Đảng Cộng sản Nhật Bản

Dự thảo Cương lĩnh thành lập (1922) và các chính cương thông qua năm 1927, 1932 đều khẳng định Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình, kiên quyết chống chiến tranh đế quốc; đồng thời xác định nhiệm vụ của cách mạng Nhật Bản là làm cách mạng XHCN sau khi tiến hành cách mạng dân chủ tư sản.

 Trong những năm 1950, Đảng bị chia rẽ nghiêm trọng giữa phái hoạt động trong nước và phái hoạt động từ nước ngoài trở về mà chủ yếu là từ Liên Xô và Trung Quốc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quan hệ của ĐCS Nhật Bản với ĐCS Liên Xô và ĐCS Trung Quốc lâm vào tình trạng mâu thuẫn ngày càng sâu sắc. Đại hội lần thứ VIII của Đảng năm 1961 được coi là đại hội thống nhất Đảng. Cương lĩnh chính thức và Điều lệ được thông qua tại đại hội này tuyên bố con đường đi lên CNXH ở Nhật Bản là dân chủ nghị trường và khẳng định đường lối độc lập tự chủ của Đảng.

 Hai thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, ĐCS Nhật Bản là lực lượng luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tư bản độc quyền, bênh vực quyền lợi người lao động. Đảng tập hợp lực lượng xã hội đấu tranh đòi xoá bỏ Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ được ký kết từ năm 1960, chống lại việc Chính phủ Nhật Bản cho Mỹ xây dựng và triển khai các căn cứ quân sự tại Nhật Bản. ĐCS Nhật Bản có gần 50 vạn đảng viên. Tại các cuộc bầu cử, Đảng có đại biểu ở Hạ viện, Thượng viện và Hội đồng địa phương các cấp. 

 Cơ quan ngôn luận của Đảng là báo Akahata có số lượng phát hành hằng ngày khoảng trên 60 vạn bản, số chủ nhật lên hơn 2 triệu bản. Thu từ việc phát hành báo Akahata chiếm tới 96% nguồn thu của ĐCS Nhật Bản. Ngoài ra, ĐCS Nhật Bản còn có 10 loại tạp chí, có nhà xuất bản riêng và thông tấn xã JPS. Các tổ chức quần chúng của Đảng gồm Đoàn thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ mới Nhật Bản, Công đoàn ZenrorEN, Hội sinh viên tự trị toàn Nhật Bản và một số tổ chức hữu nghị, đoàn kết khác. 

 Sau chiến tranh lạnh, từ 1991 đến 1994, ĐCS Nhật Bản bước vào thời kỳ khó khăn mới. Vốn có những mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc từ trước, nên khi ĐCS Liên Xô tan rã thì ĐCS Nhật Bản cho rằng sự đổ vỡ đó không những là điều không thể tránh khỏi mà còn là điều cần thiết cho phong trào cộng sản quốc tế. Tuy nhiên, hành động thiếu tỉnh táo này của ĐCS Nhật Bản đã bị chính quyền tư sản Nhật Bản triệt để lợi dụng, đẩy mạnh tuyên truyền về "sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản" chĩa mũi nhọn tấn công vào ĐCS, nhằm làm suy yếu và thủ tiêu Đảng. Một bộ phận không nhỏ đảng viên ĐCS Nhật Bản không chỉ hoang mang dao động mà còn mất phương hướng. Nhiều đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lập trường giai cấp, đòi đổi tên Đảng hoặc xin ra Đảng. Số đảng viên ĐCS Nhật Bản từ 50 vạn giảm xuống còn 30 vạn. Trong hoàn cảnh đó, ĐCS Nhật Bản buộc phải điều chỉnh, chuyển hướng hoạt động. Đảng chú trọng hơn đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng, khẳng định không đổi tên Đảng trong bất kỳ tình huống nào, bởi vì đổi tên Đảng cũng có nghĩa là thay đổi mục tiêu và con đường cách mạng. Song song với việc giáo dục truyền thống cách mạng cho đảng viên, ĐCS Nhật Bản đã tiến hành phân tích nguyên nhân sai lầm dẫn đến sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu. Mặt khác, Đảng khẳng định rõ những giá trị, những thành tựu to lớn mà CNXH đạt được đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo thế giới đương đại.

 Bước vào thập niên 90, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục lâm vào tình trạng trì trệ, suy thoái đã làm cho đời sống nhân dân, đặc biệt là những người lao động ngày càng khó khăn. Các đảng phái chính trị tranh giành quyền lực, chống phá lẫn nhau đặt đất nước trước sự bất ổn về chính trị. ĐCS Nhật Bản xác định mục tiêu đấu tranh trước mắt là bảo vệ lợi ích thiết thực của người lao động. Bởi vậy, ảnh hưởng và uy tín của Đảng dần dần được củng cố, nâng cao trong các tầng lớp nhân dân. 

 Từ năm 1995 trở đi, ĐCS Nhật Bản bước vào quá trình hồi phục, củng cố và phát triển. Đại hội XX (1995) và Đại hội XXI (1997) của Đảng đã vạch ra đường lối kết hợp thực hiện 3 nhiệm vụ: Kiên trì CNXH khoa học, mở rộng chính sách mặt trận và tăng cường đấu tranh vì dân sinh, dân chủ. Tại nhiều địa phương, ĐCS thực hiện liên minh với một bộ phận các đảng bảo thủ chủ trương chống đại tư bản độc quyền lũng đoạn phản động, đề xướng những giải pháp khôi phục nền kinh tế, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng (chống tăng thuế tiêu dùng) v.v... Nhờ vậy, trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1996, ĐCS Nhật Bản đã giành thắng lợi, thu được 7,26 triệu phiếu, có 26 ghế tại Hạ viện và 95 ghế tại các Hội đồng địa phương. Năm 1997, trong bầu cử Hội đồng Thủ đô Tôkyô, ĐCS đã nâng số ghế của mình từ 13 lên 26. Trong bầu cử Thượng viện giành 23 ghế, chiếm 2/6 chức chủ tịch các uỷ ban của Thượng viện và có quyền đưa ra các dự án luật. Tháng 4-1999, Đảng giành thắng lợi có tính bước ngoặt trong đợt bầu cử địa phương với 152 ghế ở các tỉnh (tăng 54 ghế so với năm 1995) và 120 ghế tại các thành phố lớn (tăng 28 ghế so với năm 1995). 

 Đại hội lần thứ XXII của ĐCS Nhật Bản (2000) khẳng định tiếp tục đường lối do đại hội XXI vạch ra, nhấn mạnh ĐCS Nhật Bản là chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân Nhật Bản. Với số lượng trên 360 nghìn đảng viên và cơ cấu tổ chức từ Trung ương xuống khắp 47 tỉnh cả nước, Đảng đang tích cực khắc phục những hạn chế, tăng cường thâm nhập, nắm phong trào công nhân, giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra trong công tác xây dựng đảng, phấn đấu có nửa triệu đảng viên trong nửa đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Đảng cho rằng cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của đoàn nghị sĩ ĐCS Nhật Bản tại Quốc hội. Trong các cuộc luận chiến tại Quốc hội, Đảng nhấn mạnh vấn đề bảo vệ lợi ích của nhân dân, đề xuất phương hướng giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội nảy sinh. Đảng xác định các văn phòng đoàn nghị sĩ của Đảng tại 11 khu vực bầu cử cần thực sự đóng vai trò là cầu nối giữa quần chúng và các nghị sĩ của Đảng. Với trên 4.000 đảng viên là đại biểu trong các hội đồng địa phương, Đảng coi hoạt động chính trị tại địa phương là lĩnh vực hoạt động mạnh mẽ nhất của Đảng. 

 Trên lĩnh vực đối ngoại, ĐCS Nhật Bản tiếp tục kiên trì cuộc đấu tranh đòi xoá bỏ Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ. Theo quan điểm của Đảng, sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông âu tan rã, hiệp ước này không có lý do để tồn tại. Mặc dù, hiệp ước đã thay đổi tên gọi thành Phương châm phòng thủ Nhật – Mỹ, nhưng thực chất vẫn không có gì thay đổi, Mỹ vẫn dựa vào đó để triển khai lực lượng quân sự lâu dài trên đất Nhật, khống chế Nhật Bản trong quỹ đạo của mình. 

Trong quan hệ với ĐCS Trung Quốc, ĐCS Nhật Bản có những bước cải thiện rõ nét. Đến tháng 3-1998, ĐCS Nhật Bản và ĐCS Trung Quốc ra tuyên bố chung bình thường hoá quan hệ. ĐCS Nhật Bản cũng có sự cải thiện mối quan hệ với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và các ĐCS Ấn Độ. 

ĐCS Việt Nam và ĐCS Nhật Bản có mối quan hệ không chính thức từ năm 1930 và thiết lập quan hệ chính thức từ năm 1960. Từ đó cho đến nay, cơ quan đại diện của ĐCS Nhật Bản đã có mặt ở nước ta. Quan hệ giữa hai Đảng là mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. ĐCS Nhật Bản dành cho Việt Nam sự ủng hộ về tinh thần và vật chất trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngày 21-10 hằng năm được ĐCS lấy làm "Ngày vì Việt Nam". Bạn đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta "có ý nghĩa lịch sử thế giới", ủng hộ ta nhiệt tình trong vấn đề Campuchia v.v... 

 Quan điểm của ĐCS Nhật Bản về tính chất và nội dung của thời đại, về giá trị của CNXH khoa học, về tính chất và nguyên nhân cuộc khủng hoảng của phong trào cộng sản quốc tế và của các nước XHCN thời gian qua..., có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của Đảng ta. Hai Đảng có mối quan hệ tin cậy, gắn bó, phối hợp đấu tranh và ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng của nhau. Hai Đảng thường xuyên cử các đoàn cán bộ cấp cao thăm, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, tham dự các đại hội của nhau. ĐCS Nhật Bản đánh giá cao những thành tựu trong công cuộc đổi mới của nước ta, ủng hộ quá trình củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Tại diễn đàn Đại hội IX của Đảng ta, đồng chí U. Côichirô, Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu ĐCS Nhật Bản khẳng định: "Thành quả mà các đồng chí giành được trong thời gian qua chứng minh một cách hùng hồn rằng đường lối của các đồng chí là con đường phù hợp thực tế của Việt Nam... Chúng tôi hy vọng ĐCS Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ trước đây, sẽ thành công trước thách thức trên chặng đường mà chưa một ai đi qua". 

 

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website