BỘ CÔNG AN – VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
– TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO – BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP
|
Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2015
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM CỦA THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP NGÀY 24/12/2007 CỦA BỘ CÔNG AN, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, BỘ TƯ PHÁP HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG XVIII “CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY” CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999
Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);
Căn cứ Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự;
Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây viết gọn là Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT),
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT
1. Sửa đổi, bổ sung điểm a tiết 1.1 mục 1 Phần I như sau:
“a) Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng thì không coi toàn bộ dung dịch hoặc dung dịch pha loãng này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng chất ma túy trong dung dịch để tính, trọng lượng chất ma túy đó.
Ví dụ: Thuốc phiện, hêrôin được hòa thành dung dịch thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của thuốc phiện trong dung dịch để tính trọng lượng của thuốc phiện hoặc xác định hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của hêrôin để tính trọng lượng hêrôin”.
2. Sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I như sau:
“1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng đẻ xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:
a, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;
b, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;
c, Xái thuốc phiện;
d, Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật.
Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.
Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi... thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.
Trường hợp không thu giữ được vật chứng là chất ma túy, tiền chất nhưng có căn cứ xác định được trọng lượng chất ma túy, tiền chất mà người phạm tội đã mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh và điều khoản tương ứng.”
Điều 2. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành, nếu các hướng dẫn trong Thông tư liên tịch này làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với các hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT thì được áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
2. Đối với các trường hợp mà người phạm tội đã bị kết án đúng theo Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng hướng dẫn của Thông tư liên tịch này để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2015. Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II; mục 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT.
Điều 4. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên quan phản ánh về Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp để có hướng dẫn kịp thời.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Lê Quý Vương
|
KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Trần Công Phàn
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG
Đinh Trung Tụng
|
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Sơn
|
|
|