Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
  • Quy định giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
  • 08/2016/TT-BNNPTNT
  • Thông tư
  • Nông - Lâm - Ngư nghiệp
  • 01/06/2016
  • 15/07/2016
  • Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Vũ Văn Tám
Nội dung:

 

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2016/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH GIÁM SÁT AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN


Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010 và Nghị định của Chính phủ số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Thông tư này quy định việc giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm nông lâm thủy sản lưu thông, tiêu thụ trong nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động giám sát nhằm cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn sự cố ATTP trước khi phân phối đến người tiêu dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng thực phẩm nông lâm thủy sản áp dụng của Thông tư này gồm: ngũ cốc; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; cacao; hạt tiêu; Điều và các nông sản thực phẩm được lưu thông, tiêu thụ tại:

a) Chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản (sau đây gọi tắt là chợ);

b) Cơ sở thu gom, phân phối nông lâm thủy sản, cơ sở chuyên doanh nông lâm thủy sản (chỉ kinh doanh các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) (sau đây gọi tắt là cơ sở kinh doanh).

2. Đối tượng không áp dụng Thông tư này gồm: các sản phẩm nông lâm thủy sản thực phẩm xuất khẩu đã được giám sát theo quy định nước nhập khẩu.

Điều 3. Căn cứ để thực hiện giám sát ATTP nông lâm thủy sản

Các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành và các quy định khác của nhà nước có liên quan về các chỉ tiêu ATTP đối với thực phẩm nông lâm thủy sản.

Điều 4. Cơ quan giám sát ATTP nông lâm thủy sản

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hoặc cơ quan chuyên môn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định đối với các tỉnh/thành phố chưa thành lập Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (sau đây gọi tắt là Cơ quan giám sát): giám sát ATTP đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản tại công đoạn lưu thông, tiêu thụ trong nước.

Điều 5. Phòng kiểm nghiệm thực hiện phân tích mẫu giám sát ATTP

Phòng kiểm nghiệm thực hiện phân tích mẫu giám sát ATTP là các phòng kiểm nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là phòng kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Phòng kiểm nghiệm).

Điều 6. Yêu cầu đối với người lấy mẫu

1. Có chuyên môn phù hợp;

2. Có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận về lấy mẫu hoặc có chứng chỉ, giấy chứng nhận tham gia đào tạo, tập huấn có nội dung về lấy mẫu ATTP nông lâm thủy sản.

Điều 7. Phương thức và nội dung giám sát

Lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm, đánh giá sự phù hợp so với quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của một chỉ tiêu hoặc một nhóm chỉ tiêu đối với một sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể có nguy cơ cao về ATTP trong một Khoảng thời gian được xác định.

Điều 8. Kinh phí triển khai

Kinh phí thực hiện giám sát ATTP nông lâm thủy sản của Cơ quan giám sát thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Việc lập dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Chương II

NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIÁM SÁT ATTP

Điều 9. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát

Kế hoạch lấy mẫu giám sát bao gồm các nội dung sau:

1. Sản phẩm nông lâm thủy sản (sau đây gọi là sản phẩm) giám sát;

2. Địa Điểm lấy mẫu giám sát;

3. Số lượng mẫu và chỉ tiêu ATTP cần kiểm nghiệm;

4. Dự kiến thời gian thực hiện lấy mẫu giám sát đối với từng sản phẩm;

5. Dự trù kinh phí triển khai hoạt động giám sát, bao gồm chi phí lấy mẫu, mua mẫu và phân tích mẫu.

Điều 10. Tiêu chí xác định sản phẩm và chỉ tiêu ATTP cần giám sát

Xác định sản phẩm và chỉ tiêu ATTP cần giám sát theo một hoặc một số tiêu chí sau:

1. Sản phẩm, chỉ tiêu bị phát hiện vi phạm quy định về ATTP theo phản ánh của người tiêu dùng, cảnh báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ATTP; cảnh báo của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu;

2. Sản phẩm, chỉ tiêu bị phát hiện không bảo đảm ATTP từ kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP của năm trước;

3. Sản phẩm, chỉ tiêu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể;

4. Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 11. Tiêu chí xác định địa Điểm lấy mẫu giám sát

Xác định địa Điểm lấy mẫu giám sát theo một hoặc một số tiêu chí sau:

1. Các chợ, cơ sở kinh doanh tại địa phương có kinh doanh sản phẩm giám sát được xác định tại Điều 10.

2. Địa Điểm lấy mẫu giám sát phải bảo đảm lấy được mẫu đại diện, truy xuất được nguồn gốc, thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch giám sát.

Điều 12. Tiêu chí xác định số lượng mẫu giám sát

Xác định số lượng mẫu giám sát tương ứng với sản phẩm giám sát theo một hoặc một số tiêu chí sau:

1. Thông tin cảnh báo về chỉ tiêu ATTP của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong nước và cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu;

2. Tham khảo hướng dẫn phương pháp lấy mẫu của CODEX số CAC/GL 33-1999;

3. Theo yêu cầu quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 13. Thời gian thực hiện lấy mẫu giám sát

Thời gian thực hiện lấy mẫu giám sát tập trung vào Khoảng thời gian cụ thể được xác định trong năm hoặc theo yêu cầu quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 14. Phê duyệt kế hoạch lấy mẫu giám sát

1. Tháng 10 hàng năm, Cơ quan giám sát đề xuất kế hoạch lấy mẫu giám sát của năm tiếp theo (nếu cần) và trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kế hoạch lấy mẫu giám sát ATTP nông lâm thủy sản do Cơ quan giám sát đề xuất; thẩm định, phê duyệt kế hoạch lấy mẫu giám sát ATTP vào tháng 12 để thực hiện cho năm tiếp theo; thông báo cho Cơ quan giám sát và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.

Điều 15. Điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu giám sát

Dựa trên Điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh, trong quá trình triển khai thực hiện, Cơ quan giám sát đề xuất Điều chỉnh kế hoạch lấy mẫu (nếu cần thiết) cho phù hợp và gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, thông báo kế hoạch được Điều chỉnh.

Điều 16. Lấy mẫu giám sát

1. Căn cứ vào kế hoạch đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, Cơ quan giám sát tổ chức thực hiện lấy mẫu giám sát.

2. Bảo quản mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm cụ thể cho từng mẫu; khối lượng mẫu kiểm nghiệm phải đảm bảo đủ để kiểm nghiệm lần đầu và kiểm nghiệm khẳng định; Lập biên bản thu mẫu, có chữ ký của người lấy mẫu, đại diện cơ sở được lấy mẫu.

3. Mẫu sau khi lấy phải được niêm phong và có ký hiệu nhận biết (mã hóa). Cơ quan giám sát phải gửi mẫu đến các Phòng kiểm nghiệm để thực hiện kiểm nghiệm kịp thời theo yêu cầu của từng loại mẫu và chỉ tiêu phân tích.

4. Quy trình lấy mẫu, bảo quản, giao nhận mẫu và gửi mẫu đến Phòng kiểm nghiệm của một số sản phẩm nông lâm thủy sản được thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 17. Giao nhận mẫu

1. Đại diện Cơ quan giám sát và Phòng kiểm nghiệm: kiểm tra, đối chiếu số lượng, chủng loại mẫu, tình trạng mẫu, chỉ tiêu kiểm nghiệm, thực hiện giao nhận mẫu giám sát và lập biên bản giao nhận mẫu theo nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phòng kiểm nghiệm có quyền từ chối tiếp nhận các mẫu có thông tin sai hoặc trong tình trạng bao gói, bảo quản không đúng theo yêu cầu, có khả năng ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Đối với trường hợp này, Cơ quan giám sát thực hiện lấy mẫu lại.

Điều 18. Kiểm nghiệm, thông báo kết quả giám sát

1. Việc kiểm nghiệm mẫu giám sát nông lâm thủy sản được thực hiện tại phòng kiểm nghiệm quy định tại Điều 5.

2. Thời gian thông báo kết quả kiểm nghiệm kể từ khi nhận mẫu theo thỏa thuận giữa Phòng kiểm nghiệm và Cơ quan giám sát đã gửi mẫu.

3. Định kỳ hoặc khi có yêu cầu, Cơ quan giám sát tổng hợp báo cáo kết quả giám sát gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp kết quả không đạt, việc xử lý được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và định kỳ công bố trên website của Sở kết quả giám sát tại địa phương.

Điều 19. Xử lý khi kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát không bảo đảm ATTP

Ngay sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát không bảo đảm ATTP, cơ quan giám sát thực hiện nội dung sau:

1. Thông báo bằng văn bản tới cơ sở có mẫu không bảo đảm ATTP, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không bảo đảm ATTP, Điều tra nguyên nhân, thực hiện hành động khắc phục và báo cáo kết quả về cơ quan giám sát. Việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không bảo đảm ATTP được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản và Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn.

2. Thông báo bằng văn bản kết quả giám sát tới các cơ quan chức năng địa phương được phân công quản lý ATTP tại công đoạn sản xuất kinh doanh có mẫu giám sát phát hiện không bảo đảm ATTP để có biện pháp kiểm soát phù hợp.

3. Trường hợp quá thời hạn yêu cầu không nhận được báo cáo kết quả Điều tra nguyên nhân và thực hiện hành động khắc phục của cơ sở, cơ quan giám sát thông báo và đề nghị bằng văn bản tới cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành để tổ chức thanh tra đột xuất và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật thanh tra.

4. Trường hợp mẫu giám sát không bảo đảm ATTP được xác định là sản phẩm nhập khẩu, cơ quan giám sát báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có văn bản thông báo tới cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý ATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Điều 20. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

1. Tổng hợp kết quả giám sát ATTP nông lâm thủy sản hàng năm của các địa phương và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện; chủ trì đề xuất, kiến nghị những nội dung quy định cần sửa đổi trong Thông tư này.

2. Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ giám sát ATTP cho các Cơ quan giám sát.

3. Xây dựng quy trình hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, giao nhận mẫu của một số sản phẩm giám sát.

4. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện Thông tư này của Cơ quan giám sát.

Điều 21. Tổng cục Thủy sản, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Cục Thú y

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc hệ thống cấp tỉnh phối hợp với Cơ quan giám sát trong quá trình xử lý kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát không bảo đảm ATTP.

2. Phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phổ biến, hướng dẫn triển khai cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Điều 22. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh, thành phố.

2. Tổng hợp, phê duyệt kế hoạch lấy mẫu giám sát ATTP nông lâm thủy sản hàng năm của Cơ quan giám sát.

3. Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tổ chức triển khai các biện pháp kiểm soát, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật trong trường hợp kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát không bảo đảm ATTP.

4. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn kiến thức bảo đảm chất lượng ATTP cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

5. Báo cáo định kỳ vào tháng 12 hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) về hoạt động giám sát ATTP nông lâm thủy sản tại địa phương.

Điều 23. Cơ quan giám sát

1. Chủ trì xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức triển khai theo kế hoạch được phê duyệt tại tỉnh, thành phố theo quy định tại Thông tư này.

2. Phổ biến, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản, Ban quản lý chợ đầu mối, chợ đấu giá thực hiện quy định của Thông tư này.

3. Lưu trữ có hệ thống toàn bộ hồ sơ, dữ liệu có liên quan đến hoạt động giám sát ATTP nông lâm thủy sản; cung cấp hồ sơ, giải trình đầy đủ và chính xác các vấn đề có liên quan đến hoạt động giám sát khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản yêu cầu.

4. Chi trả chi phí mua mẫu, kiểm nghiệm mẫu .

5. Báo cáo định kỳ hàng tháng và báo cáo tổng hợp kết quả giám sát trong năm vào tháng 12 hàng năm về Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chủ động đề xuất, kiến nghị những nội dung cần sửa đổi trong thực hiện kế hoạch lấy mẫu giám sát ATTP nông lâm thủy sản.

6. Phối hợp tổ chức và tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ giám sát ATTP do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức.

Điều 24. Phòng kiểm nghiệm được chỉ định kiểm nghiệm mẫu nông lâm thủy sản

1. Bảo đảm kết quả kiểm nghiệm chính xác, khách quan và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm nghiệm do Phòng kiểm nghiệm thực hiện.

2. Thông báo kết quả kiểm nghiệm cho Cơ quan giám sát theo thỏa thuận đã thống nhất giữa hai bên.

Điều 25. Cơ sở kinh doanh và Ban quản lý chợ

1. Cung cấp mẫu, cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của mẫu giám sát theo yêu cầu của Cơ quan giám sát.

2. Chấp hành các biện pháp giám sát, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân mẫu không bảo đảm ATTP, thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp, chủ động thực hiện thu hồi sản phẩm không bảo đảm ATTP và báo cáo kết quả cho Cơ quan giám sát.

3. Ban quản lý chợ có trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ, trong đó xác định rõ trách nhiệm chung của chợ, trách nhiệm của từng đối tượng kinh doanh nông lâm thủy sản trong chợ về việc chấp hành quy định về ATTP.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 2016.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 05/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường; thay thế Thông tư số 61/2012/TT-BNNPTNT ngày 13/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định việc giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch.

Điều 27. Sửa đổi, bổ sung

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có trách nhiệm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện Thông tư này và báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 



KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

Vũ Văn Tám

 

------------------

PHỤ LỤC

QUY TRÌNH LẤY MẪU, BẢO QUẢN, GIAO NHẬN MẪU GIÁM SÁT ATTP ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN
(Ban hành kèm theo Thông tư 08/TT-BNNPTNT ngày1/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Giải thích từ ngữ

Trong tài liệu này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.1. Lấy mẫu giám sát ATTP là các thao tác kỹ thuật nhằm thu được mẫu kiểm nghiệm phục vụ cho việc phân tích các chỉ tiêu ATTP. Mẫu kiểm nghiệm phải đảm bảo tính đại diện, ngẫu nhiên.

1.2. Lô hàng nhận để bán (sau đây gọi tắt là lô hàng) là một lượng hàng xác định của một loại sản phẩm có cùng nhà cung cấp tại cùng một thời Điểm.

1.3. Đơn vị mẫu là lượng tách rời nhỏ nhất trong lô hàng được lấy ra để tạo nên toàn bộ hoặc một phần của mẫu ban đầu.

1.4. Mẫu ban đầu là một hoặc nhiều đơn vị mẫu được lấy ra từ một vị trí hoặc một đơn vị bao gói trong một lô hàng.

1.5. Mẫu chung là mẫu được tạo thành từ tập hợp các mẫu ban đầu.

1.6. Mẫu kiểm nghiệm là lượng mẫu được lấy ra từ mẫu chung dùng để phân tích các chỉ tiêu tại phòng kiểm nghiệm.

2. Nguyên tắc chung về lấy mẫu:

Hoạt động lấy mẫu thực hiện theo nguyên tắc sau:

2.1. Xác định đúng Mục đích, phạm vi và đối tượng lấy mẫu trước khi lấy mẫu.

2.2. Mẫu được lấy theo nguyên tắc ngẫu nhiên đảm bảo tính đại diện.

2.3. Hoạt động lấy mẫu không gây ô nhiễm cho mẫu được lấy.

2.4. Mẫu phải đủ khối lượng để phục vụ phân tích,

2.5. Mẫu được niêm phong, bảo quản, vận chuyển trong Điều kiện phù hợp.

2.6. Các thông tin về mẫu phải được ghi chép đầy đủ.

2.7. Đối với những sản phẩm đã được đóng gói ở dạng túi nhỏ (có khối lượng nhỏ hơn hoặc bằng khối lượng mẫu kiểm nghiệm), khi lấy mẫu phải lấy nguyên gói (mỗi gói được coi là một đơn vị mẫu).

2.8. Trong trường hợp sản phẩm đã được bao gói sẵn, sản phẩm lựa chọn để lấy mẫu phải còn thời hạn sử dụng.

3. Yêu cầu về lấy mẫu

3.1. Yêu cầu về dụng cụ lấy mẫu, chứa mẫu, bảo quản mẫu:

3.1.1. Có thông số kỹ thuật phù hợp, được kiểm soát, hiệu chuẩn phù hợp;

3.1.2. Đảm bảo không là nguồn lây nhiễm vào sản phẩm;

3.1.3. Dụng cụ lấy và chứa mẫu phải khô, sạch, được làm bằng vật liệu phù hợp. Trường hợp thực hiện lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu vi sinh vật, dụng cụ lấy và chứa mẫu phải bảo đảm vô trùng.

3.1.4. Dụng cụ bảo quản mẫu phải sạch, khô, kín, phù hợp với khối lượng mẫu, yêu cầu bảo quản và tính chất của mẫu.

3.1.5. Dụng cụ phải được chuẩn bị đầy đủ đảm bảo 01 bộ dụng cụ cho 01 mẫu cần lấy, phù hợp với các đối tượng mẫu cần lấy theo kế hoạch.

3.2. Các yêu cầu cần tuân thủ trong quá trình lấy mẫu:

3.2.1. Sử dụng trang phục sạch, giảm thiểu rủi ro lây nhiễm.

3.2.2. Mang găng tay và khử trùng găng tay trước khi lấy mẫu. Đổi găng tay trước khi tiến hành lấy mẫu tiếp theo nếu có nguy cơ nhiễm chéo.

3.2.3. Đảm bảo không lây nhiễm chéo cho mẫu được lấy. Trường hợp lấy mẫu để kiểm tra vi sinh vật: Chú ý không để dụng cụ và găng tiệt trùng tiếp xúc với các bề mặt khác ngoài sản phẩm lấy mẫu; Không dùng chung dụng cụ khi lấy mẫu (đối với mẫu kiểm nghiệm vi sinh), mỗi mẫu sử dụng 1 bộ dụng cụ lấy mẫu riêng biệt; Túi đựng mẫu phải được đóng kín sau khi cho mẫu vào để bảo đảm mẫu không rơi mẫu ra ngoài và mẫu không bị lây nhiễm trong quá trình vận chuyển.

3.2.4. Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các dụng cụ phù hợp với đối tượng mẫu lấy trước khi thao tác lấy mẫu.

3.2.5. Thao tác lấy mẫu phải đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng lô sản phẩm được lấy mẫu.

3.2.6. Tất cả các công đoạn đóng gói mẫu phải được thực hiện tại nơi lấy mẫu để tránh khả năng lây nhiễm.

3.2.7. Việc ghi nhãn, niêm phong và lập biên bản lấy mẫu phải được thực hiện ngay tại hiện trường.

3.2.8. Thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật tương ứng với từng đối tượng mẫu lấy.

4. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu tại trường

4.1. Xác định cơ sở kinh doanh để thực hiện lấy mẫu:

4.1.1. Tập hợp danh sách các cơ sở kinh doanh các sản phẩm lấy mẫu và danh sách cơ sở cung cấp (bao gồm tên sản phẩm, khối lượng, nguồn gốc cung ứng hàng tháng) cho các cơ sở kinh doanh.

4.1.2. Lựa chọn cơ sở kinh doanh trong danh sách để lấy mẫu trên cơ sở xem xét các nội dung sau:

a) Nguồn gốc sản phẩm có tính đại diện cho vùng miền; quy mô sản xuất (tập trung, nhỏ lẻ,…); nhà cung ứng/phân phối;

b) Khối lượng sản phẩm lớn.

4.1.3. Trường hợp các cơ sở kinh doanh sản phẩm có cùng nguồn gốc và khối lượng, lựa chọn ngẫu nhiên 01 hoặc vài cơ sở kinh doanh trong các cơ sở này để lấy mẫu và luân phiên nếu tiếp tục lấy mẫu cho các đợt giám sát tiếp theo.

4.1.4. Để bảo đảm tính đồng nhất của mẫu, mỗi mẫu kiểm nghiệm chỉ nên lấy từ 01 cơ sở kinh doanh; không lựa chọn số cơ sở kinh doanh nhiều hơn số mẫu cần lấy.

4.2. Xác định số lượng mẫu kiểm nghiệm cần lấy tại mỗi cơ sở kinh doanh đã được lựa chọn.

Căn cứ số mẫu cần lấy của từng đợt lấy mẫu trong kế hoạch giám sát đã được phê duyệt và số cơ sở kinh doanh đã lựa chọn tại Mục 4.1 để xác định số lượng mẫu tại từng cơ sở kinh doanh cho phù hợp và đảm bảo tính đại diện (có thể chấp nhận việc phân bổ đồng đều số mẫu cần lấy cho các cơ sở kinh doanh được lựa chọn).

4.3. Xác định thời Điểm mẫu lấy:

4.3.1. Xác định ngày lấy mẫu: Lựa chọn ngày có khối lượng tiêu thụ sản phẩm cần giám sát lớn (đặc biệt lưu ý những ngày lễ, tết, phiên chợ…và tập quán của mỗi địa phương).

4.3.2. Xác định thời Điểm lấy mẫu trong ngày:

a) Đối với mẫu lấy để phân tích các chỉ tiêu vi sinh vật: Tốt nhất nên lấy mẫu vào lúc cao Điểm diễn ra hoạt động mua bán của phiên chợ.

b) Đối với mẫu lấy để phân tích các chỉ tiêu hóa học (dư lượng thuốc BVTV, tồn dư chất kích thích sinh trưởng, kháng sinh): Lấy mẫu vào thời Điểm cơ sở kinh doanh nhập hàng nhằm đảm bảo mẫu có tính chính xác về nguồn gốc, xuất xứ.

5. Quy trình lấy mẫu

5.1. Chuẩn bị Điều kiện để lấy mẫu:

Sản phẩm

Rau tươi

Gạo, Hạt Điều

Thịt, thủy sản tươi, sống

Điều kiện chung

- Tài liệu về kế hoạch lấy mẫu;

- Biên bản lấy mẫu, tem niêm phong, nhãn nhận diện mẫu, biên bản bàn giao mẫu;

- Găng tay vô trùng sử dụng một lần, băng keo trong/dây buộc/dụng cụ bấm ghim, bút ghi nhãn không nhòe;

- Kéo hoặc dụng cụ xén;

- Cân loại 2kg hoặc 5kg;

- Túi đựng mẫu phân tích (túi PE sạch, khô)

- Thùng chứa mẫu (thùng xốp, thùng nhựa 02 lớp cách nhiệt, …).

- Bình xịt và cồn 700.

Điều kiện đặc thù

Túi đá lạnh hoặc gel lạnh

- Xiên lấy mẫu, muỗng/ca lấy mẫu khô sạch;

- Tấm lược mẫu.

- Dao cắt mẫu;

- Vợt;

- Panh gắp;

- Túi đá lạnh hoặc gel lạnh.

5.2. Tiến hành lấy mẫu:

5.2.1. Lấy mẫu sản phẩm rau tươi phân tích chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

5.2.1.1. Bước 1: Người lấy mẫu chuẩn bị đầy đủ các Điều kiện để thực hiện lấy mẫu.

5.2.1.2. Bước 2: Xác định vị trí lấy đơn vị mẫu

Căn cứ kế hoạch lấy mẫu đã được phê duyệt, người lấy mẫu xác định vị trí lấy các đơn vị mẫu để tạo mẫu ban đầu. Cách xác định như sau:

a) Xác định lô hàng để thực hiện lấy mẫu: Người lấy mẫu đề nghị cơ sở kinh doanh cung cấp thông tin để xác định nguồn gốc và khối lượng của các lô hàng đang được bày bán. Trên cơ sở đó, người lấy mẫu quyết định lựa chọn lô hàng để thực hiện lấy các đơn vị mẫu.

b) Vị trí các đơn vị mẫu phân bố ở phía trên, giữa và phía dưới của lô hàng.

5.2.1.3. Bước 3: Thực hiện lấy các đơn vị mẫu, mẫu ban đầu, mẫu chung, mẫu kiểm nghiệm.

a) Trước khi lấy các đơn vị mẫu, người lấy mẫu phải thực hiện: ghi thông tin về mẫu vào nhãn nhận diện; dán nhãn mẫu vào túi PE chứa mẫu; đeo găng tay sạch.

b) Lấy các đơn vị mẫu, mẫu ban đầu như sau:

b1) Trường hợp sản phẩm rau tươi được xếp thành khối: lấy ít nhất 03 đơn vị mẫu trong mỗi khối để tạo mẫu ban đầu, mẫu chung. Khối lượng mẫu chung phải bằng 02 lần khối lượng mẫu kiểm nghiệm.

b2) Trường hợp sản phẩm rau, quả được bao gói (túi PE): lấy ngẫu nhiên theo bảng dưới đây:

TT

Số bao gói giống nhau trong lô sản phẩm

Số bao gói được lấy, mỗi bao gói là 01 mẫu ban đầu

01

Đến 100

05

02

101 đến 300

07

03

Trên 300

09

c) Tạo mẫu kiểm nghiệm:

Sau khi tạo mẫu chung, người lấy mẫu thực hiện trộn lẫn sản phẩm với nhau và chia đều để tạo mẫu kiểm nghiệm. Đối với rau muống, khối lượng mẫu kiểm nghiệm là 01 kg; đối với rau cải, khối lượng mẫu kiểm nghiệm là 02 kg.

5.2.2. Lấy mẫu sản phẩm gạo phân tích chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

5.2.2.1. Bước 1: Người lấy mẫu chuẩn bị đầy đủ các Điều kiện để thực hiện lấy mẫu.

5.2.2.2. Bước 2: Xác định vị trí lấy đơn vị mẫu

Căn cứ kế hoạch lấy mẫu đã được phê duyệt, người lấy mẫu xác định vị trí lấy các đơn vị mẫu để tạo mẫu ban đầu. Cách xác định như sau:

a) Xác định lô hàng để thực hiện lấy mẫu: Người lấy mẫu đề nghị cơ sở kinh doanh cung cấp thông tin để xác định nguồn gốc và khối lượng của các lô hàng đang được bày bán; lựa chọn các bao gạo để thực hiện lấy các đơn vị mẫu.

b) Vị trí các đơn vị mẫu phân bố ở phía trên, giữa và phía dưới của bao gạo.

5.2.2.3. Bước 3: Thực hiện lấy các đơn vị mẫu, mẫu ban đầu, mẫu chung, mẫu kiểm nghiệm.

a) Trước khi lấy các đơn vị mẫu, người lấy mẫu thực hiện: ghi thông tin về mẫu vào nhãn nhận diện, dán nhãn mẫu vào túi PE chứa mẫu; đeo găng tay sạch.

b) Lấy các đơn vị mẫu từ các phần khác nhau của bao (đỉnh, giữa và đáy) bằng xiên lấy mẫu trong bao/túi với số lượng bao quy định theo bảng dưới đây để tạo mẫu ban đầu:

TT

Số bao trong lô hàng

Số bao được lấy mẫu

01

Đến 10 bao

Từng bao

02

Từ 10 bao đến 100 bao

Lấy ngẫu nhiên 10 bao

03

Trên 100 bao

Lấy phần nguyên căn bậc 2 của tổng số bao

c) Tạo mẫu kiểm nghiệm:

Các mẫu ban đầu sau khi được lấy từ lô sản phẩm được tập hợp lại, trộn đều và rút gọn mẫu bằng phương pháp chia tư như sau: đổ gạo vào hình nón, sau đó gạt bằng đỉnh của đống gạo và chia thành 04 phần đều nhau; loại bỏ 02 phần đối diện, lấy 02 phần còn lại trộn đều và lặp lại cách chia như trên đến khi mẫu có đủ khối lượng theo yêu cầu. Khối lượng mẫu kiểm nghiệm tối thiểu 01 kg.

5.2.3. Lấy mẫu sản phẩm hạt Điều phân tích chỉ tiêu độc tố nấm (Aflatoxin B1, B2, G1, G2)

5.2.3.1. Bước 1: Người lấy mẫu chuẩn bị đầy đủ các Điều kiện để thực hiện lấy mẫu.

5.2.3.2. Bước 2: Xác định vị trí lấy đơn vị mẫu

Căn cứ kế hoạch lấy mẫu đã được phê duyệt, người lấy mẫu xác định vị trí lấy các đơn vị mẫu để tạo mẫu ban đầu. Cách xác định như sau:

a) Xác định lô hàng để thực hiện lấy mẫu: Người lấy mẫu đề nghị cơ sở kinh doanh cung cấp thông tin để xác định nguồn gốc và khối lượng của các lô hàng đang được bày bán; lựa chọn bao gói sản phẩm để thực hiện lấy các đơn vị mẫu.

b) Đơn vị mẫu :

b1) Nếu mỗi đơn vị bao gói có khối lượng nhỏ hơn khối lượng của mẫu kiểm nghiệm thì được coi là một đơn vị mẫu.

b2) Nếu mỗi đơn vị bao gói có khối lượng lớn hơn khối lượng của mẫu kiểm nghiệm, vị trí lấy đơn vị mẫu tại 03 phần khác nhau của đơn vị bao gói.

5.2.3.3. Bước 3: Thực hiện lấy các đơn vị mẫu, mẫu ban đầu, mẫu chung, mẫu kiểm nghiệm

a) Trước khi lấy các đơn vị mẫu, người lấy mẫu thực hiện: ghi thông tin về mẫu vào nhãn nhận diện, dán nhãn mẫu vào túi PE chứa mẫu; đeo găng tay sạch.

b) Số lượng đơn vị bao gói được chỉ định để lấy mẫu trong một lô hàng phụ thuộc vào cỡ lô theo bảng dưới đây:

TT

Số đơn vị bao gói trong lô hàng

Số đơn vị bao gói được lấy mẫu

01

Từ 01 đến 05

Lấy tất cả

02

Từ 06 đến 50

03

03

Từ 51 đến 100

06

04

Từ 101 đến 350

08

05

Trên 350

13

c) Mẫu ban đầu: trường hợp đơn vị bao gói có khối lượng lớn hơn khối lượng mẫu kiểm nghiệm cần lấy, người lấy mẫu tiến hành mở bao gói, đổ hạt Điều trên mặt phẳng sạch, trộn đều, dàn mỏng, sau đó lấy mẫu các đơn vị mẫu tại 03 vị trí khác nhau để tạo mẫu ban đầu.

d) Tạo mẫu chung: Trộn đều các mẫu ban đầu để tạo mẫu chung, lượng mẫu chung không được ít hơn 03 kg.

đ) Mẫu kiểm nghiệm: chia đều mẫu chung thành 04 phần theo phương pháp đường chéo, lấy 02 phần đối diện, tạo thành mẫu kiểm nghiệm.

5.2.4. Lấy mẫu sản phẩm thịt gà và thịt lợn phân tích chỉ tiêu: vi sinh vật gây bệnh, dư lượng hoocmon

5.2.4.1. Bước 1: Người lấy mẫu chuẩn bị đầy đủ các Điều kiện để thực hiện lấy mẫu.

5.2.4.2. Bước 2: Xác định vị trí lấy đơn vị mẫu

Căn cứ kế hoạch lấy mẫu đã được phê duyệt, người lấy mẫu xác định vị trí lấy các đơn vị mẫu để tạo mẫu ban đầu. Cách xác định như sau:

a) Xác định lô hàng để thực hiện lấy mẫu: Người lấy mẫu đề nghị cơ sở kinh doanh cung cấp thông tin để xác định nguồn gốc và khối lượng của các lô hàng đang được bày bán; lựa chọn lô hàng để thực hiện lấy các đơn vị mẫu.

b) Xác định vị trí lấy đơn vị mẫu:

 

Thịt heo

Thịt gà

Nửa thân thịt

Thịt pha lóc khối lượng ≤ 02 kg

Thịt pha lóc khối lượng > 02 kg

Nguyên con

Pha lóc

Vị trí lấy đơn vị mẫu

Mông, ức, lưng, cơ hoành

Nguyên khối thịt

Bốn mặt cắt xung quanh của khối thịt

½ con

Nguyên khối

5.2.4.3. Bước 3: Thực hiện lấy các đơn vị mẫu, mẫu ban đầu, mẫu chung, mẫu kiểm nghiệm

a) Trước khi lấy các đơn vị mẫu, người lấy mẫu thực hiện: ghi thông tin về mẫu vào nhãn nhận diện, dán nhãn mẫu vào túi PE chứa mẫu; đeo găng tay, xịt cồn 700 để khử trùng tay. Lưu ý: Sau mỗi lần lấy mẫu, phải thay găng tay và dụng cụ lấy mẫu, sử dụng bộ dụng cụ lấy mẫu mới đã được khử trùng cho lần lấy mẫu tiếp theo..

b) Tiến hành lấy mẫu như sau:

 

Thịt heo

Thịt gà

 

Nửa thân thịt

Thịt pha lóc khối lượng ≤ 02 kg

Thịt pha lóc khốilượng > 02 kg

Nguyên con

Pha lóc

Lấy đơn vị mẫu

Cắt các đơn vị mẫu tại các vị trí: Mông, ức, lưng, cơ hoành

Lấy nguyên khối thịt

Cắt bốn mặt cắt xung quanh của các khối thịt, các khối thịt phải cùng một thân thịt.

Lấy ½ con

Lấy nguyên

khối

Mẫu ban đầu

Gộp các đơn vị mẫu thành mẫu ban đầu

Là đơn vị mẫu

Gộp các miếng cắt xung quanh khối thịt

Là đơn vị mẫu

Gộp nhiều đơn vị mẫu

Mẫu chung

Là mẫu ban đầu

Mẫu kiểm nghiệm

Là mẫu chung

c) Trường hợp, thịt gà được bao gói nguyên con thì lấy nguyên gói, không mở bao gói ra.

d) Khối lượng mẫu kiểm nghiệm như sau:

TT

Nhóm chỉ tiêu

Khối lượng tối thiểu mẫu kiểm nghiệm

1

Các chỉ tiêu vi sinh vật

0,5 kg (phần ăn được)

2

Các chỉ tiêu hóa học

1,0 kg (phần ăn được)

5.2.5. Lấy mẫu thủy sản sống, tươi, ướp đá phân tích chỉ tiêu: vi sinh vật gây bệnh và dư lượng kháng sinh.

5.2.5.1. Bước 1: Người lấy mẫu chuẩn bị đầy đủ các Điều kiện để thực hiện lấy mẫu.

5.2.5.2. Bước 2: Lấy các đơn vị mẫu

Căn cứ kế hoạch lấy mẫu đã được phê duyệt, người lấy mẫu xác định vị trí lấy các đơn vị mẫu để tạo mẫu ban đầu. Cách xác định như sau:

a) Xác định lô hàng để thực hiện lấy mẫu: Người lấy mẫu đề nghị cơ sở kinh doanh cung cấp thông tin để xác định nguồn gốc và khối lượng của các lô hàng đang được bày bán; lựa chọn lô hàng để thực hiện lấy các đơn vị mẫu.

b) Mỗi cá thể thủy sản được coi là một đơn vị mẫu. Số đơn vị mẫu được lấy như sau:

 

Khối lượng cá thể > 01 kg

Khối lượng cá thể ≤ 01 kg

Thủy sản sống

Thủy sản tươi, ướp đá

Thủy sản sống

Thủy sản tươi, ướp đá

Số đơn vị mẫu

01 (tương ứng với 01 cá thể)

01 (tương ứng với 01 cá thể)

02 trở lên (tới khi đủ tạo thành mẫu phân tích)

02 trở lên (tới khi đủ tạo thành mẫu phân tích)

Vị trí lấy đơn vị mẫu

Lấy ngẫu nhiên 01 cá thể thủy sản trong 01 bể/dụng cụ chứa bất kỳ

Lấy 01 cá thể thủy sản ở giữa hoặc phía dưới của 01 dụng cụ chứa/bao gói bất kỳ

Lấy ngẫu nhiên từng cá thể thủy sản trong bể/dụng cụ chứa. Trường hợp có nhiều bể/dụng cụ chứa thì sẽ lấy lần lượt ở các bể/dụng cụ chứa khác tới khi đủ tạo thành mẫu phân tích (Việc lựa chọn các bể/dụng cụ chứa được thực hiện theo nguyên tắc ngẫu nhiên).

Lấy từng cá thể thủy sản ở vị trí theo thứ tự: ở phía trên, ở giữa, ở phía dưới của khay/dụng cụ chứa.

Trường hợp chưa đủ khối lượng phân tích thì sẽ lấy tiếp các cá thể ở các khay/dụng cụ chứa khác (nếu lô hàng có nhiều khay/dụng cụ chứa). Việc lựa chọn khác khay/dụng cụ chứa được thực hiện theo nguyên tắc ngẫu nhiên.

5.2.5.3. Bước 3: Thực hiện lấy các đơn vị mẫu, mẫu ban đầu, mẫu chung, mẫu kiểm nghiệm:

a) Trước khi lấy các đơn vị mẫu, người lấy mẫu thực hiện: ghi thông tin về mẫu vào nhãn nhận diện, dán nhãn mẫu vào túi PE chứa mẫu. Đeo găng tay, xịt cồn 700 để khử trùng tay. Lưu ý: Sau mỗi lần lấy mẫu, phải thay găng tay và dụng cụ lấy mẫu, sử dụng bộ dụng cụ lấy mẫu mới đã được khử trùng cho lần lấy mẫu tiếp theo..

c) Đối với cá còn sống: dùng vợt vớt từng cá thể thủy sản từ trong bể/dụng cụ chứa, giữ Khoảng 0,5-1 phút để cho ráo nước, sau đó cho trực tiếp vào 01 túi PE, lấy cho đến khi đủ khối lượng phân tích (0,5 - 01 kg). Mỗi túi PE là tập hợp của 01 hoặc nhiều đơn vị mẫu (01 hoặc nhiều cá thể), được coi là mẫu ban đầu, mẫu chung và đồng thời là mẫu kiểm nghiệm.

d) Đối với thủy sản tươi, ướp đá: Lấy mẫu ban đầu từ các khay/dụng cụ chứa (gọi chung là khay) theo bảng sau:

Nhóm chỉ tiêu phân tích

Số khay

Số mẫu ban đầu cần lấy

Số mẫu kiểm nghiệm

Khối lượng mẫu kiểm nghiệm tối thiểu (kg)

Vi sinh

1-2

lấy 1 mẫu/khay ở tất cả các khay

1

0,5

3- 150

3

1

0,5

151 - 1.200

5

1

0,5

≥ 1.201

8

1

0,5

Hóa học

1-2

lấy 1 mẫu/khay ở tất cả các khay

1

1

3- 150

3

1

1

151 - 1.200

5

1

1

≥ 1.201

8

1

1

Các đơn vị mẫu được lấy và đưa trực tiếp vào 01 túi PE, do đó, mỗi túi PE vừa là mẫu ban đầu, mẫu chung và đồng thời là mẫu kiểm nghiệm.

5.3. Ghi nhãn, niêm phong mẫu

5.3.1. Sau khi tạo mẫu kiểm nghiệm, cho mẫu vào túi PE (trừ trường hợp lấy mẫu thủy sản đã đưa trực tiếp vào túi PE).

5.3.2. Buộc dây/dán băng keo/bấm kim kín miệng túi PE.

5.3.3. Ghi bổ sung thông tin vào nhãn mẫu (Mẫu 1) và tem niêm phong (Mẫu 2).

5.3.4. Dán tem niêm phong vào miệng túi PE (lưu ý: Tem niêm phong mẫu phải được đặt tại phần miệng của túi đựng mẫu nhưng không làm che khuất tem nhận diện mẫu).

5.3.5. Sử dụng băng keo bao kín tem để đảm bảo khi mở hoặc cắt băng keo, phần tem niêm phong sẽ bị rách.

5.3.6. Xếp mẫu vào thùng chứa mẫu để bảo quản đảm bảo không thay đổi đặc tính mẫu.

5.3.7. Sau khi hoàn thành công tác lấy mẫu, vệ sinh thu dọn vật dụng tại khu vực lấy mẫu để không ảnh hưởng đến hoạt động của hộ kinh doanh.

5.4. Bảo quản mẫu

5.4.1. Đối với các loại mẫu yêu cầu phải bảo quản lạnh (thịt, thủy sản và rau tươi): Sử dụng các thùng bảo quản (thùng xốp hoặc thùng nhựa cách nhiệt) có túi đá lạnh giữ nhiệt. Xếp 01 lượt đá xuống đáy thùng và xung quanh thùng, sau đó xếp mẫu vào. Xếp các mẫu sao cho hạn chế tối đa khả năng xảy ra dồn nén và dập nát mẫu trong quá trình vận chuyển (tốt nhất xếp mẫu thành hàng).

Cuối cùng, phủ 01 lượt đá ở trên trước khi đóng nắp thùng chứa mẫu. Chú ý tránh để các mẫu đông lạnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với các khối đá đông lạnh.

5.4.2. Đối với các loại mẫu bảo quản Điều kiện thường (gạo, hạt Điều): Xếp mẫu đã được bao gói, niêm phong vào thùng chứa mẫu.

5.4.3. Dùng băng keo bao kín miệng thùng chứa mẫu, ghi và dán nhãn thùng chứa mẫu (nếu cần thiết hoặc trong trường hợp gửi mẫu tới phòng kiểm nghiệm).

5.4.4. Bảo quản mẫu phân tích chỉ tiêu vi sinh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành của Bộ NN&PTNT, Bộ y tế

5.5. Lập biên bản lấy mẫu.

Người lấy mẫu hoàn thiện đầy đủ các nội dung biên bản lấy mẫu theo mẫu tại Mẫu 3.

5.6. Vận chuyển về phòng kiểm nghiệm

Mẫu được vận chuyển đến phòng kiểm nghiệm được chỉ định càng nhanh càng tốt, đảm bảo Điều kiện bảo quản phù hợp với dạng sản phẩm trong quá trình vận chuyển mẫu, không làm hư hại mẫu có thể làm sai lệch kết quả phân tích của mẫu kiểm nghiệm.

5.7. Bàn giao mẫu

Trực tiếp tại phòng kiểm nghiệm: người giao mẫu và cán bộ nhận mẫu tiến hành kiểm tra tình trạng mẫu, đặc tính mẫu, các thông tin trên mẫu, các yêu cầu phân tích trước khi giao nhận mẫu và xác nhận biên bản bàn giao mẫu theo mẫu tại Mẫu 4.

 

MẪU 1. NHÃN NHẬN DIỆN MẪU

 

MẪU 2. TEM NIÊM PHONG MẪU

(được Cơ quan quản lý thực hiện lấy mẫu đóng dấu giáp lai)

Cán bộ lấy mẫu

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

…., ngày…./.…/20…

Đại diện cơ sở được lấy mẫu

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

..., ngày…./…./20…

 

MẪU 3. BIÊN BẢN LẤY MẪU

TÊN CƠ QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

..., ngày ... tháng ... năm...

 

BIÊN BẢN LẤY MẪU

Số ..... /BB-…

Tên cơ sở được lấy mẫu:

.....................................................................................................................................

Địa Điểm lấy mẫu:

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

Người lấy mẫu: (Họ tên, chức vụ, đơn vị):

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

Đại diện cơ sở được lấy mẫu: (Họ tên, chức vụ, đơn vị)

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

STT

Tên mẫu

Ký hiệu mẫu

Thông tin về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng

Số lượng sản phẩm tại hộ kinh doanh

Lượng mẫu (kg)

Tình trạng mẫu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biên bản được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, đã được các bên thông qua mỗi bên giữ 01 bản.

 

Đại diện cơ sở được lấy mẫu
(Ký, ghi rõ họ tên)

Người lấy mẫu
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

MẪU 4. BIÊN BẢN GIAO NHẬN MẪU

TÊN CƠ QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

..., ngày ... tháng ... năm...

 

BIÊN BẢN GIAO NHẬN MẪU

Số ..... /BB-…

Hôm nay, vào hồi .... giờ .... ngày .... / .... /20... tại ............................... Đại diện Bên giao mẫu và Đại diện cơ quan kiểm nghiệm (Bên nhận mẫu) tiến hành bàn giao mẫu và các yêu cầu kiểm nghiệm, cụ thể như sau:

Đại diện Bên giao mẫu:

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................Đại diện Cơ quan kiểm nghiệm (Bên nhận mẫu):

....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

TT

Tên mẫu

Ký hiệu mẫu

Tình trạng mẫu

Lượng mẫu

Chỉ tiêu yêu cầu kiểm nghiệm

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

Tài liệu kèm theo:

.....................................................................................................................................

.....................................................................................................................................

 

Đại diện bên giao mẫu
(Ký, ghi rõ họ tên)

Đại diện cơ quan kiểm nghiệm
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

Tên mẫu:

Ký hiệu mẫu:

Khối lượng mẫu:

Ngày sản xuất:

Hạn sử dụng (nếu có):

Ngày lấy mẫu:

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.

Điều chỉnh quy định về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý

(ĐCSVN) – Ngày 26/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website