LỜI GIỚI THIỆU
Quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng cũng chính là quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Tiếp theo cuốn Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam tập I và tập II, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III (1945-1954) Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc.
Cuốn sách phản ánh thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo cách mạng từ tháng 9-1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến tháng 7- 1954, ký Hiệp định Giơnevơ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Những sự kiện được trình bày trong cuốn sách khắc họa lại những nội dung cơ bản của thời kỳ lịch sử này. Đó là quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng chế độ mới dưới chính thể Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đấu tranh chống "thù trong, giặc ngoài". Với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vừa xây dựng chế độ mới, vừa kiên quyết đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân, vượt qua những khó khăn hết sức to lớn về mọi mặt, đưa chính quyền cách mạng thoát ra khỏi tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Đó là quá trình Đảng lãnh đạo công tác chuẩn bị cho kháng chiến toàn quốc và chủ động phát động cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ xâm lược, đánh bại từng kế hoạch chiến tranh của địch, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi to lớn với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương. Đó cũng là quá trình Đảng có sự lớn mạnh vượt bậc về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thể hiện qua việc nhận thức rõ hơn và giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc, cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam, thể hiện qua tư duy kinh tế của Đảng, bước đầu đưa ra được những quan điểm đúng đắn về phát triển kinh tế mà Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là một dấu mốc quan trọng. Do đó, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, Đảng đã lãnh đạo thực hiện thành công nhiệm vụ kiến quốc, góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và để lại kiến thức, kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng kinh tế hết sức quý báu.
Mặc dù các tác giả đã có nhiều cố gắng trong quá trình lựa chọn, biên soạn những sự kiện lịch sử tiêu biểu về tổ chức và hoạt động của hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến các Đảng bộ địa phương, của các ban, ngành... nhưng nội dung cuốn sách không thể tránh khỏi những hạn chế. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc để nội dung cuốn sách được đầy đủ và hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng cảm ơn.
VIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG