Nguyễn Vǎn Khoan
"Thầy thuốc" danh từ được dùng để gọi tất cả các cán bộ trong ngành y dược. .. Thầy thuốc còn là người bằng hoạt động của mình không cho bệnh xâm nhập vào con người, với cả người chưa ốm. Thầy thuốc còn là một nhà tâm lý học "phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu" như Bác Hồ dặn.
Những thầy thuốc của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã và đang thực hiện một đường lối y học cách mạng, hoạt động nghề nghiệp trong một nước đang làm một cuộc cách mạng mới "xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu" coi con người là vốn quý nhất.
Đứng về góc độ này, tất cả các thầy thuốc Việt Nam đều là những người cách mạng Việt Nam.
Là người cách mạng - theo lời dạy của Hồ Chủ tịch- là phải có đạo dức cách mạng. Đạo đức cách mạng của người cách mạng theo kim chỉ nam Hồ Chí Minh là: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, tín, trung, là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
Đạo đức cách mạng của người thầy thuốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh như sau:
Nhân là sẵn sàng chịu cực khổ trước người ốm bệnh, không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền, đồng cam cộng khổ với đồng nghiệp, với người ốm bệnh.
Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, việc bất kỳ to nhỏ phải làm cẩn thận, thấy việc phải làm thì làm, thấy việc phải nói thì nói...
Trí là không vì tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt, dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng, biết xem người xét việc, xét bệnh cho đúng.
Dũng là dũng cảm, gan góc gặp việc phải có gan làm, có gan chữa chạy cho người ốm bệnh. Cực khổ khó khǎn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, có gan hy sinh cả tính mệnh cho y học, cho người ốm bệnh... không bao giờ rụt rè, nhút nhát.
Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài của người bệnh không nghĩ đến việc người bệnh đền đáp công lao. Không tham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại. Không bao giờ hủ hoá, không ham sắc....
Tín là phải tin vào người bệnh, làm cho người bệnh tin mình. Tín cũng còn nghĩa là tin ở sức mình, nhưng không phải tự mãn, tự cao.
Trung là trung thành với nước, với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với đạo tín cách mạng của người thầy thuốc, người mẹ hiền.
Nói tóm lại đạo đức cách mạng của người thầy thuốc là:
Đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động, của người có bệnh lên trên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ người ốm bệnh...
Muốn thực hiện được đạo đức cách mạng đó, ngành y, dược, các ngành có liên quan, toàn Đảng, toàn dân, tất cả cán bộ quản lý hành chính, chuyên môn y dược cần thực hiện đầy đủ những lời dặn của Bác:
- Phòng bệnh là chính,
- Phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây,
- Mỗi cán bộ y tế là một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ sức khoẻ.
Thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền, phải là người mẹ hiền lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm hoá người bệnh vì ốm đau, lo lắng không được nhã nhặn với mình. "Phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt".
Toàn dân ta có cơ sở để tin tưởng rằng cán bộ ngành y tế cùng với Chính phủ với sự cộng tác, giúp đỡ của nhân dân sẽ tạo nên những bước tiến mới trong ngành y và nhất là trong các thầy thuốc.
Bộ Y Tế; NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997