PTS. Vũ Vǎn Châu
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "dân cường thì nước mạnh", vì vậy, giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước, việc chữa bệnh tật, chǎm sóc sức khoẻ của nhân dân, bảo vệ "sự khang kiện của giống nòi" là nhiệm vụ vẻ vang của cán bộ, nhân viên y tế được Chính phủ phó thác cho.
Chǎm lo sức khoẻ của nhân dân và sự cường thịnh của dân tộc, một mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, động viên toàn dân thường xuyên tập thể dục thể thao, thực hiện vệ sinh phòng bệnh; mặt khác Người hết sức quan tâm tới hoạt động y tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, nhân viên y tế, quân y trước hết phải thật thà đoàn kết nội bộ, có vậy mới vượt được khó khǎn, giành được nhiều thành tích; sau là phải cố gắng học tập, nghiên cứu để luôn tiến bộ về chuyên môn và "xây dựng một nền y học của ta" có đủ ba tính chất khoa học, dân tộc, đại chúng. Song, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn nhiều hơn cả ở cán bộ, nhân viên y tế là phải "tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân", nhất là người bệnh - người đã phó thác tính mệnh của họ cho các thầy thuốc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, hy sinh; chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần người bệnh; yêu thương người bệnh và sǎn sóc họ như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Người dạy: "lương y phải kiêm từ mẫu", lương y phải như từ mẫu.
Có thể nói, phần lớn những người làm công tác y tế ở nước ta hiện nay đã và vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong ngành. Tuy nhiên, chưa đủ để khẳng định hoạt động y tế của nước ta đáp ứng được yêu cầu mà thực tế đời sống đặt ra.
Để thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành y, tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý của người thầy thuốc trong thời kỳ đổi mới đất nước; đồng thời khắc phục những mặt yếu kém của ngành trong những nǎm qua, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đúng đắn để xây dựng nền y tế theo hướng dân tộc khoa học, đại ý như đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở y tế, phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh, cải thiện các chỉ tiêu cơ bản về sức khoẻ cho mọi người, v.v..
Nước ta hiện nay có khoảng 74 triệu người, nhiều bệnh xã hội và bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên đang có xu hướng ngày càng gia tǎng. Vì vậy nhu cầu về khám, chữa bệnh, về thuốc chữa bệnh cũng ngày càng lớn và đa dạng. Trong khi các cơ sở y tế trung ương và địa phương do Nhà nước quản lý chưa thể đáp ứng được nhu cầu to lớn đó thì việc mở rộng đối tượng mua bảo hiểm y tế và xã hội hoá y tế, động viên toàn dân tham gia thực hiện công tác chǎm sóc và bảo vệ sức khoẻ, nâng cao thể chất là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Để công tác này có hiệu quả, cần tích cực củng cố hệ thống y tế nhà nước từ trung ương đến phường, xã; mặt khác cần quản lý chặt chẽ các cơ sở y tế tư nhân, lập lại trật tự, kỷ cương loại hình hoạt động này của y tế, trong đó cần đề cao thái độ phục vụ của người làm công tác y tế. Thực hiện việc này, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 6-11-1996 quy định về y đức. Quyết định này nhấn mạnh: y đức là phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao và lòng nhân ái của người làm công tác y tế; đồng thời đòi hỏi tất cả cán bộ, nhân viên y tế thực hiện tốt "Quy định về y đức". Ai làm tốt sẽ được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước; ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. "Quy định về y đức" của Bộ Y tế sẽ có tác dụng lớn trong việc thực hiện chủ trương đề cao y đức "thầy thuốc phải như mẹ hiền" của Đảng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ Y Tế; NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997