NCS. Trần Minh Trưởng
1. Trong bất kỳ một cuộc cách mạng nào, việc xác định nguồn lực để thực thi những mục tiêu, nhiệm vụ do cách mạng đặt ra bao giờ cũng được đề cập đến như điều kiện tiên quyết, bởi đó là vấn đề quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Tuy nhiên, đối với mỗi cuộc cách mạng hay ở mỗi giai đoạn cách mạng, tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử và mục tiêu cụ thể mà xác định và tạo lập nguồn lực cho sát hợp, hiệu quả.
2. Nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ này là công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách toàn diện cơ sở vật chất kỹ thuật nền kinh tế. Chủ trương của Đảng đã được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) cụ thể hoá bằng nhiều chính sách, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề: Khơi dậy và "phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hoá, hiện đại hoá" 1 đó là những nội dung cơ bản cần phải thực hiện, đồng thời cũng là những tiền đề điều kiện để nhân dân ta hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến nǎm 2000 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã đề ra.
Trong hoạt động quan hệ quốc tế hiện nay, chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại luôn gắn quyện với nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Cho nên muốn "nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế" trước hết phải bắt đầu từ đường lối đối ngoại chủ động tích cực thông qua các hoạt động ngoại giao.
Trước một thế giới chịu tác động mạnh mẽ của xu hướng "hội nhập để phát triển", việc mở rộng quan hệ và nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế được xem như nhân tố có ý nghĩa quyết định của công cuộc đổi mới. Đặc biệt, đối với một nước có trình độ sản xuất thấp kém như nước ta, muốn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thông qua "đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ", thông qua hợp tác quốc tế để kích thích sản xuất thay đổi công nghệ...
Thực tế cho thấy, từ khi Việt Nam tuyên bố: "Muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển" 2, chỉ ít nǎm qua, chúng ta đã phá vỡ được thế cô lập, hoà nhập với cộng đồng quốc tế. Điều đó còn chứng tỏ rằng, một đặc điểm lớn của tình hình thế giới ngày nay là xu thế toàn cầu hoá và khu vực hoá ngày càng phát triển mạnh mẽ, các nước lớn hay nhỏ đều phải tuỳ thuộc lẫn nhau, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển. Không còn nghi ngờ gì nữa, hội nhập quốc tế và là một nội dung, vừa là điều kiện không thể thiếu của tiến trình đổi mới, nhất là đối với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang cần đến những tiến bộ khoa học công nghệ mới trong khi vốn đầu tư trở thành vấn đề nan giải các nước nghèo. Song cũng phải thấy trước là trong quá trình hội nhập, hợp tác để phát triển, một mặt sẽ có rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mặt khác đòi hỏi phải vượt qua những thách thức và nguy cơ. Do đó, để có thể ngǎn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập, (chệch hướng xã hội chủ nghĩa, thoái hoá bên trong do tham nhũng, quan liêu, lép vế trong quan hệ hợp tác và cạnh tranh quốc tế...) và để "nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế", việc nghiên cứu, quán triệt những vấn đề trong quan hệ quốc tế theo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là hữu ích và mang tính thời sự. Sau đây là những vấn đề chúng ta cần quan tâm:
Thứ nhất: Muốn nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế tạo nguồn lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phải xây dựng được một chiến lược ngoại giao phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và đáp ứng yêu cầu phục vụ những mục tiêu nhiệm vụ của cách mạng. Trên cơ sở có đường lối chủ trương đúng đắn, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, kết hợp giữa ngoại giao Nhà nước, với ngoại giao nhân dân.
Còn nhớ, sau ngày hoà bình lập lại (1954), hoàn cảnh đất nước với vô vàn khó khǎn do hậu quả chiến tranh và chính sách bao vây của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc trong điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật bị tán phá nặng nề, ngân khố hầu như trống rỗng. để có nguồn lực thực thi nhiệm vụ cách mạng, ngoài việc huy động tối đa sự tham gia đóng góp tiền của, sức lực trong nhân dân (vốn đã kiệt quệ vì chiến tranh), Chủ tịch Hồ chí Minh chủ trương tìm kiếm nguồn lực vật chất từ bên ngoài, tức là dựa vào viện trợ, giúp đỡ quốc tế thông qua con đường ngoại giao.
Lựa chọn "hướng đột phá từ ngoài vào" coi đó là một giải pháp tháo gỡ khó khǎn, khôi phục kinh tế, trước tiên Người cũng với Trung ương Đảng tập trung xây dựng một chiến lược đối ngoại: mở rộng quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó trọng tâm là hai nước Liên Xô và Trung Quốc.
Tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 20-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nguyên tắc ngoại giao của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là xây dựng và phát triển quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào dựa trên nguyên tắc bình đẳng hai bên cùng có lợi, tôn trọng lãnh thổ, chủ quyền của nhau. Có thể thấy đây là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế của Việt Nam đã được duy trì thực hiện cho đến tận ngày nay.
Trong hoàn cảnh thế giới lúc bấy giờ còn tồn tại hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, "chiến tranh lạnh" giữa hai hệ thống xã hội còn đang cǎng thẳng, đường lối ngoại giao "có trọng tâm" mà Hồ Chí Minh đề xuất và thực hiện và hoàn toàn hợp lý. Người nói: "Phải củng cố không ngừng tình đoàn kết hữu nghị với Liên Xô - Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong hoạt động quốc tế và đấu tranh ngoại giao" 4. Tuy nhiên, Người nói tiếp: Cần tranh thủ mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam á như ấn Độ, Nam Dương 4, Miến Điện 5, làm chính phủ các nước đó đồng tình với Việt Nam dân chủ cộng hoà hoặc ít nhất cũng giữ thái độ trung lập. Rõ ràng, ngay từ lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh cũng đã rất chú ý đến vấn đề hợp tác khu vực, tuy rằng hầu hết các nước Đông Nam á thời kỳ này còn bị Mỹ thao túng.
Các hoạt động ngoại giao của Đảng, Nhà nước, nhân dân được tiến hành rất nhộn nhịp, khẩn trương và đạt hiệu quả nhiều mặt, đáng chú ý nhất là viện trợ kinh tế từ hai nước Liên Xô và Trung Quốc.
Chỉ bằng một Hiệp định ký ngày 18-7-1955, Việt Nam đã nhận được từ Liên Xô nguồn viện trợ tài chính trị giá 400 triệu rúp, đồng thời Liên Xô còn cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp ta khôi phục và xây dựng 146 nhà máy, xí nghiệp, công trình công nghiệp, nhận đào tạo cho Việt Nam hàng trǎm cán bộ, kỹ sư cho các ngành kinh tế... 6.
Viện trợ từ nước láng giềng Trung Quốc trong những nǎm từ 1955-1960, đạt tới con số 800 triệu nhân dân tệ cho các ngành kinh tế của Việt Nam. Đồng thời với viện trợ tài chính là việc giúp đỡ đào tạo cán bộ, cử chuyên gia sang giúp xây dựng mới nhiều công trình công nghiệp.
Nhờ nguồn viện trợ to lớn và kịp thời từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển vǎn hoá - xã hội ở nước ta đã nhanh chóng đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện, điều đó có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ sau này.
Bài học rút ra ở đây là: ngoại giao và hợp tác quốc tế được xem như một giải pháp quan trọng và hữu hiệu để giải quyết các vấn đề kinh tế. Trong đó có thể thấy đường lối ngoại giao "có trọng tâm" đã phát huy hết hiệu quả.
Tình hình khách quan và chủ quan hiện nay đã khác với hoàn cảnh những nǎm cuối thập niên nǎm mươi, dù vậy, vấn đề hợp tác có trọng tâm, trọng điểm, trên cơ sở nắm chắc các thông số mới nhất (mục tiêu chính trị, kinh tế, kỹ thuật) của đối tác để biết được ý đồ của họ và khả nǎng hiệu quả hợp tác vẫn còn nguyên ý nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ tránh được nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hoá ế thừa, "bãi thải của các công nghệ lạc hậu, đồng thời có điều kiện tiêu thụ những thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.
Thứ hai, trong khi mở rộng quan hệ ngoại giao, thông qua đó tǎng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương để tạo ra nguồn lực phát triển đất nước, phải chủ động về đường lối đối ngoại, không lệ thuộc hoặc chịu sức ép từ các hợp đồng kinh tế, hay viện trợ vật chất, không dao động, từ bỏ mục tiêu chính trị ban đầu. Trong vấn đề này, Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu về sự thuỷ chung nhất quán, nhưng rất kiên quyết và khôn khéo để giải quyết các bất đồng chính trị thông qua đối thoại, đàm phán tách rời sức ép chính trị khỏi viện trợ kinh tế.
Nhìn lại lịch sử trong những nǎm đầu của thập niên sáu mươi, đế quốc Mỹ ngày càng gia tǎng sức ép quân sự trên chiến trường miền Nam và đe doạ ném bom bắn phá miền Bắc, trong khi đó bất đồng Xô - Trung ngày càng sâu sắc. Có thể nói lúc này nhân dân Việt Nam không tránh được áp lực tác động từ cả ba phía Mỹ - Xô - Trung
Trước sức ép từ nhiều hướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tháo gỡ theo phương châm kiên trì đường lối ngoại giao mềm mỏng, nhưng kiên quyết giữ vững lập trường chính trị, không sa vào tư tưởng tả khuynh biệt lập, chia rẽ bè phái, tách ra khỏi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Mặt khác giương cao ngọn cờ đoàn kết, chủ động dàn xếp mối bất động Xô - Trung, thông qua con đường ngoại giao mà thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Hồ Chí Minh khẳng định Đảng Lao động Việt Nam không bao giờ lại tự tách mình với các Đảng anh em, Đảng lấy toàn bộ thực tiễn của mình để chứng minh rằng chủ nghĩa yêu nước triệt để không thể nào tách với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người cũng thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền của ta không tham gia vào việc phê phán hay đả kích cuộc đấu tranh trong Đảng Cộng sản Liên Xô (Trung Quốc coi đó là hành động của chủ nghĩa xét lại của những phần tử Sa hoàng mới), chỉ xem đây là công việc nội bộ của họ.
Thực tiễn lịch sử cho thấy tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh là cực kỳ sáng suốt, "thấu tình, đạt lý", vì thế mặc dù mâu thuẫn Trung - Xô không hề giảm bớt, nhưng Việt Nam vẫn tranh thủ được sự giúp đỡ của Chính phủ cũng như nhận định được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân hai nước Trung - Xô.
Bài học kinh nghiệm nhìn thấy ở đây là: trong bất kỳ tình huống nào cũng không được dao động, không ham lợi kinh tế mà từ bỏ mục tiêu chính trị là lập trường có tính nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Hiện nay, khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới đang có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân ta. Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ hậu quả của cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu này, do đó nảy sinh mâu thuẫn, khó khǎn mới cả về tiến độ lẫn chất lượng. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta dễ dàng chấp nhận những điều kiện có lợi về kinh tế nhưng lại xa dời mục tiêu chính trị là xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cho dù đó là sức ép của EU (Cộng đồng châu âu) hay IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế)..., chúng ta cũng không được đi ra ngoài quỹ đạo phát triển của chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu phấn đấu xây dựng một xã hội: "Công bằng, vǎn minh, ngày càng giàu đẹp". Hơn nữa, bài học mới đây cho thấy một số nước do muốn nhanh chóng khắc phục khủng hoảng, đã chấp nhận những yêu cầu bất hợp lý của IMF, hậu quả là sự đổ vỡ không giảm bớt mà lại có phần nghiêm trọng hơn cả về kinh tế lẫn chính trị. Phải chǎng đó cũng là bài học đối với Việt Nam.
Thứ ba, phát huy tiềm nǎng sức mạnh của đường lối ngoại giao nhân dân làm tǎng hiệu quả của hợp tác quốc tế, tạo lực từ nhiều nguồn để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Một đặc điểm lớn của nền ngoại giao Việt Nam là ngoại giao nhân dân. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp cũng như trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thế mạnh của ngoại giao nhân dân đã tỏ rõ sức mạnh đặc biệt của mình, tạo ra các phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam trên phạm vi thế giới, đó cũng là biểu hiện sáng tạo nhất trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
Dưới sự lãnh đạo của Người, ngoại giao nhân dân là vũ khí sắc bén góp phần làm thất bại cuộc chiến tranh tổng lực của kẻ thù, làm nản lòng kẻ xâm lược, buộc chúng phải xuống thang từng bước để rồi đi đến chấm dứt chiến tranh. Ngoại giao nhân dân không những nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn tranh thủ được sự đoạn kết giúp đỡ của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, vì sự nghiệp củng cố hoà bình trên toàn thế giới. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết đến ngày thắng lợi: "Tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta" 1. Điều đó thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của Hồ Chí Minh đối với các tổ chức chính trị, các đoàn thể quần chúng và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới, đồng thời tỏ rõ sự quan tâm chú ý của Người đến hình thức ngoại giao này.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay đòi hỏi sự đầu tư, giúp đỡ, hợp tác từ nhiều nguồn, của nhiều tổ chức, chính phủ và phi chính phủ , ở nhiều cấp độ cả vừa và nhỏ, cả công nghiệp lẫn nông nghiệp, khoa học, vǎn hoá, giáo dục... Nếu chúng ta biết vận dụng bài học ngoại giao nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, chủ động thì không những tranh thủ được nguồn đầu tư, tài trợ trực tiếp đáng kể vào tất cả các ngành kinh tế nước ta, mà còn nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoại giao nhân dân phối hợp với ngoại giao nhà nước thiết lập cầu nối với nhân dân các dân tộc trong đó có cả các nước vốn là thù địch trước đay, từng bước xoá đi sự thù hằn, "khép lại quá khứ, nhìn về tương lai, làm thất bại âm mưu bao vây, cấm vận kinh tế, làm phá sản kế hoạch "diễn biến hoà bình" của kẻ địch.
Ngoại giao nhân dân còn hướng vào việc tranh thủ viện trợ nhân dân thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế để giải quyết các vấn đề xã hội, thông qua viện trợ phát triển các dự án vừa và nhỏ về sản xuất, y tế, giáo dục, xây dựng nền tảng vững chắc cho công cuộc đổi mới, tạo tiền đề thuận lợi cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Những quan điểm, tư tưởng về việc tạo nguồn lực từ sự hợp tác quốc tế cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, sẽ được vận dụng, nghiên cứu nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đúng hướng và hiệu quả.
NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Vǎn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.48.
2. Nǎm mươi nǎm ngoại giao Việt Nam, Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội, 1995, tr.6.
3. Biên bản Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khoá III) 3-1955.. Lưu tại Cục Lưu trữ Vǎn phòng Trung ương Đảng, đơn vị bảo quản 24.
4. Nay là Inđônêxia (BT).
5. Nay là Mianma (BT).
6. Tính đến nǎm 1960 đã có 420 thực tập sinh, 1276 sinh viên Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô, và có 1547 chuyên gia Liên Xô làm việc tại Việt Nam (Nguồn: Quan hệ Việt - Xô 1954-1975), Vụ Liên Xô , Bộ Ngoại giao).