Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14 về tổng kết cải cách ruộng đất

Cải cách ruộng đất là một cuộc vận động lớn trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc vận động ấy cǎn bản đã thắng lợi, nhưng chúng ta đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng; qua sửa sai những sai lầm đó đã được sửa chữa và những thành quả của cải cách ruộng đất đã được giữ vững và phát huy thêm.

Hội nghị Trung ương lần này tổng kết cuộc vận động cải cách ruộng đất, nêu cao thắng lợi, phê phán sai lầm, rút ra những bài học kinh nghiệm để cải tiến thêm một bước sự lãnh đạo của Đảng, soi sáng một số vấn đề quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng hiện nay, tǎng cường đoàn kết toàn Đảng, nâng cao tinh thần phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta tiến lên trong giai đoạn mới.

I- Cách mạng Việt Nam và tính tất yếucủa cải cách ruộng đất

1. Việt Nam ta vốn là một nước thuộc địa và nửa phong kiến. Chủ nghĩa đế quốc Pháp cấu kết với giai cấp địa chủ, nhất là với bọn đại địa chủ phong kiến, để thống trị nước ta một cách vô cùng hà khắc. Chúng đã áp bức, bóc lột nhân dân ta mà đại đa số là nông dân, bằng những thủ đoạn hết sức tàn nhẫn. Quan hệ sản xuất phong kiến ở nông thôn nước ta cǎn bản đã được đế quốc Pháp duy trì và ủng hộ, điều đó khiến cho ruộng đất càng bị tập trung vào tay giai cấp địa chủ và bọn thực dân Pháp, số nông dân mất ruộng và thiếu ruộng ngày một tǎng, nông dân càng bị lệ thuộc vào giai cấp địa chủ và càng bị bọn thực dân áp bức dã man. Do đó, trong xã hội nước ta trước đây có hai mâu thuẫn chủ yếu:

1- Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc xâm lược;

2- Mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân đông đảo, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến.

Muốn mở đường cho xã hội nước ta tiến lên, phải làm cách mạng để giải quyết hai mâu thuẫn đó, thực hiện dân tộc độc lập và người cày có ruộng. Đối tượng chủ yếu cần đánh đổ của cách mạng là chủ nghĩa đế quốc xâm lược và giai cấp địa chủ phong kiến. Muốn đánh đổ chủ nghĩa đế quốc xâm lược, phải đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến; ngược lại, muốn đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, phải đánh đổ chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Nhiệm vụ phản đế và nhiệm vụ phản phong kiến là hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam, có liên hệ chặt chẽ với nhau; song ở một nước thuộc địa như nước ta, trong một thời gian khá dài, mũi nhọn của cách mạng chủ yếu phải chĩa vào chủ nghĩa đế quốc xâm lược.

2. Cách mạng Việt Nam với hai nhiệm vụ cơ bản trên đây là một cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới ở một nước thuộc địa, mà chúng ta gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đó là một cuộc cách mạng của nhân dân, chủ yếu là của nông dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo.Nông dân chiếm gần 90% nhân khẩu nước ta. Đế quốc Pháp cấu kết với giai cấp địa chủ, áp bức, bóc lột nhân dân ta, chủ yếu cũng là áp bức bóc lột mấy chục triệu nông dân. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc Pháp chủ yếu thể hiện trong mâu thuẫn giữa nông dân với chủ nghĩa đế quốc Pháp cùng bè lũ tay sai của chúng. Đội quân chủ lực của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc chính là quần chúng nông dân đông đảo. Chỉ có đánh giá đầy đủ lực lượng cách mạng to lớn của nông dân, động viên được lực lượng đó và phát huy đến cao độ nǎng lực cách mạng của nông dân thì cách mạng ở nước ta mới thành công. Nông dân nước ta yêu cầu được giải phóng khỏi ách đế quốc, đồng thời yêu cầu đánh đổ giai cấp địa chủ, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng. Muốn phát huy đến cao độ nǎng lực cách mạng của nông dân, nhất định phải giải quyết kịp thời và đúng đắn vấn đề ruộng đất cho nông dân trong quá trình phát triển của cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân. Cho nên, ở nước ta vấn đề dân tộc và vấn đề dân chủ khǎng khít với nhau; chính sách mặt trận dân tộc thống nhất và chính sách ruộng đất kết hợp với nhau một cách chặt chẽ. Nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất phải là khối liên minh công nông. Trong khi tiến hành cách mạng, nếu không thấy rõ tính chất quan trọng của vấn đề ruộng đất, không nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nhân tố dân chủ trong cách mạng thì không thể bảo đảm thắng lợi cho cách mạng.

Song ở một nước thuộc địa như nước ta, yêu cầu cấp bách chung của nhân dân là giải phóng dân tộc, cho nên nhân tố dân tộc có tác dụng rất lớn trong cả quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Yêu cầu giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc là yêu cầu của toàn dân, trước hết là yêu cầu của nhân dân lao động, bởi vì không giải quyết vấn đề độc lập dân tộc thì những nguyện vọng cǎn bản khác của nhân dân lao động (ruộng đất, các quyền tự do dân chủ, v.v.) cũng không thể thực hiện được. Khẩu hiệu dân tộc có tác dụng động viên các tầng lớp nhân dân lao động lên mặt trận cách mạng, đồng thời cũng có tác dụng trong việc đoàn kết và tranh thủ rộng rãi giai cấp tư sản dân tộc (bao gồm cả tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc) và một số địa chủ có ít nhiều tính chất phản đế, đưa họ vào Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Trong khi tiến hành cách mạng, nếu coi nhẹ tác dụng của nhân tố dân tộc, không nhận rõ tầm quan trọng của Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi dựa trên cơ sở liên minh công nông, thì sẽ phạm sai lầm lớn.

Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta nhằm giải quyết hai nhiệm vụ cơ bản dân tộc và dân chủ. Cuộc cách mạng đó tiến hành trong điều kiện Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thành công; giai cấp công nhân nước ta đã sớm hấp thụ được chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập được chính đảng cách mạng của mình và giành được quyền lãnh đạo cách mạng; còn giai cấp tư sản dân tộc thì non yếu về kinh tế cũng như về chính trị, tinh thần cách mạng của họ bạc nhược, tổ chức cách mạng của họ bị tan rã mau chóng trước sự tiến công của đế quốc và phong kiến. Giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đó là điều kiện chủ yếu nhất bảo đảm cho cách mạng giải quyết triệt để hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, và chuyển biến một cách thuận lợi sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta là một cuộc cách mạng chống đế quốc và phong kiến của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc, trong đó nông dân làm quân chủ lực, do giai cấp công nhân lãnh đạo, dựa trên cơ sở khối liên minh công nông.

3. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã xác định cách mạng nước ta phải do giai cấp công nhân lãnh đạo thì mới giành được thắng lợi triệt để. Đảng đã vạch rõ hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng là phản đế và phản phong kiến, đồng thời chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ ấy. Trong bản Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (1930), có viết:

"Sự cốt yếu của tư sản dân quyền cách mạng thì một mặt là phải tranh đấu để đánh đổ các di tích phong kiến, đánh đổ các cách bóc lột theo lối tiền tư bổn và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, một mặt nữa là tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hai mặt tranh đấu có liên lạc mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa"1).

Nhờ có nhận định cǎn bản đó, trong những nǎm 1930-1931, Đảng ta đã động viên được quần chúng nhân dân đông đảo, nhất là nông dân, lên mặt trận cách mạng, đã gây được một cao trào cách mạng trong phạm vi cả nước. Song lúc đó, vì chưa nhận thức được thật rõ lý luận cách mạng dân chủ tư sản ở một nước thuộc địa, vì kinh nghiệm cách mạng của Đảng ta còn ít, cho nên việc kết hợp hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến chưa làm được đúng mức. Lúc đó chúng ta có phần coi nhẹ nhân tố dân tộc, chưa chú ý đầy đủ vấn đề Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, cho nên có lúc đã đề ra những khẩu hiệu và hình thức đấu tranh không thích hợp.

Đến thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), chính sách của Đảng ta là thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất chống bọn phản động thuộc địa và bọn bù nhìn tay sai đắc lực của chúng, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện đời sống cho nhân dân. Chính sách ấy đúng, nhưng cũng có chỗ thiếu sót. Lúc đó chúng ta chủ trương tập trung mũi nhọn vào bọn phản động thuộc địa là cần thiết, vì chúng là bộ phận nguy hại nhất và ngoan cố nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, có liên hệ mật thiết với bọn phát xít Pháp và sẵn sàng thoả hiệp với phát xít Nhật đang lǎm le xâm lược Đông Dương. Đồng thời chúng ta nêu những khẩu hiệu như "phản đối vua quan, cường hào", "chống cướp đất", "chống sưu cao, thuế nặng", "chia lại ruộng công", v.v. là đúng, tuy rằng chưa được đầy đủ. Nhưng thiếu sót của ta lúc đó là chưa kết hợp chặt chẽ những yêu sách dân chủ đó với những yêu sách dân tộc.

Trong thời kỳ chống phát xít Nhật - Pháp (1939-1945), cǎn cứ vào những đặc điểm mới của tình hình, Đảng ta đã chuyển hướng một cách có sáng tạo trong sự lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (11-1939), rồi đến các cuộc Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (10-1940) và lần thứ tám (5-1941) đã xác định rõ nhiệm vụ cấp bách nhất của cách mạng ta là đánh đổ bè lũ đế quốc phát xít, giành độc lập dân tộc; đồng thời, Đảng cũng đề ra những chủ trương đúng đắn về nhiệm vụ phản phong kiến, như "giảm tô, giảm tức", "chia lại ruộng công", "tịch thu ruộng đất của bọn thực dân và của Việt gian chia cho nông dân nghèo", v.v.. Nhờ sự chuyển hướng đó, chúng ta đã tập hợp rộng rãi trong Mặt trận Việt Minh các lực lượng yêu nước, các tầng lớp nhân dân đông đảo bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản dân tộc, đồng thời tranh thủ cả một bộ phận địa chủ chống phát xít Nhật - Pháp (phần nhiều là địa chủ nhỏ) và làm cho một số địa chủ khác giữ thái độ trung lập đối với cách mạng. Một cao trào cứu nước được phát động trong toàn quốc, tạo điều kiện cho Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Tuy vậy, trong thời kỳ này, khuyết điểm của chúng ta là trong khi giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, không nhấn mạnh đầy đủ nhiệm vụ phản phong kiến, điều đó có ảnh hưởng không tốt về sau này.

Sau Cách mạng Tháng Tám và suốt trong thời kỳ kháng chiến, nói chung Đảng ta vẫn chủ trương chĩa mũi nhọn của cách mạng vào bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Trong kháng chiến, tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951), chúng ta đã nhận định về nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam như sau:

"... Tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, đánh đổ bọn bù nhìn Việt gian phản nước, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất; xoá bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng; phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây mầm mống cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

"Hiện nay, đế quốc xâm lược và phong kiến phản động câu kết với nhau một cách chặt chẽ.

"Đánh đổ đế quốc xâm lược thì đồng thời phải đánh đổ thế lực phong kiến phản động, vì phong kiến phản động làm tay sai cho đế quốc. Trái lại, muốn đánh đổ thế lực phong kiến phản động, phải đánh đổ đế quốc xâm lược, vì đế quốc dựa vào những thế lực đó đặng cướp nước ta...

"Nhiệm vụ phản đế và nhiệm vụ phản phong kiến khǎng khít với nhau. Lúc này phải tập trung lực lượng để kháng chiến, đặng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc... Nhiệm vụ giải phóng dân tộc bao gồm cả nhiệm vụ phản đế và nhiệm vụ phản phong kiến"2).

Nhưng từ nǎm 1945 đến cuối nǎm 1952, nhất là từ nǎm 1945 đến nǎm 1949, chúng ta đã coi nhẹ nhiệm vụ phản phong kiến. Trên tư tưởng cũng như trong thực tiễn, chúng ta đã không nhận thức đầy đủ rằng giai cấp địa chủ, đứng về giai cấp mà nói, là kẻ thù của nhân dân Việt Nam là một thế lực mà cách mạng nhất định phải đánh đổ, không thấy thật rõ nông dân là lực lượng chủ yếu của kháng chiến, liên minh công nông là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, và ruộng đất là yêu cầu tha thiết nhất của nông dân. Do đó, sau Cách mạng Tháng Tám và trong mấy nǎm đầu của cuộc kháng chiến, tuy một mặt chúng ta có kiên quyết diệt tề trừ gian, bồi thêm một đòn nặng vào uy thế của giai cấp địa chủ, nhưng mặt khác, chúng ta không triệt để thực hiện giảm tô, giảm tức, không kiên quyết chia cấp ruộng đất tịch thu của bọn thực dân và của Việt gian cho nông dân nghèo, và có chia lại ruộng công nhưng không phải nơi nào việc chia lại đó cũng thật sự có lợi cho bần, cố nông và trung nông thiếu đất. Đối với địa chủ thì nặng về đoàn kết, nhẹ về đấu tranh, khiến cho uy thế của giai cấp địa chủ bị giảm sút sau Cách mạng Tháng Tám lại có cơ hồi phục một phần. Thái độ coi nhẹ nhiệm vụ phản phong kiến đã ảnh hưởng đến việc bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực kháng chiến và tích cực lao động của quần chúng nông dân.

Từ nǎm 1949, do Đảng ta đã chú ý hơn trước đến vấn đề nông dân và vấn đề ruộng đất, sắc lệnh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức đã được ban hành. Do yêu cầu của quần chúng nông dân và của kháng chiến, chúng ta đã lần lượt thực hịên một loạt biện pháp về ruộng đất, như giảm tô, giảm tức, hoãn nợ và xoá nợ, tạm cấp ruộng đất tịch thu của thực dân Pháp và của Việt gian, sử dụng ruộng đất vắng chủ, khuyến khích nông dân lao động khai hoang và phục hoang, v.v.. Mặc dù nội dung của những biện pháp ấy còn có chỗ chưa được thoả đáng và trong việc thi hành còn nhiều thiếu sót, chúng ta cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều nơi nông dân đã được giảm tô 25% (có nơi giảm đến 50%) và được sử dụng một phần ruộng đất của đế quốc, phong kiến; đời sống của họ nói chung đã được cải thiện một phần. Tính đến trước phát động quần chúng giảm tô (4-1953) riêng trong 3.653 xã đã thống kê được ở miền Bắc, số ruộng đất do chính quyền nhân dân đem tạm chia, hoặc do địa chủ phân tán vào tay nông dân là trên 50 vạn hécta; và riêng ở Nam Bộ ta đã chia cho nông dân 41 vạn hécta ruộng đất của thực dân Pháp và của địa chủ phản động. Tuy vậy, trên tư tưởng, chúng ta vẫn cho rằngkhông nên và cũng không thể thực hành cải cách ruộng đất rộng rãi trong kháng chiến, sợ "vỡ khối đại đoàn kết".

Nǎm 1953, cuộc kháng chiến đã bước vào nǎm thứ bảy và đang ở vào thời kỳ gay go, quyết liệt; yêu cầu về bồi dưỡng lực lượng nông dân, lực lượng kháng chiến càng trở nên cấp bách. Việc thực hiện những cải cách dân chủ ở nông thôn từ sau Cách mạng Tháng Tám và nhất là từ nǎm 1949 trở đi, tuy đã đem lại những kết quả quan trọng, nhưng vẫn chưa đủ để thoả mãn yêu cầu đó. Đời sống của nông dân nói chung, nhất là của bần, cố nông, còn gặp nhiều khó khǎn.

Ở vùng tự do, đứng trước việc ta kiên quyết thi hành các chính sách giảm tô, giảm tức, thuế nông nghiệp, dân công, v.v. thái độ của giai cấp địa chủ đại khái như sau: một số địa chủ ngoan cố tìm mọi cách chống đối ra mặt, số đông vừa thi hành vừa chống lại bằng cách này hoặc cách khác và một số ít địa chủ tuân theo pháp luật, chịu thi hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ. Mặt khác, đế quốc Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương; thực dân Pháp và can thiệp Mỹ có những âm mưu mới nhằm lừa phỉnh nhân dân ta, phá hoại đoàn kết dân tộc, tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Trong vùng tạm bị chiếm, bọn địa chủ phản động cấu kết chặt chẽ với thực dân xâm lược, tích cực hoạt động chống kháng chiến, tǎng cường áp bức, bóc lột nhân dân.

Đầu nǎm 1953, để bồi dưỡng nông dân, củng cố khối liên minh công nông, đẩy mạnh kháng chiến, Đảng ta đã đề ra chính sách phát động quần chúng triệt để giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất. Việc đề ra chính sách đó là đúng và cần thiết.

4. Chúng ta phát động quần chúng triệt để giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất trong hoàn cảnh lực lượng so sánh giữa các giai cấp và tình hình nông thôn nước ta đã có những biến đổi quan trọng, trong hoàn cảnh tình hình thế giới diễn biến thuận lợi cho ta, đặc biệt nhất là cách mạng Trung Quốc đã thắng lợi, nước ta đã liền một khối với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Nǎm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi trong cả nước, ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và của vua quan phong kiến đã bị lật đổ, chính quyền nhà nước đã thuộc về tay nhân dân. Chính quyền ấy lấy liên minh công nông làm nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trải qua sáu, bảy nǎm kháng chiến, nói chung chính quyền nhân dân ở vùng tự do đã được củng cố, và cǎn bản đã phát huy được tính chất cách mạng của nó.

Sau Cách mạng Tháng Tám, tổ chức của Đảng ta phát triển khá rộng. Trong mấy nǎm đầu của cuộc kháng chiến việc phát triển đảng viên tiến hành một cách ào ạt theo lối "thi đua"; số lượng đảng viên tǎng lên, nhưng chất lượng có bị giảm sút. Từ sau Đại hội lần thứ II của Đảng, qua chỉnh Đảng cũng như qua mấy lần chấn chỉnh tổ chức và vận động thu thuế nông nghiệp, nói chung hàng ngũ của Đảng đã được rèn luyện, cơ sở của Đảng cǎn bản đã được củng cố, trình độ tư tưởng của cán bộ, đảng viên đã được nâng cao một bước, chi bộ nông thôn của Đảng cǎn bản là tốt.

Trong vùng tự do và một phần nào trong vùng cǎn cứ du kích do thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, do ta đã thực hiện có kết quả tốt một số cải cách dân chủ trong kháng chiến, cho nên ở đây tính chất thuộc địa của xã hội không còn nữa và tính chất nửa phong kiến đã giảm sút; quan hệ sản xuất cá thể phát triển, kinh tế tiểu nông đã được mở rộng. Quan hệ sản xuất phong kiến tuy còn tồn tại, nhưng thế lực kinh tế của giai cấp địa chủ phong kiến đã sút kém và bị thu hẹp dần. Về chính trị, giai cấp địa chủ đã mất địa vị thống trị, nhưng ảnh hưởng của nó về tư tưởng và chính trị trong xã hội vẫn còn, nội bộ giai cấp địa chủ đã phân hoá rõ rệt, số khá đông địa chủ giữ thái độ hai mặt, một mặt thi hành chính sách một cách miễn cưỡng, mặt khác tìm mọi cách chống đối lại; một số ít địa chủ là Việt gian phản động cường hào gian ác hoạt động chống lại cách mạng, hoặc ngấm ngầm hoặc bộc lộ; một số ít tham gia hoặc ủng hộ kháng chiến. Nhìn chung, nông dân lao động đã làm chủ nông thôn, song vì bần, cố nông chưa thật sự phát huy được tác dụng nòng cốt của mình ở nông thôn, cho nên vai trò làm chủ nông thôn của nông dân lao động chưa được hoàn bị.

Ở những nơi trong vùng tự do và vùng cǎn cứ du kích có đông đồng bào Công giáo thì tình hình có khác. ở đây, tuy tính chất thuộc địa của xã hội đã bị xoá bỏ, ta đã có chính quyền nhân dân, nhưng chính quyền đó chưa được củng cố. Những cải cách dân chủ thực hiện được rất ít, thậm chí có nơi chưa thực hiện được. Nông dân Công giáo vẫn bị bọn địa chủ bóc lột và áp bức, lại thêm bị chúng mê hoặc và uy hiếp bằng tín ngưỡng và thần quyền, cho nên trình độ giác ngộ của nông dân công giáo nói chung còn thấp.

Trong vùng tạm bị chiếm, kể cả những nơi có đông đồng bào công giáo, tính chất thuộc địa và nửa phong kiến của xã hội vẫn tồn tại; quan hệ sản xuất phong kiến vẫn chiếm địa vị chủ đạo ở nông thôn; thế lực kinh tế của giai cấp địa chủ vẫn được duy trì và có nơi còn được tǎng cường hơn trước. Về mặt chính trị, với sự che chở của bọn đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ đã giành lại được địa vị thống trị ở nông thôn, uy thế chính trị của nó lại được phục hồi. Giai cấp địa chủ tuy ít nhiều bị phân hoá, nhưng sự cấu kết giữa bộ phận phản động nhất trong giai cấp đó với bọn đế quốc xâm lược lại chặt chẽ hơn; những địa chủ phản động tích cực chống lại kháng chiến, đàn áp nhân dân một cách vô cùng tàn nhẫn, gây ra nhiều tội ác nghiêm trọng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình được lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng khỏi ách đế quốc, uy tín của Đảng và Chính phủ lên cao. Phần lớn bọn địa chủ có nhiều tội ác đã chạy vào miền Nam, bỏ lại ruộng đất, nhà cửa, trâu bò. Khí thế phát động quần chúng cải cách ruộng đất lan rộng khắp nơi ở vùng tự do cũng như ở vùng mới giải phóng. Tình hình đã thay đổi. Trong vùng mới giải phóng, thế lực kinh tế của giai cấp địa chủ cǎn bản vẫn còn, nhưng uy thế chính trị của nó đã bị sụp đổ, đồng thời ưu thế chính trị của nông dân tǎng lên rất mau. Và chung cho cả miền Bắc, tuy rằng địa chủ còn tồn tại như một giai cấp, nhưng thế lực chính trị và kinh tế của giai cấp địa chủ nói chung đã suy sụp nhiều; tình trạng phân hoá trong hàng ngũ địa chủ rất sâu sắc; một số ít địa chủ kiên trì chống lại cách mạng, một số muốn đầu hàng nông dân, còn số đông có thái độ hoang mang, dao động.

Mặt khác, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Sự chuyển biến đó yêu cầu phải làm tốt và làm nhanh cuộc vận động cải cách ruộng đất để đẩy mạnh khôi phục kinh tế, củng cố miền Bắc và đưa nông thôn miền Bắc qua con đường hợp tác hoá nông nghiệp mà tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Cǎn cứ vào những đặc điểm của tình hình trên đây, chúng ta nhận rõ rằng: ngay trong thời kỳ kháng chiến, trên cơ sở những thành quả quan trọng của nhiều cuộc cải cách dân chủ từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhất định phải phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất, để triệt để xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện quyền sở hữu ruộng đất của nông dân lao động, triệt để thủ tiêu thế lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị của giai cấp địa chủ, hoàn thành xây dựng và củng cố ưu thế chính trị của nông dân lao động ở nông thôn, bồi dưỡng lực lượng của nông dân, đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi. Sau khi hoà bình được lập lại, phải hoàn thành cải cách ruộng đất để đẩy mạnh khôi phục kinh tế và mở đường cho miền Bắc nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà; đồng thời cổ vũ nông dân và nhân dân ta ở miền Nam đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đòi cải thiện đời sống và hoà bình thống nhất Tổ quốc. Những quan điểm phủ nhận hoặc giảm nhẹ tính tất yếu của phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất đều là sai lầm.

Đương nhiên, phát động quần chúng đánh đổ giai cấp địa chủ, thực hiện cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp gay go, quyết liệt, vì một giai cấp bóc lột không khi nào tự nguyện rút lui khỏi vũ đài xã hội. Nhưng trong tình hình cụ thể của nước ta như đã nói trên,cuộc vận động cải cách ruộng đất ở miền Bắc nước ta phải tiến hành trên cơ sở dựa hẳn vào bần, cố nông và đoàn kết chặt chẽ với trung nông. Song muốn đánh đổ giai cấp địa chủ, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, phải lập Mặt trận chống phong kiến thật rộng rãi ở nông thôn và triệt để phân hoá giai cấp địa chủ, chĩa mũi nhọn đấu tranh chủ yếu vào bộ phận địa chủ phản động và ngoan cố nhất; phương pháp tiến hành phải là phát động quần chúng đấu tranh kết hợp với chính quyền ra lệnh và cuộc vận động ấy phải do các cấp uỷ đảng, kể cả chi uỷ, trực tiếp lãnh đạo thực hiện.

Chúng ta đã giành được thắng lợi cǎn bản trong cải cách ruộng đất là vì chúng ta đã kiên quyết đánh đổ giai cấp địa chủ, thực hiện nguyện vọng từ bao đời của nông dân nước ta là người cày có ruộng. Nhưng chúng ta đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, chính vì không nhận thức đầy đủ quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến, đã không thấy một cách toàn diện và đúng mức những sự thay đổi về lực lượng so sánh giữa các giai cấp trong nông thôn nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám, đã nhấn mạnh quá đáng thế lực của giai cấp địa chủ và đánh giá quá thấp lực lượng cách mạng của ta ở nông thôn, không thấy rõ bản chất cách mạng của các tổ chức cơ sở của ta ở các địa phương; do đó, chúng ta đã không sử dụng được đầy đủ những điều kiện thuận lợi sẵn có trong quá trình lãnh đạo cải cách ruộng đất.

II- Đánh giá thắng lợi và sai lầmcủa cải cách ruộng đất

1. Hội nghị Trung ương lần thứ nǎm (11-1953) và Hội nghị toàn quốc của Đảng (11-1953) đã thông qua bản Cương lĩnh của Đảng về vấn đề ruộng đất. Về mục đích chung của cuộc vận động cải cách ruộng đất, bản Cương lĩnh nói rõ:

"Để cải thiện đời sống của nông dân, để đẩy mạnh kháng chiến, đánh đuổi đế quốc Pháp, can thiệp Mỹ, đánh đổ nguỵ quyền, hoàn toàn giải phóng dân tộc.

Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, mở đường cho công thương nghiệp phát triển, lợi cho kháng chiến và kiến quốc.

Cần phải xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của đế quốc Pháp ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng"3).

Về chính sách đối với giai cấp địa chủ, cǎn cứ vào tình hình cụ thể của nước ta và để phân hóa giai cấp địa chủ đến cao độ, bản Cương lĩnh đã chia địa chủ làm ba loại: địa chủ cường hào gian ác, địa chủ thường và địa chủ kháng chiến; đồng thời đề ra ba biện pháp: tịch thu, trưng thu, trưng mua, nhằm phân biệt đối đãi với các hạng địa chủ và chiếu cố thích đáng những địa chủ kháng chiến. Để tạo điều kiện cho địa chủ có thể lao động cải tạo thành con người mới, bản Cương lĩnh còn quy định rằng: "Khi tịch thu, trưng thu, trưng mua, để cho địa chủ một phần ruộng đất tương đối với phần ruộng đất được chia của nông dân (trừ những địa chủ bị tù từ 5 nǎm trở lên)".

Bản Cương lĩnh cũng quy định những chính sách thích hợp đối với các tầng lớp trong nhân dân. Đối với trung nông, "kiên quyết bảo hộ ruộng đất, trâu bò, nông cụ, nhà cửa và tài sản khác của trung nông", tuyệt đối không được xâm phạm đến. Đối với phú nông, "không đụng đến ruộng đất, trâu bò, nông cụ, nhà cửa và tài sản khác của phú nông". Đối với các nhà công thương nghiệp, "bảo hộ công nghiệp và thương nghiệp. Không trưng mua công nghiệp, thương nghiệp của địa chủ và những đất đai cùng tài sản trực tiếp dùng vào công nghiệp và thương nghiệp". Đối với những người có ít ruộng đất phát canh, "không đụng đến ruộng đất" của họ.

Về chính sách chia ruộng đất, trâu bò, nông cụ, v.v. tịch thu, trưng thu và trưng mua của giai cấp địa chủ thì "chia hẳn cho nông dân không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất; họ được quyền sở hữu vĩnh viễn những thứ được chia và không phải trả tiền".

Nội dung cơ bản của Cương lĩnh ruộng đất của Đảng là đúng. Cương lĩnh đó đã thể hiện được quan điểm đúng đắn của Đảng ta về quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến, thể hiện được việc kết hợp đúng đắn những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng dân chủ tư sản với thực tiễn cách mạng của nước ta. Nó bảo đảm giữ vững những nguyên tắc như đánh đổ giai cấp địa chủ, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, bồi dưỡng lực lượng nông dân, đồng thời chiếu cố thích đáng đến những đặc điểm của tình hình nước ta, nhằm làm cho cuộc vận động cải cách ruộng đất đạt được những kết quả có lợi cho kháng chiến, lợi cho sản xuất, lợi cho việc hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng của Đảng và của toàn dân.

Để bảo đảm thực hiện tốt bản Cương lĩnh ruộng đất, Đảng ta đã đề ra đường lối giai cấp ở nông thôn như sau:

"Dựa hẳn vào bần, cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú nông, đánh đổ giai cấp địa chủ, tiêu diệt chế độ bóc lột phong kiến từng bước và có phân biệt, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến".

Mặt khác, lại đề ra phương châm và sách lược:

"Trên cơ sở thỏa mãn yêu cầu về ruộng đất của nông dân, cần chú trọng phân biệt đối đãi với các hạng địa chủ, triệt để phân hóa giai cấp địa chủ, chiếu cố địa chủ kháng chiến một cách thích đáng, làm sao cho càng ít kẻ địch càng tốt".

Và sau khi hòa bình được lập lại, có quy định thêm:

"... Sách lược hiện nay là đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, để mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Cho nên dưới tiền đề thoả mãn yêu cầu ruộng đất của nông dân, bảo đảm thi hành hiệp định đình chiến, trong phát động quần chúng, cần hạ thấp một số yêu cầu có thể hạ thấp, giảm bớt một số nhiệm vụ có thể giảm bớt; hết sức sử dụng hình thức đấu tranh của chính quyền từ trên xuống kết hợp với hình thức đấu tranh của quần chúng để cải cách ruộng đất được nhanh và gọn"3).

Đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn đề ra như trên là đúng. Nó phù hợp với tình hình thực tế của các giai cấp ở nông thôn nước ta trong cải cách ruộng đất. Phương châm và sách lược cải cách ruộng đất cũng thể hiện được tinh thần của đường lối giai cấp, cho nên nội dung cơ bản của phương châm và sách lược đó là đúng.

Cải cách ruộng đất cũng như các cuộc vận động cách mạng khác là sự nghiệp của quần chúng, không ai có thể làm thay cho quần chúng được. Chỉ có phát động quần chúng nông dân, nâng cao ý thức giai cấp và trình độ giác ngộ chính trị của họ, mới có thể làm cho họ tự giác, tự nguyện vùng dậy đấu tranh thực hiện cải cách ruộng đất theo đúng đường lối, chính sách của Đảng. Chính trên tinh thần đó mà Đảng ta đã đề ra chủ trương "phóng tay phát động quần chúng nông dân, dựa vào quần chúng, đi đường lối quần chúng, tổ chức, giáo dục và lãnh đạo quần chúng nông dân đấu tranh một cách có kế hoạch, làm từng bước, có trật tự, có lãnh đạo chặt chẽ". Phát động quần chúng là một phương pháp công tác nhằm nâng cao giác ngộ giai cấp, phát huy tinh thần thương yêu giai cấp của quần chúng nông dân lao động, làm cho họ thừa nhận một cách tự giác sự lãnh đạo của Đảng. Nó kết hợp phát động tố khổ với tuyên truyền chính sách; trên cơ sở phát động tư tưởng quần chúng và làm cho quần chúng nhận rõ thực chất và nguyên nhân những nỗi thống khổ của mình, mà tuyên truyền, giáo dục chính sách cải cách ruộng đất của Đảng và của Nhà nước, làm cho quần chúng thấy rõ vì sao nông dân phải đánh đổ giai cấp địa chủ, thực hiện người cày có ruộng, và ý nghĩa chính trị to lớn của cải cách ruộng đất đối với cách mạng Việt Nam và kháng chiến Việt Nam cũng như đối với đời sống tự do, hạnh phúc của mình như thế nào; do đó quần chúng thêm hǎng hái, tin tưởng và đoàn kết đấu tranh, ra sức thực hiện chính sách cải cách ruộng đất. Chủ trương dùng phương pháp phát động quần chúng để thực hiện cải cách ruộng đất là đúng. Chúng ta không thể vì có những sai lầm trong cải cách ruộng đất mà phủ nhận sự cần thiết và tính chất đúng đắn của phương pháp đó.

Phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất (bao gồm cả sửa sai) ở nước ta đã thu được những kết quả gì ?

a) Về mặt chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân đã vùng dậy đấu tranh kiên quyết, đánh đổ giai cấp địa chủ, một đối tượng của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trừng trị bọn địa chủ Việt gian phản động cường hào gian ác và các hạng phá hoại hiện hành, tay sai đắc lực của bọn đế quốc cướp nước, giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến, làm cho nông dân lao động, nhất là bần, cố nông, thật sự làm chủ nông thôn. Uy thế chính trị của giai cấp địa chủ đã bị đập tan; ưu thế chính trị của nông dân lao động, nhất là của bần, cố nông, đã được xây dựng và nâng cao. Củng cố thêm khối liên minh công nông, cơ sở của Mặt trận dân tộc thống nhất và của nền chuyên chính dân chủ nhân dân; củng cố quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng. Trong kháng chiến thì củng cố hậu phương, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, góp phần tích cực đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi. Sau khi hòa bình được lập lại thì góp phần củng cố miền Bắc và cổ vũ nông dân và nhân dân miền Nam đấu tranh chống Mỹ – Diệm, đòi đối phương thi hành đúng Hiệp nghị Giơnevơ.

Trong 3.563 xã thuộc 22 tỉnh và những vùng ngoại thành ở miền Bắc đã qua phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất, ta đã vạch 47.890 hộ là địa chủ, tỷ lệ chiếm 1,87% tổng số hộ và 2,25% tổng số nhân khẩu ở nông thôn. Trong số địa chủ đó, có 6.220 hộ là cường hào gian ác, chiếm 13% tổng số hộ địa chủ5).

Những tên địa chủ có nhiều tội ác với nông dân và là phản động đầu sỏ cùng một số tổ chức của chúng đã bị quần chúng tố cáo và bị trừng trị theo pháp luật.

b) Về kinh tế và vǎn hóa, cải cách ruộng đất đã vĩnh viễn xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất và quyền chiếm hữu ruộng đất của bọn đế quốc bên ngoài, thực hiện quyền sở hữu ruộng đất của nông dân lao động, thực hiện nguyện vọng mà nông dân hằng mơ ước từ lâu đời là người cày có ruộng. Vĩnh viễn phá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hóa nước nhà. Người cày có ruộng là một bước cần thiết để đưa nông dân lao động đi vào hợp tác hóa nông nghiệp và qua con đường hợp tác hóa mà tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc nước ta, trên 810.000 hécta ruộng đất của đế quốc và địa chủ, ruộng đất tôn giáo, ruộng đất công và nửa công nửa tư đã bị tịch thu, trưng thu, trưng mua và đem chia hẳn cho 2.220.000 hộ nông dân lao động và dân nghèo ở nông thôn, bao gồm trên 9.000.000 nhân khẩu. Như vậy là 72,8% số hộ ở nông thôn miền Bắc được chia ruộng đất. Số ruộng đất trực tiếp lấy từ tay địa chủ ra chia cho nông dân bằng 67,67% tổng số ruộng đất địa chủ chiếm hữu nǎm 1945 nếu tính đến tháng 4-1953, và bằng 52,47% nếu tính đến trước ngày địa phương thực hiện cải cách ruộng đất6).

Một việc quan trọng là những ruộng đất của đế quốc và Việt gian mà ta tạm cấp, tạm giao, ruộng đất địa chủ phân tán trái phép vào tay nông dân để trốn chính sách, v.v., bấy lâu nông dân chỉ có quyền sử dụng, từ cải cách ruộng đất họ mới chính thức có quyền sở hữu, do đó họ càng yên tâm và hǎng hái sản xuất. Ruộng đất về tay mình, thu nhập tǎng, nông dân có điều kiện cải tiến kỹ thuật, phát triển công tác thuỷ lợi, chú ý đến vấn đề phân bón. Sau cải cách ruộng đất, do tinh thần phấn khởi của nông dân được chia ruộng đất, nǎng suất nông nghiệp tǎng lên khá nhanh. Ta đã giải quyết được nạn đói giáp hạt, một bệnh kinh niên do chế độ cũ để lại, và lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, miền Bắc đã tự túc gạo. Vǎn hóa, giáo dục đại chúng có cơ sở rộng rãi để phát triển. Bộ mặt nông thôn đổi mới.

c) Về tư tưởng, cải cách ruộng đất đã vạch rõ ranh giới giữa giai cấp nông dân và địa chủ. Trước phát động quần chúng, nông dân thường mới được giáo dục về cǎm thù đế quốc, chưa được giáo dục về giai cấp. ở nông thôn, tình trạng nể sợ, mang ơn địa chủ là khá phổ biến. Qua phát động quần chúng, ta đã giáo dục tư tưởng một cách sâu rộng cho nông dân, nhất là cho bần, cố nông, giúp họ nhận rõ nguyên nhân trực tiếp đã làm cho họ khổ là sự áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến. Do đó, họ gột rửa được một phần lớn tư tưởng cho rằng nghèo khổ là vì "số phận tại Trời", v.v.. Qua kháng chiến và phát động quần chúng, nông dân lao động thêm tin tưởng rằng đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể làm cho họ được hoàn toàn giải phóng khỏi ách đế quốc và phong kiến và đời sống của họ được tự do, hạnh phúc. Do đó, họ càng tin ở sức mình và tin ở Đảng và Hồ Chủ tịch. Sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã làm cho nội bộ nông dân lao động có lúc thiếu đoàn kết, nhưng sau sửa sai, nhất là qua cuộc vận động đổi công hợp tác, dần dần họ đã đoàn kết trở lại.

Trước phát động quần chúng, thực hiện chính sách ruộng đất trong lập trường, tư tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên, có chỗ còn mơ hồ đối với giai cấp địa chủ. Phát động quần chúng đã mang lại một sự chuyển biến về tư tưởng trong Đảng, cán bộ, đảng viên đã nhận rõ lập trường của giai cấp công nhân, kiên quyết đứng hẳn về phía nông dân, lãnh đạo nông dân đấu tranh chống giai cấp địa chủ.

đ) Về tổ chức, ta đã kết hợp với phát động quần chúng cải cách ruộng đất mà chỉnh đốn tổ chức ở xã. Phạm vi chỉnh đốn bao gồm chi bộ, Uỷ ban hành chính, các đoàn thể quần chúng, công an và dân quân du kích xã.

Trong phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất, ta đã thanh thải những phần tử bóc lột và phần tử xấu, làm cho nhiều chi bộ đảng ở nông thôn càng được trong sạch, vững mạnh, xây dựng thêm được một số chi bộ mới ở những xã trước chưa có tổ chức đảng. Chỉnh đốn các cơ quan, chính quyền, chỉnh đốn và phát triển các đoàn thể quần chúng ở nông thôn, như Nông hội, Đoàn Thanh niên Lao động, Hội Phụ nữ Liên hiệp; phát triển phong trào đổi công. Đáng chú ý nhất là số đảng viên bần, cố nông trong chi bộ đã tǎng và trong các tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng nói chung bần, cố nông đã đóng vai trò cốt cán. Hiện nay, đa số cốt cán mới được bồi dưỡng trong cải cách ruộng đất tuy còn non, nhưng với bản chất giai cấp tốt, lòng trung thành và tính tích cực sẵn có, nhất định họ sẽ cùng với những cán bộ cũ trở thành lực lượng trung kiên của Đảng ở nông thôn.

Sau sửa sai, những kết quả cụ thể trên đây lại được phát huy và cơ sở tổ chức của ta được kiện toàn và củng cố thêm một bước.

Dưới đây là mấy con số đáng chú ý: những đảng viên xấu hoặc thuộc thành phần giai cấp bóc lột bị thanh thải trong phát động quần chúng là 8,8% tổng số đảng viên ở các xã đã phát động quần chúng; số đảng viên mới được kết nạp là 37.456 người, trong số đó 99,2% là bần, cố nông, 0,8% là trung nông; đã xây dựng được 285 chi bộ mới và đào tạo được 56.950 cán bộ và cốt cán mới6). Đã kết nạp thêm hơn 20.000 đoàn viên thanh niên lao động, 2.700.000 hội viên nông hội và 1.931.430 hội viên Hội Phụ nữ Liên hiệp. Tính đến hết đợt nǎm cải cách ruộng đất, ở nông thôn đã có trên 190.249 tổ đổi công, bao gồm 58,7% tổng số hộ ở các xã đã cải cách ruộng đất. Khi phát hiện sai lầm, nhiều tổ đổi công đã tan rã, nhưng trong và sau sửa sai, phong trào đổi công dần dần phát triển trở lại.

Tóm lại, phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất tuy có phạm một số sai lầm nghiêm trọng, sẽ nói ở dưới, nhưng cǎn bản đã đạt yêu cầu. Thắng lợi của cải cách ruộng đất đã có tác dụng quyết định đối với việc hoàn thành nhiệm vụ phản phong kiến ở miền Bắc, đã góp phần tích cực đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi, củng cố khối liên minh công nông, củng cố vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân và của Đảng. Thắng lợi đó có tính chất chiến lược. Và đúng như Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ mười (9-1956) đã nói:

- "Đó là một cuộc chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội. Nguyện vọng lâu đời của nông dân Việt Nam đã được thoả mãn: khẩu hiệu người cày có ruộng đã được thực hiện. Trình độ giác ngộ giai cấp của nông dân lao động đã được nâng cao một phần. Hàng triệu nông dân lao động đã thấy rõ rằng chính Đảng ta và chế độ ta đã đưa lại ruộng đất cho họ. Sức sản xuất to lớn ở nông thôn đã được giải phóng, quan hệ sản xuất ở nông thôn đang đổi mới, do đó sản xuất nông nghiệp bước đầu được đẩy mạnh, đời sống nông dân bước đầu được cải thiện. Nông thôn đã bước sang một giai đoạn mới trong việc phát triển nông nghiệp, mở đường cho công thương nghiệp phát triển và góp phần quan trọng vào công cuộc củng cố miền Bắc, phát triển kinh tế và vǎn hóa của nước nhà".

Cho nên, việc hoàn thành nhiệm vụ phản phong kiến và cải cách ruộng đất (bao gồm sửa sai), là một thắng lợi to lớn và cǎn bản.

Phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất đã đạt được những kết quả nói trên là do những nguyên nhân dưới đây:

a) Cương lĩnh ruộng đất của Đảng và Luật cải cách ruộng đất của Nhà nước; đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, phương châm phát động quần chúng và những chính sách lớn của Đảng trong cải cách ruộng đất, như chính sách tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất của địa chủ, chính sách chia ruộng đất, v.v. cǎn bản là đúng. Đảng ta có quyết tâm rất lớn trong việc phát động quần chúng nông dân đấu tranh đánh đổ giai cấp địa chủ, kiên quyết lãnh đạo quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và của Nhà nước.

Đến khi phát hiện sai lầm, với tinh thần phụ trách trước nhân dân, Đảng ta lại dũng cảm tự phê bình, tìm ra nguyên nhân sai lầm và đề ra phương châm, chính sách và phương pháp sửa sai một cách đúng đắn. Do đó, đã động viên được toàn Đảng tiến hành sửa sai có kết quả tốt, hoàn thành tốt cải cách ruộng đất.

b) Nông dân ta sẵn có truyền thống hǎng hái đấu tranh cách mạng. Từ bao nǎm nay, nông dân đi theo Đảng làm cách mạng giành được thắng lợi, cho nên họ luôn luôn tin tưởng ở Đảng, luôn luôn coi Đảng là nguồn hy vọng, là ánh sáng soi đường cho họ tiến lên giành lấy tự do và hạnh phúc. Trong cải cách ruộng đất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ đã vùng lên đánh đổ giai cấp địa chủ để tự giải phóng. Tinh thần đấu tranh kiên quyết của hàng triệu nông dân lao động là một nhân tố quan trọng bảo đảm chính sách cải cách ruộng đất của Đảng và Chính phủ được thực hiện. Các tầng lớp nhân dân nói chung đều đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nông dân, càng làm cho nông dân hǎng hái thêm.

Trong phát động quần chúng, tuy ta có phạm sai lầm, nhưng nhờ uy tín của Đảng và Hồ Chủ tịch rất lớn trong nhân dân, cho nên nói chung nông dân và các tầng lớp nhân dân khác vẫn tin tưởng ở lãnh đạo. Điều đó đã giúp ta khắc phục khó khǎn, tiến hành sửa sai có kết quả tốt.

c) Cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt, có truyền thống khắc phục khó khǎn, chịu đựng gian khổ, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Truyền thống đó đã được bồi dưỡng trong những nǎm kháng chiến. Trong phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất, cán bộ tham gia phát động quần chúng cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức tuy ít nhiều có khuyết điểm, sai lầm, nhưng nói chung đều hǎng hái phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân; nhiều anh chị em đã nêu gương đấu tranh kiên quyết, lập trường tư tưởng rất vững. Trong sửa sai nhiều người đã kiên quyết sửa chữa sai lầm, đồng thời cũng kiên quyết bảo vệ cái đúng. Trong cán bộ, đảng viên bị thiệt thòi vì sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, nhiều người sau khi có Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ mười, đã khắc phục tư tưởng bi quan, tiêu cực, hǎng hái tham gia sửa sai để giữ vững thành quả của cách mạng. Nhờ bản chất tốt của cán bộ, đảng viên, chúng ta đã sửa sai tốt và đã hoàn thành cải cách ruộng đất, củng cố và phát huy được những thắng lợi của cải cách ruộng đất.

2. Tuy vậy, do nhận thức về hai nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta chưa được sâu sắc, rõ ràng, do đánh giá tình hình nông thôn nước ta không được toàn diện vì thiếu điều tra, nghiên cứu một cách cụ thể và đầy đủ, cho nên đã phạm một số sai lầm về quy định chính sách cũng như về lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện đường lối, phương châm chính sách cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Trong khi phân tích sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Hội nghị Trung ương lần thứ mười đã uốn nắn những nhận thức lệch lạc đó.

a) Trong cải cách ruộng đất, về đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, nhấn mạnh vấn đề dựa hẳn vào bần, cố nông là đúng, vì bần, cố nông chiếm trên dưới 70% trong nông dân lao động và gần 60% tổng số hộ ở nông thôn, là tầng lớp nghèo khổ nhất và kiên quyết cách mạng nhất ở nông thôn; họ tha thiết nhất với khẩu hiệu người cày có ruộng. Không tin bần, cố nông và không dựa hẳn vào bần, cố nông thì nhất định không thực hiện tốt được chính sách ruộng đất của Đảng. Sai lầm là ở chỗ không thấy số đông bần, cố nông tiền tiến đã tham gia kháng chiến, đi đến không tin và không dựa vào những bần, cố nông đã tham gia "tổ chức cũ", thậm chí còn đả kích vào một số bần, cố nông ấy, ảnh hưởng không tốt đến chỗ dựa của ta ở nông thôn. Mặt khác, không chú trọng việc giáo dục tư tưởng và chính sách một cách kỹ càng, đầy đủ, cho bần, cố nông, đặc biệt là chính sách đoàn kết chặt chẽ với trung nông và mở rộng mặt trận chống phong kiến ở nông thôn. Kết quả là ở nhiều nơi lực lượng chống phong kiến mỏng đi và một số cốt cán bần, cố nông không phát huy được tác dụng nòng cốt của mình.

Đối với trung nông, thực hành chính sách đoàn kết chặt chẽ với trung nông trong cải cách ruộng đất là đúng. Trung nông là một bộ phận quan trọng trong nông dân lao động; trong trung nông nước ta lại có một số vốn là bần, cố nông, nhờ cách mạng mà trở thành trung nông. Tuy vậy, nói chung, không thể coi trung nông như bần, cố nông, vì điều kiện sinh hoạt kinh tế của trung nông làm cho họ không được kiên quyết như bần, cố nông trong cuộc đấu tranh đánh đổ giai cấp địa chủ. Sai lầm là ở chỗ không đánh giá thật đúng thái độ chính trị và vai trò của trung nông nước ta trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đặc biệt là trong quá trình kháng chiến cứu nước; do đó, không thấy hết ưu điểm của trung nông và không nhận rõ ưu điểm đó là chính, đi đến tình trạng ở nhiều nơi không những không thực hiện đúng chính sách đối với trung nông, mà còn xâm phạm lợi ích của một số trung nông và đả kích lầm một số trung nông, làm tổn thương đến tình đoàn kết giữa bần, cố nông và trung nông.

Sách lược phân hóa giai cấp địa chủ như Đảng ta đã đề ra là phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta, phù hợp với hoàn cảnh nước ta trong kháng chiến và sau khi hoà bình được lập lại. Vận dụng đúng sách lược đó thì có lợi cho kháng chiến, lợi cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Nhưng khi phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, do nhấn mạnh quá đáng sức phản kháng của giai cấp địa chủ, cho nên nói chung ta đã không làm đúng sách lược phân hóa giai cấp địa chủ đến cao độ, không chú ý phân biệt đối đãi với từng hạng địa chủ, không chiếu cố đúng mức địa chủ kháng chiến, thậm chí có nơi một số địa chủ kháng chiến đã bị quy nhầm là địa chủ cường hào gian ác.

b) Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn ở nông thôn. Trong điều kiện cụ thể của nước ta đang kháng chiến, cũng như sau khi hoà bình được lập lại, tạm thời bị chia làm hai miền, đế quốc Mỹ can thiệp ngày một sâu vào miền Nam, mũi nhọn của cuộc vận động cải cách ruộng đất không những chĩa vào giai cấp địa chủ phong kiến, mà còn chĩa vào bọn đế quốc xâm lược. Vì vậy, trong quá trình cải cách ruộng đất, tất nhiên bọn địa chủ Việt gian phản động, cường hào gian ác, bọn tay sai của Mỹ – Diệm ở lại miền Bắc, bọn tề, nguỵ cũ có nhiều tội ác, bọn phản động đội lốt tôn giáo, v.v., nhất là ở vùng mới giải phóng, ra sức hoạt động chống lại và phá hoại. Trước tình hình ấy, ngay từ đầu cuộc phát động quần chúng cải cách ruộng đất và sau khi hòa bình được lập lại, chủ trương kết hợp trấn áp bọn phá hoại hiện hành trong cải cách ruộng đất là đúng. Vì nếu không làm như thế thì không thể bảo đảm giành được thắng lợi.

Nhưng về sau, do đánh giá không đúng thế lực và sự hoạt động của địch, thậm chí cho rằng "tổ chức địch lồng vào tổ chức ta", do không thấy việc trấn áp phản cách mạng là rất phức tạp và cán bộ cải cách ruộng đất phần lớn thiếu kinh nghiệm trấn áp phản cách mạng, thời gian mỗi đợt cải cách ruộng đất lại quá ngắn, cho nên đến đợt nǎm cải cách ruộng đất, chúng ta đã đề ra chủ trương mở cuộc vận động trấn áp bọn phá hoại hiện hành lồng vào cuộc vận động cải cách ruộng đất, nhằm "cǎn bản làm tan rã tổ chức phản động ở nông thôn" và riêng Ban Tổ chức Trung ương lại nêu thêm yêu cầu "triệt để làm tan rã tổ chức phản động trong Đảng". Kết quả là công tác trấn áp bọn phá hoại hiện hành đã có nhiều lệch lạc, dẫn đến đả kích vào nội bộ Đảng và một bộ phận nông dân lao động, gây nên những tổn thất nghiêm trọng.

c) Trong cải cách ruộng đất, Đảng ta chủ trương kết hợp với phát động quần chúng mà chỉnh đốn tổ chức của Đảng, chính quyền, nông hội và các đoàn thể quần chúng khác ở xã. Như trên đã nói, trong kháng chiến, qua nhiều cuộc vận động thực hiện những cải cách dân chủ, qua chỉnh huấn, các tổ chức cơ sở của ta ở nông thôn nói chung đã được rèn luyện và tương đối được củng cố; chi bộ xã cǎn bản là tốt và đã lập được nhiều thành tích trong việc lãnh đạo kháng chiến và lãnh đạo sản xuất ở địa phương. Nhưng trong các tổ chức cơ sở của ta, vẫn còn hiện tượng lập trường giai cấp chưa được củng cố, các đảng viên bần, cố nông chưa có vị trí xứng đáng trong nhiều cơ quan lãnh đạo ở xã; trong nhiều chi bộ, còn có một số ít đảng viên xấu hoặc thuộc các tầng lớp bóc lột chưa được cải tạo. Hơn nữa, trong một cuộc đấu tranh giai cấp lớn ở nông thôn như cuộc vận động cải cách ruộng đất, không tránh khỏi có một số đảng viên chùn bước, cũng như trong quần chúng sẽ nảy nở ra nhiều phần tử ưu tú cần được kết nạp vào Đảng. Trong các tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng ở xã, về đại thể cũng có tình trạng tương tự. Vì vậy, chủ trương kết hợp với phát động quần chúng mà chỉnh đốn tổ chức là đúng và cần thiết, và trong công tác chỉnh đốn tổ chức, chúng ta đã thu được một số kết quả.

Tuy vậy, do không nắm vững đặc điểm của công tác xây dựng Đảng, trong một nước thuộc địa và nông nghiệp lạc hậu, do đánh giá không đúng chất lượng cách mạng và tình hình thực tế của các tổ chức của ta ở nông thôn, cho rằng chi bộ, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở nông thôn đều bị "giai cấp địa chủ lũng đoạn" (sau lại đi đến nhận định tổ chức ta bị tổ chức địch lồng vào), do không nắm vững phương châm chỉnh Đảng của ta và lấy giáo dục tư tưởng làm chính, cho nên ngay từ khi đề ra chủ trương chỉnh đốn tổ chức, trên tư tưởng chỉ đạo đã có những lệch lạc nghiêm trọng. Đáng lẽ phải bước đầu củng cố chi bộ, cơ quan chính quyền, rồi thông qua những tổ chức ấy, chủ yếu là thông qua sự lãnh đạo của chi bộ, để tiến hành cải cách ruộng đất, lại nhất loạt tổ chức ra những đoàn và đội phát động quần chúng riêng, tách rời sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng từ tỉnh trở xuống, đưa đến tình trạng lúc đầu còn dùng chi bộ và các tổ chức khác ở xã vào những việc lặt vặt, sau gạt hẳn ra một bên, cuối cùng xây dựng những tổ chức mới. Vì vậy, trong việc giải tán và đǎng ký một số chi bộ và xử trí nhiều đảng viên, đã có những sai lầm nghiêm trọng.

d) Dùng phương pháp phát động quần chúng để thực hiện cải cách ruộng đất là đúng và cần thiết. Nhưng trong nhận thức về phương pháp phát động quần chúng, trong việc áp dụng những hình thức phát động quần chúng cũng như trong việc lãnh đạo phát động, chúng ta đã phạm một số sai lầm. Phát động quần chúng thì phải kết hợp phát động tố khổ với tuyên truyền chính sách, nhưng ở nhiều nơi các đoàn và đội lại nặng về biện pháp phát động tố khổ mà nhẹ về giáo dục chính sách, có nơi chỉ đơn thuần phát động tố khổ; thậm chí có khi cán bộ còn gò ép quần chúng tố khổ không đúng sự thật. Trong việc lãnh đạo tố khổ, vì không nắm vững đường lối giai cấp ở nông thôn, có khi vì không am hiểu phong tục tập quán ở nông thôn, cho nên nhiều nơi đã phát động tố khổ một cách tràn lan, gây ra xích mích trong nội bộ nông dân lao động. Riêng đối với vùng mới giải phóng, vì không nhận rõ tình hình rất phức tạp ở đây và mất cảnh giác, cho nên đã phát động cả một số phần tử xấu "tố khổ" rồi tin ở những lời tố sai của chúng mà nghi ngờ và đả kích lầm vào một số người tốt hoặc vô tội.

Phát động quần chúng trong điều kiện ta đã có chính quyền nhân dân thì nhất định phải kết hợp chặt chẽ biện pháp phát động quần chúng đấu tranh với biện pháp chính quyền ra lệnh, nhưng ta đã coi nhẹ việc kết hợp đó; có nơi đã không sử dụng bộ máy của chính quyền nhân dân để phục vụ cho phát động quần chúng. Do nhận định không đúng về tổ chức cơ sở của ta ở xã, ta đã nhất loạt dùng cách bắt rễ, xâu chuỗi để xây dựng lực lượng đấu tranh mới, không giao việc lãnh đạo phát động quần chúng cho chi bộ xã, vì thế mà cán bộ phát động quần chúng dễ chủ quan và phạm lệch lạc, sai lầm.

Trong cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, tổn thất đau đớn nhất là về mặt tổ chức đảng. Ngoài những cơ quan chính quyền, tổ chức công an, dân quân du kích và các đoàn thể quần chúng bị giải tán không đúng, có hàng trǎm chi bộ bị giải tán và đǎng ký sai, nhiều đảng viên bị xử trí sai, trong đó có một số có công và được quần chúng mến phục. Kết quả là trong một thời gian tương đối dài, một số cơ sở của ta ở nông thôn bị tạm thời suy yếu, sự đoàn kết trong nhiều đảng bộ bị tổn thương nặng.

Về mặt chính trị, những sai lầm trong cải cách ruộng đất làm cho uy tín của Đảng và Chính phủ bị giảm sút trong quần chúng một phần nào, tinh thần phấn khởi và lòng tin tưởng của cán bộ và quần chúng bị hạn chế, tình đoàn kết trong nông dân lao động tạm thời bị sút kém, và quan hệ trong Mặt trận dân tộc thống nhất có lúc bị ảnh hưởng. Tất cả những điều đó không những không có lợi cho sự nghiệp củng cố miền Bắc mà còn ảnh hưởng không tốt đến cuộc đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà.

Những sai lầm đã đưa đến những tổn thất nghiêm trọng đó có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng nhất là do nhận thức lý luận về quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến trong cách mạng Việt Nam có chỗ không rõ; do chủ quan ta đã không xuất phát đầy đủ từ yêu cầu của nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến và từ những sự thay đổi quan trọng ở nông thôn Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám để định ra một số chủ trương, chính sách cụ thể về cải cách ruộng đất và để chỉ đạo thực hiện cuộc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất. Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là trong một thời gian khá dài những nguyên tắc sinh hoạt của một Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị vi phạm, chế độ dân chủ tập trung, phương pháp lãnh đạo tập thể không được luôn luôn tôn trọng, dẫn đến chủ nghĩa mệnh lệnh trong công tác. Đứng về mặt trách nhiệm mà xét, thì những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức có tính chất nghiêm trọng như thế, chủ yếu là vì sự chỉ đạo thực hiện đã phạm nhiều khuyết điểm lớn. Đương nhiên, sự lãnh đạo của Trung ương cũng có khuyết điểm, như quy định đường lối, chính sách không được toàn diện, lãnh đạo tư tưởng không được chặt chẽ, thiếu kiểm tra liên tục. Nhưng nếu các cơ quan chỉ đạo thực hiện không mang nặng chủ nghĩa chủ quan, biết tôn trọng nguyên tắc sinh hoạt đảng, đi đường lối quần chúng, không tự kiêu, tự mãn, không độc đoán chuyên quyền thì những thiếu sót về đường lối, chính sách có thể được kịp thời bổ khuyết, những sai lầm có thể được kịp thời phát hiện và sửa chữa, không thể có tình trạng để cho một số sai lầm đã trở thành phổ biến, nghiêm trọng và kéo dài như trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.

Từ những nguyên nhân chủ yếu nói trên, chúng ta cần rút ra những bài học cần thiết để cải tiến sự lãnh đạo của Đảng ta từ nay về sau.

3. Hội nghị Trung ương lần thứ mười (mở rộng) trên những nét lớn, đã vạch rõ phần đúng, phần sai trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đã phân tích, phê phán những sai lầm và đề ra những phương châm, chính sách và biện pháp sửa chữa. Hội nghị Trung ương lần thứ mười (mở rộng) đã có một tác dụng lớn trong việc cải biến tình hình nghiêm trọng do những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức gây ra.

Nhờ có Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ mười (mở rộng), công tác sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đấtvà chỉnh đốn tổ chức đã mang lại kết quả tốt. Cơ sở đảng ở nông thôn đã được củng cố và tǎng cường; những đảng viên bị xử trí sai đã được khôi phục đảng tịch; những cán bộ bị xử trí sai đã được khôi phục chức vụ cũ. Các tổ chức chính quyền và quần chúng ở xã cũng được củng cố và kiện toàn thêm. Vai trò của bần, cố nông được nâng cao hơn và bần, cố, trung nông đoàn kết hơn. Những người bị quy sai và xử trí sai trong cải cách ruộng đất đã được sửa thành phần, khôi phục danh dự và đền bù tài sản một cách tương đối thích đáng. Không khí cǎng thẳng ở nông thôn trước sửa sai đã dần dần dịu đi, nông thôn dần dần bước vào thế ổn định về mọi mặt, sản xuất được đẩy mạnh, tinh thần phấn khởi của quần chúng được phục hồi và phát huy. Lòng tin tưởng của quần chúng đối với Đảng và Chính phủ được củng cố trở lại. Công tác sửa sai tiến hành trong điều kiện cách mạng đã chuyển sang giai đoạn xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; nếu trong quá trình sửa sai chúng ta đề ra những yêu cầu thích hợp về giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và kết hợp với sửa sai mà tích cực tổ chức nông dân lại để lao động tập thể thì chắc chắn còn đạt được những kết quả lớn hơn nữa.

Trong sửa sai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân lao động, nhất là bần, cố nông và trung nông được chia ruộng đất, đã xiết chặt hàng ngũ chống lại bọn địa chủ ngoan cố và những phần tử phản động khác, kiên quyết bảo vệ những thành quả của cải cách ruộng đất. Nghe tiếng gọi của Trung ương Đảng, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nông dân lao động tốt bị quy sai và xử trí sai trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã đặt lợi ích của Đảng và của cách mạng lên trên lợi ích riêng, tích cực góp phần vào việc giải thích chính sách, thuyết phục bà con, hoà giải xích mích và tìm những biện pháp thích đáng để thực hiện tốt Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ mười (mở rộng), Trung ương tỏ lời khen ngợi tinh thần cách mạng của những cán bộ, đảng viên và những anh chị em nông dân lao động đó.

Việc sửa sai thành công chứng tỏ Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ mười (mở rộng) là đúng. Qua sửa sai, một mặt những sai lầm đã phạm phải trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã được sửa chữa, mặt khác, những thành quả của cải cách ruộng đất đã được phát huy; do đó, chúng ta đã hàn gắn được những tổn thất và hoàn thành cuộc cải cách ruộng đất một cách thắng lợi. Trung ương hoan nghênh tinh thần cố gắng khắc phục khó khǎn, làm tròn nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và của các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần tích cực vào công tác sửa sai.

III- Bài học kinh nghiệm của cải cách ruộng đất

1. Cải cách ruộng đất có thắng lợi và có sai lầm. Thắng lợi là cǎn bản, sai lầm là thứ yếu, nhưng nghiêm trọng. Ngày nay tổng kết cuộc vận động cải cách ruộng đất, chúng ta phải nêu lên những bài học kinh nghiệm lớn, bài học về thắng lợi cũng như về sai lầm, để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, cải tiến công tác và sự lãnh đạo của Đảng; chủ yếu là nêu bài học về sai lầm để ra sức sửa chữa và tiến lên.

Chúng ta làm cách mạng là để giải phóng dân tộc, cải tạo xã hội, cải tạo thế giới. Muốn vậy, phải đi sâu vào thực tế khách quan, phân tích cụ thể những tình hình cụ thể, nắm được bản chất của sự vật, tìm ra những quy luật phát triển của xã hội, rồi cǎn cứ vào đó để định ra phương châm, chính sách, kế hoạch, biện pháp đặng tiến hành cuộc vận động cách mạng, rồi lại thông qua thực tiễn cách mạng mà kiểm nghiệm và bổ sung những phương châm, chính sách, kế hoạch, biện pháp ấy, làm cho ý thức chủ quan của chúng ta ngày càng phù hợp với thực tế khách quan, bảo đảm được hoặc giảm bớt sai lầm, khuyết điểm. Đó là phương pháp tư tưởng và phương pháp công tác của chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo đúng phương pháp đó cũng chính là đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của Đảng. Bởi vậy người đảng viên cộng sản phải nắm vững phương pháp tư tưởng và phương pháp công tác của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Trong cuộc vận động cải cách ruộng đất, đường lối, chính sách của Đảng ta cǎn bản là đúng; đó là vì cǎn bản chúng ta đã xuất phát từ thực tế khách quan, đã chú ý áp dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, nghĩa là chúng ta có theo phương pháp tư tưởng và phương pháp công tác nói trên. Khi nào và ở đâu chúng ta xa rời phương pháp tư tưởng và phương pháp công tác của chủ nghĩa Mác - Lênin thì chúng ta đã phạm sai lầm. Trong nhiều trường hợp, chúng ta đã không xuất phát đầy đủ từ thực tế khách quan, gây ra tình trạng nghiêm trọng là chủ quan đối lập với khách quan, lý luận tách rời thực tiễn, lãnh đạo tách rời quần chúng, và do đó đã phạm phải chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa quan liêu.

Chủ nghĩa chủ quan biểu hiện trước hết ở chỗ chúng ta không thật nắm vững lý luận và đặc điểm của cách mạng Việt Nam, không thật nắm vững đặc điểm của công tác xây dựng Đảng ta.

Chúng ta không nhận thức thật rõ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta là một cuộc cách mạng tư sản dân chủ ở một nước thuộc địa, lấy nông dân làm quân chủ lực, do giai cấp công nhân lãnh đạo, dựa trên cơ sở công nông liên minh. Cuộc cách mạng đó có hai nhiệm vụ phản đế và phản phong liên hệ chặt chẽ với nhau và trong một thời gian dài, mũi nhọn của cách mạng phải chĩa chủ yếu vào chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai đắc lực nhất của chúng. Trong một cuộc cách mạng như vậy, tác dụng của nông dân rất lớn, đồng thời việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi dựa trên cơ sở công nông liên minh do Đảng lãnh đạo là một vấn đề hết sức quan trọng. Không phát huy đến cao độ lực lượng cách mạng của nông dân và không có một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi do Đảng ta lãnh đạo thì cách mạng không thể thắng lợi. ở nước ta, Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi đó bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc, và trong những điều kiện nhất định, có thể thu hút cả một số người thuộc giai cấp địa chủ chống đế quốc. Thực tiễn cách mạng của ta đã chứng tỏ điều đó. Khi làm cách mạng ruộng đất, chúng ta không thể không cǎn cứ vào những nhận thức lý luận và những đặc điểm đó của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta.

Nội dung cơ bản của Cương lĩnh ruộng đất, của đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, của phương châm và sách lược trong cải cách ruộng đất, cǎn bản đúng đắn chính là vì nói chung đã thể hiện được những đặc điểm đó, đã phản ánh được nội dung lý luận cơ bản của cách mạng nước ta. Do đó chúng ta đã lãnh đạo được nông dân đánh đổ giai cấp địa chủ, thực hiện cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến.

Nhưng trong cuộc vận động cải cách ruộng đất, sở dĩ nhiều cơ quan chỉ đạo thực hiện đã đi đến chỗ đả kích lầm vào một số bần, cố nông và trung nông đã tích cực tham gia kháng chiến, không nhận thức toàn diện vấn đề bần, cố, trung nông đoàn kết một nhà, không thấy rõ vai trò tích cực của trung nông ở nước ta trong cách mạng và trong kháng chiến, không làm đúng chính sách liên hiệp phú nông, coi nhẹ sách lược phân hoá giai cấp địa chủ và chiếu cố đúng mức những địa chủ kháng chiến, v.v. chính là vì đã không coi trọng những đặc điểm của cách mạng nước ta; không nắm vững quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến, không thấy rõ tầm quan trọng của Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi ở một nước thuộc địa.

Cũng do chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa giáo điều, chúng ta đã không nắm vững đặc điểm của việc xây dựng Đảng ta trong điều kiện lịch sử và xã hội nước ta. Đảng ta sinh ra và lớn lên trong một nước thuộc địa và nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp nhỏ bé, nông dân và tiểu tư sản thành thị chiếm số rất đông trong nhân dân, giai cấp công nhân chưa phát triển mấy. Song từ nǎm 1930 trở đi, ngoài giai cấp công nhân ra, không có giai cấp nào ở Việt Nam tự mình có thể thành một lực lượng chính trị độc lập và xây dựng được một chính đảng cách mạng bền vững, cho nên Đảng ta, đảng của giai cấp công nhân, đã trở thành trung tâm duy nhất thu hút tất cả những người yêu nước và tiến bộ nhất trong dân tộc, không kể họ xuất thân từ giai cấp nào. Trong điều kiện lịch sử đó, Đảng ta có những đặc điểm như sau: về thành phần xã hội, số đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân chiếm số rất ít (gần 3%), số đảng viên xuất thân từ nông dân và tiểu tư sản chiếm số rất đông (gần 80%), lại có một số đảng viên xuất thân từ các tầng lớp bóc lột; quá trình giác ngộ chính trị của đảng viên ở một nước thuộc địa như nước ta trước đây là một quá trình không giản đơn; khi thì đi từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, khi thì giác ngộ dân tộc và giác ngộ giai cấp liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng lẫn nhau, điều này đúng cả với những đảng viên xuất thân là công nhân và bần, cố nông. Cho nên trong công tác xây dựng đảng, một mặt chúng ta cần tích cực thu hút vào Đảng những người ưu tú thuộc thành phần công nhân và bần, cố nông; mặt khác, chúng ta cần nhận rõ rằng mặc dù thành phần xuất thân của đại đa số đảng viên có thể ảnh hưởng đến chất lượng của Đảng, nhưng điều kiện chủ yếu quyết định tính chất của Đảng không phải là vấn đề thành phần giai cấp xuất thân của đảng viên, mà chính là vấn đề giáo dục tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin cho họ, kết hợp với việc rèn luyện họ trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng.

Những đặc điểm đó thường không được nắm vững trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Chủ nghĩa giáo điều đã dẫn đến chỗ đánh giá sai lệch tính chất giai cấp của Đảng và chất lượng cách mạng của những đảng viên xuất thân từ những thành phần phi vô sản nhưng đã từng lǎn lộn trong đấu tranh cách mạng, trong kháng chiến và do đó đã không nhận thấy rằng tổ chức của Đảng ta cǎn bản là tốt. Chính vì vậy mà ngay từ đầu đã nhất loạt không giao cho các chi bộ nông thôn nhiệm vụ lãnh đạo cuộc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất; đến khi đặt vấn đề chỉnh đốn chi bộ nông thôn thì coi nhẹ công tác giáo dục tư tưởng, nặng về mặt xử trí về tổ chức, đi đến đǎng ký, giải tán một số chi bộ và thanh thải nhiều đảng viên một cách không đúng.

Chủ nghĩa chủ quan còn biểu hiện ở chỗkhông thấy hoặc thấy không rõ những sự biến chuyển quan trọng trong lực lượng so sánh giữa các giai cấp ở nông thôn nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc kháng chiến lâu dài và nhất là từ ngày hoà bình được lập lại, không nắm hoặc nắm không vững thực tế của nông thôn ở những vùng khác nhau thuộc miền Bắc nước ta. Chúng ta thấy sự tồn tại của giai cấp địa chủ, nhưng không thấy rõ thế lực kinh tế và chính trị của nó đã suy yếu nhiều. Chúng ta thấy bản chất phản động nói chung của giai cấp địa chủ, nhưng không thấy thật rõ sự phân hoá nội bộ của giai cấp ấy từ sau Cách mạng Tháng Tám. Chúng ta thấy sự phản kháng của giai cấp địa chủ đối với cải cách ruộng đất, nhưng không thấy một bộ phận địa chủ đã muốn đầu hàng hoặc có khả nǎng đầu hàng nông dân. Chúng ta thấy những khuyết điểm và nhược điểm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng ở nông thôn, nhưng không thấy rõ mặt chủ yếu của những tổ chức ấy là tốt. Cải cách ruộng đất đánh đổ giai cấp địa chủ thì nhất định phải cảnh giác với địa chủ và tay sai của chúng, nhưng chúng ta đã quá nhấn mạnh thế lực và sức phản kháng của giai cấp địa chủ, đánh giá quá thấp lực lượng cách mạng và phong trào quần chúng ở nông thôn, do đó trong công tác nhiều cơ quan chỉ đạo thực hiện đã đi đến "truy liên quan" không có phân biệt và đả kích lầm vào một số nông dân lao động, và tổ chức của Đảng ở nông thôn.

Chúng ta thấy được yêu cầu ruộng đất của nông dân Công giáo, nhưng lại coi nhẹ yêu cầu tín ngưỡng của họ. Chúng ta quan tâm đến nguyện vọng muốn được giải phóng của nông dân vùng dân tộc thiểu số, nhưng không nhận rõ sự phân hoá giai cấp ở miền núi khác với miền xuôi, do đó trong công tác đã không chú ý tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng, coi nhẹ việc chiếu cố thích đáng những thủ lĩnh dân tộc thiểu số có uy tín trong quần chúng, và đã áp dụng máy móc phương thức phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất ở miền xuôi lên miền núi, v.v..

Trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất, các cơ quan chỉ đạo thực hiện có điều tra, nghiên cứu thực tế, nhưng vì ý thức trách nhiệm không đủ, phương pháp tư tưởng lệch lạc, lại không nắm vững lý luận cách mạng, cho nên vẫn không hiểu được sâu sắc và toàn diện thực tế khách quan. Khi chọn điển hình, thường chỉ chú ý những "điển hình" phù hợp với "dự kiến chủ quan" của mình. Khi thu thập tài liệu, thường chỉ chú ý những tài liệu có thể chứng thực cho những nhận định chủ quan sẵn có. Khi phân tích, tổng hợp thì trong nhiều trường hợp, đã không tìm được đúng những mâu thuẫn bên trong và quan hệ bên trong của sự vật, không thấy rõ bản chất của sự vật, do đó đã đi đến những kết luận không phù hợp hoặc chỉ phù hợp phần nào với thực tế khách quan. Khi đem những kết luận ấy vận dụng vào thực tế, giữa kết luận và thực tế phát sinh đối lập thì chúng ta thường cố gò ép thực tế sao cho hợp với kết luận, do đó mà sinh ra độc đoán, mệnh lệnh.

Nhìn chung lại, trong cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, chúng ta đã phạm phải chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa giáo điều trên một số vấn đề quan trọng. Chủ nghĩa giáo điều đó không những biểu hiện tình trạng tách rời thực tế của phong trào quần chúng, mà còn biểu hiện tình trạng thiếu sót về mặt lý luận và còn phạm phải chủ nghĩa kinh nghiệm trong công tác. Trong quá trình sửa sai, chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa giáo điều đã được bước đầu sửa chữa.

Vì vậy, bài học kinh nghiệm lớn thứ nhất mà chúng ta cần rút ra trong cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức là phảikiên quyết chống chủ nghĩa chủ quan, khắc phục chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, bằng cách tǎng cường học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng tác phong đi sâu điều tra, nghiên cứu để nắm vững tình hình thực tế, kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, phát huy tính sáng tạo cách mạng của toàn Đảng trong việc đề ra và thực hiện đường lối, phương châm, chính sách, bảo đảm tránh được hoặc giảm bớt những sai lầm nghiêm trọng trong công tác.

2. Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng ta. Trong cơ quan lãnh đạo các cấp, nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện ở chỗ thực hiện lãnh đạo tập thể. Đó là những nguyên tắc tổ chức rất quan trọng của Đảng. Chỉ có tập trung sự lãnh đạo vào các cấp ủy đảng từ trên xuống dưới mới bảo đảm được tính tổ chức và tính kỷ luật của đảng viên, làm cho đường lối, chính sách của Đảng được chấp hành thấu suốt và nghiêm chỉnh. Song sự chỉ đạo tập trung đó, phải dựa trên cơ sở dân chủ, dựa vào việc thu thập đầy đủ những ý kiến của cán bộ, đảng viên, phát huy tính sáng tạo và tính tích cực của họ. Không có sự chỉ đạo tập trung thì sẽ đi đến chủ nghĩa tự do, vô chính phủ và chủ nghĩa phân tán; ngược lại, không dựa trên cơ sở dân chủ thì sẽ đi đến chủ nghĩa tập trung quan liêu.

Một khuyết điểm lớn trong cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức là trong nhiều trường hợp đã vi phạm nguyên tắc sinh hoạt cơ bản của Đảng. Điểm rõ rệt nhất là trong cuộc vận động đó, không những sự lãnh đạo không tập trung vào các cấp uỷ đảng, mà các cấp ủy đảng từ tỉnh đến xã còn bị gạt ra một bên, công tác phát động quần chúng là do một bộ máy riêng đảm nhiệm, bộ máy này có hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới và quyền hạn quá rộng.

Khi tiến hành cải cách ruộng đất, các cơ quan chỉ đạo cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã tự ý đề ra một số chính sách và biện pháp mà không xin chỉ thị của Trung ương, đồng thời tình trạng chuyên quyền, độc đoán đối với cấp dưới cũng rất trầm trọng. Các cơ quan đó đã để cho nhiều đoàn và đội công tác xâm phạm đến chế độ tập trung dân chủ trong Đảng và pháp chế dân chủ của Nhà nước. Các cơ quan chỉ đạo cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức thường không chú ý lắng nghe ý kiến của cấp dưới và cán bộ, đảng viên, lại phê phán họ theo lối "chụp mũ", đả kích và gạt bỏ một cách thô bạo những ý kiến trái lại. Trong nội bộ mỗi cơ quan đó, thường làm việc thiếu tập thể; nhiều khi cá nhân tự ý quyết định những vấn đề quan trọng. Trong Trung ương cũng có lúc nguyên tắc lãnh đạo tập thể và dân chủ không được tôn trọng, việc kiểm tra chấp hành chính sách không được chú ý. Do đó, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tập trung quan liêu nảy nở và phát triển, và trong công tác không tập trung được trí tuệ của cấp uỷ đảng, của toàn Đảng và của quần chúng nhân dân, chủ nghĩa chủ quan ngày càng nặng, những sai lầm, lệch lạc không được phát hiện và sửa chữa kịp thời.

Trong sửa sai, nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng đã được tôn trọng hơn, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tập tung quan liêu đã được sửa chữa một phần.

Bài học quan trọng thứ hai mà chúng ta cần rút ra trong cuộc vận động cải cách ruộng đất là phải tôn trọng những nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc sinh hoạt của một đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, giữ vững chế độ tập trung dân chủ và nguyên tắc lãnh đạo tập thể, củng cố sự đoàn kết trong toàn Đảng trên cơ sở nhất trí về tư tưởng và thống nhất về tổ chức, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tự do, vô chính phủ, cũng như của chủ nghĩa tập trung quan liêu. Đó là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng được đúng đắn.

3. Phương pháp công tác của Đảng ta là đi đường lối quần chúng: điều tra, nghiên cứu nguyện vọng và trình độ thực tại của quần chúng, có việc thì bàn bạc với quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, tổng kết kinh nghiệm của quần chúng, rồi chỉnh lý và hệ thống hoá lại thành ra phương châm, chính sách của Đảng; sau đó lại đưa phương châm, chính sách ấy ra tuyên truyền, giải thích, động viên và tổ chức quần chúng thi hành; trong quá trình thực hiện, tiếp tục lắng nghe ý kiến và học tập kinh nghiệm của quần chúng, khảo nghiệm phương châm, chính sách, kịp thời bổ sung chính sách và cải tiến sự lãnh đạo của Đảng. Đi đường lối quần chúng thì tránh được hoặc giảm bớt được sai lầm; nếu có sai lầm cũng có thể kịp thời phát hiện và sửa chữa.

Trong cải cách ruộng đất, chúng ta đã phát động quần chúng nông dân đánh đổ giai cấp địa chủ, thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng; sau mỗi đợt phát động quần chúng thì tổng kết kinh nghiệm, bổ sung chính sách và phương pháp vận động, bồi dưỡng cán bộ rồi lại chuyển qua đợt mới. Đó chính là đi đường lối quần chúng. Khi nào và ở đâu chúng ta làm theo đúng phương pháp đó thì đã thu được kết quả tốt. Nhưng đến những đợt sau cùng của cuộc vận động cải cách ruộng đất, những hiện tượng theo đuôi quần chúng càng phát triển, đồng thời đã nảy ra ngày càng phổ biến hiện tượng khống chế tư tưởng quần chúng, gò ép quần chúng làm theo ý muốn của cán bộ, thậm chí đi đến những thói tệ như mớm lời cho quần chúng, truy bức, nhục hình, v.v.. 
Chủ nghĩa theo đuôi quần chúng cũng như chủ nghĩa mệnh lệnh là những biểu hiện trái ngược với đường lối quần chúng của Đảng.

Vì sao lại có tình trạng đó? Một mặt, là vì trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức càng về sau chủ nghĩa chủ quan càng phát triển, lãnh đạo càng xa rời thực tế và tách rời quần chúng. Mặt khác, là vì nhiều cán bộ chưa thấu suốt quan điểm quần chúng, chưa thật sự nhìn quần chúng bằng con mắt của giai cấp công nhân, trên tư tưởng vẫn coi thường quần chúng hoặc sợ quần chúng, muốn ban ơn cho quần chúng. Trong tình hình đó, đương nhiên phương pháp đi đường lối quần chúng không được tôn trọng trong công tác; về hình thức thì "đi đường lối quần chúng", nhưng thực tế thì trong nhiều trường hợp đã đi trái đường lối quần chúng. Do đó đã phạm sai lầm và đã chậm phát hiện sai lầm để kịp thời sửa chữa.

Cho nên bài học thứ ba mà chúng ta cần rút ra trong cuộc vận động cải cách ruộng đất là trên cơ sở bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về quan điểm quần chúng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta phải làm cho mọi công tác của chúng ta đều được tiến hành thật sự theo đường lối quần chúng.

4. Khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, với tinh thần phụ trách trước nhân dân, Đảng ta đã dũng cảm tự phê bình, tìm ra nguyên nhân sai lầm, định ra phương châm, chính sách và kế hoạch sửa chữa, đặng hoàn thành tốt cải cách ruộng đất. Do thái độ nghiêm túc và đúng đắn đó và do Đảng tin ở quần chúng, dựa vào quần chúng cơ bản để sửa sai, cho nên công tác sửa sai đã đạt được kết quả tốt.

Bài học của sửa sai là: với tinh thần phụ trách cao độ trước quần chúng, phải dũng cảm thừa nhận sai lầm và kiên quyết sửa sai, đồng thời phải giữ vững nguyên tắc, khẳng định mặt thắng lợi của cải cách ruộng đất là cǎn bản và kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ thành quả của cải cách ruộng đất. Phải dựa vào lực lượng của quần chúng cơ bản mà tiến hành sửa sai, hết sức cảnh giác đối với kẻ địch, tǎng cường chuyên chính với tất cả những phần tử phản cách mạng và phá hoại hiện hành, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, kiên quyết không cho giai cấp địa chủ lợi dụng ta sửa sai mà ngóc đầu dậy trả thù nông dân, hòng xoá bỏ những thành quả của cải cách ruộng đất, của cách mạng. Phải ra sức đoàn kết toàn Đảng, giữ vững sự thống nhất trong hàng ngũ Đảng về tư tưởng cũng như về tổ chức, để bảo đảm sửa sai được tốt; một mặt phải chống những tư tưởng bảo thủ và ngoan cố, không chịu thành khẩn nhận sai lầm và kiên quyết sửa sai; mặt khác phải kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa xét lại, chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa, tự do chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật, lợi dụng lúc Đảng gặp khó khǎn mà đả kích, chia rẽ, yêu sách với Đảng và tự đề cao mình; đồng thời ra sức khắc phục những tư tưởng và thái độ bi quan, tiêu cực, hoang mang, hoài nghi, mất tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, thái độ bi quan, dao động, mất cảnh giác trong lúc sửa sai, v.v. đều là những đặc trưng của tư tưởng tiểu tư sản. Cơ sở vật chất của giai cấp tiểu tư sản là nền kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá, kinh doanh phân tán, sinh hoạt tản mạn. Tư tưởng tiểu tư sản ảnh hưởng vào trong Đảng làm cho tầm con mắt của nhiều cán bộ, đảng viên bị hạn chế; họ chỉ thấy cục bộ, không thấy toàn thể, chỉ thấy một mặt, không thấy toàn diện; dễ say sưa với thắng lợi, dễ hoang mang trước khó khǎn; thường cǎn cứ vào nguyện vọng, ý nghĩ, tình cảm của cá nhân mình mà đánh giá và giải quyết các vấn đề, do đó dễ phạm sai lầm và nghiêm trọng nhất là không đứng vững trên lập trường giai cấp của Đảng.

Đảng ta sinh ra và lớn lên trong một nước thuộc địa và nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, thành phần kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân; giai cấp nông dân và giai cấp tiểu tư sản thành thị là lực lượng đông đảo nhất trong nhân dân. Thực tế khách quan ấy có ảnh hưởng đến tình hình tư tưởng và tổ chức của Đảng ta. Số rất đông cán bộ, đảng viên của ta xuất thân là nông dân và tiểu tư sản; trong quá trình tham gia cách mạng, họ đã được Đảng giáo dục, nhưng vì công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin của ta trước đây có rất nhiều thiếu sót, trình độ tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin của cán bộ, đảng viên còn thấp, cho nên chưa phải đã gột rửa được hết tư tưởng tiểu tư sản trong Đảng. Mặt khác, ảnh hưởng của tư tưởng tư sản cũng như các tư tưởng phi vô sản khác lại hàng ngày, hàng giờ thấm vào Đảng. Vì vậy chúng ta dễ phạm những sai lầm như đã nói trên.

Muốn khắc phục những biểu hiện trên đây của tư tưởng tiểu tư sản và chống những ảnh hưởng của tư tưởng tư sản và của các tư tưởng phi vô sản khác, không có biện pháp nào khác ngoài việc ra sức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố lập trường giai cấp, nâng cao tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tǎng cường quan điểm xuất phát từ thực tế khách quan, xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu, thực hiện đi đường lối quần chúng, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo tập thể và sinh hoạt dân chủ của Đảng, phát triển phê bình và tự phê bình trong Đảng.

Trên đây là mấy bài học chủ yếu của phát động quần chúng cải cách ruộng đất mà chúng ta cần ra sức học tập để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới.

Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đánh đổ đế quốc và phong kiến. Ngày nay lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà và giải phóng miền Nam khỏi ách Mỹ - Diệm. Qua mấy chục nǎm hoạt động trong những điều kiện vô cùng khó khǎn, nhờ có đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng ta, cho nên mới có Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, kháng chiến thành công, và hiện nay đang thu được những thành tích lớn trên mọi mặt công tác.

Với cuộc vận động cải cách ruộng đất, Đảng ta đã cǎn bản hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phản phong kiến ở miền Bắc nước ta. Qua cuộc vận động đó, Đảng ta đã được rèn luyện và trưởng thành thêm.

Tổng kết cải cách ruộng đất lần này giúp chúng ta nắm vững hơn nữa những đặc điểm của tình hình thực tế nước ta, hiểu sâu thêm lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta. Điều đó nhất định sẽ có tác dụng tốt đối với việc kết hợp đúng đắn công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với cuộc đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Cuộc tổng kết này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn và sâu sắc hơn những đặc điểm của tình hình nông thôn miền Bắc nước ta. Điều đó sẽ có tác dụng quan trọng trong việc xác định đường lối hợp tác hoá nông nghiệp, kết hợp với cải tạo thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa; xác định đường lối, phương châm, chính sách để hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, nhằm củng cố miền Bắc và đưa miền Bắc nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Những bài học kinh nghiệm đã nêu ra trong cuộc tổng kết lần này sẽ nâng cao thêm một bước trình độ lãnh đạo của Đảng ta và tǎng cường hơn nữa sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là đồng chí Hồ Chí Minh, toàn Đảng ta đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa; tất cả cán bộ, đảng viên đều phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, ra sức công tác, phấn khởi lãnh đạo toàn dân tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, tích cực góp phần tǎng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website