Niên biểu toàn khóa

Thời gian: Từ 15 đến 18-12-1986

Địa điểm: Thủ đô Hà Nội

Số lượng đảng viên trong cả nước: 2.109.613

Số lượng tham dự Đại hội: 1129 đại biểu

Tổng bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Nguyễn Văn Linh

Ban Chấp hành Trung ương được bầu tại Đại hội: 124 uỷ viên

Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 13 uỷ viên

Nhiệm vụ chính: Thực hiện đổi mới đất nước (khởi xướng đưa đất nước tiến hành công cuộc đổi mới)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp từ ngày 15 đến 18-12-1986, tại Thủ đô Hà Nội.

Dự Đại hội có 1.129 đại biểu, thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong cả nước, trong số đó có 925 đại biểu của 40 tỉnh, thành, đặc khu; 172 đại biểu các đảng bộ trực thuộc Trung ương; 153 đại biểu nữ; 115 đại biểu các dân tộc thiểu số;50 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động; 72 đại biểu là công nhân trực tiếp sản xuất;...Đến dự Đại hội có 32 đoàn đại biểu quốc tế.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 124 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên chính thức và một uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao nhiệm vụ Cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội VI là Đại hội kế thừa và quyết tâm đổi mới, đoàn kết tiến lên của Đảng ta.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI đã họp 12 lần để bàn và quyết định các vấn đề trọng đại của Đảng và Nhà nước ta, trong đó chủ yếu là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý kinh tế sang kinh doanh XHCN; đổi mới quản lý Nhà nước, đổi mới công tác tổ chức và cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác quần chúng của Đảng.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV, thứ V và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương trong thời gian của các nhiệm kỳ đại hội đó, nhân dân ta đã giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, cải biến được một phần cơ cấu của nền kinh tế- xã hội, đặt những cơ sở đầu tiên cho sự phát triển mới. Song, chúng ta chưa tiến xa được bao nhiêu, trái lại còn gặp nhiều khó khăn và khuyết điểm mới. Trong thời kỳ kế hoạch năm năm 1981-1985, chúng ta không thực hiện được mục tiêu đã đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân. Sai lầm về tổng điều chỉnh giá, lương, tiền cuối năm 1985 đã đưa nền kinh tế của đất nước ta đến những khó khăn mới. Nền kinh tế - xã hội nước ta đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tình hình đất nước đang đòi hỏi Đảng phải tích cực chuẩn bị và tiến hành Đại hội lần thứ VI theo yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng thực trạng của đất nước. Từ đó xác định đúng mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng trong chặng đường trước mắt, đề ra chủ trương, chính sách đúng để xoay chuyển tình thế, đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước.

Giữa bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội, Đại hội họp nội bộ từ ngày 5 đến 14 tháng 12-1986. Từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986, Đại hội họp công khai. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng, trong số đó có 925 đại biểu thuộc đảng bộ 40 tỉnh, thành phố, đặc khu; 172 đại biểu thuộc các đảng bộ trực thuộc Trung ương, 153 đại biểu nữ, 115 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, 72 đại biểu là công nhân trực tiếp sản xuất... Đến dự Đại hội có 35 đoàn đại biểu quốc tế. Nguyễn Văn Linh, Uỷ viên Bộ Chính trị đọc Diễn văn khai mạc. Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Võ Văn Kiệt đọc Báo cáo về phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong năm năm (1986-1990)...

Đại hội "khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học".

Đại hội đánh giá cao quá trình dân chủ hoá sinh hoạt chính trị của Đảng và nhân dân ta trong thời gian chuẩn bị và tiến hành Đại hội.

Đại hội đã hoàn toàn nhất trí với những kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về đánh giá tình hình, tổng kết kinh nghiệm, xác định mục tiêu và phương hướng chính sách nhằm đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên.

Đại hội nhận định: "Năm năm qua là một đoạn đường đầy thử thách đối với Đảng và nhân dân ta. Cách mạng nước ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có nhiều khó khăn phức tạp. Thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu do Đại hội lần thứ V của Đảng đề ra, nhân dân ta anh dũng phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành những thắng lợi to lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế". Bên cạnh khẳng định thành tích đã đạt được, Đại hội cũng nhận rõ: "Tình hình kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt: Sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; phân phối, lưu thông có nhiều rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân lao động còn nhiều khó khăn; hiện tượng tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi, và có nơi nghiêm trọng. Nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu tổng quát do Đại hội lần thứ V đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân".

Không đánh giá thấp những nguyên nhân khách quan, Đại hội đã nghiêm khắc nêu ra rằng nguyên nhân chủ quan của tình hình khó khăn, khủng hoảng là do những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Đại hội nhận định trong những năm 1976-1980, trên thực tế ta đã chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết; vừa nóng vội, vừa buông lỏng trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa; chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế không còn phù hợp. Trong những năm 1981-1985, Đảng chưa cụ thể hoá đường lối kinh tế trong chặng đường đầu tiên, chưa kiên quyết khắc phục chủ quan, nóng vội và bảo thủ trì trệ trong bố trí cơ cấu kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế, lại phạm sai lầm mới, nghiêm trọng trong lĩnh vực phân phối, lưu thông, đã buông bỏng chuyên chính vô sản trong quản lý kinh tế, xã hội, trong đấu tranh tư tưởng, văn hoá, trong việc chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại thâm độc của kẻ thù. "Những sai lầm nói trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện".

Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là những biểu hiện của tư tưởng tiểu tư sản vừa "tả" khuynh, vừa hữu khuynh. Những sai lầm và khuyết điểm trong lĩnh vực kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng.

Trên cơ sở thực tiễn cách mạng của 10 năm vừa qua, Đại hội nêu lên bốn bài học kinh nghiệm có tính thời sự chính trị nóng hổi:

"Một, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "Lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Hai, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Ba, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới. Bốn, phải chăm lo xây dựng đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa".

Về nhiệm vụ chiến lược cách mạng, Đại hội khẳng định: "Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".

Về nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội xác định: "Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo".

Trong khi đặt nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội lên hàng đầu, Đại hội vẫn khẳng định phải "đề cao cảnh giác, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước, quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc".

Đại hội giao cho Ban Chấp hành Trung ương khoá VI chỉ đạo thực hiện thành công những nhiệm vụ đề ra trong Báo cáo chính trị, mà quan trọng là:

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện ba chương trình về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu...

2. Thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách thường xuyên với những hình thức và bước đi thích hợp, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất...

3. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.

4. Giải quyết cho được những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông.

5. Xây dựng và tổ chức thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả các chính sách xã hội.

6. Tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước.

7. Tăng cường hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại.

8. Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

9. Xây dựng Đảng thật sự ngang tầm một đảng cầm quyền có trọng trách lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược.

10. Nâng cao hiệu lực chỉ đạo và điều hành của bộ máy đảng và nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương phải chỉ đạo tiến hành trong toàn Đảng và toàn xã hội "Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng; làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước; đẩy lùi và xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội".

Đại hội quyết định bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể trong Điều lệ Đảng cho phù hợp với tình hình mới và bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá VI, gồm có 124 uỷ viên chính thức là: Nguyễn Văn An, Lê Đức Anh, Trần Xuân Bách, Phạm Bái, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đức Bình, Lê Đức Bình, Nguyễn Thới Bưng, Hoàng Cầm, Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Kỳ Cẩm, Huỳnh Văn Cần, Võ Chí Công, Nguyễn Minh Châu, Lữ Minh Châu, Nguyễn Văn Chi, Võ Trần Chí, Đỗ Chính, Nguyễn Văn Chính, Cao Đăng Chiếm, Nguyễn Chơn, Nguyễn Huy Chương, Nguyễn Cảnh Dinh, Phạm Đình Di, Lê Văn Dĩ, Văn Tiến Dũng, Phạm Thế Duyệt, Lê Quang Đạo, Trần Hữu Đắc, Nguyễn Thị Định, Trần Độ, Trần Đông, Nguyễn Văn Đức, Võ Nguyên Giáp, Hồng Hà, Vũ Ngọc Hải, Nguyễn Thị Hằng, Cù Thị Hậu, Phạm Văn Huy, Lê Ngọc Hiền, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Hoà, Hà Trọng Hoà, Trần Hoàn, Vũ Tuyên Hoàng, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Văn Hớn, Phạm Hùng, Hà Thiết Hùng, Phạm Hưng, Trần Quốc Hương, Nguyễn Đình Hương, Đặng Hữu, Nguyễn Xuân Hữu, Trần Kiên, Võ Văn Kiệt, Lê Văn Kiến, Nguyễn Khánh, Nguyễn Nam Khánh, Phan Văn Khải, Đoàn Khuê, Trịnh Văn Lâu, Vũ Lập, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Đinh Nho Liêm, Phan Thanh Liêm, Phạm Tâm Long, Đào Đình Luyện, Trần Đức Lương, Bùi Danh Lưu, Vũ Mão, Hoàng Trường Minh, Y Một, Đỗ Mười, Huỳnh Văn Niềm, Nguyễn Niệm, Bùi Thiện Ngộ, Đàm Văn Nguỵ, Đồng Sĩ Nguyên, Lê Thanh Nhàn, Vũ Oanh, Tráng A Páo, Trần Văn Phác, Nguyễn Thanh Quất, Hoàng Quy, Nguyễn Quyết, Trần Quyết, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Đình Sở, Hoàng Bích Sơn, Nguyễn Công Tạn, Phan Minh Tánh, Trần Trọng Tân, Trần Tấn, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Trung Tín, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đình Tứ, Phan Ngọc Tường, Dương Tường, Võ Viết Thanh, Đoàn Duy Thành, Lê Quang Thành, Nguyễn Cơ Thạch, La Thăng, Hoàng Minh Thắng, Vũ Thắng, Đỗ Quang Thắng, Nguyễn Thị Thân, Lâm Văn Thê, Đặng Thí, Mai Chí Thọ, Lê Phước Thọ, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trìu, Nguyễn Tấn Trịnh, Lê Văn Triết, Đàm Quang Trung, Nguyễn Ký ức, Đoàn Thanh Vỵ, Đậu Ngọc Xuân, Nguyễn Trọng Xuyên, Lê Danh Xương. Có 49 uỷ viên dự khuyêt là Đỗ Văn Ân, Nguyễn Bá, Phạm Văn Bính, Vũ Trọng Cảnh, Nguyễn Nhiêu Cốc, Trần Quang Cơ, Phạm Như Cương, Nguyễn Tấn Dũng, Hà Đăng, Phan Xuân Đợt, Trần Thị Đường. Nguyễn Bình Giang, Phạm Minh Hạc, Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Hoà, Nguyễn Thế Hữu, Đặng Xuân Kỳ, Nguyễn Xuân Kỷ, Cao Sỹ Kiêm, Đinh Văn Lạp, Ngô Xuân Lộc, Trần Lum, Nguyễn Duy Luân, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Hoàng Đức Nghi, Lê Huy Ngọ, Nguyễn Trọng Nhân, Ama Pui, Lò Văn Puốn, Nguyễn Hà Phan, Lâm Phú, Trần Hồng Quân, Đỗ Quốc Sam, Lê Tài, Nguyễn Thị Tâm, Phan Văn Tiệm, Lê Xuân Tùng, Nguyễn Văn Tư, Đặng Văn Thân, Phan Thu, Hà Học Trạc, Nguyễn Đức Triều, Trương Vĩnh Trọng, Đỗ Quang Trung, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thị Hồng Vân và Nguyễn Chí Vu.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm có 13 uỷ viên chính thức là các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Cơ Thạch, Đồng Sĩ Nguyên, Trần Xuân Bách, Nguyễn Thanh Bình, Đoàn Khuê, Mai Chí Thọ, và một số uỷ viên dự khuyết là đồng chí Đào Duy Tùng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm làm Cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội lần thứ VI của Đảng là Đại hội kế thừa và quyết tâm đổi mới, đoàn kết tiến lên của Đảng ta.

Chấp hành Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI, trên lĩnh vực kinh tế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triển khai cùng một lúc bốn mặt hoạt động có liên hệ khăng khít với nhau: xây dựng và thực hiện ba chương trình kinh tế lớn; tiếp tục công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; đổi mới tổ chức cán bộ.

Vấn đề nóng bỏng và cấp bách nhất là lưu thông phân phối. Vì vậy, Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương, họp trong tháng 4-1987, đã quyết định phương hướng giải quyết vấn đề đó là phải nắm vững mục tiêu giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân trên cơ sở xoá bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, nâng cao vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc doanh, phát huy khả năng tích cực của các thành phần kinh tế khác, mở rộng giao lưu hàng hoá, giải phóng sức sản xuất.

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là một yêu cầu bức thiết, một bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động trên lĩnh vực kinh tế của Đảng. Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương, tháng 8-1987, đã quyết nghị: "Chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế". Hội nghị nhấn mạnh mục đích của đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là phải tạo ra động lực mạnh mẽ giải phóng mọi năng lực sản xuất, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển kinh tế hàng hoá theo hướng đi lên chủ nghĩa xã hội với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, trước mắt nhằm phục vụ ba chương trình kinh tế lớn, từng bước thực hiện "bốn giảm", thiết lập trật tự kỷ cương trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để tiến lên.

Tiếp đến, tháng 12-1987 Ban Chấp hành Trung ương lại họp Hội nghị lần thứ tư để quyết định về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ba năm (1988-1990). Mục tiêu phấn đấu của kế hoạch ba năm còn lại là phải thực hiện cho bằng được việc ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội. Điều kiện quyết định là phát triển mạnh mẽ sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, trước hết tập trung sức thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, đặc biệt là chương trình lương thực - thực phẩm.

Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức, cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng được quyết định tại Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương (6-1988). Công tác xây dựng Đảng theo phương hướng Đại hội VI của Đảng là phải đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và nâng cao giác ngộ, bồi dưỡng lý tưởng, kiến thức và năng lực lãnh đạo; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật trong Đảng.

Công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã triển khai trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Song, sự tiến bộ đạt được chưa đều và cơ bản, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn gay gắt. Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 3-1989, đã phân tích những nguyên nhân làm cho tình hình kinh tế - xã hội chậm được khắc phục, và quyết định phương hướng lớn chỉ đạo công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu và nêu lên sáu nguyên tắc cơ bản phải được quán triệt trong quá trình đổi mới.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam và những diễn biến dồn dập trên thế giới tác động mạnh nhiều chiều đến tư tưởng trong Đảng và nhân dân ta. Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 8-1989 tại thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời quyết nghị Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay là:

1. Khẳng định tính tất yếu lịch sử của chủ nghĩa xã hội và những thành tựu vĩ đại của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới.

2. Khẳng định tính khách quan và phương hướng xã hội chủ nghĩa của quá trình cải tổ, cải cách và đổi mới.

3. Nhận rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế.

4. Giáo dục trong Đảng và trong nhân dân lòng kiên trì với mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở quán triệt những nguyên tắc và chính sách đổi mới của Đảng.

5. Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự thống nhất ý chí và hành động trong xã hội, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực.

Công tác tư tưởng phải được nâng cao chất lượng và tính hiệu quả, bảo đảm tính chủ động kịp thời, tính chiến đấu sắc bén, phục vụ tích cực việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, củng cố sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, thúc đẩy công cuộc đổi mới.

Tình hình mới, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải đổi mới công tác quần chúng và phải tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 3-1990, đã tập trung bàn chuyên đề về Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân nhằm giải quyết một vấn đề có tính chất cơ bản và cấp bách, vừa phục vụ trực tiếp sự nghiệp đổi mới ở nước ta, vừa góp phần bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết của Hội nghị nêu lên những quan điểm cơ bản để chỉ đạo công tác quần chúng của Đảng: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do dân và vì dân; Đảng lãnh đạo cách mạng nhưng sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước là nhằm thực hiện và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Công tác quần chúng là cuộc đấu tranh quyết liệt của các lực lượng cách mạng chống lại các thế lực thù địch trên các lĩnh vực để vận động và tổ chức nhân dân tự giác đi theo con đường cách mạng, đập tan những âm mưu và thủ đoạn chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân. Hội nghị cũng đã thảo luận và Nghị quyết về Tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta. Hội nghị cũng đã quyết định cách chức một uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu.

Thực hiện quyết định của Đại hội lần thứ VI về việc xây dựng một Cương lĩnh hoàn chỉnh cho toàn bộ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời kỳ quá độ và trên cơ sở đó sẽ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển khoa học - kỹ thuật, từ đầu năm 1987 đến giữa năm 1990, Tiểu ban dự thảo Cương lĩnh đã soạn thảo Cương lĩnh sau khi được Bộ Chính trị nhiều lần thảo luận, góp ý kiến... Tháng 8-1990, Hội nghị lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về bản Dự thảo Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ và bản Dự thảo Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2000 và phương hướng chủ yếu kế hoạch năm năm (1991 - 1995). Hội nghị quyết định công bố Dự thảo các văn kiện đó để lấy ý kiến toàn Đảng và toàn dân trước khi trình Đại hội lần thứ VII của Đảng. Hội nghị bàn Một số vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách, với tư tưởng chỉ đạo là kiên định thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường đi đôi với mở rộng quan hệ quốc tế; xây dựng ý chí làm cho dân giàu, nước mạnh, chủ động có những phương án khác nhau để thích ứng với tình hình mới; nêu cao ý thức tiết kiệm xây dựng đất nước; thống nhất ý chí và hành động, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, giữ vững kỷ cương, tôn trọng luật pháp trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tháng 11-1990, Hội nghị lần thứ mười của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, thảo luận và thông qua nghị quyết về Phương hướng chỉ đạo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1991, và nghị quyết về Dự thảo báo cáo xây dựng đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng và Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) để trình Đại hội lần thứ VII của Đảng. Hội nghị thảo luận và nhất trí về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1990 và xác định phương hướng, mục tiêu kế hoạch nhà nước năm 1991. Hội nghị nêu rõ: "Việc thực hiện kế hoạch năm 1991 diễn ra trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp, mọi hoạt động kinh tế của ta với nước ngoài phải thanh toán bằng ngoại tệ mạnh và theo giá cả thị trường quốc tế.

Mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1991 là củng cố và phát huy những thắng lợi đã giành được trong năm 1990, phấn đấu vượt qua những khó khăn mới về kinh tế - xã hội, giữ vững và ổn định về chính trị, tạo thế đi lên cho những năm tiếp theo. Phấn đấu đạt mức tăng tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân năm 1991 cao hơn so với mức năm 1990. Tập trung sức thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: sản xuất lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu; cố gắng cân đối đủ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu chủ yếu cho ba chương trình kinh tế; tiếp tục kiềm chế và khắc phục các yếu tố phát sinh lạm phát cao, hạn chế bội chi ngân sách, không để gia tăng đột biến; thực hành triệt để tiết kiệm, giải quyết có trọng điểm các vấn đề xã hội..., bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội".

Tháng 1-1991, Hội nghị lần thứ mười một của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp để góp ý kiến về Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Hội nghị thảo luận và nhất trí với nhiều nhận định và chủ trương lớn được nêu trong Dự thảo và góp nhiều ý kiến quan trọng để nâng cao chất lượng bản Dự thảo. Hội nghị quyết định giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban dự thảo hoàn chỉnh bản Dự thảo Báo cáo chính trị để đưa ra lấy ý kiến trong toàn Đảng, toàn dân.

Bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: "Đại hội lần thứ VII của Đảng đang đến gần, tình hình kinh tế - xã hội, bên cạnh một số mặt chuyển biến tốt, đang có những khó khăn và diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành giải quyết một cách tích cực. Khối lượng công việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp rất lớn. Các đồng chí uỷ viên trung ương cùng tập thể các cấp uỷ cần bàn bạc, có kế hoạch, biện pháp cụ thể thực hiện có kết quả các công việc nói trên, góp phần chuẩn bị tốt Đại hội lần thứ VII của Đảng".

Tháng 5-1991, Hội nghị lần thứ mười hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp để bàn những công việc chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ thứ VII của Đảng.

Hội nghị nhận định rằng, trong nhiều tháng qua, đảng bộ các cấp và toàn dân đã sôi nổi thảo luận góp nhiều ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội VII của Đảng. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp (vòng I) và ý kiến của nhân dân đóng góp vào dự thảo các văn kiện, Hội nghị lần thứ mười hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã chỉnh lý các văn kiện và nhất trí thông qua năm văn kiện trình Đại hội VII của Đảng.

Hội nghị lần thứ mười hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng họp tháng 6-1991.

Ngày 16-6-1991, Hội nghị lần thứ mười ba của Ban Chấp hành Trung ương họp để hoàn tất công việc chuẩn bị nhân sự và các vấn đề đưa ra trình Đại hội VII.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh Tổng Bí thư của thời kỳ đổi mới, một nhân cách lớn, một phong cách lớn, một tấm gương cộng sản mẫu mực.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website