Quyết định số 1785/QĐ-TTg ngày 13/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng
  • Về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng
  • 1785/QĐ-TTg
  • Quyết định
  • Đầu tư - Xây dựng
  • 13/11/2017
  • 13/11/2017
  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Nguyễn Xuân Phúc
Nội dung:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1785/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ ĐẤU THẦU QUA MẠNG

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 thán6 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Căn cứ Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

 

-----------

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ ĐẤU THẦU QUA MẠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1785/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) là Tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo

1. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong lĩnh vực đấu thầu qua mạng.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng.

3. Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến lĩnh vực đấu thầu qua mạng.

Chương II

PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Điều 3. Phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo

1. Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập thể bàn bạc và Trưởng Ban quyết định trên cơ sở thống nhất giữa các thành viên. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các thành viên, Trưởng Ban quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình.

2. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

3. Phó Trưởng ban và thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm về tổ chức, phối hợp và triển khai thực hiện công tác đấu thầu qua mạng trong phạm vi cơ quan mình quản lý, theo dõi với sự hỗ trợ của đơn vị làm đầu mối thực hiện các công tác đấu thầu qua mạng tại cơ quan mình.

4. Ý kiến tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo là ý kiến chính thức của cơ quan, tổ chức mà thành viên đó đang công tác.

5. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng ban. Bên cạnh hình thức họp trực tiếp để thảo luận, Ban Chỉ đạo có thể lấy ý kiến tham gia của các thành viên bằng văn bản. Chế độ thông tin, báo cáo theo quy định hiện hành.

6. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo để chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp các thông tin để chuẩn bị cho các cuộc họp Ban Chỉ đạo.

7. Trưởng ban (hoặc Phó Trưởng ban được ủy quyền) là người chủ trì và kết luận tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo; ký các văn bản của Ban Chỉ đạo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

8. Thành viên Ban Chỉ đạo phải có mặt trong tất cả các cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Trường hợp thành viên Ban Chỉ đạo không thể tham dự phiên họp thì phải báo cáo Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban và ủy quyền cho người có trách nhiệm dự họp thay và chịu trách nhiệm đóng góp ý kiến về các vấn đề trong chương trình họp Ban Chỉ đạo.

9. Trưởng ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Phó Trưởng ban và các thành viên Ban Chỉ đạo ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền và sử dụng con dấu của cơ quan mình.

10. Ban Chỉ đạo hoạt động kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập.

Điều 4. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.

Chương III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban

1. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ và các mặt công tác, hoạt động của Ban Chỉ đạo.

2. Chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

3. Điều hành, phân công, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao; thông qua các kế hoạch công tác; chủ trì các phiên họp của Ban Chỉ đạo.

Trưởng ban triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ 6 tháng và hàng năm và các phiên họp bất thường theo yêu cầu của tình hình thực tế. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban chủ trì các phiên họp.

4. Quyết định bổ sung, thay thế thành viên khi cần thiết.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban

1. Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các nhiệm vụ được phân công.

2. Thay mặt Trưởng ban giải quyết công việc khi được ủy quyền, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng Quy chế, có hiệu quả.

3. Ký các văn bản điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện chương trình hành động, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng ban ủy quyền.

4. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương để lấy ý kiến về các cơ chế, chính sách thực hiện đấu thầu qua mạng theo nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

5. Yêu cầu các bộ, ngành báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình, kết quả và những kiến nghị trong việc thực hiện chương trình hành động, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo.

6. Tập hợp ý kiến các thành viên, chủ trì xây dựng các kế hoạch thực hiện áp dụng đấu thầu qua mạng; báo cáo kế hoạch công tác 6 tháng và hàng năm của Ban Chỉ đạo với Trưởng ban để thông qua, làm cơ sở quản lý, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo

1. Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các nhiệm vụ được phân công và các nhiệm vụ thuộc cơ quan mình quy định tại Điều 2 Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025.

2. Tham gia đầy đủ các cuộc họp và chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị đóng góp ý kiến về các vấn đề trong chương trình họp Ban Chỉ đạo. Trường hợp không tham dự phiên họp thì phải báo cáo Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban và ủy quyền cho người có trách nhiệm dự họp thay.

3. Tham mưu giúp Trưởng ban đôn đốc, chỉ đạo kế hoạch thực hiện đấu thầu qua mạng tại bộ, ngành hoặc cơ quan mình. Thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, ý kiến chỉ đạo, kết luận của Trưởng ban về lĩnh vực do mình phụ trách.

4. Báo cáo kịp thời công việc và ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo với Thủ trưởng cơ quan mình về các công việc thuộc lĩnh vực phụ trách; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các nội dung Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2016 đảm bảo đúng tiến độ.

5. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác với các hoạt động trong kế hoạch này để triển khai thực hiện.

6. Quyết liệt đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trong phạm vi quản lý của bộ, ngành mình đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình đã quy định; báo cáo và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai, thực hiện đấu thầu qua mạng tại bộ, ngành hoặc cơ quan mình được phân công theo dõi, quản lý và các vấn đề khác được giao quy định tại Quy chế này.

Điều 8. Thư ký Ban Chỉ đạo

Thư ký Ban Chỉ đạo là Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thư ký Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ sau đây:

1. Dự thảo, xây dựng chương trình công tác năm, nội dung các phiên họp của Ban Chỉ đạo và chuẩn bị các báo cáo về hoạt động của Ban Chỉ đạo, trình Trưởng ban phê duyệt.

2. Giúp Trưởng ban đôn đốc các bộ, ngành chuẩn bị báo cáo về những vấn đề liên quan theo yêu cầu của Trưởng ban; gửi tài liệu cần thiết cho các thành viên Ban Chỉ đạo; tổng hợp ý kiến thảo luận tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo hoặc về các vấn đề Ban Chỉ đạo cần xin ý kiến.

3. Giúp Trưởng ban đôn đốc, giám sát các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quy chế này và nhiệm vụ khác của Trưởng ban giao./.

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website