Vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tư pháp

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTP ngày 29/6/2023 quy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp.

Thông tư số 02/2023/TT-BTP quy định về danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp, áp dụng với các cơ quan, tổ chức hành chính thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực Tư pháp từ trung ương đến địa phương, gồm 26 vị trí việc làm ở cấp trung ương, 23 vị trí việc làm ở cấp tỉnh, 12 vị trí việc làm ở cấp huyện, cụ thể trong từng lĩnh vực sau:

+ 06 lĩnh vực có vị trí việc làm từ Trung ương (Bộ Tư pháp) đến cấp huyện (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự) bao gồm: xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; hành chính tư pháp và thi hành án dân sự;

+ 02 lĩnh vực có vị trí việc làm từ Trung ương (Bộ Tư pháp) đến cấp tỉnh (Sở Tư pháp) bao gồm: bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế;

+ 01 lĩnh vực có vị trí việc làm tại Bộ Tư pháp: Đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.

Thông tư số 02/2023/TT-BTP cùng với các Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm của các Bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức là cơ sở pháp lý quan trọng cho Bộ, ngành, địa phương nói chung và Bộ, ngành Tư pháp nói riêng trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, làm tiền đề cho việc bố trí biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo … được bài bản, khoa học, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Liên kết website