Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người làm báo

 

Nhà báo cách mạng - Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc (Ảnh tư liệu)

Nếu tính từ năm 1911, khi Bác Hồ xuất phát từ bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến khi Người qua đời năm 1969, là 58 năm Người hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; giành độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân ta; cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới; cho sự nghiệp củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trong thời gian ấy, Bác Hồ đã có 40 năm tham gia viết báo và trực tiếp tham gia làm báo. Điều này đã được chính Bác Hồ cho biết khi đến nói chuyện với các nhà báo dự Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959, tại Hà Nội).

40 năm với tư cách là một nhà báo, làm chủ bút nhiều tờ báo và trực tiếp viết rất nhiều bài báo, Bác Hồ luôn nêu cao tinh thần của một nhà báo vô sản, cách mạng và chân chính; luôn quan tâm đề cao đạo đức của người làm báo, viết báo. Người đòi hỏi cán bộ báo chí cũng phải là những chiến sỹ cách mạng, là người cán bộ cách mạng. Với người cán bộ cách mạng nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]. Cũng theo Bác Hồ: “Cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân[2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng nước ta. Theo quan niệm của Bác Hồ, những người làm báo gồm: người viết, người in, người sửa bài, người phát hành. Lúc thì Bác dùng khái niệm “nhà báo”, lúc thì dùng khái niệm “người làm báo”, nhưng khái niệm chung nhất Bác thường dùng là “cán bộ báo chí”. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi những người cán bộ báo chí là phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng: “...Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau rồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”[3] hay “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”[4].

Trong việc tu dưỡng đạo đức cách mạng của người cán bộ báo chí, một vấn đề được Bác Hồ đặc biệt quan tâm đó là lập trường tư tưởng chính trị của người làm báo. Theo Bác, đối tượng phục vụ của báo chí chính là quần chúng nhân dân lao động; mục đích của báo chí cũng chính là phục vụ quần chúng nhân dân lao động, bên cạnh đó, báo chí còn phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam và nền hoà bình thế giới. Vì thế, Người cho rằng: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”[5].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phê bình và tự phê bình. Người cũng luôn yêu cầu cán bộ cách mạng phải không ngừng phê bình và tự phê bình. Theo Người thì phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Đối với báo chí cũng vậy, vì trong việc tư dưỡng đạo đức cách mạng của người làm báo không thể thiếu phê bình và tự phê bình. Qua phê bình và tự phê bình, những người làm báo sẽ phát hiện ưu điểm, khuyết điểm của mình để phấn đấu hoàn thiện bản thân, nâng cao tay nghề và bản lĩnh chính trị.

Ngày 8/9/1962, khi đến nói chuyện với các nhà báo dự Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, Bác Hồ đã ân cần truyền đạt kinh nghiệm làm báo của mình cho những thế hệ cán bộ báo chí tiếp sau: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:  Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”[6].

Về việc nhà báo hay người làm công tác tuyên truyền trước khi đặt bút viết phải luôn tự hỏi mình viết cho đối tượng nào đã được Bác Hồ đề cập từ trước đó trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem (…) Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn. Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy (…) Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại (…) Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những chữ thừa, vô ích bỏ đi”[7].

Hàng năm, cứ đến kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) là dịp để mỗi nhà báo hay người làm báo của Việt Nam ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà báo vô sản chân chính, người sáng lập ra nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây cũng là dịp để mỗi nhà báo Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập và làm theo phong cách làm việc của Nhà báo Hồ Chí Minh; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong sáng của người làm báo Việt Nam./.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tập 5, tr.293;

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.480

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.466;

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.466;

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.166.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.464-465

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.298.

 

ThS. Trần Quỳnh

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website