Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây, ngày 20/4/1963 (Ảnh tư liệu)
Trong bức thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn" 1. Rồi Người kết luận: "Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng." 1
Thực tế, không chỉ trong bức thư ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nói câu "Lương y phải như từ mẫu", mà trong suốt thời gian từ năm 1947 đến năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 20 bức thư gửi ngành Y tế và viết rất nhiều bài báo về ngành Y tế, hay trong những lần đi thăm bệnh viện, bên cạnh việc động viên, khen ngợi, định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển của ngành Y tế nước nhà, Người thường xuyên căn dặn một câu "Lương y phải như từ mẫu" hoặc "Lương y phải kiêm từ mẫu".
Trong bức thư gửi Hội nghị Quân y, được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 3 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Người ta có câu: "Lương y kiêm từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền" 2.
Đến tháng 6 năm 1953, cũng nhân dịp Hội nghị Y tế toàn quốc được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư cho ngành Y tế nước nhà, trong thư Người viết: "Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. Lương y phải kiêm từ mẫu" 3.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc Chính phủ thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ vào cuối tháng 7 năm 1954. Theo đó, lập lại hoà bình ở Việt Nam; lấy vĩ truyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc; quân pháp rút khỏi miền Bắc; miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội XHCN… Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 10/10/1954, từ 5 cửa ô, bộ đội ta đã tiến vào giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ngày 15/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức trở về Hà Nội. Nơi đầu tiên Người đến ở là Nhà thương Đồn Thuỷ (nay là Bệnh viện Hữu nghị)4. Người chọn Nhà thương Đồn Thuỷ làm nơi dừng chân trong những ngày đầu trở về Thủ đô Hà Nội không phải bởi sức khoẻ của Người, mà là để tiện cho việc theo dõi, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và bộ đội. Qus đó cho thấy, những ngày đầu giành thắng lợi, dù bận trăm công nghìn việc, vừa lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua lao động sản xuất xây dựng và kiến thiết nước nhà, vừa ra sức xây dựng và củng cố lực lượng để tiếp tục trường kỳ kháng chiến cứu nước, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới ngành Y tế.
Ngày 20/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây (cũ), nay là thành phố Hà Nội. Tại đây, người đã căn dặn cán bộ, y bác sỹ của Bệnh xá phải luôn ghi nhớ và thực hiện "Lương y như từ mẫu".
Vào những năm cuối đời, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng Bác Hồ của chúng ta vẫn luôn đau đáu nỗi niềm hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt; về cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm anh dũng chiến đấu và hy sinh cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ngày 31/7/1967, trong bức thư khen cán bộ, nhân viên Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn" 4. Đây là bức thư cuối cùng Người viết gửi ngành Y tế nước ta.
Khái niệm "kiêm từ mẫu" có nội hàm rộng hơn khái niệm "như từ mẫu", bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy thuốc không chỉ dừng lại ở hành động như người mẹ hiền mà phải kiêm luôn công việc của người mẹ hiền. "Như từ mẫu" mới chỉ dừng lại ở ý nghĩa so sánh và mong muốn hành động của người thầy thuốc được như hành động của người mẹ hiền đối với người bệnh. Còn "kiêm từ mẫu" có nghĩa là người thầy thuốc phải trực tiếp hành động và làm những công việc của người mẹ hiền đối người bệnh.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân ta đã bắt sống hàng nghìn tù binh, trong đó có rất nhiều thương binh Pháp. Trong khi số lượng thương binh của quân ta cũng rất lớn, thuốc men thì thiếu thốn, điều kiện thời tiết vùng núi Tây – Bắc thì khắc nghiệt, làm cho tình hình ốm đau, bệnh tật của cả hai phía đều trầm trọng. Vậy mà, Bác Hồ vẫn chỉ đạo bộ đội và quân y phải quan tâm, ưu tiên dành những phương tiện, thuốc men tốt nhất trong điều kiện lúc bấy giờ để cứu chữa thương binh Pháp với tinh thần "Lương y như từ mẫu", "Lương y kiêm từ mẫu", không phân biệt đối xử giữa bộ đội Việt Nam hay binh lính Pháp. Chính những điều này đã làm lay động tới nhân dân Pháp, Chính phủ Pháp và toàn thể nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới; làm cho chiến thắng Điện Biên thực đúng với ý nghĩa và tầm vóc "vang dội năm châu, chấn động địa cầu"…
Phân tích những điều đó cho thấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đượm tính nhân văn, bác ái, cao cả và bao dung. Quan điểm về y đức của Bác Hồ bắt nguồn từ truyền thống nhân ái "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam, từ tư tưởng nhân văn cao cả và đạo đức cách mạng, biểu hiện trước hết ở tình thương yêu con người sâu sắc mà Người đã khái quát thành một triết lý sống đối với đạo đức nói chung và đạo đức ngành Y tế nói riêng.
Ngày nay, trong xu thế phát triển và hội nhập, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác y tế và sức khoẻ càng trở thành kim chỉ Nam giúp Đảng ta xây dựng và hoàn thiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam tiên tiến và hiện đại. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức vẫn còn sống mãi và trở thành là bài học quý báu, là ngọn đèn soi đường, chỉ lối cho những người làm công tác y tế nước ta. Vì vậy, để những hình ảnh của người thầy thuốc đẹp mãi trong lòng nhân dân, và để cho y đức luôn là niềm tự hào của ngành Y tế, mỗi thầy thuốc cần phải nêu cao lòng nhân ái, cần phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân, luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu", "Lương y kiêm từ mẫu"; đồng thời khắc ghi 10 lời thề của Hy-pô-crát và 12 điều quy định về y đức trong ngành Y tế nước ta. Có như thế mới xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ về y đức, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta; xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành Y tế, xứng đáng với vẻ đẹp trong sáng và nhân văn của những chiến sỹ khoác áo blouse trắng trên mặt trận chống bệnh tật và cứu người./.
–––––––––––––––––––
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011, Tập 9, Trang 343;
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011, Tập 5, Trang 487;
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011, Tập 8, Trang 154;
4. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (1951 - 1955). Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2007, Tập 5, Trang 511;
5. Hồ Chí Minh toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011, Tập 15, Trang 36.
ThS. Trần Quỳnh