản, gắn liền kế hoạch với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thực hiện sự thống nhất và kết hợp đúng đắn giữa ba lợi ích; phát huy cao độ tính năng động sáng tạo của từng đơn vị cơ sở, tính tích cực sản xuất của mỗi người lao động, cũng như ý thức trách nhiệm của các ngành, các địa phương trong chỉ đạo thực hiện. Đây chính là biện pháp quan trọng hàng đầu để khai thác những năng lực sẵn có và những khả năng tiềm tàng, khắc phục những khó khăn trước mắt để đưa nền kinh tế tiến lên. Chúng ta cần tổng kết tốt những điển hình tiên tiến trên các mặt hoạt động kinh tế để phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm ấy; đồng thời để đổi mới cách suy nghĩ, đổi mới cách làm ăn, đi sâu vào việc hoàn thiện từng bước hệ thống quản lý mới của nền kinh tế chúng ta. 

Bên cạnh thành tựu và tiến bộ còn có những khuyết điểm: không cấy hết gần 30 vạn hécta ở miền Nam và đã để cho sản lượng màu giảm 23 vạn tấn. Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như vải, hàng may mặc, giấy, chiếu cói, phụ tùng xe đạp, sành sứ, thuỷ tinh, xà phòng, thuốc chữa bệnh... đạt kế hoạch quá thấp, làm ảnh hưởng tới quỹ hàng hoá đối lưu giữa Nhà nước với nông dân, đến nguồn thu ngân sách nhà nước, đến kim ngạch xuất khẩu. Nhiều sản phẩm chủ yếu về công nghiệp nặng như điện, than, thép, máy kéo, phân đạm, ximăng... cũng đạt thấp. Xuất - nhập khẩu và giao thông vận tải chưa tạo được chuyển biến cần thiết. 

Những mặt yếu kém nói trên là do khuyết điểm trong công tác chỉ đạo và quản lý kinh tế, trong việc điều hành thực hiện kế hoạch của các cấp, các ngành, trước hết là của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và của Ban Bí thư. Cần vạch rõ rằng nếu có sự chỉ đạo và điều hành tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm, tiến hành sắp xếp lại kịp thời một số mặt sản xuất, điều hoà phối hợp ăn khớp giữa cung ứng điện với sản xuất, bảo đảm tốt giao thông vận tải và cung tiêu, v.v. thì một số mặt hàng thiết yếu và mục tiêu quan trọng không đến nỗi đạt kế hoạch quá thấp. 

Trên mặt trận phân phối lưu thông, nhiều công việc đã bắt đầu triển khai và thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên tình hình phân phối lưu thông còn rất khó khăn. Những yêu cầu của Nghị quyết 26 và Chỉ thị 109 của Bộ Chính trị chưa được giải quyết một cách cơ bản. Ngân sách nhà nước và tiền mặt tiếp tục bội chi lớn; giá cả thị trường biến động và chưa có cơ sở ổn định; tiền lương thực tế của cán bộ, công nhân, viên chức tiếp tục giảm sút. 

Nguyên nhân cơ bản là sản xuất phát triển chậm, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế kém; lực lượng hàng hoá trong tay Nhà nước mỏng và bị thất thoát nhiều; những mất cân đối về mặt vật chất (giữa cung và cầu, giữa tiền và hàng, giữa xuất và nhập) làm cơ sở cho phân phối lưu thông, hết sức căng thẳng. 

Mặt khác, việc tổ chức và chỉ đạo thực hiện mặt trận phân phối lưu thông trong thời gian qua, có một số sai sót nghiêm trọng. Việc điều chỉnh hệ thống giá cả của Nhà nước (bao gồm giá thu mua, giá bán buôn và bán lẻ) là cần thiết và phương hướng điều chỉnh do Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra là đúng. Nhưng việc tổ chức thực hiện chưa tốt đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức. Việc xác định một số mức giá bán buôn vật tư và kế hoạch triển khai thực hiện thay đổi giá bán buôn còn nóng vội và giản đơn; việc chuẩn bị chưa đầy đủ, việc tính toán còn sai sót; việc dự đoán các tác động về kinh tế, chính trị, xã hội chưa chính xác và việc giải quyết những biến động xảy ra chưa chu đáo. Việc chấp hành kỷ luật giá ở các ngành, các cấp không nghiêm. Công tác quản lý thị trường chỉ làm ráo riết được vài tháng rồi lại buông lỏng; nói chung là hữu khuynh, không nắm vững chuyên chính vô sản, không nắm chắc tiền và hàng, nhất là lương thực, do đó luôn luôn bị động đối phó với những biến động về giá cả thị trường. Trong chỉ đạo thực hiện, còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ, nhất là giữa các ngành kế hoạch, vật giá, tài chính, ngân hàng, nội thương. 

II- Về nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong kế hoạch nhà nước năm 1982 

Các đồng chí Trung ương đều biểu thị nhất trí về phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước 1982. Sau đây, tôi nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng. 

1. Trong các dự thảo báo cáo trình Đại hội lần thứ V của Đảng, Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã vạch ra phương hướng của chiến lược kinh tế những năm 80 và 10 nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1981-1985. Những nhiệm vụ đó nhằm thực hiện những chủ trương lớn: sắp xếp lại và phát triển kinh tế; tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa và đổi mới quản lý; xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Trong năm 1982, chúng ta bước đầu thực hiện những chủ trương đó, nhất là phải thực hiện tốt việc sắp xếp lại và phát triển kinh tế, bao gồm sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư xây dựng cơ bản, sắp xếp lại trật tự trên mặt trận phân phối lưu thông, chấn chỉnh lại chính sách tiêu dùng. 

Trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện đang có nhiều khó khăn và mất cân đối về nhiều mặt, cần thiết phải tập trung sức vào những nhiệm vụ then chốt, cấp bách nhất; đồng thời giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các ngành kinh tế, văn hoá, giữa kinh tế trung ương và kinh tế địa phương để nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất và đời sống. 

a) Trước hết phải tập trung cao độ sức của cả nước vào việc thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh mặt trận nông nghiệp tiến lên đúng hướng, đạt được những thắng lợi toàn diện, vững chắc hơn năm 1981 nhằm giải quyết thiết thực những nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất là ăn, mặc, xuất khẩu, cung ứng nguyên liệu cho sản xuất hàng tiêu dùng. Cần phấn đấu đạt được tiến bộ trong từng vụ sản xuất, đối với từng loại cây trồng và vật nuôi. Cần phát triển tốt cả lúa và màu, chấm dứt tình trạng xem nhẹ màu. Phát triển mạnh mẽ các cây công nghiệp ngắn ngày theo cơ cấu thích hợp đối với từng vùng. Đặc biệt phải có chính sách phát triển mạnh các cây có sợi như dâu tằm, bông, đay, gai, bông gòn, v.v. để làm nguyên liệu dệt giải quyết cho được vấn đề mặc của nhân dân. 

b) Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước, tạo nguồn hàng dồi dào để đối lưu với nông dân, kích thích và thúc đẩy nông nghiệp phát triển và góp phần tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu. Trong điều kiện vật tư, nguyên liệu, năng lượng có hạn, một mặt phải cố gắng cung ứng tập trung cho những nhiệm vụ quan trọng nhất, những mặt hàng thiết yếu nhất như vải, giấy, thuốc chữa bệnh... Mặt khác, các địa phương, các cơ sở cần cố gắng đến mức cao nhất khai thác các nguồn năng lượng, nguyên liệu, vật tư của địa phương để sản xuất tại chỗ, hoặc trao đổi với đơn vị khác. Phải kiểm kê lại tất cả các ngành, nghề mà chúng ta có, khôi phục lại những nghề đã bị xao lãng, mai một. Phải tận dụng tất cả các hình thức tổ chức sản xuất thích hợp, từ hợp tác xã, tổ đoàn kết đến thợ thủ công cá thể, sản xuất ở gia đình và nghề phụ ở nông thôn. Phải đặc biệt coi trọng tận dụng thế mạnh của các thành phố lớn, trước hết là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để phát triển công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

c) Các ngành công nghiệp nặng: điện, than, cơ khí, hoá chất; giao thông vận tải; xây dựng cơ bản... phải phát huy tối đa năng lực của mình để phục vụ cho nông nghiệp, cho sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, đồng thời luôn luôn phấn đấu tăng thêm năng lực sản xuất, cải tiến kỹ thuật để phát triển ngành mình. 

d) Một yêu cầu cấp bách là phải bố trí sắp xếp lại sản xuất công nghiệp và xây dựng cơ bản theo thứ tự ưu tiên cho phù hợp với khả năng thực tế hiện nay về vật tư, nguyên liệu, năng lượng và tiền vốn. 

Trên cơ sở bố trí sắp xếp lại sản xuất công nghiệp và xây dựng cơ bản, các ngành giao thông vận tải, cung ứng vật tư, thương nghiệp, công tác đào tạo... cũng phải chấn chỉnh sắp xếp lại tổ chức và hoạt động của mình cho phù hợp với khả năng thực tế và đáp ứng được yêu cầu trước mắt. 

Cũng theo tinh thần nói trên, chúng ta phải bố trí lại lao động và dân cư giữa các vùng, các ngành, giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động thủ công và lao động cơ giới hoá, theo hướng tiếp tục phân bố lao động trong phạm vi cả nước, để đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, mở thêm diện tích canh tác, khai thác hợp lý rừng và biển, mở mang ngành nghề, tận dụng mọi khả năng lao động thủ công và nửa cơ giới, giải quyết công việc làm cho người lao động, giảm biên chế bộ máy nhà nước, có biện pháp tích cực để giảm tỷ lệ tăng dân số. 

2. Chúng ta bước vào năm 1982 với một sự nhất trí cao trong việc đánh giá tình hình, trong việc cụ thể hoá đường lối của Đảng và vạch ra bước đi của chặng đường đầu tiên hiện nay. Chúng ta nhận thức sâu sắc hơn những năng lực sẵn có, cũng như những khả năng tiềm tàng của đất nước, đặc biệt là những khả năng về lao động, đất đai, ngành nghề là những vốn quý đầu tiên mà chúng ta có thể sử dụng. 

Chúng ta cũng thấy rõ công tác cải tiến quản lý kinh tế và chấn chỉnh sự chỉ đạo thực hiện là một yếu tố có ý nghĩa quyết định cho phép sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn năng lượng, vật tư, các máy móc, thiết bị mà lâu nay còn lãng phí, để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Mặt khác, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện vật chất. Đó là khó khăn của một nước mà sản xuất nhỏ còn phổ biến, thu nhập quốc dân trước mắt chưa bảo đảm nổi quỹ tiêu dùng xã hội. Bên cạnh đó, nền kinh tế của ta còn phụ thuộc nước ngoài rất nặng, nhất là về nhiều loại vật tư: nhiên liệu, nguyên liệu, thiết bị, máy móc, phụ tùng. Trong năm 1982, các loại vật tư nhập khẩu, trừ một vài thứ có tăng chút ít, còn nói chung chỉ bằng hoặc kém hơn năm 1981, đặc biệt xăng dầu thì ít hơn. Trong khi đó, khả năng xuất khẩu của ta có hạn. Năm 1982 chúng ta lại phải tiếp tục khắc phục những khó khăn và mất cân đối từ những năm trước dồn lại, đồng thời nhiệm vụ tăng cường vững chắc quốc phòng và an ninh để làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch cũng rất nặng nề. 

Quan hệ hợp tác toàn diện và sự giúp đỡ của Liên Xô, của các nước khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, cũng như hai nước Lào, Campuchia anh em, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta phấn đấu khắc phục những khó khăn đó. Nhưng ở đây, yếu tố quyết định vẫn là sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính nhân dân ta. 

Vì vậy, phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường, phát huy cao độ tính chủ động sáng tạo của các ngành, các địa phương, nhất là của cơ sở, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, để vươn lên nhanh chóng, bảo đảm cho được mọi nhu cầu thiết yếu của sản xuất, đời sống, của quốc phòng và an ninh. Tình hình đòi hỏi cấp bách phải đạt được ngay trong năm 1982, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng, một sự chuyển biến mạnh mẽ sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội, đặc biệt là trên những mục tiêu quan trọng nhất, bảo đảm tạo ra một thế cân đối mới, một trật tự mới để đưa nền kinh tế tiến lên. 

Muốn vậy, phải làm chuyển biến một cách căn bản từ nhận thức tư tưởng của toàn Đảng, toàn dân đến cung cách làm kế hoạch, đến đổi mới trong cơ chế quản lý. Phải kết hợp cả ba biện pháp chính trị tư tưởng, kinh tế và hành chính để tạo ra cho được sự chuyển biến đó, đặc biệt là phải làm cho mỗi công dân, nông dân, chiến sĩ, mỗi lao động chân tay và trí óc thấy được vai trò và trách nhiệm làm chủ của mình ngay tại đơn vị cơ sở, tại từng hợp tác xã, nhà máy, công trường, nông trường, từ đó mà dấy lên phong trào cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch. Phải áp dụng những phương thức quản lý mới thực hiện phương châm: trung ương, địa phương và cơ sở, Nhà nước và nhân dân cùng làm, để nhanh chóng vươn lên bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, đồng thời từng bước tạo tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế nói chung, cũng như trong từng ngành, từng địa phương và cơ sở nói riêng. 

3. Xuất phát từ cách đặt vấn đề nói trên, chúng ta chủ trương năm 1982 về cơ bản sẽ không nhập lương thực, mà phải tích cực tự làm lấy để đủ ăn.Tất cả các tỉnh nông nghiệp lâu nay thiếu lương thực phải vươn lên tự giải quyết lấy nhu cầu ăn của địa phương mình, đồng thời phải phấn đấu tiến lên có đóng góp cho Nhà nước. Các địa phương lâu nay đã làm nghĩa vụ cho Nhà nước phải phấn đấu nâng cao hơn nữa tỷ suất lương thực hàng hoá và huy động được khối lượng lương thực ngày càng lớn để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá nước nhà. Đây là yêu cầu số một của kế hoạch nhà nước năm 1982 mà nhất thiết chúng ta phải phấn đấu thực hiện cho kỳ được, không thể chần chừ, chậm trễ. Đồng thời đây là một việc rất khó, nhưng chúng ta tin rằng với sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương và cơ sở, vừa phát huy hết năng lực sản xuất trong nước, vừa thông qua xuất khẩu để nhập những vật tư kỹ thuật mà ta chưa sản xuất được hoặc tạo ra chưa đủ. 

Muốn vậy, phải làm tốt việc xây dựng kế hoạch từ hợp tác xã, nhất là phải làm thật tốt việc xây dựng kế hoạch huyện với các cân đối chủ yếu là cân đối lương thực, lao động, đất đai, cân đối giữa lương thực, nông sản hàng hoá cung ứng cho Nhà nước với vật tư, hàng hoá Nhà nước cung ứng cho huyện. 

Cần đạt bằng được một bước tiến rõ trong 5 năm sắp tới, bắt đầu từ năm 1982, về xây dựng huyện thông qua đó để giải quyết tốt các vấn đề ăn, mặc, trồng cây công nghiệp để xuất khẩu, phát triển ngành nghề sản xuất hàng tiêu dùng, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp ngay từ cơ sở. Mặt khác, thông qua việc xây dựng huyện, mà đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, phát triển các ngành văn hoá, giáo dục, y tế... để xây dựng con người mới và chăm lo tổ chức tốt đời sống văn hoá của nhân dân địa phương. 

Chúng ta phải có cố gắng rất cao để tổ chức và đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm nhập thêm vật tư, nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất trong nước. Cả trung ương , địa phương và cơ sở phải phấn đấu tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu; nhất là địa phương tìm mọi cách làm thêm nông sản và tiết kiệm tiêu dùng nông sản để dành cho xuất khẩu. Hiện nay, chúng ta có đất đai và điều kiện thuận lợi tăng diện tích trồng cây công nghiệp. Nếu trong vòng 10 năm sắp tới, chúng ta phấn đấu đưa thêm mỗi năm hàng chục vạn lao động vào mặt trận nông nghiệp, thực hiện tăng vụ và khai hoang để trồng cây công nghiệp ngắn ngày, thì điều đó sẽ mở ra một khả năng lớn đẩy mạnh xuất khẩu để nhập vật tư kỹ thuật mà nền kinh tế chúng ta đang cần. Đó là con đường mà nông nghiệp phải phấn đấu để tự trang bị kỹ thuật cho mình và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Chúng ta có thực hiện được điều đó hay không? Tôi nghĩ rằng có thể thực hiện được và phải bắt đầu từ năm 1982. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phải tìm mọi cách thực hiện cho được nhiệm vụ đó; đồng thời phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp cho các tỉnh, các huyện tham gia ngày càng đắc lực vào công tác đẩy mạnh xuất khẩu. 

Chúng ta phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, vận dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học - kỹ thuật nhằm đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. 

Trên cơ sở kết hợp chặt chẽ ba loại biện pháp, trong đó sử dụng đúng đắn biện pháp kinh tế, cần thực hiện ngay từ đầu năm chế độ tiết kiệm 5 đến 10 % năng lượng, nguyên liệu, vật tư, v.v. và dành số vật tư, hàng hoá tiết kiệm đó bổ sung vào nguồn hàng đối lưu với nông dân. 

Triệt để tiết kiệm trong tiêu dùng xã hội và tiêu dùng cá nhân, tập trung đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất, tạm gác những nhu cầu chưa thật cần thiết và quá sức của nền kinh tế hiện nay. Chỉ tiêu dùng trong phạm vi sản xuất ra, và cái gì có thể sản xuất được thì nhất thiết phải đẩy mạnh sản xuất, kiên quyết khắc phục các biểu hiện ỷ lại, trông chờ vào cấp trên và bên ngoài. 

4. Một số vấn đề về đổi mới quản lý và kế hoạch hoá, gắn liền kế hoạch với hạch toán và kinh doanh xã hội chủ nghĩa 

a) Để phát huy năng lực hiện có và khả năng tiềm tàng của đất nước, để thực hiện thắng lợi đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng, cần đổi mới công tác kế hoạch hoá, thực hiện ba cấp cơ bản làm kế hoạch, gắn liền kế hoạch hoá với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa; phải xây dựng được kế hoạch từ các cơ sở nông nghiệp và công nghiệp; và rất coi trọng kế hoạch của địa phương, đặc biệt là xây dựng kế hoạch cấp huyện. Từ một nền sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội thì nhất thiết phải thực hiện ba cấp cơ bản làm kế hoạch, nhất là làm kế hoạch từ cơ sở và từ huyện để đi lên. Đó là một vấn đề có tính quy luật bảo đảm cho việc phát triển kinh tế địa phương tăng nhanh sản xuất hàng hoá, mở rộng thị trường trong nước, thực hiện sự phân bố và phân công lại lao động trong phạm vi cả nước. Muốn tạo được sự phát triển mạnh mẽ đó, chỉ riêng việc phát triển các ngành kinh tế ở trung ương thì không làm được. Đó là một phương hướng rất quan trọng, nhưng mấy năm nay chúng ta không tích cực thực hiện cho nên nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa phát triển bao nhiêu mà đã trì trệ không tiến lên được. Chúng ta nhận rõ khuyết điểm đó để sửa chữa. 

Trên cơ sở xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, cần làm cho mỗi ngành và mỗi cấp biết rõ mình làm chủ bao nhiêu lao động, đất đai, có bao nhiêu ngành, nghề, cơ sở vật chất, hằng năm nhận thêm của Nhà nước bao nhiêu vật tư, hàng hoá, do đó, phải sản xuất và tái sản xuất mở rộng bao nhiêu để bảo đảm đời sống nhân dân trong phạm vi mình phụ trách, đồng thời phải giao nộp cho Nhà nước bao nhiêu sản phẩm có giá trị tương đương phần đã nhận được, ngoài ra có đóng góp để nuôi quân và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Theo phương hướng đó, cần cải tiến nội dung con số kiểm tra và hệ thống chỉ tiêu kế hoạch giao cho các ngành, địa phương và cơ sở. Các cơ quan trung ương cần tạo mọi điều kiện giúp các địa phương và cơ sở xây dựng và thực hiện tốt nhất kế hoạch của mình, mang lại lợi ích lớn nhất cho Nhà nước, cho đơn vị mình và cho người lao động. 

b) Phải tiếp tục mở rộng quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh và hạch toán kinh tế ở cơ sở. 

Trong nông nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp: trên cơ sở tổng kết thực tiễn vừa qua, rút kinh nghiệm những mặt tốt và chưa tốt trong công tác khoán đến nhóm và người lao động, trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện, bổ sung các chế độ, các quy định để hoàn chỉnh chủ trương khoán thành một cơ chế tổ chức và quản lý sản xuất toàn diện đối với các cơ sở nông nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. 

- Trong kinh tế quốc doanh, năm 1981, chúng ta đã ban hành nhiều quyết định theo phương hướng mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở. Đó là phương hướng đúng đắn, nhằm cải tiến quản lý kinh tế một cách cơ bản và lâu dài, chứ không chỉ là một chủ trương nhất thời để đối phó với tình hình khó khăn và mất cân đối trước mắt. Cần bổ sung những quy định cần thiết, điều chỉnh những lệch lạc, nâng cao và hoàn chỉnh các quy định, để từng bước hình thành một cách đồng bộ cơ chế quản ký kinh tế thích hợp cho các cơ sở kinh tế quốc doanh theo tinh thần tiếp tục mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở. Phải thực hiện đúng đắn sự thống nhất giữa ba lợi ích, làm cho cơ sở và người lao động đạt được lợi ích lớn nhất trong khi thực hiện kế hoạch do Nhà nước Trung ương giao cho (chứ không phải trong khi làm sản xuất phụ), làm cho tiền lương trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của người lao động, kích thích và đòi hỏi người lao động phải sản xuất đúng kỹ thuật, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao năng xuất lao động, hạ giá thành; ngoài ra khi làm vượt mức thì họ được thưởng thích đáng. Cần điều chỉnh lại quan hệ thu nhập giữa các ngành, nghề và bộ phận khác nhau trong giai cấp công nhân, phù hợp với nguyên tắc phân phối theo lao động. Cần sớm khắc phục các biểu hiện lệch lạc như vô kỷ luật, thiếu trung thực, giữ hàng và tiền cho đơn vị, vơ vét cho lợi ích cá nhân, không chú ý đến quyền lợi Nhà nước và toàn xã hội. 

Tiếp tục mở rộng quyền đi đôi với tăng cường trách nhiệm cho các cấp địa phương, tạo điều kiện và đòi hỏi các địa phương phải vươn lên, mở rộng và nâng cao hiệu quả của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực sự lo ăn, lo mặc và sản xuất hàng tiêu dùng cho nhân dân địa phương. Tinh thần ở đây không phải là tự túc, tự cấp mà là thực hiện kết hợp với hạch toán và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sản xuất chuyên môn hoá phù hợp với thế mạnh của mình, nâng cao năng suất và hiệu quả, thông qua trao đổi với các ngành và các địa phương khác, thông qua xuất - nhập khẩumà đáp ứng các nhu cầu đời sống của nhân dân trong địa phương, thực hiện tích luỹ để tái sản xuất mở rộng và đóng góp với trung ương. 

Tình hình mất cân đối chưa thể sớm khắc phục, trong năm 1982, một số mặt có thể sẽ còn mất cân đối gay gắt hơn năm 1981; hiện nay, có bao nhiêu vật tư và phương tiện, trung ương đã phân bố cho các ngành và các địa phương. Trên cơ sở mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và đổi mới cơ chế quản lý, các địa phương cần nêu cao tinh thần làm chủ, cố gắng đến mức nhiều nhất để góp phần tạo ra một chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế và đời sống trong cả nước. 

5. Chấn chỉnh phân phối lưu thông 

Chuyển biến một cách cơ bản và toàn diện công tác phân phối lưu thông là một vấn đề rất lớn và phức tạp. Hiện nay việc cải tiến mới bắt đầu; các biện pháp chưa phát huy tác dụng đồng bộ và ăn khớp, việc chỉ đạo có những sai sót và lệch lạc nghiêm trọng. Tình hình kinh tế khó khăn càng làm cho vấn đề phức tạp thêm. Trong hoàn cảnh đó, phải có sự nhất trí cao trong toàn Đảng, về phương hướng và các chủ trương đúng đắn đề ra trong Nghị quyết số 26 và Chỉ thị số 109 của Bộ Chính trị trên cơ sở đó mà thống nhất hành động. Bộ Chính trị sẽ căn cứ vào phương hướng cơ bản của các chủ trương nói trên mà soát xét lại toàn bộ tình hình phân phối lưu thông để sửa chữa các sai sót, uốn nắn các lệch lạc, bảo đảm thực hiện được các yêu cầu sau đây: 

a) Về tài chính, tiền tệ: Sớm nghiên cứu chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, chuyển từ nền kinh tế phụ thuộc bên ngoài sang xây dựng nền kinh tế dựa trên cơ sở khai thác các khả năng của bản thân mình là chính, chuyển từ cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh, từ ỷ lại sang làm chủ, tự lực, tự cường, phát huy vai trò của tài chính và tiền tệ thúc đẩy việc đổi mới quản lý kinh tế và phát triển sản xuất, phục vụ việc ổn định và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân. Điều chỉnh lại phân phối theo nguyên tắc chỉ phân phối và tiêu dùng trong phạm vi thu nhập quốc dân cho phép, lập lại dự trữ và từng bước có tích luỹ. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi. Thực hiện điều hoà thống nhất quản lý lưu thông tiền tệ; tăng cường kỷ luật tài chính, tiền tệ. 

b) Về giá cả và tiền lương: Giải quyết tốt các hệ quả của việc điều chỉnh giá và các vấn đề phát sinh, trên cơ sở đó phấn đấu bằng mọi cách ổn định hệ thống giá mới bao gồm giá thu mua, giá bán buôn, giá bán lẻ, tăng cường kỷ luật giá cả. Bằng mọi biện pháp cố gắng giữ lương thực tế của công nhân, viên chức bằng mức năm 1980 (cao hơn năm 1981) để bảo đảm đời sống và sức khoẻ của công nhân, viên chức. 

c) Về thương nghiệp và quản lý thị trường: Nhiệm vụ hàng đầu của thương nghiệp quốc doanh là phục vụ sản xuất, tăng cường thu mua, tập trung nguồn hàng trong tay Nhà nước để bảo đảm cung cấp cho công nhân, viên chức, bộ đội và đấu tranh quản lý thị trường tự do. Dù hoàn cảnh đến đâu, thương nghiệp cũng phải luôn luôn phấn đấu làm người nội trợ tốt của mọi gia đình và góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển. 

6. Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực 

ở miền Nam cần đẩy mạnh cải tạo nông nghiệp một cách tích cực và vững chắc, từ thấp đến cao, đưa nông dân vào các hình thức sản xuất tập thể, chủ yếu là hình thức tập đoàn sản xuất. Cần thực hiện ngay và hoàn thành trong năm 1982 việc điều chỉnh ruộng đất bảo đảm cho mọi người nông dân có ruộng cày, đồng thời đấu tranh khắc phục các hình thức bóc lột khác nhất là việc cho vay lấy lãi đang phát triển ở nhiều vùng nông thôn. Trong vấn đề này các cán bộ, đảng viên phải thực hiện vai trò gương mẫu của mình. 

ở các thành thị, phải tiếp tục thực hiện cải tạo công, thương nghiệp. Việc này, một mặt gắn liền với việc tổ chức lại sản xuất, đưa các ngành nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp vào các nhóm sản phẩm, sản xuất kinh doanh dưới sự chỉ huy và hướng dẫn của Nhà nước. Mặt khác, phải gắn liền với việc tăng cường quản lý thị trường, tăng cường các biện pháp đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu, chống các âm mưu và hành động phá hoại kinh tế, phá rối thị trường của địch. Cuộc đấu tranh này phải được tiến hành trên tinh thần nắm vững chuyên chính vô sản, kiên quyết chủ động tiến công thẳng tay trừng trị bọn gian thương, bọn bóc lột mới. 

7. Phải tăng cường mạnh mẽ hiệu lực chỉ đạo và điều hành của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng nhằm bám sát những diễn biến của tình hình kinh tế - xã hội, kịp thời giải quyết những việc quan trọng sau đây: 

- Thực hiện ngay một số quy định về đổi mới cơ chế quản lý bảo đảm tăng cường quyền hạn và vai trò chủ động của địa phương và cơ sở. 

- Tiếp tục nghiên cứu ban hành kịp thời một số chính sách, chế độ và định mức kinh tế - kỹ thuật để hướng dẫn cho địa phương và cơ sở. 

- Xây dựng điều lệ hoạt động của cơ sở và phân giao cơ sở đúng mức cho các địa phương quản lý. 

Trong lĩnh vực cách mạng xã hội chủ nghĩa, công tác xây dựng Đảng phải gắn liền với công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế, cải tạo và phát triển văn hoá. Việc tăng cường công tác tư tưởng chính trị, công tác tổ chức, kiểm tra phải thực sự gắn liền với phong trào lao động sản xuất, với việc phấn đấu thực hiện các kế hoạch kinh tế và xã hội; phải thông qua các hoạt động sản xuất, thông qua công tác quản lý kinh tế, công tác hạch toán và kinh doanh xã hội chủ nghĩa mà đấu tranh rèn luyện để nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên mà củng cố và tăng cường sức chiến đấu của chi bộ và các tổ chức cơ sở của Đảng. Đồng thời cũng phải thông qua phong trào lao động sản xuất mà phát hiện những phần tử ưu tú để kết nạp vào Đảng. 

Việc đẩy mạnh phong trào sản xuất, tiết kiệm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước, cũng như việc nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của đông đảo quần chúng, các đoàn thể nhân dân, nhất là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ phải phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của mình trong việc tổ chức phong trào hành động cách mạng của quần chúng, động viên và nuôi dưỡng phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. 

Dự thảo kế hoạch năm 1982 trình Hội nghị Trung ương lần này có thể xem như là kế hoạch của Nhà nước Trung ương. Các ngành, các địa phương, các cơ sở cần phát huy đến mức cao nhất tinh thần chủ động sáng tạo để xây dựng thành kế hoạch của mình bảo đảm một sự cân đối vững chắc và tích cực, thực hiện khẩu hiệu hành động: "với phương tiện vật tư tiền vốn do nhà nước cung ứng bằng hoặc ít hơn trước, sản xuất tốt hơn, làm ra nhiều của cải hơn". 

Trung ương và Bộ Chính trị mong rằng các ngành, các địa phương, các cơ sở sẽ biến việc xây dựng kế hoạch và thực hiện những chỉ tiêu của kế hoạch năm 1982 thành ngày hội thật sự của quần chúng, lấy thành tích chào mừng Đại hội lần thứ V của Đảng và biến những nghị quyết lịch sử của đại hội thành hiện thực. 

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website