Nghị quyết số 96-NQ/TW, ngày 22/12/1959 của Hội nghị trung ương lần thứ 17 về việc tổ chức đại hội các cấp và việc cử đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc

Để tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Trung ương họp tháng 10-1959 đã quyết định về việc tổ chức Đại hội Đảng ở các cấp và việc cử đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc như sau:

I- Ý nghĩa việc tổ chức đại hội các cấp và việc cử đại biểu

Để bàn định những vấn đề lớn thuộc về nhiệm vụ, đường lối, chính sách chung của toàn Đảng trong giai đoạn xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, đồng thời để quyết định việc sửa đổi Điều lệ của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định triệu tập Đại hội toàn quốc của Đảng vào mùa thu năm 1960.

Để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc, các cấp bộ của Đảng đều phải tổ chức Đại hội để động viên toàn Đảng phát huy đầy đủ tính tích cực và sáng tạo, tham gia bàn định những vấn đề quan trọng của Đảng, tuyển cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng cấp trên cho tới Đại hội toàn quốc để bàn định những vấn đề chung của toàn Đảng và cử lại Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (Các đảng bộ hoạt động bí mật thì các cấp uỷ có thể cử hoặc chỉ định đại biểu đi dự Đại hội cấp trên).

Vấn đề tổ chức Đại hội Đảng các cấp và việc cử đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc là một sự kiện có ý nghĩa rất trọng yếu trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong sinh hoạt chính trị của Đảng.

II- Nhiệm vụ đại hội đảng các cấp

Theo Điều lệ Đảng thì Đại hội Đảng ở các cấp có nhiệm vụ:

"Xét và chuẩn y các báo cáo của Ban Chấp hành cũ.

"Bàn và định các vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và các vấn đề nội bộ Đảng của mỗi đảng bộ theo đúng đường lối chính sách chung của Đảng.

"Bàn các vấn đề do Ban Chấp hành Đảng cấp trên đề ra.

"Cử Ban Chấp hành mới của Đảng bộ và cử đại biểu đi dự đại hội đại biểu cấp trên nếu có".

Trong dịp này, Đại hội Đảng ở các cấp chủ yếu phải thảo luận và tham gia ý kiến đối với đề án của Đại hội toàn quốc; cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên cho tới Đại hội toàn quốc.

Việc bàn định các vấn đề của mỗi đảng bộ và việc cử lại Ban Chấp hành mới của đảng bộ, sẽ tuỳ tình hình của mỗi đảng bộ mà quyết định theo sự hướng dẫn của Trung ương.

III- Đặc điểm tình hình tổ chức của đảng và vấn đề tổ chức đại hội đảng các cấp

1. Đặc điểm tình hình

Hiện nay, ở miền Bắc chính quyền nhà nước do Đảng ta lãnh đạo, nhưng ở miền Nam, Đảng ta còn phải hoạt động bí mật.

Tại miền Bắc, số lượng đảng viên khá đông (tính đến tháng 6 năm 1959, tổng số có 432.492 đảng viên, kể cả đảng viên trong quân đội và 11.903 đảng viên dự bị, chiếm 2,93% dân số), nhưng phân bố  không đều.

Trong số 425.341 đảng viên đã phân tích, thành phần xuất thân của đảng viên như sau:


- Công nhân

16.827

đảng viên

3,95%

- Bần cố nông

212.096

"

49,51%

- Trung nông

148.585

"

34,93%

- Tiểu tư sản

33.748

"

7,93%

- Lao động khác

11.840

"

2,8%

- Xuất thân thành phần bóc lột

2.245

"

0,50%

 Ở các vùng tự do cũ, tỷ lệ đảng viên so với dân số khá cao (Hà Tĩnh 5,1%, Nghệ An 4%, Tuyên Quang 2,8%); nhưng các vùng mới giải phóng, nhất là những vùng miền núi mới giải phóng, tỷ lệ đảng viên còn thấp (Sơn Tây 0,9%, Hà Đông 0,8%, Tây Bắc 0,6%, Hải Ninh 0,4%).

Tình hình phát triển của Đảng trong các dân tộc miền núi không đều; nếu lấy đảng viên so với dân số thì trong dân tộc Tày số đảng viên chiếm 3,1%; dân tộc Thái, dân tộc Mán 0,5%; dân tộc Mèo 0,09%...

Đại bộ phận đảng viên là ở chi bộ nông thôn, hiện nay 
có 245.097 đảng viên chiếm 71,3% trong tổng số, còn trong các xí nghiệp, công trường, nông trường có 24.560 đảng viên, chiếm 7,1% trong tổng số đảng viên.

Trong quân đội số đảng viên khá lớn, hiện có 83.529 đảng viên (kể cả các tỉnh đội), chiếm 19% tổng số đảng viên.

Trong tổng số đảng viên, hiện nay có 12.575 đảng viên đã kinh qua hoặc đang tham gia các cấp uỷ từ huyện uỷ trở lên, trong đó có 2.183 cán bộ đã kinh qua từ cấp tỉnh trở lên.

Trong tổng số cán bộ cao cấp và trung cấp, 59% tập trung ở các cơ quan trung ương; đại bộ phận cán bộ cao cấp tập trung ở Trung ương.

Về hệ thống tổ chức, hiện nay có những điểm cần chú ý như sau:

Ở cơ sở, hiện còn một số xã miền núi chưa có chi bộ, hoặc mới có chi bộ ghép, như ở Hải Ninh, Tây Bắc..., nhưng cũng có những xã đảng viên có từ 200 đến 300 như ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh... Trong một số xí nghiệp, công trường, nông trường, số lượng đảng viên có nơi có từ 500 đến 700; tổ chức cơ sở của Đảng ở những nơi này đã chia thành hai cấp là các chi bộ và Ban Chấp hành  đảng bộ cơ sở; một số ít cơ sở đã chia thành ba cấp.

Ở các cấp bên trên của đảng bộ cơ sở, có các cấp huyện, thị, quận rồi đến các tỉnh, thành, khu như điều lệ đã quy định. Nhưng từ hoà bình đến nay, đã có nhiều tổ chức mới  như các xí nghiệp, các tập đoàn sản xuất, các hợp tác xã  thủ công... đáng lẽ cơ sở đảng trong những đơn vị này phải thuộc các cấp huyện, thị hoặc đảng uỷ khu phố lãnh đạo, nhưng nói chung các cấp đó chưa được tăng cường đầy đủ và chưa đủ sức lãnh đạo, do đó một số địa phương đã phải tạm thời thành lập ra một số cấp uỷ để giúp cho tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo công tác của các đảng bộ cơ sở đó.

Dưới Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có các khu uỷ, thành uỷ, tỉnh uỷ và một số các đảng uỷ khác trực thuộc Trung ương; Đảng bộ trong quân đội cũng là một đảng bộ trực thuộc Trung ương, nhưng Trung ương chỉ định ra Tổng quân uỷ để phụ trách lãnh đạo công tác của Đảng trong quân đội. Lại còn có một số chi bộ ở nước ngoài, hiện nay trực thuộc Trung ương.

2. Phương châm tiến hành Đại hội Đảng ở các cấp.

Căn cứ vào yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng của Đảng và tình hình của Đảng ta hiện nay, trong quá trình tổ chức Đại hội Đảng các cấp, cần nắm vững những phương châm sau đây.

a) Phải đảm bảo cho Đại hội Đảng ở các cấp có đủ điều kiện tham gia bàn định đúng đắn và đầy đủ đối với những vấn đề nêu ra trong đề án Đại hội toàn quốc và bàn định những vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của đảng bộ mỗi cấp.

Phải tập trung cho được trí tuệ của toàn Đảng, phản ánh cho được tình hình và hoạt động về mọi mặt của Đảng.

b) Phải thể hiện cho được tinh thần đoàn kết thống nhất của Đảng.

c) Phải mở rộng dân chủ đầy đủ đi đôi với tăng cường tập trung.

3. Những quy định cụ thể trong việc tổ chức Đại hội Đảng ở các cấp.

Muốn tổ chức Đại hội Đảng các cấp cho tới Đại hội toàn quốc, phải tổ chức Đại hội từ cơ sở trở lên.

Tất cả các đảng bộ cơ sở đều phải tổ chức đại biểu Đại hội, đại biểu Đại hội Đảng ở cơ sở có thể tổ chức từ chi bộ trở lên, hoặc có thể tổ chức đại hội toàn thể đảng viên để thảo luận đề án và cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên (như trường hợp Đảng bộ cơ sở tuy đã chia ra thành nhiều cấp, nhưng số lượng đảng viên dưới 100).

Tất cả các cấp huyện, thị, quận, tỉnh, thành, khu đều phải tổ chức Đại hội Đảng. ở một số huyện miền núi, số đảng viên quá ít, có thể tổ chức Đại hội đảng viên toàn huyện để thảo luận đề án và cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

Đối với một số cấp không chính thức quy định trong Điều lệ Đảng, như do cấp trên chỉ định ra để phụ trách một số đảng bộ cấp dưới, hoặc tạm thời được thành lập một thời gian, thì tuỳ theo tình hình ở mỗi nơi mà đề nghị lên cấp trên chuẩn y việc tổ chức đại hội ở cấp đó; hoặc cũng có thể không cần phải tổ chức đại hội ở cấp đó; trong  trường hợp sau, Đại hội Đảng ở cấp dưới được trực tiếp cử đại biểu đi dự đại hội Đảng cấp trên, (ví dụ: Đại hội Đảng ở từng xí nghiệp, bệnh viện, trường học... có thể không cần tổ chức đại hội chung các xí nghiệp, bệnh viện, trường học... mà trực tiếp cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên).

Đối với các đảng bộ trong quân đội, Tổng quân uỷ sẽ hướng dẫn tổ chức đại hội cho các cấp theo đúng những nguyên tắc chung đã được Trung ương quy định.

4. Những quy định cụ thể trong việc tuyển cử đại biểu Đại hội toàn quốc.

a) Điều kiện và tiêu chuẩn của đại biểu.

Để việc cử đại biểu tiến hành được tốt, trong việc cử đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc, cần chú trọng đến điều kiện và tiêu chuẩn của mỗi một đại biểu.

Điều kiện của các đại biểu là: phải là đảng viên chính thức, được Đại hội Đảng cấp dưới dân chủ tuyển cử lên, hoặc được cấp uỷ triệu tập Đại hội chỉ định theo đúng Điều lệ Đảng đã quy định.

Những đại biểu được cử đi dự Đại hội phải là những cán bộ, đảng viên ưu tú tiêu biểu cho trí tuệ và ý chí phấn đấu của tất cả các đảng bộ, đảm bảo phản ánh được tình hình hoạt động của các đảng bộ trên mọi lĩnh vực từ cơ sở trở lên.

b) Đơn vị cử đại biểu.

Các đơn vị được cử đại biểu lên Đại hội toàn quốc gồm có:

- Các Đảng bộ khu trực thuộc Trung ương    3 đơn vị

- Các Đảng bộ thành phố trực thuộc TW        2 đơn vị

- Các Đảng bộ tỉnh trực thuộc TW                    21 đơn vị

- Các Đảng bộ, các cơ quan chính dân đảng Trung ương, Tổng cục đường sắt, khu gang thép Thái Nguyên, khu vực Vĩnh Linh   4 đơn vị

- Đảng bộ trong quân đội, Đảng bộ miền Nam.      2 đơn vị

Tổng cộng                                                               32 đơn vị

- Về đại biểu của Đảng bộ miền Nam, có quy định riêng.

Các chi bộ ở nước ngoài cần tổ chức đại hội ở từng chi bộ để thảo luận đề án Đại hội toàn quốc, nhưng vì số lượng đảng viên mỗi nơi có ít, lại ở phân tán, cho nên không tính thành đơn vị cử đại biểu; Trung ương sẽ chỉ định một số đại biểu trong các đơn vị đó về dự Đại hội toàn quốc.

c) Số lượng đại biểu.

Tổng số đại biểu chính thức đi dự Đại hội toàn quốc sẽ là trên dưới 500 người.

Số đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội toàn quốc sẽ là trên dưới 50 người, tức là 1/10 so với tổng số đại biểu chính thức; các đại biểu dự khuyết không có  quyền biểu quyết các vấn đề trong đại hội, nhưng các quyền lợi khác đều được hưởng như đại biểu chính thức.

Ngoài số đại biểu chính thức và dự khuyết đi dự Đại hội, Trung ương sẽ mời một số đại biểu các Đảng anh em và một số khách trong nước chọn trong những anh hùng chiến sĩ, những nhân sĩ trí thức, những nhân vật tiêu biểu trong Mặt trận, các đảng phái dân chủ, các đoàn thể quần chúng xung quanh Đảng, những đảng viên cũ có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đảng. Số khách trong nước sẽ được mời tới dự các buổi khai mạc, bế mạc, hoặc các buổi báo cáo chung trong Đại hội tuỳ theo tình hình làm việc của Đại hội.

d) Vấn đề phân phối đại biểu.

Theo Điều lệ Đảng: "Việc ấn định số lượng đại biểu cho mỗi đảng bộ là phải căn cứ vào tình hình chung, vào số lượng đảng viên và sự quan trọng của mỗi đảng bộ trực thuộc", để thi hành điều quy định đó cho sát với tình hình, đặc điểm của Đảng ta, cần phân tích rõ thêm như sau:

- Trong vấn đề phân phối đại biểu, trước hết phải căn cứ vào số lượng đảng viên, kể cả đảng viên chính thức và đảng viên dự bị của mỗi đảng bộ để định số đại biểu cho mỗi đảng bộ như thế để đảm bảo thực hiện dân chủ trong sự tổ chức lãnh đạo của Đảng, đảm bảo quyền lợi của đảng viên trong sinh hoạt chính trị của Đảng. Song, trong khi phân phối đại biểu, còn phải xét đến tình hình chung, đến tính chất quan trọng và đến tình hình phát triển không đều nhau giữa các đảng bộ, để có thể định số lượng đại biểu cho mỗi đảng bộ một cách thích hợp, đảm bảo phản ánh được đầy đủ tình hình và ý kiến của mỗi đảng bộ cho Đại hội. Đối với một số đảng bộ có đông đảng viên, nếu được quá nhiều đại biểu, cần phải giảm đi một số nhất định để số lượng đại biểu không chênh lệch quá nhiều giữa các đơn vị; đồng thời đối với một số đơn vị quan trọng như có đông công nhân hoặc tập trung nhiều cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng và một số vùng mới giải phóng tỷ lệ đảng viên còn quá thấp, có thể cho thêm mỗi nơi một số đại  biểu.

Cụ thể cách tính số đại biểu cho mỗi đơn vị như sau:

- Cứ mỗi một ngàn đảng viên được bầu một đại biểu; sau khi tính theo 1.000 đảng viên được cử 1 đại biểu, nếu còn số lẻ từ 500 đảng viên trở lên cũng được cử thêm 1 đại biểu. Những đơn vị không đủ 1.000 đảng viên cũng được cử 1 đại biểu (số lượng đảng viên lấy theo con số thống kê cuối tháng giêng năm 1960).

Đối với một số đơn vị lớn nếu tính theo số lượng đảng viên đã được từ 35 đại biểu trở lên, cần phải giảm đi một số nhất định, nhưng không giảm quá 1/3 tổng số đại biểu mà những đơn vị ấy được cử.

Đối với các vùng tập trung công nhân, cứ 5.000 công nhân được cử thêm 1 đại biểu, nếu còn số lẻ từ 2.000 công nhân trở lên cũng được cử thêm 1 đại biểu. Đặc biệt đối với Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng, Nam Định và Tổng Cục đường sắt là những nơi có những xí nghiệp lớn và quan trọng thì cứ trung bình 2.500 công nhân được cử thêm 1 đại biểu.

Đối với Đảng bộ các cơ quan chính dân đảng trung ương là nơi tập trung nhiều cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng, Trung ương sẽ cho thêm một số đại biểu.

Đối với các vùng mới giải phóng, tỷ lệ đảng viên còn quá thấp (như dưới 1,5% so với dân số), Trung ương sẽ căn cứ tình hình chung và dân số khác nhau giữa các vùng để cho thêm mỗi nơi một số đại biểu. Cụ thể là: ở miền núi cứ có 10 vạn dân được cử thêm 1 đại biểu, và ở đồng bằng cứ có 30 vạn dân được cử thêm 1 đại biểu.

Ngoài những quy định cụ thể kể trên, theo Điều lệ Đảng, Trung ương sẽ cử một nửa số uỷ viên Trung ương làm đại biểu chính thức và sẽ chỉ định thêm một số đại biểu chính thức nữa; nhưng số đại biểu này sẽ không chỉ định trong Ban Chấp hành Trung ương và cũng không chỉ định tới 1/10 tổng số đại biểu chính thức do các địa phương cử lên.

Việc phân phối số đại biểu dự khuyết cho các đơn vị quy định như sau: tất cả các đơn vị đều được cử ít nhất 1 đại biểu dự khuyết; những đơn vị có nhiều đại biểu chính thức được cử thêm 1 đại biểu dự khuyết, và sau khi đã tính theo 10 đại biểu chính thức được 1 đại biểu dự khuyết, nếu còn số lẻ từ 5 đại biểu chính thức trở lên cũng được cử thêm 1 đại biểu dự khuyết.

5. Một số vấn đề trong việc lãnh đạo lựa chọn đại biểu.

Để có thể tập trung được trí tuệ của toàn Đảng, đảm bảo phản ánh được đầy đủ tình hình hoạt động của tất cả các ngành, các cấp của toàn Đảng tới Đại hội, để thực hiện được tinh thần đoàn kết thống nhất của Đảng, trong việc lựa chọn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc, cần chú trọng những điểm sau đây:

a) Nói chung khi lựa chọn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc, phải nhằm vào những cán bộ, đảng viên xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Đảng, nhưng cần chú trọng đến những cán bộ, đảng viên trong các ngành kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, những anh hùng chiến sĩ trong công nghiệp, nông nghiệp, quân đội, những cán bộ đảng viên có thành tích, có kinh nghiệm tiêu biểu của các phong trào từ trước đến nay.

b) Phải có một số đại biểu là cán bộ, đảng viên xuất sắc từ cơ sở trực tiếp cử lên để phản ánh tình hình và góp ý kiến cho Đại hội. Đặc biệt phải chú trọng đến những cán bộ, đảng viên là công nhân trực tiếp sản xuất, đấu tranh trong các xí nghiệp, công trường, nông trường và một số cán bộ đảng viên xuất sắc trong các hợp tác xã  sản xuất  nông nghiệp và hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp.

c) Đối với thành phần đại biểu là phụ nữ, trong khi lãnh đạo tuyển cử đại biểu cần phải hết sức chú ý.

d) Phải chú trọng thích đáng đến những đảng viên cán bộ tiêu biểu của các dân tộc miền núi kể cả dân tộc ít người, để có thể phản ánh cho Đại hội những ý nguyện của đảng viên và quần chúng thuộc các  dân tộc miền núi. Cần căn cứ vào số lượng đảng viên thuộc các dân tộc ít người để hướng dẫn việc cử đại biểu, đồng thời phải xét đến tính chất quan trọng của một số dân tộc trên rẻo cao, tuy số lượng đảng viên có ít nhưng dân số đông, cần có đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc, như các dân tộc Mèo, Mán, v.v..

e) Phải đảm bảo có trên dưới 2/3 số đại biểu là cán bộ cao cấp, trung cấp.

Hiện nay hơn một nửa số cán bộ cao cấp, trung cấp của Đảng tập trung ở Trung ương và phần lớn cán bộ cao cấp đều ở trung ương, cho nên ngoài việc cử và chỉ định một số đi dự Đại hội toàn quốc theo như quy định của Điều lệ Đảng, Trung ương còn cần giới thiệu một số cán bộ về các địa phương ứng cử đi Đại hội toàn quốc. Số cán bộ được Trung ương giới thiệu về các địa phương ứng cử sẽ không quá 1/4 tổng số đại biểu do các địa phương được bầu cử lên; và khi Trung ương giới thiệu những ai về địa phương nào ứng cử, cấp uỷ địa phương được tham gia đầy đủ ý kiến với Trung ương đối với từng người một.

g) Về vấn đề thời gian tổ chức Đại hội ở các cấp, cần làm cho kịp trước Đại hội toàn quốc; cụ thể là Đại hội ở cơ sở phải bắt đầu tiến hành từ tháng 3 năm 1960, và Đại hội ở các đảng bộ trực tiếp cử đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc phải tiến hành xong trước ngày 15-6-1960.

T/M Ban Bí thư

Nguyễn Duy Trinh

Lưu tại Kho Lưu trữ 
Trung ương Đảng.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website