Thông báo Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) đã họp từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 1 năm 1995, tại Hà Nội.

Hội nghị đã thảo luận và ra Nghị quyết về việc: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cải cách một bước nền hành chính nhà nước.

Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đọc bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị và tổng kết hội nghị.

1. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương nhận định rằng công cuộc đổi mới những năm qua được tiến hành toàn diện, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời đổi mới hệ thống chính trị từng bước tích cực, vững chắc. Tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta thời gian qua có những chuyển biến tích cực: quản lý nhà nước bằng pháp luật được tăng cường, dựa trên cơ sở hệ thống pháp luật từng bước được xây dựng, sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy trên nhiều lĩnh vực, được thể chế hoá trong nhiều văn bản pháp luật, trước hết là về kinh tế; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được đổi mới một bước; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có tiến bộ.

Tuy nhiên, hoạt động của Nhà nước ta còn những khuyết điểm và yếu kém: hệ thống pháp luật chưa tạo đủ khuôn khổ pháp lý cần thiết, việc thi hành pháp luật chưa nghiêm; tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động có mặt kém hiệu quả; nạn quan liêu, lãng phí và tham nhũng nghiêm trọng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ còn yếu; sự lãnh đạo của Đảng chưa được tăng cường bảo đảm cho việc kiện toàn và phát huy hiệu lực của bộ máy nhà nước.

Tình hình trên đây cùng với yêu cầu đặt ra cho đất nước trong thời kỳ phát triển mới, đẩy tới một bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi phải ra sức xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả. Bảo đảm cho Nhà nước ta luôn luôn giữ vững và phát huy bản chất cách mạng, thống nhất hữu cơ giữa bản chất giai cấp công nhân với tính dân tộc và tính nhân dân, thật sự là một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng tiền phong của giai cấp công nhân. Không ngừng kiện toàn, đổi mới về cơ cấu tổ chức và cơ chế, phương thức quản lý của Nhà nước, hoàn thiện các lĩnh vực hoạt động từ lập pháp đến hành pháp và tư pháp cho phù hợp và thúc đẩy trở lại quá trình đổi mới kinh tế - xã hội theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đủ sức giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhà nước quản lý mọi mặt hoạt động của xã hội bằng một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh phù hợp với tình hình mới; có cơ cấu tổ chức hợp lý, bộ máy tinh gọn, rõ nhiệm vụ, có sự chỉ đạo thông suốt, nhạy bén từ trung ương đến cơ sở, có đội ngũ công chức trung thành, tận tụy, liêm khiết, thành thạo nghiệp vụ, chuyên môn.

Hội nghị Trung ương nhấn mạnh rằng, trong quá trình xây dựng và kiện toàn Nhà nước, phải quán triệt những quan điểm cơ bản sau đây:

Một là, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội; chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.

Hai là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ba là, quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tăng cường sự lãnh đạo và điều hành tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy trách nhiệm và tính chủ động, năng động, sáng tạo của từng địa phương, từng cơ sở, từng tổ chức, từng cá nhân và toàn hệ thống.

Bốn là, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội, kết hợp biện pháp hành chính với giáo dục tư tưởng, nâng cao dân trí, kết hợp sức mạnh của pháp luật với sức mạnh của quần chúng.

Năm là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hội nghị Trung ương cho rằng, kiện toàn Nhà nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo phương hướng nói trên là một quá trình tương đối lâu dài, phải được tiến hành với những bước đi tích cực, vững chắc, đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị, gắn chặt với đổi mới và chỉnh đốn Đảng.

Trong thời gian tới, tập trung sức thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng sau đây:

- Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

- Cải cách một bước nền hành chính nhà nước.

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

- Phát huy vai trò nhân dân làm chủ Nhà nước.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Trong nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước phải đặt trọng tâm vào cải cách nền hành chính nhà nước, nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước được hiện đại hoá để thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, quản lý có hiệu lực và hiệu quả cao công việc của Nhà nước, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội, thúc đẩy tiến trình đổi mới phát triển, thực hiện dần giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Trong những năm trước mắt, tập trung sức làm tốt một số công việc sau đây:

Cải cách thể chế của nền hành chính nhằm đáp ứng từng bước yêu cầu tăng cường quan hệ gắn bó giữa nhân dân với chính quyền và bảo đảm sự quản lý nhà nước phù hợp với tình hình mới, phát huy được mặt tích cực, ngăn chặn được mặt tiêu cực của kinh tế thị trường.

Những việc cấp bách cần phải giải quyết là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết các khiếu kiện của dân, áp dụng nhiều hình thức để dân biết và góp ý kiến vào công việc của Nhà nước, đổi mới quy trình lập pháp, lập quy, thiết lập kỷ cương xã hội, kỷ luật trong bộ máy nhà nước.

Chấn chỉnh tổ chức, bộ máy và quy chế hoạt động của hệ thống hành chính theo phương hướng và nguyên tắc: Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp cần được sắp xếp tinh gọn, tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, chăm lo giải quyết các vấn đề văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh và kỷ cương pháp luật, củng cố quốc phòng và bảo vệ quyền lợi quốc gia, mở rộng hoạt động đối ngoại, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ dần chế độ chủ quản đối với các doanh nghiệp nhà nước; vận dụng đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ sát hợp với chức năng chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính và với đặc điểm của từng ngành, từng lĩnh vực khác nhau; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để mọi thành phần kinh tế kinh doanh đúng pháp luật.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Trong bộ máy hành chính, ngoài số cán bộ dân cử làm việc theo nhiệm kỳ, lực lượng đông đảo là đội ngũ công chức cần được tuyển chọn và sử dụng theo hướng chuyên nghiệp hoá, ổn định, làm việc tận tụy và công tâm, có đủ trình độ, năng lực đáp ứng tiêu chuẩn quy định cho từng chức danh.

Xây dựng và từng bước hoàn thiện chế độ công vụ và quy chế công chức, chú trọng yêu cầu về phẩm chất, đạo đức và tiêu chuẩn về trình độ năng lực; trách nhiệm đi đôi với quyền hạn; nhiệm vụ gắn với chính sách đãi ngộ.

Đấu tranh kiên quyết và bền bỉ chống tệ tham nhũng, lãng phí của công; tệ cửa quyền, sách nhiễu và các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật.

2. Đảng ta khẳng định công tác tư tưởng - lý luận là của toàn Đảng và luôn luôn quan trọng, trong thời điểm hiện nay càng quan trọng. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương cho rằng hơn lúc nào hết, công tác tư tưởng - lý luận lúc này phải đáp ứng những đòi hỏi mà thực tiễn đất nước đang đặt ra là tăng cường sự nhất trí tư tưởng trong Đảng, sự thống nhất về chính trị và tinh thần trong nhân dân, nâng cao ý chí phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đấu tranh chống diễn biến hoà bình trong lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, giữ vững trận địa tư tưởng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng của nhân dân; cung cấp những luận cứ khoa học cho việc cụ thể hoá và phát triển đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng lý luận về mô hình phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc điểm của dân tộc và của thế giới ngày nay.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoàn toàn nhất trí và thông qua Nghị quyết về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cải cách một bước nền hành chính nhà nước; giao Bộ Chính trị ra nghị quyết của Bộ Chính trị về: Một số định hướng lớn về công tác tư tưởng - lý luận trong tình hình hiện nay.

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website