Lê Quang Thiệu
CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY LÀ NỀN TẢNG THI ĐUA. MỌI VIỆC ĐỀU THI ĐUA
Đây là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới một vấn đề rất cơ bản thuộc về cơ sở, gốc rễ của thi đua - đó là nền tảng của thi đua. Chính trên nền tảng này mà mọi cuộc thi đua sẽ được nảy sinh và diễn ra liên tục. Nền tảng của thi đua Người chỉ ra ở đây là - công việc hàng ngày.
Nói đến công việc hàng ngày, tức là nói đến hoạt động lao động sản xuất của con người. Nhờ có hoạt động này mà con người và xã hội loài người tồn tại và phát triển.
Nêu lên công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua, có thể nói đó là một sự khám phá tài tình, một sự am hiểu thực tiễn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hoạt động thi đua của con người trong cuộc sống. Tuy Bác không nói nhiều, phân tích nhiều có tính chất kinh viện về tầm quan trọng và sự cần thiết khách quan của thi đua, nhưng đọc những bài viết, những lời dạy của Bác, chúng ta đều thấy toát lên một tư tưởng - làm việc gì cũng cần phải có thi đua, thi đua gắn liền với mỗi con người, gắn liền với công việc hàng ngày. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người không ngừng đòi hỏi, nhưng không phải là một sự đòi hỏi cố định, thụ động, mà đòi hỏi ngày càng cao, do đó, con người cũng phải không ngừng lao động, sáng tạo ra chúng với mong muốn ngày càng tốt hơn, đẹp hơn, nhiều hơn. Đó là một điều đương nhiên, mang tính tất yếu khách quan.
Thực vậy, để sống, tồn tại và phát triển, con người phải tiến hành lao động sản xuất, điều mà Bác nói là "Công việc hàng ngày", nhưng để tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất và tinh thần cho xã hội với số lượng, chất lượng ngày càng cao, theo bản chất, bản tính của chính con người và quy luật vận động của sản xuất, lại cần phải thi đua, "mọi việc đều thi đua".
"Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua", một câu nói rất đơn giản, hiển nhiên, tưởng chừng ai cũng hiểu, thế nhưng trong thực tế do người ta vô tình bỏ qua những điều đơn giản thường nhật đó nên không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa. Theo dõi sát phong trào, Bác đã kịp thời uốn nắn những lệch lạc, những cách hiểu không đúng đó. Trong Lời kêu gọi phát động thi đua yêu nước ngày 1-8-1949, sau khi khen ngợi, biểu dương kết quả thi đua của đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bác chỉ rõ: "Còn nhiều nơi nhân dân, trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước. Do đó mà có những khuyết điểm như sau:
Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ từ trước đến giờ ta vẫn ǎn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ǎn, mặc, ở cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm.
Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn.
Mọi việc đều thi đua như vậy".
Bác là một con người vĩ đại, nhưng rất gần gũi với thiên nhiên, con người, rất gần với cuộc sống bình dị đời thường. Lời nói của Bác, cách nói của Bác cũng mộc mạc, giản dị, gần gũi như con người Bác. Khi nói về một vấn đề gì đó, bao giờ Bác cũng chọn một cách nói thật ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu, một cách nói thật Việt Nam, nhưng cũng hết sức sâu sắc.
Những điều Bác nói ở trên ngắn gọn, đơn giản mà rất hàm xúc chứa đựng nội dung chủ yếu tư tưởng về thi đua.
Tìm hiểu có hệ thống tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ta thấy những điều vô cùng phong phú, có những nét đặc sắc, sáng tạo, độc đáo, nhất quán xuyên suốt, giàu tính lý luận khoa học và tính thực tiễn ứng dụng, phát hiện quy luật và hành động đúng quy luật, kết hợp truyền thống với hiện đại, dân tộc và nhân loại, linh hoạt sinh động, không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam, của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong các thời kỳ.
Những nǎm trước đây, khi chưa lâm vào tình trạng khủng hoảng, thi đua được hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa coi trọng và vận dụng trong quá trình xây dựng đất nước. ở nhiều nước, phong trào thi đua đã có vai trò và tác dụng to lớn, mang lại những kết quả thực sự. Phong trào đã lôi cuốn hàng triệu người tham gia, phát huy được tinh thần lao động, óc sáng tạo của triệu triệu con người. ở nhiều nước đã xuất hiện những tập thể và cá nhân điển hình, nhiều tấm gương về lao động quên mình, có sức cuốn hút mạnh mẽ.
Nhìn lại phong trào thi đua những nǎm đó, chúng ta phải thừa nhận rằng, thi đua quả là một phong trào cách mạng mang tính hiện thực.
Song có người nói rằng, thi đua trong thời kỳ bao cấp, theo mô hình tập trung chỉ huy nhiều khi chỉ là hình thức và không phát huy hết khả nǎng của mọi người, rằng cứ hoàn thành kế hoạch là đã đạt được mục tiêu của thi đua (mà bản thân kế hoạch lại mang tính áp đặt, chủ quan).
Thi đua trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thì bản thân nó cũng không thể thoát ra ngoài khuôn khổ "bao cấp" được. Nó tất nhiên bị những hạn chế, những khuyết tật do cơ chế cũ đưa vào. Song, kể cả có những hạn chế đó thì ai cũng phải thừa nhận rằng, thi đua những nǎm trước đây thực sự là có tác dụng không thể phủ nhận. Và nếu không có những khuyết tật của cơ chế quản lý hành chính bao cấp thì hiệu quả của thi đua đem lại chắc chắn còn cao hơn nhiều.
Trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, một số nước xã hội chủ nghĩa đã tiến hành cải cách đổi mới, xoá bỏ cơ chế quản lý cũ, từng bước hình thành cơ chế quản lý mới.
Đối với nước ta, Đảng ta chủ trương phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới là vấn đề hoàn toàn đúng đắn, hợp quy luật trong đường lối phát triển, xây dựng đất nước hiện nay ở các nước xã hội chủ nghĩa. Song cũng từ thực tiễn những nǎm qua, khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường theo đường lối đổi mới của Đảng (và cả ở một số nước xã hội chủ nghĩa khác khi chuyển sang cơ chế thị trường), vấn đề thi đua ít được quan tâm, nếu không nói là không được nói tới. Nhiều người cho rằng, nay nước nhà đã giành được độc lập tự do, không còn giặc xâm lược, phong trào thi đua thiếu sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí chiến đấu đánh thắng quân thù thì thi đua khó mà đẩy mạnh. Vả lại, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, đã có thị trường điều khiển, mách bảo người ta nên làm gì và làm thế nào để có lợi nhất; sức mạnh của đồng tiền, của hưởng thụ vật chất sẽ thúc đẩy mọi hoạt động, thì cần gì phải thi đua, cần gì phải tổ chức thi đua. Thay thế cho thi đua đã có cạnh tranh là động lực thúc đẩy sự phát triển, hà tất phải thi đua ? Lại có không ít người cho rằng, trong tình trạng tiêu cực phát triển nhiều, tham nhũng đầy rẫy, lòng tin của nhân dân, cán bộ giảm sút, không thể đẩy mạnh thi đua được. Thêm vào đó, thực tế trước đây trong phong trào thi đua có không ít nơi tổ chức thi đua, nhưng rất hình thức, "phát mà không động", hội họp mất nhiều thì giờ, liên hoan tốn phí, hiệu quả thu được không đáng kể.
Như vậy, chúng ta đang đứng trước một vấn đề cần được giải đáp là: Chuyển sang phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường có cần phải thi đua hay không ?
Khi nghiên cứu xã hội tư bản, đặc biệt là sự hoạt động của người lao động trong xã hội, C. Mác và Ph. Ǎngghen đã chỉ ra rằng, thi đua là một hiện tượng khách quan nảy sinh do sự tiếp xúc xã hội trong quá trình lao động sản xuất. C. Mác viết: "Chỉ riêng sự tiếp xúc xã hội cũng sinh ra thi đua".
Trong một số tác phẩm của mình, Lênin đều đề cập và nhấn mạnh đến thi đua, coi thi đua, là một tất yếu và là một nguồn tiềm nǎng to lớn của chủ nghĩa xã hội. Lênin nói rằng: "Chủ nghĩa xã hội không những không dập tắt thi đua, mà trái lại, lần đầu tiên, đã tạo ra khả nǎng áp dụng thi đua một cách thật sự rộng rãi, với một quy mô thật sự to lớn ... Nhiệm vụ của chúng ta khi chính phủ xã hội chủ nghĩa đang cầm quyền, là phải tổ chức thi đua".
Như vậy, cả C. Mác - Ph. Ǎngghen và V.I. Lênin đều khẳng định thi đua là một tất yếu khách quan, được nảy sinh từ chính cuộc sống của con người. Con người sống trong xã hội luôn có quan hệ tiếp xúc với nhau, do đó tất yếu nảy sinh ra thi đua.
C. Mác và Ph. Ǎngghen, do hoàn cảnh lịch sử khi cách mạng vô sản chưa trở thành hiện thực ở một nước nào, các ông chưa có điều kiện để nói nhiều về thi đua, nhưng câu nói của C. Mác đã là cơ sở để các nước xã hội chủ nghĩa tổ chức những phong trào thi đua sau Cách mạng tháng Mười. Và Lênin là người đã đặc biệt nhấn mạnh, coi trọng vấn đề thi đua, bổ sung thêm nội dung và tổ chức thành công nhiều phong trào thi đua sau này ở nước Nga Xôviết.
Mặc dù thi đua được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin khẳng định là cần thiết khách quan, nhưng trước việc nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều người vẫn thấy hình như về mặt lý luận vẫn cần phải được làm rõ hơn nữa, nhất là những vấn đề thuộc về cơ sở, nền tảng, trên đó thi đua nảy sinh và diễn ra.
Luận điểm "Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua", "Mọi việc đều thi đua" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự bổ sung, một sự phát triển mới về lý luận thi đua xã hội chủ nghĩa.
Trước hết, luận điểm này khẳng định cơ sở tồn tại của thi đua là một tất yếu vì nó có nền tảng là "Công việc hàng ngày", tức quá trình lao động sản xuất của con người. Có "công việc hàng ngày" là có thi đua. Trước đây "công việc hàng ngày" là kháng chiến kiến quốc, sản xuất theo cơ chế bao cấp, mặc dù có những hạn chế do cơ chế đem lại, nhưng thi đua vẫn nảy nở, trở thành một động lực của sự phát triển, thì ngày nay "công việc hàng ngày" là sản xuất hàng hoá với cơ cấu nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, trên cơ sở lực lượng sản xuất được giải phóng, thì thi đua lại càng cần thiết. Sản xuất hàng hoá, kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển cao của sản xuất vật chất, là thành tựu vǎn minh của loài người, không riêng gì của chủ nghĩa tư bản. Chừng nào con người còn phải tiến hành lao động sản xuất để nuôi sống mình, tạo ra phương tiện để thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cho mình và cho xã hội, thì chừng đó thi đua vẫn tồn tại và phát huy tác dụng. Công việc hàng ngày là nền tảng, là gốc rễ của thi đua. Từ công việc hàng ngày mà nảy sinh thi đua. Thi đua gắn với công việc hàng ngày làm cho công việc hàng ngày tốt hơn. Sự tồn tại của thi đua, nền tảng của thi đua không xa xôi, khó tìm, khó thấy, mà ở ngay công việc hàng ngày.
Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra không có giới hạn về không gian và thời gian. Trước đây ta thi đua để "kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công", thì ngày nay ta phải thi đua để thực hiện công cuộc đổi mới với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh, để Việt Nam trở thành một nước vǎn minh, hiện đại. Thi đua là quy luật chung của xã hội loài người. Tất nhiên, chủ nghĩa tư bản, do bản chất của nó, không thể có thi đua với đầy đủ ý nghĩa của nó, mà chỉ có thi đua theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé", thi đua khốc liệt tới mức cạnh tranh, sống chết mặc bay.
Thứ hai, phạm vi của thi đua theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức rộng rãi, không giới hạn ở một lĩnh vực nào cả. Vì "công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua", nên bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà là đều có thể và cần phải thi đua. Thi đua ở mọi công việc, mọi lĩnh vực: công việc, nông nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông, thương mại, các công việc trong ngành giáo dục, vǎn hoá, y tế, vǎn học, nghệ thuật, quản lý hành chính v.v. thi đua cả trong đời sống riêng của mỗi người, từ việc ǎn, mặc, ở, học tập, tu dưỡng đến quan hệ với cha mẹ, gia đình, đồng chí, bè bạn, với nhân dân nước mình và nhân dân các nước. Đây là điểm phát triển về mặt quan điểm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đối với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, các ông nói đến thi đua chủ yếu là nói thi đua trong lĩnh vực sản xuất vật chất, lĩnh vực kinh tế khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền (điều đó tất nhiên là đúng vì đó là lĩnh vực rộng lớn và quan trọng nhất).
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua bao trùm trên mọi lĩnh vực, không phân biệt lĩnh vực sản xuất vật chất hay lĩnh vực phi sản xuất vật chất, kể cả trong lĩnh vực quân sự, thi đua ở tất cả mọi công việc, từ việc lớn đến việc nhỏ. Trong kháng chiến, khi đất nước bị xâm lược thì việc thi đua giết giặc, chế tạo, rèn đúc vũ khí, tǎng gia sản xuất để chi viện sức người, sức của cho kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho Tổ quốc là việc lớn lao mà tất cả mọi người dân đều phải tham gia hàng ngày. Khi đất nước độc lập thống nhất thì phải xây dựng đất nước, phát triển kinh tế. Ai cũng thi đua tuỳ theo công việc của mình.
"Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hǎng hái tham gia mọi công việc;
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn;
Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp;
Đồng bào công nông thi đua sản xuất;
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh;
Nhân viên chính phủ thi đua tận tuỵ làm việc phụng sự nhân dân.
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc".
Thứ ba, thi đua là bản tính của con người. Hồ Chí Minh là người suốt đời đi tìm hạnh phúc cho con người. Mọi người dân Việt Nam không thể không xúc động khi nhắc lại lời của Người: "tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là mọi người ai cũng có cơm ǎn áo mặc, ai cũng được học hành", cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu thấu thiên tính, tâm lý, nguyện vọng của con người trong cuộc sống.
Bản chất của con người luôn luôn vươn tới cái tốt, cái đẹp. Con người không bao giờ cam chịu, bằng lòng với những gì đã có, đã đạt được. Đối với con người thì cuộc sống và nhu cầu ngày hôm nay phải tốt hơn, của cải làm ra phải nhiều hơn, phong phú hơn, tốt đẹp hơn ngày hôm qua. Do đó con người luôn tìm cách để thực hiện được mong muốn đó. Con người sinh ra trên đời ai nấy đều mong muốn ngày càng có thêm nhiều phương tiện để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình.
Hoạt động phấn đấu vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn cái đã có bắt nguồn từ chính bản chất của con người, chính là hoạt động thi đua. Đó là một việc tự nhiên diễn ra hàng ngày trong đời sống của mỗi con người, của cả cộng đồng xã hội.
Một khía cạnh nữa cần thấy là, trong cuộc sống, trong công việc hàng ngày, con người không chỉ đơn thuần có yêu cầu tạo ra cái mới tốt đẹp hơn trước, mà còn có yêu cầu chống lại cái sai, cái xấu, cái lạc hậu làm cho con người thoái hoá, xã hội thụt lùi. Trong đời sống hàng ngày, những việc tốt, xấu, đúng, sai, tiến bộ, thoái bộ đan xen nhau. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày cũng cần phải thi đua phấn đấu chống lại mọi thói hư tật xấu, đấu tranh trong mỗi con người, và cả xã hội đều phải làm như vậy để cho mỗi con người, cả xã hội phát triển, hoàn thiện, hoàn mỹ. Do vậy, thi đua xét về góc độ con người, còn mang tính nhân vǎn sâu sắc.
Thứ tư, thi đua không phải là nhất thời mà phải thường xuyên, liên tục.
Bản chất tốt đẹp nhất của con người là ý chí không ngừng vươn lên cái tốt đẹp bằng trí tuệ và bằng hoạt động lao động sáng tạo của mình.
Có được cuộc sống ngày nay, con người đã phải trải qua một quá trình đấu tranh, phấn đấu liên tục qua nhiều thế hệ: đấu tranh với thiên nhiên, khai thác thiên nhiên, tổ chức xã hội. Lúc đầu chỉ là mưu cầu cuộc sống vật chất đơn sơ, sau đó phấn đấu nâng dần mức sống vật chất và tinh thần lên. Cuộc sống vǎn minh trên trái đất ngày nay là kết quả của sự phấn đấu thi đua bền bỉ hàng vạn nǎm của nhân loại, của các dân tọc trên hành tinh. Đó cũng là sự đấu tranh chống những bất công xã hội, chống áp bức bóc lột, chống xâm lược, chống nạn phân biệt chủng tộc... Trước đây lịch sử con người và xã hội loài người đã là như vậy, không thể nào khác được, thì ngày nay cũng như vậy. Có nghĩa là con người cũng vẫn không ngừng vươn lên.
Hai chữ "hàng ngày" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra có ý nghĩa hết sức sâu sắc và mang tính tích cực cao.
Thi đua không phải chỉ tiến hành, tổ chức đối với những việc lớn như sản xuất, chiến đấu, mà cả trong những công việc đơn giản, bình thường cũng cần phải thi đua. Bác nhắc nhở chúng ta không nên coi thường những việc nhỏ. Tuy hiệu quả của mỗi việc đem lại có thể nhỏ, nhưng nhiều công việc nhỏ hàng ngày và nhiều người đều thi đua, thì hiệu quả đem lại sẽ rất lớn.
Phấn đấu vươn lên, thi đua tạo ra cái mới tốt đẹp hơn cái đã có, đồng thời thi đua chống lại cái sai, cái xấu không phải chỉ là công việc làm trong chốc lát, mấy chục, mấy trǎm ngày rồi dừng lại, mà phải kiên trì, bền bỉ phấn đấu thi đua "hàng ngày", thường xuyên, liên tục.
Thi đua là quy luật tất yếu vốn có trong cuộc sống của con người. Khi có ý kiến cho rằng, thi đua chỉ nảy nở trong một lúc, một thời gian nhất định rồi mất đi, thì Bác Hồ đã giải thích, uốn nắn: "Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công". "Thi đua phải lâu dài và rộng khắp".
Công việc hàng ngày đều cần phải thi đua, nếu được tổ chức, phát động thành phong trào, có tổng kết, rút kinh nghiệm thì tác dụng và hiệu quả đem lại sẽ rất lớn.
Thi đua hàng ngày thường xuyên, liên tục có tác dụng thúc đẩy mỗi người dân, tuỳ theo công việc của mình kiên trì phấn đấu làm việc tốt hơn, đạt được kết quả cao hơn, không bị tụt hậu so với đồng đội, các đơn vị, các ngành, các địa phương khác trong nước và nói rộng ra so với các nước khác trên thế giới. Từ đó xã hội, cuộc sống sẽ phát triển không ngừng.
NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994