Thụy Điển (Sweden)

 Vương quốc Thụy Điển (Kingdom of Sweden)

Mã vùng điện thoại: 46                            Tên miền Internet: .se

center

Quốc kỳ Vương quốc Thụy Điển

Vị trí địa lý: Nằm ở Bắc Âu, phần đất phía đông bán đảo Xcăng-đi-na-vơ; Tây và Bắc giáp Na Uy, Đông giáp Phần Lan, Nam giáp biển Ban-tích và Đan Mạch. Tọa độ: 62000 vĩ bắc, 15000 kinh đông.

Diện tích: 449.964 km2, trong đó rừng chiếm 228.000 km2, hồ 39.000 km2 và đất canh tác chiếm 30.000 km2.

Thủ đô: Xtốc-khôm (Stockholm)

Lịch sử: Từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XVI, nước này bị Đan Mạch thống trị. Từ nửa sau thế kỷ XVI, các vương triều hùng mạnh của Thụy Điển liên tục tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược. Cuối thế kỷ XVII, Thụy Điển trở thành nước thống trị vùng biển Ban-tích. Nhưng từ năm 1721, sau thất bại trong cuộc chiến tranh với Nga, Thụy Điển đã mất toàn bộ những vùng chiếm được. Từ năm 1814, Thụy Điển thực hiện chính sách trung lập không tham gia vào các cuộc chiến tranh.

Quốc khánh: 6-6 (1809).

Tổ chức nhà nước:

Chính thể: Quân chủ lập hiến.

Các khu vực hành chính: 21 hạt: Blekinge, Dalarnas, Gavleborgs, Gotlands, Hallands, Jamtlands, Jonkopings, Kalmar, Kronobergs, Norrbottens, Orebro, Ostergotlands, Skene, Sodermanlands, Stockholms, Uppsala, Varmlands, Vasterbottens, Vasternorrlands, Vastmanlands, Vastra Gotalands.

Hiến pháp: Thông qua ngày 1-1-1975.

Cơ quan hành pháp: bao gồm Chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương.

- Chính phủ: nhiệm kỳ 4 năm

Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Thủ tướng là người được Chủ tịch Quốc hội đề nghị đứng ra thành lập Chính phủ mới. Thủ tướng được chỉ định tiến hành bổ nhiệm các thành viên trong chính phủ. Sau đó Quốc hội thông qua thành phần Chính phủ mới theo nguyên tắc đa số phiếu tán thành.

Chính phủ hoạt động với nhiệm kỳ 4 năm hoặc khi Thủ tướng đương nhiệm từ chức do mất tín nhiệm hoặc vì lý do cá nhân. Chính phủ có quyền đề nghị giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Song Quốc hội được bầu lại chỉ tồn tại đến hết thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Chính phủ hiện nay là Chính phủ Liên minh 4 đảng trung hữu (Ôn hòa, Tự do, Trung tâm và Dân chủ Thiên chúa giáo).

- Chính quyền địa phương gồm:

+ Chính quyền cấp tỉnh: cả nước có 21 tỉnh, đứng đầu mỗi tỉnh là một thống đốc do Chính phủ chỉ định.

+ Chính quyền cấp địa phương: 290 thành phố/quận. Cơ quan hành chính cấp thành phố/địa phương gọi là Hồi đồng thành phố do dân bầu. Mỗi đảng phải đạt ít nhất 3% tổng số phiếu bầu mới có đại diện trong Hội đồng.

Cơ quan lập pháp: Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất thông qua các đạo luật và các quyết định có tính chất chính sách. Hiến pháp đầu tiên được thông qua vào năm 1809 và được sửa đổi năm 1886. Năm 1971, Thụy Điển thực hiện chế độ một viện, bỏ Thượng viện, chỉ còn Hạ viện hay Quốc hội (Riksdag) với 349 ghế, nhiệm kỳ 4 năm, bỏ phiếu theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Một đảng phải giành được tối thiểu 4% số phiếu bầu trong cả nước mới có đại diện trong Quốc hội.

Quốc hội hiện có 16 ủy ban chuyên trách, phụ trách các vấn đề liên quan đến Hiến pháp, ngân sách, tài chính, thuế khóa và các vấn đề chủ yếu khác của các cơ quan cấp Bộ. Quốc hội bỏ phiếu thông qua thành phần Chính phủ mới, bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng/Bộ trưởng nếu có 1/3 số nghị sỹ yêu cầu.

Cơ quan tư pháp:

- Hệ thống pháp luật bao gồm: Luật về tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 1974); Luật về tổ chức Chính phủ (sửa đổi năm 1974); Luật về kế vị ngôi Vua (sửa đổi năm 1979); Luật về tự do ngôn luận (sửa đổi năm 1983); Luật về các quyền cơ bản của con người (sửa đổi năm 1979) và Luật về nhà thờ (thông qua năm 1982).

- Hệ thống tòa án hoạt động độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp, được chia làm 3 cấp: trung ương, tỉnh và quận. Chánh án tòa án tối cao do Chính phủ bổ nhiệm có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các đạo luật đã được ban hành. Các quy định về xét xử chung như các hành vi phạm tội do tòa án cấp quận xét xử. Tòa án phúc thẩm xét phúc tra và cuối cùng trình lên tòa án tối cao quyết định. Các hành vi vi phạm khác về thuế, phúc lợi xã hội và các vấn đề thuộc Hội đồng cấp quận, thành phố do tòa án địa phương, tòa hành chính phúc thẩm và tòa hành chính tối cao xét xử. Các lĩnh vực đặc biệt như thị trường lao động do các tòa án chuyên ngành xét xử.

- Thanh tra Quốc hội (Ombudsman) gồm thanh tra tư pháp được Quốc hội bổ nhiệm để giám sát việc thực hiện luật pháp và các quy định khác trong khu vực dịch vụ công cộng. Chính phủ bổ nhiệm các thanh tra khác để giám sát các vấn đề như bình đẳng nam nữ, phân biệt sắc tộc và tự do báo chí.

Chế độ bầu cử: Từ 18 tuổi trở lên, phổ thông đầu phiếu.

Các đảng phái chính: Đảng Dân chủ xã hội; Đảng Ôn hòa (bảo thủ); Đảng Nhân dân tự do; Đảng Trung tâm; Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo; Đảng Dân chủ mới; Đảng Cánh tả (Đảng Cộng sản cũ); Đảng Công nhân cộng sản; Đảng Xanh.

Khí hậu: Tuy nằm ở gần Bắc cực, nhưng do ảnh hưởng của hải lưu nóng Gulf Stream nên khí hậu tương đối ôn hòa. Mùa hè nhiệt độ trung bình từ 15oC – 17oC. Mùa Đông ở miền Bắc trung bình -14oC, miền Nam -1oC.

Địa hình: Phần lớn là vùng đất thấp bằng phẳng, núi ở phía tây.

Tài nguyên thiên nhiên: Kẽm, sắt, chì, đồng, bạc, gỗ, uranium, thủy điện.

Dân số: Khoảng 9,4 triệu người, trong đó 1,2 triệu là người nước ngoài nhập cư (cập nhật tháng 6/2012)

Các dân tộc: Người Thụy Điển chiếm 81,9%, người Phần Lan khoảng 5%, các nhóm dân tộc khác là 13%, trong đó người Láp (còn gọi là người Sam) có khoảng 150.000 người.

Ngôn ngữ: Tiếng Thụy Điển. Ngoại ngữ thông dụng nhất là tiếng Anh.

Tôn giáo: Đạo Tin lành dòng Lu-thơ chiếm 85% dân số, còn lại là các tôn giáo khác.

Kinh tế:

Tổng quan: Do có hòa bình trong hơn hai thế kỷ và đứng trung lập trong hai cuộc chiến tranh thế giới thế kỷ XX, Thụy Điển là một trong những quốc gia đã đạt được mức sống cao nhất trên thế giới. Gỗ, thủy điện và quặng sắt là các nguồn cơ bản của nền kinh tế định hướng thiên về ngoại thương. Các công ty tư nhân chiếm khoảng 90% tổng sản lượng công nghiệp, trong đó khu vực kỹ thuật chiếm 50% tổng sản lượng và xuất khẩu. Nông nghiệp chỉ chiếm 2% của GDP và 2% việc làm.

Sản phẩm công nghiệp: Sắt và thép, thiết bị chính xác, bột gỗ và các sản phẩm giấy, thực phẩm, phương tiện giao thông.

Sản phẩm nông nghiệp: Ngũ cốc, củ cải đường, khoai tây; thịt, sữa. 

Văn hoá: Thuỵ Điển có nền văn hóa có lịch sử lâu đời cùng những công trình kiến trúc đồ sộ. Ở đây cũng có nhiều khác biệt về văn hóa: Đô thị thì rất thời thượng, hiện đại, trong khi nông thôn thì đơn giản, nhẹ nhàng. Thụy Điển cũng là quốc gia đa văn hóa nên có rất nhiều lễ hội. Và lễ hội mùa hè được coi là lễ hội quan trọng nhất đối với người dân Thụy Điển.

Giáo dục: Thụy Điển là nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao. Giáo dục mầm non bắt đầu từ khi trẻ em 3 - 4 tuổi. Sau đó là chương trình tiểu học 6 - 7 năm miễn phí và một chương trình bắt buộc 9 năm. Hơn 90% số học sinh tốt nghiệp các trường tiểu học tiếp tục theo học bậc trung học. Có hơn 30 trường cao đẳng, đại học đào tạo khoa học và dạy nghề miễn phí cho sinh viên. Ngoài ra còn có chương trình giáo dục tích cực dành cho người lớn tuổi.

Các thành phố lớn: Goteborg, Malmo, Uppsala...

Đơn vị tiền tệ: Krona Thụy Điển (SKr); 1 SKr - 100 oere

Quan hệ quốc tế: Tham gia các tổ chức quốc tế AfDB, AsDB, BIS, EBRD, ECE, EFTA, FAO, IADB, IAEA, IBRD, ICAO, IFAD, ILO, IMF, IMO, Interpol, IOC, IOM, ISO, ITU, OECD, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UNU, UPU, WHO, WIPO, WMO, WTrO, v.v..

Danh lam thắng cảnh: Ở Xtốckhôm: Bảo tàng cổ vật quốc gia, nhà thờ Rítđơhôn, Hoàng cung, thư viện Hoàng gia, cung Đrốtninghôm; hồ Sidan, kênh Gôta, v.v..

Lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: ngày 11/1/1969

- Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969). Thụy Điển cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (8/1966). Tháng 10/1968, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam lập phòng thông tin tại Stockholm.

Tháng 6/1970, Thụy Điển lập Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 7/1970. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Stockholm tháng 4/9/1982. Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức quyết định đặt quan hệ với Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển. Tháng 12/2010, Chính phủ Thụy Điển, với lý do cắt giảm ngân sách, đã quyết định đóng cửa 5 sứ quán Thụy Điển trên thế giới vào năm 2011, trong đó có Sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 2/8/2011, sau khi thỏa thuận được vấn đề ngân sách với liên minh đối lập, Chính phủ Thụy Điển tuyên bố giữ lại ĐSQ tại Việt Nam.

Đầu tháng 11/2012, ĐSQ Thụy Điển tại Hà Nội xin phép mở thêm Văn phòng Thương mại trực thuộc Cơ quan xúc tiến thương mại – đầu tư Thụy Điển “Business Sweden” nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Giữa tháng 9/2013, Văn phòng Thương mại chính thức đi vào hoạt động.

Ngày 18-19/3/2014, Thụy Điển lần đầu tiên tổ chức Hội nghị các Đại sứ Thụy Điển tại Châu Á tại Hà Nội do Thứ trưởng Ngoại giao Frank Belfrage chủ trì. Đây là một sự kiện quan trọng của ngành ngoại giao Thụy Điển diễn ra vào đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội:

số 2 Núi Trúc, Quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: +84 4 3726 0400

Fax: +84 4 3823 2195

E-mail: ambassaden.hanoi@gov.se

Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển:

Örby Slottsvägen 26, 125/71 Älvsjö, Stockholm, Sweden

Địa chỉ gửi thư: Box 45, 125 21 Älvsjö

Điện thoại: + 46-8-5562 1071/1077/1082/1074

Fax: + 46-8-55 62 1080

E-mail: info@vietnamemb.se

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website