Đảng Cộng sản (ĐCS) Bồ Đào Nha được thành lập ngày 6-3-1921. Sau cuộc đảo chính quân sự - phát xít tháng 5-1926, Đảng liên tục đấu tranh cách mạng trong điều kiện khắc nghiệt, hoạt động bí mật gian khổ dưới chế độ độc tài phát xít.
Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai là thời kỳ khôi phục lại Đảng về mặt tổ chức và tư tưởng. Mặc dù bị đàn áp khốc liệt, ĐCS Bồ Đào Nha đã đứng vững và lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân lao động chống lại chế độ phát xít, nguy cơ chiến tranh đế quốc. Nhờ cải tổ lại Đảng, những năm 1940 - 1941 đã thành lập Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, bộ máy của Đảng, phát hành báo Tiến lên (Avante) - Cơ quan ngôn luận của Đảng.
Đại hội lần thứ III họp tháng 11-1943 đã đề ra đường lối đấu tranh nhằm củng cố và tăng cường sự thống nhất hành động của giai cấp công nhân với các tầng lớp nhân dân có tinh thần chống phát xít. Từ Đại hội lần thứ IV (1946) đến Đại hội VI (1965), ĐCS Bồ Đào Nha đã trưởng thành nhanh chóng và ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Đại hội VI thông qua Cương lĩnh mới, trong đó chỉ rõ sự cần thiết phải thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời nhấn mạnh để giải quyết tận gốc các vấn đề chính trị của đất nước phải tiến hành cuộc khởi nghĩa dân tộc lật đổ chế độ chuyên chính phát xít, chú trọng khéo léo kết hợp hiệu quả các phương pháp hoạt động công khai và không công khai. Trong thời kỳ thống trị của chế độ chuyên chính phát xít, ĐCS Bồ Đào Nha thường xuyên bị khủng bố ác liệt, nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, trong đó có Tổng Bí thư cũng đã bị bắt giam một thời gian dài trong các nhà tù của bọn phát xít. Tuy vậy, ĐCS Bồ Đào Nha vẫn kiên cường đấu tranh và góp phần to lớn vào việc chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tư năm 1974, đưa đất nước tiến lên con đường dân chủ, tiến bộ.
Đại hội lần thứ IX ĐCS Bồ Đào Nha (1979) đã đề ra nhiệm vụ phấn đấu thống nhất tất cả các lực lượng dân chủ, cánh tả trong nước để đấu tranh thực hiện Hiến pháp đã thông qua, bảo vệ các thành quả cách mạng, cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân lao động, mở rộng các quan hệ quốc tế của Bồ Đào Nha, phát triển sự hợp tác với các nước XHCN và các nước đang phát triển. Đại hội X (12-1983) đưa ra đường lối nhằm mở rộng những cải cách chính trị, kinh tế-xã hội được khởi xướng từ sau Cách mạng tháng Tư. Tại cuộc bầu cử Quốc hội (10-1985), ĐCS Bồ Đào Nha cùng với các đồng minh trong "Liên minh thống nhất nhân dân" đã giành được 38 ghế. Đại hội XI (1986) thảo luận và thống nhất quan điểm của Đảng tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống (16-2-1986), theo đó, ĐCS Bồ Đào Nha và các đồng minh của Đảng đã đóng vai trò quyết định đưa ứng cử viên của Đảng Xã hội giữ cương vị Tổng thống nước Cộng hoà. Trong hoạt động quốc tế, ĐCS Bồ Đào Nha tích cực tham gia các hội nghị của các ĐCS và Công nhân quốc tế năm 1957, 1960, 1969; cử đại biểu dự Hội nghị Béclin năm 1976 và cuộc gặp gỡ Pari năm 1980 của các ĐCS và Công nhân Châu Âu.
Trong bối cảnh khủng hoảng sâu sắc và toàn diện của Phong trào cộng sản quốc tế cuối những năm 80 - đầu 90 của thế kỷ XX, nhất là sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô, ĐCS Bồ Đào Nha với tư cách là một bộ phận cấu thành hữu cơ của Phong trào cũng chịu những tác động tiêu cực nặng nề. ĐCS Bồ Đào Nha đã triệu tập Đại hội XIII (bất thường, cuối năm 1990). Trên cơ sở phân tích những khiếm khuyết trong mô hình CNXH hiện thực, Đại hội cho rằng cần phải xác định chính xác và cụ thể hơn những mục tiêu của xã hội XHCN mà Đảng phấn đấu, đưa ra các chủ trương, biện pháp phù hợp với tình hình mới. Đại hội XIII nhấn mạnh: "Chủ nghĩa cộng sản không chết, chủ nghĩa cộng sản là tương lai của nhân loại", "CNTB vẫn tiếp tục sa lầy trong các cuộc khủng hoảng". Mục tiêu cao nhất của Đảng được xác định vẫn là xây dựng CNXH ở Bồ Đào Nha. ĐCS Bồ Đào Nha tiếp tục khẳng định là Đảng của giai cấp công nhân, kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức xây dựng Đảng.
Tại các Đại hội XIV (12-1992), XV (12-1996) và XVI (12-2000), ĐCS Bồ Đào Nha cùng với việc khẳng định một cách nhất quán lý tưởng, mục tiêu, nguyên tắc xây dựng xã hội XHCN ở Bồ Đào Nha, đã xác định rõ bản sắc của Đảng. Bản sắc cộng sản của Đảng thể hiện ở bản chất giai cấp công nhân, ở mục tiêu xây dựng một xã hội mới không có người bóc lột người, ở lý luận cách mạng mác-xít, ở phong cách hoạt động bảo đảm sự thống nhất và khả năng ảnh hưởng của Đảng tới các sự kiện, ở mối quan hệ chặt chẽ và bền vững với quần chúng, ở lòng yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin - phương pháp luận và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Các đại hội nêu trên đều nhấn mạnh yêu cầu phải thường xuyên đổi mới, củng cố về tổ chức, đoàn kết nội bộ, mở rộng ảnh hưởng trong quần chúng để tiến lên. Đồng thời, ĐCS Bồ Đào Nha phát triển một số điểm trong đường lối chính trị, trong đó chủ trương mở rộng khối liên minh công - nông thành một mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi, bao gồm các tầng lớp nhân dân. Đại hội XVI nêu khẩu hiệu "Dân chủ và CNXH - một dự án của thế kỷ XXI" và đặt mục tiêu đưa ĐCS Bồ Đào Nha trở thành Đảng tham chính.
Trên bình diện đối ngoại, ĐCS Bồ Đào Nha chủ trương chính sách đối ngoại vì dân tộc, không lệ thuộc vào Mỹ, bảo vệ hoà bình, hữu nghị và hợp tác với các dân tộc. Trong quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, ĐCS Bồ Đào Nha coi trọng tình đoàn kết, phối hợp hành động quốc tế, đồng thời xác định kiên trì đấu tranh, nguyện phấn đấu để củng cố Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. ĐCS Bồ Đào Nha và các lực lượng dân chủ, tiến bộ khác luôn kiên trì đấu tranh chống sự phản kích của các lực lượng phản động, chống các chính sách phản dân chủ của chính quyền tư sản, bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng Tháng Tư năm 1974, thông qua đó tăng cường phát triển lực lượng của Đảng trong quần chúng. ĐCS Bồ Đào Nha hiện nay có trên 140 nghìn đảng viên, là một trong những chính đảng lớn trong Quốc hội. Cơ quan ngôn luận của ĐCS Bồ Đào Nha là báo Tiến lên (Avante) và tạp chí lý luận Tranh đấu (Ômilitan). Các tổ chức quần chúng xã hội có ảnh hưởng rộng rãi của ĐCS Bồ Đào Nha là Tổng Liên đoàn Lao động Bồ Đào Nha và Đoàn Thanh niên Cộng sản Bồ Đào Nha.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng