Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề sức khoẻ

Vũ Kiên

... Đối với vấn đề sức khoẻ của nhân dân , Hồ Chủ tịch nêu lên phương châm "phòng bệnh là chính". Đây là đường lối cơ bản của công tác chǎm sóc sức khoẻ mà Người nêu ra ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám. Người nhấn mạnh trách nhiệm của mọi người trong công tác vệ sinh phòng bệnh và thể dục thể thao để chủ động giữ gìn và nâng cao sức khoẻ. 

Người nói: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ", "... việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công". 

Từ sau tháng 8-1945, trong 12 điều rǎn cán bộ, Người cǎn dặn: "... phải dạy đồng bào vệ sinh thường thức". Đầu nǎm 1946, Người kêu gọi "luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước" và nói: "tự tôi, ngày nào cũng tập". Người đã phát động phong trào "đời sống mới" với nội dung chủ yếu là giữ gìn vệ sinh. 

Từ khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc và trong những nǎm chống Mỹ, cứu nước, mỗi khi đi thǎm một xí nghiệp, một hợp tác xã, cơ quan, đơn vị bộ đội, trường học, hay bệnh viện..., trước hết Người xem xét nơi ǎn, chốn ở, nhà bếp, nguồn nước, nhà tắm, hố xí và dặn dò mọi người ǎn ở trật tự, vệ sinh. Người nghiêm khắc phê bình cán bộ lãnh đạo ở một số đơn vị đã xem thường công tác vệ sinh và đời sống quần chúng. 

Những lời chỉ giáo của Hồ Chủ tịch không chỉ có ý nghĩa đối với công tác vệ sinh phòng bệnh mà còn là một quan điểm cơ bản chi phối mọi hoạt động của cán bộ và nhân dân ta đối với vấn đề bảo vệ sức khoẻ, vấn đề nằm trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng con người mới Việt Nam cả về phẩm chất và tâm hồn. 

Hồ Chủ tịch đặt vấn đề công tác chữa bệnh ở cơ sở là phải kết hợp chặt chẽ chữa bệnh với phòng bệnh. Người chỉ rõ phải chữa bệnh toàn diện, chữa bệnh tốt. 

Khi vào thǎm Nhà thương Vân Đình, Người khen cán bộ, nhân viên bệnh viện chǎm sóc tốt bệnh nhân, làm tốt công tác vệ sinh, công tác quản lý và nói: "Trong công tác phục vụ, cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần, có thuốc hay, thức ǎn ngon, còn cần có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt". Bác còn chỉ rõ: phải đặc biệt chú trọng đến việc phòng bệnh, tuyên truyền giải thích cho đồng bào xung quanh nhà thương và trong huyện biết cách giữ vệ sinh và làm cho mỗi người bệnh khi khỏi bệnh biết cách phòng bệnh cho họ và gia đình. 

Vào nhiều bệnh viện như Bạch Mai, Việt - Đức, Việt- Tiệp, Bác đều cǎn dặn phải không ngừng phấn đấu vươn lên đạt trình độ khoa học quốc tế, cứu chữa bệnh tật có hiệu quả cho nhân dân, kể cả những bệnh khó. Nhưng điều quan trọng nhất không được một lúc nào lơ là, sao nhãng là "cán bộ bệnh viện phải thương yêu người bệnh, hết lòng phục vụ người bệnh". 

Mùa xuân nǎm 1946, Bác nhắc nhở đại biểu Hội Chữ thập đỏ đừng có ngại khó ngại khổ; phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt nỗi đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn... 

Để làm rõ tư tưởng lớn này, trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc ngày 27-2-1955, Bác viết: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. 

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, sǎn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. 

"Lương y phải như từ mẫu", câu nói đó rất đúng. "Lương y phải như từ mẫu" là một lời khái quát ngắn gọn nhất về bản chất đạo đức của người thầy thuốc. Đó là tư tưởng quán triệt trong truyền thống y học Việt Nam từ Tuệ Tĩnh, Lãn Ông cho đến ngày nay. Nó phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình tu dưỡng và là điều kiện tuyển chọn, sử dụng và hành nghề của mọi người thầy thuốc. 

Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến việc "xây dựng nền y học Việt Nam" . Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc ngày 27-2-1955, Bác viết: Trong những nǎm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. 

Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc Bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc "Đông" và thuốc "Tây". 

Thực tế ngày càng chứng minh rằng muốn bảo vệ và không ngừng nâng cao sức khoẻ của nhân dân, phòng bệnh, chữa bệnh và giải quyết thuốc men đạt kết quả tốt, thì phải tự lực xây dựng một nền y học thích hợp với đặc điểm sinh lý của người Việt Nam, với điều kiện thiên nhiên vô cùng phong phú về dược liệu, với tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước trên con đường phát triển. 

Lời dạy của Hồ Chủ tịch đã nêu lên rất súc tích và sáng tỏ ý nghĩa, nội dung của nhiệm vụ xây dựng nền y học Việt Nam trên cơ sở tận dụng được thành tựu của y học hiện đại và y học dân tộc. 

Để không ngừng nâng cao trình độ y học của đất nước, Hồ Chủ tịch đòi hỏi sự nỗ lực và đóng góp chung của toàn ngành y tế. Trước hết, Người nhấn mạnh vấn đề đoàn kết: "Đoàn kết giữa các cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân". 

Mặt khác, vì nghề y là một nghề không giống bất cứ một nghề nào khác, một nghề mà mọi việc, dù là việc nhỏ đến đâu đều có liên quan đến tính mệnh con người, đến hạnh phúc từng gia đình, đến tương lai nòi giống, phải gắn bó với nhau cùng nhằm một mục tiêu: chǎm sóc sức khoẻ nhân dân, cứu chữa người bệnh, nên giới y học phải khiêm tốn dựa vào nhau và học hỏi lẫn nhau để cùng tìm tòi và sáng tạo. Ngành y học Việt Nam sẽ có rất nhiều triển vọng trong việc đóng góp với nhân loại trong ngành khoa học cực kỳ quan trọng này. 

Điều làm cho những lời dạy của Bác Hồ có sức thuyết phục và sức cảm hoá rất mạnh, chính là vì suốt đời Bác đã nêu một tấm gương mẫu mực trong rèn luyện sức khoẻ. 

Hoạt động cách mạng ở nhiều nước, trong những điều kiện vô cùng khó khǎn, thiếu thốn, nhiều lần bị bắt bớ, tù đày, Hồ Chủ tịch đã vượt qua biết bao gian khổ hy sinh, nguy hiểm, bệnh tật. Người đã có sức làm việc ít người bì được, ngay cả những nǎm cao tuổi, những ngày tháng cuối cùng, chính vì Người đã nỗ lực rèn luyện thân thể và phòng bệnh. 

Trong đời sống hằng ngày, Hồ Chủ tịch ǎn uống rất thanh đạm, mặc giản dị, làm việc điều độ, giờ giấc rất nghiêm. Ngoài ra chính tư tưởng trong sáng và tinh thần lạc quan cách mạng, tác phong vừa khẩn trương vừa thư thái, ung dung, đã đem lại cho Người một sự phát triển hài hoà về sức khoẻ và nghị lực. 

Hồ Chủ tịch rất kiên trì rèn luyện thân thể trong mọi hoàn cảnh từ lúc còn trẻ đến lúc tuổi cao. Người luyện tập rất đều đặn, thường xuyên, liên tục. Từ hoàn cảnh sinh hoạt cụ thể, từ điều kiện sức khoẻ từng thời gian, Hồ Chủ tịch đã tìm những phương pháp luyện tập thích hợp, có hiệu quả nhất và đã thực hiện nó với tinh thần quyết đoán và bền bỉ. Người đã tập thể dục tay không, thể dục với dụng cụ, tập chạy, nhảy, đi bộ, leo núi, tập bơi, tắm nước lạnh, đánh bóng, cưỡi ngựa, tập một số bài võ, xoa bóp và tập thở... 

Những lời bình dị mà sâu sắc, nhiều điều cǎn dặn ân cần nhưng rất khoa học cũng như những hoạt động và nếp sống, nếp làm việc vô cùng phong phú, khoa học của Người đã là những bài học vô cùng quý giá đối với nhân dân ta, trước hết là đối với giới y học Việt Nam về chǎm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Bộ Y Tế; NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website