THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:737/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN HTKT CHO DỰ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG XANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH DO WB TÀI TRỢ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3090/BKHĐT-KTĐN ngày 26 tháng 4 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, như sau:
- Tổng vốn và nguồn vốn của Dự án: 10,77 triệu USD, trong đó:
+ 10,5 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) ủy thác WB quản lý.
+ Vốn đối ứng: 0,27 triệu USD (tương đương 5,955 tỷ đồng).
- Nguồn và cơ chế tài chính trong nước đối với Dự án:
+ Vốn viện trợ không hoàn lại (10,5 triệu USD): Ngân sách Trung ương cấp phát cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Vốn đối ứng (0,27 triệu USD): Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi hoạt động nghiệp vụ hàng năm của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
- Mục tiêu tổng quát: Cải thiện chất lượng và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng dọc theo hành lang ưu tiên cao ở Thành phố Hồ Chí Minh.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Đề xuất những sửa đổi khung pháp lý và quy định nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở phát triển đô thị (TOD) dọc hành lang giao thông công cộng khối lượng lớn.
+ Đề xuất cơ chế và biện pháp nhằm khuyến khích thành phần tư nhân tham gia vào phát triển đô thị tích hợp cũng như giao thông công cộng khối lượng lớn.
+ Xây dựng thí điểm một dự án không gian công cộng dọc hành lang giao thông công cộng khối lượng lớn (BRT) nhằm khuyến khích đi lại bằng giao thông công cộng.
+ Nghiên cứu tối ưu hóa việc kết nối cho tuyến BRT số 1 với các tuyến xe buýt thường, xe buýt gom và các loại hình giao thông không động cơ nhằm tăng cường lượng hành khách cho tuyến BRT số 1.
+ Phát triển Chủ dự án (UCCI) thành một Ban quản lý dự án chuyên nghiệp của thành phố, có khả năng quản lý hiệu quả các dự án lớn được thành phố giao phó.
+ Nâng cao năng lực hiện thực hóa mô hình TOD cho Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.
- Kết quả chủ yếu:
+ Quy hoạch phân khu từng quận huyện dọc hành lang và thiết kế đô thị dọc hành lang được điều chỉnh phù hợp tạo điều kiện cho việc thực hiện quy hoạch phát triển theo định hướng TOD.
+ Một cơ chế khuyến khích thành phần tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông công cộng được xây dựng.
+ Khung pháp lý và quy định nhằm phát triển đô thị tinh gọn, bền vững, tập trung quanh trạm dừng giao thông công cộng khối lượng lớn trên nguyên tắc TOD.
+ Không gian công cộng điển hình được xây dựng dọc hành lang nhằm tăng tính thu hút của hệ thống BRT và việc phát triển đô thị xung quanh trạm dừng BRT.
+ Số lượng hành khách sử dụng hệ thống xe buýt nhanh tăng từ 24.700 hành khách/ngày lên thành 27.000 hành khách/ngày tại thời điểm năm thứ 5 sau khi bắt đầu dự án và từ 27.000 hành khách/ngày lên 29.000 hành khách/ngày vào năm thứ 6.
- Thời hạn thực hiện Dự án: Từ năm 2016 đến năm 2020.
Điều 2. Căn cứ quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan triển khai các bước tiếp theo.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Phạm Bình Minh
|