Lê Quang Thiệu
NGƯỜI NGƯỜI THI ĐUA, NGÀNH NGÀNH THI ĐUA, NGÀY NGÀY THI ĐUA
Trong thơ chúc tết Xuân Kỷ Sửu - 1949 gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bác Hồ viết:
"Kháng chiến lại thêm một nǎm mới
Thi đua ái quốc thêm tiến tới
Động viên lực lượng và tinh thần
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi
Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ngày ngày thi đua
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua ".
Nếu là người nước ngoài, chưa được một lần trực tiếp nghiên cứu các bài thơ chúc tết của Người, hẳn sẽ đoán: "Chắc đây là một phần của bài thơ chúc tết, vì ở đây mới chỉ nói về thi đua". Nhưng sự thực thì đó là toàn bộ bài thơ. Bài thơ của Bác thật ngắn gọn mà lại thật đầy đủ, độc đáo. Mỗi người dân Việt Nam cũng không đòi hỏi ở Bác viết gì thêm nữa, chúc mừng gì nữa, bởi vì họ biết rằng, nếu cứ thi đua, làm được những điều như Bác viết trong bài thơ thì sẽ có:
"Dân tộc độc lập
Dân quyền tự do
Dân sinh hạnh phúc"
và đó là tất cả.
Có lẽ không có một vị lãnh tụ nào trên thế giới lại dành cả bài thơ chúc tết chuyên nói về thi đua như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài thơ tuy ngắn gọn, nhưng là lời nhắn nhủ, gửi gắm niềm tin của Người vào sức mạnh và kết quả của một phong trào rộng lớn có tính chất toàn quốc - phong trào thi đua yêu nước. Nghiên cứu kỹ bài thơ ta thấy, đây không chỉ là lời chúc mừng nǎm mới, lời động viên khích lệ mọi người sang nǎm mới sẽ thi đua hǎng hái hơn, đạt kết quả cao hơn, mà còn thể hiện quan điểm tư tưởng của Người về thi đua.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là công việc của mọi người, mọi ngành, mọi cấp, không phân biệt già trẻ, gái trai, ngành nghề... hễ là người Việt Nam đều có thể và cần phải thi đua yêu nước. Người nói rằng: "Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân", "Bởi vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ là sĩ, nông, công, thương, binh; ... bất kỳ già trẻ trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, vǎn hoá. Thực hiện khẩu hiệu:
Toàn dân kháng chiến
Toàn diện kháng chiến".
Nghiên cứu phong trào thi đua của nhiều nước, chưa thấy nước nào có phong trào thi đua toàn dân, toàn diện, mọi hoạt động đều có thi đua như ở nước ta.
Quan điểm "Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua" của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở bài thơ chúc tết Xuân Kỷ sửu, 1949, mà thể hiện ở rất nhiều bài nói và viết của Người. Ngay trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ngày 11 tháng 6 nǎm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên tất cả mọi người từ các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào công thương, đồng bào công nông đến đồng bào trí thức và chuyên môn, nhân viên chính phủ, bộ đội và dân quân v.v. hãy ra sức thi đua, tham gia kháng chiến và kiến quốc. Trong lời kêu gọi phát động thi đua ái quốc, tháng 8 nǎm 1949, khi hỏi thǎm sức khoẻ, Người thǎm hỏi tới tất cả mọi người từ các cụ phụ lão, các thân sĩ, cán bộ chính trị, hành chính và chuyên môn đến đồng bào trong nước và ngoài nước, cả vùng tạm bị chiếm, các tướng sĩ vệ quốc quân và dân quân du kích v.v..
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thi đua là rất rộng không chỉ có trong các ngành sản xuất vật chất, mà trong các ngành, các lĩnh vực khác như vǎn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục, các cơ quan hành chính sự nghiệp... đều có thể thi đua được.
Trước đây và ngay cả bây giờ cũng vẫn còn nhiều người cho rằng, các ngành phi sản xuất vật chất, nhất là các cơ quan hành chính sự nghiệp, khoa học, báo chí, vǎn học... không thể có thi đua, vì họ cho rằng trong các ngành, các lĩnh vực đó không có chỉ tiêu định mức cụ thể như trong sản xuất. Nhưng trên thực tế thì đơn vị nào, tổ, nhóm nào làm việc cũng phải có kế hoạch, chương trình công tác cụ thể, từng người đều được giao nhiệm vụ và có trách nhiệm cụ thể với số lượng, chất lượng, thời gian hoàn thành. Đó chính là chỉ tiêu định mức, dựa vào đó mà thi đua. Bác Hồ nói ǎn, ở, mặc còn thi đua được, lẽ nào trong các công tác khác lại không thể thi đua.
Chủ trương người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, thi đua toàn dân, thi đua toàn diện đã động viên thu hút hàng triệu người và mọi ngành trong cả nước hǎng hái thi đua, kích thích, gây khí thế mạnh mẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn làm cho hiệu quả thi đua nhiều về số lượng, cao về chất lượng.
Những thắng lợi trong phong trào thi đua diệt giặc đói, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm mà Bác Hồ đề ra đã chứng tỏ điều đó. ý nghĩa và giá trị cao đẹp của những thắng lợi đó là nhân dân ta giành được trong hoàn cảnh kháng chiến đầy gian khổ, khó khǎn và thử thách.
Người người thi đua, toàn dân thi đua diệt giặc đói động viên không chỉ toàn thể nông dân thi đua, mà tất cả mọi người dân có sức lao động, kể cả các lực lượng vũ trang, ai có điều kiện ruộng đất, ở khắp mọi nơi đều phát triển trồng lúa, cây có củ, rau ǎn, chǎn nuôi, làm ra lương thực, thực phẩm bảo đảm cung cấp cho nhân dân và bộ đội. Sản xuất lương thực, thực phẩm không chỉ phát triển ở vùng đồng bằng, mà cả ở trung du, miền núi, cả ở vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm đóng, ở sát quanh các đồn bốt của giặc.
Bác Hồ đề ra thi đua diệt giặc dốt, dạy cho hàng chục triệu người không biết chữ ngay từ sau khi cách mạng vừa thành công và được tiếp tục trong những nǎm kháng chiến là một việc lớn lao tưởng chừng không thể thực hiện được. Làm theo lời Bác dạy, người người thi đua, toàn dân thi đua, những người đã biết chữ dạy cho những người chưa biết chữ, vợ chưa biết chữ thì chồng bảo, em chưa biết chữ thì anh chị bảo, cha mẹ chưa biết chữ thì con bảo, những người có điều kiện thì mở lớp ở tư gia dạy cho người không biết chữ. Bộ đội, dân quân du kích giúp nhau học, không chỉ ở lớp huấn luyện, mà cả ở nơi trú quân. Chính quyền và các đoàn thể đều mở lớp học. Không có điều kiện học ban ngày thì học vào buổi tối. Trong vùng bị địch tạm chiếm cũng tổ chức học. Ngoài học chữ còn học chính trị, quân sự, kỹ thuật, nghiệp vụ, nghệ thuật, ca hát v.v.. Nhờ đó mà nạn mù chữ ở các miền trong nước được nhanh chóng đẩy lùi, trình độ hiểu biết của đồng bào, chiến sĩ, cán bộ dần dần được nâng cao. Nhờ xoá nạn mù chữ, các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước được truyền đạt rộng và nhanh hơn trong cơ quan, đơn vị bộ đội và dân chúng.
Do người người thi đua, toàn dân thi đua diệt giặc ngoại xâm, nên đã động viên được hàng triệu người nêu cao ý chí quyết tâm thi đua giết giặc. Nhờ đó mà cuộc chiến tranh nhân dân thực hiện rộng khắp.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 20-12-1946 của Bác Hồ: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước"trở thành hiện thực.
ở tiền tuyến cũng như trong vùng bị giặc tạm chiếm, quân và dân ta bằng trǎm phương nghìn kế thi đua đánh giặc đạt hiệu quả chiến đấu cao. Mỗi người diệt một số, mỗi trận diệt một số, hiệu quả của hàng triệu người, của các mặt trận trong cả nước gộp lại thành số địch bị diệt rất lớn làm cho quân đội Pháp bị tiêu hao nặng, nhanh chóng đi đến thất bại.
Đẩy mạnh thi đua toàn diện, đã huy động được lực lượng của mọi ngành, thúc đẩy mọi hoạt động tiến tới, tạo nên sự phát triển cân đối giữa các ngành kinh tế, vǎn hoá, quân sự và trong nội bộ các ngành.
Trong các ngành kinh tế quốc dân, vừa thi đua phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, vừa thi đua phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu điện v.v.. Trong nông nghiệp, vừa thi đua phát triển lương thực, thực phẩm, vừa thi đua trồng cây lấy gỗ, cây công nghiệp, chế biến nông sản, v.v.. Trong công nghiệp, vừa thi đua phát triển hàng tiêu dùng, vừa thi đua phát triển tư liệu sản xuất, v.v.. Trong giao thông vận tải, phát triển đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường không v.v..
Trong ngành giáo dục, vừa phát triển cấp tiểu học, trung học và đại học, vừa phát triển giáo dục khoa học kỹ thuật, vừa phát triển giáo dục, khoa học xã hội, v.v.. Trong ngành vǎn hoá thi đua phát triển vǎn học nghệ thuật, vǎn hoá hiện đại và vǎn hoá dân tộc, v.v.. Trong ngành y tế, thi đua phát triển tây y và đông y, v.v..
Trong quân sự, thi đua phát triển bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, phát triển các binh chủng, lực lượng hậu cần, tham mưu, tác chiến, chính trị, v.v..
Thi đua không phải một giai đoạn, một thời kỳ mà thường xuyên liên tục, bền bỉ phấn đấu vươn lên không ngừng, kết thúc đợt này chuyển ngay sang đợt khác, kết thúc thời kỳ này chuyển sang thời kỳ khác cao hơn trước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mới của thời kỳ mới.
Nhờ "người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua", "toàn dân thi đua", "toàn diện thi đua" mà nhân dân ta đẩy mạnh mọi mặt hoạt động thường xuyên, liên tục, không ngừng phát triển giành thắng lợi cả trong kháng chiến cứu nước, bước đầu xây dựng đất nước, xây dựng con người mới, xã hôi mới, tinh thần, vǎn hoá được nâng cao, thoát khỏi nạn đói, đời sống dần dần được cải thiện.
Thắng lợi toàn diện đó đã đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành chế độ dân chủ mới tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994