Nghị quyết số 10-NQ/HNTW ngày 26/11/1990, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) về phương hướng chỉ đạo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1991

 

NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ LẦN THỨ MƯỜI BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA VI)

Số 10-NQ/HNTW, ngày 26 tháng 11 năm 1990

Về phương hướng chỉ đạo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1991

----------------------------------

I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 1990

Năm 1990, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có một số chuyển biến tốt. Sản xuất lương thực tiếp tục được đẩy mạnh, giá trị hàng xuất khẩu tăng đáng kể. Việc chống buôn lậu, chống thất thu thuế và chống tham những tuy mới triển khai nhưng đã có những kết quả bước đầu. Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, đã tập trung vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho một số công trình trọng điểm kịp đưa vào sản xuất. Chính sách phát triển các thành phần kinh tế tiếp tục phát huy tác dụng. Cơ chế bao cấp được xoá bỏ thêm một bước. Sự ổn định về chính trị và các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại được bảo đảm.

Những kết quả trên đây tuy chưa toàn diện, nhưng đã khẳng định phương hướng và bước đi trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, những cố gắng của nhân dân ta là to lớn.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm 1990 vẫn còn nhiều mặt yếu kém. Kinh tế nhiều mặt mất cân đối nặng, phát triển chậm, kém hiệu quả. Tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân tăng chậm. Kinh tế quốc doanh gặp nhiều trở ngại, đáng chú ý là phần lớn cơ sở kinh tế quốc doanh địa phương và kinh tế tập thể trong công nghiệp và thương nghiệp chưa thích ứng với cơ chế mới, thiếu vốn để hoạt động, tiêu thụ sản phẩm khó. Ngân sách vẫn bội chi lớn. Việc sửa chữa khuyết điểm trong công tác quản lý tiền tệ và tín dụng còn chậm. Nhiều tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh vỡ nợ gây hậu quả rất xấu. Giá cả nói chung chưa ổn định. Lao động thiếu việc làm tăng. Đời sống một bộ phận công nhân, nông dân, số đông cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, người về hưu gần đây có nhiều khó khăn gay gắt. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều mặt chưa tốt. Trật tự an toàn xã hội còn phức tạp.

Nguyên nhân của tình hình trên, ngoài những điều đã nêu trong Kết luận của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI), là:

Về khách quan, do tác động của tình hình quốc tế phức tạp, biến động ở Liên Xô, các nước Đông âu, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh; các thế lực thù địch tiếp tục bao vây, cấm vận đối với nước ta; nguồn thu từ ngoài nước trước đây thường chiếm 30% tổng số thu nay giảm nhiều , trong lúc ta lại phải trả nợ nước ngoài. Giá nhiều loại vật tư nhập khẩu tăng mạnh. Thiên tai xảy ra liên tiếp.

Về chủ quan, do sự chỉ đạo điều hành, nhất là ở cấp vĩ mô, chưa theo kịp yêu cầu của cơ chế quản lý mới, chưa ban hành đủ và chưa chỉ đạo thực hiện kịp thời các chính sách, chế độ bảo đảm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiến hành đúng hướng và có hiệu quả, chậm khắc phục những sai sót, sơ hở trong một số cơ chế, chính sách đã ban hành; kiểm tra, thanh tra không chặt chẽ; chậm xử lý các vụ vi phạm pháp luật; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, các biểu hiện tiêu cực chậm được khắc phục; tổ chức, biên chế bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu lực.

II- MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CHỈ ĐẠO KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1991

1. Việc thực hiện kế hoạch năm 1991 diễn ra trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp, nước ta không còn nguồn vay nhập siêu như trước, mọi hoạt động kinh tế của ta với nước ngoài phải thanh toán bằng ngoại tệ mạnh và theo giá cả thị trường quốc tế.

Mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1991 là: Củng cố và phát huy những thắng lợi dã giành được trong năm 1990, phấn đấu vượt qua những khó khăn mới về kinh tế - xã hội, giữ vững sự ổn định về chính trị, tạo thế đi lên cho những năm tiếp theo.

Phấn đấu đạt mức tăng tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân năm 1991 cao hơn so với mức năm 1990.

Tập trung sức thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: sản xuất lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và sản xuất hàng xuất khẩu; cố gắng cân đối đủ nguyên liệu, nhiên liêu, vật liệu chủ yếu cho ba chương trình kinh tế; tiếp tục kiềm chế và khắc phục các tổ phát sinh lạm phát cao, hạn chế bội chi ngân sách, không để giá tăng đột biến; thực hành triệt để tiết kiệm, giải quyết có trọng điểm các vấn đề xã hội, trước hết đẩy mạnh sản xuất, thu hút thêm lao động, giảm bớt khó khăn về đời sống, nhất là đời sống những người hưởng lương trong khu vực hành chính, sự nghiệp, các lực lượng vũ trang, người về hưu, các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội; nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, văn hoá, y tế, chú trọng các vùng dân tộc, miền núi, biên giới; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội.

2. Phương hướng chỉ đạo kế hoạch năm 1991 là:

a) Nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khai thác mọi khả năng sẵn có và tiềm tàng về đất đai, tài nguyên, lao động, cơ sở vật chất - kỹ thuật và nguồn vốn trong nước; đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế, mở rộng thị trường, ra sức thu hút nguồn vốn và kỹ thuật bên ngoài.

Trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuât, phát triển sản xuất, nhất là sản xuất lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp phục vụ ba chương trình kinh tế lớn, đặc biệt là công nghiệp chế biến, đẩy mạnh sản xuất những tư liệu sản xuất trong nước có thể sản xuất được để thay thế vật tư, thiết bị nhập khẩu. Phát triển mạnh hàng xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu vật tư và hàng tiêu dùng thiết yếu. Tiếp tục xoá bỏ cơ chế bao cấp trong sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản qua vốn, giá cả, tiền lương..., chuyển mạnh sang cơ chế hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Củng cố kinh tế quốc doanh, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở kinh tế quốc doanh, nhất là các cơ sở quan trọng trong nền kinh tế và các xí nghiệp có điều kiện vươn lên làm ăn có hiệu quả. Đối với các cơ sở kinh tế quốc doanh làm ăn thua lỗ kéo dài, đặc biệt là các đơn vị cơ sở không thuộc lĩnh vực sản xuất và không thuộc các ngành trọng yếu thì kiên quyết xử lý bằng cách chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể.

Cần chỉ đạo khẩn trương việc thực hiện các biện pháp đã đề ra về tăng cường quản lý xí nghiệp, bổ sung, sửa đổi một số điểm trong quyết định 217 của Hội đồng Bộ trưởng.

Củng cố các hợp tác xã, khuyến khích phát triển kinh tế gia đình.

Đầu tư tập trung và có trọng điểm vào những mục tiêu và ngành quan trọng, trước hết đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, chế biến nông sản và một số ngành công nghiệp nặng trực tiếp phục vụ ba chương trình kinh tế lớn.

Cố gắng tạo thêm việc làm, giảm bớt số người thất nghiệp; bổ sung cơ chế, chính sách để huy động được nhiều nguồn vốn, kể cả vốn của những người đi lao động hợp tác quốc tế đã về nước, vào việc phát triển ngành nghề, đầu tư tổ chức khai thác trung du, miền núi.

- Mở rộng hợp tác kinh tế với các nước trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi, không xâm phạm chủ quyền của nhau. Tranh thủ giữ các thị trường truyền thống; coi trọng mở rộng thị trường các nước khác.

- Tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm các cân đối chủ yếu cho nền kinh tế. Xử lý đúng đắn quan hệ giữa nhu cầu xuất khẩu với nhu cầu trong nước,đặc biệt là về lương thực.

Thực hiện kế hoạch hoá xuất nhập khẩu và kế hoạch hoá sử dụng ngoại tệ; mọi giao dịch về ngoại tệ đều thực hiện qua ngân hàng. Nhà nước trung ương quản lý tập trung việc sử dụng một bộ phận quan trọng ngoại tệ để bảo đảm nhập khẩu các vật tư thiết bị chủ yếu và một số loại hàng thiết yếu khác cho nhu cầu chung cả nước và các địa phương, nhưng phải bảo đảm lợi ích chính đáng của người và đơn vị có ngoại tệ.

- Đổi mới cơ chế tín dụng để thu hút mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội nhằm phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi của người có tiền gửi. Trên cơ sở kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, tích cực giải quyết vốn đáp ứng các nhu cầu cấp bách của sản xuất, kinh doanh. Tài chính và ngân hàng phải làm tốt chức năng trung tâm thanh toán, xử lý nợ dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau trong nền kinh tế.

- Tiếp tục kiềm chế lạm phát, giảm tỉ lệ bội chi ngân sách Nhà nước. Tăng cường động viên và quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tập trung đầy đủ các nguồn thu vào ngân sách theo luật định. Có biện pháp đồng bộ bảo đảm cân đối và điều hoà cung - cầu, không để giá những mặt hàng trọng yếu tăng đột biến; điều chỉnh giá vật tư, nguyên liệu nhập khẩu phù hợp với giá thị trường thế giới.

- Kiên quyết và khẩn trương thực hiện giảm biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Tăng đầu tư cho chủ trương này.

Phấn đấu ổn định giá cả thị trường để bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động. Trợ cấp khó khăn cho cán bộ, nhân viên khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí, các đối tượng hưởng chính sách xã hội.

b) Triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng.

Hết sức tiết kiệm trong chi tiêu, tích cực giảm những khoản chi chưa thật cấp bách, tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu hành chính, nhất là hội họp, tiếp khách, hạn chế nhập khẩu những hàng tiêu dùng chưa thiết yếu.

Coi trọng và có chính sách cụ thể thực hành tiết kiệm trong sản xuất và trong xây dựng cơ bản.

Không tiêu dùng quá khả năng làm ra. Ngân sách nhà nước chỉ có thể chi trong khả năng thu, nếu thu không đủ thì vay dân; nếu vẫn thiếu thì các ngành, các địa phương, nhà nước và nhân dân cùng chịu đựng khó khăn, san sẻ gánh nặng ngân sách; mở rộng các hình thức"nhà nước và nhân dân cùng làm", cùng đóng góp giải quyết các khó khăn.

Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc mọi hành vi làm thất thoát tiền của, tài sản của Nhà nước và nhân dân dưới bất cứ hình thức nào. Chống lối sống phô trương, hình thức, xa hoa, lãng phí.

c) Mọi người sống bằng lao động và nguồn tbu nhập chính đáng của mình. Kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, chống thất thu ngân sách và chống mọi nguồn thu nhập bất chính, khắc phục tình trạng bất công trong phân phối thu nhập.

Cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, nêu cao và bồi dưỡng đức tính cần kiệm, liêm chính mà Bác Hồ hằng giáo dục, thực hiện lối sống trong sạch và lành mạnh.

Trên cơ sở những phương hướng và tư tưởng chỉ đạo nói trên, Hội đồng Bộ trưởng trình kế hoạch, ngân sách năm 1991 với những nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể để kỳ họp lần thứ tám, Quốc hội khoá VIII xem xét và quyết định.

Năm 1991 là năm có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, là năm mở đầu kế hoạch 5 năm 1991 - 1995, có nhiều thuận lợi mới nhưng cũng có những khó khăn khác thường, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đứng trước những thử thách lớn.

Các cấp uỷ đảng cần lãnh đạo toàn đảng, toàn dân giữ vững đoàn kết, thống nhất ý chí và hành đông, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, động viên, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn thực hiện kế hoạch Nhà nước, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tiến hành thắng lợi Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. 

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
TỔNG BÍ THƯ

NGUYỄN VĂN LINH


 

 

_______________

Nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 50, tr.347-354.

 

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website