Phùng Thu Hiền
Sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngoài một mục đích cao cả là giành lại quyền sống, quyền tự do và hạnh phúc cho con người. Người luôn luôn chǎm lo cho toàn dân cả đời sống vật chất và tinh thần. Người đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ toàn dân tộc, vì theo Người "dân cường thì quốc thịnh", mà quốc có thịnh thì đồng bào ta ai cũng có cơm ǎn, áo mặc, ai cũng được học hành, thực hiện được mong muốn mà Người đã ấp ủ từ lâu. Đó chính là sự thể hiện tính nhân đạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngay từ những nǎm đầu thế kỷ XX, Hồ Chủ tịch đã được chứng kiến cảnh nhân dân ta bị đoạ đày, bóc lột cả về mặt tinh thần và thể xác. Thực dân xâm lược đã dùng chính sách đầu độc dân tộc ta bằng rượu và thuốc phiện, làm ngu muội và tê liệt giống nòi ta.
Đau khổ trước nỗi đau thương mất mát của đồng bào ta; sau khi giành được chính quyền, Người đã kêu gọi Đảng và Chính phủ ra sức chống giặc đói, bảo vệ tính mạng của nhân dân. Đồng thời Người luôn đấu tranh để xây dựng một nền y tế tiến bộ và hiện đại, mà người thầy thuốc được coi như "chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ khang kiện của giống nòi".
Như vậy, ngay từ đầu, Hồ Chủ tịch đã xác định được tầm quan trọng và vai trò vô cùng lớn lao, trách nhiệm nặng nề của ngành y tế đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa "thương người như thể thương thân" và quan điểm "con người là vốn quý nhất của xã hội", "con người làm nên tất cả", song ở con người thì sức khoẻ lại là vốn quý nhất. Nếu không có sức khoẻ thì không làm được gì có ích cho bản thân và xã hội, từ "giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công", có sức khoẻ mới sản xuất tốt. Vì vậy, Người luôn tin tưởng ở nhân dân, chǎm lo bồi dưỡng sức dân. Trong khi cuộc kháng chiến đang còn tiếp tục chống kẻ thù xâm lược, vấn đề y tế lại càng được đặt lên quan trọng hàng đầu. Người cho rằng sức khoẻ của mỗi người dân có liên quan chặt chẽ với sức mạnh cả dân tộc: Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ.
Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khǎn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ. Mặc dù bận trǎm công nghìn việc, nhưng ý thức được vai trò quan trọng của sức khoẻ như vậy, nên tự Bác ngày nào cũng tập thể dục.
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc nǎm 1953, Người viết: Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hǎng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Chính vì vậy, Người khuyên cán bộ y tế cần phải " thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt".
Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân.
"Lương y kiêm từ mẫu".
Người đặc biệt quan tâm đến những thương bệnh binh, vì họ đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước "để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt". Hồ Chủ tịch kêu gọi đồng bào ta phải biết ơn, giúp đỡ những con người anh dũng ấy bằng cách "vài ba tháng nhịn ǎn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương". Nhưng người còn phân biệt "các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, các bộ đội các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu, thì không nên nhịn". Sự quan tâm chu đáo của Người đã làm họ thực sự xúc động và càng quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Đó chẳng những là việc cứu chữa bệnh tật mà còn là sự "nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu"... Người luôn nhắc nhở y, bác sĩ "nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hoá họ".
Bác không quên công lao của chiến sĩ đã ngã xuống hay bị thương tật, nên cứ vào dịp 27-7 nǎm nào Người cũng gửi thư thǎm hỏi, động viên, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân nhớ đền ơn đáp nghĩa. Người đã gửi rất nhiều thư an ủi các gia đình có con thương binh liệt sĩ. Như vậy, chính Người đã trở thành người thầy thuốc "nâng đỡ tinh thần" của họ rất đúng lúc. Người đã đem lại một phương thuốc vô giá để bǎng bó và làm dịu bớt nỗi đau thương của những gia đình mất con, làm khơi dậy ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của họ để cống hiến cho đất nước.
Đối với Hồ Chủ tịch, sức khoẻ được coi như một quyền sống cao nhất của con người. Vì vậy, đảm bảo cho toàn dân được khoẻ mạnh, chính là đảm bảo quyền lợi thiết thân, quyền được hạnh phúc của dân tộc, là điều kiện để thực hiện quyền tự do dân tộc. Người đã giao nhiệm vụ cộng đồng và mọi ngành liên quan chǎm lo bồi dưỡng, nâng cao sức khoẻ toàn dân, xây dựng một nền y tế đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Thực hiện lời dạy và phương châm của Hồ Chủ tịch, ngành y tế đã lớn mạnh và từng bước đi vào hoàn thiện với mục tiêu "vì sức khoẻ toàn dân". Ngành đã cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước như "công bằng trong chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân". Người nghèo được khám chữa bệnh, người có công với nước phải được quan tâm chǎm sóc sức khoẻ. Khẩu hiệu chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người phải ưu tiên cho hai đối tượng trên.
Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, sự tǎng trưởng kinh tế đi đôi với sự phân hoá giàu nghèo. Vì vậy, vấn đề khám chữa bệnh cho người nghèo đang là vấn đề quan tâm nhức nhối của ngành y tế. Nghị quyết Trung ương IV (khoá VII) của Đảng đề ra phương châm "tất cả vì con người và cho con người" theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Do vậy, công bằng trong chǎm sóc sức khoẻ là một hình thức đầu tư vào nguồn lực con người, tạo điều kiện giữ gìn và nâng cao sức khoẻ, phát huy tiềm nǎng lao động để cuộc sống của bản thân và gia đình tốt hơn, tiến tới đạt được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh".
Bộ Y Tế; NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997