Ngày 1-9-1919, Đảng Cộng sản (ĐCS) Mỹ, đại biểu tiên tiến nhất của giai cấp công nhân Mỹ được thành lập. Ra đời ở ngay chính trung tâm của chủ nghĩa tư bản, ĐCS Mỹ phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp. Tư tưởng, mục tiêu và phương thức hành động là tập hợp giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh chống lại sự bành trướng của giai cấp tư sản Mỹ; đấu tranh bảo vệ hệ tư tưởng Mác - Lênin.
Đã có lúc Đảng bị chính quyền tư sản đặt ngoài vòng pháp luật, đặc biệt sau chiến tranh thế giới thứ II, khi đạo luật chống cộng Măc Cacthi được ban hành. Nhưng do kiên trì lý tưởng, giữ vững bản chất cách mạng, sáng tạo đấu tranh bằng nhiều hình thức, năm 1963, chính quyền Mỹ buộc phải cho phép ĐCS hoạt động công khai.
Tuy nhiên, do phải hoạt động ở một nước tư bản phát triển nhất lại thù địch với chủ nghĩa xã hội, nên việc tổ chức, giác ngộ quần chúng và phát triển lực lượng cách mạng của ĐCS Mỹ gặp rất nhiều khó khăn. Uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong đời sống chính trị, xã hội Mỹ còn nhiều hạn chế.
Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, bị tác động từ sự sụp đổ của chế độ XHCN ở các nước Đông Âu, Liên Xô và sự công kích của chính quyền tư sản cũng như các thế lực thù địch đòi Đảng phải giải thể hoặc thay đổi đường lối, ĐCS Mỹ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, rạn nứt khá sâu sắc trong nội bộ. Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, ĐCS Mỹ đã tiến hành Đại hội lần thứ 25 (12-1991). Các cuộc tranh luận, thảo luận về CNXH, giai cấp công nhân, đấu tranh giai cấp và các vấn đề trong nước v.v... diễn ra rất gay gắt. Có bộ phận muốn đi theo đường lối xã hội - dân chủ đòi đổi tên Đảng, thay đổi cương lĩnh, mục tiêu... Tuy nhiên, đa số đại biểu dự Đại hội đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, bỏ phiếu tán thành duy trì tổ chức ĐCS. Tuy vậy, đầu năm 1992, một số người lãnh đạo cũ (không được bầu lại tại Đại hội) đã tách ra thành lập một tổ chức mới lấy tên là Uỷ ban Thông tin (COC) đi theo khuynh hướng xã hội - dân chủ. Song ảnh hưởng của tổ chức này chỉ ở một vài thành phố lớn như NiuYooc, Caliphonia...
Tại Đại hội 25, ĐCS Mỹ điều chỉnh về đường lối, bám sát thực tế của đất nước để hoạt động. Vì vậy, uy tín của Đảng được nâng cao, số lượng đảng viên tăng khá nhanh. Đảng thống nhất được về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng được mặt trận đoàn kết và liên minh với các công đoàn, các tổ chức quần chúng trong những người lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Mỹ có sáng kiến tổ chức các câu lạc bộ, nhằm tiến hành công tác vận động thanh niên. Kết quả có hàng ngàn người (trong đó chủ yếu là thanh niên) xin gia nhập Đảng.
Một thắng lợi nổi bật là ĐCS Mỹ đã có tác động quan trọng đến việc thay đổi ban lãnh đạo của Liên đoàn Lao động – Uỷ ban các tổ chức công nghiệp Mỹ (AFL-CIO), làm hạn chế ảnh hưởng của các thế lực cực hữu trong ban lãnh đạo phong trào công đoàn vốn tồn tại từ khi sáp nhập hai tổ chức AFL và CIO. Trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội (năm 1996), AFL-CIO đã thu hút được hàng triệu người lao động tham gia bỏ phiếu cho những ứng cử viên mà AFL-CIO ủng hộ. Lần đầu tiên phong trào công đoàn hoạt động với vai trò mới, tích cực, chủ động, thống nhất và mang tính chiến đấu cao. Thắng lợi này được coi là một sự kiện lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp ở nước Mỹ trong giai đoạn mới. Đồng thời, nó cũng biểu hiện đường lối của ĐCS Mỹ đã có những bước triển khai cụ thể, phù hợp với nhu cầu ngày càng thiết thực của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động.
Tháng 3-1996, ĐCS Mỹ tiến hành Đại hội lần thứ 26. Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội đã nhấn mạnh quan điểm của Đảng về xây dựng CNXH phù hợp hoàn cảnh nước Mỹ với các đặc trưng: Cuộc sống không còn tồn tại sự bóc lột, mất an ninh; không còn hiện tượng thất nghiệp, nghèo đói, không nhà, không cửa. Chấm dứt triệt để chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, áp bức dân tộc, bài Do thái và mọi hình thức phân biệt đối xử. Tiến hành đổi mới và mở rộng dân chủ, chấm dứt sự áp bức của một nước Mỹ công ty (a corporate America) và sở hữu tư nhân đối với tài sản quốc gia. Xây dựng một xã hội mới thật sự nhân đạo, khuyến khích mọi người có điều kiện phát triển nhân cách và tài năng sáng tạo. Đại hội đã bầu Uỷ ban toàn quốc và bầu lại đồng chí Gớt Hôn làm Chủ tịch Đảng. Sau khi đồng chí Gớt Hôn từ trần, Uỷ ban toàn quốc của ĐCS Mỹ đã họp và bầu đồng chí Xam Oép làm Chủ tịch Đảng.
Năm đầu tiên của thế kỷ mới, tháng 7-2001, ĐCS Mỹ đã tiến hành Đại hội lần thứ 27. Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Mỹ trong những năm cuối của thế kỷ XX và dự báo khả năng, triển vọng trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó, ĐCS Mỹ khẳng định kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, lập trường giai cấp và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường mối quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới. Kể từ Đại hội lần thứ 26 (3-1996), ĐCS Mỹ đã không ngừng củng cố và phát triển lực lượng, đặc biệt trong thanh niên; đẩy mạnh các hoạt động quần chúng ở cơ sở, xây dựng liên minh với các tổ chức công đoàn, thanh niên và phụ nữ. Trước những thành công của Đảng, nhiều thành viên của COC đã xin quay trở lại Đảng. Kết thúc Đại hội, ĐCS Mỹ đã thông qua các nghị quyết về Báo cáo chính trị, Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng, bầu Uỷ ban toàn quốc gồm 120 đồng chí. Đồng chí Xam Oép được bầu lại làm Chủ tịch Đảng.
Hiện nay, ĐCS Mỹ có khoảng 15 - 17 nghìn đảng viên với một tổ chức quần chúng là Đoàn Thanh niên Cộng sản Mỹ. Cơ quan ngôn luận của Đảng gồm có: Tuần báo thế giới nhân dân (The Peole’s Weekly-World); hai tạp chí Quan hệ Chính trị (Political Affairs) và Thông tin ĐCS Mỹ (Information CPUSA), ra hằng tháng. Đặc biệt, ĐCS Mỹ đã thành lập trang Web trên mạng Internet để tăng cường trao đổi thông tin với các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả trên thế giới; bày tỏ các ý kiến về toàn cầu hoá, về ý đồ và chiến lược của chủ nghĩa đế quốc.
ĐCS Mỹ và ĐCS Việt Nam có mối quan hệ từ lâu. Trong thời kỳ Việt Nam chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, ĐCS Mỹ đã có nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào vận động giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam. Các đồng chí nguyên là Tổng Bí thư, Chủ tịch Đảng như Henri Uynsơn, Gớt Hôn đã từng sang thăm Việt Nam. Tại các kỳ Đại hội của ĐCS Việt Nam, ĐCS Mỹ đều cử đoàn đại biểu sang dự. Tại Đại hội IX ĐCS Việt Nam (4-2001), đồng chí Giôen Phixman, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Mỹ đã tới dự và có bài phát biểu đánh giá cao những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Về phía mình, trong hai kỳ đại hội gần đây của ĐCS Mỹ (Đại hội 26 và 27), ĐCS Việt Nam đều cử đoàn đại biểu dự và phát biểu trước đại hội, bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ và mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai đảng trong bối cảnh quốc tế mới.
Có thể thấy, qua gần 9 thập kỷ tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, ĐCS Mỹ luôn giữ được sự thống nhất về đường lối chiến lược, tư tưởng, mục tiêu và phương thức hành động là tập hợp giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh chống lại sự bành trướng của giai cấp tư sản Mỹ; đấu tranh bảo vệ hệ tư tưởng Mác - Lênin, các nguyên tắc của giai cấp công nhân, đường lối và chính sách của Đảng trước âm mưu của những thế lực thù địch, cơ hội muốn làm thay đổi bản chất cộng sản và cách mạng của Đảng. Trước những biến động to lớn của tình hình thế giới những năm qua, trước sự khủng hoảng, thoái trào của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, ĐCS Mỹ luôn giữ vững niềm tin cách mạng là CNTB đã và đang chuẩn bị mảnh đất để CNXH bén rễ và phát triển ở Mỹ, CNXH vẫn là sự thay thế lôgic và tất yếu của CNTB./.
Tạp chí Xây dựng Đảng (số 4-2002)