PTS. Lương Gia Ban
Trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng đạo đức của Người có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta.
...Trong tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh, Người đặc biệt quan tâm tới y đức, đó là một nền đạo đức đã được tích tụ nhiều giá trị của đạo đức truyền thống dân tộc và nhân loại. Tư tưởng về y đức của Người thể hiện rất rõ trong thư gửi các Hội nghị y tế toàn quốc nǎm 1953, 1955, gửi cán bộ và nhân viên quân y nǎm 1967.
Bác Hồ luôn nhắc nhở, giáo dục y đức cho cán bộ ngành y. Sự quan tâm và nhắc nhở thể hiện một quan điểm của Người là: đạo đức không phải trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, và càng luyện càng trong. Bởi thế trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc nǎm 1953, Bác cǎn dặn: phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, phải tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Cần luôn luôn học tập, nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế (tháng 2-1955), Bác cǎn dặn: Trước hết là phải thật thà đoàn kết... từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc... Bởi vì công việc mà địa vị tuy có khác nhau nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân. Người cǎn dặn các cán bộ y tế phải "thương yêu người bệnh...coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn". Trong thư khen cán bộ và nhân viên quân y (ngày 31-7-1967) một lần nữa Người lại nhắc nhở các cán bộ và nhân viên quân y phải luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời là người mẹ hiền.
"Thương yêu người bệnh", "coi họ đau đớn như mình đau đớn" thể hiện tư tưởng yêu dân sâu sắc của Người. Yêu dân đó là điều cơ bản nhất của y đức, là cái gốc của y đức. Không thể có tinh thần dũng cảm, tận tuỵ cứu chữa người bệnh... nếu không có tấm lòng thực sự yêu dân. Nghề thầy thuốc không dung thứ bất cứ thứ gì trái với đạo đức bởi vì nó liên quan đến sự sống của con người. Cho nên những người làm nghề thầy thuốc nhất thiết phải coi cái đức làm gốc, cái tâm làm đầu, cái tài làm phúc, có như thế chúng ta mới thực hiện được lời dạy của Bác Hồ "lương y phải như từ mẫu".
Bộ Y Tế; NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997