(ĐCSVN) - Điều chỉnh tiêu chí hộ nghèo; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn bị phạt từ 4-8 triệu đồng; vi phạm giao thông có thể bị phạt đến 75 triệu... là những quy định có hiệu lực từ tháng 1-2022.
Hộ nghèo có mức thu nhập dưới 2 triệu đồng
Đây là nội dung của Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định 59 đã được ban hành từ năm 2015.
Cụ thể, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.
Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo.
Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng - 01 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Ấn định mức cho vay mua nhà
Những ngày cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng ra Quyết định 1956 ấn định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022, đối với dư nợ của các khoản vay mua nhà ở.
Mức lãi suất này được quy định là 4,8%/năm, bằng với mức lãi suất năm 2021 và giảm 0,2%/năm so với các năm 2019 và 2020.
Đối tượng được vay vốn là: Cán bộ, công chức, viên chức và người thu nhập thấp cần vay vốn để mua nhà ở xã hội hoặc mua ở nhà thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; hoặc mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có tổng giá trị hợp đồng mua bán không quá 1,05 tỷ đồng…
Xăng điều chỉnh giá 10 ngày 1 lần
Có hiệu lực từ ngày 02/01/2022 là Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu.
|
Ảnh minh họa |
Nghị định 95 quy định giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, mùng 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định 95 được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.
Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn bị phạt từ 4-8 triệu đồng
Nghị định 102 quy định phạt từ 04 - 08 triệu đồng đối với trường hợp lập hóa đơn, nhưng không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định, trong khi trước đây không có quy định xử phạt về hành vi này.
|
Ảnh minh họa: tuoitre.vn |
Tương tự, với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế, Nghị định 102 cũng quy định phạt từ 04 - 08 triệu đồng và các bên phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trước đây, hành vi này cũng không có quy định xử phạt.
Đáng chú ý, Nghị định mới tăng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn lên 02 năm, thay vì 01 năm như cũ.
Thay đổi cách tính thuế đối với người cho thuê nhà
Thông tư 100 của Bộ Tài chính với quy định mới về cách tính thuế đối với người cho thuê nhà.
Theo Thông tư 40 được ban hành trước đó không lâu, cá nhân cho thuê nhà không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch, thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê nhà không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm dương lịch (12 tháng).
Thông tư 100 điều chỉnh lại như sau: Nếu cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê nhà, thời gian cho thuê không trọn năm, doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì mới không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Cũng theo Thông tư 100, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… sẽ không bắt buộc phải nộp thuê thay cho người bán; nghĩa vụ này chỉ phát sinh nếu giữa sàn thương mại điện tử và người bán sinh có hợp đồng ủy quyền. Trong khi Thông tư 40 trước đó quy định đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với các sàn thương mại điện tử.
Ô tô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt
Các chủ xe ô tô kinh doanh vận tải cần hết sức lưu ý, bắt đầu từ ngày 01/01/2022, nếu ô tô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt. Đây là tinh thần của Nghị quyết 66 năm 2021 của Chính phủ.
Đáng lẽ, quy định xử phạt nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 01/7/2021 theo Nghị định 100 năm 2020, tuy nhiên sau đó Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt nêu trên hết hết ngày 31/12/2021.
Tức là, từ ngày 01/01/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm: taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng… bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt từ 01 - 02 triệu đồng.