Phát biểu khai mạc Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 2/3/1995

Thưa các đồng chí Cố vấn Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công,

Thưa các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương,

Chúng ta đã quyết định mở Đại hội VIII vào khoảng quý II/1996. Các tiểu ban đang tích cực chuẩn bị các văn kiện đại hội và sẽ cố gắng thực hiện được theo tiến độ đã định. Bộ Chính trị mời các đồng chí Uỷ viên Trung ương họp bất thường bàn về vấn đề chuẩn bị nhân sự cho Đại hội VIII. Các đồng chí có trách nhiệm lựa chọn giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII có chất lượng cao hơn để đủ sức thực hiện được hai nhiệm vụ chiến lược hết sức nặng nề là tập trung sức xây dựng đất nước, đẩy tới một bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay khoa học - kỹ thuật và công nghệ đang phát triển cao và nhanh, kinh tế thế giới cũng có sự phát triển không chỉ trong một quốc gia mà đang có sự liên kết, hợp tác ở từng khu vực và hợp tác quốc tế. Tình hình quốc tế như vậy cùng với sự phát triển rất nhanh của khoa học - kỹ thuật, công nghệ, chúng ta phải quyết tâm đẩy tới một bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nước ta tiến hành công cuộc đổi mới trong điều kiện rất nhiều khó khăn, song nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi, tạo thế và lực cho sự phát triển đi lên, tạo điều kiện cần thiết để kết thúc năm 1995, chúng ta hoàn thành xuất sắc kế hoạch 5 năm 1991 - 1995, từ đó tạo tiền đề để thực hiện tốt kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Bây giờ chúng ta đang có thời cơ rất lớn, có điều kiện, có tiền đề để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nếu chúng ta không tận dụng được những thời cơ này thì chúng ta sẽ rất khó khăn. Càng mở rộng hợp tác quốc tế thì cuộc cạnh tranh giữa các nước trên tất cả các lĩnh vực càng quyết liệt, đặc biệt về vốn, công nghệ, thị trường, tiền tệ, hàng hoá... Nếu chúng ta không đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì chúng ta không có năng suất, chất lượng, hiệu quả, từ đó cuộc cạnh tranh ai thắng ai trên thị trường sẽ rất khó khăn. Nhiệm kỳ tới cũng là thời điểm cuộc cạnh tranh trên lĩnh vực kinh tế rất quyết liệt. Đảng ta, nhân dân ta phải nắm thời cơ để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn để chúng ta chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trên thị trường, trước hết là thị trường trong nước. Cái gì ta tự sản xuất thay thế nhập khẩu, cái gì đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu... phải tính kỹ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại là 8-9%/năm nhưng trong thời gian tới để không bị tụt hậu thì nhịp độ và tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta phải trên 10% để chúng ta thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm. Chúng ta đang có nhiều thời cơ song cũng là nguy cơ nếu ta không đẩy mạnh phát triển được kinh tế đất nước, không nâng cao được đời sống nhân dân (đặc biệt là đồng bào vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa), không tạo được một bước nữa cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Muốn tạo ra được cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội thì phải có vốn, mà muốn có vốn thì phải có phát triển. Vốn tạo ra vốn.

Nếu chúng ta không đẩy mạnh phát triển kinh tế thì nhiệm vụ quốc phòng cũng bị hạn chế. Quốc phòng hiện nay chủ yếu lo bảo quản vũ khí, khí tài hiện có và lo bảo đảm đời sống cho bộ đội, còn nhiệm vụ quan trọng là làm mới, mua sắm trang bị mới thì chúng ta không có vốn; không đẩy mạnh phát triển kinh tế, không đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì không bảo đảm được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các nước xung quanh ta không nước nào không lo cho nhiệm vụ quốc phòng (Trung Quốc sản xuất, nhập vũ khí, khí tài của Liên Xô cũ và một số nước khác). Nếu chúng ta không lo cho quốc phòng (nhất là công nghiệp quốc phòng) thì các vũ khí, trang bị, khí tài hiện có sẽ bị hư hỏng, và cũng không có trang bị mới để đáp ứng trong điều kiện mới, phải có kế hoạch bảo quản vũ khí, tăng cường số lượng, chủng loại (kể cả loại đắt tiền).

Ban Chấp hành Trung ương đã bàn nhiều về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bây giờ các xung đột khu vực (châu Âu, châu Phi...) liên tiếp xảy ra. ở châu á mặc dù có cơ hội phát triển làm ăn song có vấn đề Nam - Bắc Triều Tiên, có vấn đề biển Đông trong đó vấn đề biển Đông khá phức tạp. Các xung đột ở châu á rất dễ xảy ra giữa bộ phận này với bộ phận khác, giữa nước này với nước khác, do đó nước nào cũng đề cao cảnh giác, chuẩn bị tiềm lực để ứng phó.

Hiện nay âm mưu diễn biến hoà bình lật đổ từ bên trong kết hợp với bên ngoài của kẻ thù đối với ta chưa hề thay đổi, mà vẫn được triển khai ráo riết (đã báo cáo Trung ương mấy lần) công khai, bán công khai và bí mật, nhằm lật đổ chế độ ta, Đảng ta, Nhà nước ta. Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta là cuộc đấu tranh khá phức tạp. Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII phải tiếp tục thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, lấy kinh tế làm trọng tâm và coi trọng hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đây là nhiệm vụ rất nặng nề đối với chúng ta.

Từ yêu cầu trên đòi hỏi Đảng ta phải có đường lối đúng đắn, Ban Chấp hành phải có chất lượng, trình độ trí tuệ cao hơn trước, có quan điểm, lập trường chính trị tốt hơn, kiên định hơn, vững vàng hơn. Vấn đề nhân sự Bộ Chính trị đã bàn làm sao lựa chọn được các Uỷ viên Trung ương tốt nhất, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới của Đảng. Mục tiêu xuyên suốt của đường lối cách mạng Việt Nam được đề ra từ Cương lĩnh cách mạng của Đảng năm 1930 đến Cương lĩnh năm 1992 là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhờ mục tiêu đó chúng ta đã đánh thắng mọi đế quốc lớn nhất của thời đại và chúng ta cũng tiến hành công cuộc đổi mới thành công. Trong quá trình thực hiện Cương lĩnh cách mạng chúng ta đã duy trì khối đại đoàn kết toàn dân, vận dụng chỉ đạo thực hiện Cương lĩnh phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhất định. Ngày nay chúng ta phải tiếp tục quán triệt và nắm chắc Cương lĩnh cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không thể có dao động. Đảng ta thắng lợi là nhờ tinh thần đoàn kết của Đảng, tổ chức và hoạt động của Đảng được xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu chúng ta không có Điều lệ Đảng, không thực hiện tốt Điều lệ, xây dựng Đảng về quan điểm tư tưởng, về nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng thì sẽ gặp khó khăn. Bài học các đảng cộng sản của Liên Xô, Đông Âu tan rã mất quyền lãnh đạo là bài học rất lớn cả về tư tưởng và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Thời gian qua, phong trào cộng sản thế giới có thoái trào, song Đảng ta có quan điểm, có tổ chức, có sinh hoạt tốt, đổi mới tư duy, biết điều chỉnh đường lối chính sách nên cách mạng nước ta vẫn đi lên, tổng kết công cuộc đổi mới và tổng kết công tác xây dựng Đảng tới đây phải rút ra bài học này để làm tốt công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới. Trong công tác xây dựng Đảng có vấn đề cán bộ. Khoá VIII nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn, do đó Ban Chấp hành Trung ương phải có chất lượng, trí tuệ, trình độ cao hơn, tư tưởng, lập trường quan điểm kiên định hơn, có tầm nhìn, khả năng vận dụng và tổ chức thực hiện sáng tạo hơn khoá VII. Lần này lựa chọn Ban Chấp hành Trung ương lấy tiêu chuẩn là chính. Theo Điều lệ Đảng, kết thúc khoá VII các Uỷ viên Trung ương sẽ hết nhiệm vụ nhưng Ban Chấp hành Trung ương khoá này có nhiệm vụ chuẩn bị giới thiệu cho đại hội những người ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII. Họp Trung ương bất thường lần này đề nghị các đồng chí lựa chọn những đồng chí đủ tiêu chuẩn để giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương mới. Cơ cấu không nhất thiết tỉnh nào, bộ nào cũng có Uỷ viên Trung ương. Tỉnh là tỉnh, bộ là bộ, Ban Chấp hành Trung ương là Ban Chấp hành Trung ương. Nếu chúng ta kết hợp được tiêu chuẩn với cơ cấu thì tốt, nếu không kết hợp được thì cũng không sao vì tỉnh đã có bí thư, bộ đã có ban cán sự đảng. Không nhất thiết bộ nào, tỉnh nào cũng có Uỷ viên Trung ương, có đảng viên tham gia cơ cấu chủ chốt. Người ngoài đảng có đủ đức tài, chịu sự lãnh đạo của Đảng, tán thành mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, đi lên chủ nghĩa xã hội thì có thể tham gia vào cơ cấu chủ chốt của bộ máy nhà nước. Số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương cũng phụ thuộc vào tiêu chuẩn. Nếu không đảm bảo tiêu chuẩn thì số lượng có thể ít đi, nếu đảm bảo tiêu chuẩn số lượng có thể giữ như khoá VII hoặc ít nhiều hơn một ít. Hội nghị lần này bàn để những người đủ tiêu chuẩn được giới thiệu và ra ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII. Hội nghị cũng bàn về việc tiến hành đại hội các cấp tiến tới Đại hội VIII và có dự thảo chỉ thị về vấn đề này.

Xin nói thêm một điểm, trong quá trình bàn về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, vấn đề quan trọng là làm sao lựa chọn được con người không cơ hội chủ nghĩa, cả cơ hội về chính trị và cơ hội về kinh tế. Ban Chấp hành Trung ương khoá VII cơ bản là tốt song cũng còn người cơ hội về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở nhiều ngành, nhiều địa phương, đây là một nguy cơ cho Đảng, nhân dân không đồng tình và để kẻ thù lợi dụng khoét sâu thêm mâu thuẫn nội bộ. Khuyết điểm này là trách nhiệm của chúng ta, chủ nghĩa cơ hội về kinh tế hay cơ hội về chính trị đều làm thiệt hại cho Đảng. Đề nghị các đồng chí quan tâm vấn đề này trong quá trình lựa chọn, giới thiệu Ban Chấp hành Trung ương khoá mới.

Chúc sức khoẻ các đồng chí, chúc hội nghị thành công.

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website