Đảng cộng sản Canađa

Là một ĐCS ra đời và hoạt động ở một nước tư bản phát triển, cuộc đấu tranh của những người cộng sản Canađa nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chống lại sự áp bức bóc lột của CNTB gặp muôn vàn khó khăn. Đảng liên tục bị các thế lực tư bản, cánh hữu và phản động tấn công từ nhiều phía: chính trị, tư tưởng, tổ chức. Tuy nhiên, ĐCS Canađa không chỉ có truyền thống đấu tranh mà còn là một trong những đảng thể hiện bản lĩnh cách mạng vững vàng, biết tổ chức tập hợp lực lượng vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt của thời cuộc. Lịch sử hoạt động của Đảng luôn được đánh giá cao trong phong trào cộng sản quốc tế (PTCSQT). 

Sau gần một năm kể từ khi ra đời, để có thể hoạt động công khai, những người cộng sản Canađa tại Đại hội tháng 2-1922 đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Công nhân Canađa. Năm 1924, sau khi Chính phủ tư sản bãi bỏ đạo luật phản động cấm các tổ chức tiến bộ, Đảng công nhân Canađa lấy lại tên gọi ĐCS. Mặc dù vậy, trong các năm 1931 - 1935 và 1940 - 1943, ĐCS Canađa lại phải hoạt động bí mật.

 Kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn, ĐCS Canađa tiến hành cuộc đấu tranh tích cực vì những lợi ích kinh tế - xã hội và quyền dân chủ cơ bản của người lao động, vì sự thống nhất của giai cấp công nhân. Thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933), ĐCS Canađa luôn đi đầu trong phong trào đòi cải thiện đời sống dân sinh, chống sa thải nhân công và tình trạng thất nghiệp. Một trong những trang sử đáng ghi nhớ của Đảng là hoạt động ủng hộ nền Cộng hoà Tây Ban Nha (1936). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiểu đoàn tình nguyện Canađa được thành lập và sang tham gia chiến đấu trong đội quân tình nguyện quốc tế tại Tây Ban Nha. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, ĐCS Canađa hoạt động sôi nổi, động viên các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa phátxít. Do đó, năm 1940 Chính phủ Canađa cấm ĐCS hoạt động, những người cộng sản quyết định đổi tên thành Đảng Tiến bộ Công nhân (1943). Đến năm 1959 lấy lại tên gọi là ĐCS. Năm 1965, ĐCS Quêbếch ra đời với tư cách một bộ phận của ĐCS Canađa nhưng được độc lập hoạch định đường lối hoạt động cho phù hợp với đặc thù của tỉnh này, nơi tuyệt đại bộ phận là cư dân gốc Pháp.

 Vào những năm 70 của thế kỷ XX, trong khung cảnh ấm dần lên của quan hệ Liên Xô - Canađa cùng với sự dâng cao của phong trào dân chủ rộng rãi, ĐCS Canađa có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động của mình. Đại hội XXI của Đảng (1971) thông qua Cương lĩnh với tên gọi "Con đường đi lên CNXH ở Canađa", trong đó xác định rõ phương hướng chủ yếu đấu tranh cho những quyền lợi kinh tế-xã hội căn bản của nhân dân lao động. Đồng thời, ĐCS Canađa nhấn mạnh mục tiêu đấu tranh vì nền độc lập dân tộc, đòi xoá bỏ sự thống trị của tư bản Mỹ trong nền kinh tế đất nước, mở rộng các quyền dân chủ, thừa nhận sự bình đẳng giữa hai cộng đồng cư dân Canađa gốc Anh và gốc Pháp trong một nhà nước thống nhất đa dân tộc. ĐCS Canađa khẳng định lập trường kiên trì sự thống nhất của giai cấp công nhân và tính độc lập của phong trào công đoàn Canađa, giải phóng khỏi sự khống chế các công đoàn Mỹ, thành lập liên minh dân chủ rộng rãi chống độc quyền.

 Kiên định lập trường Mácxít - Lêninít về các vấn đề quốc tế hiện đại và PTCSQT, ĐCS Canađa chú trọng củng cố tình đoàn kết của phong trào, phê phán mọi mưu toan đòi thay đổi học thuyết của CNXH khoa học bằng các lý luận cơ hội và cải lương. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng của CNXH hiện thực ngày càng bộc lộ rõ nét, Đại hội XXVI ĐCS Canađa (4-1985) đã phân tích một cách toàn diện tình hình trong nước và quốc tế, đề ra cương lĩnh đấu tranh củng cố hoà bình thế giới, xác định phương án cụ thể chống lại sự xâm hại của chính quyền bảo thủ đối với những lợi ích thiết thân và những quyền dân chủ của người lao động, xác định nhiệm vụ trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, xây dựng Đảng, mở rộng liên hệ với các tổ chức và phong trào dân chủ, tiến bộ.

 ĐCS Canađa luôn chú trọng phát huy vai trò các cơ quan ngôn luận của Đảng trong công tác tư tưởng - lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn, nâng cao chất lượng báo "Tiếng nói nhân dân" (The People’s Voice) và tạp chí lý luận "Quan điểm cộng sản chủ nghĩa" (The Communíst’s View-point). Mặt khác, Đảng quan tâm củng cố tổ chức quần chúng của Đảng là Liên đoàn thanh niên Cộng sản Canađa.

 Tuy nhiên, cũng giống như nhiều ĐCS tại các nước tư bản phát triển, cuộc khủng hoảng toàn diện, sâu sắc của PTCSQT, đặc biệt là sự sụp đổ chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đã tác động tiêu cực nặng nề đến ĐCS Canađa. Từ đầu thập niên 90, do trong nội bộ xuất hiện mâu thuẫn và chia rẽ, một bộ phận đảng viên, trong đó có cả một số thành viên ban lãnh đạo đòi đổi tên Đảng thành Đảng Dân chủ. Những kẻ cơ hội cho rằng các nước XHCN đã mất gần hết vì vậy sự sụp đổ có tính dây chuyền của CNXH là điều không tránh khỏi. Phong trào cộng sản Canađa lâm vào tình trạng lúng túng, mất phương hướng, chưa xác định được đường lối hoạt động phù hợp. Những người cộng sản Canađa chân chính đã tiến hành tổ chức Đại hội bất thường - Đại hội lần thứ XXX (12-1992) nhằm khắc phục một bước cuộc khủng hoảng nội bộ, củng cố, kiện toàn Đảng về mặt tổ chức. Đại hội bầu ban lãnh đạo mới, đồng thời đề ra nhiệm vụ phục hồi và phát triển Đảng, duy trì mọi hoạt động trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ba năm sau, tháng 5-1995, ĐCS Canađa tiến hành Đại hội XXXI đánh giá tình hình quốc tế, trong nước và tương lai của CNXH; xem xét công tác tổ chức, sửa đổi điều lệ và bầu BCHTƯ mới. Đại hội XXXI đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng nội bộ, tiếp tục củng cố, phát triển Đảng, vạch ra phương hướng hoạt động trong điều kiện cụ thể mới.

 Đại hội XXXIII của ĐCS Canađa (2000) khẳng định tiếp tục kiên định bản sắc cộng sản và truyền thống cách mạng của Đảng trên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đại hội phê phán những tác động tiêu cực từ mặt trái của toàn cầu hoá đến đời sống người lao động, đến quan hệ Bắc - Nam, chỉ ra sự cần thiết phải đoàn kết giai cấp công nhân quốc tế trong cuộc đấu tranh chống CNTB độc quyền xuyên quốc gia. Đảng xác định mục tiêu đấu tranh vì một đất nước Canađa có việc làm, bình đẳng, hoà bình, độc lập và CNXH. Cũng như các thời kỳ trước đây, ngày nay ĐCS Canađa vẫn là một lực lượng có ảnh hưởng tích cực nhất trong phong trào chống chiến tranh. ĐCS Canađa lên tiếng mạnh mẽ đòi chấm dứt các vụ thử và loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân, đòi đưa Canađa ra khỏi NATO và Bộ Chỉ huy phòng thủ vũ trụ thống nhất Bắc Mỹ, giảm ngân sách quân sự, chuyển lĩnh vực sản xuất quân sự sang dân sự. Đảng cực lực phê phán Mỹ xúc tiến chương trình chạy đua vũ trang trong khoảng không vũ trụ, triển khai hệ thống phòng thủ quốc gia (NMD), tiến hành thử tên lửa Mỹ trên lãnh thổ Canađa. Khẩu hiệu: "Biến Canađa thành khu vực không có vũ khí hạt nhân" của Đảng đưa ra được hưởng ứng rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

 Những người cộng sản Canađa bày tỏ tin tưởng các nước XHCN còn lại và cho rằng sự thành công hoặc thất bại của các nước XHCN hiện nay sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của các ĐCS ở các nước tư bản phát triển cũng như phong trào cộng sản, công nhân. Trên bình diện quốc tế, ĐCS Canađa duy trì mối quan hệ với các ĐCS và công nhân trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế vô sản. Hiện nay, ĐCS Canađa có quan hệ với 85 ĐCS, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc. Gần đây, ĐCS Canađa đưa ra nhiều sáng kiến trong hoạt động quốc tế. Đảng đã phối hợp với ĐCS Mỹ lập ra uỷ ban kỹ thuật triển khai dự án về mạng máy tính toàn cầu, xây dựng hệ thống thông tin điện tử phục vụ các ĐCS trên thế giới, kêu gọi các đảng bạn cùng tham gia. Theo hướng này, ĐCS Canađa, Mỹ, Ôxtrâylia đã ký chung một bức thư gửi các ĐCS và công nhân, các tổ chức giải phóng dân tộc và cách mạng trên thế giới, kêu gọi nỗ lực ngăn chặn ý đồ của các nước tư bản phát triển trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các công ty xuyên quốc gia (TNC) muốn thông qua Hiệp định đa phương về đầu tư dưới mọi hình thức. Theo quan điểm của ba ĐCS nêu trên, nếu ý đồ đó được thực hiện sẽ xâm hại nghiêm trọng đến chủ quyền các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

 

 Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website