Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà

Phần thứ nhất:Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam hiện nay 

I- Đặc điểm của tình hình Việt Nam từ khi hoà bình được lập lại 

Trước khi hoà bình được lập lại ở Đông Dương, cách mạng trong cả nước Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhiệm vụ cơ bản của nó là đánh đổ sự thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, do đó mở đường cho nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân cả nước ta đã vùng dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công, giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân và chế độ vua quan phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa; để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc, toàn dân ta đã anh dũng tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Nhờ sự nỗ lực lớn lao của khối đại đoàn kết dân tộc dựa trên cơ sở liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự ủng hộ tích cực của các lực lượng xã hội chủ nghĩa và hoà bình, dân chủ trên thế giới, nhân dân ta cuối cùng đã đánh bại thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bọn tay sai, phá tan kế hoạch của đế quốc Mỹ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược trên đất nước ta. Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, hoà bình được lập lại ở Đông Dương và miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Đó là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, của phe ta và của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới. Thắng lợi đó là kết quả của gần một trăm năm đấu tranh giải phóng dân tộc gay go và liên tục, của chín năm kháng chiến gian khổ và anh dũng. Thắng lợi đó tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của nhân dân ta và đánh dấu một bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. 

Trên miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chế độ chính trị và kinh tế thuộc địa và nửa phong kiến từ lâu trói buộc sức sản xuất xã hội đã bị đánh đổ, cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành: miền Bắc đã bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là yêu cầu khách quan của xã hội miền Bắc trên bước đường phát triển của mình, đồng thời cũng là yêu cầu khách quan của cách mạng cả nước. Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc tức là xây dựng cuộc sống mới, hoà bình, tự do, hạnh phúc của nhân dân miền Bắc, đồng thời cũng là củng cố miền Bắc thành cơ sở vững chắc về mọi mặt cho việc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất Tổ quốc. 

Do lực lượng so sánh giữa ta và địch, nhân dân ta chỉ mới giải phóng được miền Bắc. Ở miền Nam chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ đã lấn dần và hất cẳng thực dân Pháp, tập hợp các thế lực phản động, sử dụng chính quyền Ngô Đình Diệm làm công cụ để khôi phục và duy trì ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Nhân dân miền Nam ngày càng lâm vào cảnh cùng khốn và mất hết quyền tự do. Vì vậy, nhân dân miền Nam còn phải tiếp tục làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đánh đổ ách thống trị đế quốc và phong kiến, chủ yếu là đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm. 

Do sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam, nước ta bị tạm thời chia làm hai miền: miền Bắc đã được giải phóng và độc lập hoàn toàn, còn miền Nam vẫn là một thuộc địa (kiểu mới) của đế quốc Mỹ. Nhưng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nhân dân Việt Nam chẳng những phải củng cố và phát huy thắng lợi đã giành được, phải củng cố miền Bắc đã được độc lập, mà còn phải giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng con đường hoà bình. 

Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai chẳng những xâm chiếm miền Nam, ngăn cản sự phát triển của xã hội miền Nam, mà còn ráo riết chuẩn bị chiến tranh hòng xâm chiếm cả nước ta, phá hoại toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy, Mỹ - Diệm chẳng những là kẻ thù của nhân dân miền Nam đang bị chúng thống trị, mà còn là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, của nhân dân miền Bắc đã được giải phóng. Chẳng những giữa Mỹ - Diệm và nhân dân miền Nam có mâu thuẫn sâu sắc, mà giữa bọn chúng và nhân dân cả nước, nhân dân miền Bắc, cũng có mâu thuẫn sâu sắc. Giải quyết mâu thuẫn đó không phải chỉ là nhiệm vụ riêng, vì lợi ích và yêu cầu riêng của nhân dân miền Nam, mà còn là nhiệm vụ chung, vì lợi ích và yêu cầu chung của nhân dân cả nước. 

Những đặc điểm tình hình trên đây làm nổi bật lên hai mâu thuẫn cơ bản mà cách mạng Việt Nam hiện nay phải giải quyết: 

1. Mâu thuẫn giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ phong kiến, và bọn tư sản mại bản quan liêu thống trị ở miền Nam và một bên là dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước Việt Nam, bao gồm nhân dân miền Bắc và nhân dân miền Nam. 

2. Mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc. 

Đó là hai mâu thuẫn tính chất khác nhau, quan hệ biện chứng với nhau và tác động mạnh mẽ lẫn nhau. 

Những mâu thuẫn trên đây thể hiện sự đối kháng rất gay gắt giữa một bên là lực lượng của dân tộc ta mong muốn hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ và một bên là thế lực của chủ nghĩa đế quốc và tay sai, cụ thể là bè lũ Mỹ - Diệm xâm lược, gây chiến và chia cắt nước ta. Đồng thời, những mâu thuẫn trên đây cũng thể hiện sự đối kháng rất gay gắt giữa lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc và hoà bình dân chủ trên thế giới với thế lực đế quốc hiếu chiến và xâm lược do đế quốc Mỹ cầm đầu ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Chính vì để phá hoại sự nghiệp hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nhân dân ta, chống lại phong trào độc lập, hoà bình, dân chủ ở Đông Nam Á, cho nên liền sau khi Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ tập hợp bọn tay sai thành lập ngay khối quân sự xâm lược Đông Nam Á. Chúng sử dụng chính quyền Ngô Đình Diệm làm công cụ tích cực biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự để phục vụ cho âm mưu của chúng chuẩn bị chiến tranh xâm lược mới. Nhờ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân ta, của phe xã hội chủ nghĩa, của lực lượng độc lập, hoà bình và dân chủ trên thế giới, nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta và của phe ta do Liên Xô đứng đầu, nền hoà bình lập lại trên đất nước Việt Nam được duy trì, và hiện nay có khả năng tiếp tục được duy trì. Gìn giữ hoà bình là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của nhân dân cả nước ta. Chỉ trong điều kiện hoà bình, chúng ta mới có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho lực lượng cách mạng của cả nước, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở miền Nam, tăng cường lực lượng đấu tranh của nhân dân cả nước, đánh bại chính sách của Mỹ - Diệm là gây chiến, nô dịch, chia cắt đất nước, đặng tiến lên tranh thủ hoà bình thống nhất Tổ quốc. 

Trong tình hình lực lượng so sánh hiện nay trên thế giới, lực lượng hoà bình đã mạnh hơn thế lực chiến tranh, phe xã hội chủ nghĩa đã mạnh hơn phe đế quốc chủ nghĩa, chúng ta có những thuận lợi rất căn bản để gìn giữ hoà bình, giành lấy thắng lợi cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà bằng con đường hoà bình. Để đạt được yêu cầu cách mạng ấy, một mặt nhân dân ta phải ra sức củng cố miền Bắc, tích cực đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; mặt khác, nhân dân ta phải kiên quyết làm cách mạng đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến ở miền Nam. Nếu không ra sức củng cố miền Bắc và tích cực đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội thì không thể có chỗ dựa vững chắc để tranh thủ hoà bình thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ. Không kiên quyết đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến ở miền Nam, cụ thể là chế độ Mỹ - Diệm, thì cũng không thể tạo điều kiện thuận lợi nhất là để hoà bình thống nhất Tổ quốc. Đó là quan hệ biện chứng giữa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và việc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, giữa sự nghiệp hoà bình thống nhất nước nhà và cuộc đấu tranh cách mạng đánh đổ ách thống trị của Mỹ - Diệm ở miền Nam. 

Sự nghiệp đấu tranh giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà chẳng những phù hợp với lợi ích sống còn của nhân dân, dân tộc ta, mà còn phù hợp với lợi ích chung của phong trào hoà bình dân chủ thế giới. 

II- Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam hiện nay 

Căn cứ vào sự phân tích trên đây, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 nhận định rằng hiện nay, cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm phương hướng chung là giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Hội nghị Trung ương đề ra nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh để giữ vững hoà bình; thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước; ra sức củng cố miền Bắc và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới. 

1. Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là củng cố và phát huy thắng lợi đã giành được, là xây dựng cơ sở vững chắc để thực hiện thống nhất nước nhà 

Miền Bắc nước ta hiện nay là kết quả của hàng bao thế kỷ đấu tranh dựng nước và cứu nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của mấy mươi năm tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ và chín năm kháng chiến dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng. Tích cực đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội là củng cố và phát huy thắng lợi đã giành được, là xây dựng cơ sở vững chắc để thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. 

Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội một mặt là theo quy luật phát triển khách quan của xã hội miền Bắc, vì mục đích nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân miền Bắc; mặt khác là tích cực gánh vác phần trách nhiệm đối với phong trào cách mạng của cả nước. Kinh tế, văn hoá miền Bắc ngày càng phát triển, đời sống nhân dân miền Bắc ngày càng được cải thiện, lực lượng quốc phòng của miền Bắc ngày càng được vững mạnh, miền Bắc ngày càng thịnh vượng và tươi vui, thì sẽ tăng thêm sức mạnh của cách mạng và uy thế chính trị của nhân dân ta, tăng thêm tin tưởng và tính tích cực cách mạng của đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm. Trong khi tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Bắc còn phải tiếp tục quét sạch những tàn dư phản cách mạng và phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh chính trị của cả nước chống ách thống trị của Mỹ - Diệm ở miền Nam, ra sức cổ vũ và ủng hộ phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam, đề cao cảnh giác sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu thâm độc của Mỹ - Diệm. 

Trong quá trình tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc cần chống những khuynh hướng sai lầm tách rời cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, với nhiệm vụ đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Một mặt, cần phê phán những khuynh hướng như xem nhẹ nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân còn phải tiếp tục ở miền Nam, hoặc coi cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là chỉ riêng cho miền Bắc, không nắm vững phương châm "củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam", không thấu suốt nhiệm vụ thống nhất nước nhà trong mọi chính sách và chủ trương công tác ở miền Bắc. Mặt khác, cần phê phán những khuynh hướng chỉ thấy đấu tranh thống nhất, xem nhẹ nhiệm vụ củng cố miền Bắc, không thấu suốt ý nghĩa xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, và trong bất cứ tình hình nào miền Bắc cũng phải tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng vừa phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa xã hội, vừa phải nâng cao tinh thần yêu nước và ý thức chống Mỹ - Diệm trong nhân dân miền Bắc. Càng nhận thức sâu sắc rằng công cuộc kiến thiết trong hoà bình của mình là một cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước thì nhiệt tình xã hội chủ nghĩa, tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác cách mạng của nhân dân miền Bắc càng được đề cao. 

2. Tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ chế độ đế quốc và nửa phong kiến ở miền Nam để thực hiện thống nhất nước nhà 

Cách mạng ở miền Nam hiện nay đang tiếp tục phát huy ý chí quật cường, truyền thống bất khuất của cả dân tộc Việt Nam. Bè lũ Mỹ - Diệm thống trị miền Nam đang ra sức nô dịch, khủng bố nhân dân miền Nam, và tích cực chuẩn bị chiến tranh hòng mở rộng sự xâm lược của chúng ra phạm vi cả nước. Vì vậy, miền Nam đấu tranh đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm là theo yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, là giải phóng nhân dân miền Nam, đồng thời cũng là vì yêu cầu của cách mạng cả nước là phải tích cực chống Mỹ - Diệm để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cơ sở vững chắc của công cuộc thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. 

Phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam càng được giữ vững và phát triển thì một mặt càng tăng cường lực lượng cách mạng để đánh bại chính sách nô dịch, gây chiến và chia cắt của Mỹ - Diệm, đi đến đánh đổ sự thống trị tàn khốc của chúng, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ. Mặt khác, đó cũng chính là thiết thực bảo vệ miền Bắc, tạo điều kiện cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc được tiến hành thuận lợi. Trái lại, nếu phong trào yêu nước ở miền Nam suy yếu thì chẳng những cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam gặp khó khăn, mà cả cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc cũng chịu ảnh hưởng không tốt. 

Trong quá trình đấu tranh để giải phóng miền Nam, nhân dân miền Nam phải có đầy đủ ý thức chống chính sách chuẩn bị chiến tranh của Mỹ - Diệm, chống âm mưu của chúng đưa miền Nam vào khối xâm lược Đông Nam Á, nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam phát triển, đồng thời bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Miền Nam có nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng và phát huy mạnh mẽ ảnh hưởng của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nêu cao khẩu hiệu "Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thành trì cách mạng của cả nước". 

3. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới 

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á. Đế quốc Mỹ chiếm cứ miền Nam, âm mưu xâm lược miền Bắc là để tấn công phe xã hội chủ nghĩa. Cho nên, thắng lợi của cách mạng Việt Nam quan hệ trực tiếp đến phe xã hội chủ nghĩa, làm cho phe xã hội chủ nghĩa càng rộng lớn, vững mạnh và càng tạo thêm nhiều khả năng mới để phe ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình, chống chủ nghĩa thực dân và chính sách chuẩn bị chiến tranh của bọn đế quốc hiếu chiến do Mỹ cầm đầu. Ngược lại, sự hùng mạnh của phe xã hội chủ nghĩa ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Vấn đề thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta trước hết là vấn đề đấu tranh giữa dân tộc ta chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai, đồng thời cũng là vấn đề đấu tranh giữa phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc chủ nghĩa. Phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, càng tranh thủ giữ vững hoà bình được lâu dài thì càng có điều kiện thuận lợi để tăng cường mau chóng lực lượng của mình về mọi mặt trên toàn thế giới, càng làm suy yếu mau chóng thế lực của chủ nghĩa đế quốc. Chủ trương của Đảng ta giữ vững hoà bình ở Việt Nam, thực hiện thống nhất nước nhà bằng con đường hoà bình, chủ trương ấy gắn liền với chủ trương chung nói trên của phe xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải nắm vững chủ trương ấy, đồng thời phải tiếp tục củng cố và tăng cường sự đoàn kết nhất trí không gì lay chuyển nổi giữa nước ta với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Đó là nghĩa vụ quốc tế của Đảng ta và nhân dân ta, và cũng là bảo đảm chắc chắn cho việc hoàn thành nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam có tác dụng cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, Mỹ latinh, thúc đẩy quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Ngược lại, mọi thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hoà bình dân chủ thế giới sẽ làm suy yếu thế lực của chủ nghĩa đế quốc, và có lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nhân dân ta đồng tình sâu sắc và hết sức ủng hộ phong trào đấu tranh chống thực dân và bảo vệ độc lập dân tộc của tất cả các dân tộc bị áp bức và các nước bị xâm lược, trước hết là của các nước láng giềng Campuchia và Lào. Việt Nam, Lào, Campuchia có biên giới chung và cùng là những bên ký kết Hiệp nghị Giơnevơ về Đông Dương, đều có trách nhiệm bảo vệ Hiệp nghị Giơnevơ, bảo vệ hoà bình và an ninh ở Đông Dương. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hoà bình với các nước Á - Phi, trước hết là với các nước láng giềng, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất Việt Nam. 

Để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn này, ngoài việc động viên tất cả mọi nhân tố tích cực trong cả nước, chúng ta phải biết vận dụng mọi điều kiện thuận lợi trên thế giới có lợi cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của toàn dân ta. 

4. Thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng con đường hoà bình 

Muốn thống nhất nước nhà cần phải xây dựng củng cố và phát triển lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước dựa trên cơ sở miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở miền Nam. Quá trình hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước là quá trình tích cực phát huy tính hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời cũng là quá trình tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước, tiến bộ ở miền Nam để đấu tranh chống Mỹ - Diệm, tiến lên làm thất bại chính sách can thiệp của đế quốc Mỹ, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoà bình thống nhất nước nhà. 

Chúng ta chủ trương tích cực tranh thủ giải quyết vấn đề thống nhất nước nhà bằng con đường hoà bình. 

Trong quá trình chuyển biến cách mạng, do sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ở hai miền, có thể thực hiện những hình thức đầu tiên về quan hệ giữa hai miền, như quan hệ kinh tế, văn hoá, đi lại, v.v. cũng có thể nảy ra những hình thức thống nhất từng bước. Chúng ta phải biết triệt để sử dụng và phát triển những hình thức ấy, vì nó có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiến tới hoàn toàn thống nhất Tổ quốc. Bản Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xuất phát từ tình hình thực tế của nước ta, đã đề ra cách giải quyết vấn đề thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, theo nguyên tắc hai miền cùng bàn bạc, cùng thoả thuận với nhau, "không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào". Đó là một chủ trương hết sức hợp lý, hợp tình, hợp với ý nguyện và lợi ích của nhân dân ta và lợi ích của phong trào hoà bình thế giới. 

Song, đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, vẫn cố tình xâm chiếm miền Nam, cố tình chuẩn bị chiến tranh xâm lược miền Bắc, hòng đặt cả dân tộc Việt Nam dưới ách thống trị của chúng. Chừng nào còn Mỹ - Diệm ở miền Nam thì tình trạng đất nước bị chia cắt và khả năng xảy ra chiến tranh vẫn tồn tại. Vì vậy để thực hiện thống nhất nước nhà và giành hoà bình lâu dài ở Việt Nam, nhân dân ta không thể có con đường nào khác hơn là phải tích cực xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và tiến hành đấu tranh cách mạng gian khổ ở miền Nam để bảo vệ quyền sống hằng ngày và tiến lên đánh đổ ách thống trị của Mỹ - Diệm ở miền Nam khi có điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi. Vì Mỹ - Diệm là độc tài, hung bạo và hiếu chiến, cho nên nhân dân ta từ Bắc chí Nam phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo đề phòng. Nếu Mỹ - Diệm liều lĩnh gây chiến tranh xâm lược miền Bắc, thì toàn dân từ Bắc chí Nam sẽ kiên quyết đứng lên bảo vệ miền Bắc, thành trì cách mạng của cả nước, đồng thời tiêu diệt chế độ Mỹ - Diệm ở miền Nam, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, thực hiện thống nhất Tổ quốc. 

Hiệp nghị Giơnevơ có tác dụng hạn chế một phần âm mưu gây chiến của địch và có lợi cho công cuộc đấu tranh chính trị để thống nhất nước nhà, có lợi cho sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Chúng ta phải biết triệt để sử dụng nó. Song cần nhận rõ nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng không phải là Hiệp nghị Giơnevơ mà là lực lượng đấu tranh của quần chúng nhân dân cả nước, được sự đồng tình, ủng hộ ngày càng rộng rãi của nhân dân thế giới. Những tư tưởng ỷ lại vào Hiệp nghị Giơnevơ, hoặc coi thường giá trị pháp lý của Hiệp nghị Giơnevơ, đều là sai lầm. 




*    * 

Phần thứ hai: đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam 

I- Những đặc điểm của tình hình miền Nam 

1. Tính chất xã hội miền Nam 

a) Đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, đặt ách thống trị thực dân (kiểu mới) ở miền Nam nước ta. Âm mưu của chúng là xâm chiếm cả nước ta làm thuộc địa và căn cứ quân sự, nhằm phá hoại phong trào độc lập dân tộc và hoà bình dân chủ ở Đông Nam Á. 

Trước đây, đế quốc Mỹ tích cực giúp sức cho thực dân Pháp kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương. Nhưng cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta đã đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Từ khi hoà bình được lập lại, đế quốc Mỹ lại nắm lấy bè lũ Ngô Đình Diệm, hất cẳng thực dân Pháp, giành độc quyền thống trị miền Nam, hòng chuẩn bị chiến tranh mới, phá hoại sự nghiệp hoà bình, thống nhất của toàn dân ta. Nhưng đế quốc Mỹ không thể dùng hình thức nô dịch trắng trợn cũ của thực dân Pháp, mà phải che đậy chủ nghĩa thực dân của chúng bằng một hình thức mới. Chúng không đặt bộ máy cai trị như thực dân Pháp trước đây, mà dùng chính quyền tay sai, đại diện cho lợi ích của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản phản động nhất ở miền Nam, cho chính quyền ấy đội lốt "quốc gia độc lập" để làm công cụ thực hiện chính sách nô dịch và chuẩn bị chiến tranh của chúng. 

Với một hệ thống "cố vấn" chặt chẽ, dựa vào quyền lực của vũ khí đôla và hàng "viện trợ", đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào miền Nam; chúng quyết định từ đường lối, chính sách đến các công việc cụ thể của chính quyền miền Nam trên các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao. Chính quyền miền Nam muốn tồn tại phải bám chặt vào đế quốc Mỹ. Miền Nam đã trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ. 

b) Chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, chế độ thực dân và nửa phong kiến ở miền Nam là một chế độ phản động, tàn bạo và đen tối. 

Chính quyền miền Nam hiện nay là một chính quyền phản bội lợi ích dân tộc; nó đại biểu cho lợi ích của đế quốc Mỹ, của bọn phong kiến và bọn tư sản mại bản thân Mỹ phản động nhất ở miền Nam. 

Thành phần cốt cán trong chính quyền đó gồm những phần tử phong kiến và tư sản mại bản phản động nhất và những phần tử lưu manh, côn đồ và phản bội, quyết tâm làm tay sai cho đế quốc Mỹ, do gia đình và phe cánh họ Ngô cầm đầu. 

Chính quyền đó là một chính quyền độc tài hiếu chiến. Nó là công cụ xâm lược của đế quốc Mỹ, đế quốc cầm đầu các lực lượng hiếu chiến trên thế giới hiện nay; đồng thời, nó cũng mang nặng tính chất phục thù của giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ ở miền Bắc nước ta. Do bản chất phi nghĩa, thế cô lập và chỗ yếu căn bản của nó, nó thực hiện một chế độ độc tài, hung bạo, dùng chính sách đàn áp bằng vũ lực, và dựa vào bộ máy cảnh sát mật thám để tồn tại. 

Chính sách nô dịch và gây chiến của đế quốc Mỹ và chính sách bán nước, ăn cướp và khủng bố của bè lũ Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ta ở miền Nam. Mặc dù phải dùng những thủ đoạn tàn ác và lừa bịp, gian xảo, chính quyền miền Nam vẫn không thể xây dựng được một cơ sở xã hội rộng rãi và vững chắc; trái lại, đông đảo các tầng lớp nhân dân ở miền Nam ngày càng đấu tranh kiên quyết chống chính sách cướp nước của đế quốc Mỹ và chính sách bán nước của bè lũ Ngô Đình Diệm. 

c) Trong xã hội miền Nam thuộc địa và nửa phong kiến, có hai mâu thuẫn cơ bản: 

1- Mâu thuẫn giữa nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược, chủ yếu là đế quốc Mỹ. 

2- Mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam, trước hết là nông dân, và giai cấp địa chủ phong kiến. 

Và, trong giai đoạn hiện nay, mâu thuẫn chủ yếu ở miền Nam là mâu thuẫn giữa dân tộc ta, nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược Mỹ cùng tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, đại diện cho bọn địa chủ phong kiến và tư sản mại bản thân Mỹ phản động nhất. 

2. Thái độ các giai cấp ở miền Nam 

Đồng bào miền Nam đã cùng với đồng bào cả nước trải qua một quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài và anh dũng, làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân. Trong chín năm kháng chiến, đồng bào đã cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ và phát triển những quyền lợi chính trị và kinh tế đã giành được. Đồng bào miền Nam trải qua đấu tranh lâu dài, đã thấm nhuần bài học lịch sử là chỉ có thực hiện đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới có thể triệt để chiến thắng kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Đó là một đặc điểm cực kỳ quan trọng, đó là cái vốn rất quý báu của cách mạng. Mặc dù Mỹ - Diệm ra sức đàn áp, khủng bố, chúng không thể dập tắt nổi ngọn lửa đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam. Qua bao thử thách, phong trào vẫn được giữ vững và phát triển. 

Cách mạng Việt Nam ở miền Nam ngày nay tiến hành trong điều kiện một nửa nước (miền Bắc) đã được hoàn toàn giải phóng và đang vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự kiện đó làm cho phong trào cách mạng ở miền Nam có một chỗ dựa vững chắc, nó càng cổ vũ ý chí phấn đấu của nhân dân miền Nam, tăng cường lực lượng cách mạng ở miền Nam. 

Cách mạng Việt Nam ở miền Nam nằm trong thế thuận lợi của cách mạng thế giới đang phát triển mạnh mẽ. Lực lượng hoà bình, độc lập dân tộc, và xã hội chủ nghĩa đã mạnh hơn thế lực của chủ nghĩa đế quốc, và có khả năng "loại trừ chiến tranh ra khỏi đời sống xã hội". Nhưng bọn đế quốc hiếu chiến do Mỹ cầm đầu vẫn ngoan cố chuẩn bị gây chiến tranh thế giới mới, hòng cứu vãn tình thế nguy ngập của chúng; cũng như đối với nhiều vùng khác trên thế giới, chúng ra sức bám lấy miền Nam hòng chống lại hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và phong trào độc lập dân tộc đang làm lay chuyển tận gốc chủ nghĩa đế quốc. 

Hoàn cảnh trên đây làm cho cách mạng Việt Nam ở miền Nam có những thuận lợi căn bản và cũng có nhiều khó khăn; đồng thời nó chi phối thái độ chính trị của các giai cấp ở miền Nam. 

Giai cấp công nhân là lực lượng sản xuất trong các xí nghiệp, đồn điền, các cơ sở kinh tế quan trọng của địch, sống tập trung trong các đô thị là những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của địch. Họ bị áp bức, bóc lột nặng nề hơn cả cho nên dưới ngọn cờ của Đảng ta, phong trào công nhân đang ngày càng lớn mạnh, làm cho bọn đế quốc và phong kiến phải đặc biệt chú ý. Đó là một phong trào đấu tranh có tác dụng làm suy yếu địch và cuối cùng sẽ tiến lên làm nguy khốn địch ngay trong những nơi xung yếu nhất của chúng. Phong trào công nhân đã thúc đẩy mạnh phong trào dân nghèo thành thị, và có lúc đã thúc đẩy được học sinh, trí thức và ngay cả một số nhà tư sản dân tộc tham gia đấu tranh chống Mỹ - Diệm, mặc dù phong trào của các từng lớp này hiện nay còn yếu. Khối liên minh công nông ở miền Nam là cơ sở vững mạnh nhất cho Mặt trận thống nhất dân tộc và dân chủ ở miền Nam. Sự liên minh ấy đã bắt đầu có trong phong trào công nhân song còn yếu. Phong trào công nhân cũng bắt đầu tranh thủ được sự đồng tình của một số binh lính trong những cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Mỹ - Diệm cố đầu độc quần chúng công nhân về chính trị, cố làm lu mờ ý thức giai cấp của họ, cố gây chia rẽ để làm yếu phong trào công nhân, bắt bớ cán bộ và giải tán một số nghiệp đoàn, lập công đoàn vàng, cho bọn tay sai chui vào các nghiệp đoàn để phá hoại, v.v.. Mặc dù gặp phải sự phá hoại đó, nhìn chung phong trào giai cấp công nhân đã phát triển khá mạnh. Để giữ vững vai trò của công nhân là lực lượng lãnh đạo cách mạng ở miền Nam, phong trào công nhân phải được phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và liên tục hơn nữa. Đảng phải đưa phong trào công nhân, trên bước đường hoạt động công khai hợp pháp của nó, tiến lên thành một lực lượng cách mạng chính trị quyết định trong các đô thị, nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn, chống lại mọi khuynh hướng cải lương và phiêu lưu mạo hiểm. 

Giai cấp nông dân là lực lượng cách mạng to lớn ở nông thôn, từ trước đến nay đã đi theo Đảng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, đã góp phần to lớn cho công cuộc kháng chiến thắng lợi, đã được hưởng những quyền lợi ruộng đất do chính quyền dân chủ nhân dân đưa lại. Ngày nay, lại sống dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm, họ bị Mỹ - Diệm và bọn tay sai ở nông thôn cướp giật ruộng đất và áp bức bóc lột nặng nề, cho nên đời sống của họ ngày càng bần cùng; họ rất căm thù chế độ Mỹ - Diệm và thiết tha với độc lập dân tộc, muốn có ruộng đất, muốn hoà bình và thống nhất. Ở những nơi địch khủng bố ác liệt, chúng có thể dồn dân, cướp đất, tăng tô, bắt lính và tổ chức dinh điền, v.v. nhưng phong trào nông dân trong mấy năm qua vẫn là phong trào rộng rãi, mạnh mẽ nhất, tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc ta ở nông thôn. Do đó, nông dân vẫn là quân chủ lực cách mạng ở miền Nam, luôn luôn tin theo Đảng. Không có sự liên minh vững chắc giữa nông dân với công nhân dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thì cách mạng ở miền Nam không thể thành công. Vì vậy, trong khi đoàn kết nhân dân đấu tranh chống Mỹ - Diệm, Đảng phải lãnh đạo nông dân bền bỉ đấu tranh nhằm bảo vệ và mở rộng quyền lợi về ruộng đất, và các quyền lợi cấp bách khác của nông dân (chống sưu cao, thuế nặng, chống chính sách bắt lính, chính sách dinh điền, v.v.). Trước chính sách khủng bố và bần cùng hoá của địch, nông dân cần phải hết sức đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt; Đảng cần phải thấy hết những khó khăn, phức tạp hiện nay của phong trào để giữ vững, củng cố và phát triển cơ sở, đưa phong trào tiến lên. Đó là những điều rất căn bản không thể thiếu sót để động viên, tổ chức lực lượng nông dân trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. 

Tiểu tư sản và trí thức, gồm có người làm nghề thủ công, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh, viên chức, người làm nghề tự do, v.v.. Những tầng lớp này vốn bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột. Sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, tinh thần yêu nước của họ được phát triển mạnh, đồng thời trình độ giác ngộ chính trị của họ được nâng cao. Ngày nay, một nửa nước đã được giải phóng, và chế độ Mỹ - Diệm hết sức tàn ác, làm kích động ý thức dân tộc của họ, nhưng họ cũng dễ dao động khi có tình hình khó khăn. Nói chung, họ hăng hái đấu tranh chống Mỹ - Diệm, mong muốn hoà bình, thống nhất. Họ là một động lực của cách mạng ở miền Nam, là bạn đồng minh đáng tin cậy của giai cấp công nhân. Song trong tình hình khủng bố ác liệt của Mỹ - Diệm, có thể có một bộ phận giữ thái độ tiêu cực, bàng quan, hoặc hoang mang, dao động và số ít có thể thoả hiệp, đầu hàng. Cần phải làm cho thái độ tích cực của họ phát triển lên một cách có mức độ theo từng nơi, từng thời kỳ, nhưng phải đưa họ theo kịp phong trào công nông, mở rộng mặt trận chống Mỹ - Diệm. Vì bản chất của họ là thường hay dao động, cho nên dưới chế độ độc tài phát xít, cần phải có một phong trào quần chúng công nông thật mạnh mẽ thì mới lôi cuốn họ được. 

Những người trí thức xuất thân từ giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản, trừ một số theo Mỹ - Diệm, số còn lại hầu hết ít nhiều có tinh thần dân tộc và dân chủ, ghét chế độ Mỹ - Diệm, muốn hoà bình thống nhất nước nhà, và do lực lượng so sánh giữa hai phe trên thế giới thay đổi theo hướng có lợi cho phe xã hội chủ nghĩa, họ dần dần bớt sợ Mỹ. Nhưng với bản chất giai cấp của họ, họ tỏ ra e ngại phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, họ sợ "mất tự do", sợ chế độ miền Bắc khắt khe và gian khổ, v.v.; trong tình hình khủng bố dữ dội, họ dễ hoang mang, nằm im chờ thời hoặc tạm thời chịu khuất phục. 

Đảng phải chú trọng nâng cao tinh thần yêu nước của trí thức, tranh thủ họ dần dần tham gia mặt trận chính trị, văn hoá mở rộng lực lượng đoàn kết chống Mỹ - Diệm. 

Giai cấp tư sản dân tộc một mặt có tinh thần chống đế quốc và phong kiến, mặt khác lại có thái độ tiêu cực và có xu hướng cải lương chủ nghĩa. Lúc đầu họ hy vọng chế độ Mỹ - Diệm sẽ đem lại cho họ ít nhiều quyền lợi, nhưng Mỹ - Diệm vẫn chèn ép họ, đứng trước sự đối lập của hai phe đế quốc chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa trong nước và trên thế giới, trước tình trạng đế quốc Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn, một bộ phận tư sản dân tộc muốn theo con đường hoà bình trung lập. Cũng có một bộ phận tán thành thống nhất theo tinh thần của Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc. Do thế lực kinh tế và chính trị nhỏ bé và bản chất hai mặt của họ, tự họ không đủ năng lực đứng lên chống Mỹ - Diệm nhưng họ vẫn mong muốn có một chính quyền của giai cấp tư sản. Khi phong trào quần chúng chống Mỹ - Diệm lên mạnh, họ có thể tham gia phong trào, đồng thời cũng muốn nhân cơ hội trồi lên giành quyền lãnh đạo chính trị. Tuy thái độ của giai cấp tư sản dân tộc là như vậy, nhưng ta không thể coi nhẹ vai trò của họ mà cần nhận rõ họ vẫn là một lực lượng không thể thiếu được trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, là bạn đồng minh có điều kiện của giai cấp công nhân. 

Tư sản mại bản có quyền lợi dính liền với đế quốc và phong kiến, chúng chống lại lợi ích của nhân dân. Ở miền Nam, bọn tư sản mại bản thân Mỹ ngày càng có thế lực, chúng ra sức lũng đoạn kinh tế, kịch liệt chống lại phong trào cách mạng của nhân dân. Còn bọn tư sản mại bản thân Pháp thì bị chèn ép, cho nên cũng có ít nhiều mâu thuẫn với Mỹ - Diệm. Ta phải biết lợi dụng mâu thuẫn đó để cô lập và làm suy yếu đế quốc Mỹ và bọn tay sai của Mỹ hơn nữa. 

Giai cấp địa chủ căn bản được chế độ Mỹ - Diệm khôi phục địa vị kinh tế và chính trị ở miền Nam. Đứng về giai cấp mà nói, giai cấp địa chủ là lực lượng phản động, là đối tượng của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhưng hiện nay ở miền Nam, một số địa chủ tỏ ra hoài nghi ít nhiều về tương lai của chế độ Mỹ - Diệm; chính sách kinh tế và chính trị của Mỹ - Diệm có một phần không thoả mãn quyền lợi của họ, có khi còn động chạm đến quyền lợi của một số ít địa chủ. Thêm vào đó, nông dân vẫn kiên quyết tiếp tục đấu tranh để bảo vệ những quyền lợi về ruộng đất đã giành được trong kháng chiến. Cho nên, trừ một số địa chủ phản động ngoan cố dựa hẳn vào thế lực Mỹ - Diệm để bóc lột, đàn áp nông dân, phá hoại cơ sở cách mạng, và một số địa chủ di cư không có ruộng đất đang biến thành một bọn lưu manh, làm tay chân đắc lực cho Mỹ - Diệm, còn số khác trong giai cấp địa chủ tuy vẫn muốn duy trì quyền lợi của mình, không muốn thống nhất nước nhà, nhưng lại tỏ thái độ lưng chừng, không dám theo hẳn Mỹ - Diệm. Ở những nơi phong trào kém, chúng câu kết với bọn tay sai của Mỹ - Diệm ở nông thôn và dựa vào lực lượng quân đội miền Nam để thu tô và tăng tô, lấy lại ruộng đất. Một số địa chủ trước đây tham gia kháng chiến hoặc có con em đi tập kết, nay ít nhiều vẫn có tinh thần chống Mỹ - Diệm, tán thành thống nhất. Một số ít địa chủ muốn theo con đường hoà bình trung lập. Một số địa chủ thân Pháp cũng không tán thành chính sách của Mỹ - Diệm. 

Thái độ các giai cấp như trên, quyết định việc sắp xếp lực lượng cách mạng ở miền Nam và phương pháp tiến hành vận động cách mạng trong các tầng lớp ấy. Ngoài ra, trong quá trình vận động cách mạng, Đảng cần có chính sách đúng đắn đối với những lực lượng đặc biệt nói sau đây. Tuy những lực lượng này không phải ở ngoài các giai cấp đã phân tích, nhưng việc chú ý đến họ có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng trong chính sách đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước ở miền Nam để chống Mỹ - Diệm. 

Các dân tộc thiểu số bao gồm trên một triệu người, sống trên một vùng rừng núi rộng lớn (2/3 của đất đai miền Nam), ở vào một vị trí chiến lược rất quan trọng. Họ có truyền thống chống ngoại xâm, trước đây đã cùng với toàn dân đoàn kết, đấu tranh trong Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng; ngày nay, trừ một số ít thuộc tầng lớp trên bị mua chuộc, và một số ít sống trong đồn bốt làm tay sai cho bọn Mỹ - Diệm, còn nói chung các dân tộc vẫn một lòng tin tưởng ở Hồ Chủ tịch, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng và kiên quyết chống Mỹ - Diệm. Đảng phải có chính sách dân tộc đúng đắn để đoàn kết các dân tộc thiểu số đấu tranh chống đế quốc và phong kiến ở miền Nam, nâng cao tinh thần của họ chống Mỹ - Diệm. 

Các tín đồ tôn giáo (Cao Đài, Hoà Hảo, Phật Giáo, v.v.), đại đa số là nông dân, đều có mâu thuẫn với chính quyền Mỹ - Diệm về quyền lợi dân tộc, quyền lợi tôn giáo và quyền lợi giai cấp. Ngay cả trong Công giáo, cũng có bộ phận theo Diệm và có bộ phận chống Diệm. Trong mấy năm qua, chúng ta thu kết quả tốt trong việc đoàn kết và tranh thủ các lực lượng tôn giáo, cần phải tiếp tục tăng cường đoàn kết rộng rãi trong các vùng tôn giáo, vận động các tín đồ tôn giáo đấu tranh chống Mỹ - Diệm. 

Binh lính trong quân đội miền Nam hiện nay là công cụ của địch, nằm trong bộ máy đàn áp khủng bố của chúng, nhưng binh lính hầu hết xuất thân từ nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân. Chính sách cướp giật, khủng bố, đàn áp của Mỹ - Diệm, chế độ quân dịch hà khắc của chúng, dần dần làm cho họ không đồng tình với chính sách gây chiến và nô dịch của Mỹ - Diệm. Do phong trào cách mạng của quần chúng công nông ngày càng phát triển, ý thức chống Mỹ - Diệm, tinh thần dân tộc dân chủ, ý muốn hoà bình và thống nhất có thể nảy nở và phát triển trong quân đội miền Nam. Tuy nhiên, phải thấy rõ tính chất rất phản động của bọn lưu manh, côn đồ và bọn con cái địa chủ và tư sản mại bản thù hằn với cách mạng đã được Mỹ - Diệm rèn luyện trong quân đội đó. 

Vì quân đội là chỗ dựa chủ yếu của Mỹ - Diệm để bảo tồn chế độ của chúng, và đồng thời cũng là lực lượng mà cách mạng cần phải tranh thủ, cho nên binh vận là công tác hết sức quan trọng để tiến tới xây dựng khối công nông binh liên hiệp. 

Đồng bào miền Bắc di cư vào Nam (trừ bọn địa chủ đã bị đánh đổ ở miền Bắc, chạy vào Nam, và bọn phản động đội lốt Công giáo) nói chung ngày càng thấy rõ bộ mặt lừa phỉnh và gian ác của Mỹ - Diệm, đều mong muốn hoà bình thống nhất nước nhà để trở về miền Bắc. 

Sự phân tích thái độ chính trị của các giai cấp trên đây đề ra khả năng tập hợp ngày càng đông đảo các lực lượng yêu nước và dân chủ ở miền Nam trong một mặt trận dân tộc thống nhất thật rộng rãi, lấy liên minh công nông làm cơ sở và do Đảng ta lãnh đạo, để cô lập đến cao độ và đánh đổ chế độ độc tài tàn bạo của Mỹ - Diệm, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. 

Lực lượng của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là bốn giai cấp trong nhân dân ở miền Nam: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc và những nhân sĩ yêu nước. 

Động lực của cách mạng ở miền Nam là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, lấy khối liên minh công nông làm cơ sở, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. 

Miền Bắc xã hội chủ nghĩa là cơ sở vững chắc của phong trào cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. 

II- Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam ở miền Nam 

Căn cứ vào các đặc điểm tình hình hiện nay và thái độ chính trị của các giai cấp ở miền Nam, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam ở miền Nam như sau: 

1. Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. 

2. Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới. 

3. Phương hướng phát triển của cách mạng ở miền Nam 

Vì chế độ miền Nam là một chế độ thực dân và nửa phong kiến cực kỳ phản động và tàn bạo, vì chính quyền miền Nam là chính quyền đế quốc và phong kiến độc tài, hiếu chiến, cho nên ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác để tự giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ. Chỉ có sự thắng lợi của cách mạng mới chấm dứt cảnh cùng khổ của nhân dân miền Nam, mới triệt để đánh bại mọi chính sách nô dịch, chia cắt và gây chiến của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam. Cách mạng Việt Nam ở miền Nam nói chung không thể đi ra ngoài quy luật chung của cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa từ trước đến nay, cho nên con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Đó là mục tiêu phấn đấu của nhân dân miền Nam hiện nay. Vì chế độ thống trị của Mỹ - Diệm dựa vào vũ lực để tồn tại, mà chúng ta thì phải dựa vào lực lượng quần chúng, lấy lực lượng quần chúng đánh đổ chúng, cho nên muốn đạt được mục tiêu đó, cần phải có một quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ, phải tích cực xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng, thì mới có thể có điều kiện nắm lấy thời cơ thuận lợi và giành lấy thắng lợi cuối cùng. 

Tuy vậy, cần thấy rằng cách mạng ở miền Nam vẫn có khả năng hoà bình phát triển, tức là khả năng dần dần cải biến tình thế, dần dần thay đổi cục diện chính trị ở miền Nam có lợi cho cách mạng. Khả năng đó hiện nay rất ít, song Đảng ta không gạt bỏ khả năng đó, mà cần ra sức tranh thủ khả năng đó. Nhưng đồng thời, vì Mỹ - Diệm quyết tâm bám lấy miền Nam, chúng không thể tự nguyện từ bỏ chính quyền, từ bỏ hành động bạo lực nhằm tiêu diệt cách mạng ở miền Nam và xâm lược miền Bắc, cho nên Đảng ta vẫn phải tích cực chuẩn bị về mọi mặt theo phương hướng căn bản là khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm. 

Quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam hiện nay là quá trình xây dựng, củng cố và phát triển phong trào quần chúng đấu tranh về chính trị, kinh tế, văn hoá và bảo đảm cho phong trào đi đúng đường lối của Đảng, tiến từ những hình thức thấp, từ đẩy lùi chính quyền địch từng bước đến những hình thức cao với những chuyển biến làm lay chuyển tận gốc chính quyền đó, và cuối cùng phát động quần chúng khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm, khi có thời cơ thuận lợi ở trong nước và trên thế giới. Cuộc khởi nghĩa ấy đổ máu nhiều hay ít là tuỳ ở mức độ chống trả của địch đối với cách mạng, tuỳ ở lực lượng so sánh giữa ta và địch. Quá trình đó là quá trình đấu tranh gay go, gian khổ, phức tạp giữa ta và địch để thực hiện những nguyện vọng hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và cải thiện đời sống của nhân dân miền Nam. Trong quá trình đó, cần kết hợp sử dụng những hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp, cần phối hợp chặt chẽ phong trào ở đô thị với phong trào ở nông thôn và vùng căn cứ. 

Trong quá trình đấu tranh lâu dài, gay go, gian khổ, phức tạp đó, hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu. Song do quân thù quyết dìm cách mạng trong máu lửa, do nhu cầu của phong trào cách mạng ở miền Nam, cho nên trong một chừng mực nhất định và ở những địa bàn nhất định, đã xuất hiện những lực lượng vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền để trợ lực cho đấu tranh chính trị. Đó là một điều cần thiết. Tuy nhiên, khi sử dụng lực lượng vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền, cần phải thấu suốt nguyên tắc phục vụ cho đấu tranh chính trị, và phục tùng lợi ích của đấu tranh chính trị, phải làm cho cán bộ và nhân dân nắm vững khẩu hiệu chính trị, nắm vững công tác động viên và tổ chức lực lượng chính trị của quần chúng làm cơ bản. Trừ gian phải phục vụ lợi ích của đấu tranh chính trị, và phải phục tùng lợi ích của phong trào, phải làm có trọng điểm và hết sức thận trọng, phải hết sức che giấu lực lượng và giữ gìn cơ sở. Phải kiên quyết khắc phục thiên hướng lấy khủng bố cá nhân thay cho đấu tranh của quần chúng. 

Trong quá trình tiến hành đấu tranh cách mạng chống Mỹ - Diệm, cũng có thể nảy ra những hình thức quá độ nhằm phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, như đặt quan hệ kinh tế, văn hoá, đi lại, v.v. giữa hai miền Nam - Bắc mà Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề ra. Chúng ta cần tranh thủ và triệt để sử dụng các hình thức ấy để đưa cách mạng tiến lên, thực hiện thống nhất trên cơ sở độc lập và dân chủ. 

Tình hình cũng có thể diễn biến phức tạp khi phong trào cách mạng đã đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm. Để tránh bớt những khó khăn không cần thiết cho cách mạng, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong phe đế quốc, phân hoá hàng ngũ kẻ thù và cô lập cao độ đế quốc Mỹ, thì trên bước đường tiến lên của cách mạng việc thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ rộng rãi bao gồm đại biểu các giai cấp và tầng lớp chống Mỹ - Diệm là cần thiết. Nhưng điều căn bản là Đảng phải giữ vững vai trò lãnh đạo và nắm chặt cơ sở quần chúng. Các chính sách nội trị và ngoại giao của chính quyền đó cần một mặt nhằm đưa cách mạng tiến lên, mặt khác phải nhằm triệt để cô lập đế quốc Mỹ và tay sai. 

Nhưng đế quốc Mỹ là đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta. Trong khi lãnh đạo, Đảng ta phải thấy trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó trong mọi tình thế. 



*    * 

Để đảm bảo cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam thành công, sự lãnh đạo của một đảng Mác-Lênin vững mạnh là một nhân tố quyết định. Không ngừng củng cố và phát triển Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ khăng khít giữa Đảng và quần chúng, đó là vấn đề chủ yếu có tính chất quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng. 

Đảng phải đẩy mạnh công tác dân vận, tiến tới thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm thật rộng rãi lấy liên minh công nông làm cơ sở, bao gồm tất cả những lực lượng yêu nước ở miền Nam, tranh thủ mọi người có thể tranh thủ được, ngay cả những phần tử có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm trong chính quyền của đối phương. Đảng phải xúc tiến đặc biệt công tác binh vận, kiên trì, bí mật và khéo léo đi sâu tranh thủ cho được đa số binh lính đồng tình với cách mạng, tiến tới xây dựng khối công nông binh liên hiệp. 

Về mặt sách lược, trong tình hình phức tạp của cách mạng ở miền Nam, Đảng phải theo dõi sát phong trào, nắm vững tình hình, đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, dự đoán đúng chuyển biến của phong trào, để định hình thức đấu tranh và hình thức tổ chức cho thích hợp và kịp thời. Phải biết triệt để lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của chế độ Mỹ - Diệm, luôn luôn chủ động và tranh thủ thêm bạn, bớt thù, làm cho hàng ngũ cách mạng ngày càng lớn mạnh, thế lực của địch ngày càng suy yếu và bị động. 

Trong công tác, phải làm cho tổ chức của Đảng không ngừng ăn sâu trong quần chúng, bám chặt vào quảng đại quần chúng; nắm vững các phương châm khéo công tác, khéo che giấu lực lượng, bảo tồn cơ sở và tích trữ lực lượng để có thể đấu tranh lâu dài và giành thắng lợi cuối cùng, càng đấu tranh càng mở rộng cơ sở và mở rộng phong trào, chứ không thể làm tiêu hao lực lượng và bó hẹp phong trào, phải khéo kết hợp các hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp; tuỳ nơi tuỳ lúc phải biết khéo kết hợp các khẩu hiệu kinh tế, văn hoá với khẩu hiệu chính trị; khéo kết hợp các hình thức đấu tranh chính trị với vũ trang tuyên truyền, vũ trang tự vệ; phải phối hợp chặt chẽ phong trào ở thành thị, ở nông thôn và vùng căn cứ, phong trào ở miền Nam và ở miền Bắc, phong trào trong nước với phong trào cách mạng thế giới. Việc nắm lấy thời cơ cách mạng là vấn đề rất quan trọng cho sự thành công của cách mạng, nắm không kịp thời cơ hoặc đi quá sớm cũng đều đưa đến tổn thất cho cách mạng. Để có thể sử dụng được thời cơ, vấn đề căn bản là phải tích cực xây dựng cơ sở, bảo tồn cơ sở, tích trữ lực lượng, phát triển phong trào và cô lập kẻ địch. 

Trong các công tác và phương châm nói trên, cần phải nắm vững mấy công tác chính là: không ngừng củng cố và phát triển Đảng, đẩy mạnh công tác dân vận, không ngừng củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, xúc tiến đặc biệt công tác binh vận. 

III- Vấn đề Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam 

Củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước là nhiệm vụ chung của toàn Đảng và toàn dân ta. Nhưng vì nhiệm vụ cơ bản của mỗi miền khác nhau, cho nên nhiệm vụ, tính chất, thành phần Mặt trận ở mỗi miền có chỗ khác nhau. Vì vậy, cần có Mặt trận riêng cho miền Nam. 

Cách mạng Việt Nam ở miền Nam hiện nay là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cho nên Mặt trận ở miền Nam hiện nay có tính chất dân tộc dân chủ, nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc và phong kiến. Thành phần của nó bao gồm bốn giai cấp trong nhân dân miền Nam (giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc) và những nhân sĩ yêu nước, lấy liên minh công nông làm cơ sở, và do Đảng ta lãnh đạo. Đối với địa chủ và tư sản mại bản, cần phải phân hoá cao độ, lôi kéo những phần tử chống Mỹ - Diệm, trung lập những phần tử lừng chừng, để cô lập hơn nữa bọn tư sản mại bản thân Mỹ và bọn địa chủ phản động nhất, ngoan cố theo Mỹ - Diệm. 

Trong tình hình cụ thể hiện nay, để phân hoá triệt để, cô lập và đánh bại kẻ thù cụ thể trước mắt và nguy hiểm nhất là Mỹ - Diệm, Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam phải rất rộng rãi, phải đoàn kết tất cả các dân tộc đa số và thiểu số, các đảng phái, các tôn giáo và những cá nhân yêu nước, đoàn kết với ngoại kiều, đặc biệt là Hoa kiều; không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, điều cốt yếu là chống Mỹ - Diệm, tán thành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hoà bình thống nhất Việt Nam. Phải tranh thủ đoàn kết mọi người có thể đoàn kết được, phải trung lập mọi người có thể trung lập được, kể cả những người có ít nhiều khuynh hướng chống Mỹ - Diệm trong chính quyền miền Nam, đặc biệt chú ý những tầng lớp bên dưới trong các cơ quan hành chính và quân đội miền Nam. 

Khuynh hướng hoà bình trung lập là một khuynh hướng chính trị đang bắt đầu nảy nở trong một số tư sản dân tộc và trí thức lớp trên ở miền Nam, cho nên cần phải chú ý tranh thủ và sử dụng khuynh hướng chính trị này để mở rộng mặt trận chống Mỹ - Diệm. Đảng ta phải theo dõi sát tình hình trong nước và các mặt phát triển hiện nay của thế giới, để có thể chủ động sử dụng khuynh hướng ấy một cách có lợi nhất cho cách mạng. 

Cách mạng ở miền Nam phải có chính sách đúng đắn đối với các dân tộc thiểu số để phá âm mưu xây dựng căn cứ quân sự của địch và phá chính sách chia rẽ dân tộc của địch, để mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam. 

Mặt trận ở miền Nam phải nhằm tập hợp mọi lực lượng nhân dân miền Nam chung quanh các yêu cầu cấp bách nhất ở miền Nam hiện nay là: 

- Đòi hoà bình, chống chính sách gây chiến của Mỹ - Diệm. 

- Đòi thống nhất nước nhà, chống chính sách chia cắt của Mỹ - Diệm. 

- Đòi độc lập, dân chủ, chống chính sách nô dịch và độc tài hung bạo của Mỹ - Diệm. 

- Đòi an ninh, đòi tôn trọng tính mạng, tài sản của nhân dân, chống chính sách càn quét, khủng bố của Mỹ - Diệm. 

- Đòi cải thiện đời sống nhân dân: công nhân có công ăn việc làm, nông dân được giảm tô, giảm tức và tiến tới người cày có ruộng, binh lính được tăng lương và đối đãi tử tế; chống chế độ độc quyền công thương nghiệp của tập đoàn thống trị, bảo vệ nội hoá, đòi xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. 

Để nêu rõ những yêu cầu trên đây, Mặt trận ở miền Nam cần phải có một bản cương lĩnh cụ thể, và phải đề ra những khẩu hiệu thiết thực, phù hợp với tình hình từng nơi, từng lúc để động viên và tập hợp quảng đại quần chúng, thống nhất hành động chống Mỹ - Diệm trong mọi trường hợp cụ thể, từ thấp đến cao. 

Mặt trận miền Nam tuy là riêng cho miền Nam, không nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng phải cùng thực hiện mục tiêu chung với Mặt trận Tổ quốc là nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và thực tế phải do Đảng ta lãnh đạo. 

IV- Vấn đề đảng 

Hơn bốn năm qua, Đảng bộ miền Nam chuyển vào cuộc đấu tranh chính trị phức tạp dưới một chế độ độc tài hết sức tàn bạo. Bọn Mỹ - Diệm đã không từ một thủ đoạn gian ác, xảo quyệt nào để tiêu diệt Đảng bộ miền Nam. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, toàn Đảng bộ đều đoàn kết thành một khối, đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, đã và đang lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh anh dũng chống mọi âm mưu thâm độc của địch để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Sự tồn tại và sự trưởng thành của Đảng bộ miền Nam là một thắng lợi rất căn bản của phong trào cách mạng ở miền Nam. Hiện nay vấn đề củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp đảng bộ và nhất là của chi bộ là điểm mấu chốt, nó có một ý nghĩa hết sức cấp bách đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. 

Trước hết, cần đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, nâng cao không ngừng trình độ tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên, bảo đảm sự đoàn kết nhất trí và sự trong sạch của hàng ngũ Đảng. Phải giáo dục rèn luyện cho mỗi đảng viên trở thành một chiến sĩ kiên cường, bất khuất, luôn luôn nắm vững và biết chủ động vận dụng đường lối chính sách của Đảng, luôn luôn anh dũng đấu tranh chống kẻ thù và sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, luôn luôn liên hệ mật thiết với quần chúng, tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. 

Phải thấy công tác xây dựng chi bộ ở nông thôn, xí nghiệp, đường phố, cơ quan giao thông, vận tải, v.v. là khâu hết sức quan trọng. Phải thấu suốt phương châm bí mật, nhỏ, gọn, trọng chất hơn lượng, nhằm bảo đảm cho mỗi chi bộ thật sự trở thành một dinh lũy chiến đấu của Đảng, được lực lượng quần chúng bao bọc, che chở, và có đủ năng lực lãnh đạo, tổ chức quần chúng thực hiện những khẩu hiệu của Đảng. Phải bảo đảm cho mỗi đảng viên có thể thường xuyên thông qua cốt cán mà liên hệ mật thiết với quần chúng, nắm vững tình hình quần chúng. Ở các đường giao thông yết hầu, các vùng dân tộc thiểu số, cần chú ý xây dựng và phát triển Đảng. Tuỳ theo nhu cầu công tác của Đảng, bên cạnh chi bộ, cần phát triển một cách mạnh mẽ và chắc chắn những chi đoàn thanh niên lao động, trên cơ sở nhận thức đầy đủ Đoàn là cánh tay, là đội hậu bị của Đảng, có trách nhiệm xung phong thực hiện tất cả những nhiệm vụ mà Đảng giao cho. 

Hết sức tranh thủ điều kiện giáo dục, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ để bổ sung cho đội ngũ chiến đấu của Đảng. Trong công tác cán bộ, cần đặc biệt chú ý bảo vệ cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đặc biệt chú ý những cán bộ xuất thân trong các thành phần cơ bản. 

Trong việc xây dựng Đảng về mặt tổ chức, phải hết sức đề cao công tác bí mật. Từ việc đi lại, ăn ở, giấy tờ, tổ chức cơ quan, tổ chức giao thông, liên lạc, sử dụng cán bộ, v.v. đều phải triệt để tôn trọng nguyên tắc bí mật của Đảng. Đồng thời phải biết triệt để sử dụng mọi khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để khéo léo che giấu lực lượng của Đảng. Không ngừng nâng cao cảnh giác, tỉnh táo đề phòng mọi sự xâm nhập, phá hoại của bọn gián điệp và những phần tử đầu hàng, phản bội. 

Trong công tác, phải luôn luôn đi sát, nắm vững tình hình để kịp thời đối phó. Công tác giao thông liên lạc là công tác mấu chốt thường xuyên của các cấp uỷ đảng. Cần đề cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác này. Cần tổng kết kinh nghiệm để phổ biến kịp thời, tránh tổn thất cho phong trào.

Để bảo vệ các cơ quan đầu não và che giấu cán bộ, cần xây dựng ở các địa phương những cơ sở an toàn và khu an toàn. 

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ta, nhân dân ta đang tiến hành một cuộc cách mạng với hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau. Vì hoàn cảnh khó khăn, phức tạp của cách mạng ở miền Nam, Trung ương cần phải tăng cường sự lãnh đạo về các mặt chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện đối với các đảng bộ miền Nam. 


*     * 

Đảng ta đang đứng trước những nhiệm vụ cách mạng rất nặng nề nhưng rất vẻ vang: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tạo điều kiện cho cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 kêu gọi toàn Đảng, ở cả miền Bắc và miền Nam, tăng cường đoàn kết nhất trí, bồi dưỡng chí khí chiến đấu, nâng cao tinh thần cảnh giác, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng và đông đảo quần chúng nhân dân cả nước, ra sức phấn đấu giành thắng lợi trong giai đoạn mới. 

Hội nghị tin tưởng sắt đá rằng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là Hồ Chủ tịch, Đảng ta nhất định sẽ khắc phục được mọi khó khăn, tiến lên hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới.

 

Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website